Vài suy nghĩ về vấn đề sử liệu của Phật giáo Việt Nam

Vài suy nghĩ về vấn đề sử liệu c

Vài suy nghĩ về vấn đề sử liệu của Phật giáo Việt Nam

Thích Hạnh Chơn

 

Trong Phật giáo, có một giáo pháp rất tuyệt vời đóng góp to lớn cho nền giáo lý Phật giáo, nhất là tư tưởng Đại thừa, đó là giáo pháp duyên khởi - tánh không mà kinh Kim cang trình bày với một câu nổi tiếng: “Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”. Tuy nhiên, phải chăng do hiểu nhầm giáo pháp tánh không mà Phật giáo không quan tâm đến vấn đề ghi chép lưu trữ các nguồn tư liệu quý báu? May mắn là Tam tạng kinh điển được chư tiền bối Tổ sư lần lược ghi chép và không ngừng làm phong phú thêm. Do đó, ngày nay tín đồ Phật giáo có các bộ Thánh điển Phật giáo bằng chữ Sanskrit (dù thiếu), Hán, Pāli, Tây Tạng… Tuy nhiên, điều thiếu sót là vấn đề ghi chép các sự kiện, nhân vật mang tính lịch sử. Tại Việt Nam hiện nay, Tam tạng Thánh điển có thể nhập về để nghiên cứu học tập nhưng sử liệu về Phật giáo Việt Nam lại thiếu trầm trọng. Trong bài viết này, chúng tôi xin nêu vài ý về vấn đề thiếu sót này và chỉ giới hạn ở phạm vi Phật giáo từ miền Trung và miền Nam trong giai đoạn từ Tổ sư Nguyên Thiều đến nay.

Phật giáo truyền vào Việt Nam khoảng 2.000 năm. Tuy nhiên, khung thời gian đó là tính ở khu vực miền Bắc nước ta. Đến thế kỷ XIV, Đại Việt mới mở rộng đến Thừa Thiên Huế nhờ mối quan hệ hôn nhân giữa con gái Đại Việt (Huyền Trân Công chúa) và vua Champa (Chế Mân). Đến thế kỷ XVI (1558), Đại Việt mới tiến vào tới vùng Quảng Nam sau khi Nguyễn Hoàng (chúa Tiên) được vua Lê Anh Tông cho vào trấn vùng đất này. Đến thế kỷ XVII (1689), Đại Việt mới được mở rộng với diện tích như Việt Nam ngày nay do công của Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (Cánh). Như vậy, Phật giáo Việt Nam có mặt tại miền Trung và miền Nam chỉ khoảng 400-600 năm. Trong khoảng thời gian ấy, Phật giáo Việt Nam ở vùng đất mới này đi theo truyền thống nào và tư liệu nào còn lưu lại?

Cho đến nay, chưa có nhiều công trình viết về lịch sử Phật giáo Việt Nam nói chung và lịch sử Phật giáo miền Trung và miền Nam nói riêng. Theo sử liệu được công bố, nhân vật và tác phẩm sáng tác Phật giáo trong giai đoạn đầu tiên của khu vực miền Trung và miền Nam là của Thiền sư Hương Hải (1628-1715) và Thiền sư Chân Nguyên (1647-1726). Tuy nhiên, nhị vị Thiền sư này cũng chủ yếu hoằng pháp ở Đàng Ngoài nên không kể vô được. Như vậy, có nhiều khoảng trống về lịch sử Phật giáo Việt Nam vùng Nam Trung cần được công bố. Đó là các vấn đề: Chư Tăng sinh hoạt theo Tăng đoàn hay Giáo hội nào, do ai lãnh đạo? Số lượng chư Tăng trong thời gian này là bao nhiêu, có đủ túc số để tổ chức các đại giới đàn để truyền giới cho những người kế thừa? Giai đoạn này có sự hiện diện của chư Ni không và ai là đại diện tiêu biểu? Đại tạng kinh nào được Tăng Ni sử dụng tu học? Nghi thức tụng niệm tu tập hằng ngày giống hay khác hiện nay?…

