An cư xưa và nay: thích nghi sinh hoạt
An cư xưa và nay
An cư xưa và nay: thích
nghi sinh hoạt
Thích Hạnh Chơn
An cư là pháp đươc Đức Phật
chấp nhận cho chư Tăng thực hành trong ba tháng mùa mưa phù hợp với phong tục
thời Phật còn tại thế. Truyền thống ấy được chư Tăng duy trì thực hành cho đến
ngày nay. Tuy nhiên, văn hóa, tập tục thời Đức Phật cách nay hơn 2.500 năm chắc
chắn khác hẳn với văn hóa hiện nay trên chính mảnh đất ấy; huống chi thời gian
cách xa, quốc độ khác nhau về văn hóa, tập tục thì việc áp dụng An cư không thể
cứng nhắc rập khuôn. Điều này cũng được chính Đức Phật chỉ dạy cho ngài A Nan là
tùy điều kiện thay đổi. Bài viết này bàn về việc tổ chức An cư xưa và nay cũng
như những lợi ích thiết thực của việc thực hành pháp An cư.
An cư là pháp sinh hoạt tập
thể của chư Tăng. Mục đích An cư là để chư Tăng tập trung về một trú xứ cùng tu
học trau dồi Tam vô lậu học (giới, định, tuệ) và truyền trao kinh nghiệm tu học
cho nhau, đặc biệt là từ vị Tôn trưởng có kinh nghiệm tu tập (hành pháp) cho các
vị thiếu kinh nghiệm. Tựu trung có thể đưa ra bốn mục đích như bài viết của tác
giả Tâm Nhãn.
1. An cư để tránh giẫm đạp côn trùng, khỏi bị cư sĩ than phiền (thời xưa). 2. An
cư mùa mưa là thời gian thích hợp để chư Tăng ở yên một chỗ tu tập tiến bộ tâm
linh. 3. An cư là biểu hiện tinh thần hòa hợp của cộng đồng Tăng lữ trong cùng
một trú xứ để giáo giới và sách tấn nhau. 4. An cư là tạo điều kiện cho Phật tử
thân cận gần gũi chư Tăng để học hỏi giáo pháp.
Trong bốn mục đích ấy, ngày
nay chỉ còn hai mục đích là thiết thực và phù hợp. Đó là mục đích ba và bốn. Vì
sao? Ngày nay chư Tăng quanh năm ở chùa, và dù có đi công tác Phật sự rất bận
rộn thì thời gian phần lớn vẫn là ở chùa. Chư Tăng ở chùa thì theo nghĩa cư trú
đã là an cư rồi. Hơn nữa, ngày nay An cư kiết hạ là vào mùa hè thì vấn đề giẫm
đạp côn trùng không còn phù hợp và cũng hiếm thấy có cư sĩ than phiền. Chỉ có
mục đích ba và bốn là còn phù hợp. Trong một trú xứ như tỉnh, huyện, xã phường,
chư Tăng có đồng về một trú xứ cùng An cư hay không? Nếu tất cả chư Tăng trong
huyện chẳng hạn đồng về một trú xứ tác pháp An cư thì điều đó chứng tỏ rằng chư
Tăng nơi đó hòa hợp, ít nhất trên hình thức; ngược lại là sự phân tán và biểu
hiện sự không đoàn kết hòa hợp. Còn mục đích bốn, chư Tăng An cư là nhân duyên
tốt cho Phật tử gần gũi học giáo pháp. Thực tế thì các đạo tràng An cư tạo điều
kiện cho Phật tử gần gũi học giáo pháp hay gần gũi để cúng dường cầu phước báu
thì tự thân các trường hạ rõ biết.
Cũng trong bài viết, tác giả
đưa ra vấn đề rất đáng quan tâm, đó là chư Tăng An cư nặng hình thức lễ nghi,
chư Tăng tùng hạ thì chỉ về để ăn trưa (Quá đường) nhận cúng dường rồi đi về. “Tu
tập thiền tư bị xem nhẹ, tổ chức giảng dạy cho Phật tử thì cũng không.” Phật
tử về chùa cúng dường thường được hướng dẫn tụng kinh cầu an, cầu siêu và vào
thời Quá đường thì cũng chỉ được nghe vài lời khuyến tấn hay nói lý thuyết về
quả lành từ việc cúng dường chư Tăng. Ngoài ra, Phật tử không được học giáo pháp
để tu tập bản thân.
