Ái dục và Tuệ giác tánh không

ai duc

 

Ái dục và Tuệ giác tánh không

Chân Hiền Tâm

 

Thầy trò trước giờ vẫn ở trên núi.

Trò được nhặt về từ một buổi hóa duyên. Trò chưa từng giao tiếp với ai ngoài thầy và những thú rừng hiền lành. Cọp là loài trò được thầy nhắc phải tránh xa, vì nó sẽ nhai vụn mình ra.  

Thấp thoáng vậy mà cũng đã mười tám năm. Và lần đầu, trò được thầy cho theo xuống núi. 

Một nhân gian với rất nhiều sắc thái lạ lẫm qua con mắt của trò. Nhưng trò chỉ quan tâm đến một thứ mà trò chưa bao giờ thấy. Trò nhìn chằm chặp vào đó không chớp mắt, rồi hỏi sư phụ: “Thưa thầy đó là con gì?”. Thầy bảo: “Cọp rằn đó con. Đi lẹ lên không nó xơi bây giờ”. Vừa nói, thầy vừa lôi trò đi cho kịp đến núi trước khi trời tối. Chủ ý vẫn là để trò tránh xa chị cọp kia.  

Dù vậy, trò không thể nào quên được cọp rằn. Một con cọp hai chân, có cái đuôi tóc dài, buộc cao như đuôi con ngựa ô. Một con cọp nhìn thấy rất bắt mắt, thích hơn bất cứ thứ gì trên đời vào lúc ấy. Chú gặp cọp một lần rồi suốt ngày nghĩ tưởng đến cọp. Chú muốn gặp cọp lần nữa, dù sư phụ nói gần nó, con sẽ mất mạng, nó sẽ phanh thây con ra. Nhưng không có nó, chú thấy buồn chán thiếu vắng làm sao, không có sức để làm việc gì. Cuộc sống đối với chú giờ thành vô vị. Chú không thể nào không nghĩ đến nó. Có khi gặp lại rồi mất mạng chú cũng chịu. Chúng sinh là vậy, chỉ quan tâm đến những gì đang hiện khởi trong lòng. Nói địa ngục, hỏa lò hay mất mạng, nghe cũng sợ đó, nhưng chuyện đó còn xa, chưa xảy ra. Cái cảm giác bị thiêu đốt trong hỏa lò cũng chưa trải qua để thấu hết nỗi thống khổ của nó, còn nỗi thống khổ trong tâm thì đang hiện diện, vẫn cần phải vượt qua. Nên có khi vẫn chấp nhận một địa ngục trong tương lai để giải quyết những phiền não trong hiện tại. Vì thế, các cõi địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh v.v… chưa bao giờ vắng thiếu chúng sinh. 

Kết cuộc ra sao lâu quá không còn nhớ được. Câu chuyện nằm trong tập sách vi tiếu mà Sư bà Diệu Không đã cho chúng tôi khi đến chùa tụng kinh cầu siêu cho cha. 

Ái dục...

Thứ mà Đức Phật nói "Không có gì tệ hại hơn sắc. Sắc tạo ra sự ham muốn. Và sự nguy hiểm lớn lao của nó, không có gì vượt ngoài nó được. May nó chỉ có một, nếu có cái thứ hai như nó, thì mọi người trong thiên hạ này, không ai có thể hành đạo được". Cho nên Thánh A Nan, người thường kề cận Phật, cũng xém mất giới thể vì một cô gái ngoại đạo. Câu chuyện được kể lại ở đầu bộ kinh Lăng nghiêm. Một bộ kinh nói về tâm, về cái gọi là "Tam giới duy tâm. Vạn pháp duy thức". Kinh Nhất thừa mà vẫn còn đề cập đến ái dục, thứ tưởng chừng đã được đoạn tận ở giai vị A-la-hán trong các bộ kinh thuộc hệ A-hàm. Nhưng không, giờ đang được nêu ra ngay đầu kinh.

Kinh kể rằng, A Nan đi khất thực một mình. Vì các vị Thượng tọa và A-xà-lê đã đến nhà trai chủ dự lễ cúng dường. Do trước đó ông đã nhận người thỉnh riêng, đường lại xa, nên khi về, không kịp dự vào hàng Tăng chúng để dự lễ cúng dường ở nhà trai chủ. 

Về đến nơi lại không có ai cúng dường nên ông lại mang bát vào thành khất thực. Ông nghiêm chỉnh thong thả vào cửa thành theo đúng pháp hóa trai. Với tâm bình đẳng không phân biệt giàu nghèo. 

Ngang qua nhà Ma-đăng-già thì gặp đại huyễn thuật của cô. Cô dùng thần chú Tiên Phạm thiên của ngoại đạo Ta-tỳ-ka-la đưa A Nan vào phòng riêng, dựa kề vuốt ve khiến A Nan sắp mất giới thể. 

Đức Như Lai biết A Nan sắp bị dâm thuật gia hại, nên thọ trai xong liền về. Ngài sau đó phóng hào quang trăm báu sáng rỡ từ đảnh đầu, trong hào quang hiện ra hoa sen báu ngàn cánh, có Đức Phật hóa thân ngồi kiết già, tuyên nói thần chú, bảo ngài Văn Thù Sư Lợi mang thần chú đến cứu hộ A Nan. 

Dâm chú bị tiêu diệt. Văn Thù Sư Lợi dẫn A Nan cùng Ma-đăng-già về chỗ Phật. 

A Nan về đến nơi, thấy Phật liền đảnh lễ, buồn thảm rơi lệ hối hận, vì từ vô thủy đến nay chỉ một bề học rộng nên chưa toàn đạo lực. Ông thiết tha thỉnh Phật dạy cho pháp Chỉ, Quán và Thiền, là phương tiện ban đầu của mười phương chư Phật giúp chúng sinh chứng được đạo quả Bồ-đề vô thượng. 

Cớ sự là vì chỉ học mà không tu nên xém rơi vào vòng luẩn quẩn của ngày xưa, cái ngày còn đầu ấp tay gối với Ma-đăng-già, nghe đâu cũng vài trăm kiếp làm vợ chồng với nhau. Nhân duyên đó được lưu sâu trong tạng thức, giờ đủ duyên dâm chú mới có tác dụng. 

Trong Nhập Bồ-tát hạnh của ngài Tịch Thiên[1], phần Thiền định có nhắc đến vấn đề ái dục. Ngài dạy cách quán ái dục tai hại ra sao để mà từ bỏ. Không phải chỉ nói đến sự tác hại của ái dục đối với người tu mà còn cả với người đời, một khi chúng ta không thể làm chủ được nó.

Luận rằng:

Đời này cùng kiếp tương lai

Dục tham mang đến họa tai không lường 

Một đời bắt trói sát sinh

Kiếp sau địa ngục súc sinh sa vào.

Bản văn xuôi:

Đời này và đời sau, sự ham muốn khoái lạc ở các giác quan dẫn đến tai họa. Bắt trói, chặt giết trong đời này khiến đời sau sa địa ngục.

Thực tế hiện nay cho thấy khá rõ về điều đó. Một gia đình đang êm ấm, bỗng dưng kẻ thứ ba xuất hiện. Nguời đàn ông không làm chủ được những cảm xúc của mình. Gia đình đổ vỡ. Khổ nhất vẫn là những đứa con khi cha mẹ chỉ biết nghĩ đến cảm xúc của riêng mình. Mẹ ghẻ con chồng. Sự thù hằn ghét bỏ được trút hết lên đầu đứa trẻ. Những trận đòn đau đớn. Và cuối cùng là … chết. Một cái chết rất thương tâm. Cả thế giới xót thương. Người cha vì mê mờ đắm nhiễm nữ sắc nên không thể là người bảo vệ con mình như đúng trách nhiệm phải có[2]. Kết cuộc của một cuộc tình, không tử hình thì cũng vài chục năm tù tội, như câu chuyện đã xảy ra trước đó vài năm[3]. Chỉ là ngược lại, cha dượng và con riêng của vợ. Một đứa bé ba tuổi đã chết dưới bàn tay tàn độc của một kẻ nghiện ma túy. Cha dượng bị tử hình. Mẹ chung thân. Cảnh người mẹ van lạy mẹ mình rút đơn kiện để tình nhân được ân xá sau những gì đã xảy ra với con mình cho thấy sự đắm nhiễm vô bờ của cô ta đối với người cha dượng. Dâm ái khiến con người mê mờ, bỏ quên trách nhiệm bổn phận của mình, chạy theo những cảm xúc không thật, để rồi đau thương nối tiếp đau thương. Không chỉ một kiếp này mà còn vô lượng kiếp về sau nếu không biết quay đầu lìa bỏ. 

Dù nguy hiểm cứ lần khần

Gia tài khánh kiệt bất cần kệ thây

Miễn là gái đẹp vào tay

Tiêu diêu khoái lạc sánh tày tiên ông.

Bản văn xuôi:

Dù nguy hiểm bao nhiêu cũng lao vào, tài sản khánh tận cũng mặc, chỉ cần ôm gái đẹp vào lòng là khoái chí tiêu hồn.

Người đàn ông sáu mươi sáu tuổi. Cái tuổi đáng nhẽ tưởng đang quây quần bên con cháu thì lại bỏ bê gia đình, say mê một phụ nữ khác. Cuộc tình đến hồi chán ngán. Chị đòi chia tay thì ông dùng dây truyền điện vào cửa. Ông muốn chị chết khi có tư tưởng từ bỏ ông. May là không chết, nên chỉ tù tội có tám năm[4]. Mê đắm ái dục mang lại não hại cho con người khá nhiều mà ít ai lường hết được. Chỉ thấy mục tiêu đắm nhiễm hiện tại. Quên hết những thiệt hại sẽ xảy ra cho bản thân khi thực hiện các việc đó. 

Sắc tài rồi cũng tiêu tan

Đam mê khiến đọa muôn vàn khổ đau

Vui giây lát khổ dài lâu

Súc sinh quỷ đói về sau đọa đày.

Bản văn xuôi:

Ngũ dục rồi cũng hoại diệt. Nhưng do đam mê chúng mà con người đọa địa ngục, ngạ quỷ và súc sinh. Vì cái vui chốc lát mà phải chịu khốn đốn trường kỳ.

Hiện tại xã hội đang rất nóng về cái gọi là Tịnh thất Bồng Lai hay Thiền am Bên bờ vũ trụ. Các sư giả danh trong đó đã bị khởi tố và đang được điều tra về ba tội danh. Một, lợi dụng tôn giáo và từ thiện để trục lợi. Hai, lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của nhà nước, tổ chức, cá nhân. Ba, loạn luân. Ba tội danh đều liên quan đến tài và sắc[5]. Tất cả đều do tham dục mà ra. Một khi tư tưởng đã không chính thì việc làm khó ngay. 

Còn biết bao việc đáng tiếc xảy ra trong đời đều do không làm chủ được tham dục của mình. Chỉ vì thiếu trí tuệ, thiếu sự tu trì. Không có thiền định, không đủ trí tuệ thì khó mà vượt được cửa ái dục. Thứ mà Phật nói có cái thứ hai như nó thì người trong thiên hạ không ai có thể hành đạo. 

Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, là Hòa thượng Liên Hoa, hảo tướng trang nghiêm, có tài thuyết giảng và biện luận về Phật pháp. Niên hiệu Gia Long thứ 16 được điều ra kinh đô Huế, làm Tăng cang chùa Thiên Mụ và làm Pháp sư thuyết giảng Phật pháp trong nội cung của vua Gia Long. Pháp hiệu Liên Hoa là do vua Minh Mạng ban vào lúc đó[6].

Thời gian giảng dạy trong nội cung, Hòa thượng được Hoàng Cô, cô của vua Minh Mạng, là đệ tử thọ Bồ-tát giới của Hòa thượng, mang lòng yêu thương sâu đậm, muốn ràng buộc duyên tình với Hòa thượng. Vì việc đó, khi biết Đại lão Hòa thượng Phật Ý Linh Nhạc chùa Từ Ân viên tịch, Hòa thượng viện cớ xin về Gia Định và được vua cho phép về trụ trì chùa Từ Ân.

Mấy tháng sau, đang ngồi uống trà và đàm đạo cùng đồ chúng ở chùa Từ Ân thì có tin Hoàng Cô vâng lệnh vua Minh Mạng vào chùa Từ Ân cúng dường, và sẽ ở lại chùa này cho đến khi hồi kinh. Nghe tin, Hòa thượng Liên Hoa thấy không yên, phải vào vấn kế Thiền sư Tổ Tông Viên Quang. Hòa thượng Viên Quang khuyên Hòa thượng Liên Hoa nên định tâm, sinh hoạt tự nhiên như mọi ngày và cầu chư Phật hộ trì. Hòa thượng Liên Hoa nghe theo, về chùa Từ Ân chuẩn bị đón tiếp Hoàng Cô.

Thời gian Hoàng Cô ở lại chùa, mỗi sáng Hòa thượng đều phải tiếp kiến và hầu chuyện cùng bà. Không biết có việc gì khác thường xảy ra mà sang sáng ngày thứ ba, Hòa thượng Liên Hoa không còn ở chùa để tiếp kiến Hoàng Cô như thường lệ. Hỏi Tăng chúng, không ai biết Hòa thượng đi đâu. Hỏi Sa-di Mật Dĩnh, thị giả của Hòa thượng, chú cũng trả lời không biết. Hoàng Cô đích thân lên chùa Giác Lâm tìm Hòa thượng cũng không thấy. Bà quay về Từ Ân, buồn rầu, mấy ngày liền không ăn uống. Sa-di Mật Dĩnh sợ tình trạng không hay xảy ra cho Hoàng Cô, cũng là việc có hại cho chùa Từ Ân, nên khai thật với Hoàng Cô là Hòa thượng đã lên chùa Đại Giác ở cù lao Phổ thuộc tỉnh Biên Hòa, nhập thất hai năm.

Hôm sau Hoàng Cô đến chùa Đại Giác ở Biên Hòa cúng dường, rồi nhờ thị giả Mật Dĩnh đưa đến chỗ Hòa thượng Liên Hoa đang nhập thất. Cửa thất đóng kín, Hoàng Cô quỳ trước cửa, lạy ba lạy rồi thưa: “Đệ tử sắp hồi kinh nên đến đây xin Hòa thượng cho diện kiến lần cuối trước khi lên đường”. Hòa thượng không trả lời. Hoàng Cô đi vòng quanh suy nghĩ, rồi đến trước cửa thất thưa: “Bạch Hòa thượng, nếu Hòa thượng không tiện ra tiếp thì xin cho đệ tử nhìn thấy bàn tay của Hòa thượng. Đệ tử cũng hân hoan mà ra về”. Im lặng vài phút, Hòa thượng Liên Hoa đưa bàn tay ra nơi chỗ nhận thức ăn của thiền thất. Hoàng Cô vội cầm lấy bàn tay hôn trìu mến, rồi sụp xuống lạy ba lạy và khóc sướt mướt. Nhưng bà không về như lời đã hứa với Hòa thượng mà quyết định ở lại chùa nghỉ vài ngày.

Đêm đó, khoảng canh ba, trong khi mọi người đang an giấc thì tịnh thất của Hòa thượng Liên Hoa rực lửa. Tăng chúng tìm cách dập lửa, nhưng tịnh thất đã cháy rụi, thân xác Hòa thượng cũng cháy theo. Lúc bấy giờ, Tăng chúng cũng tìm thấy di bút của Hòa thượng được ghi bằng mực đen trên vách chánh điện.

Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần

Thành không vẩn đục vẫn trong ngần

Liễu tri mộng huyễn chân như huyễn

Đạt đạo mình vui đạo mấy lần?              

Bài kệ ghi lại tâm đức suốt một đời tu hành của Hoà thượng. Dù duyên sự có khuấy động thế nào thì thân tâm ngài vẫn thanh tịnh. Bởi ngài đã ít nhiều thấu được trò mộng huyễn ở thế gian. Chỉ riêng câu chót "Đạt đạo mình vui đạo mấy lần?" là để lại trong lòng người xem một cảm giác không toàn vẹn. Thật đức và rèn kinh thì đã vẹn kiếp trần. Vẹn là nghĩa tròn đầy. Kín hết, niệm niệm là như thế. Niệm trước không khác niệm sau. Vậy thứ gì chưa vẹn để việc vui đạo không phải là một dải toàn nhất mà đã trở thành chỗ có chỗ không, để rồi tự hỏi "Đạt đạo mình vui đạo mấy lần?". 

Đạt đạo đó là nhận ra tánh chân thật của chính mình. Ai cũng có tánh chân thật này. Súc sinh, ngạ quỷ, thiên thần đều có tánh chân thật đó. Nó là nền tảng từ đó phát sinh muôn vàn ảo ảnh như hiện nay. Đương nhiên ở chặng giữa còn có nàng vô minh, mới sinh nhiều thứ như thế. Nhận được nền tảng đó thì ảo vọng tan. Không nhận được nền tảng đó thì mọi ảo ảnh thành có lực, dẫn chúng sinh mãi luân hồi trong sinh tử. 

Có điều, nhận ra và sống được hoàn toàn với tánh ấy là một quá trình. Kinh Pháp hoa nói khai, thị, ngộ, nhập tri kiến Phật. Kinh Thiện giới Bồ-tát nói: “Bồ-tát, chẳng thể trong một đời sạch hết phiền não mà phải dùng nhiều phương tiện trừ sạch dần dần”. Đạt đạo chỉ mới là ngộ. Báo hiệu cho cái gọi là đặt chân vào đất Phật. Nhà thiền gọi là kiến tánh. Cần phải thêm một quá trình tiêu trừ tập khí mới có thể thể nhập và sống được hoàn toàn với tánh ấy, mới có thể thấy thế giới và thân tâm này đều như huyễn như hóa. 

Tuy vậy, nhờ cái đạt đạo ấy mà dục tham không thể nhiễm, có thể làm chủ được những yêu thích của mình. Làm chủ yêu thích là có niệm yêu thích hiện lên trong tâm nhưng biết nó là vọng, không theo, không để nó dẫn chạy. Không phải làm chủ yêu thích là không hề có niệm yêu thích. Không có niệm yêu thích thì nói chi hai chữ làm chủ. Đâu cần tu. Nhưng đời đâu như ta muốn, vì tập khí ngàn đời sâu nặng. Thứ gì cũng được lưu giữ dễ dàng trong tàng thức. Hiện hành còn dễ thấy, tập khí rất khó lường. Brahmadatta chỉ vì mấy trăm kiếp làm Dạ-xoa, thịt người là món ăn chính, nên đến khi làm vua cõi người, dù đã qua quá trình học Phật và giữ giới, vẫn không thoát được tập khí ngàn đời xưa cũ, chỉ vì vô tình chạm phải miếng thịt người. Rồi cứ theo cảm giác thích thú đó mà đi, cho đến khi thân tàn danh liệt cũng chưa thôi[7]

A Nan cũng vì tập khí sâu cũ ngày trước mà sắp mất giới thể. Chẳng phải đã bị dẫn vào phòng cận kề vuốt ve đó sao? Ác chú nào có thể tác dụng được ta nếu ta không từng có nhân duyên với việc ấy? 

A Nan chưa phải là kẻ đạt đạo để có thể tự dùng trí lực của mình mà thoát khỏi dục nhiễm. Nhưng nhờ công đức tu hành, ông được Phật dùng trí lực, thông qua Văn Thù Sư Lợi cứu thoát. Thiền sư Hàm Thị bàn rằng: "Đức Như Lai không tự nói chú mà do hóa Phật từ trên đảnh phóng quang tuyên nói, là muốn nói tất cả thần thông đều từ trí dụng hiện ra, nhưng trong thể vô tướng chưa từng lay động. Chỗ này ngầm chỉ chúng sinh vì mê nơi sự nên luống chịu dong ruỗi mà tự tánh vẫn không có mất và được. Một phen giác ngộ tức là trở về cái vốn sẵn. Ngài Văn Thù tượng trưng cho căn bản trí. Do trí này hay hàng phục tà ma ngoại đạo nên Phật bảo ngài Văn Thù mang thần chú đến cứu hộ"[8]. Hình ảnh hóa thân Phật trên đảnh Như Lai phóng quang nói thần chú, cho đến người mang chú đi cứu A Nan là Văn Thù Sư Lợi đều muốn chỉ cho phần Căn bản trí sẵn đủ trong mỗi người. Kẻ dụng được thì tự làm chủ những sinh khởi nhiễm ô trong bản thân khi đủ duyên. Kẻ bỏ quên thì niệm khởi liền theo, duyên đến liền vướng. Chẳng trách nữ nhân, tuy đã thọ giới Bồ-tát, đã hướng nguyện theo con đường đại từ đại bi của Phật, đang nối tiếp con đường độc hành độc bộ của người xưa, vẫn không thể tỉnh giác với những ái niệm của mình. Trong cái "Thiệt đức rèn kinh vẹn kiếp trần. Thành không vẩn đục, vẫn trong ngần" vẫn còn thấy đọng nét duyên xưa. Một ánh mắt thương yêu dù hiện cũng chỉ là một niệm thoáng qua, như mộng, huyễn, bào, ảnh đối với người, chẳng hề có lực để khiến người mất mình trong ái dục. Nhưng với nữ Bồ-tát, chỉ có danh mà chưa đủ phận, lực của ái niệm còn mạnh, thứ người coi là mộng huyễn thoáng qua trở thành nỗi thương yêu tha thiết không ngừng đối với bà, khiến bà không thôi níu kéo. Chẳng biết rằng, dây căng quá thì đứt, đạo nhân thà mất thân, chẳng thể mất huệ mạng. Thiền thất rực lửa như báo hiệu một sự chấm dứt. Song cái chết của Hòa thượng Liên Hoa vẫn không xóa được lực ái trong lòng Hoàng Cô. Bà tự vẫn ngay vào hôm sau. Dù trước đã dự định sẽ hồi kinh sau khi khai mộ cho Hòa thượng. 

Hòa thượng Viên Quang sau khi nhập tháp cho Hòa thượng Liên Hoa và an táng cho Hoàng Cô xong thì an linh vị cho hai người, một ở bàn thờ Tổ, một ở bàn thờ bá tánh. Nghe đâu chùa chẳng thể yên với cách an vị như thế. Sau một thời gian thiền quán, thấu được thần thức luyến ái quá mạnh của Hoàng Cô, có lẽ vì muốn được gần Hòa thượng nên gây ra xáo trộn để đòi yêu sách, linh vị của bà được dời qua đặt sát linh vị của Hòa thượng, mọi thứ mới trở lại bình thường.

Quả là, 

Dục tình gươm giáo hại tai

Không cho cùn nhụt lại mài bén thêm

Cái phường mê muội đảo điên 

Đầy trong thiên hạ đáng phiền lắm thay.

Bản văn xuôi:

Tham dục như vũ khí tự hại mình, đã không để cho nó cùn nhụt bớt thì chớ, sao còn mài cho nó sắc bén thêm? Than ôi! Bọn người cuồng si tự mê hoặc mình, thật đầy dẫy trong thiên hạ.

A Nan tuy chưa đủ lực tự cứu, nhưng ý kinh cho thấy cách cứu cũng chính là nương vào lực của hóa Phật, thông qua Văn Thù, tượng trưng cho Căn bản trí sẵn đủ trong mỗi người. Căn bản trí là dụng của tánh thể chân như. Hòa thượng Liên Hoa cũng y đó mà tránh được tình cảm của Hoàng Cô. Tuy vậy, cái kết của hai câu chuyện không giống nhau. Văn Thù trong kinh ngoài việc cứu thoát được A Nan còn thu nhiếp được Ma-đăng-già. Hòa thượng Liên Hoa tuy có thể giữ thân tâm thanh tịnh nhưng lại chưa đủ lực thu nhiếp chúng sinh ngoài tâm của mình. Hoàng Cô vẫn chưa thể tỉnh giác để nhận ra tai ương của ái dục, cũng chưa đủ nhẫn lực để dằn đi những việc đáng nhẽ phải dừng. Nếu bà nhận rõ con đường Bồ-tát không cho phép loại tình cảm riêng tư xuất hiện, nhất là đối với một vị xuất gia, và nếu bà cũng đủ nhẫn lực để chịu đựng những cơn phiền não xuất hiện khi không gặp được người thương, thì việc Hòa thượng Liên Hoa xin về Gia Định là cơ hội rất tốt để mọi nhân duyên xưa cũ được bào mòn và lắng yên. Nhưng bà đã không làm được điều đó. Phần trí dụng của Hòa thượng Liên Hoa cũng chỉ mới đủ để bảo vệ bản thân và giáo hóa những tầng lớp chúng sinh khác, với riêng chị cọp dễ thương thì chưa, cần thời gian để phần trí dụng được hoàn chỉnh hơn. Chưa thu nhiếp được như Phật thì chí ít cũng là tâm ở vị trí tâm, cảnh ở vị trí cảnh. Chị là chị. Tôi là tôi. Như Đề-bà-đạt-đa là Đề-bà-đạt-đa, Phật là Phật. Bởi Bồ-tát tu hành khi nào chẳng có Đại Bồ-tát kề bên thử lửa? Tùy tập khí của từng người, y đó mà Bồ-tát hiện thân. 

Trong đời này, khá nhiều việc xảy ra không hẳn do hiện tại nó vốn vậy mà chính là do những gì đã từng huân tập trong quá khứ, giờ đủ duyên thì hiện khởi. Kinh gọi là chủng tử hay tập khí. Nó có thể là một thói quen, một sự tích tụ nào đó ẩn sâu trong tạng thức, và chỉ hiện khởi khi đủ duyên mà có khi lại rất mạnh. Miếng thịt người vừa chạm môi đã gây ra sự thích thú khác thường. Không phải do bản chất thịt đó ngon. Người đời nghe đến tên đã khiếp sợ, nói gì đến việc nếm để thấy ngon hay dở. Nhưng với Brahmadatta thì mọi thứ trở nên hấp dẫn đến mức biến ông thành kẻ giết người không gớm tay, giết luôn kẻ tuỳ tùng thân tín duy nhất bên mình khi không còn thịt để ăn. Chỉ vì thịt người là món ăn đã được huân tập trong suốt mấy trăm kiếp làm Dạ-xoa.

Nói chi chuyện xa xưa, người Việt mình đây, các vị cỡ sáu mươi tuổi trở lên, đã quen với hạt cơm mấy chục năm, vì duyên cớ gì đó phải ăn bánh mì vài năm, thì khi được ăn lại bữa cơm, sẽ hiểu cảm giác thích thú và tinh thần hưng phấn ra sao của Brahmadatta khi ăn lại miếng thịt người. Vài chục năm thì chỉ có thể giúp hiểu sơ về cảm giác thích thú và hưng phấn của thời gian vài trăm kiếp. Còn với lực lôi cuốn thì việc huân tập vài chục năm không thể nào so được với khoảng thời gian vài trăm năm, nói chi là vài trăm kiếp. Khi chưa dụng được phần Căn bản trí của bản thân thì khó mà làm chủ được các tập khí khi nó đủ duyên sinh khởi. Cũng do phần tập khí này mà khi có việc xảy ra, người này thì vượt qua dễ dàng, người kia lại bầm dập trong đó. Là do nhân duyên và tập khí mỗi người không giống nhau.

Chính vì Căn bản trí cần thiết trong việc phá trừ tập khí như thế mà trong phần Thiền định, Bồ-tát Tịch Thiên đã đề cập đến việc thiền quán đối với vấn đế ái dục. Cái quán đó là nhân giúp hiển phát phần tuệ trí, gọi là Căn bản trí sau này. Như Đại sư Hám Sơn đã nói: "Quán là nhân. Tuệ là quả"[9]. Tịch Thiên có kệ:

Bao điều Phật dạy kể trên

Cốt làm trí tuệ phát sinh nơi lòng

Muốn ra khỏi biển trầm luân

Cần sinh tuệ giác tánh không sáng ngời.

Bản văn xuôi:

Tất cả những đề mục quan yếu được đề cập ở đây đều do Phật vì muốn cho người mở mang trí tuệ mà tuyên thuyết. Người muốn chấm dứt khổ, cần phải phát sinh tuệ giác tánh không.  

Căn bản trí là sản phẩm nhận được khi hành giả thấu được phần tánh không này, nên nói tuệ giác tánh không. Tánh không đó, chính là phần “tướng không” nói trong kinh Bát-nhã, là phần “Phật tánh” nói trong kinh Niết-bàn, là phần “không” của chân như nói trong luận Đại thừa khởi tín. Chứng được nó là chứng được cái nhân để có cái quả là Niết-bàn Phật. Cũng y trí này mới có thể thấy được các pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh. Không như Nhị thừa chỉ mới thấu được mặt vô thường của vạn pháp. Vô thường là hiện tướng của cái gọi là duyên khởi. Duyên khởi vì tánh các pháp vốn không. Nhị thừa nhận được hiện tướng vô thường mà chưa thấu được tánh của cái vô thường ấy. 

Trong phần Trí tuệ, Bồ-tát Tịch Thiên lại một lần nữa nhắc đến vấn đề ái dục. Với một câu hỏi được đặt ra như sau: 

Dù biết vạn pháp là như huyễn

Dứt làm sao tham luyến sân si

Như phù thủy tạo mỹ nhân

Rồi sinh say đắm cô nàng thì sao? 

Bản văn xuôi:

Dù biết tất cả pháp như huyễn, nhưng làm sao có thể dẹp phiền não? Như nhà huyễn thuật tạo ra một huyễn nữ, rồi sinh ra say mê nàng ấy thì sao?

Đây là thực trạng hiện nay của phàm phu và ngay cả hàng Bồ-tát đã thọ giới mà chưa có năng lực học hiểu cũng như chứng nghiệm được tánh Phật của mình. Tướng từ tâm sinh nhưng lại dùng tâm ấy yêu những tướng ấy. 

Đáp:

Huyễn sư đối những gì thấy biết

Chưa bao giờ tận diệt tham sân

Đã quen nhận giả làm chân

Nên khi thấy huyễn mỹ nhân phát thèm.

Bản văn xuôi:

Nhà tạo huyễn ấy đối với các pháp sở tri, như phụ nữ, chưa hoàn toàn từ bỏ tập quán phiền não (tham dục), trong khi tập quán thấy tánh không thì quá yếu ớt, nên khi thấy huyễn nữ, sinh ra luyến ái.  

Huyễn sư là chỉ cho chúng phàm phu. Những người tạo ra huyễn pháp. Nói huyễn sư huyễn pháp là nói đúng bản chất của vạn pháp qua cái nhìn của người đã sống được với tâm chân thật. Còn với phàm phu v.v… thì chư vị chưa bao giờ có ý đoạn tham tâm hay sân tâm khi tiếp duyên đối cảnh, vì tất cả vẫn là thật với cái nhìn của chư vị. Nếu có đoạn, có nhẫn thì chẳng qua do thấy sân tâm ấy mang lại bất lợi cho mình nên phải nhẫn, không phải do nhận thấy vạn pháp như huyễn như hóa. Một nhóc thường kể tôi nghe: "Ngày trước con sân lắm cô. Nhưng từ hồi làm cái nghề mua bán nhà cửa này con hết sân luôn. Tại khách nhiều người ngang như cua, khó chịu lắm. Mình không tập nhẫn hay bất động được với những gì họ nói mà nổi sân lên là mất khách. Không có tiền. Tập riết rồi quen. Giờ hết sân". Đó là một cách thả mồi bắt bóng, chẳng phải do thấy vạn pháp như huyễn mà chẳng khởi tham sân. Khi còn thấy mọi thứ là thật thì khó mà không bị ái dục chi phối khi nó là tập khí bao đời của mình. Đủ duyên rồi thì rất là trần ai. 

Sau là nêu bày cách giải quyết.

Nhờ quen tu tập tánh không

Không còn xem pháp thật chân nữa rồi

Bản thân không tánh có đâu

Cuối cùng đoạn nốt cả bầu chấp không.

Bản văn xuôi:

Nếu đã quen tu tập tánh không thì sẽ đoạn trừ được thói quen chấp các pháp là thực hữu. Và nhờ quen với sự thật rằng không có pháp nào là thực có, dù đó là pháp không (không có như lông rùa sừng thỏ) hay pháp giả (như mọi sự vật khác), sự chấp không cũng được từ bỏ sau đó.    

Vẫn là phải tu mới có thể đoạn trừ được phần hiện hành cũng như chủng tử ái dục. Nói chính xác là làm chủ ái dục khi nó sinh khởi. Bởi Bồ-tát, không đoạn hoặc để nhập Niết-bàn như hàng Nhị thừa mà lưu hoặc độ sinh[10]. Vì thế cần phải nhận ra tánh thật của vạn pháp, phải thấy được vạn pháp như mộng, huyễn, bào, ảnh thì mới không bị sinh tử ràng buộc, mới có thể đi trong mưa mà không ướt áo.

Tu tập ở đây là tu tập tánh không. Quán vạn pháp không tánh và chứng được tánh không của vạn pháp. Quán vạn pháp không tánh thì có khi lại vướng vào chấp không, nên nói “Cuối cùng đoạn nốt chấp không”. Chứng được và sống được với tánh không thì chấp có và chấp không đều sạch. 

Lúc đó...

Khi không-có hết khởi lên

Trong tâm vắng lặng một miền bao la

Không còn duyên pháp gần xa

Chứng nên cảnh giới rất là tịch nhiên.

Bản văn xuôi:

Khi trong tâm thật sự không còn tồn tại pháp hay phi pháp, và vì không duyên với các tướng sai khác, tâm hoàn toàn vắng lặng.

Bất cứ khi nào tâm không rơi vào nhị biên phân biệt thì cảnh giới có được là như thế. Rơi vào nhị biên phân biệt thì cảnh tịch nhiên biến mất. Nhị biên phân biệt là có-không, được-mất, thiện-ác, pháp-phi pháp, v.v.

Ở đây cũng cho thấy, chúng ta bị tác động bởi các duyên bên ngoài là do bên trong còn tập nghiệp, tập khí. Nếu phiền não và sở tri chướng đều không thì không có duyên bên ngoài nào tác động được nữa.  

Và rồi,

Như ngọc mani và cây ước

Dù vô tâm thoả được ước mong

Sắc thân Phật hiện nhân gian

Do Bồ-tát nguyện cùng tâm hữu tình.

Bản văn xuôi:

Những cây ước và ngọc ước dù vô tâm vẫn thỏa mãn được những ước nguyện của chúng sinh. Cũng thế, do phước đức của chúng sinh và nguyện lực của chư Phật (khi còn tu Bồ-tát hạnh) mà chư vị với tâm vô phân biệt cũng có thể hiện thân thuyết pháp.     

Ngọc mani là loại báu rất quý ở Ấn Độ. Theo truyền thuyết, các chất bẩn không bám vào báu này được, nước đục hóa trong cũng nhờ báu này, báu này lại khử được chất độc, làm thay đổi màu nước. Báu không sắc, nhưng trong môi trường có sắc đỏ thì báu hiện sắc đỏ, trong môi trường sắc xanh thì báu hiện sắc xanh[11]. 

Dẫn báu mani là muốn nêu hạnh đồng sự của Bồ-tát, như mặt ứng màu của báu mani. Độ kẻ tham thì ứng hạnh đồng sự với kẻ tham, độ kẻ sân thì ứng hạnh đồng sự với kẻ sân, mà không tham cũng không sân, tức đồng sự mà chẳng nhiễm, như báu mani bụi bẩn không thể bám. Dù mang cùng sắc màu với môi trường nó ở thì báu mani vẫn không màu, chỉ tùy duyên mà có màu, lại có tác dụng xóa độc, khơi trong. Bồ-tát nguyện sinh chỗ nào thì tam độc của chúng sinh ở đó nhất định sẽ được diệt trừ, nguồn tâm trong lặng nhất định sẽ hiện tiền.

Kinh Duy-ma, phẩm Phật đạo nói: "Hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm. Hiện làm giận dữ mà đối với chúng sinh không ngại gì. Hiện cách ngu si mà dùng trí tuệ điều phục tâm mình. Hiện làm hạnh tham lam bỏn sẻn mà bỏ tất cả của cải, không tiếc thân mạng. Hiện phá giới cấm mà ở trong tịnh giới, đến như tội bé nhỏ cũng hết lòng sợ sệt. Hiện làm giận dữ mà thường từ bi, nhẫn nhục. Hiện làm lười biếng mà siêng tu các công đức. Hiện làm loạn ý mà thường niệm định. Hiện làm ngu si mà thông đạt trí tuệ thế gian và xuất thế gian. Hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng sinh như cầu, đò...". Hiện ấy là chỉ cho hạnh đồng sự, là cùng tâm với hữu tình. Không như thế là chẳng nhiễm. Vì thế kinh Bồ-tát thiện giới nói: "Bồ-tát nếu trong hằng hà sa kiếp thọ hưởng năm thú dục lạc, cũng không mất giới cấm của Bồ-tát. Chẳng gọi là mất giới. Chẳng gọi là không được quả vị Bồ-tát". Bồ-tát thọ hưởng dục lạc mà không nhiễm dục lạc, hiện kiết sử mà không bị kiết sử làm chủ, chỉ là ứng duyên mà có pháp để lợi lạc quần sinh, như mani tùy duyên mà hiện sắc, bản chất vẫn là không sắc. 

 

 

 

 


 

[1]Văn vần và văn xuôi. Hoa dịch, Trần Ngọc Giao. Việt dịch, Thích Nữ Trí Hải.

[2]Thanh Niên online, trang Thời sự, ngày 7-1-2022, bài viết “Vụ bé gái 8 tuổi tử vong nghi bị bạo hành”.

[3] Tuổi Trẻ online, trang Pháp luật, ngày 19-11-2020, bài viết “Tuyên tử hình cha dượng đánh chết bé gái 3 tuổi”.

[4]Tuổi Trẻ online, trang Pháp luật, ngày 6-1-2022, bài viết “66 tuổi lãnh 8 năm tù vì đấu điện vào cổng sắt nhà người tình…”.

[5] VOV online, trang Pháp luật, ngày 5-1-2022, bài viết “Điều tra dấu hiệu phạm tội loạn luân ở Tịnh thất Bồng Lai”.

[6]Thiền sư Việt Nam, Thiền sư Liễu Đạt Thiệt Thành, HT.Thích Thanh Từ biên soạn. 

 

[7]Tiểu bộ kinh tập IX. Đại sư Sutasoma (Chuyện tiền thân của Đức Phật).

[8] Kinh Thủ Lăng nghiêm trực chỉ, Thiền sư Hàm Thị giải, HT.Thích Phước Hảo dịch.

[9]Đại thừa khởi tín luận trực giải, Thiền sư Hám Sơn.

[10]Hoa Nghiêm thám huyền ký. Tổ Hiền Thủ. 

[11]Kinh Đại Bảo Tích. HT.Thích Trí Tịnh.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle