Kính mừng Phật đản bằng những việc làm thiết thực

kinh mung phat dan a

Kính mừng Phật đản bằng những việc làm thiết thực

Minh Giác Bảo

Mỗi tôn giáo được hình thành đều có người sáng lập dù cho người ấy mang bản chất con người hay thần thánh. Và tất nhiên, tín đồ tôn giáo nào cũng tôn kính kỷ niệm ngày ra đời của bậc sáng lập tôn giáo của mình. Đối với Phật giáo, bậc sáng lập là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Sự kiện ra đời của Đức Phật được gọi là đản sinh. Hằng năm, tín đồ Phật giáo toàn thế giới nói riêng và những người tôn kính Đức Phật nói chung đều có những cách thức bày tỏ lòng tôn kính đối với Đức Phật nhân ngày đản sinh của Ngài. Tại Việt Nam, từ khi Phật giáo được du nhập vào, tín đồ Phật tử đã biết cách bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật, nhất là trong mùa Phật đản, với những hình thức và việc làm thiết thực. Bài viết này sẽ sơ lược về Đức Phật và những đóng góp cho nhân loại. Từ đó, bài viết hướng đến mục đích ôn lại một số điểm tín đồ Phật tử đã làm cũng như đề xuất một số điểm cần bổ sung theo điều kiện thời đại.

Sơ lược về Đức Phật và những đóng góp cho nhân loại

Sự kiện Đức Phật đản sinh được nhiều kinh ghi chép lại.[1] Ngài ra đời vào ngày Rằm tháng Vesak, tương đương với ngày Rằm tháng Tư âm lịch vào năm 624 tr.TL. Ngài ra đời tại vườn Lâm-tỳ-ni (Lumbini) thành Ca-tỳ-la-vệ (Kapilavatthu) nay là nước Nepal trong dòng tộc Thích Ca (Sakya). Cha là trưởng tộc (hay vua) tên Tịnh Phạn (Suddhodana) và mẹ là hoàng hậu Ma-da (Maya). Ngài được cha đặt tên là Tất-đạt-đa hay Sĩ-đạt-ta (Siddhattha). Sự kiện Ngài ra đời được một số kinh ghi lại với những điều phi thường như đi trên bảy hoa sen, một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất, có chín rồng phun nước với hai dòng nóng lạnh hòa lại thành nước ấm tắm Ngài; chư thiên rải hoa cúng dường…

Suốt 29 năm (theo Phật giáo Nam truyền), Ngài sống tại hoàng cung với đầy đủ tiện nghi vật chất và thưởng thức đủ các hình thức giải trí như ca hát, nhảy múa…. Ngài được giáo dục văn võ song toàn, thông tuệ các kinh Vệ-đà và về văn hóa tập quán… Ngài có gia đình hạnh phúc với vợ đẹp con ngoan, sống trong nhung lụa lầu đài được thiết kế phù hợp cho các mùa trong năm.

Dù sống trong điều kiện đầy đủ tiện nghi vật chất lúc bấy giờ nhưng với tâm từ bi sẵn có và hoài bảo độ chúng sinh giải thoát khổ đau, Ngài không hạnh phúc trong điều kiện tiện nghi ấy. Cuối cùng, Ngài quyết chí từ bỏ tất cả vật chất, tình cảm gia đình quyến thuộc để tìm học đạo và trải nghiệm những pháp tu lúc bấy giờ nhằm tìm ra con đường giác ngộ giải thoát. Trải qua sáu năm học đạo và thực hành các kiểu khổ hạnh nhất lúc bấy giờ mà chưa đạt giải thoát, Ngài từ bỏ các cách tu đó để bắt đầu thực hành thiền định. Nhờ thực hành thiền định, Ngài đạt được mục đích giác ngộ giải thoát gọi là thành đạo, thành Phật với ba trí tuệ (ba minh) gồm túc mạng minh, thiên nhãn minh và lậu tận minh.

Sau khi thành đạo, Đức Phật dành cả phần đời còn lại 45 năm để thuyết pháp giáo hóa độ rất nhiều người và để lại kho tàng kinh luật vô giá. Phật đã thành lập Tăng đoàn - gồm những người cùng đi chung trên con đường giải thoát, trở thành biểu tượng đạo đức cho nhiều người nương theo tu học và tạo phước. Giáo pháp gồm kinh và luật là kim chỉ nam hướng dẫn bao người đi đến mục đích cứu cánh giác ngộ giải thoát là thấy rõ, thấy như thật bản chất và sự vận hành của các pháp: vô thường, khổ, vô ngã. Giáo lý Tứ diệu đế chỉ cho con người thấy rõ khổ (dù hiểu theo nghĩa nào) đều có nguyên nhân của nó, sự chấm dứt khổ và con đường dẫn đến chấm dứt khổ mà cốt lõi là giáo lý Bát Chánh đạo. Giáo lý Duyên khởi lý giải sự tồn tại của mọi sự vật hiện tượng từ hữu tình đến vô tình đều theo quy luật hỗ tương nhau mà tồn tại chứ không có thứ gì tồn tại độc lập, riêng lẻ… Nguồn giáo pháp vô tận cùng với đời sống cao thượng của Đức Phật được miêu tả lại là nguồn cảm hứng vô tận, là kho tàng quý báu cho nhân loại.

Những việc làm thiết thực kính mừng Phật đản

Từ những ngày đầu Phật giáo được truyền vào Việt Nam, tín đồ Phật tử đã biết thực hành lòng tôn kính Phật, nhất là trong mùa Phật đản. Những hình thức bày tỏ lòng tôn kính được duy trì xuyên suốt cho đến ngày nay như tham dự lễ tắm Phật - tái hiện lại sự kiện khi Phật đản sinh, rước kiệu Phật trong cộng đồng để dân chúng chiêm bái… Ngày nay, lễ tắm Phật đã trở nên phổ biến và hầu như các chùa đều tổ chức cho Phật tử thực hành. Lễ rước kiệu cũng được một số nơi tổ chức tạo nên hình ảnh tốt đẹp và có sự lan tỏa sâu rộng. Ngoài ra, tín đồ Phật tử bày tỏ lòng tôn kính Phật qua các hình thức khác như thiết trí lễ đài, tạo vườn Lâm-tỳ-ni, tổ chức diễu hành xe hoa, xe đạp, thuyền hoa, thả hoa đăng, treo cờ, pano, biểu ngữ. Hơn nữa, Phật tử cũng ý thức đến việc tu tập, tạo phước như bố thí cúng dường, từ thiện, phóng sinh. Tuy nhiên, sự đồng bộ và sâu rộng là điều đang thiếu sót.

Những đề xuất bổ sung

Những hình thức bày tỏ lòng tôn kính Đức Phật được tín đồ Phật tử thực hành rất phong phú nhưng tiếc là không đồng bộ và không phải số đông Phật tử. Do đó, người viết mong rằng tất cả Tăng Ni, Phật tử Việt Nam đồng hướng tâm về Đức Thế Tôn bày tỏ lòng tôn kính bằng cả hình thức và nội dung.

Về hình thức, mỗi tự viện đều nên tạo phong cảnh vườn Lâm-tỳ-ni bằng tấm phong in có hình Đức Phật sơ sinh và thiết trí hương án tưởng niệm, lễ bái. Hiện tại, còn nhiều chùa không quan tâm đến việc này với nhiều lý do như cho rằng đã có lễ đài tập trung, làm vườn Lâm-tỳ-ni tốn kém lãng phí, không có không gian…; và có một số người tự biện hộ không chấp hình thức bên ngoài. Thật ra, nếu tất cả các chùa đều tạo vườn Lâm-tỳ-ni theo cách trên, lớn nhỏ tùy khả năng sẽ tạo nên bức tranh chung đẹp về văn hóa Phật giáo Việt Nam, về sự đoàn kết, sự đồng lòng trong Tăng Ni.

