Đọc bài thơ Tin Vui của Thiền sư Nhất Hạnh
doc bai tho
ĐỌC BÀI THƠ TIN VUI CỦA THIỀN SƯ NHẤT HẠNH
Tin vui
Những tin vui
Báo người ta không chịu in, chịu nói
Nhưng trong báo chúng tôi
Mỗi ngày chúng tôi vẫn thường chuyên môn đưa tin vui
Mỗi buổi sáng tinh sương
Chúng tôi thường ra bản in đặc biệt
Và chúng tôi rất cần bạn đọc
Đọc để mà biết
Những gì đang thực sự xảy ra
Tin vui là bạn còn sống
Và cây xoan ngoài ngõ đã ra hoa
Cây xoan ấy
Bạn thấy không
Đã can trường đứng vững
Suốt cả một mùa đông băng giá
Tin vui là mắt bạn còn sáng, còn tốt
Và bạn còn có thì giờ để ngắm trời xanh
Em bé xinh tươi đang đứng trước mặt bạn
Đôi mắt long lanh
Bạn có thể mở rộng hai cánh tay
Ôm em bé vào lòng
Họ chỉ in những tin giật gân
Họ chỉ in những tin sầu đau, tiêu cực
Hãy cầm thử tờ báo của chúng tôi lên xem
Ấn bản nào cũng đầy những tin lành, những tin vui, những tin tích cực
Bởi vì chúng tôi muốn bạn luôn luôn thừa hưởng được
Và góp sức vào gìn giữ hạnh phúc chung
Một bông trà mi vừa nở phía ngoài tường
Bông hoa đang mỉm một nụ cười
Rất ư mầu nhiệm
Bông hoa đang hát ca bài hát bản môn
Bài hát thiên thu tuyệt vời
Có tai và có tâm
Thế nào bạn cũng nghe được
Chúng ta hãy chắp tay và cúi đầu
Để nghe tiếng hát ấy
Hãy bỏ lại phía sau lưng những sầu đau
Những vướng bận
Hãy đi lên như một con người tự do
Tin vui nhất vừa mới đến
Là bạn có tính Bụt trong lòng
Hạnh phúc
Vững chãi
Và thảnh thơi
Là những gì bạn và tôi
Đều có thể làm ra được.
Cách đây một thời gian không lâu tôi tình cờ để lọt vào tai tin tức về một bé
gái bị đánh đập đến chết. Đó tất nhiên trở thành đề tài nóng hổi của báo chí.
Tôi cũng để cho mình bị phẫn nộ và chìm trong không khí phẫn nộ của công chúng
đối với cái ác. Rồi tôi đau đớn lẫn mệt nhoài. Tôi chợt nhớ, khi
Đức
Đạt
Lai
Lạt
Ma
thứ 14 được hỏi vì sao báo chí ngày nay ngập tràn những tin tức chẳng lành,
ngài
trả lời, bởi vì những tin tốt thường là những tin không hay. Trong bối cảnh đó,
bài thơ Tin vui của
Thiền
sư Nhất Hạnh như là một nỗi an ủi lớn lao cho tâm hồn đầy thương tích của con
người thời đại 4.0.
Những
tin vui
Báo
người ta không chịu in, chịu nói.
Đời là vậy, phải lan truyền những tin giật gân, tiêu cực mới câu được khách, mới
kiếm được tiền. Giữa lợi nhuận và lợi ích, người ta chọn lợi nhuận. Giữa cái phổ
biến và cái giá trị, người ta chọn cái phổ biến. Đó là tình trạng chung của loài
người ngày nay. Thuật ngữ 4.0 chỉ cho cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ
tư,
nhưng văn minh và hiện đại đã và đang phát triển tỷ
lệ nghịch với đạo đức và hạnh phúc của con người. Hai câu thơ của
Thầy
Nhất Hạnh nói đến lĩnh vực báo chí, nhưng nội hàm của nó rộng hơn nhiều. Đó
chính là thông tin. Mà thông tin không chỉ giới hạn trong ngôn ngữ báo chí. Một
ánh mắt, một cử chỉ, một ý nghĩ của chúng ta đều phát ra thông tin.
Nhưng trong báo chúng tôi
Mỗi ngày chúng tôi vẫn thường chuyên môn đưa tin vui.
Đó là sự khác biệt giữa đời sống thế tục và đời sống tu hành. Báo chí của thế
gian là cảnh giới của ba cõi, báo chí của người tu là cảnh giới giải thoát.
“Đường này đến thế gian/
Đường kia đến Niết-bàn/
Tỷ-kheo
đệ tử Phật/
Phải quán chiếu rõ ràng”. (Kinh Pháp
cú).
Chính vì chúng sinh
đau khổ lầm lạc như vậy nên thông tin của người xuất gia buộc phải là thông tin
hạnh phúc để cứu độ.
Trong kinh Bốn loại thức ăn Đức Phật có đề cập đến xúc thực, là loại thức
ăn tiếp nhận bởi các giác quan. Nếu tiếp nhận những tin giật gân, tiêu cực là ta
đang tàn phá thân tâm ta. Cũng như vậy, nếu ta tạo tác nghiệp thân khẩu ý bất
thiện cũng chính là ta đang hủy hoại thân tâm mình. Thế giới thông tin trong thơ
Thầy
Nhất Hạnh là thế giới của Diệt đế:
Tin vui là bạn còn sống
Và cây xoan ngoài ngõ đã ra hoa
Cây xoan ấy
Bạn thấy không
Đã can trường đứng vững
Suốt cả mùa đông băng giá.
Đọc những câu thơ này chúng ta nghe vọng lên âm hưởng câu kệ của
Thiền
sư Hoàng Bá Hy
Vận:
Chẳng phải một
phen xương lạnh buốt
Hoa
mai đâu dễ ngát mùi hương.
(Bất thị nhất phiên hàn triệt cốt/
Tranh đắc mai hoa phốc tỷ
hương).
Sự sống đáng quý biết bao và cũng mong manh biết bao. Còn sống là ân huệ lớn
nhất mà chúng ta được ban tặng. Chúng ta nghĩ không có tiền thì mình sẽ chết,
nhưng thực ra chúng ta sẽ chết nếu không có ô-xi.
Khi chúng ta đang được sống bình yên thì có bao nhiêu loài đang phải đau khổ vì
mạng sống bị tước đoạt, những súc sinh
trong lò mổ, những con cá nằm trên thớt... Giữa thế giới loài này ăn thịt loài
kia để sống, ta sẽ thấy còn sống đúng là một sự kiện đáng để ăn mừng. Và hạnh
phúc chỉ có thể có được khi chúng ta đã nếm trải khổ đau. Không có hạnh phúc nào
hiển nhiên. Như hoa mai chỉ có thể tỏa hương khoe sắc sau một thời gian dài chịu
đựng rét buốt của mùa đông. Hay như Colleen Mc Culough đã viết: “Tất cả những gì
tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nỗi đau khổ vĩ đại”.
(Tiếng chim hót trong bụi mận gai). Thơ của
Thầy
Nhất Hạnh là một thế giới thơ phong phú, đa dạng, pha trộn giữa thơ tự do hiện
đại cho phép người đọc cảm nhận được ngay những cung bậc cảm xúc, và những điển
cố, điển tích dẫn dắt người đọc chiêm nghiệm ý tứ. Hình ảnh cây hoa xoan ở đây
cũng vậy. Chỉ cần tưởng tượng “cây hoa xoan ra hoa” thì người đọc cũng đã cảm
thấy dễ chịu, vì hoa tượng trưng cho cái đẹp, nhưng đằng sau đó là bài học về ý
chí và nghị lực sống cho chúng ta ngẫm nghĩ.
Nhà thơ mang đến cho người đọc rất nhiều tin vui. Tin vui là bạn còn sống. Tin
vui là cây xoan đã ra hoa sau một mùa đông băng giá. Và còn nữa:
Tin vui là mắt bạn còn sáng, còn tốt
Và bạn còn có thì giờ để ngắm trời xanh
Em bé xinh tươi đang đứng trước mặt bạn
Đôi mắt long lanh.
Bằng giọng thơ như kể chuyện, tác giả giúp người đọc tiếp xúc với những điều
kiện hạnh phúc nơi tự thân và những điều kiện xung quanh. Bạn có muốn hạnh phúc
không? Nếu là một người bình thường, bạn có thấy mình may mắn vì có một đôi mắt
sáng? Bạn có cảm thấy hạnh phúc và biết ơn hay bạn coi đó là một sự hiển nhiên?
Bạn hãy thử nhắm mắt lại và làm một việc gì đó, chẳng hạn như đi về phía trước.
Chúng tôi đã thử và cảm nhận sâu sắc nỗi đau khổ của người mù. Khi có đôi mắt
sáng, phải ý thức lắm về món quà đó mới được. Một cái nhìn ghét bỏ hay căm thù
của chúng ta cũng đủ làm người khác đau đớn. Nên Bồ-tát
Quán Thế Âm là vị Bồ-tát
“Mắt thương nhìn thế gian”. Còn đôi mắt là đủ hạnh phúc. Vậy hãy chọn những gì
tốt đẹp để nhìn thôi. Nhìn bằng mắt thương để đem lại hạnh phúc cho mình và
người. Đó là giải thoát. Đó là cứu độ chúng sinh. Đôi mắt sáng là một điều kiện
hạnh phúc. Và em bé cũng là một điều kiện hạnh phúc khác. Em bé tượng trưng cho
sự ngây thơ, trong sáng và hồn nhiên. Đó có thể là một em bé thực mà cũng có thể
là tượng trưng cho những gì tươi sáng đẹp đẽ nhất trong tâm hồn mỗi người.
Thiền sư nói lên sự thật của cuộc đời:
Họ chỉ in những tin giật gân
Họ chỉ in những tin sầu đau, tiêu cực.
Và
Thiền
sư quyết định đi ngược lại thế gian:
Hãy cầm thử tờ báo của chúng tôi lên xem
Ấn bản nào cũng đầy những tin lành, những tin vui, những tin tích cực
Bởi vì chúng
tôi muốn bạn luôn luôn thừa hưởng
được
Và góp sức vào gìn giữ hạnh
phúc chung.
Giới thứ tư của các cô Sa-di-ni
có câu “kiến ác bất truyền văn ác bất tuyên” là vậy. Cũng Sa-di
luật giải
có dẫn lời ông Mã Viện dạy con cháu rằng:
Ta
muốn các ngươi nghe lỗi của người như nghe tên cha mẹ, có thể nghe nhưng không
được nói.
Lời nói gói vàng mà lời nói cũng là đọi máu (đọi là từ địa phương, chỉ cái tô).
Ở đây
Thầy
Nhất Hạnh tiếp tục nhắc nhở cho chúng ta về cách truyền thông tin và tiếp nhận
thông tin, để rồi
Thầy
lại tặng cho độc giả một tin vui khác:
Một
bông trà mi vừa nở phía ngoài
tường
Bông hoa đang mỉm một nụ cười
Rất ư mầu nhiệm
Bông hoa đang hát ca bài hát bản môn
Bài hát thiên thu tuyệt vời
Có tai và có tâm
Thế nào bạn cũng nghe được
Chúng ta hãy chắp tay và cúi đầu
Để nghe tiếng hát ấy.
Đóa trà mi trong bài thơ là một hình ảnh liên hệ mật thiết với hình ảnh Hoa
thược dược:
Đứng yên bên hàng dậu
Em mỉm nụ nhiệm màu
Lặng nhìn em kinh ngạc
Vừa thoáng nghe em hát
Bài ca em thiên thâu
Ta sụp lạy, cúi đầu.
Sinh thời
Thầy
Nhất Hạnh rất tâm đắc với bài thơ này của nhà thơ Quách Thoại, và thường trích
dẫn, bình giảng trong các bài pháp thoại của
Thầy.
Chúng tôi chợt nhớ giai thoại thi sĩ Phùng Quán lạy dưa hấu. Một buổi trưa nắng
đi qua cồn cát, nhà thơ Phùng Quán cùng với người bạn nhìn thấy cây dưa hấu dây
thì héo quắt còi cọc, nhưng lại có được quả dưa duy nhất, quả dưa to tròn căng
mọng. Nhà thơ Phùng Quán khựng lại chốc lát để chiêm ngưỡng rồi sụp xuống lạy
quả dưa ấy. Cái lạy của thi sĩ Quách Thoại trước hoa thược dược, cái lạy của
tiên sinh Phùng Quán dành cho quả dưa hấu, hay cái lạy của nhà thơ Cao Bá Quát
nhất sinh đê thủ bái mai hoa (một đời ta chỉ bái lạy hoa mai)...
tất cả đều có cùng một ý nghĩa như nhau. Đó là buông bỏ bản ngã để tôn thờ những
gì thanh cao và phi thường.
Cho nên Sư
ông
Làng Mai dạy chúng ta một cách mạnh mẽ, dứt khoát và quyết liệt:
Hãy bỏ lại phía sau lưng những sầu đau,
Những vướng bận
Hãy đi lên như một con người tự do.
Chúng ta có can đảm không? Thiên thần sở dĩ bay cao là vì không mang theo gánh
nặng. Tiếp nhận những thông tin tiêu cực, tâm hồn của chúng ta sẽ trĩu nặng. Và
gánh nặng ấy sẽ luân hồi nếu chúng ta không chịu tu tập.
Người viết cũng tạo khẩu nghiệp khá nặng trước và cả sau khi gặp Phật pháp. Đọc
bài thơ Tin vui là để giật mình nhìn lại, ta đã trao truyền những
thông tin gì cho người khác, và đã tiếp nhận thông tin gì cho chính ta. Hầu hết
đều là những thông tin mang tính tàn phá:
Những điều đã làm đã nói
Thường gây đổ vỡ hằng ngày.
(Sám nguyện - Thiền sư Nhất Hạnh)
Thân giáo của Sư
ông
Làng Mai là một bài học thấm đẫm tinh thần chánh ngữ. Tất cả những quyển sách
ngài viết đều có tính chất nuôi dưỡng rất cao và có tác dụng chuyển hóa tức thì
cho người đọc, đúng với đặc điểm thiết thực hiện tại của Phật
pháp. Thơ của Sư
ông
nói chung và bài Tin vui nói riêng cũng chính là những bài pháp
thoại được trình bày một cách nghệ thuật. Pháp ngữ của Sư
ông
luôn mang lại tự tin, an vui và hy
vọng cho người hữu duyên, như nước cam lồ của Bồ-tát
Quán Thế Âm chữa lành vết thương lòng, làm mát mẻ thân tâm:
Tin vui nhất vừa mới đến
Là bạn có tính Bụt trong lòng
Hạnh phúc
Vững chãi
Và thảnh thơi
Là những gì bạn và tôi
Đều có thể làm ra được.
Những lời thơ này là cách trình bày khác của lời Đức Phật dạy: Ta là Phật đã
thành, các con là Phật sẽ thành. Sự an ủi của lời thơ không có gì khác.
Không có sự tha thứ nào lớn hơn lời tuyên bố này, những câu thơ này dành cho
những tâm hồn đầy mặc cảm vì đã trót gây ra tội lỗi (như tâm hồn của chúng tôi
chẳng hạn). Bạn có thấy lòng chúng tôi đang reo vui không:
Tin vui nhất vừa mới đến
Là bạn có tính Bụt trong lòng.
Nghĩa là chúng ta có khả năng sống hạnh phúc. Chúng ta có khả năng vững chãi,
thảnh thơi. Hạnh phúc, vững chãi, thảnh thơi
như
một vị Bụt. Đó là lời khen tặng đẹp nhất chúng ta có thể dành cho nhau. Đó là
lời khen tặng đẹp nhất mà vị Thầy vĩ đại đã dành cho những ai có duyên với Ngài.
Khao khát lớn nhất của mỗi người không gì khác hơn là tránh xa khổ đau và có
được hạnh phúc. Vì lý
do đó chúng ta đi tìm Đức Phật. Và do đó, mỗi người có một Đức Phật riêng của
mình vì quan niệm về hạnh phúc không ai giống ai. Sư
ông
Làng Mai thì quan niệm:
Thế Tôn là bình an
Thế Tôn là vững chãi
Thế Tôn là thảnh thơi.
(Tìm nhau)
Nhờ vào những quyển sách của
Thầy
Nhất Hạnh mà chúng tôi đã phát tâm xuất gia. Hiểu theo một cách nào đó ngài
chính là hướng đạo sư của chúng tôi. Ngài nhập diệt vào những ngày cuối đông để
lại trong lòng chúng tôi một khoảng trống lớn. Hơn bao giờ hết pháp ngữ của ngài
chính là nguồn an ủi cho chúng tôi bớt đau buồn. Sư phụ của ngài,
Tổ
Nhất Định, đã ban cho ngài pháp tự là Phùng Xuân, nghĩa là đi gặp mùa xuân. Ngài
đã sống như một mùa xuân, và chọn ra đi đúng vào lúc mùa xuân tới. Đó là từ bi
và trí tuệ của một bậc chân tu vĩ đại. Chúng tôi chợt nhớ lời an ủi của Đức Thế
Tôn trước khi nhập diệt: “Như Lai được diệt độ thì cũng như trừ được cơn bệnh
khủng khiếp. Đây là vật tội ác và đáng bỏ, giả hiệu là thân thể mà lại chìm ngập
trong biển cả già bịnh sống chết, như thế người có trí tuệ ai lại không hoan hỷ
khi trừ bỏ được thân này như trừ bỏ kẻ thù?”
(Kinh Di giáo)
Và như một Đức Phật, bậc Thầy khả kính đã khiến cho cái chết của Ngài trở thành
niềm hoan hỷ.
Bởi ai có thể buồn đau khi mùa xuân tới? Ngài đã dùng cả sự sống và cái chết của
mình để đem tới cho nhân loại những tin vui. Có ai đó thắc mắc vì sao ngài không
để lại xá-lợi
như một số các bậc đắc đạo khác. Những người thắc mắc ấy chắc không biết rằng
hạnh nguyện của ngài là để nắm tro được rải xuống đất để nuôi dưỡng cây, đó là
cách ngài muốn được tiếp nối. Chúng tôi đọc lại bài thơ Tin vui
đúng vào lúc nhận được tin ngài viên tịch. Những lời thơ tuyệt đẹp đã giúp chúng
tôi nở được một nụ cười giữa thống thiết đau thương của sinh tử kiếp người.
Tuệ Anh