Một lần đáp xuống …

mot lan
Đó là cánh chim Hạc trắng, một lần bay ngang vùng đồi núi, miền Nam California và đáp xuống sân trước một đạo tràng Tịnh Độ.

          Hạc trắng đáp xuống, đứng ngay bên Tôn Tượng Chư Phật, khi trong Chánh Điện, đại chúng đang tụng Kinh A Di Đà. Hạc trắng đáp xuống không phải để tìm kiếm thức ăn vì quanh sân không có gì là thực phẩm cho chúng.

Vậy, sao Hạc đáp xuống, rồi đứng yên bên tượng Phật, đứng lặng lẽ, bình an như đây là nơi chốn mà Hạc chủ tâm tìm về ?

          Trong chánh điện, tiếng tụng kinh vang vang “… Bạch-hạc, Khổng- tước, Anh-võ, Xá-lợi, Ca-lăng-tần-già, Cộng-mang chi điểu, thị chư chúng điểu, trú dạ lục thời, xuất hoà nhã âm, kỳ âm diễn xướng, ngũ căn, ngũ lực, thất bồ đề phần, bát thánh đạo phần, như thị đẳng pháp, kỳ độ chúng sanh, văn thị âm dĩ, giai tất niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng …”

          Qua khung cửa sổ chánh điện, một vài người đã nhìn thấy Bạch-hạc và bồi hồi cảm động vì Hạc đứng yên như thế, như nghe tiếng kinh A Di Đà mà đáp xuống rồi cùng đại chúng tụng Bổn Kinh mà chính Đức Thích Ca đã truyền thuyết.

          Khi đại chúng bắt đầu kinh hành thì hầu như mọi người đều nhìn thấy cảnh tượng bất khả tư nghì này, và một vài vị đã mở phone tay, đưa lên chụp, ghi lại hình ảnh vi diệu mà ống kính của những nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp có sắp xếp cũng không tạo được !

          Bạch-hạc đứng lặng thinh như thế, rất lâu, rồi di chuyển chậm, như cùng kinh hành với đại chúng. Tới gần cuối sân, Hạc bước nhanh hơn, lấy đà, rồi tung cánh bay lên, biến mất trong không gian mênh mông trời xanh, mây trắng …

          Có những hạnh phúc bất ngờ, không gì đổi được, không gì mua được ! Hành giả tu niệm Phật ở một đạo tràng Tịnh Độ xa nơi phố thị, không thể tượng tượng được rằng trong khi đại chúng cùng nhất tâm tụng kinh A Di Đà thì bên ngoài kia đang chợt hiển lộ cảnh giới Tây Phương Cực Lạc, như lời kinh đang trì tụng !

Bạch-hạc không chỉ một lần đáp xuống mà những khoá tu sau, thỉnh thoảng lại về, không phải chỉ một, mà có khi hai, ba cánh Hạc cùng về, cùng đứng yên bên tôn tượng Chư Phật.

Giải thích cách nào hơn, là niềm tin vào sự mầu nhiệm Đức Thế Tôn đã “vô vấn tự thuyết”. Không chờ ai hỏi và Ngài đã chọn đối tượng là Tôn Giả Xá Lợi Phất để thuyết giảng về Tịnh-Độ-Quốc. Nơi đó chỉ tràn ngập niềm an lạc, không có danh từ ác, huống chi là sự ác, nên những loài chim kia không phải do nghiệp báo sanh ra, mà do Đức Giáo Chủ cõi Tây Phương biến tạo ra, mang hình ảnh tự tại và tiếng hót hoà nhã kỳ diệu mà truyền lưu giáo pháp.

“… Xá Lợi Phất, kỳ Phật quốc độ thượng vô ác đạo chi danh, hà huống hữu thiệt. Thị chư chúng điểu, giai thị A Di Đà Phật dục linh pháp âm tuyên lưu biến hoá sở tác …”

 
 

Thế nhưng, cõi tạm Ta-bà không ngừng biến động. Giữa thế giới vô thường không ngừng những còn, mất, đến, đi, nên bãi biển có hoá nương dâu cũng chỉ là chuyển hoá trong bao hoạt cảnh vô thường mà thôi.

Một ngày khá bất ngờ, đại chúng phải chia tay, mỗi người một ngả, tuỳ hoàn cảnh và khả năng của mỗi người khi đó. Họ tạm biệt nhau bằng lời ân cần dặn dò, vẫn giữ công phu, vẫn chuyên tâm niệm Phật nhé!

Tự thân mỗi người đều biết rằng họ còn rất cần tha lực của nhau, đồng thời cũng hiểu rằng những biến động khiến phải xa nhau có thể là cơ duyên để họ kiểm tra nhận diện tự lực của mình mà sửa đổi những sai lầm hoặc phải tinh tấn hơn lên.

Rồi lòng hoài niệm và chạnh nhớ nhau đã khiến nhóm đồng tu ngày nào, gọi nhau để cùng có một ngày gặp mặt. Sau nhiều tháng xa nhau, họ đã hội ngộ trên căn gác nhỏ của một bạn đạo.

Phút gặp lại nhau, ngỡ sẽ xôn xao thăm hỏi cho thoả lòng nhớ nhung, nhưng lạ thay, không ai bảo ai, họ đều hết sức từ tốn, nhẹ nhàng cầm lấy tay nhau, nhưng qua ánh mắt thì đều biểu lộ tràn đầy tấm lòng bấy lâu vẫn nhớ nghĩ nhau; nên khi câu chào “A Di Đà Phật” vừa thốt ra, đã như thác lũ không chặn nổi bờ đê mong manh! Lời chào tuôn theo những hạt lệ mừng vui…

Chỉ thế thôi.

Sau khi lạy Phật rồi ngồi xuống bên nhau, đồng tụng Kinh A Di Đà thì họ đã cảm nhận ngay được một điều rõ rệt, là họ chưa từng xa nhau, chưa từng chia cách !

Chánh Báo ở ngay trong trái tim ta khi lòng ta chí thành và tâm ta chánh niệm.

Xin đừng cố giãi bày những gì mầu nhiệm chỉ có thể cảm nhận qua sự cảm thông của muôn lòng như một, bởi ngôn ngữ nhân gian giới hạn, mà sự mầu nhiệm thì vô hạn !

Lần hội ngộ đó, họ có với nhau một ngày tu trọn ven, như từng ngồi bên nhau niệm Phật suốt đêm trong những khoá tu 24/24 mấy năm trước, tại một đạo tràng vùng đồi núi yên tịnh. Bằng tín nguyện chí thiết, có lẽ, họ đã gieo được trong tâm, chủng tử “cùng nhau niệm Phật miên mật” nếu không thử thách của tình cảnh “bãi biển hoá nương dâu” thì họ chưa nhận biết được phước báu đã có.

Cũng với niềm tin này thì năm xưa, khi Bạch-hạc hân hoan đáp xuống nơi đang vang vọng âm thanh tụng kinh, niệm Phật, nếu ngày nay Hạc có ghé thăm cảnh cũ nhưng người xưa đã xa, hẳn niềm bâng khuâng chỉ là thoáng chốc, vì đã từng gieo được chủng tử vi diệu thì dù chỉ một lần đáp xuống, Chánh Báo cũng đã ngự trong tim.  

Bạch- hạc sẽ vẫn hoan hỷ tung cánh bay cao, bay xa, tuyên lưu trách nhiệm Đức Phật A Di Đà giao phó“ …Ngày đêm sáu thời kêu tiếng hoà nhã diễn thuyết những pháp mầu như Ngũ Căn, Ngũ Lực,  Thất Bồ Đề Phần, Bát Thánh Đạo Phần …v…v… để chúng sanh nào nghe được tiếng chim xong, thảy đều niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng …”

Bạch-hạc ơi ! Một lần đáp xuống, công ích vô lượng lần bay xa …

Chí tâm đảnh lễ Phương Tiện Thánh Cư Độ, A Di Đà Như lai,

thân căn giới Đại Thừa, khắp pháp giới Chư Phật.

        

Huệ Trân

(Thân tặng các bạn đồng tu đã từng ngồi bên nhau, cùng hành trì miên mật trong những khoá tu niệm Phật 24/24)

      

Chia sẻ: facebooktwittergoogle