Vài phương thức đoạn trừ phiền não
vai phuong thuc
Vài phương thức
đoạn trừ phiền não
Thích Nữ Hạnh Từ
Hòa Thượng Minh Châu từng nói rằng: “Sinh
ra ở đời ai cũng muốn hạnh phúc, không ai muốn đau khổ, mà đạo Phật chính là đạo
giúp con người thoát khổ đau và sống an lạc, giúp con người đoạn tận khổ đau
ngay tại đời này, bằng những phương pháp thiết thực và hiện tại mà mọi người
chúng ta đều có thể hiểu được và làm được, không phải là những chuyện gì xa
xôi, huyền bí, siêu thực”.
Giáo lý Phật
giáo có thể giúp con người
thoát khỏi những khổ
đau bằng những phương pháp thiết
thực. Trong kinh Đức Phật đã tuyên thuyết vô lượng pháp môn để đối trị vô lượng phiền não, và ở đây người viết xin chọn một vài phương pháp.
Trong kinh kinh Nhất
thiết lậu hoặc Đức
Phật dạy rằng mọi khổ đau, tàn hại, nhiệt não khởi lên
là do chúng ta có cái nhìn sai lạc, không đúng với sự thật. “Này các Tỷ-kheo, do không như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sinh
được sinh
khởi, và các lậu hoặc đã sinh
được tăng trưởng. Này các Tỷ-kheo, do như lý tác ý, các lậu hoặc chưa sinh không sinh khởi, và các lậu hoặc đã sinh được trừ diệt”. Nghĩa
là việc tác ý đúng tinh thần lời Phật dạy mới có khả năng
dứt trừ các lậu hoặc đưa đến đoạn tận mọi khổ đau. Nếu chúng ta
tác ý không như lý thì đó là nguyên nhân đưa đến mọi khổ đau. Chính do có sự khác
biệt trong cách tác ý như vậy nên đạo Phật chủ trương thực
tập “như lý tác ý” hay đặt tâm đúng hướng.
Nguyên nhân dẫn đến phiền
não cũng chính do chúng ta có cái nhìn không đúng,
chấp chặt, lầm tưởng. Khổ đau lâu ngày không được chuyển hóa
sẽ dẫn đến u uất, phiền muộn, căng thẳng, thậm chí dẫn đến tự sát. Chúng ta
phải biết rằng ngay tấm thân tứ đại này cũng do
duyên hợp lại mà có, vậy còn gì để chấp là của ta để rồi sinh
ra phiền muộn. “Vị
Tỷ-kheo giữ giới cần phải như lý tác ý năm thủ uẩn là vô thường, khổ, bệnh
hoạn, ung nhọt, mũi tên, bất hạnh, ốm đau, người lạ, hủy hoại, rỗng không, vô
ngã”.
Nếu nhìn vạn pháp
đúng như nó đang là thì mọi phiền não khổ đau sẽ không còn. Do cái nhìn đúng
đắn, vạn pháp đúng như nó đang là nên mọi khổ đau không còn, mọi thiện nghiệp
được phát sinh. “Do
nhân như lý tác ý, do duyên như lý tác ý, do nhân tâm chánh hướng, do duyên tâm
chánh hướng, thiện nghiệp được làm, thiện nghiệp được tiếp tục làm. Này Mahāli,
đây là nhân, đây là duyên, thiện nghiệp được làm”.
Nhờ thực tập
cách nhìn các pháp đúng như lời Phật dạy, tức nhận thức rõ
hết thảy các pháp đều do duyên mà có mặt, luôn luôn biến đổi, thuộc bản chất
khổ đau, không ai làm chủ được, mà tâm trở nên định tĩnh, quân bình, không dao
động, không thiên vị, không ái luyến, không chấp trước, được thanh thản, tự do
và giải thoát.“Phàm pháp nào thuộc về
phần thiện, tất cả những pháp ấy lấy như lý tác ý làm căn bản, lấy như lý tác ý
làm chỗ quy tụ; như lý tác ý được gọi là tối thượng đối với những pháp ấy". Tất cả các thiện pháp đều bắt nguồn từ suy
nghĩ đúng đắn và lấy tư duy đúng đắn làm căn bản để phát sinh
thiện pháp.
Cái nhìn bằng như lý
tác ý là cái nhìn bằng trí tuệ, đây là cách nhìn nhận của bậc Thánh.
Chính nhờ tuệ tri mà các phiền não, lậu hoặc, tàn hại nhiệt não không có cơ hội
dấy khởi. Nhờ tuệ tri các pháp cần phải tác ý, nhờ
tuệ tri các pháp không cần phải tác ý, nên không tác ý các pháp không cần phải
tác ý và tác ý các pháp cần phải tác ý.
Do vậy, mọi phiền não, khổ đau cũng không còn. Đây là một phương pháp hữu hiệu
không chỉ dành cho các thầy Tỷ-kheo mà nó hợp với mọi đối tượng, mọi
thời đại. Nếu ai khéo hành trì theo thì sẽ đạt được an lạc giải thoát ngay
trong kiếp hiện tại.
“Như sét
đánh tan tảng đá
Như gió tạt lửa cháy rừng
như mặt trời xua tan bóng tối
cũng vậy tuệ được tu tập
đoạn tận rừng phiền não thâm căn
nguồn gốc mọi khổ sầu
đấy hạnh phúc ngay đời này
mà con người có thể biết đến”.
Giữ gìn ngũ giới
“Không có lậu
hoặc nào
Ở trong đời hiện tại
Bức bách người có giới
Vị ấy còn đào hết
Gốc rễ của đau khổ
Trong những đời vị lai”.
Phật giáo có
những phương pháp để đoạn trừ phiền
não và từng bước
đem lại hạnh phúc, trong đó giữ gìn năm giới cấm là điều đầu tiên cần phải làm. Năm
giới bao gồm không sát sinh, không trộm cắp,
không tà dâm, không nói dối và không uống rượu. Đây là năm điều
căn bản nhất mà mỗi người cần gìn giữ để cuộc sống được an vui hạnh phúc. Ví như một người giữ gìn giới
không tà dâm thì cuộc sống vợ chồng được bền lâu, không còn những mối nghi ngờ,
không còn cảnh chia tay, không còn cảnh làm tổn thương con cái.
Tình trạng chồng ngoại tình
hay vợ ngoại tình là một trong những nguyên nhân khiến gia đình tan
vỡ. Nhiều người phụ nữ vì không chấp nhận chồng mình ngoại tình nên đã rất đau
buồn, tự kỷ, trầm cảm... Đây là một trong những hiện tượng nổi trội trong xã hội hiện đại. Như vậy
nếu chúng ta giữ gìn tốt ngũ giới chắc chắn cuộc sống sẽ vơi bớt những nỗi khổ
niềm đau cho mình và cho những người xung quanh.
“Như trồng trọt không rào giậu. Giới khi ấy sẽ bị giặc phiền não xâm nhập,
như một khu làng mở cổng sẽ bị trộm cướp xâm nhập. Và tham dục lẻn vào tâm vị
ấy như mưa dột ở mái nhà không lợp kín”[12].Chúng ta phải phòng hộ sáu căn
ví như một người trồng trọt nếu không làm rào chắn kỹ càng thì có nguy cơ bị những con vật bên ngoài vào quấy phá.
Nếu một người không giữ gìn luật pháp, giới luật thì mọi giặc phiền não xâm
nhập vào. Đây là nguyên nhân khiến xã hội ngày nay có rất nhiều vấn nạn.
Một trong những nguyên nhân làm
cho con người bị căng thẳng, lo lắng, bất an là
do mặc cảm tội lỗi; và năm giới này là cách giúp người ta tránh được mặc cảm đó. Phật giáo nhấn
mạnh rằng hành vi bất thiện sẽ làm tăng thêm phiền não trong khi việc làm thiện sẽ đem lại cảm
giác an vui. Một cuộc sống đơn giản với ít sở hữu và
biết đủ là điều rất được tán thán trong Phật giáo. Ngược lại,
tích trữ và hám lợi sẽ làm cho người ta bị căng thẳng. “Năm
giới này không những đưa người mạnh tiến trên đường giải thoát mà còn đem
lại trật tự, an vui, hòa bình cho gia đình, quốc gia, xã hội nữa. Ngũ giới
chính là giềng mối chắc thật tạo hạnh phúc cho cá nhân và đoàn thể”.
Muốn ít biết đủ
Trong kinh Đức Phật dạy: “Bất tri túc giả tuy xử thiên đường do bất xứng ý, tri túc chi
nhân, tuy ngoạ địa thượng do vi an lạc"[14]. Người biết đủ, dù nằm trên đất cát
vẫn an lạc; trái lại, người không biết đủ, dù ở cung trời cũng
không vừa ý. Ít ai bằng lòng với cuộc sống hiện tại. Người nghèo
muốn giàu, người giàu muốn giàu thêm; người có thứ này mong được thêm thứ khác. Cũng vì vô
minh, con người tự chui vào lưới ngũ dục, cho đó là hạnh
phúc, là cứu cánh của đời mình. Có ý niệm truy đuổi tìm cầu
tức không bằng lòng với hiện tại, như kẻ thả mồi bắt bóng, không
biết bao giờ mới tìm thấy hạnh phúc. Biết dừng lại tức ổn
cố được tâm, không dính mắc với trần cảnh bên ngoài, biết vui với
những gì mình đang có, ta sẽ thấy hạnh phúc tại hiện tiền.
Nếu chúng ta ít muốn biết đủ, bằng lòng với những gì mình đang có, sống đời an
nhiên tự tại thì sẽ giảm bớt những áp lực từ cuộc sống. Chính tâm tham cầu quá
nhiều mới sinh ra khổ đau.
Như vậy thiểu dục tri túc là một pháp đối trị lại tâm tham cầu. Chính dục vọng
của con người đã làm cho họ khổ đau triền miên. “Phật giáo dạy con người đi vào
giải thoát, có nghĩa là đi ra khỏi mọi trói buộc mọi ách nô lệ. Nô lệ lớn nhất
của hiện tượng giới là nô lệ chính dục vọng của mình”.
Trong một bài sám văn có nói rằng hàng ngày chúng ta ở “trong trí Bồ-đề mà thấy không thanh tịnh, trong cảnh
giải thoát mà sinh ràng buộc”. Không ai mang khổ đau lại
cho chúng ta mà chính chúng ta là chủ nhân tạo ra nó. Hàng ngày chúng ta sống
trong trí Bồ-đề nhưng lại
thấy không thanh tịnh bởi vì tâm tham cầu, tâm vọng tưởng chi phối và dẫn dắt
chúng ta đi lầm đường lạc lối. Như vậy, giải thoát hay ràng buộc là do cách
sống của chúng ta chứ không phải do một ai khác. Suốt ngày chạy theo dục vọng
thì suốt đời chúng ta chỉ là một kẻ nô lệ của nó. “Dục
vọng như bộ xương khô, như miếng thịt, như hầm lửa, như rắn độc…, hoan lạc ít mà khổ não lại nhiều, đầy dẫy
nguy hiểm”.
Do vậy, thiểu dục tri túc là một phương pháp giúp đoạn trừ những tham muốn, những dục vọng; khi đã đoạn trừ
được dục vọng tham muốn thì
sẽ không còn khổ đau.
Đoạn trừ chấp thủ
“Tất cả pháp vô ngã
Với tuệ quán như vậy
Đau khổ được nhàm chán
Chính
con đường thanh tịnh”.
Nhìn chung, khổ là
do tập khí chấp ngã quá nặng. Tập khí là thế
lực hùng mạnh vô biên, làm
chuyển động bánh xe luân hồi, lôi cuốn con người vào
guồng máy sinh tử không cách nào thoát khỏi. Chính vì chấp
ngã nên ta thích khen sợ chê, thích sướng sợ khổ. Ta thương người
nhưng muốn người ta thương phải là sở hữu của riêng ta. “Do chấp thủ nên đắm trước, không chấp thủ
thì không đắm trước”.
Chúng ta hiểu cuộc
đời là khổ không phải để buông xuôi, phó mặc dòng đời đưa đẩy, mà phải
dùng trí tuệ để giải quyết mọi công việc, để chiến thắng
mọi nghịch cảnh một cách hiệu quả nhất. Nhờ công
phu thiền tập, biết thiểu dục tri túc nên khi gặp khó khổ, ta có
sức định tĩnh để vượt qua. Ta không mất nhiều thời giờ lo cho
cái ăn cái mặc mà dành tâm trí giải quyết việc lớn của đời
mình. Khi chánh niệm trên từng biến chuyển của thân, trên
từng vận hành của tâm và trên từng đổi thay của cảnh, ta thấy rõ tất
cả đều như huyễn.
Lòng
tham muốn khiến con người tìm kiếm và chấp nhận chút hạnh phúc tạm bợ mong manh
mà không biết thú vui đó là nguyên nhân của khổ. Hạnh phúc ấy luôn bị phụ thuộc
vào sự đối đãi của tầng số tăng giảm về lạc thú. Vì thế Đức Phật dạy hạnh phúc mà con người thọ hưởng không ngoài sự tham muốn và
tưởng nhớ các dục. Sự hưởng thụ dục lạc không bao
giờ thực sự thỏa mãn, như
người uống nước muối, càng uống càng khát. Chúng tạm bợ mong manh như
lửa đom đóm, chỉ có ánh sáng tánh giác sẵn đủ mới là nơi hướng đến của đời
mình. “Phàm phu
ngu si vô học, không trí tuệ, không sáng suốt, đối với năm thọ ấm nói là ngã,
hệ trược làm cho tâm bị trói buộc mà sinh tham dục”.
Quán rõ các
pháp có được đều do nhân
duyên thì có gì để ta chấp nó là của ta. Ngay tấm thân này cũng chỉ do tứ đại hợp thành, nay
còn mai mất, một hơi thở ra không thở vào thì không còn. Khi vô thường già bệnh
ập về thì tay trắng hoàn không chỉ theo nghiệp dẫn. Hiểu được như vậy thì không
còn gì để chúng ta tham chấp, và không có gì có thể làm tổn hại chúng ta.
“Thân như bóng chớp
có rồi không
Cây cỏ xuân tươi thu đượm hồng
Mặc cuộc thịnh suy không sợ hãi
Thịnh suy như cỏ hạt sương đông”.
Thích Minh Châu (2002), Đạo đức Phật giáo & hạnh phúc con Người, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội,
tr.68.
Kinh Trung bộ 1, Thích Minh Châu dịch (2012), kinh Tất cả lậu hoặc, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội,
tr.25.
Kinh Tăng chi bộ 4, Thích
Minh Châu dịch(1997), Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh, tr.356.
Kinh Tất cả lậu hoặc, tr.27.
Thích Quang Nhuận
(2004), Phật học khái lược, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội,
tr.50.
Thích Chơn Thiện (2009), Sđd., tr.251.
Kinh Trung A-hàm số 2,
Thích Tịnh Hạnh(2000), Taiwan, tr.751.
Thích
Minh Châu, Sđd.,
tr.127.