Vào giai đoạn đầu chắc chắn còn có chư Tăng người Việt sinh hoạt nhưng đáng tiếc là chúng ta không có tư liệu về hoạt động Phật sự của Tăng đoàn hay Giáo hội và của các tự viện. Thiền sư Hương Hải được cho là có nhiều đệ tử xuất gia nhưng về sau họ cũng theo thầy ra Đàng Ngoài và cũng thiếu tư liệu ghi chép số đệ tử, sinh hoạt hành đạo của họ. Phải chăng vì bị ảnh hưởng tư tưởng tánh không - “vô chấp” mà Tăng Ni và cả Phật tử bỏ quên công việc ghi chép quan trọng này? Cũng có khả năng có người trong Phật giáo ghi chép nhưng do chiến tranh tàn phá nên dẫn đến không còn tư liệu. Tuy nhiên, khả năng này không cao vì nếu có tàn phá thì cũng còn sót lại vài tư liệu liên quan. Vả lại, sử liệu về các triều đại vua chúa cũng trong cùng hoàn cảnh nhưng vẫn còn. Các thông tin về các Thiền sư được tìm thấy không phải từ sách sử Phật giáo mà từ các tài liệu của triều đình (nhà nước), hay từ các văn bia, long vị.

Giai đoạn từ Tổ sư Nguyên Thiều về sau phản ảnh rõ sự ảnh hưởng của tinh thần “tánh không-vô chấp” nhưng bị hiểu sai? Cho đến nay, lịch sử hành đạo của Tổ sư Nguyên Thiều vẫn còn nhiều tranh cãi vì lý do không có sự ghi chép thống nhất về hành trạng của ngài. Nếu như quá trình Tổ sư qua Việt Nam hành đạo, độ chúng… cho đến khi viên tịch được ghi chép lại cụ thể thì không có tình trạng suy đoán Tổ sư viên tịch tại Đồng Nai mà Nguyễn Hiền Đức đã viết trong quyển Lịch sử Phật giáo Đàng Trong[1] nhưng chưa có thông tin xác định cuối cùng về sự viên tịch của ngài tại Đồng Nai hay Huế.

Về Phật sự đại giới đàn truyền giới, Đại sư Đại Sán được Tổ sư Nguyên Thiều thỉnh mời từ Trung Quốc sang Việt Nam tổ chức đại giới đàn năm 1695 truyền giới cho 1.400 giới tử gồm Tỷ-kheo và Sa-di.[2] Con số giới tử tham gia một giới đàn như thế là khá nhiều nhưng những giới tử tiêu biểu người Việt gồm những ai và họ sinh hoạt như thế nào tại các tự viện không được ghi chép. Sau giới đàn đó, các đại giới đàn tiếp theo như thế nào? Vì Việt Nam không đủ túc số Tăng để truyền giới nên phải thỉnh mời chư Tăng ngoại quốc truyền giới để thành lập lại Tăng đoàn (như trường hợp của Phật giáo Thái Lan, Miến Điện…) hay vì lý do chính trị? Nếu Việt Nam không đủ túc số Tăng để truyền giới thì chứng tỏ Phật giáo Việt Nam giai đoạn này suy tàn không thể biện luận. Tuy nhiên, con số giới tử nhiều như thế chứng tỏ Tăng đoàn chưa suy tàn mới có nhiều đệ tử cho đi thọ giới. Nếu vì lý do chính trị thì Tăng đoàn người Việt bị “kỳ thị” vì không thấy nhắc đến một ai khác ngoài Thiền sư Hương Hải (đi ra Đàng Ngoài).

Về chư vị Tổ sư, vai trò của chư Tổ sư như thế nào trong Phật sự hoằng truyền Chánh pháp? Tổ sư Nguyên Thiều vào miền Trung Nam Việt Nam có thể xem như Tổ Bồ Đề Đạt Ma vào Trung Quốc với vai trò giới thiệu đạo Phật. Dù vậy, cuộc đời và sự nghiệp của Tổ cũng chỉ được ghi lại bằng vài trang tiểu sử. Tổ sư Minh Hải Pháp Bảo người Trung Quốc khai sơn tổ đình Chúc Thánh cũng chỉ được ghi lại qua vài trang tiểu sử. Tổ sư Liễu Quán người Việt Nam được ghi rõ hơn về tiểu sử, công lao phục hưng Phật giáo mang màu sắc Việt Nam. Thiền sư Nhất Hạnh cho rằng: “Thiền sư Liễu Quán được xem là vị Thiền sư lãnh đạo công cuộc phục hưng Phật giáo Đàng Trong vì Thiền sư đã làm cho thiền phái Lâm Tế trở thành một thiền phái linh động, có gốc rễ ở Đàng Trong. Ông đã Việt hóa thiền phái Lâm Tế như kiến trúc, lễ nhạc…’’[3] Rất tiếc, lời nhận định trên không có các tư liệu để minh chứng. Cho đến nay, Phật giáo Việt Nam vẫn còn bị ảnh hưởng nặng bởi văn hóa Phật giáo Trung Quốc mà cụ thể là hai thời khóa tụng, huống chi trước khi Phật giáo được chấn hưng ở thế kỷ XX.

Sau thế hệ chư Tổ sư từ Trung Quốc qua, Tăng Ni Việt Nam tiếp tục kế thừa, duy trì và phát triển Phật giáo. Dưới thời chúa và vua Nguyễn, những cao tăng tiêu biểu, nhất là những vị được triều đình cấp giới đao, độ điệp được nêu tên và thêm đôi dòng tiểu sử. Tên tuổi của chư vị cao tăng được ghi lại là Mật Hoằng, Phổ Tịnh, Nhất Định, Diệu Nghiêm, Liễu Triệt…[4] Tuy nhiên, sự sinh hoạt hoằng pháp của quý ngài không được sử ghi chép đầy đủ.

Trong sự nỗ lực, chủ biên quyển Tiểu sử danh tăng Việt Nam thế kỷ XX đã sưu tầm và biên soạn phần tiểu sử các danh tăng từ cuối thế kỷ XIX và thế kỷ XX. Công trình này có giá trị lịch sử nhưng cũng chỉ góp một phần nhỏ trong tư liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam - gồm nhiều vấn đề khác.

Về sinh hoạt tổ chức, các vấn đề như Tăng đoàn hay Giáo hội (tổ chức), lãnh đạo Tăng đoàn; vấn đề an cư, bố-tát; số lượng Tăng Ni, tự viện; sự sinh hoạt của các tự viện; các Phật sự hoằng pháp, nghi lễ… không được quan tâm ghi chép.

Rõ ràng, tư liệu Phật giáo hay tư liệu liên quan đến Phật giáo chỉ nêu tiểu sử và sự đóng góp cá nhân của một số vị Tổ sư mà thiếu sự tổng quát của Tăng đoàn hay Giáo hội, sinh hoạt tại các tự viện và việc độ chúng xuất gia cũng như tín đồ quy y. Sự thiếu sót này phải chăng do ảnh hưởng tư tưởng “vô chấp”?

Từ sự thiếu tư liệu, chúng ta không biết Phật giáo vùng Trung Nam trước thời Tổ sư Nguyên Thiều sinh hoạt theo cách thức nào. Sau khi Tổ Nguyên Thiều và chư Tổ từ Trung Quốc qua hành đạo, Phật giáo Việt Nam vùng Trung Nam hầu như đi theo mô hình chư Tổ sư mang từ Trung Quốc sang, dù có thay đổi nhưng không đáng kể.

