Ý nghĩa biểu trưng của gậy đầu lâu khatvanga
y nghia bieu trung
Ý NGHĨA BIỂU TRƯNG CỦA GẬY ĐẦU LÂU KHATVANGA
Trong kho tàng truyện truyền kỳ Phật giáo xứ ta, chúng ta thấy
có cây gậy biến hóa nên thành lũy, lâu đài của Chử Đồng Tử, cây gậy tạo ra nước
cứu nạn hạn hán của Man Nương, hay cây gậy thần trong truyện Từ Đạo Hạnh. Đó là
những cây gậy thần có công năng diệu dụng, song hầu như chúng ta không thấy ở
đâu để cập đến loại gậy đầu lâu, một pháp khí cực kỳ quan trọng, chuyên chở nhiều
ý nghĩa biểu trưng về Phật pháp rất đáng chú ý.
Gậy đầu lâu/khô
lâu trượng Khatvanga là chiếc gậy dài
chạm khắc, ban đầu được tạo ra để dùng làm vũ khí. Khatvanga đã được chấp nhận như một biểu
tượng tín ngưỡng, nó ra đời như một cây gậy pháp sư của bộ lạc nguyên thủy; còn
trong những tôn giáo/tín ngưỡng Ấn Độ, nó được coi là vũ khí của
thần Shiva, và nó cũng vốn là gậy cầm tay của các thầy du-già (còn được gọi là
người cầm sọ người) phái Shaiva - giáo phái tôn sùng thần Shiva/Thấp Bà của Ấn Độ
thời kỳ đầu và một số dòng truyền thừa của lịch
sử Mật điển/Tantra kế thừa, trong đó có Phật giáo Kim Cương thừa. Khatvanga tượng trưng người cầm
nó sở hữu được kho tàng minh triết vô tận của Phật.[1]
Khatvanga,
tiếng Nhật: hobo[2], còn gọi là thiên trượng, minh triết
trượng,[3]
là một loại trượng cầm tay của người tu hành Mật tông, là một pháp khí trong Mật
tông. Hàm nghĩa trên mặt chữ là “chân hoặc
giao chân trên võng”, nghĩa là “cây gậy
giống như chân giường”,[4]
hay nghĩa đen “chi hay chân” (Phạn: anga) của một chiếc giường cũi (Phạn: khatva), kết cấu và ý nghĩa tượng trưng
của nó phức tạp hơn rất nhiều so với các pháp khí khác, và là một công cụ/phương
tiện biểu trưng phức tạp nhất của Phật giáo Kim Cương thừa.[5]
1. Hindu giáo
Trong Hindu giáo, Shiva - Rudra mang
khatvanga
như một vũ khí quyền trượng. Tác giả Robert Beer nói rằng, “Trong Hindu
giáo, khatvanga là một biểu tượng hoặc vũ khí của Thần Shiva, và được miêu tả
khác nhau như một cây gậy có đầu lâu ở đỉnh/chóp, một cây đinh ba gắn đầu lâu,
hoặc một cây đinh ba - quyền trượng trên đó có ba cái đầu lâu đâm xiên qua”.[6]
Tác giả A.V. Narasimha
Murthy cho rằng, “Trong văn học cổ điển, vũ khí khatvanga được đề cập trong các
tác phẩm như Malatimadhava của Bhavabhuti và Siva Stuti của Narayana
Panditacharya”.[7]
2.
Phật giáo Kim Cương thừa
Cũng theo Robert Beer, “Dạng
thức khatvanga của Phật
giáo bắt nguồn từ quyền trượng mang tính biểu trưng của các hành giả du-già thuộc phái thờ thần
hủy diệt Shiva của xứ Ấn Độ buổi đầu, được gọi là các kapalika hay
“người mang đầu lâu”. Các kapalika ban
đầu là những kẻ lầm lạc đã
bị kết án 12 năm để nhằm sám hối về tội ác vô ý giết chết một vị Bà-la-môn.
