Mỗi sáng, mở ra những tờ báo hay đọc những trang tin trên mạng, chúng ta thường thấy đầy dẫy những tin tức bất an, những hình ảnh thương tâm trong cuộc sống. Chúng xảy ra hằng ngày. Đôi khi, ta dễ cảm thấy như mất niềm tin vào sự tốt lành của con người.
Nhưng những khổ đau trong cuộc đời này, chúng bắt nguồn từ đâu bạn hả? Ông Joseph Goldstein có những chia sẻ như sau về vấn đề này.
Ai làm cuộc đời khổ đau?
“Khi có một việc tàn ác nào đó xảy ra, ta thường đặt câu hỏi, ai hoặc cái gì là thật sự chịu trách nhiệm cho việc ấy?
Một vị thầy của người bạn tôi là một tu sĩ Ấn độ giáo, sadhu, có nghĩa là từ bỏ, một người rất dễ thương. Mấy năm trước đây ông có ghé thăm và chia sẻ một điều mà cho đến bây giờ tôi vẫn còn ghi nhớ mãi. Ông bảo rằng, khi ông nhìn thế giới này, ông không thấy sự tàn ác, ông không thấy chiến tranh, ông cũng không thấy hận thù, tàn bạo. Cái mà ông thấy là sự si mê của con người.
Đó là một sự thật. Những hành động tàn ác của con người, những việc làm gây nên khổ đau - gốc rễ của chúng là từ đâu? Gốc rễ của chúng nằm sâu trong sự si mê của chúng ta, vì ta không thấy được rằng khổ đau, và nghiệp quả là cũng do chính mình tạo nên.
Nếu một người nào đó cứ cắm đầu đi vào nơi lửa cháy, thì chính họ đang làm việc khiến cho họ bị phỏng. Vì hiểu được không ai có thể trốn tránh khỏi luật nhân quả, nên khi có ai làm một việc gì bất thiện, ta hãy nhìn xuyên qua những hành động ấy và thấy được gốc rễ của nó nằm ở sự si mê.
Và thay vì phản ứng bằng thù hận, ta có thể đáp lại bằng lòng từ bi, thương sót đối với người ấy. Họ đang đi về hướng ngọn lửa, thì khổ đau sẽ là hậu quả tất nhiên của việc làm đó mà thôi.
Vì vậy, ta cũng không nên thù ghét sự si mê làm gì. Việc ấy chẳng ích lợi gì cho cuộc đời, mà cũng không làm vơi được khổ đau, có chăng là ta chỉ đem tổn hại chồng lên thêm với tổn hại mà thôi. Phương cách hay nhất là đem tình thương và sự hiểu biết chiếu soi vào tình trạng ấy.
Nhưng tôi cũng không muốn khuyên bạn nên làm ngơ hay khuất phục trước những hành động tàn ác. Đôi khi những phản ứng mạnh mẽ, cương quyết lại là cần thiết và thích hợp.
Nhưng chúng ta đáp trả cho những hành động tàn ác ấy bằng cách nào, lại tùy thuộc vào sự hiểu biết và thái độ của mình. Đó mới là điều quan trọng. Và ta cũng cần nên nhớ một điều này, là phản ứng của mình cũng rất có thể sẽ tạo nên những nghiệp quả mới.
Khi ta thấy rõ được rằng, những hành động bất thiện trong cuộc sống này đều bắt nguồn từ sự si mê, ta có thể tập trung năng lực của mình vào việc chuyển hóa chúng ngay chính nơi gốc rễ ở trong ta, và người khác. Lòng từ ái giúp ta cảm nhận được những khổ đau gây nên bởi sự si mê, và một cái thấy trong sáng sẽ chỉ cho ta những gì mình cần phải làm.”
Chợt tỉnh
Theo tôi nghĩ, thì lòng từ ái chỉ có thể biểu hiện tự nhiên qua một cái thấy trong sáng. Và cái thấy trong sáng ấy không thể học được qua giáo lý, hay bằng một sự rèn luyện nào, mà nó phải do ta biết mở lòng ra, để trải nghiệm ngay nơi chính thực tại này, cho dù đó có thể là sự có mặt của khổ đau.
Bạn biết không, tôi thấy nhiều khi những khổ đau trong cuộc đời cũng có thể bắt nguồn từ những ý muốn “tốt lành”, "muốn giúp đời", của chúng ta. Nhưng khi cái thấy mình chưa được trong sáng, tâm mình chưa được tĩnh lặng, lòng mình chưa thiện lành, thì những lăng xăng cố gắng của ta chỉ mang lại thêm khổ đau và rối rắm thêm cho mình và cuộc đời mà thôi.
Có lẽ vì thế mà các vị thiền sư thường nhắc nhở chúng ta rằng, những khổ đau trong cuộc đời đôi khi cũng là cần thiết, vì chúng có thể giúp ta chợt tỉnh ra, để thấy được những si mê và vướng mắc của mình. Nếu như ta biết trở về trọn vẹn, để giản dị thấy được những gì thật sự có mặt..
Đêm, chiếc bình vỡ
Nước trong bình đóng băng
Chợt tỉnh.
Basho
— Minh Tánh Nguyễn Duy Nhiên