Phật giáo nên thích nghi theo Chánh pháp

Phật giáo nên thích nghi theo Ch

 

Sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật giáo bắt đầu phải thích nghi hòa nhập với điều kiện mới để tồn tại và phát triển ngay trên quê hương của Đức Phật. Khi được truyền sang các xứ khác với nền văn hóa khác biệt thì điều tất yếu để tồn tại là Phật giáo phải thích nghi hòa nhập với hoàn cảnh, điều kiện mới về hình thức sinh hoạt. Sự tồn tại của Phật giáo hơn 25 thế kỷ qua minh chứng cho sự linh động thích nghi hòa nhập trong quá trình truyền bá và phát triển. Ngày nay, có hai hình thức chính đang tồn tại trong sự phát triển Phật giáo. Một là sự thích nghi hòa nhập để tồn tại theo tiêu chí thay đổi trong cách thức sinh hoạt nhưng nội dung cốt lõi luôn phải giữ gìn gọi là “tùy duyên bất biến”. Hai là thích nghi tồn tại theo hướng hình thức sinh hoạt theo văn hóa tín ngưỡng bản địa, nội dung cốt lõi bị mờ nhạt trong thực hành và thay vào đó là hình thức lễ nghi tôn giáo thịnh hành, tạm gọi là “tùy duyên biến đổi”. Bài viết này sẽ trình bày hiện thực sinh hoạt Phật giáo tại Việt Nam để minh chứng cho vấn đề được nêu.

Ngay sau khi chứng Vô thượng Bồ-đề hay còn gọi là thành Phật, Đức Phật bắt đầu hành trình thuyết pháp hóa độ nhân thiên, sáng lập ra Phật giáo với ba ngôi báu là Phật, Pháp, Tăng và tín đồ Phật tử. Phật giáo tồn tại và phát triển phải có sự hiện hữu của Tam bảo và Tam bảo luôn là ba ngôi hay ba nơi nương tựa cho chúng đệ tử của Đức Phật gồm xuất gia và tại gia. Hằng ngày, Đức Phật và Tăng đoàn giao tiếp với cư sĩ Phật tử qua sinh hoạt khất thực, thuyết giảng, hướng dẫn tu tập… Phật tử đến với Đức Phật và Tăng đoàn là để học và hành giáo pháp, tạo phước qua việc cúng dường chứ chưa có việc tạo phước, cầu nguyện qua hình thức cúng bái. Sự tương tác đó là điều kiện làm cho Phật giáo ngày càng lớn mạnh. Qua đó, chúng ta thấy rằng điều cốt lõi làm cho Phật giáo duy trì và phát triển là sự thực hành giáo pháp của hàng đệ tử Phật.

Sau khi Đức Phật nhập diệt, Phật giáo đã phát triển thành nhiều bộ phái và phát triển theo hai khuynh hướng: (1) cơ bản giữ theo truyền thống nguyên thủy, và (2) thay đổi cho phù hợp với văn hóa tín ngưỡng bản địa. Khuynh hướng một là Phật giáo Theravada hay Nam truyền và khuynh hướng hai là Phật giáo phát triển hay Bắc truyền.

Với khuynh hướng một, Phật giáo giữ được phần nhiều cách sinh hoạt thời Đức Phật. Đó là chư Tăng sống nhờ khất thực hằng ngày, ăn một ngày một bữa, sử dụng y phục theo truyền thống mà Đức Phật sử dụng tại Ấn Độ, sự truyền thừa liên tục không gián đoạn, thực hiện nghiêm túc an cư, bố-tát một tháng 2 kỳ như quy định, thực hành thiền định theo bài kinh Quán niệm hơi thởTứ niệm xứ… Phật giáo theo khuynh hướng này tôn kính Phật, A-la-hán có tính lịch sử mà không hoặc ít chấp nhận các vị Phật, Bồ-tát theo tín ngưỡng của Phật giáo phát triển như Phật A Di Đà, Bồ-tát Quán Thế Âm…

Chư Tăng và Phật tử có sự liên hệ nhau thường xuyên qua việc cúng dường thức ăn, tạo phước, học giáo pháp, tụng kinh, tu tập thiền… Chư Tăng dành thời gian học giáo pháp, thực hành thiền và tất nhiên cũng thực hành những hình thức lễ nghi mang tính tôn giáo pha trộn sự linh thiêng như ban phước, trì chú… Tuy nhiên, Tam bảo vẫn là nơi Phật tử tin tuyệt đối và là nơi để họ tạo phước báu qua việc lễ Phật, nghe pháp, cúng dường tạo phước…

Với khuynh hướng hai, Phật giáo thích nghi hòa nhập để được tồn tại ở những nơi có nền văn hóa tín ngưỡng khác biệt và có khuynh hướng chống lại cái mới lạ. Phật giáo thích nghi hòa nhập qua cách sinh hoạt như tự túc không đi khất thực hằng ngày (tín đồ đến chùa cúng hoặc chùa tự sản xuất, tự làm kinh tế…), tự túc nấu thức ăn chay (đa số) và ăn ngày 3 bữa, sử dụng y áo thường phục, pháp phục theo kiểu cách phù hợp với văn hóa bản địa nơi Phật giáo du nhập vào, lịch sử truyền thừa còn nhiều vấn đề,[1] việc an cư bố-tát vẫn chưa thực sự đồng bộ, sự thực hành theo tông phái pháp môn như Thiền, Mật, Tịnh và kết hợp cả ba theo sự sáng tạo sau này. Phật giáo theo khuynh hướng hai thờ nhiều vị Phật bao gồm quá khứ, hiện tại và tương lai và các Bồ-tát theo khuynh hướng tín ngưỡng. Chư Tăng và Phật tử có sự liên hệ nhau qua hình thức lễ nghi cúng kiếng hay các hình thức mang tính trao đổi phục vụ. Tăng Ni ngoài việc học giáo pháp thì còn phải học nhiều thứ khác như nghi lễ tán tụng, phong thủy, ngày giờ… Người tín đồ đến với chùa phần lớn là theo nhu cầu tín ngưỡng cúng bái như tang ma, cầu siêu, cầu an hoặc xem ngày giờ cho các lễ, xem làm ăn… Để đáp ứng nhu cầu tín đồ, chư Tăng phải dành nhiều thời gian học những thứ ngoài Phật pháp để phục vụ. Do đó, tín đồ đến chùa có vẻ đông nhưng phần lớn là lễ Phật, Bồ-tát vào những ngày lễ lớn để cầu nguyện.... Thứ đến, các chùa phục vụ nghi lễ thì ngày nào cũng phải đi cúng hết nhà này đến nhà khác từ tang ma, tuần thất…, nhờ đó mà có tín đồ. Một trường hợp khác có tín đồ đông là các chùa tổ chức tụng kinh bộ, lạy tam thiên, vạn Phật, trì chú… với niềm tin phước báu vô lượng. Còn lại, những chùa chỉ đơn thuần hướng dẫn quy y, giữ năm giới, học giáo pháp để ứng dụng vào đời sống hằng ngày thì có lượng tín đồ ít ỏi, ngoại trừ một số chùa ở thành phố lớn. Tại Việt Nam, đa số chùa và tín đồ đi theo khuynh hướng hai.

Từ những năm 60, 70 của thế kỷ XX, phong trào chấn hưng Phật giáo nhằm mục đích “xóa mù Phật pháp” đã được phát động. Các thế hệ chư tôn đức đã đóng góp công sức tạo ra nguồn kinh điển tiếng Việt dồi dào, phong phú qua việc dịch, giảng giải và sáng tác. Ngày nay đầu thế kỷ XXI, Phật giáo Việt Nam dù chưa hoàn thiện Tam tạng kinh điển nhưng cũng quá đủ cho hành giả học và thực hành. Vấn đề quan trọng là, còn thiếu những bậc thầy tâm linh uy tín có thực hành giáo pháp hướng dẫn Tăng Ni và Phật tử tu học. Trong khi đó, việc thực hành theo tín ngưỡng, cúng bái cầu nguyện thì không thiếu.

Phật giáo từ khi hình thành cho đến nay đều cần phải có đầy đủ Tam bảo và sự thực hành giáo pháp là nền tảng căn bản không thể thiếu. Đối với người xuất gia, có thể nói dù học và thực hành giáo pháp bằng bất cứ hình thức gì cũng không thể nào đạt được kết quả tốt nếu không có “chánh niệm tỉnh giác”. Với các pháp môn khác nhau, tên gọi khác nhau nhưng mục đích phải có là “chánh niệm tỉnh giác”, bởi nhờ đó hành giả mới thấy được hay nhận ra được các pháp vô thường, vô ngã để không còn bám víu. Đối với Phật tử tại gia, quy y Tam bảo là bắt buộc và đặt niềm tin vào Tam bảo, vào giá trị giới pháp, vào nhân quả nghiệp báo để nỗ lực thực hành là điều cần và đủ.

Nhìn lại lịch sử Phật giáo, khi Tăng đoàn có nhiều thánh nhân hay cao tăng và Phật tử quy hướng thực hành lời dạy của Đức Phật thì Phật giáo hưng thịnh. Phật giáo theo khuynh hướng một, chư Tăng duy trì tốt cách sinh hoạt Tăng đoàn, có pháp hành theo kinh điển và Phật tử tôn kính Tam bảo, thực hành đạo đức, cúng dường Tam bảo phước báu… Phật giáo theo khuynh hướng hai, chư Tăng vì lý do dấn thân phụng sự theo hạnh nguyện Bồ-tát nên bỏ quên cách sinh hoạt Tăng đoàn; Tăng Ni nói lý tưởng cao siêu, triết lý sâu xa nhưng vẫn thiếu sự thực hành theo Chánh pháp. Phật tử đa số thì không hiểu Phật pháp nên sống đời sống tín ngưỡng, còn lại số ít học nhiều nhưng nói lý thuyết cao siêu. Điều đó biểu hiện rất cụ thể qua các gia đình Phật tử: cha mẹ đi chùa tu tập tín ngưỡng, con cháu thì không biết hay không quan tâm đến giáo pháp của Đức Phật.

Có thiếu sự thực hành theo Chánh pháp trong Tăng đoàn hay không? Phần lớn các chùa, nhất là ở quê, chủ yếu phục vụ tín ngưỡng tôn giáo. Tăng Ni vì cuộc sống hay vì xây dựng phát triển cơ sở tự viện phải thực hiện nghi lễ cúng bái hằng ngày. Chùa là nơi tu học mà có khi trở thành nơi chỉ dành cho việc lễ bái, vì Tăng Ni bận đến các đạo tràng, đến các nhà tín đồ cúng kiếng. Có người nói, nhờ nghi lễ cúng bái mà Phật giáo tồn tại. Điều đó không sai nhưng vấn đề cốt lõi là hiểu và thực hành theo Chánh pháp bị thiếu vắng.

Một thực tế cho thấy ở ngày nay, một vài bộ phận Tăng Ni bận rộn đến nỗi một năm không an cư được ba tháng và thậm chí là khóa huân tu mười ngày hay một tháng. Lý do là vì phục vụ lễ nghi cúng bái, là phải lo cơ sở chùa. Có thể nào Tăng Ni giảm đi cúng nhà tín đồ và đến một lúc nào đó tín đồ muốn cầu an, cầu siêu thì phải về chùa hành lễ và tu tập? Nếu như các chùa đều thống nhất tu học nghiêm túc, chỉ phục vụ lễ nghi tại chùa như các tôn giáo bạn đang làm thì tín đồ có về chùa không?

Từ những trải nghiệm thực tế, có thể nói việc phục vụ lễ nghi cúng bái tạo nên mối quan hệ qua lại. Người ta đến chùa vì cái tình, cái ơn của Tăng Ni đã thực hành lễ nghi hay xem ngày giờ cho họ. Nhưng khi họ đến chùa rồi thì họ học và hành điều gì khi mà các chùa chỉ khuyến khích tụng kinh, niệm danh hiệu Phật để cầu nguyện hay có được sự bình an trong lúc tụng niệm? Sau thời kinh, tin đồ hiểu gì và áp dụng gì trong đời sống hằng ngày là một khoảng trống mênh mông?

Phật giáo theo hướng tín ngưỡng, lễ nghi cúng bái sẽ tồn tại và phát triển nhưng đó là hình thức Phật giáo tín ngưỡng có tính đối đãi. Nhu cầu tín ngưỡng không bao giờ chấm dứt dù là thời hiện đại, thế nên Phật giáo theo khuynh hướng này vẫn phát triển tốt. Vấn đề bài viết nêu là việc thích nghi hòa nhập để tồn tại và phát triển như vậy có còn theo Chánh pháp hay là theo hướng tín ngưỡng? Khi nào Tăng Ni hiểu và thực hành Chánh pháp và hướng dẫn Phật tử thực hành theo Chánh pháp thì Phật giáo mới hy vọng đi theo Chánh pháp.

 


 

[1] Tăng đoàn người Việt có được truyền thừa liên tục từ khi mới du nhập vào cho đến ngày nay hay không thì chưa có tài liệu nào chứng minh. Sau thời Lý-Trần, Tăng đoàn người Việt có còn đủ túc số để truyền giới Cụ túc không cũng là một câu hỏi. Tại sao chúa Nguyễn cai quản miền Trung và miền Nam không mời Tăng đoàn người Việt truyền giới Cụ túc mà phải thỉnh Tăng đoàn người Hoa? Phải chăng không còn Tăng đoàn người Việt tại Miền Trung và Nam nên không có sự truyền thừa sau đó đến ngày nay?

Chia sẻ: facebooktwittergoogle