Người sám hối được quy định phải ngụ trong một túp lều nơi rừng rậm, ở một giao
lộ hoang vắng, hay trong một khu mộ địa, hoặc dưới một cái cây; sống bằng thức
ăn xin được; tu khổ hạnh; và quấn chiếc khố làm từ sợi cây gai dầu, hay mảnh da
chó hoặc da lừa/da khỉ. Họ cũng phải mang những biểu tượng của một chiếc đầu
lâu/sọ người làm bát khất thực, và chiếc sọ của vị Bà-la-môn mà họ đã vô ý giết
chết được gắn trên một quyền trượng gỗ làm cờ hiệu.
Những nhà khổ hạnh kapalika Hindu này sớm phát triển, hình
thành một giáo phái cho những người bị mất địa vị trong đẳng cấp theo con đường
Mật tông “tả phái” (Phạn: vamamarg)
thờ cúng nữ thần hay shakti. Các hành
giả du-già Mật tông nam và nữ buổi đầu chấp nhận và kế tục những thuộc tính của
vị nữ thần hoặc không hành nữ/dakini
tương tự như của các kapalika. Những
thuộc tính đó bao gồm: các món đồ trang trí bằng xương, một chiếc khố bằng da động
vật, làm dấu bằng một vết tro người hỏa táng, một chiếc cốc đầu lâu, trống/trống
bỏi damaru, dao róc, kèn xương đùi, và quyền trượng hay gậy khatvanga chóp đầu
lâu Mật tông.
Tác giả Robert Beer liên
hệ cách biểu trưng của khatvanga trong Kim Cương thừa, đặc biệt là phái Ninh
Mã/Nyingma do Liên Hoa Sinh/Padmasambhava sáng lập, là sự vay
mượn trực tiếp từ những kapalika của
giáo phái thờ Thần Shiva, những người thường xuyên lui tới các nơi tu hành khổ
hạnh như những khu mộ địa và giao lộ như một hình thức của
“con đường tả phái” (vamachara) sadhana.
Trong truyền thuyết Phật
giáo, khatvanga cũng là một thuộc tính thần thánh đặc biệt của Liên Hoa Sinh,
và là vật đặc hữu trong biểu trưng hình tượng của ngài và được miêu tả như một trì
vật của những phối ngẫu thần thánh của ngài, Mandarava và Yeshe
Tsogyal. Trong chuyển ngữ, nó biểu thị
cho Yab-Yum/song hình.[8]
3.
Tạo tác
Ban đầu, khatvanga
được chế tác bằng xương, đặc biệt là xương dài của cẳng tay hay cẳng chân của
con người hoặc động vật. Về sau, gỗ và kim loại cũng được sử dụng. Khatvanga là một chiếc gậy dài chạm khắc
đầu lâu trên thân gậy. Một khatvanga
biểu trưng cho kim cương chử/vajra.
Cụ thể, khatvanga bao gồm
một cán/tay cầm bằng gỗ đàn hương trắng tám cạnh dài, khít với đuôi cán kim
cương chử một mũi hay một nửa, và đỉnh/chóp là kim cương chử chữ thập, bình
báu, đầu người đầy máu đỏ, đầu người thối rữa tái xanh, sọ trắng, và một kim
cương chử phủ lên bên trên hoặc đinh ba rực lửa. Từ kim cương chử chữ thập và
bình treo một dải lụa dài, và thường có một hoặc hai sợi dây móc các biểu tượng
mặt trời và mặt trăng, cờ ba đuôi nheo, một trống bỏi damaru/trống chod và
chuông.[9]
Khatvanga trong Kim Cương
thừa về cơ bản là tượng trưng cho Bồ-đề tâm tối thượng, là sự kết hợp Tính
không và Cực lạc, điều này được tìm thấy biểu đạt đầy đủ trong hình thức
yab-yum của vị thần bản tôn/yidam và người phối ngẫu của thần/nữ thần: được đặt
trong tay của các vị thần bản tôn và những vị phối ngẫu tương ứng, với hình thức
song tu này thì sự kết hợp đó là viên mãn nhất. Như một biểu trưng của người phối
ngẫu, khatvanga được giữ làm chiếc gậy của tay trái. Khi khatvanga được một nam
thần nắm giữ, nó biểu tượng hóa cho người nữ phối ngẫu như “cốt lõi” của sự
thông thái, hiểu biết; và khi một nữ thần nắm giữ, nó biểu thị người nam phối
ngẫu như “cốt lõi” của phương tiện. Trong tay của các bậc thượng sư, đại sư
truyền thừa, thành tựu giả, không hành mẫu, hành giả du-già nam và nữ ngồi thường
nắm giữ khatvanga làm chiếc gậy trong tay trái, tượng trưng cho gốc của phương
tiện hoặc trí tuệ với người phối ngẫu tương ứng. Tuy nhiên, như một thuộc tính
cầm tay của các vị thần bản tôn nhiều tay, khatvanga được nắm giữ trong cả tay
trái lẫn tay phải. Như một thuộc tính của vị Kim Cương Du-già Thánh nữ/Vajrayogini,
người có một vài dạng thức mang khatvanga cân bằng trên vai trái, nó biểu trưng
người phối ngẫu Thắng Lạc Kim Cương/Chakra-samvara của nữ thần, với nó những cấu
thành khác biểu trưng hóa 62 vị thần của mạn-đà-la Thắng Lạc Kim Cương.
Khatvanga được miêu tả có chiều dài ngang bằng với chiều cao của vị thần, nhưng
như trì vật của các vị thần nhiều tay hay các tượng ngồi, khatvanga nói chung
được thể hiện ngắn hơn vì những lý do thẩm mỹ.[10]
Trong ý nghĩa biểu
trưng bên ngoài khatvanga biểu thị vũ trụ vật chất của núi Meru; với kim cương
chử chữ thập, bình báu vàng kim, đầu người đầy máu đỏ, đầu người thối rữa tái xanh
nhợt nhạt, sọ trắng biểu trưng năm yếu tố/ngũ đại là đất, nước, lửa, gió và
không. Từ ý nghĩa tượng trưng về mặt kết cấu mà nói, cán của khatvanga được làm
từ đoạn cây gỗ đàn hương thẳng đứng, cán trượng có 8 mặt, đỉnh cán (cao nhất)
và đuôi cán (thấp nhất) biểu thị trục trung tâm và 10 hướng/phương của núi Meru.
Kim cương chử chữ thập biểu thị đế/bệ cõi đất thấp hơn của núi Meru, trong khi
12 ngạnh/nhánh hữu hình biểu trưng 4 lục địa chính và 8 tiểu lục địa xung quanh
núi Meru. Bình biểu thị chính núi Meru, và 4 vật đối xứng hình lá là 4 mặt của
núi Meru. Chóp mở của bình biểu thị cung điện của Thần Indra tại đỉnh núi Meru
được mường tượng có một cây ước ở trung tâm. Đồng thời, dải tơ trắng mềm rũ, được
cột quanh bình biểu thị những dãy núi bao quanh ngọn núi Meru và biển đại đương
to lớn. Cờ ba đuôi nheo với sắc vàng, đỏ và xanh dương biểu thị sự hợp nhất của
ba phương tiện - Tiểu thừa/Hinayana, Đại thừa/Mahayana và Kim Cương thừa/Vajrayana;
biểu thị biểu ngữ thắng lợi trên đỉnh núi Meru; biểu tượng mặt trời và mặt
trăng biểu hiện những hành tinh xoay quanh đỉnh núi Meru.[11]
Ý nghĩa biểu tượng bên
trong của cán/tay cầm tám cạnh màu trắng biểu trưng hóa cho Bát chánh đạo thuần
khiết của Đức Phật. Kim cương chử chữ thập, thường được miêu tả như chỉ một nửa
của một kim cương chử chữ thập, biểu thị bốn yếu tố tịnh hóa, tứ tinh tấn, tứ
vô lượng, tứ chân đế. Bình báu bằng vàng chứa đầy nước cam lộ tượng trưng cho
trí tuệ được viên mãn hoàn thiện và giác thức thông suốt. Dải tơ trắng tung bay
biểu thị những bài thuyết giảng khác nhau của Đức Phật nhằm đáp ứng cho các nhu
cầu khác nhau của môn đồ. Trống và chuông biểu thị những bài thuyết giảng về
phương tiện và trí tuệ, sự hợp nhất phương tiện và trí tuệ. Và sự “liên kết cát
tường” của mặt trăng lưỡi liềm và mặt trời biểu thị đủ đầy hiện thực của phương
tiện và trí tuệ[12].
Sự hợp nhất của trống, chuông pháp và dải lụa phiêu bồng/cờ ba đuôi nheo cũng đại
diện cho sự thuần tịnh của tam nghiệp thân, khẩu, ý sau khi đã giác ngô. Ba thứ
này xâu chuỗi nối với đầu người đại diện cho diệt trừ tam độc tham, sân, si hay
tam thân: Pháp thân, Báo thân, và Ứng thân.
Ba
đầu bị chặt đứt của vũ khí khatvanga biểu thị cho giải thoát/moksha từ tam giới (Trailokya). Đầu người sắc đỏ
đầy máu đỏ tươi ở trên chiếc bình biểu tượng hóa 6 cõi trời dục giới (Phạn: kamavacara-deva), như sắc đỏ là màu của
dục vọng và tình cảm, đại diện cho Báo thân. Cái đầu người thối rữa tái xanh biểu
trưng 18 cõi trời Sắc giới (Phạn: rupavacara-deva),
như sắc xanh lục của sự lãnh đạm, tà ác, tàn nhẫn, đại diện cho Ứng thân. Chiếc
sọ khô trắng biểu trưng hóa cho 4 cõi cao nhất của các vị thần Vô sắc giới (Phạn:
arupavacara-deva)[13];
tượng trưng cho đoạn diệt vô minh, đại diện cho Pháp thân. Ba thân tương ứng
thuận hòa với nhau là “ba cửa giải thoát”, tức là không (đầu người sắc đỏ), vô tướng
(đầu người sắc xanh) và vô nguyện (đầu lâu sắc trắng). Khi đảo ngược trật tự -
trắng, đỏ và xanh dương - chúng có thể kết hợp với bình báu vàng kim và kim
cương chử chữ thập biểu thị năm khía cạnh thuần khiết của thân, khẩu, ý; đặc
tính và minh hạnh túc của Đức Phật.[14]
Ở đây, chiếc sọ khô biểu
trưng âm tiết trắng Om tại đỉnh
(thân), chiếc đầu thối rữa âm tiết đỏ A tại
cổ họng (khẩu), và chiếc đầu đầy máu tươi là âm tiết xanh dương Hum tại trái tim (ý), chiếc bình vàng
kim là âm tiết vàng Sva tại rốn (phẩm
hạnh) và kim cương chử chữ thập là âm tiết xanh lục Ha tại “trung tâm nhục dục” (hành). Năm âm tiết đó, Om A Hum Sva Ha, tương ứng với âm tiết hạt
của Ngũ Phật: Đại Nhật Như Lai (Om trắng),
A Di Đà (A đỏ), A Súc Bệ/Bất Động Phật
(Hum xanh dương), Bảo Sinh Như Lai (Sva vàng), và Bất Không Thành Tựu Như
Lai (Ha xanh lá).[15]
Ngoài ra, kim cương chử
một nửa hay đầy đủ tại đế và đỉnh của khatvanga biểu tượng hóa cho sự hoàn mỹ
không chút sai biệt của Ngũ Trí Như Lai, và hợp nhất Ngũ thân trong phái Vô thượng
Du-già. Và chóp kim cương chử còn biểu tượng hóa cho cõi tịnh độ giác ngộ của
các vị Phật. Kim cương chử cùng với bình báu, chày kim cương chữ thập hòa hợp
biểu thị 5 loại thần lực biến hóa tự tại vô ngại là thân, khẩu, ý của Phật Đà. Nếu
là một cây đinh ba rực lửa trên chóp của khatvanga biểu trưng cho Tam thân, Tam
bảo, Tam thế Phật và Tam giới thù thắng.
Trong tầng sâu ý nghĩa
của Mật tông, ba mũi nhọn trên đỉnh trượng/đinh ba đại diện cho sự kết hợp của
ba mạch đạo/kênh tâm linh chính hay nadi.
Ngọn lửa ở nhánh trung tâm biểu trưng hóa cho sự đi lên của ngọn lửa bên trong
(Phạn: candali, Tây Tạng: gtum-mo) thông qua kênh trung tâm, tượng
trưng cho sự thăng tiến của kinh mạch “nội hỏa” (một phép tu của giai đoạn viên
mãn căn bản của Mật thừa). Cán/tay cầm trắng của khatvanga tượng trưng cho mạch
giữa/kênh trung tâm tràn đầy hiển lộ tâm Bồ-đề sắc trắng tan từ những giọt tại
đỉnh/chóp luân xa (sọ trắng). Tám mặt của cán khatvanga đại diện cho 8 mạch đạo
lớn xuất phát từ trung tâm của tâm luân - biểu thị nadi bắt nguồn từ luân xa trái tim. Năm yếu tố bên trên được biểu
thị bởi kim cương chử chữ thập (đất), bình cam lộ (nước), đầu người đầy máu
tươi đỏ (lửa), đầu người tái xanh (khí), sọ trắng (không). Kim cương chử đủ đầy
hay một nửa phía trên đầu lâu biểu thị yếu tố thứ sáu của “trí tuệ”[16].
Những biểu tượng treo kết hợp mặt trăng lưỡi liềm và mặt trời biểu thị sự hợp
nhất phương tiện và trí tuệ, biểu thị năng lượng hợp nhất của kênh mặt trăng và
mặt trời gia nhập, không thay đổi, và hòa tan vào kênh trung tâm. Bộ đôi âm
thanh của trống và chuông pháp đại diện cho phương tiện và trí tuệ, tượng trưng
cho sự kết hợp giữa trí tuệ và tính không, biểu thị sự hợp nhất của cực lạc và
rỗng không. Dải lụa trắng biểu thị sự hòa tan và truyền lại/kế thừa của những giọt
Bồ-đề tâm trắng, tràn ngập thân thể người tu tập du-già với trải nghiệp hoàn
toàn đại phúc lạc.
Ở cấp độ thể xác thầm
kín, khatvanga của Thắng Lạc Kim Cương biểu thị mạn-đà-la cung đàn thành của thần
và 62 vị thần ngự ở đó. Từ hai chân thần, trải rộng hình cánh cung, hình thành
mạn-đà-la gió hình cung. Từ dạng thức hình tam giác của dương vật và tinh hoàn
thẳng đứng nảy sinh từ mạn-đà-la lửa tam giác. Từ dạng thức hình tròn của bụng
thần phát sinh mạn-đà-la nước hình tròn. Từ dạng thức hình vuông của ngực thần
hình thành mạn-đà-la đất vuông, với xương sống của thần biểu trưng núi Meru. 32
cánh hoa của đỉnh luân xa xuất hiện mạn-đà-la bầu hoa sen bảo vệ vòng tròn. Cơ
thể thần mở rộng cân bằng và tay kéo căng hình thành như bốn bức tường đối xứng
của mạn-đà -a cung đàn thành. Tám xương chi ghép nối hợp thành như tám cột trụ
chống chịu cho cung đàn thành, và 32 tướng hảo quang minh và 80 vẻ đẹp phụ tạo
thành như 100 và 12 điểm trang trí cho mạn-đà-la cung đàn thành.
Chiếc bình vàng kim tại
trái tim của khatvanga biểu hiện bục/bệ/đài tại trung tâm cung điện của Thắng Lạc
Kim Cương. Thuốc trường sinh amrita chứa trong bình biểu thị “hợp nhất đại phúc
lạc” (Phạn: mahasukha-yuganaddha) của
Thắng Lạc Kim Cương và Kim Cương Du-già Thánh nữ. Kim cương chử chữ thập biểu
thị tám vị thần của mạn-đà-la “luân xa truyền dẫn”. Nó khởi lên như tám kênh
(Phạn: nadi) chuyển những năng lượng
tinh tế hay “gió” đến lưỡi, rốn, đỉnh giới tính, hậu môn, trán, tai, mặt và lỗ
mũi. Cái đầu tái xanh thấp hơn biểu thị 16 vị thần xanh lam của mạn-đà-la “luân
xa tâm trí”. Chiếc đầu đỏ máu ở giữa biểu hiện 16 vị thần đỏ của mạn-đà-la “luân
xa lời nói”. Sọ trắng biểu hiện 16 vị thần trắng của mạn-đà-la “luân xa thể
xác”. Đỉnh kim cương chử năm ngạnh của khatvanga biểu thị vị thần bốn phương của
“luân xa đại phúc lạc”, vòng quanh Thắng Lạc Kim Cương và Kim Cương Du-già
Thánh nữ tại trung tâm mạn-đà-là. Cán/tay cầm gỗ đàn hương trắng tám mặt biểu
trưng hoa mạn-đà-la bảo vệ vòng tròn của tám khu mộ địa lớn, và nửa kim cương
chử tại đế/bệ cán biểu hiện lều kim cương chử bảo vệ vòng tròn bao quanh tám
khu mộ địa lớn.