Qua những điều được nêu trên, có thể nói lịch sử Phật giáo Việt Nam vùng Trung Nam chỉ mới khoảng trên dưới 500 năm - một khoảng thời gian không quá dài so với lịch sử Phật giáo Việt Nam và lịch sử Phật giáo nói chung. Những điều nói về lịch sử Phật giáo Việt Nam ở vùng đất này nhấn mạnh vào tên tuổi một số cá nhân cao tăng, và một vài ngôi chùa nổi bật. Những điều quan trọng trong sinh hoạt Phật giáo có nêu nhưng còn thiếu rất nhiều. Những vấn đề như giáo dục, hoằng pháp, giới đàn, an cư, bố-tát, tổ chức Tăng đoàn, tổ chức sinh hoạt tại các tự viện, tín đồ và mối quan hệ giữa Phật giáo với chính quyền, nhân dân… hầu như không được đề cập.

Bài viết này nhằm nêu những vấn đề mà người viết cho là còn thiếu sót trong tư liệu sử Phật giáo Việt Nam hiện nay. Từ đó, bài viết muốn gợi ý để các tổ chức Phật giáo quan tâm thực hiện nhằm lấp khoảng trống này. Để có tư liệu đầy đủ về Phật giáo, thiết nghĩ Phật giáo hiện nay có nhiều thuận lợi thực hiện. Thứ nhất, Phật giáo Việt Nam có Giáo hội thống nhất ba miền và có hệ thống tổ chức bài bản. Thứ hai, Phật giáo có đủ nhân lực và tài lực để thực hiện.

Với sự thuận lợi trên, bài viết đề xuất phương hướng thực hiện. Thứ nhất, nêu rõ hệ thống tổ chức Giáo hội và có thể so sánh những điểm đồng và dị với Tăng đoàn qua các thời kỳ dựa trên cơ sở cách tổ chức và cách sinh hoạt tập thể. Thứ hai, nêu rõ chư Tăng Ni, Phật tử đã có những đóng góp gì cho Phật giáo và xã hội qua các khía cạnh tu tập, sự ảnh hưởng trong cộng đồng, những đóng góp về giáo dục, hoằng pháp, học thuật, xây chùa, độ chúng… Thứ ba, thống kê chính xác số liệu tự viện, Tăng Ni để từ đó viết về danh ba tự viện, lịch sử các tự viện, những tự viện nổi bật, sự sinh hoạt tại các tự viện như an cư, bố-tát, khóa tu… Thứ tư, nêu những đóng góp của Giáo hội trong công tác Phật sự, sự đóng góp của các tự viện gồm phát triển cơ sở tự viện, độ Tăng chúng, tăng số lượng tín đồ, ủng hộ an sinh xã hội…

Tóm lại, Phật giáo phát triển hay suy thoái cần phải dựa vào dữ liệu để đánh giá. Tự viện nhiều, Tăng Ni đông, tín đồ tăng, chính quyền ủng hộ, và đặc biệt Tăng đoàn có nhiều Thánh tăng hay cao tăng làm cho Phật giáo có ảnh hưởng sâu rộng trong quần chúng thì đó là giai đoạn Phật giáo hưng thịnh phát triển. Ngược lại, nếu thiếu các yếu tố trên, nhất là thiếu Tăng Ni đức hạnh và thiếu sự ảnh hưởng tích cực của Phật giáo trong quần chúng thì Phật giáo đang suy. Yếu tố cần thiết để làm sáng tỏ vấn đề trên mà không cần qua suy luận chủ quan là tư liệu lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì tầm quan trọng đó, mong rằng Phật giáo sẽ bắt đầu thực hiện như những gì tôn giáo bạn đã làm rất tốt.

 

 

 

 


 

[1] Nguyễn Hiền Đức, Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, HCM: NXB.TP.HCM, 1995.

[2] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Hà Nội: NXB.Văn Học, 1994, tr.223.

[3] Ibid., tr.201.

[4] Ibid., tr.309-342.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác