Khi Văn Thù vắng mặt

khi van thu vang mat

Khi Văn Thù vắng mặt

Chân Hiền Tâm

Dịch bệnh lan tràn khắp nơi

Khi số người bệnh và người chết trên thế giới tăng nhanh chóng mặt, Việt Nam vẫn là nước khá yên ổn. Người bệnh Covid chỉ có vài chục, từ nước ngoài về là chính. Không mấy người chết, vì chưa quá tải. Nhưng sau đợt lễ 30-4, nhân duyên của việc lây lan hội đủ, mọi thứ thay đổi. Số bệnh nhân hằng ngày giờ đã tăng vọt lên hơn mười ngàn. Số người chết hằng ngày lên đến vài trăm. Cho đến giờ này, tổng số người chết đã lên hơn bảy ngàn. Hai chữ quá tải xảy ra khắp nơi, cả về điều kiện vật chất lẫn nhân sự. Lò thiêu làm việc quá công suất, việc sắp hàng chờ đợi xảy ra, xác phải bỏ vào container trữ lạnh, đến lượt mới mang ra đặt vào hòm đi thiêu. Người ta bảo xảy ra cớ sự như vậy là do ỷ y.

Nhân duyên tạo ra bệnh hiện đời     

Ỷ y là thấy việc xảy ra với người như thế mà không biết rút kinh nghiệm đề phòng cho mình. Cứ nghĩ việc đó là của người, không dính gì đến mình. Không như Đức Phật, thấy sinh, lão, bệnh, tử hiện ra nơi người liền ngẫm đến mình và tìm cách xử lý. Phàm phu thì không, rất tự tại với những biến cố xảy ra cho người, nên bỏ mặc khuyến cáo của Bộ Y tế ra ngày 28-4-2021, với nội dung khá rõ ràng: “Dịch bệnh trên thế giới đang diễn biến rất phức tạp, số lượng người mắc bệnh và người chết tiếp tục gia tăng. Đã phát hiện các trường hợp mắc bệnh nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Dịch bệnh có nguy cơ bùng phát trở lại, nhất là trong dịp nghỉ lễ 30-4 và 1-5 sắp tới. Bộ Y tế kêu gọi mỗi người dân: Một, hạn chế đến nơi công cộng, tụ tập đông người không cần thiết. Hai, không được chủ quan, lơ là, luôn đề cao cảnh giác phòng chống dịch, khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ nhập cảnh trái phép cần lập tức thông báo ngay cho chính quyền địa phương để tổ chức cách ly, xử lý kịp thời. Ba, thực hiện tốt khuyến cáo 5k...”[1]. Nhưng mọi thứ vẫn bị bỏ mặc. Các bãi tắm đông đến nỗi không có chỗ mà bơi. Trong khí lạnh của Đà Lạt, nơi giúp virus truyền lây rất tốt, đường xá kẹt như ong vỡ tổ. Cũng biết, không phải đại gia nên chỉ có thể giải khuây vào những dịp lễ tết. Nhưng, virus thì cứ đủ duyên là lây lan, không biết thông cảm là gì. Nhân quả thì cứ theo luật mà đi. Hễ có nhân, đủ duyên là quả hiện thành, không bỏ sót một ai. Hiện thực đã chứng minh điều đó.   

Ỷ y còn do thiếu hiểu biết. Loại hiểu biết liên quan đến Bồ-tát Văn Thù, có một phần tri thức bình thường của người đời. Đó là không thấy được vạn pháp ở thế gian đều bị luật nhân duyên chi phối. Không thấy rằng việc gì cũng có thể xảy ra khi đủ duyên. Dịch bệnh cũng vậy. Người chết tràn lan mà mình chưa mắc bệnh vì duyên chưa đủ. Nếu tạo đủ duyên cho nó hoành hành thì mình không khác thiên hạ. Không phải hiện thời thiên hạ vướng dịch, mình không vướng thì muôn đời không bao giờ vướng. Không có gì bảo đảm cho vấn đề đó. Là pháp nhân duyên thì việc đó có thể xảy ra bất cứ lúc nào và bất cứ ở đâu khi đủ điều kiện, mà cũng có thể không bao giờ xảy ra do định nghiệp của mình không vướng vào dịch bệnh. Vấn đề luôn nằm ở cái gọi là đủ duyên hay không. Vì quy luật nhân duyên chi phối thế giới này. Đủ duyên là hiện thành.

Mashudin, 47 tuổi, là vị đại sư có tiếng ở Đông Java, Indonesia. Hai chữ đại sư thấy ghi trong ngoặc kép. Người dân địa phương vẫn kháo nhau ông là một đại sư chuyên trị bệnh câm điếc bằng những phương pháp thần kỳ và bí ẩn. Dù bệnh tật chết chốc tràn lan và y học đã nói về dịch bệnh, ông vẫn khẳng định không có. Để minh chứng cho điều mình nói, ngày 17-4 vừa rồi, ông đã cùng một đồng nghiệp của mình vào bệnh viện điều trị Covic-19 để trực tiếp đối đầu với virus Sars-Cov-2. Hình ảnh từ đoạn video cho thấy ông Mashudin không đeo khẩu trang, không có bất kỳ đồ bảo hộ nào, liên tục đưa mặt lại gần một bệnh nhân F0, rồi dùng tay quạt hơi thở của người này và hít thử, nhằm chứng minh đại dịch Covic không có thật. Rốt cuộc, đại sư đã qua đời tại nhà riêng hôm 13-7 với các triệu chứng sốt và ho nặng. Ông từ chối việc xác nhận lý do tử vong chính thức của mình. Còn người đồng nghiệp đi cùng thì đang được điều trị tích cực tại bệnh viện, do mắc Covic-19 nặng[2]

Nói đại dịch không có thật thì không sai, nhưng nói nó không có thì không đúng. Không có thật vì tướng tuy thấy có mà tánh thì không. Còn nói không có thì tánh và tướng đều không. Khác nhau một chút chỗ đó. Nhưng sai một ly đi một dặm, không phải chuyện đùa. Cho nên, Phật chỉ nói tất cả đều như mộng, không hề khẳng định pháp thế gian là có hay là không. Thế gian và nhân sinh đều như mộng. Niết-bàn và sinh tử cũng như mộng. Nhân quả chi phối thế giới này cũng như mộng. Như mộng là khi đang mộng thì không thể nói không, tỉnh mộng rồi không thể nói có. Như mộng là vậy. Vấn đề nằm ở chỗ đang mộng và tỉnh mộng này. Tỉnh mộng rồi thì đúng là mọi thứ đều không. Không là vạn pháp không tánh, đủ duyên thì hiện, hết duyên liền không, không cố định. Không là nhân dù có mà không đủ duyên thì quả không thành. Không là dù tạo đủ duyên bao nhiêu mà nhân không có thì quả cũng không. Không là nhân đã có mà tạo đủ duyên thì quả liền hiện. Hiểu lý “không” theo cách đó thì trên sự mới không nhầm lẫn. Hiểu “không” theo kiểu không có gì hết là bác không nhân quả, đó là tà kiến.

Trong luận Đại trí độ, Bồ-tát Long Thọ nói về nhân duyên của bệnh như sau: “Tứ đại họp làm thân. Đất, nước, gió, lửa không hợp nhau, thường gây hại cho nhau… Thân người thường bệnh thì trị bệnh, trị được thì sống, không trị được thì chết. Có hai thứ bệnh. Bệnh do duyên bên ngoài và do duyên bên trong. Duyên bên ngoài là lạnh, nóng, đói, khát, binh, gậy, đao, bị ngã, bị rơi, bị xô, bị đè, v.v. Duyên bên trong là ăn uống không tiết độ, đi đừng nằm ngồi thất thường, bốn trăm lẻ bốn bệnh. Hai thứ duyên ấy, hễ có thân là có vướng, có khổ[3]. Đó là duyên hiện đời khiến tạo ra bệnh. Lạnh mà thân không giữ ấm thì sinh bệnh. Ăn không điều độ, ăn tinh bột và đường nhiều, ăn toàn đồ chiên xào, ăn quá mặn, ăn vật thực chứa nhiều hóa chất thì sinh tiểu đường, tim mạch, ung thư. Giờ dịch cũng vậy. Không phải khơi khơi mà chính phủ nói đến giãn cách, nói đến 5k. Đó là duyên ngăn bệnh thâm nhập, như thấy lạnh là phải biết giữ ấm, thấy người bệnh lao thì không tiếp xúc gần, ăn chung bát đủa, v.v. Bệnh thường còn vậy, huống là Covic-19. Phải lấy 5k làm chuẩn. 5k không thể thực hiện giúp ngăn lây lan thì phải giãn cách. Đó là cách giúp “duyên không đủ”, dịch bệnh sẽ giảm tải, chờ vaccine tiêm ngừa.  

Phước báu của chúng ta hiện nay là có một nền y học tiến bộ. Có thể tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Ngăn được duyên đó thì bệnh hết lây lan. Duyên khiến dịch lây lan hiện nay là do virus có trong giọt bắn của người bệnh, khi văng ra ngoài, có thể lơ lửng trong không khí một thời gian, tùy thuộc thời tiết nóng, lạnh, ẩm ướt, không gian thoáng hay bít mà virus tồn tại lâu hay mau. Ai hít phải thì virus sẽ theo đường mũi xuống miệng, vào phổi, gây suy hô hấp, không cứu chữa kịp thời thì chết. Hoặc ai nắm phải những vật dụng có giọt bắn mang virus, rồi đưa tay lên miệng, cũng xảy ra tình trạng tương tự. Cứu chữa kịp thời thì sống, không cứu chữ kịp thời thì chết, như Bồ-tát Long Thọ nói “Trị được thì sống, không trị được thì chết”.

Song đợi tới khi phát bệnh rồi mới trị thì với loại dịch bệnh này có lẽ hơi trễ.  

Không phải do bác sĩ yếu tay nghề, hay nước mình không có điều kiện trị nó, mà chính là vì quá tải. Việc này đã được cấp lãnh đạo nhìn thấy trước đó, khi dịch ở Việt Nam chưa lây lan, chỉ mới vài chục ca xuất hiện. Đã được cảnh báo nhưng dân không nghe. Có người nói khi chưa có dịch sao không áp dụng Chỉ thị 16 ngay lúc đó, để giờ tùm lum. Có dịch rồi, dịch lan mạnh rồi, ứng dụng Chỉ thị 16 mà còn kêu ca, oán trách, gây rối, không muốn thực hiện, công an, dân phòng còn phải khổ sở với bao người, huống là khi chưa có dịch, chưa kể là còn vấn đề kinh tế, đâu phải muốn cách ly là cách ly. Chỉ có thể khuyên không nên tụ tập, nhưng không ai nghe. Phật đó, định lực, trí tuệ, thần thông như thế, lời nói ra luôn lợi ích cho người, nhưng người đời không làm theo, Phật cũng bó tay, huống là người khác. Cho nên cần sự ý thức nơi mỗi người dân. Không ý thức thì lây lan nhanh, từ đó đẩy nhanh tình trạng quá tải. Quá tải thì dù bác sĩ giỏi bao nhiêu, thuốc đầy đủ bao nhiêu, số người chết vẫn nhiều, là do không đủ bác sĩ để chăm sóc, không đủ chỗ để chứa bệnh nhân, không đủ bình oxy để thở; đến khi cần, gọi điện thoại không ai bắt máy, bắt máy rồi cũng không có xe chở đi, tìm được xe chở đi rồi bệnh viện cũng không nhận, v.v. Tất cả đều do hai chữ quá tải. Do cái quá tải này mà chính quyền trở thành kẻ thất hứa. Vì không đủ nhân sự cũng như điều kiện bệnh viện để giải quyết vấn đề. Quá tải là do ý thức người dân kém, Văn Thù trong mỗi người vắng mặt, chỉ biết theo thói quen mà đi.   

Những nơi còn xanh như hẻm nhà tôi mọi thứ thấy được xử lý rất tốt, là do còn nhân sự, còn điều kiện để xử lý. Không như những chỗ nhanh chóng trở thành quá tải, không kịp trở tay, nhiều việc đáng tiếc xảy ra.   

Chỉ mới nghe tin hẻm đối diện có F1 là công an, xe cứu thương đã có mặt, với đầy đủ nhân lực. Đưa F1 đi rồi, rào và test hết nguyên hẻm. Chiều tối, có xe của phường đưa rau củ quả xuống tận nơi. Rác của khu cách ly được xe chuyên dụng đổ riêng. Khu tôi ở là vậy. Tổ trưởng và công an đi từng nhà kêu gọi chích ngừa. Người nghèo được lãnh tiền trợ cấp đầy đủ ngay sau khi có Chỉ thị. Người bán quán, bán thực phẩm, người già trên sáu lăm được ưu tiên chích ngừa nếu đồng ý. Tôi thấy không thể trách chính quyền vào đâu được. Nếu không được như thế, đa phần là do quá tải. Sức người có hạn, mệt rồi đầu óc trở nên lờ đờ, đông quá cũng khó giải quyết cho ổn thỏa.  

Chỉ cần xuất hiện khoảng chục F0 cùng một ngày trong một phường, là đã không đủ nhân lực điều động đến từng nơi, nói là một ngày có đến mấy chục ca. Nơi tôi ở chỉ một F1 mà khi thực hiện, phải có đến bốn anh công an và mấy nhân viên y tế, là do dân mình có nhiều đức tính khá đặc biệt. Bên Canada, thấy có tai nạn là họ dạt nhanh ra chỗ khác để cơ quan chức năng làm việc. Bên mình thì không. Nghe tai nạn, cháy nhà, súng nổ… là bu đến coi. Một F0 bị tai nạn, có liền năm mươi mấy F1 kèm theo, vì bu nên virus bám theo. Chuyện ở hẻm tôi cũng vậy. Thấy xe cứu thương tới là lập tức các cánh cửa mở ra, dù Chỉ thị 16 đang có hiệu lực, dù công an đứng đầy ra đó. Tôi cũng nhào ra coi việc gì, chỉ khác là không đủ gan, nên đứng trên sân thượng nhìn xuống. Vậy đó. Tính tò mò, bất chấp nguy hiểm của dân ta phải nói là cao tột. Vì thế không thể một vài anh công an mà đủ với một việc xảy ra. Bốn anh mà thấy còn chưa đủ, nói chi là một hai anh. Vừa phải canh chừng chính nhà người bệnh, điều động chờ đưa người ra xe, còn phải đi suốt con hẻm để nhắc nhở. Nhắc bằng loa, vẫn không chịu thụt đầu vào. Phải đến tận nơi, la mấy lần mới chịu đóng cửa lại. Chuyện thị phi của thiên hạ thì rất nhiệt tình, nhưng chuyện của bản thân thì khá lề mề. Ngay cả người bệnh, công an phải chờ cả tiếng, mới thấy F1 xuất hiện, dù đã được thông báo trước đó. Nói chung không chỉ lề mề, tò mò mà còn “điếc nên không sợ súng”, coi như dịch là của ai, không hề có việc lây lan tới mình. Với kiểu như thế thì dịch khó mà không lan mạnh, khó mà đủ nhân sự để phục vụ bà con được tốt khi tình trạng quá tải xảy ra. Thành có trách là trách chính bản thân đã không biết kiềm chế tam nghiệp của mình, để xảy ra tình trạng quá tải như hiện nay, trách cơ quan chức năng sao được.       

Thân yên một chỗ, miệng như quạt mùa đông, ý không sinh khởi là việc cực kỳ khó đối với đại đa số. Điều này không khó hiểu, vì động là điều kiện đầu tiên để có thế giới và chúng sinh. Từ nhân động mà ra nên động là thứ con người sở hữu trong từng lỗ chân lông. Chỉ những ai đã tập quen với sự tĩnh lặng, tu thiền định, hoặc quay về được với bản tâm của mình thì mới bớt động. Còn lại đều không thoát được động. Có động là có khổ, vì quả chẳng lìa nhân[4].

Tình trạng dịch lan tràn hiện nay là do tam nghiệp của con người quá động. Mấy chị hàng xóm cạnh nhà thấy công an, dân phòng đến thì yên lắng mọi bề. Công an, dân phòng đi là nghe ồn như họp chợ, thấy anh shipper hay chị bán thơm vừa tới giao hàng là ùa lại nói. Ngoài cái khẩu trang trên miệng, còn lại thì vui tươi, cười cợt, sát cánh bên nhau, như gặp người thân lâu ngày. Tất cả đều do tam nghiệp quen động. Giờ phải gò cái chân, bó cái thân, không có bạn bè để tám, chịu không nổi. Việc này đã được Pascal cảnh báo từ giữa thế kỷ XVII: “Mọi vấn đề của con người đều xuất phát từ chỗ họ không thể ngồi yên một mình trong phòng”. Ngồi yên và một mình, ít ai làm được điều đó, nên mọi việc mới nảy sinh. Gần đây câu nói này đã được soi tỏ bởi một thí nghiệm của trường Đại học Virginia ở Mỹ. Những người tham gia thí nghiệm được yêu cầu ngồi một mình, trong một căn phòng trống, không có gì ngoài một nút bấm, trong khoảng thời gian mười lăm phút. Nếu bấm nút, họ sẽ bị điện giật. Tất cả đều được thử trước mức độ điện giật này. Ai cũng tuyên bố dù được trả tiền cũng không đụng đến. Vậy mà, thay vì suy tưởng hay nghỉ ngơi chịu đựng cho qua mười lăm phút, họ đã bấm vào nút giật[5]. Bởi ngồi yên, với họ là một cực hình, nó đáng sợ hơn bất cứ thứ gì trong hiện tại, cần có gì đó để làm, dù việc đó có hại đến bản thân chăng nữa. Cho nên, dù đã có Chỉ thị 16, công an dân phòng đứng đầy đường, nhưng con người vẫn tự nguyện tụ họp, không phải vì sinh nhai, mà vì bị nghiệp động dẫn. Nhậu, tụ tập bàn chuyện, đi lang thang ra đường, nên dịch không thể dứt. Giờ chỉ mong đủ vaccine để chích ngừa. Giãn cách là để triển khai chích ngừa và chờ vaccine. Hy vọng sự quá tải giảm xuống.

Báo nghiệp của sát sinh và não hại chúng sinh

Trong kinh Phật nói mọi thứ chúng ta gặp hiện nay đều là quả của những gì chúng ta đã gây tạo trước đó. “Loài hữu tình là chủ nhân của nghiệp, là thừa tự của nghiệp. Nghiệp là thai tạng, là quyến thuộc, là điểm tựa. Nghiệp phân chia các loài hữu tình có liệt, có ưu[6]. Chúng sinh tạo ra nghiệp rồi thừa tự quả báo của những nghiệp đó. Hạnh phúc hay đau khổ, giàu sang hay nghèo khó… thảy đều từ chính mình mà ra. Dịch bệnh là chung của thế giới, ai có cùng nghiệp đó thì có liên quan ít nhiều, gọi là đồng nghiệp. Nhưng không phải ai cũng khổ, cũng chết vì dịch. Có người kiệt quệ vì dịch, nhưng có người vẫn làm ra tiền đều đều. Có người vẫn ung dung thong thả. Có người càng bươn chải mệt mỏi hơn trong những ngày giãn cách, v.v. Tất cả đều do nghiệp của mỗi người mà ra. Phật gọi là biệt nghiệp.

Nhân duyên hiện đời khiến ta vướng vào dịch bệnh là do chúng ta không chịu thực hiện 5k, hoặc không có điều kiện để thực hiện 5k, hoặc thực hiện rồi nhưng lại sơ suất trong vấn đề thực hiện. Nói chung phải có duyên, dịch bệnh mới lây lan. Không chịu thực hiện hay thực hiện rồi mà có sơ suất là do nghiệp hiện đời khiến mình có cái quả vướng dịch. Nghiệp đây là thân nghiệp, được điều động bởi loại ý nghiệp không có Văn Thù dẫn đường, ngu si, cố chấp, bị trói buộc bởi thói quen. Ngu si là không ý thức được sự lây lan nguy hiểm của dịch bệnh. Cố chấp là đã ngu mà không biết nghe lời. Bị trói buộc bởi thói quen, là không làm chủ được sự loạn động của thân, khẩu và ý. Vì thế một khi duyên đủ thì vướng dịch. Đều chính ở bản thân mỗi người. 

Còn một nhân duyên khác khiến chúng ta bị vướng dịch và xảy ra chết chóc, đó là do nghiệp sát và não hại chúng sinh. Đây là phần nhân duyên sâu xa chi phối luôn phần nhân duyên hiện đời. Kinh nói: “Này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, sát sinh, tàn nhẫn, tay lấm máu, tâm chuyên sát hại đả thương, không có từ bi với các loài chúng sinh. Do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ hay địa ngục, nếu sinh vào loài người thì phải chịu đoản mạng. Này thanh niên, có người đàn bà hay đàn ông, tính hay não hại các loài hữu tình bằng tay, bằng cục đất, hay bằng gậy gọc v.v., do nghiệp ấy, sau khi thân hoại mạng chung, phải sinh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ hay địa ngục, nếu sinh vào loài người thì phải chịu nhiều bệnh hoạn”[7]. Ở đây câu “Sau khi thân hoại mệnh chung…” cho biết nhân và quả không cùng trong một đời. Nghiệp tạo từ đời trước mà đời này mới nhận quả báo. Nghiệp đời này tạo đời sau mới nhận quả báo. Khi chúng ta đánh đập, làm tổn thương hay giết hại chúng sinh, dù chỉ là con vật nhỏ bé, thì tùy vào mức độ bức hại và tình trạng tâm chúng ta lúc đó (vô tình hay cố ý…) mà có quả báo sai khác. Tùy vào mức độ đó mà đọa vào các đường khổ. Cũng tùy vào các phước nghiệp tu tạo khác mà có quả báo nặng nhẹ ở các đường.

Như vậy, dù do dịch mà chết nhưng nếu chết già thì không hẳn là quả báo của việc sát sinh. Còn lại, ngoài những nhân duyên hiện tại khiến tạo ra bệnh và chết yểu, chính là do đời trước từng tạo nghiệp sát và não hại chúng sinh.

Nghiệp đời trước này có hai loại. Một thuộc định nghiệp. Hai thuộc bất định nghiệp.

Định nghiệp

Nghiệp tạo ra trong quá khứ nếu thuộc định nghiệp thì những gì tạo ra trong hiện đời đều không ảnh hưởng đến nghiệp đã tạo.

- Định nghiệp thuộc thiện nghiệp

Nếu định nghiệp là thiện nghiệp thì miễn nhiễm luôn với virus Covid, hoặc có những duyên giúp virus không cận kề được. John Hollis ở cùng phòng với một người bạn mắc Covid-19, nhưng ông không hề bị lây nhiễm vì trong người có siêu kháng thể chống lại Covid-19[8]. Đây là do thiện nghiệp đời trước thuộc định nghiệp, nên hiện tại dù tiếp duyên thế nào ông cũng không vướng vào Covid.

Hai đứa nhóc, tính tình hiền lành chất phát, bình thường lo việc nơi đạo tràng, khá tốt. Thời gian giãn cách, ngoài việc tuân thủ 5k, còn lại là ngồi thiền, tụng kinh, nghe giảng và điều động việc thiện nguyện của đạo tràng. Người bạn cùng nhà với hai nhóc, vướng Covid-19, đã có triệu chứng khó thở, phải chở vào viện thở oxy. Dù phổi đã có dấu hiệu bất thường, nhưng test nhanh hai lần đều âm tính. Phải chờ kết quả từ test PCR.

Tôi do kinh nghiệm của bản thân nên không chờ kết quả thử PCR. Bệnh của tôi, chỉ số CA 125 thường phải hơn 35U/ml, ung thư mới phát, nhưng khi một u ác tính 3cm đã xuất hiện trong bụng, chỉ số CA 125 của tôi vẫn chỉ ở mức 7U/ml. Thành các bác sĩ có kinh nghiệm không bao giờ y vào một duyên cố định nào để đánh giá vấn đề, thường họ kết hợp nhiều duyên để đánh giá. Không chỉ thử máu coi chỉ số CA 125 bao nhiêu, mà còn phải khám trong và siêu âm. Ba yếu tố đó phải chuẩn thì ung thư mới không. Không thì phải làm tiếp các xét nghiệm khác. Từ kinh nghiệm đó, tôi không chờ kết quả của PCR dù hai phần test nhanh đã âm tính. Với tôi, các hiện tượng kia đủ để báo hiệu cho cái gọi là nhiễm dịch. Không thể không chuẩn bị một sự cách ly để mọi việc được tốt hơn, khi nhà đang có trẻ con.

Vấn đề là hai vợ chồng khá vô tư, họ vẫn tin bạn mình âm tính và mọi việc sẽ giải quyết sau khi có kết quả PCR. Chính vì thế, khi nghe bệnh viện trả cậu bạn về, họ vẫn vô tư đưa về nhà, dù con trẻ chỉ mới bốn tuổi. Thật là mạo hiểm đối với đứa bé khi nhà chỉ là một căn hộ, với không gian nhỏ hẹp và kín, duyên rất tốt cho việc lây lan xảy ra. Mà con nít, với chủng lây lan mới, không phải vô hại như chủng virus cũ, bệnh viện lại không đủ chỗ chứa.

Tôi không chịu việc sống chung đó. Tôi ra rả suốt cả buổi sáng với cả vợ lẫn chồng. Tôi muốn họ ý thức hơn về việc lây lan, về cái gọi là nhân duyên mà họ đang có trong đầu, loại nhân duyên như một thứ định mệnh chi phối con người, mọi thứ đã có sự sắp đặt, không cần phải lo. Ừ, nghiệp đã sắp đặt mọi thứ, nhưng điều đó không có nghĩa là bỏ mặc mọi thứ, tạo thành cái gọi là “đủ duyên” cho việc xảy ra. Tình thương cũng phải đặt đúng chỗ. Không vì người này mà hại đến kẻ khác, khi mình có đủ điều kiện giải quyết vấn đề được tốt hơn. Trong kinh Đại bát Niết-bàn, Phật nói: “Tất cả chúng sinh có hai hạng. Người trí và kẻ ngu. Người trí nhờ sức trí tuệ, có thể làm cho nghiệp địa ngục rất nặng trở thành quả báo nhẹ hiện đời. Người ngu si lại làm cho nghiệp nhẹ hiện đời trở thành quả báo nặng ở địa ngục”. Chỉ do trí tuệ hay ngu si mà có thể thay đổi báo nghiệp trong hiện đời. Lời dạy này đòi hỏi đến việc tu tập giới, định, tuệ và tạo thiện nghiệp, nhưng không phải không có tác dụng trong trường hợp này.

Tôi một mực vẫn quả quyết anh bạn đã bị Covid, phải thuê một nơi khác cho anh ở, tách hẳn với đứa bé con. Anh chồng không muốn bỏ người bạn một mình trong căn hộ khác khi anh ta đang bệnh, vả lại kiếm một căn hộ khác cùng chung cư vào thời điểm này cũng không dễ, không ai cho thuê chỉ vài tháng. Cô vợ, tuy trước đó đã thấy lo lắng nhưng chỉ biết niệm Phật cho qua, không biết cách giải quyết sao cho êm. Đẩy bạn đi trong lúc bạn đang bệnh là một việc khá bất nhẫn, không thể làm với lương tâm của một Phật tử. Nhưng vì tôi cứ ra rả, nên anh chồng thấy lo. Không chờ kết quả xét nghiệm, anh chồng liên lạc thẳng với các bác sĩ chuyên ngành. Cả bốn vị đều khẳng định đã nhiễm Covid, chỉ do lượng virus còn thấp nên test PCR vẫn cho âm tính. Họ yêu cầu một sự cách ly để bảo đảm an toàn cho thằng bé con. Nếu không, khi lượng virus tăng, khả năng lây nhiễm xảy ra, không còn trở tay kịp khi bệnh viện đã quá tải, vì thế cần một sự cách ly tức thì. 

Việc lạ là, một người bạn có căn hộ cùng chung cư, trước đây với giá thuê thế nào cũng không chịu cho thuê, nhưng khoảng tuần trước lại giao căn hộ cho cô vợ, nhờ cho thuê giùm, chỉ là anh chồng không biết. Và vì trong đầu cả hai vợ chồng không hề có ý cách ly người bạn, nên căn hộ bị bỏ quên. Nói chung, mọi điều kiện đã được sắp đặt, chỉ chờ cái duyên ra rả của tôi mà hoàn thành cái gọi là “đủ duyên” cho việc cách ly. Không như mọi người đã nghĩ, người bạn đã vui vẻ đồng ý sang căn hộ mới, vì căn hộ vừa đẹp vừa rộng, quan trọng là thoát được cái khẩu trang khi đã ở riêng một mình.

Có thể thấy, phước báu của gia đình đã được hình thành từ một loại định nghiệp, nên mọi thứ đã được chuẩn bị. Căn hộ được đưa tới rất đúng lúc, cộng với cái duyên ra rả của tôi, khiến việc cách ly hình thành, tránh được những điều đáng tiếc xảy ra. Không có loại định nghiệp đó chi phối thì không đủ điều kiện thuận tiện cho việc cách ly như thế.  

Loại định nghiệp này được hình thành từ các thiện nghiệp. Vì thế, hãy luôn tu tạo các thiện nghiệp.                                   

Định nghiệp thuộc bất thiện nghiệp

Nếu định nghiệp là bất thiện nghiệp thì dù hiện đời có kỹ thế nào, cũng có những duyên khiến mình mắc Covid. Và dù muốn chấp hành Chỉ thị 16 nghiêm ngặt, hoàn cảnh hiện tại cũng không thể giúp mình đạt được những bảo vệ như ý.

Việc sống chen chúc trong các dãy nhà trọ là một điển hình. Không gian sống nhỏ hẹp, sự tiếp cận khó đạt được khoảng cách 2m, nên sự lây lan rất dễ xảy ra. Ngay chính không gian sống quá hẹp cũng khiến mình khó ở yên một chỗ, hay môi trường là chung cư mà thành phần F0 dày đặc quá cũng khiến việc bảo hộ bản thân trở nên khó khăn. Một người bạn đã viết trên facebook của mình: “Theo kết quả xét nghiệm PCR vừa nhận thì bé Heo dương tính với Covid, mẹ Heo thì âm tính (mình chưa tiêm vaccine). Điều kỳ lạ là gần một tháng nay, Heo chưa một lần bước chân ra khỏi cánh cửa nhà, cũng không tiếp xúc với ca nào F0. Mình thì rất cẩn thận, đã hạn chế tối đa ra ngoài, kể cả mua hàng online hay siêu thị, chắc cũng gần hai tuần không vào, ngoại trừ việc hạn hữu là ra cổng lấy đồ mua của hàng xóm. Tất cả đồ mua về đều xịt khử trùng, đến cả tiền cũng vậy, bắt con tránh xa mẹ khi mẹ ở ngoài vào, vậy mà con vẫn dính. Qua lý giải của bộ phận y tế, con có khả năng bị nhiễm qua đường không khí vì hiện nay khu mình ở số ca nhiễm khá nhiều, block đối diện cách đó khoảng 15m có thể là một nguồn lây. Khu dân cư đông, số ca F0 nhiều thì mật độ virus trong không khí rất cao, nên khả năng lây nhiễm qua đường không khí là có[9]. Đó có thể được coi là quả báo của một loại định nghiệp thuộc bất thiện nghiệp. Tùy bất thiện nghiệp này cho quả báo nặng hay nhẹ mà ta có bệnh nặng hay nhẹ, chết hay lành nhanh chóng. Và như Phật dạy, có thể dùng trí tuệ để chuyển nghiệp địa ngục thành nghiệp nhẹ. Trí tuệ nói đây là có thể mở lòng trì chú hay trì danh hiệu Phật, rồi hồi hướng cho tất cả người bệnh được hết bệnh. Vì tướng nhiễm dịch có thể là định nghiệp, nhưng bệnh như thế nào vẫn có thể thuộc bất định nghiệp. Bất định nghiệp thì có thể chuyển.

Với kinh Đại bát Niết-bàn, ngay cả định nghiệp cũng có thể chuyển, không phải bằng cách làm cho nó mất đi mà chuyển nặng thành nhẹ. Kinh nói: “…với định nghiệp làm thành bất định nghiệp. Đáng lẽ thọ báo ở đời kế thì thọ báo ở đời hiện tại, báo nặng làm thành báo nhẹ, đáng thọ báo địa ngục lại thọ báo nhẹ trong loài người”. Để làm được việc đó, đòi hỏi hành giả phải có loại trí tuệ tương ưng, như uống thuốc đúng bệnh thì bệnh lành. Có được loại trí tuệ đó là nhờ tu tập thánh hạnh. Kinh nói “Không tu tập thánh hạnh, gọi là không tu tuệ [10].

Chuyển nghiệp bằng cách trì chú hay niệm Phật là việc làm dễ dàng và nhanh chóng nhất. Ở đâu cũng niệm được: ăn cũng niệm được, đi, đứng, nằm, ngồi, v.v. đều niệm được. Cứ niệm thầm thầm trong tâm. Chỉ cần tha thiết niệm cho liên tục rồi hồi hướng thì chuyển được nghiệp.

Có những quả báo thấy như bất di bất dịch, không thể chuyển, nhưng thật sự đã có sự chuyển biến về mức độ. Trưởng lão Losaka[11], do tâm đố kỵ, không muốn người chuyên cúng dường cho mình cúng dường cho người khác, nên ông đã mang đổ hết những thức ăn mà người ta đã nhờ cúng dường. Người được cúng dường lại là bậc A-la-hán, nên Trưởng lão phải chịu quả báo bất hạnh về ăn uống từ khi sinh ra cho đến khi chứng đắc A-la-hán. Sự bất hạnh có thay đổi về mức độ sau khi tu thánh hạnh. Trước ảnh hưởng luôn đến người chung quanh, đó là ngay sau khi ông sinh ra, dân làng đói khổ theo luôn. Sau chỉ giới hạn ở nơi bản thân. Kinh nói: “Dù lễ bố thí to lớn không gì sánh được, bụng Trưởng lão cũng không no”. Ngay cả lòng nhiệt tình của Tôn giả Xá-lợi-phất cũng không làm gì được. Đồ ăn gửi về đều không tới tay Trưởng lão. Chỉ đến khi Xá-lợi-phất đích thân dùng thần lực giữ bình bát để thức ăn không biến mất, Trưởng lão mới được dùng no một bữa rồi nhập Niết-bàn.      

Loại định nghiệp này hình thành từ những bất thiện nghiệp. Vì thế chớ tạo bất thiện nghiệp.

Bất định nghiệp

Định nghiệp, nếu đủ trí tuệ tương ưng còn có thể chuyển được, ít nhất là về mức độ, huống là bất định nghiệp. Có thiện nghiệp là có chuyển được. Nặng thì thành nhẹ. Nhẹ thì biến mất. Vì thế cần tạo thiện nghiệp bất cứ khi nào và bất cứ ở đâu, hầu chuyển nghiệp xấu mình lỡ gây tạo trong quá khứ.   

Cuối cùng thì,

Định nghiệp hay bất định nghiệp ở quá khứ đều có thể chuyển được trong hiện đời, ít nhất là ở cường độ, ít nhất là ở cái nhìn của mình đối với thế nhân, giúp mình tìm thấy an lạc cho bản thân dù ở tình huống nào. Vì thế, dù tác nghiệp quá khứ có như thế nào hiện đời cũng nên sống đạo đức. Chỉ cần sống hiếu thảo, có trách nhiệm với người thân, gia đình và xã hội, không thâm thủng của ai, v.v. là đủ để có cái đức bảo vệ mình. Tuy vậy, việc ở đời muốn thành công và làm cho đúng còn cần phải học hỏi, thi cử lấy bằng, ra đời ứng dụng được những gì mình học, huống là việc đạo đức hay quy luật chi phối thế giới này, không học hỏi, tham cứu, tu hành thì khó mà sống cho phù hợp.

Người xưa nói “Khôn cũng chết. Dại cũng chết. Chỉ có biết mới là sống”. Biết đó chính là phát huy được trí Văn Thù Sư Lợi của mình. Để phát huy được cái biết này thì phải đọc sách thánh hiền, phải tham cứu Phật pháp và ứng dụng được vào đời sống thường nhật, Phật gọi là tu hành. Tu hành thì mới phát huy được giới, định, tuệ. Có định có tuệ rồi mới có thể biết và sống sao cho cho phù hợp với quy luật đang chi phối thế giới này. Bởi biết rồi mà không đủ lực ngăn chặn các thói quen thì biết thành vô ích (dù gì biết cũng còn hơn không biết). Cái đủ lực đó là nhờ định. Vì thế định luôn đi liền với tuệ. Có định rồi chưa hẳn đã có tuệ, nhưng muốn có tuệ nhất định phải có định. Giới là duyên giúp định thành hình, dù không phải tất cả.    

Hiện giờ đang dịch, trách nhiệm không phải chỉ ở các cấp chính quyền hay các chiến sĩ ở tuyến đầu như công an, bộ đội, y bác sĩ, v.v. Họ đã làm hết sức mình. Pháp nhân duyên nên đòi hỏi mỗi người dân phải tự ý thức, giữ gìn cho mình và người, thì kết quả tốt đẹp mới hiện thành. Xảy ra tình trạng như hiện nay là do người dân không tuân thủ Chỉ thị 16 nghiêm túc. Không chỉ không tuân thủ mà có người còn phá hoại, do lòng tham, do ngu si, v.v.

Khi thấy Phật tử niệm Phật, ngồi thiền, thở bụng… thì một số người đã miệt thị, cho rằng họ làm chuyện dư thừa, phí thời gian. Giờ thì thấy rõ không có gì dư thừa. Ai thở bụng được là đương đầu được ít nhiều với trạng thái thiếu oxy ở phổi. Bác sĩ Trương Hữu Khanh hiện đang khuyên người bệnh nên thiền và tập thở bụng để an định tâm, buông lo lắng. Xảy ra một số việc đáng tiếc như điên loạn, tự tử là do rơi vào trầm cảm. Tĩnh được tâm, ngoài những lợi ích thiết thực đó, còn có thể chấp hành Chỉ thị 16 tốt hơn: không đi, không nói, không tụ họp là tạo lợi ích cho bản thân, gia đình và xã hội. Chưa kể phần hồi hướng không thể không lan tỏa góp phần cho việc dừng dịch.

Ngoài những lợi ích mà người thực dụng có thể thấy được trước mắt như thế, còn có vấn đề chuyển nghiệp thuộc tâm linh mà chỉ những ai trong cuộc mới thấu được sự linh ứng. Những người bạn tôi biết đều nhờ trì chú và niệm Phật mà thoát nạn. Chị bạn ung thư buồng trứng đã di căn lên hạch cổ và não, chuẩn bị đánh thuốc lần ba thì cả gia đình nhiễm Covid, được chuyển đi cách ly ba người ba nơi. Đang ung thư mà nhiễm Covid thì nghĩ đến việc chết nhiều hơn sống, vì thế không còn biết làm gì ngoài việc đặt niềm tin vào danh hiệu Phật. Điều trị Covid chưa xong thì ung thư của chị lại di căn vào ổ bụng, chân phù, nhưng vẫn khỏe mạnh chờ virus rút lui. Giờ đã về, đã xong 21 ngày cách ly, đang tiếp tục điều trị ung thư.

Chàng trai trẻ, thường xuyên phải chạy thận ở Bệnh viện Bình Dân, nghèo và vất vả nhưng tính tình khá dễ thương, dù nhận được tiền trợ cấp hàng tháng của mạnh thường quân vẫn xin một chân lao công trong bệnh viện, kiếm tiền tiêu qua ngày, hoặc có thể san sẻ cho người khác khi họ cần. Bỗng nghe tin chàng trai bị nhiễm Covid. Tội là bệnh viện không thể can thiệp cho chỗ cách ly có khoa chạy thận, vì tất cả đều quá tải, không thể vì sự nhờ vả của đồng nghiệp mà đẩy người khác thay vào. Dù rất thương em nhưng y bác sĩ đành chịu, cũng không thể lưu lại bệnh viện, vì sợ nhiễm Covid qua người khác.

Nhận được tin, thấy cũng thương, nhưng sống chết là chuyện thường tình ở thế gian, bác sĩ ở bệnh viện cũng đã lo hết sức rồi, dù xảy ra tình trạng xấu nhất cũng phải chấp nhận, biết làm sao! Với tình trạng thân bệnh, người thân không có, cũng phải lao động mới có tiền trang trải mọi thứ, tôi nghĩ chắc cái chết không đáng sợ với em. Nhưng không, cô bé báo với tôi, chàng ta đang rối trí và rất lo, vì không chạy thận được cũng có nghĩa là em sẽ chết. Em không muốn chết.

Mọi chuyện trở thành khác. Tôi xin số điện thoại để liên lạc. 

Đúng là chàng trai đang rối trí và rất lo. Giọng của cậu ta hoảng hốt và bất an thấy rõ, chuẩn bị mọi thứ đã xong, đang ngồi chờ xe đến đưa đi cách ly.

Hóa ra không phải bệnh tật hiểm nghèo, thân bần khổ, không người thân thích, là đã có thể chấp nhận cái chết một cách dễ dàng. Không, người ta vẫn rất muốn sống, tha thiết với cuộc sống dù cực bao nhiêu.        

Tôi cầm điện thoại hỏi thử một vòng, coi đi cách ly nếu có tiền thì có khác đi không. Quen biết có khi không nhờ được, nhưng giả như có dịch vụ thì vẫn có thể có một chỗ tốt cho em. Có thì lo dịch vụ. Tốn nhiêu cũng lo, vì em vẫn tha thiết với cái sống. Nhưng những người tôi biết họ nói cách ly là bình đẳng, không ai biết gì về chỗ cách ly. Sướng, khổ, thiếu thốn hay đầy đủ là hên xui. Chỉ biết báo cáo rồi ngồi chờ đến khi người ta tới rước đi. Không tốn xu nào, cũng chẳng biết ai mà nhờ vả.

Vậy thì chỉ còn cách an ủi và khuyên chàng trai niệm Phật, hy vọng phép màu xảy ra. Giả như không có phép màu thì cũng phải nói chuyện làm sao để cậu ta yên tâm khi lìa cuộc đời này.

Chàng trai bằng lòng niệm Phật.

Thật ra trước kia chàng trai cũng có trì chú.

Khi nhận tiền hỗ trợ, yêu cầu của tôi là người nhận phải niệm mấy từ “Nam-mô Địa Tạng Vương Bồ-tát”. Em cũng có niệm, nhưng là A Di Đà, là Quán Thế Âm. Ừ, thì niệm ai cũng được, có niệm là được. Nhưng chắc lao động mệt, chắc cuộc sống cũng tạm thời yên, nên làm biếng, không niệm nữa, cớ sự mới ra vậy.

Giờ kêu niệm Phật không phải là việc gì khó với chàng trai, lại trong cơn khủng hoảng nên cậu ta gật lẹ. “Con gắng niệm Phật cho liên tục. Câu niệm Phật sẽ làm con thấy yên bình, không rối, không lo nữa. Niệm được càng nhiều càng tốt ha. Niệm rồi nhớ cầu Bồ-tát phù hộ cho con gặp được bác sĩ tốt, thương và lo cho con”. Tôi hy vọng nhờ câu niệm Phật chàng trai sẽ gặp được bác sĩ tốt ở vùng cách ly, như đã gặp các bác sĩ ở bệnh viện Bình Dân, ngoài ra không nghĩ gì xa hơn.

Khoảng 6 giờ sáng hôm sau, chàng trai gọi điện báo: “Tối qua niệm Phật xong, có một bác sĩ xuống gặp con, hình như bác sĩ phó khoa, bác sĩ nói chịu khó chờ bác sĩ tìm thêm chỗ khác, coi chỗ nào có chạy thận. Vì không chạy thận được thì con cũng chết. Con mừng quá cô ơi!”. Căn lành chàng trai cũng có nên việc tụng niệm linh ứng tức thì.  

Đến 9 giờ cùng ngày, tôi nhận được điện thoại của chàng trai: “Cô ơi! bác sĩ tìm được khu cách ly có chỗ chạy thận cho con rồi. Con khóc quá trời cô ơi!”. Đúng là rất mừng! Hy vọng chàng trai sẽ không quên câu niệm Phật đã cứu mình. Hy vọng chàng trai luôn cần mẫn với việc niệm Phật, không quên như trước.

Chuyện là như vậy.

Những linh ứng thấy rất rõ từ câu niệm Phật.

Cuối cùng thì chỉ mong tất cả ý thức hơn về những gì đã xảy ra. Mọi thứ đều không ngoài nghiệp của mình. Mình suy nghĩ ra sao, nói năng và hành xử thế nào đều cho ra cái quả tương ưng. Thành phải tự sửa mình, cảnh bên ngoài mới chuyển.

Cũng nguyện an lành đến với muôn loài.

Nguyện tất cả đều tạo thiện nghiệp để cuộc đời bớt vất vả trầm luân.     

     

 

                               


 

[1] https://vncdc.gov.vn/khuyen-cao-cua-bo-y-te-phong-chong-dich-covid-19-dip-nghi-le-304-va-15-nd16048.html

[2] Báo Tuổi Trẻ/ tuoitre.vn/ ra ngày 19/07/2021.

[3] Luận Đại trí độ tập 1, chương 15, Bồ-tát Long Thọ, HT.Thích Trí Siêu dịch và chú.  

[4] Luận Đại thừa khởi tín. Tổ Mã Minh. Chân Hiền Tâm dịch và giải.

[5] Vẻ đẹp của người đứng một mình, Võ Hoàng Giang.

[6] Kinh Trung bộ, bài kinh 135, Phân biệt tiểu nghiệp.

[7] Kinh Trung bộ, bài kinh 135, Phân biệt tiểu nghiệp.

[8] Tuổi trẻ online, mục Khoa học, ngày 11-3-2021.

[9] https://www.facebook.com/van.ha.5220/posts/4269252746522055.

[10] Kinh Đại bát Niết-bàn - phẩm Sư tử hống. HT.Thích Trí Tịnh dịch và chú. 

[11] Kinh Tiểu bộ - phẩm Lợi ái - chuyện Trưởng lão Lokasa. HT.Thích Minh Châu dịch.  

Chia sẻ: facebooktwittergoogle