Những vị thần chắc chắn
nắm giữ những dạng thức khatvanga biến đổi đặc biệt như miêu tả ở bên trên. Ví
dụ, cán/tay cầm có thể bằng gỗ đàn hương đỏ, hoặc “gỗ đàn hương trắng nhuộm sắc
đỏ”; những món đồ treo trang trí và dải lụa có thể không được miêu tả; hoặc
toàn bộ khatvanga được tạo tác từ xương, với ba chiếc sọ trắng ở bên trên chiếc
bình.[17]
Ngoài ra, ý nghĩa thần
bí ẩn sâu bên trong thiên trượng/khatvanga, thân thể của Chuyển luân Thánh vương
và thiên trượng phân biệt 62 vị thần trong cung đàn thành và nơi cư trú. Chày
kim cương chữ thập đại diện cho tám vị thần linh trên “vòng Tam muội da” đàn
thành, trong bình báu sắc vàng ở giữa của thiên trượng đại diện cho trung tâm
đàn tế trong cung Chuyển luân Thánh vương. Đầu người các màu xanh lam, đỏ, trắng
và đầu lâu đại diện chỉ 16 vị thần linh. Trượng gỗ đàn hương sắc trắng 8 mặt tượng
trưng cho vòng bảo bộ 8 Đại thi lâm của đàn thành.[18]
Song
tu kết hợp của tính không, tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật
Thangka, đời Thanh, lưu giữ ở Tây Tạng. Thắng Lạc Kim Cương sắc thân màu xanh
có 12 tay là vị chủ tôn trong bức tranh Thangka này, có một tay cầm thiên trượng
đại diện cho tâm Bồ-đề cùng cực, ôm Kim Cương Hợi Mẫu đứng trên đài hoa sen.
Hình thức song tu hoàn mỹ thể hiện sự kết hợp giữa tính không và đại lạc. Trong
tay của Thắng Lạc Kim Cương cầm thiên trượng tượng trưng cho “trí tuệ” của Kim
Cương Hợi Mẫu đồng hành.
Kim
Cương Hợi Mẫu ôm thiên trượng, tranh vẽ trên vải
theo nghệ thuật Thangka, đời Thanh, lưu giữ ở Tây Tạng. Trong bức Thangka này,
thiên trượng được ôm trong khủy tay trái của Kim Cương Hợi Mẫu sắc thân màu đỏ
tượng trưng cho sự chiến thắng tam độc tham, sân, si, thu được tính không và đại
lạc cuối cùng, tay phải cầm chuông kim cương, tay trái cầm bát sọ người. Kim
Cương Hợi Mẫu, tiếng Tạng gọi là Đa Phạ Mẫu, là vị nữ chủ trong chùa Tang Da (Sam-yas), là một vị nữ duy nhất trong hệ
thống hoạt Phật của Phật giáo Tạng truyền. Nữ đệ tử Ích Tây Thố Gia (Yeshe Tsogyal) của Đại sư Liên Hoa Sinh
được cho là hóa thân của Kim Cương Hợi Mẫu. Theo truyền thuyết, Kim Cương Hợi Mẫu
có thân người đầu lợn, lợn được tỉ dụ cho “si” trong tam độc, tức ngu muội. Cho
nên Kim Cương Hợi Mẫu trở thành người tiêu diệt ngu muội, tượng trưng cho sự
khai sáng trí tuệ.
Đại
sư Liên Hoa Sinh, tranh vẽ trên vải theo nghệ thuật Thangka,
đời Thanh, lưu giữ ở Tây Tạng. Trong bức tranh Thangka này, Đại sư Liên Hoa
Sinh hiện tướng tịch tĩnh, tay cầm thiên trượng đứng trên đài hoa sen, tượng
trưng cho tâm tràn đầy đại lạc và tính không. Trong Tạng truyền Phật giáo, Đại
sư Liên Hoa Sinh là bậc thượng sư có sắc thái thần kỳ nhất. Tương truyền ngài
được sinh ra trong hoa sen, phép thần thông của ngài có thể giáng trừ ma quái,
đồng thời cũng là bậc Tổ sư của Mật tông trong Phật giáo Tạng truyền, là Tổ sư
của phái Ninh Mã. Đối với lịch sử các vùng Tây Tạng và tiến trình phát triển của
tôn giáo, ngài có ảnh hưởng và vai trò vô cùng quan trọng.[19]
Như những gì đã trình
bày ở trên, tóm lại, thiên trượng tượng trưng cho giáo pháp của Phật Đà; ba đầu
người tượng trưng cho tam độc và tam thân: đầu sắc trắng tượng trưng cho si,
Pháp thân; đầu sắc xanh lục tượng trưng cho sân, Ứng thân; đầu sắc đỏ tượng
trưng cho tham, Báo thân; chày kim cương/Yết-ma: bốn phương hướng tượng trưng
cho Tứ vô lượng; cán trượng tám mặt: tượng trưng cho Bát chánh đạo; đỉnh trượng:
là chày kim cương, tượng trưng cho Ngũ trí; và ba mũi nhọn tượng trưng cho tam
thời, tam giới và Tam bảo; bình báu: tượng trưng cho sự vĩnh hằng của sinh mệnh,
cam lộ viên mãn; trống, chuông pháp, cờ ba góc: tượng trưng cho tam mật thân, khẩu,
ý…[20]
Nói chung, ý nghĩa biểu trưng ở đây còn bao gồm cả hình tướng (vuông, tròn, tam
giác…), màu sắc, số lượng, v.v. Đó là những gì mà chúng ta phải lưu ý khi chiêm
ngưỡng tranh tượng Phật giáo Mật tông.
HUỲNH
THANH BÌNH
Chú thích hình:
K1 đến K4: Một số gậy đầu lâu khatvanga.
K5: Thắng Lạc Kim Cương và phối ngẫu Kim Cương Hợi Mẫu, những năm 1450-1500, tranh
Thangka, miền Trung Tây Tạng.
K6: Kim Cương Du-già Thánh nữ,
tranh Thangka, Tây Tạng.
K7: Đại sư Liên Hoa Sinh, tranh Thangka, Tây
Tạng.
K8: Đại sư Liên Hoa Sinh, Nepal.
Chú thích:
[1] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Tranh tượng
& thần phổ Phật giáo, NXB.Mỹ Thuật, tr.110-112.
[2] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[3] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[4] Louis Frederic,
Phan Quang Định dịch (2005). Sđd.
[5] Robert Beer
(2003). The handbook of Tibetan Buddhist
symbols, Shambhala xb, tr.102-107.
[6] Robert Beer (1999). The
Encyclopedia of Tibetan Symbols and Motifs. Serindia xb. tr.250.
[7] A. V. Narasimha Murthy
(2001). Hemakuta: Recent Researches in Archaeology and Museology: Shri
C.T.M. Quyển Kotraiah Felicitation, Tập 1. Bharatiya Kala Prakashan xb. tr.160.
[8] Robert Beer
(2003). Sđd.
[9] Robert Beer (2003).
Sđd.
[10] Robert Beer
(2003). Sđd.
[11] Robert Beer
(2003). Sđd.
[12] Robert Beer
(2003). Sđd.
[13] Robert Beer
(2003). Sđd.
[14] Robert Beer
(2003). Sđd.
[15] Robert Beer
(2003). Sđd.
[16] Nặc Bố Vượng Điển
(2011). Pháp khí Mật tông, NXB.Hồng Đức,
tr.104-109.
[17] Robert Beer
(2003). Sđd.
[18] Nặc Bố Vượng Điển
(2011). Sđd.
[19] Nặc Bố Vượng Điển
(2011). Sđd.
[20] Nặc Bố Vượng Điển
(2011). Sđd.