Niêm hoa vi tiếu trong Thiền tông với một số kinh trong tạng Pāli
niem hoa
Niêm
hoa vi tiếu trong Thiền tông với một số kinh trong tạng Pāli
Nguyên
Giác
Bài viết này sẽ đối
chiếu câu chuyện Niêm hoa vi tiếu trong Thiền
tông với một số kinh trong tạng Pāli, để thấy Thiền tông là cô đọng
của nhiều lời dạy cốt tủy của Đức Phật.
Tích Niêm hoa vi tiếu kể rằng một hôm
trên núi Linh Thứu, Đức Thế Tôn lặng lẽ đưa lên một cành
hoa. Đại chúng ngơ ngác không hiểu, duy ngài Ma Ha Ca Diếp mỉm
cười. Đức Phật nói: “Ta có Chánh pháp vô thượng, Niết-bàn diệu
tâm, thật tướng vô tướng, pháp môn vi diệu, bất lập văn tự,
truyền ngoài giáo pháp, nay trao cho Ca Diếp.” Tích này không được
ghi trong các kinh Phật thuộc tạng Pāli và tạng A-hàm, có thể vì vài thế kỷ
sau mới có văn tự để viết và lúc đó không ai còn nhớ, và cũng có thể
quý ngài đời sau nghĩ ra tích này để giải thích một số điểm
cốt tủy trong Phật pháp và cũng để làm chỗ y cứ cho Thiền
tông.
Trong câu vừa dẫn, Niết-bàn là giải
thoát, là khi tâm đã lìa tham sân si, cũng có nghĩa là ngoài tâm sẽ không
có Niết-bàn. Niết-bàn còn có nghĩa là tắt ngọn lửa của phiền
não, của đau khổ, của tái sinh. Khi lửa tắt, không ai nói được là lửa
về đâu, nghĩa là trong tâm của người giải thoát sẽ vắng bặt cái chấp
về không gian và thời gian. Bậc giải thoát nhìn thấy thật
tướng của tất cả các pháp chính là vô tướng, nghĩa là trong
khi đang đi đứng nằm ngồi trong cõi này, người giải thoát vẫn thấy
trong thật tướng không có núi non sông hồ, không có người và cũng
không có ta, không có xanh đỏ trắng vàng, không có vuông tròn, không hôm qua,
không ngày mai, không hôm nay. Rất nhiều kinh Phật mở đầu bằng câu “mắt
là vô thường, cái được thấy là vô thường, tai là vô thường, cái
được nghe là vô thường… [tương tự] Cái được thấy là vô ngã, cái được nghe
là vô ngã…” Trong dòng vô thường chảy xiết, không có cái gì gọi được
là cái gì. Do vậy, mới gọi là vô tướng. Đức Phật cũng thường dẫn
ra tiếng đàn để chỉ pháp ấn vô thường, vô ngã (nơi
đó, Thiền tông nói tâm ba thời đều bất khả đắc, dù là
tâm quá khứ đã nghe, tâm hiện tại đang nghe và tâm vị
lai chưa nghe…). Có nhiều kinh, Đức Phật nói các pháp hữu
vi như bọt sóng, như mộng, như huyễn, như sương, như chớp… là để chỉ thật
tướng vô tướng. Niết-bàn diệu tâm còn được Đức Phật gọi
là tâm giải thoát bất động. Trong kinh Trung bộ (MN 30), Đức Phật nói: “Và này
Bà-la-môn, tâm giải thoát bất động chính là mục đích của phạm
hạnh này, là lõi cây của phạm hạnh, là mục tiêu cuối
cùng của phạm hạnh.” (1) Chính tâm giải
thoát bất động đó, được Thiền tông gọi là Niết-bàn diệu
tâm.
Tại sao nói rằng pháp
môn vi diệu này không dùng tới văn tự chữ nghĩa? Bởi vì đây
là pháp đốn ngộ, mọi chuyện khác đều dựa vào văn tự chữ
nghĩa (biểu tượng, còn gọi là ngón tay chỉ mặt trăng). Ngay khi thấy
hoa hiển lộ trước mắt, khoảnh khắc đó là tâm lìa tham sân si; nếu
tâm còn dính tới văn tự chữ nghĩa, còn gợi phân biệt suy lường
thì cái nhìn đó không còn là cái được thấy mà chỉ còn là cái được vin vào ngón
tay, cái được vin vào chữ nghĩa hình ảnh trong tâm.
Ngài Nam Tuyền nói khi xa lìa cái đốn ngộ hiện tiền chính
là rơi vào cái học của chữ nghĩa hình ảnh gọi là “cướp qua rồi mới
trương cung”. Cái thấy của giải thoát là tức khắc, không lưu chữ
nghĩa hình ảnh nào trong tâm, vì thấy các pháp tự rỗng
rang vô tướng trong dòng vô thường và vô
ngã. Tương tự, khi nghe một ca khúc, hay nghe một con chim hót, hễ
còn “văn tự chữ nghĩa suy lường” thì cái nghe đó đã bị chệch hướng, trở
thành cái suy nghĩ về cái nghe, và là mất cái hiện tiền.
Người đốn ngộ là người sống với thực tướng vô tướng, và
là giải thoát ngay trong hiện tại. Vì là pháp không dựa
vào văn tự chữ nghĩa, nên còn gọi là truyền ngoài giáo điển.
Trong kinh tạng Pāli, Đức
Phật nói đó là “chứng ngộ ngay trong hiện tại”, và người có trí sẽ chứng
ngộ mà không cần mất tới bảy năm hay bảy tháng, hay bảy ngày…. Trong Trường bộ (DN 25), kinh Ưu-đàm-bà-la sư tử hống, bản dịch của Hòa
thượng Thích Minh Châu, trích lời Đức Phật nói với du sĩ
Nigrodha: “Vị ấy cần có bảy năm. Này Nigrodha, đâu cần phải bảy
năm! Nếu vị ấy thực hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết
mình và chứng ngộ ngay trong hiện tại phạm hạnh và mục
tiêu vô thượng mà vì lý tưởng này các Thiện nam tử từ
bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, chỉ cần có sáu năm, năm năm, bốn
năm, ba năm, hai năm, một năm… chỉ cần bảy tháng, một tháng, nửa tháng. Này
Nigrodha, đâu cần có nửa tháng! Người có trí hãy đến đây, trung thực,
không lừa đảo, chơn trực, Ta sẽ huấn dạy, Ta sẽ thuyết pháp. Nếu vị ấy thực
hành đúng như điều đã dạy, vị ấy sẽ tự biết mình và chứng
ngộ ngay trong hiện tại, phạm hạnh và mục
tiêu vô thượng, mà vì lý tưởng này các thiện nam tử từ
bỏ gia đình, xuất gia tu đạo, vị ấy chỉ cần có bảy ngày.”
(2)
Tới đây, câu hỏi là, làm
thế nào chứng ngộ trong hiện tại? Đức Phật trong kinh Tương ưng (SN 35.147) nói rằng con
đường thích ứng với Niết-bàn là thấy vô thường thường
trực nơi mắt, nơi cái được thấy, nơi cái biết về cái được thấy… Nơi tai,
nơi cái được nghe, nơi cái biết về cái được nghe… Nơi sáu căn đều thấy vô
thường như thế. Nghĩa là, tất cả những cái được thấy đều như phim ảnh trước
mắt, tất cả những cái được nghe đều như tiếng đàn do duyên hình thành bên tai rồi
tan biến như chẳng về đâu. Kinh Tương ưng
(SN 35.147), bản dịch của Thầy Minh Châu như sau:
“Và này các Tỷ-kheo, thế
nào là con đường thích ứng với Niết-bàn? Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Tỷ-kheo thấy mắt là vô thường, thấy các sắc là vô thường, thấy nhãn
thức là vô thường, thấy nhãn xúc là vô thường. Phàm duyên nhãn
xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc, khổ hay bất khổ bất lạc; cảm
thọ ấy là vô thường… tai… mũi… lưỡi… thân… thấy ý là vô thường,
thấy các pháp là vô thường, thấy ý thức là vô thường, thấy
ý xúc là vô thường. Phàm duyên ý xúc khởi lên cảm thọ gì, lạc,
khổ hay bất khổ bất lạc; cảm thọ ấy là vô thường. Và này
các Tỷ-kheo, đây là con đường thích ứng với Niết-bàn.”
(3)
Tương tự, trong kinh Tương ưng 35.149, y hệt Tương ưng 35.147 đã trích trên, chỉ thay
chữ “vô thường” bằng chữ “vô ngã” cho toàn bộ kinh. Tức là, thường
trực cảm thọ trận gió vô thường lưu chảy xiết, nhưng vẫn hiển
lộ sáng tỏ Niết-bàn diệu tâm, nơi các đoạn trên Đức Phật gọi
là tâm giải thoát bất động, nơi Thiền tông còn
gọi là Thấy tánh, còn gọi là Vô vị chân nhân (người thật, không nơi
chốn, không vị trí thứ bậc…). Lâm Tế lục viết rằng con quỷ vô thường từng khoảnh
khắc, từng sát-na đang sát hại tất cả chúng
ta không phân biệt già trẻ, sang, hèn. Nhưng cái thấy tâm
giải thoát bất động đó chính là cái bật sáng của tỉnh thức, nơi
đó chính là vô sự (không thấy việc gì để làm), vô cầu (không thấy có gì để tìm
cầu), nơi đây không thấy cái gì là “tôi với của tôi”, và cũng không thấy gì gọi
là ta hay người. Trong cái thấy vô thường, vô ngã đó chính là
cái tỉnh thức hiển lộ của tâm giải thoát bất động,
theo Lâm Tế lục chính
là Ba thân Phật hiển lộ trong từng sát-na: Niệm thanh
tịnh là Pháp thân, không phân biệt là Báo thân,
không sai biệt là Hóa thân. Trong cảm thọ vô thường chảy
xiết không có niệm lành dữ, không có niệm phân biệt và tất cả bình
đẳng trong rỗng rang vô tướng.
Trong Thiền sử cũng kể về
lời một bà cụ hỏi ngài Đức Sơn: “Kinh Kim
cang nói quá khứ tâm bất khả đắc, hiện tại tâm bất
khả đắc, vị lai tâm bất khả đắc, xin hỏi Thượng tọa điểm
tâm nào?” Dò lại, chúng ta sẽ thấy Đức Phật trong kinh
tạng Pāli nhiều lần nói rằng, đó là cách vượt qua dòng nước lũ
[già, chết]: Tâm giải thoát bất động [dẫn trên] vốn lìa cả ba thời
quá-hiện-vị lai, vì hễ vấn vương quá khứ là lùi lại, hễ mộng
tưởng tương lai là bước tới, và hễ dính vào hiện tại [sắc
thanh hương vị xúc pháp] là đứng lại giữa dòng, cả ba tâm đều giữ chúng
ta trong ba cõi. Thái độ phải là vô sự khi tỉnh thức, nhận
ra và cảm thọ vô thường, vô ngã, thấy thực tướng các
pháp đều rỗng rang vô tướng. Ngay nơi đó, Đức Phật nhiều lần gọi
là chứng ngộ ngay trong hiện tại mà không cần
gì tới bảy năm hay bảy ngày. Ngay khi mây được nhìn thấy tụ rồi tan, ngay khi
tiếng đàn được nghe rồi tan biến, và tâm vẫn tỉnh thức, tịch lặng với cảm
thọ về vô thường và vô ngã, và không còn tâm nào chạy
theo lành-dữ, ưa-ghét thì tâm đó đã là lìa tham sân si. Và đó
là giải thoát ngay trong hiện tại.
GHI
CHÚ (các bản dịch của Thầy Minh Châu):
(1)
Kinh MN 30: https://suttacentral.net/mn30/vi/minh_chau
(2) Kinh DN 25: https://suttacentral.net/dn25/vi/minh_chau
(3) Kinh SN 35.147: https://suttacentral.net/sn35.147/vi/minh_chau