Như vậy, An cư với hình thức
lễ nghi tín ngưỡng thì không thiếu và dư nhưng nội dung pháp học và pháp hành (ứng
dụng) thì thiếu cho hành giả An cư và Phật tử. Có ý kiến cho rằng chư Tăng ngày
nay đã học giáo pháp tại các trường Phật học nên trường hạ không chú trọng dạy
giáo pháp. Thật ra, nếu các trường hạ chú trọng vào pháp hành và chia sẻ kinh
nghiệm tu tập thì điều đó rất bổ ích cho hành giả An cư. Có lẽ điều thiếu trong
các trường hạ là việc thực hành các pháp học, nó không phải chỉ là nghi thức tán
tụng, cúng kiếng…
Trong bài viết của tác giả
Nguyên Hùng,
những điều suy nghĩ của tác giả cũng đáng được quan tâm. Tác giả nêu sự thành
công về hình thức tổ chức An cư nhưng lại thiếu nội dung thực hành tâm linh; lý
do là thiếu các bậc thầy tâm linh truyền trao kinh nghiệm thực hành giáo pháp
cho hành giả An cư. Về vấn đề này, một thực tế là trường hạ nào cũng có thiền
chủ, có nơi thêm phó thiền chủ - những bậc thầy làm nơi nương tựa tâm linh cho
hành giả An cư, nhưng rất hiếm khi các vị thiền chủ có toàn thời gian sinh hoạt
truyền trao kinh nghiệm tu tập cho hành giả An cư. Nếu thiền chủ chỉ là biểu
tượng, là danh xưng trong ban chức sự mà thiếu cái thực tế sinh hoạt cùng đại
chúng thì làm sao hành giả An cư hưởng được kinh nghiệm tu tập. Vào thời Đức
Phật, chính Đức Phật và chư Thánh đệ tử là điểm tựa tâm linh cho hành giả An cư
nên mới có nhiều vị chứng thánh sau ba tháng. Ngày nay ba tháng An cư chú trọng
lễ nghi tán tụng, cúng bái nên thời gian học pháp giúp cho hành giả nhìn lại tâm
mình, tức “phản quan tự kỷ” hay chánh niệm tỉnh giác, xem ra bị xem nhẹ. Chẳng
hạn, chánh niệm tỉnh giác là sao không mấy hành giả An cư hiểu đúng huống chi
thực hành. Đó là điều rất đáng lưu tâm.
Về thời gian An cư, đúng theo
luật thì An cư phải đủ ba tháng. Thời Đức Phật, chư Tăng chỉ tập trung vào việc
học pháp, hành pháp và truyền dạy giáo pháp. Chư Tăng không phải lo chùa, không
tham gia các tổ chức xã hội… Ngày nay, việc thực hành An cư có sự linh động chứ
không hoàn toàn đúng ba tháng vì điều kiện không cho phép. Nhìn lại tất cả các
trường hạ An cư trong ba tháng, hầu hết hành giả An cư là chư Tăng không trụ
trì. Các vị trụ trì chỉ có thể tham gia tác pháp An cư rồi sinh hoạt Bố-tát mỗi
tháng hai lần và thêm dự Quá đường hằng ngày nếu sắp xếp được thời gian. Đây gọi
là tùng hạ. Xét về quy định thì tùng hạ không đúng vì không ở đủ ba tháng, nhưng
cũng không sai nếu vị ấy về chùa sinh hoạt thời khóa như tại trường hạ, nghĩa là
vị ấy cũng đang An cư tại chùa.
Một hình thức tu học khác
thường diễn ra trong ba tháng An cư là khóa tu ngắn hạn mười ngày. Xét theo luật
thì khóa tu mười ngày không được gọi là An cư nhưng bản chất cho thấy phù hợp
với mục đích An cư vì khóa tu cũng biểu hiện sự đoàn kết hòa hợp, học tập chia
sẻ kinh nghiệm cho nhau của chư Tăng tham gia khóa tu. Vì vậy một số nơi ghi
Khóa An cư mười ngày. Các vị trụ trì có thể gác lại việc chùa mười ngày để cùng
nhau tu tập, chia sẻ kinh nghiệm. Nếu như khóa tu có được các bậc tôn túc có học
và có kinh nghiệm thực hành giáo pháp truyền trao kinh nghiệm cho thế hệ sau thì
thật tốt. Thời gian tuy ngắn mà tổ chức đúng thì vẫn có kết quả tốt.
Với văn hóa và điều kiện thời
Đức Phật, An cư ba tháng mùa mưa là rất thích hợp. Ngày nay, các nước Nam truyền
như Thái Lan cũng giữ An cư ba tháng - từ tháng 6 đến tháng 9 - nhưng chư Tăng
vẫn đi khất thực chứ không phải ở trong chùa suốt ba tháng không bước ra khỏi
cổng. Phật giáo Bắc truyền Việt Nam thì theo truyền thống Trung Hoa nên An cư ba
tháng mùa hạ. Phần lớn Tăng trẻ hay trung niên xuất gia tham gia An cư trong ba
tháng. Các vị tôn đức lớn và các vị trụ trì thì thường lo chùa, lo Phật sự nên
khó dành trọn ba tháng An cư tại một trú xứ. Do đó, mô hình An cư mười ngày hay
khóa tu mười ngày được áp dụng rộng rãi ở các nước phương Tây, nơi có cộng đồng
Tăng Ni người Việt và cũng xuất hiện ở Việt Nam trong thời gian gần đây. Khóa tu
ngắn hạn nhưng đem lại lợi ích thì cũng nên khuyến khích hơn là khắt khe theo
luật. Thực tế các khóa tu vẫn diễn ra cho thấy xu thế thích nghi tồn tại theo
quy luật riêng của nó.