Với Phật tử, mỗi gia đình Phật tử phát tâm tạo vườn Lâm-tỳ-ni bằng phong in nhỏ một, hai mét rộng phù hợp với không gian nhà là điều không quá khó khăn. Mỗi gia đình Phật tử treo cờ Phật giáo mùa Phật đản sẽ tạo nên nét văn hóa Phật giáo rất đẹp. Tuy nhiên, hiện nay dù người Phật tử vẫn biết rõ ý nghĩa của việc treo cờ nhưng sự sợ hãi và sự biện hộ tiêu cực “không cần hình thức” làm cho Phật tử không đồng thuận dù được khuyến khích.

Về nội dung, mỗi tự viện cần tổ chức một ngày tu tập trong mùa Phật đản. Hiện nay, nhiều chùa đã tổ chức thuyết giảng mùa Phật đản nhưng chưa phải là tất cả các chùa. Bên cạnh thuyết giảng, có lẽ rất ít chùa tổ chức một ngày hay một buổi tu tập chung cho chư Tăng Ni và Phật tử trong mùa Phật đản. Các chùa chỉ mới dừng lại ở việc tạo phước như bố thí từ thiện, phóng sinh… Có lẽ hình ảnh tu tập của Tăng Ni tại các chùa nếu được đa số các chùa thực hiện sẽ tạo ấn tượng vô vùng tốt đẹp trong cộng đồng Phật giáo và có lẽ đẹp hơn hình ảnh dự lễ mang tính hành chính tại các lễ đài.

Đối với Phật tử, ngày Phật đản là dịp quý báu để tỏ lòng tôn kính và tri ân Đức Phật. Do đó, việc dành một, hai ngày để tham gia các lễ mùa Phật đản và về chùa tu học là điều rất đáng nên làm. Bên cạnh đó, mỗi Phật tử nên phát tâm tạo phước bằng cách cúng dường chư Tăng Ni bữa cơm hay phẩm vật; làm từ thiện như phát quà hay phát cơm cháo… Điều này Phật tử ở các nước Phật giáo Nam truyền thực hành rất tốt và trở thành truyền thống. Tuy nhiên ở Việt Nam, lễ Phật đản vẫn còn xa lạ với rất nhiều Phật tử dù là đã quy y có pháp danh.

Mùa Phật đản Phật lịch 2567 sắp đến. Với lòng tôn kính và ước nguyện có một mùa Phật đản trọn vẹn về nội dung lẫn hình thức, về nét đẹp văn hóa Phật giáo Việt Nam, người viết xin ghi đôi dòng sơ lược ôn lại lịch sử Đức Phật, về sự cống hiến của Đức Phật cho nhân loại, về các hình thức và nội dung mà người tín đồ Phật tử đã và đang thực hiện cũng như mong sẽ thực hiện nhằm chia sẻ đến bạn đọc nhân mùa Phật đản an lành.

 

 



[1] Kinh Nalaka trong kinh Tập (Sutta Nipata) thuộc Tiểu bộ kinh, kinh Đại bổn (Mahapadana Sutta) thuộc kinh Trường bộ, kinh Hy hữu vị tằng hữu pháp (Acchariya-abbhutadhamma Sutta) thuộc Trung bộ, kinh Đại bát Niết-bàn thuộc Trường bộ. Kinh Đại bổn duyên thuộc Trường A-hàm, kinh Phương quảng đại trang nghiêm, kinh Phổ Diệu, kinh Thái tử thụy ứng bản khởi, kinh Tu hành bản khởi, kinh Quá khứ hiện tại nhân quả, kinh Phật bản hạnh tập, kinh Phật thuyết thập nhị du.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle