Thong dong

Thong dong

Thong dong

Trương Bồi Canh - Nhã Tuệ dịch

Khi làm việc thì cần cù làm việc, khi nghỉ ngơi thì thả lỏng nghỉ ngơi, khi vui chơi thì vui chơi hết mình; đây là lối sống lành mạnh, cũng là lối sống giúp tinh thần thoải mái, cuộc sống vui tươi.

Sau khi xã hội nông nghiệp chuyển sang xã hội công thương nghiệp, phiền não lớn nhất của con người hiện đại chính là những áp lực đến từ gia đình và công việc. Áp lực sẽ tạo ra căng thẳng, căng thẳng lại hình thành áp lực lớn hơn, sự chuyển biến xoay vòng ngày càng xấu dần như vậy khiến cho cuộc sống của con người rơi vào tình trạng lo lắng khủng hoảng, không có niềm vui và thiếu vắng cảm giác an toàn.

Chúng ta có thể loại bỏ căng thẳng không? Đương nhiên là có thể. Biện pháp đó chính là thả lỏng, buông xuống và buông bỏ; ngay cả khi không thể thư giản như vậy trong một thời gian dài, thì lâu lâu nghĩ cách thư giản một chút cũng là một việc hay. Cho dù là trong sự nghiệp hay trong học tập cũng thế, thi thoảng buông xuống gánh nặng về mặt thể xác và tinh thần, giải tỏa bớt chút áp lực, tham gia những trò chơi giải trí lành mạnh, sẽ rất có ích cho việc loại bỏ căng thẳng tinh thần và giữ được sức khoe cho thân tâm.

“Khi làm việc thì chăm chỉ làm việc, khi vui chơi thì thỏa thích vui chơi, đây chính là cách để khỏe mạnh và vui vẻ”. Hiểu và có thể tranh thủ thời gian nghỉ ngơi khi bận rộn vừa là một trí tuệ của cuộc sống, vừa là một nghệ thuật sống. Có thể cần cù cũng có thể nghỉ ngơi, có thể bận rộn cũng có thể thư giản, lúc làm việc như vậy thì có thể khiến ta không ngừng phấn đấu, nỗ lực vượt lên, khi nghỉ ngơi giải trí cũng có thể không chút bận lòng, vui vẻ thoải mái. Nghỉ ngơi giải trí trong thời gian nhàn rỗi không phải là lười biếng mà là cách tăng thêm sức sống cho cuộc đời, nâng cao hiệu quả của công việc. Hệt như nhà thơ nổi tiếng Elizabeth Barrett Browning (1806-1861) người Anh đã từng nói: “Tôi nằm xuống là để đứng lên; tôi đi ngủ là để tỉnh táo; tôi nghỉ ngơi là để đi được đoạn đường dài hơn”.

Người Trung Quốc là một trong những dân tộc có tính nhẫn nại và chịu khó nhất trên thế giới, đồng thời cũng là một dân tộc biết cách tranh thủ thời gian nghỉ ngơi trong khi bận rộn, biết tìm lấy niềm vui trong nỗi khổ. Khi bận bịu thì nhẫn nhục chịu khó, miệt mài làm việc; khi thảnh thơi nhàn rỗi thì cũng có thể tạo niềm vui giải trí, hưởng thụ cuộc sống. Chơi cờ thì có nghệ thuật chơi cờ, uống trà thì có nghệ thuật uống trà. Tất cả đều có cái hay trong đó, và đều đạt đến cảnh giới nghệ thuật. Đón mừng các ngày lễ trong năm đều có múa rồng múa sư tử vô cùng náo nhiệt, chiêng trống vang trời tràn ngập không khí vui mừng, tất cả những mệt nhọc muộn phiền đều tan biến hết trong niềm vui tràn ngập đó.

Hội họa Trung Quốc, đặc biệt là các họa tác sơn thủy Nam phái (chỉ các họa sĩ ở phương Nam, những bức tranh mô tả phương Nam), có chỗ khác biệt với hội họa phương Tây, điểm khác biệt rõ rệt trong đó chính là “để (khoảng) trống” khá nhiều trong tranh. Nó thể hiện sự khoáng đạt cao xa, kỳ ảo siêu dật, làm cho tâm hồn người thưởng thức có một cảm giác tao nhã và một không gian tưởng tượng. Trong đời sống nghệ thuật hóa, khoảng trống chính là sự tiêu dao nhẹ nhõm, tự do tự tại. Khi trong tâm hồn thênh thang rộng mở, tinh thần thoải mái như biển rộng trời cao, thì cuộc sống trở nên nho nhã ý vị, cuộc đời tự nhiên tràn đầy sức sống, tự tại vô ngại.

Vào thời gian nhàn rỗi tôi rất thích ngao du núi sông. Hình ảnh núi sừng sững cao ngất, vững chãi kiên cố, khiến cho con người khởi lên lòng ngưỡng mộ tôn kính, từ đó cũng nảy nở tấm lòng cao thượng. Hình ảnh dòng sông mênh mông vô bờ bến, sóng gợn bao la, giúp con người mở rộng tầm mắt, tâm hồn rộng mở thênh thang. Khổng Tử nói: “Người nhân nghĩa thường yêu thích núi non, người trí tuệ thường yêu thích sông nước” (Nhân giả lạc sơn, trí giả lạc thủy). Người thích cảnh núi non thường có tấm lòng nhân hậu, đạo đức cao dày; người thích phong cảnh sông nước thường kiến thức rộng lớn, khí phách khoáng đạt. Người yêu thích sông núi có thể có đủ cả đức lẫn trí; có thể thong dong giữa núi non sông nước, hẳn có thể khiến cho tâm tính kiên định trầm tĩnh, khí phách phóng khoáng.

Lời nói của bậc thánh hiền nhằm khích lệ chúng ta yêu thích thiên nhiên, hướng đến thiên nhiên và học theo thiên nhiên, gột rửa tâm trí bằng sắc xanh của sông núi giữa thiên nhiên bao la rộng lớn, bồi dưỡng tâm tính, gợi mở trí tuệ. Cảnh sắc sông núi vừa có thể làm cho tính tình cởi mở, lại càng có thể khiến cho con người thoát thai hoán cốt.

Núi sông tươi đẹp chỉ có thể làm cho tâm tình sảng khoái, không thể chiếm thành của riêng. Nhưng nếu “trong tâm trí có núi sông thì đâu đâu cũng là phong cảnh”; tinh thần rộng lớn như biển trời, tâm trạng thư thái nhàn nhã thì có thể bận mà không thấy mệt, có thể vất vả mà không thấy khổ, khiến cho mỗi một khắc trong cuộc đời đều đạt đến cảnh giới ý vị như thơ như tranh như những bài ca.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ tế Văn hóa Chí nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.80-83

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle