Sinh hoạt tu học tại các chùa ở Việt Nam hiện nay

sinh hoat

Sinh hoạt tu học tại các chùa ở Việt Nam hiện nay

 

Phật giáo là một tôn giáo rất linh động và thích nghi nhanh với môi trường mới để tồn tại và phát triển. Sự hiện hữu của Phật giáo ở các nước khác nhau vào những thời đại khác nhau minh chứng cho sự thích nghi tồn tại của Phật giáo. Phật giáo được biểu hiện qua sinh hoạt của chư Tăng và tín đồ cư sĩ thật đa dạng ở các vùng miền, quốc gia. Tại Việt Nam, ở mức độ nền tảng được biểu hiện qua sự sinh hoạt của Tăng Ni và Phật tử tại các chùa bởi chùa là cơ sở, là thành tố đóng góp tạo nên Phật giáo Việt Nam. Do vậy, ở mức độ nào đó, có lẽ để hiểu Phật giáo Việt Nam cần phải hiểu sự sinh hoạt tu học tại các chùa. Bài viết này sẽ trình bày vấn đề vừa nêu cũng như nêu lên một số điểm có thể góp phần bổ sung vào sự sinh hoạt tu học tại các chùa hiện nay.  

Sự sinh hoạt của Tăng Ni tại các chùa

Hằng ngày, Tăng Ni cũng như mọi người đều có thời khóa sinh hoạt nhất định. Thời Đức Phật, chư Tăng có đời sống đơn giản vì điều kiện xã hội và tập tục văn hóa bấy giờ. Chư Tăng buổi khuya hành thiền; buổi sáng khất thực về thọ dụng; buổi trưa nghỉ ngơi; buổi chiều nghe học pháp; buổi tối hành thiền. Hầu như chư Tăng không phải lo chùa chiền, kinh tế… nên có rất nhiều thời gian tu tập.  

Thời nay thì hoàn toàn khác. Tại các chùa Bắc tông Việt Nam, chư Tăng tụng kinh khuya bắt đầu từ 4g hoặc 4g30. Sau đó, chư Tăng quét dọn, ăn sáng, học hay tụng kinh, buổi trưa cúng Phật rồi ăn trưa, buổi chiều học hay tụng kinh, ăn chiều, rồi tụng kinh tối, sau đó học hay thiền và nghỉ ngơi. Đó là thời khóa thông thường trong một ngày của Tăng Ni.

Tuy nhiên, trong đời sống thực tế, Tăng Ni chỉ có thể thực hiện các thời khóa tụng kinh khuya và tối bởi không có thời gian cho các thời khóa còn lại ngoại trừ trong thời gian tham dự khóa tu ngắn ngày. Thời nay Tăng Ni rất bận rộn vì phải lo việc chùa, lo kinh tế chùa và nhiều thứ khác. Tăng Ni bận rộn cho việc phục vụ tín đồ và giao tiếp ơn nghĩa nên sáng, chiều thường đi cúng gần xa, dự giỗ tại các chùa lân cận, tham dự lễ nghi, họp hành tại các chùa khác... Thời gian dành cho các việc ấy chiếm phần lớn và tiêu hao sức lực nên việc học và đọc kinh sách trở nên giới hạn với nhiều Tăng Ni. Đây là một thực tế khó khăn cho Tăng Ni bởi cuộc sống không theo xu thế ấy thì khó có thể tồn tại được. Nếu không đi cúng bái, không đi phục vụ lễ nghi… mà chỉ ở chùa tu học thì sẽ không có nguồn tài chính để lo chùa vì rất ít tín đồ đến chùa cúng dường Tam bảo như ở thành thị hay các nước Phật giáo khác. Một khi đi theo hướng phục vụ cúng bái thì phải dành thời gian học nghi lễ để thực hành, và khi dành thời gian cho việc thực hành nghi lễ tại những nơi có nhu cầu thì khó có đủ thời gian, sức lực và động lực để học giáo pháp.

Vậy thì, với lượng kiến thức về Phật học được học tại các trường và sau khi tốt nghiệp về chùa thì đầu tư thời gian học nghi lễ tán tụng tang đẩu, trống… cũng như phục vụ quần chúng không còn thời gian để trau dồi kiến thức Phật pháp thì liệu rằng Tăng Ni nói chung và trụ trì nói riêng có thể hiểu đúng luật và giáo pháp của Đức Phật? Trong giới luật quy định, vị tân Tỷ-kheo phải ở với thầy năm năm để học luật và giáo pháp cũng như học kinh nghiệm tu tập từ vị thầy hướng dẫn. Nhờ đó, vị ấy biết bổn phận làm đệ tử, biết cách làm thầy, biết giới luật và phương pháp tu tập chuyển hóa tâm nhờ thực hành và nhờ thầy trực tiếp trợ giúp. Tất nhiên, vị thầy phải là người thông giới luật và giáo pháp, nghĩa là biết các điều luật, cách tổ chức Tăng đoàn, truyền thọ giới, phương pháp tu tập để làm chủ thân tâm...

Ngày nay, quy định về vị tân Tỷ-kheo phải theo thầy học năm năm khó khả thi trong khi theo học tại các trường thì chỉ đánh giá dựa vào chương trình học chứ không có tiêu chí đánh giá về việc thông giới luật và giáo pháp - điều bắt buộc cho một Tỷ-kheo theo luật. Bộ quy chuẩn về các điều luật có thể ứng dụng trong thực tế và giáo pháp căn bản bắt buộc cho một Tăng Ni ra làm thầy trụ trì cũng chưa ra đời ngoài trừ bằng cấp. Nếu bậc thầy còn mơ hồ thì các đệ tử được hướng dẫn sẽ ra sao?

Sự sinh hoạt của Phật tử tại gia

Là Phật tử thì bắt buộc ít nhiều phải gắn bó với chùa bởi nơi đó có đủ Tam bảo cho họ nương tựa. Phật tử không thể thiếu Tăng bảo - những người giảng dạy giáo pháp cho Phật tử bằng sở học và kinh nghiệm bản thân. Những người biện luận không cần Tăng bảo thì tất nhiên họ không chính thức là Phật tử và bản ngã của họ cũng quá to lớn.

Hiện nay, Phật tử thường về chùa vào các ngày sám hối là ngày 14 và cuối tháng, cũng như mùng một và ngày rằm. Một số ít Phật tử về chùa tụng kinh hằng đêm cùng với Tăng Ni. Một số về chùa vào các dịp lễ lớn như Tết, Phật đản, Vu lan để cúng bái, cầu nguyện, tham dự lễ. Một số ít về chùa tham dự các khóa tu hay tham gia các thiện sự như từ thiện, phóng sinh… Nhìn chung, Phật tử về chùa học và hành giáo pháp rất ít trong khi số về chùa theo nhu cầu tín ngưỡng như cúng bái, xem ngày giờ, phong thủy làm ăn buôn bán… thì nhiều hơn. Từ đó, chúng ta có thể thấy rằng số lượng Phật tử hiểu giáo pháp căn bản của người Phật tử như tam quy y, ngũ giới, nhân quả, nghiệp… để áp dụng trong đời sống thường nhật của Phật tử thật ít ỏi.

Vấn đề học giáo pháp

Học và hành giáo pháp là điều tối quan trọng trong Phật giáo bởi đó là con đường đưa hành giả đến giác ngộ giải thoát hay ít nhất là có an lạc. Tăng Ni ngày nay phần lớn học giáo pháp tại các trường Phật học và học kinh nghiệm trong đời sống sinh hoạt cộng đồng. Vấn đề là bằng cấp chưa nói được khả năng của Tăng Ni trong khi chưa có tổ chức thẩm định trình độ hiểu giới luật và giáo pháp của Tăng Ni.

Với Phật tử, học giáo pháp theo lứa tuổi nên có những hạn chế nhất định. Thanh thiếu niên chưa có môi trường để học giáo pháp thường xuyên bởi hai lý do là ít chùa dạy giáo pháp cho thanh thiếu niên và thanh thiếu niên ít được phụ huynh hướng dẫn đến chùa học giáo pháp. Phật tử trung niên cũng tương tự vì lý do bận công việc. Phật tử lão niên về chùa học giáo pháp tại các khóa tu nhưng bị hạn chế bởi tuổi tác nên việc tiếp thu và ứng dụng gặp khó khăn.

Con đường tương lai

Trong bài viết về vai trò trụ trì, tác giả Nguyễn Hằng đã đưa ra một số điểm đáng tham khảo. Trụ trì có trách nhiệm tiếp Tăng độ chúng để duy trì Tăng bảo trên thế gian; quản lý, bảo quản, giữ gìn tự viện nơi làm trụ trì; thực hiện các lễ nghi tại chùa để tạo điều kiện cho Phật tử đến chùa; chuyển tải nội dung giáo pháp đến nhiều người trong xã hội để tạo lập niềm tin nơi quần chúng và giúp họ tránh ác làm thiện thông qua việc thuyết giảng vào các khóa tu, dịp lễ và qua đời sống bản thân; giữ mối quan hệ tốt với các tổ chức chính quyền, tôn giáo, hội đoàn…[1]

Từ khách quan sinh hoạt tại các chùa và theo các điểm được nêu về vai trò trụ trì, bài viết xin đưa ra một số điểm để tham khảo.

Mỗi chùa bao gồm Tăng Ni và Phật tử cần tự lực làm tốt vai trò của mình. Càng có nhiều ngôi chùa có sinh hoạt tu học hiệu quả thì Phật giáo Việt Nam sẽ phát triển đồng bộ. Để đạt được điều đó, mỗi chùa có lẽ phải điều chỉnh cách sinh hoạt cho phù hợp. Đầu tiên, các chùa cần chọn kinh để đọc tụng cho phù hợp[2], những bài kinh dễ hiểu và có thể ứng dụng trong đời sống bên cạnh các kinh theo niềm tin, triết lý. Kế đến, cân bằng giữa thời gian phục vụ, hướng dẫn Phật tử tu học tại chùa và thời gian phục vụ nhu cầu cúng bái của quần chúng bên ngoài chùa. Theo hướng này, nếu giảm bớt cúng bái bên ngoài chùa, tăng thời lượng phục vụ tại chùa thì Phật tử sẽ về chùa nhiều hơn. Tuy nhiên, đây là một thách thức vì chưa có sự đồng bộ giữa các chùa và sự chọn lựa này sẽ ảnh hưởng đến vấn đề kinh tế chùa. Tiếp theo, một điều rất cần thiết cho linh hồn của Phật giáo là Tăng Ni và nhất là trụ trì phải dành thời gian mỗi ngày đọc kinh sách về giáo pháp để hiểu đúng lời Phật dạy và ứng dụng trong tu tập và giảng dạy. Tăng Ni có thể chọn theo pháp môn, truyền thống nhưng cốt yếu vẫn phải biết phương pháp tu tập tâm để có chánh niệm tỉnh giác, thấy rõ các pháp diễn ra theo quy luật của chúng. Cuối cùng, mỗi Tăng Ni cần kiểm nghiệm kết quả tu tập của mình theo thời gian.

Đối với Phật tử tại gia, có lẽ họ cần một quyển giáo lý căn bản ngắn gọn vừa đủ để Phật tử hiểu và thực hành. Phật tử cũng cần đọc tụng kinh phù hợp mang tính ứng dụng tu tập nhiều hơn thay vì nặng về phần niềm tin, triết lý cao siêu. Phật tử cũng cần giác ngộ quay về chùa để thực hiện các lễ nghi cúng bái kết hợp tu học làm phước thay vì tổ chức cúng bái tại nhà nặng hình thức lễ nghi phong tục.

Lời kết

Sự sinh hoạt vừa nêu phản ảnh một hiện thực đang diễn ra nhưng không nhiều người thích khi đọc về hiện thực ấy bởi ai cũng biết rằng khó mà thay đổi được. Những đề xuất được nêu cũng có vẻ lý tưởng, khó có thể thực hiện trong hiện tại và tương lai gần. Dẫu vậy, ước muốn tốt đẹp tích cực biết đâu một ngày nào đó trở thành hiện thực bởi nó không phải là không thực hiện được.

Đào tạo nhân sự cho Phật giáo mà ở đây muốn nhấn mạnh là hàng Tăng bảo gồm Tăng Ni cần chú trọng dựa trên lời Phật dạy là giới luật và giáo pháp (Pháp-Luật làm thầy). Giới luật thì quy định một vị Tăng Ni phải thông hiểu giới luật và giáo pháp để ứng dụng tu tập, mà muốn thông hiểu phải nương theo bậc thầy thông hiểu. Ngày nay khó cho Tăng Ni nương theo bậc thầy của mình nên giải pháp tối ưu là cần phải có bộ quy chuẩn về giới luật để bất cứ Tăng Ni nào học qua phải biết bổn phận học trò, nhiệm vụ của thầy, cách tổ chức Tăng sự… và bộ quy chuẩn về giáo pháp để Tăng Ni hiểu, tu tập và giảng dạy đúng theo lời Phật dạy. Đáp ứng tiêu chuẩn ấy cộng với bằng cấp quy định thì mới nên bổ nhiệm trụ trì. Khi ấy, trụ trì trở nên linh thiêng và được kính trọng.



[2]  Hiện tại chưa có sự thống nhất về kinh tụng tại các chùa do truyền thống đa dạng và chưa có quy định.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle