Sơ lược về các tổ chức trong phong trào Chấn hưng Phật giáo ở Nam Bộ giai đoạn 1920-1945

Sơ lược về các tổ chức trong pho

Sơ lược về các tổ chức trong phong trào Chấn hưng Phật giáo

ở Nam Bộ giai đoạn 1920-1945

Tỳ-kheo Thích Đồng Hạnh

Dẫn Nhập

Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học được thành lập tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn vào năm 1931 là hội Phật giáo đầu tiên được cấp phép thành lập trong phong trào chấn hưng Phật giáo của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn 1920-1945. Từ đó tạo nên sự phấn khởi trong Tăng Ni và tín đồ các giới, tạo tiền đề cho việc thành lập các hội Phật giáo khắp ba miền và cuối cùng là sự thống nhất thành một hội Phật giáo duy nhất, đúng theo tâm nguyện của các bậc tôn túc lúc bấy giờ.

Từ thời điểm đó đến nay, đã gần một thế kỷ trôi qua, nhưng những di sản mà các bậc tiền nhân để lại vẫn còn nguyên giá trị cho hậu thế noi theo. Với mục đích tri ân các bậc tiền nhân và tập hợp lại các tư liệu về phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam Bộ giai đoạn 1920-1945, trong bài biết này, người viết xin trình bày sơ lược về sự thành lập các tổ chức Phật giáo tại Nam Bộ, những tổ chức đi đầu trong phòng trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam, từ năm 1920 đến năm 1945, cũng như trình bày về cương lĩnh hoạt động và kết quả đạt được trong hơn hai thập kỷ chấn hưng Phật giáo tại miền Nam Việt Nam.

Từ khóa: chấn hưng, Phật giáo Nam Bộ, phong trào, chấn hưng Phật giáo.

Nội Dung

1. Các tổ chức trong phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Bộ

  Ý tưởng về chấn hưng Phật giáo xuất phát đầu tiên từ Hòa thượng (HT) Khánh Hòa vào năm 1923. Nhân ngày giỗ tại chùa Long Hòa, quận Tiểu Cầu, tỉnh Trà Vinh (19-9-Quý Hợi), HT.Khánh Hòa đã cho mời những vị tôn túc ở vùng Tiền - Hậu Giang về dự. Trong buổi lễ giỗ, nhân cơ hội, Hòa thượng ngõ ý mời các vị tôn túc cùng thành lập một tổ chức Phật giáo chung nhằm củng cố và chấn hưng Phật giáo [5, tr.43]. Trước ngõ ý rất chân thành của HT.Khánh Hòa và vì một nền Phật giáo tươi sáng hơn, các Hòa thượng như Huệ Quang, Chí Thiền, Trí Thiền, Từ Phong, Chánh Quả, An Lạc, Huệ Định, Diệu Pháp đã cùng hiệp tâm với HT.Khánh Hòa. Họ đã thành lập hội Lục hòa Liên hợp nhằm tạo bàn đạp cho một hội Phật giáo thống nhất toàn quốc. Nhưng những n lực ban đầu của HT.Khánh hòa thất bại [5, tr. 45].

Mãi tới năm 1926, ý tưởng chấn hưng Phật giáo mới được nhắc lại từ cư sĩ Huỳnh Thái Cửu. Nhân dịp Vu Lan, cư sĩ đã mời một số vị Hòa thượng tới cư gia tại Trà Vinh để cúng dường trai tăng. Trong buổi tác bạch cúng dường, cư sĩ đã tuyên nói những vấn nạn của giới Tăng Ni và sự suy thoái của Phật giáo nước nhà, và cư sĩ cũng nêu rõ thành ý muốn thành lập một tổ chức Phật giáo thống nhất để hưng khôi Phật giáo nước nhà [7, tr.431]. Cư sĩ đề ra 3 tiêu chí cho việc chấn hưng:

a.                   Lập hội Phật giáo.

b.                  Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ Quốc ngữ.

c.                   Lập trường Phật học đào tạo Tăng tài.

Vào năm 1927, HT.Khánh Hòa hiệp thông cùng HT.Huệ Quang, Liên Trì, Thiện Niệm, Thiện Chiếu cùng các cư sĩ trẻ tại chùa Linh Sơn lập một tổ chức với tên gọi Phong trào Chấn hưng, với mục đích ban đầu là làm cơ sở giáo dục chư Tăng Ni và tàng lưu kinh sách phục vụ cho vấn đề nghiên cứu [5, tr. 50]. Tuy nhiên, do không xin được giấy phép của chính quyền thuộc địa, tổ chức này không được đi vào hoạt động. Vào đầu năm 1929, nhóm của HT.Khánh Hòa lại hiệp thông với Thiện Chiếu lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học. Nhưng do không xin được giấy phép nên tổ chức này không được đi vào hoạt động ngay được. Cũng trong năm 1929, nhóm của HT.Khánh Hòa đã vận động thành lập hai tập san Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ là Pháp ÂmPhật Hóa Tân Thanh Niên. Tuy nhiên, hai tờ báo Phật giáo đầu tiên này bị đình chỉ ngay sau ấn bản đầu tiên.

Ngày 26-8-1931, Thống đốc Nam Kỳ Khrautheimer phê chuẩn Nghị định số 2062 chính thức công nhận tính pháp lý của Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học (Association pour l'etude et la conservation du Bouddhisme en Cochinchine), đồng thời thông qua bản điều lệ gồm 19 điều và bản quy tắc 51 điều. Cơ cấu tổ chức ban đầu của Hội bao gồm: Ban hội viên danh dự với các thành viên như Thống đốc Nam Kỳ Khrautheimer (Hội trưởng Danh dự), Đốc lý thành phố Sài Gòn Rivoal (Hội phó Danh dự), bà Karpeès - Trưởng phòng Khảo cứu Phật giáo Lào và Campuchia, ông Robert - Đốc học Đông Pháp Trung Pháp học đường và bà Lê Thị Ngởi; Ban Trị sự do HT.Lê Khánh Hòa làm Hội trưởng, Hội phó là cư sĩ Trần Nguyên Chấn và HT.Từ Phong; Cố vấn là HT.Huệ Quang cùng cư sĩ Nguyễn Văn Nhơn; Thủ quỹ là Phạm Ngọc Vĩnh và Từ hàn (thư ký) Lê Văn Phổ.

Ngày 9-11-1932, Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học được Đốc lý Khâm sứ Legros cho phép thành lập chi hội tại Nam Vang theo Nghị định số 307, và HT.Nguyễn Phát Phước được cử làm Chi Hội trưởng. Hội có trụ sở đóng tại chùa Kim Chương. Sự ra đời của chi nhánh này là tiền đề cho việc lập Hội Phật học Cao Miên tại chùa Thanh Quang - Phnompenh năm 1934, với ông Trần Văn Phép làm Hội trưởng, và với Khâm sứ Silvestre và Richard làm Hội trưởng Danh dự. Mục đích của Hội là: “Học hỏi cho biết rồi do sự hiểu biết theo sức lại nhờ các bậc Đại đức giúp đỡ mà diễn dịch lần hồi hằng ước ao cho ánh sáng của Phật pháp chói rọi khắp thế gian”.        

Tiếp bước sự thành công của HT.Khánh Hòa trong việc lập Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học, một số vị tôn túc cũng cho thành lập những tổ chức cũng như tập san Phật giáo mà đồng hiệp ý chấn hưng Phật giáo tại Nam Bộ. Trong đó điển hình là các phong trào: Thiên Thai Thiền giáo tông Tạp chít Nhã Âm (được lập bởi HT.Huệ Đăng vào năm 1931), Liên Đoàn Học XãLưỡng Xuyên Phật Học (được thành lập bởi nhóm HT.Khánh Hòa và các cộng sự), Phật giáo Tương Tế Hội [5, tr.43-59].

Tiếp đến, ngày 13-8-1934, Hội Lưỡng Xuyên Phật học (Association Bouddhique Luong - Xuyen - Phat - hoc) được Thống đốc Nam Kỳ phê chuẩn thành lập theo Nghị định số 2286, tại chùa Long Phước, tỉnh Trà Vinh. Mục đích của Hội là: “Đào tạo nhân tài để trùng hưng Phật pháp & hoằng pháp lợi sanh, đồng tu tập cho tinh tấn đoàn thể Tăng-già và nghiên cứu nghĩa lý mu nhiệm trong kinh tạng, phô diễn ra chữ Quốc âm để làm món tâm dược mà cống hiến cho nhân sinh”. [5, tr.43-59].

Ngày 5-7-1935, Toàn quyền Đông Dương René Robin ký Nghị định số N604S cho phép Hội Lưỡng Xuyên xuất bản Tạp chí Duy Tâm Phật Học, mỗi tháng ra 4 kỳ. Số đầu tiên của Duy Tâm được ấn hành vào ngày 1-10-1935 và đình bản vào ngày 6-7-1943 ở số kép 53-54. Tôn chỉ của tạp chí: “Nhằm đem giáo lý cao thượng của Phật-đà mà bày tỏ cho những người học Phật biết được cái mục đích học Phật của mình. Duy Tâm ra đời để cứu rỗi cái đời đảo điên thống khổ, cái tri thức lu lờ, sửa đổi hết thảy những phong tục xấu xa, kiểu chánh các điều thành kiến dở dang của xã hội, mưu sao cho nhân loại yên vui, cõi đời bình tĩnh, từ chốn quê mùa đến nơi khai hóa được biết đến giáo lý huyền diệu cao siêu của Phật pháp” [5, tr.43-59].

Ngày 19-10-1934, Hội Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu được chính quyền thuộc địa cho phép thành lập tại Bà Rịa. HT.Huệ Đăng chùa Thiên Thai được bầu làm Chứng minh Đạo sư; Đốc phủ Gò Công là Nguyễn Văn Hải giữ chức Hội trưởng Danh dự. Ban Trị sự của Hội gồm 11 người, gồm: Hội trưởng Phạm Hữu Đức; Hội phó Thái Văn Chánh và Bùi Sơn Tây; Thủ quỹ Đỗ Phước Tâm; Từ hàn Đặng Tấn Chức; Cố vấn Trương Văn Tý, Trần Văn Liêng, Phùng Văn Phương. Mục đích của Hội là: “Làm cho các hội viên học kinh, luật, luận đạo Phật bởi nhờ lập kho sách học Phật, lập trường dạy học và diễn thuyết có kỳ thời. Cứu giúp những người cùng khổ tùy theo sức của Hội. Tế trợ những người trong Hội trong các cuộc hoan hôn tang tế” [5, tr.43-59].

Ngày 19-7-1935, Hội Thiên Thai Thiền giáo tông được Thống đốc Nam Kỳ phê chuẩn Nghị định số 2466 cho phép thành lập. HT.Huệ Đăng chùa Thiên Thai được bầu làm Đại Chứng minh; HT.Pháp Hỷ chùa Bửu Sơn, HT.Minh Chiếu chùa Long Quang và HT.Pháp Trí chùa Phước Lập được bầu làm Chứng minh. Chiếu theo điều lệ thứ 10 của Hội, Ban Trị sự gồm: Phạm Hữu Đức - Giám đốc học hồi hưu giữ chức Hội trưởng; Thái Văn Chánh - Ngũ đẳng Bắc đầu bội tinh làm Phó Hội trưởng thứ nhất, và Bùi Sơn Tây giữ chức Phó Hội trưởng thứ hai; Thư ký là Phan Văn Sô - Chánh quản hồi hưu và Phó Thư ký Lê Văn Huề; Cố vấn Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Tý, Trần Văn Liên, Nguyễn Văn Ngưu. Năm 1935, Hội được phép xuất bản Tạp chí Niết Bàn. Mục đích của Hội là: “Lập Thích học đường; tạo pháp bửu tạng; vân tập các thích tử tu học; rước thầy giảng kinh Phật và dạy sách Nho; mỗi kỳ thuyết pháp và ban bố cho hội viên; cất nhà cô độc nuôi những kẻ cô quạnh bệnh già” [8, tr.46].

Theo Công văn số 61-C của Thống đốc Nam Kỳ, đến ngày 16-7-1935 tại miền Nam có các tổ chức Giáo hội được công nhận tính chất pháp lý là: Hội Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học đăng ký tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội tại chùa Hưng Long, Chợ Lớn; Lưỡng Xuyên Phật học hội tại chùa Long Phước, Trà Vinh; Long Xuyên Phật giáo Lương hữu hội tại chùa Bình An, Long Xuyên; Hội Phật học Tương tế tại chùa Thiên Phước, Sóc Trăng; Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu Hội tại chùa Phước An, Bà Rịa.

Thành lập muộn nhất tại miền Nam là Hội Phật học Kiêm tế (Association Bouddhique et de Bienfaisance de Rachgia) được Thống đốc Nam kỳ Pagès phê chuẩn thành lập theo Nghị định số 1068, ngày 23-3-1937, kèm theo 24 điều lệ và 37 điều quy tắc tại chùa Tam Bảo - Rạch Giá. Mục đích của Hội là “Cốt để tuyên truyền Phật pháp và bố thí áo cơm, sách vở, thuốc thang cho trẻ cô bần” [3,tr.8].

Ngày 23-9-1937 Toàn quyền Đông Dương ký nghị định cho phép xuất bản Tạp chí Ánh Sáng Phật Pháp, tòa soạn đặt tại Sùng Phước tự, quản lý là Đinh Văn Khương, số đầu tiên ra mắt vào ngày 1-1-1938. Tôn chỉ của tạp chí nhằm hướng theo gương từ bi, hỷ xả của Đức Phật, độ người bất phân tôn ti thượng hạ, không chia giai cấp xã hội, không bênh mình bỏ người, cũng chẳng nói bổn ban hay ngoại quốc, chỉ biết chúng sinh là quyến thuộc để mong cầu độ tận là được thỏa mãn. Mục đích là: “Đem cái giáo lý của Đấng Chí tôn mà phơi bày cho các nhà học Phật, xướng minh cái Chánh pháp để cải chánh những chỗ sai lầm, chỉ mong nhân loại quần sanh mau khỏi khổ, từ chốn thôn quê đến miền thị tứ cho được thấu lý vô thường pháp mầu của Phật” [5, tr.53].

2. Cương Lĩnh hoạt động chung của phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Bộ giai đoạn 1920-1945

Chủ trương ban đầu của phong trào chấn hưng Phật giáo do HT.Khánh Hòa đề xướng bao gồm 4 điểm: Lập hội Phật giáo; Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ Quốc ngữ; Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài và xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý; Kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy củ thiền môn[10]. Tuy nhiên, đây là những mục tiêu khách quan HT.Khánh Hòa đã đề ra, bởi vì mỗi tổ chức hay mỗi hội nhóm đều có những cương lĩnh và mục tiêu nhất định.

  Ngay từ đầu khi lập Hội Liên Hiệp Lục Hòa, mục tiêu duy nhất của HT.Khánh Hòa là để tập hợp Tăng Ni trong cả nước để thành lập một khối Phật giáo thống nhất từ Nam ra Bắc [9]. Vậy mục tiêu đầu tiên của phong trào chấn hưng là lập hội Phật giáo. Sau cuộc vận động thành lập hội Phật giáo Nam Bắc thất bại, HT.Khánh Hòa cùng Sư Thiện Chiếu vận động thành lập tập san Phật giáo đầu tiên tại Việt Nam, với tên gọi Pháp Âm. Mục tiêu của Pháp Âm là phổ biến Phật giáo đến với mọi người đồng thời kêu gọi mọi người chung tay thúc đẩy công việc chấn hưng: “Muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo thì cần nhứt các học giả nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ, cất nhà thư xã, thỉnh ba tạng kinh đồng nghiên cứu, rồi dịch ra chữ Quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ, khiến cho mỗi người xem đọc đều được phép nhà đạo, ai làm trái thì chừa ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp thì Phật pháp mới chuyển tăng hưng vượng” [6, tr.31-33]. Trong khi đó tờ Phật Hóa Tân Thanh Niên lại chủ trương hướng sự chú tâm của giới trẻ [11]. Không phải tờ báo chỉ hướng tới người đọc là giới trẻ, mà tờ báo nhấn mạnh tầm quan trọng của thanh niên trong việc chấn hưng Phật giáo và gây dựng nền hòa bình cho nước nhà [2, tr.18-23].

Về cương lĩnh hoạt động của Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học Hội (1931), cho dù không đi vào hoạt động như ý muốn ban đầu, mục tiêu của hội rất rõ ràng. mục tiêu thứ nhất, hội nhấn mạnh những người tham gia vào hội hoặc là nhân viên hoặc là học Tăng, nhất nhất chỉ chuyên tâm vào nghiên cứu Phật học. Hội cấm và không chủ đích bàn về các hoạt động chính trị và các việc khác với mục tiêu đề ra[1]. Mục tiêu thứ hai của hội gồm bốn phân mục nhỏ: phát triển và bảo vệ chùa Linh Sơn là cơ sở trụ xứ của hội, tu bổ Pháp bảo phường và Duyệt kinh thất là phòng đọc sách và thư viện của hội, thúc đẩy dịch kinh sách từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, và lập Thích học đường để đào tạo tăng tài[1].

Về Lưỡng Xuyên Phật học hội, mục tiêu được đề ra là: một mặt lo đào tạo nhân tài để trùng hưng Phật pháp, hoằng pháp lợi sanh; mặt khác đoàn thể Tăng-già đồng tu tập tinh tấn và nghiên cứu nghĩa lý mu nhiệm trong kinh tạng, phô diễn ra chữ Quốc âm để làm món tâm dược mà cống hiến cho nhân sinh. Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu hội lại chủ trương: xây dựng trường đào tạo Tăng sĩ, tạo Pháp bảo đường tàng trữ kinh sách, truyền dạy Nho học, xây dựng nhà tế bần. Hội Phật học Kiêm tế chỉ nêu ra hai mục tiêu chính: tuyên truyền Phật học và tế bần kẻ nghèo khó.

Nhìn chung, mục tiêu của những hội nhóm Phật giáo được thành lập tại Nam Bộ trong giai đoạn 1920-1945, trên bình diện chung, không ngoài mục tiêu khôi chấn lại Phật giáo nước nhà, và mặc dù có những khác biệt nhỏ, mục tiêu của những hội nhóm này khá tương đồng với bốn mục tiêu ban đầu của HT.Khánh Hòa: lập hội Phật giáo, dịch kinh điển ra chữ Quốc ngữ, lập trường Phật học, và chấn chỉnh Tăng đoàn.

3. Thành quả đạt được của các phong trào chấn hưng Phật giáo tại Nam Bộ giai đoạn 1920-1945

Phong trào chấn hưng Phật giáo được khởi xướng bởi HT.Khánh Hòa, tuy không có những thành quả to lớn từ khi bắt đầu tới mốc thời gian năm 1945, nó thật sự đã có những thành công nhất định và phần nào thỏa mãn mục tiêu đề ra của HT.Khánh Hòa.

 Thứ nhất, phong trào chấn hưng đã kích thích và làm động lực cho việc thành lập một số hội Phật giáo tại Nam Kỳ, như Nam kỳ Nghiên cứu Phật học hội (1931) tại chùa Linh Sơn, Sài Gòn; Tịnh độ Cư sĩ Phật hội (1934) tại chùa Hưng Long, Chợ Lớn; Lưỡng Xuyên Phật học hội (1934) tại chùa Long Phước, Trà Vinh; Hội Phật học Tương tế (1934) tại chùa Thiên Phước, Sóc Trăng; Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu hội (1934) tại chùa Phước An, Bà Rịa;  Hội Phật học Kiêm tế (1937) tại chùa Tam Bảo, Rạch Giá.

Thứ hai, phong trào chấn hưng thật sự đạt được mục tiêu quảng tuyên Phật lý theo hướng chuyên nghiệp, phổ thông và dễ tiếp cận, bởi vì mỗi hội nhóm kể trên đều có những tập san Phật học, là những công cụ để họ truyền thông những bài dịch, những bài tranh luận Phật học tới số động quần chúng. Hơn nữa, sự ra đời của những tập san Phật giáo tạo cơ hội cho những bậc trí thức có tư tưởng chấn khai Phật học nước nhà cùng chung tay góp sức truyền bá tư tưởng Phật giáo tới mọi người bằng những bài viết tâm huyết. Những tờ báo có ảnh hưởng tới phong trào chấn hưng trong giai đoạn này là Từ Bi Âm (Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội), Duy Tâm (Lưỡng Xuyên Phật học hội), Tiến Hóa (Phật học Kiêm tế hội), Tạp chí Pháp Âm (Tĩnh độ Cư sĩ) và Phật Học Tùng Thư (Đoàn Trung Còn) [28, tr.567].

Thứ ba, theo Nguyễn Lang, phong trào chấn hưng Phật giáo đã góp phần xác định yếu tố Phật giáo là một trong những yếu tố quan trọng của văn hóa Việt Nam [4, tr.568]. Điều này được Phạm Quỳnh, Thượng thư Bộ Quốc gia Giáo dục, tuyên bố như sau: “Cái tinh thần Việt Nam của chúng ta đây tất phải nhờ các học thuyết tạo thành, mà xét về đức dục thì một phần lớn là do công nghiệp của Phật học. Phật học đã có ảnh hưởng về luân lý đạo đức trong dân tộc ta như vậy, thì ai là người muốn bảo tồn tinh thần dân tộc Việt Nam tất phải tán thành cho Phật học”.

Tuy nhiên, phong trào chấn hưng chưa thật sự đào tạo được số lượng lớn Tăng tài. Theo Nguyễn Lang [4, tr.569], với số lượng Tăng Ni được đào tạo tại ba miền chỉ chưa tới 500 vị, thì con số Tăng Ni được đào tạo tại Nam Bộ quả thực rất ít. Hơn nữa, mặc dù có bảy hội Phật giáo được thành lập trong giai đoạn 1920-1945 tại Nam Bộ, nhưng chỉ có Lưỡng Xuyên Phật học là có mở trường Phật học để đào tạo Tăng Ni, những hội nhóm khác chỉ hoạt động trên mặt lý thuyết.

Hơn thế, phong trào chấn hưng Phật giáo Nam Bộ còn gây sự bất thiện cảm đối với một số thành phần trí thức đương thời. Ví dụ, Phan Khôi cho rằng: “Các hội Phật giáo xứ ta cứ im im mà chẳng làm gì hết.” Hay Quốc Tri tỏ sự bất bình: Các ngài định chấn hưng Phật học để cải tạo nền tảng ở nước ta, gây thành một thế lực mà ứng phó với thời cơ, hay là định liên lạc các phần tử Phật gia lại làm một cái đại đoàn để duy trì lấy cái thế lực cho một bọn người quen nghề buôn thần bán Phật? Các ngài định chấn hưng Phật học để rồi đào chú cho nước Nam một bọn người có đức hy sinh, xả kỷ, nhẫn nại, mạo hiểm như Đức Phật Thích Ca, hay sẽ tạo thành cho nước Nam về sau một bọn tín đồ Phật giáo như ở các nước Miên Lào?”

Về ý kiến cá nhân, người viết cho rằng rất khó để nói về sự thành tựu của phong trào chấn hưng nếu chỉ nhìn vào những thành quả đạt được trong giai đoạn bắt đầu từ 1920 tới năm 1945, bởi vì thành quả cần phải được quán xét trong một khoảng thời gian nhất định. Hơn nữa, chúng ta thật sự thiếu thốn về tư liệu cũng như thiếu những cuộc khảo cứu về sự ảnh hưởng thực tế của những hội Phật giáo với xã hội trong giai đoạn 1920-1945; cho nên, thật sự là thiếu khách quan khi đánh giá là phong trào chấn hưng thành tựu hay thất bại trong giai đoạn này.

Kết Luận

Mặc dù bài viết này chỉ trình bày ngắn gọn về phong trào chấn hưng Phật giáo 1920-1945 tại Nam Bộ, người viết đã giới thiệu những yếu tố quan trọng của phong trào chấn hưng.

bảy hội đoàn Phật giáo được thành lập trong giai đoạn 1920-1945, tuy nhiên chỉ một số hội đoàn gây được tiếng vang và có những đóng góp thực tiễn cho công cuộc đổi mới như: Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội, Lưỡng Xuyên Phật học hội, Phật học Kiêm tế và Thiên Thai Thiền giáo tông Liên hữu... Những hội đoàn này đều có những tập san Phật giáo riêng, và những tập san của họ là những công cụ truyền bá Phật giáo hữu hiệu cấp tiến trong giai đoạn 1920-1945.

Cương lĩnh hoạt động của các hội Phật giáo trong giai đoạn này nhìn chung đều chịu ảnh hưởng tư tưởng chấn hưng do HT.Khánh Hòa chủ xướng bao gồm 4 điểm: Lập hội Phật giáo; Thỉnh ba tạng kinh điển dịch ra chữ Quốc ngữ; Lập trường Phật học để đào tạo Tăng tài và xuất bản tạp chí phổ biến giáo lý; Kêu gọi Tăng đồ thức tỉnh, chấn hưng quy củ thiền môn.

Phong trào chấn hưng đã đạt được những mục tiêu đáng kể. Có nhiều hội đoàn Phật học được thành lập trong giai đoạn 1920-1945, và những hội đoàn này rất tích cực trong việc truyền bá và phiên dịch kinh sách từ tiếng Hán, tiếng Pāli, tiếng Pháp và tiếng Anh sang chữ Quốc ngữ. Một số trường Phật học cũng được thành lập. Tuy nhiên, giai đoạn này chưa đào tạo được nhiều nhân tài cho Phật giáo, bởi vì những trường Phật học chỉ có thể hoạt động trong một thời gian ngắn do việc thiếu kinh phí.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.                 Đỗ Hoàng Anh (2017), Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I.

2.                 Nguyễn Đại Đồng (2008), Về những tờ báo đầu tiên của báo chí Phật giáo Việt Nam, Báo Giác Ngộ, số 147, tr.18-23.

3.                 Hội Phật học Kiêm tế (1937), “Điều lệ”, Tiến Hóa, số 10, tr.8.

4.                 Nguyễn Lang (1992), Việt Nam Phật giáo s luận toàn tập, NXB.Văn Học, Hà Nội.

5.                 Dương Thanh Mừng (2015), Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 143, tr.43-59.

6.                 Nguyễn Ngọc Phan (2007), Tờ báo Phật giáo đầu tiên và tâm nguyện chấn hưng Phật giáo, Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo, số 31, tr.31-33.

7.                 Nguyễn Tài Thư chủ biên (1988) và tác giả khác, Lịch sử Phật giáo Việt Nam, NXB.Khoa học Xã hội, Hà Nội.

8.                 Tin tức Tôn giáo (1936), Tiếng Chuông Sớm, số 15, tr.46.

9.                 Lại Như Bằng (2016), Phong trào chấn hưng Phật giáo tại Việt Nam và tại các nước Trung Quốc, Nhật Bản - Kỳ 1. Tham khảo tại https://toasang-ugvf.org/2016/12/02/phong-trao-chan-hung-phat-giao-tai-viet-nam-va-tai-cac-nuoc-trung-quoc-nhat-ban-ky-1/

10.            Thích Nữ Nhuận Bình (2019). Tư tưởng Phật học của hội An Nam trong phong trào chấn hưng Phật giáo tại Trung Kỳ. Tham khảo tại https://vbgh.vn/index.php?language=vi&nv=news&op=le-ky-niem-35-thanh-lap-hoc-vien-phat-giao-vn-tp-hcm/13-tu-tuong-phat-hoc-cua-hoi-an-nam-trong-phong-trao-chan-hung-phat-giao-tai-trung-ky-959.html

11.            Thích Không Hạnh (2019), Hai tờ báo Phật giáo đầu tiên: Pháp Âm, Phật Hóa Tân Thanh Niên. Tham khảo tại https://thuvienhuequang.vn/blogs/bai-viet/hai-to-bao-phat-giao-dau-tien-phap-am-phat-hoa-tan-thanh-nien

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle