Mùa Đại Dịch: Hộ Trì Sáu Phương
Mùa Đại Dịch
Mùa Đại Dịch: Hộ Trì Sáu Phương
Nguyên Giác
Đại dịch coronavirus bùng phát lần nữa tại Việt Nam, Hoa Kỳ và hầu hết các nước
trên thế giới. Tính tới tuần lễ đầu tháng 8-2020, thế giới có gần 700.000 người
chết vì đại dịch, trong đó Việt Nam có ít nhất 6 ngàn người chết. Vụ Thống kê
Dân số và Lao động cho biết Việt Nam có hàng chục triệu người mất việc, giảm giờ
làm, giảm thu nhập… Kinh tế suy sụp mọi mặt, đặc biệt thê thảm là các ngành du
lịch, khách sạn, tiệm ăn, chợ búa, giao thông. Toàn dân đều bị ảnh hưởng - kể cả
Tăng Ni trong và ngoài nước, khi các khóa tu và khóa lễ phải hủy bỏ vì giãn cách
xã hội, Phật tử không thể tới chùa được. Trong hoàn cảnh này, hạnh nguyện hộ trì
và bố thí cần được thực hiện theo lời Đức Phật dạy để bảo vệ sáu phương: Bố thí
tài vật (giúp dân vượt khó, cúng dường chư Tăng, ba mẹ, thầy cô giáo…), bố thí
sinh mạng (liều thân vào nơi hiểm nạn để cứu người, như lính cứu hỏa thời bình,
như nhân viên y tế thời đại dịch vì chăm sóc bệnh nhân cũng là chăm sóc Đức Phật),
và rồi tận cùng của hạnh bố thí là giải thoát.
Bài này sẽ trích một số kinh luận nói về hạnh bố thí. Các chữ viết tắt cho kinh:
DN là Trường bộ, MN là Trung bộ, AN là
Tăng chi bộ, SN là Tương ưng bộ, EA là Tăng nhất A-hàm,
SA là Tạp A-hàm, MA là Trung A-hàm.
Trong thời đại dịch, mỗi người đều phải tự ý thức tuân thủ lời khuyên của các cơ
quan y tế để bảo vệ mình và người chung quanh, và trong vị trí nghề nghiệp liên
hệ hãy giúp ngăn chặn dịch, xem việc chăm sóc bệnh nhân cũng chính là chăm sóc
Đức Phật. Đức Phật dạy trong kinh EA 12.4, bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ
và Đức Thắng, trích:
“Ai chăm sóc bệnh nhân, là người ấy đã chăm sóc Ta. Ai khán hộ bệnh nhân,
là người ấy đã khán hộ Ta. Vì sao vậy? Ta nay muốn đích thân khán hộ
người tật bệnh. Này các Tỷ-kheo, Ta không thấy một người nào mà bố thí cho
vị ấy thì sự bố thí này không gì vượt qua, tối thượng trên cả sự bố thí cho chư
thiên, thế gian, Sa-môn, Bà-la-môn. Hành thí này mới đích thực là thí,
được quả báo lớn, được công đức lớn, tiếng đồn vang khắp, được pháp
vị cam lồ. Nghĩa là bố thí đến Như Lai Chí chơn, Đẳng chánh giác. Nên
biết, đó là bố thí tối thượng trong sự bố thí, không có gì vượt qua. Hành
thí này mới đích thực là thí, được quả báo lớn, được công đức lớn.
Nay Ta vì nhân duyên này mà nói ra như vậy: Chăm sóc bệnh nhân, tức là
đã chăm sóc Ta không khác. Các ngươi lâu dài được phước lợi lớn. Như
vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học điều này.”
Đức Phật dạy rằng người Phật tử phải hộ trì sáu phương: ba mẹ, Tăng Ni, thầy/cô
giáo, vợ con, bạn bè, tôi tớ, lao công… Hộ trì (dịch theo HT.Minh Châu) còn có
nghĩa là che chở (dịch theo Sujato), là bảo vệ (dịch theo Kelly, Sawyer &
Yareham). Tức là người Phật tử phải hộ trì, bảo vệ tất cả những người chung
quanh mình.
Kinh DN 31, bản dịch HT.Minh Châu, trích: "Này Gia chủ tử, vị Thánh đệ
tử hộ trì sáu phương như thế nào? Này Gia chủ tử, sáu phương này cần được
hiểu như sau: Phương Ðông cần được hiểu là cha mẹ. Phương Nam cần được hiểu là
sư trưởng. Phương Tây cần được hiểu là vợ con. Phương Bắc cần được hiểu là bạn
bè. Phương Dưới cần được hiểu là tôi tớ, lao công. Phương Trên cần được hiểu là
Sa-môn, Bà-la-môn."
Bản dịch Kelly, Sawyer & Yareham: “And how, young man, does the noble disciple
protect the six directions? These six directions should be known: mother
and father as the east, teachers as the south, spouse and family as the west,
friends and colleagues as the north, workers and servants as the lower
direction, and ascetics and Brahmans as the upper direction.”
Bản dịch Sujato dịch nghĩa hộ trì là che chở: “And how, householder’s son, does
a noble disciple cover the six quarters?"
Đã gieo nhân lành, tất nhiên sẽ có quả lành. Do vậy, cúng dường Tăng bảo, tất
nhiên sẽ có công đức. Kinh AN 6.59, bản dịch HT.Minh Châu, trích: “…Này
Gia chủ, hãy cúng dường chúng Tăng. Nếu ông cúng dường chúng Tăng, tâm sẽ được
định tín. Nếu ông có tâm định tín, lúc thân hoại mạng chung sẽ được sinh lên
thiện thú, Thiên giới, cõi đời này.”
Người bố thí phải có tịnh tín và tâm lành, với tâm không gượng ép, sẽ có quả
lành là thoát các nạn dữ. Kinh AN 5.148, bản dịch HT.Minh Châu,
trích:
“- Này các Tỷ-kheo, có năm loại bố thí này xứng bậc Chân nhân. Thế nào là
năm? Bố thí có lòng tin, bố thí có kính trọng, bố thí đúng thời, bố thí với tâm
không gượng ép, bố thí không làm thương tổn mình và người. (...) Và này các
Tỷ-kheo, sau khi bố thí không làm thương tổn mình và người, chỗ nào, chỗ nào,
quả dị thục của sự bố thí ấy đem lại kết quả: Người ấy được giàu sang, đại phú,
tài sản sung mãn; và không một tai nạn nào từ đâu đến, đến với tài sản của người
ấy, hoặc từ lửa, từ nước, từ vua, từ ăn trộm, từ các người thù địch hay từ các
người thừa tự.”
Người tu hạnh bố thí sẽ có nhan sắc xinh đẹp, sức mạnh hơn người, tuổi thọ lâu
dài… Đức Phật dạy trong kinh AN 4.59, bản dịch HT Minh Châu, trích:
“Người bố thí đồ ăn, này các Tỷ-kheo, bố thí bốn sự cho người nhận. Thế nào
là bốn? Cho thọ mạng, cho dung sắc, cho an lạc, cho sức mạnh. Sau khi cho thọ
mạng, người cho được chia phần thọ mạng, thuộc chư Thiên hay loài Người. Sau khi
cho dung sắc... cho an lạc... Sau khi cho sức mạnh, được chia phần sức mạnh,
thuộc chư Thiên hay loài Người.”
Bố thí sẽ được đại phước. Đức Phật dạy trong kinh SA 914, bản dịch của
hai thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng:
“Ta nhớ chín mươi mốt kiếp từ trước đến nay, không thấy một người nào mà bố
thí cho Tỷ-kheo lại bị cạn kiệt, hay bị tổn giảm cả. Này thôn trưởng, ông nhìn
xem hiện nay có người giàu sang, nhiều tiền của, quyến thuộc đông đảo, tôi tớ
đầy nhà, thì biết nhà ấy lâu dài ưa thích bố thí, chân thật tích chứa, nên được
phước lợi này.”
Về thái độ trong khi tu hạnh bố thí, Đức Phật dạy cần giữ tâm từ bi, bình đẳng,
luôn nghĩ tới các loài chúng sinh (chứ không nghĩ riêng cõi người). Kinh EA
10.5, bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, trích:
“Thế Tôn bảo: Lành thay, lành thay, Gia chủ. Ông đã bằng tâm Bồ-tát,
chuyên tinh nhất ý mà huệ thí rộng rãi. Thật vậy, chúng sinh nhờ ăn
uống mà được cứu sống, không ăn uống thì liền chết. Này Gia chủ, ông
sẽ được quả lớn, được tiếng tăm nhiều; được quả báo lớn mà tiếng
đồn thấu mười phương; được pháp vị cam lồ. Vì sao vậy? Vì hàng
Bồ-tát thường đem tâm bình đẳng để bố thí, lúc nào cũng một lòng
mà nhớ nghĩ đến các loài chúng sinh, nhờ ăn uống mà tồn tại, có ăn
uống tức được cứu sống, không ăn uống tức chết. Này Gia chủ, đó là
tâm Bồ-tát ở tại chỗ yên ổn mà bố thí rộng rãi.”
Tự thân mình giữ giới còn gọi là đại bố thí. Đức Phật dạy trong kinh AN 8.39,
bản dịch HT.Minh Châu:
“Này các Tỷ-kheo, có năm bố thí này, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được
biết là lâu ngày, được biết là truyền thống cổ xưa, trước không tạp loạn, hiện
tại không tạp loạn, tương lai không tạp loạn, không bị những Sa-môn, những
Bà-la-môn có trí khinh thường. Thế nào là năm? (...) Ở đây, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử đoạn tận sát sinh, từ bỏ sát sinh (...) Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử đoạn tận lấy của không cho, từ bỏ lấy của không cho ... Này các
Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ hai, là đại bố thí (...) Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử đoạn tận tà hạnh trong các dục, từ bỏ tà hạnh trong các dục ... Này
các Tỷ-kheo, đây là bố thí thứ ba, là đại bố thí... Lại nữa, này các Tỷ-kheo,
Thánh đệ tử đoạn tận nói láo, từ bỏ nói láo ... Này các Tỷ-kheo, đây là bố thí
thứ tư, là đại bố thí... Lại nữa, này các Tỷ-kheo, Thánh đệ tử đoạn tận đắm say
rượu men, rượu nấu, từ bỏ đắm say rượu men, rượu nấu... Này các Tỷ-kheo, đây là
bố thí thứ năm, là đại bố thí, được biết là tối sơ, được biết là lâu ngày...”
Đức Phật cũng dạy rằng trong khi trì giới hãy hồi hướng công đức trì giới tới vô
lượng chúng sinh. Làm thế nào để bố thí công đức? Một bài kinh trong Tăng
nhất A-hàm nói về pháp Bát quan trai giới, rằng Phật tử hãy giữ tám giới này
trong một ngày tất sẽ có vô lượng công đức, và hãy hồi hướng công đức này cho
khắp chúng sinh. Kinh EA 43.2 bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng,
trích:
“Sao gọi là trai pháp tám quan? Một là không sát sinh, hai là không lấy của
không cho, ba là không dâm dục, bốn là không nói dối, năm là không uống rượu,
sáu là không ăn phi thời, bảy là không nằm ngồi trên giường cao rộng, tám là
tránh xa việc đàn ca xướng hát và xoa hương thơm vào mình. Tỷ-kheo, đó gọi là
trai pháp tám quan của Hiền thánh.”
[...] Thế Tôn bảo: “Người ấy nguyện rằng: ‘Nay con bằng trai pháp tám quan này
sẽ không đọa địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh, cũng không rơi vào nơi tám nạn, không
ở biên địa, không rơi vào nơi tệ ác, không theo tri thức ác; con phụng sự cha mẹ
chân chánh không có tà kiến, sinh vào trung bộ, được nghe pháp thiện, tư duy
phân biệt, thành tựu pháp tùy pháp; đem công đức trai pháp này nhiếp lấy pháp
lành của tất cả chúng sinh; đem công đức này bố thí cho họ giúp cho người kia
thành Đạo Vô thượng Chánh chơn; đem phước của thệ nguyện này bố thí để thành tựu
ba thừa khiến cho không bị thối lui giữa chừng. Lại đem trai pháp tám quan này
để học Phật đạo, Bích Chi Phật đạo, A-la-hán đạo. Những người học Chánh pháp ở
các thế giới cũng đều tập theo nghiệp này...”
Phật tử hãy suy nghĩ rằng, tuy rằng bản thân mình và người vẫn còn tham sân si,
nhưng hạnh bố thí vẫn mang tới công đức vô lượng. Kinh MN 35 ghi lời Đức
Phật nói với một giáo sĩ Ni Kiền Tử rằng cho dù người được bố thí vẫn còn tham
sân si, nhưng hạnh bố thí vẫn mang tới công đức lớn cho người bố thí, theo bản
dịch HT.Minh Châu:
"Này Aggivessana, sẽ có (công đức) cho những người bố thí, đối với người đáng
được cúng dường như ông, dầu ông không phải là không có tham, không phải là
không có sân, không phải là không có si; sẽ có (công đức) cho ông, này
Aggivessana, đối với người đáng được cúng dường như Ta, và Ta là người không có
tham, không có sân, không có si."
Nhìn chung, trong tất cả các pháp bố thí, pháp thí mới là tối thắng. Pháp thí
là giúp người khác hiểu được Chánh pháp. Đức Phật dạy trong kinh AN 2.141-150,
bản dịch HT.Minh Châu:
“Này các Tỷ-kheo, có hai loại bố thí này. Thế nào là hai? Bố thí tài vật và
bố thí pháp. Những pháp này, này các Tỷ-kheo, là các loại bố thí. Tối thắng
trong hai loại bố thí này, này các Tỷ-kheo, tức là pháp thí.”
Bố thí cũng là một phương tiện, một trong bốn pháp có thể giúp đưa cả một cộng
đồng chung quanh mình vào dòng pháp. Đức Phật dạy về Tứ nhiếp pháp trong kinh
AN 9.5, bản dịch HT.Minh Châu, trích:
“Này các Tỷ-kheo, có bốn Nhiếp pháp này: bố thí, ái ngữ, lợi hành, đồng sự.
Tối thượng trong các loại bố thí, này các Tỷ-kheo, là pháp thí. Tối thượng trong
các loại ái ngữ, này các Tỷ-kheo là tiếp tục thuyết pháp cho những ai hy cầu và
lóng tai nghe. Tối thượng trong các lợi hành, này các Tỷ-kheo, là đối với người
không có lòng tin, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ lòng tin; đối với người
không giữ giới, khích lệ, đặt vào, an trú vào đầy đủ giới; đối với người xan
tham khích lệ, đặt vào an trú vào bố thí; đối với người ác tuệ, khích lệ, đặt
vào, an trú vào đầy đủ trí tuệ. Này các Tỷ-kheo, tối thượng trong đồng sự là
đồng sự giữa bậc Dự Lưu với bậc Dự Lưu, bậc Nhất Lai với bậc Nhất Lai, bậc Bất
Lai với bậc Bất Lai, bậc A-la-hán với bậc A-la-hán. Này các Tỷ-kheo, đây là sức
mạnh năng nhiếp.”
Bố thí như thế nào để có oai đức chói sáng như mặt trời? Đức Phật dạy Cư sĩ
Ma-ha-nam trong kinh SA 929, bản dịch của hai thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng,
trích:
“Này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc có đủ chánh tín và cũng xác lập cho người khác;
tự mình giữ tịnh giới, cũng xác lập tịnh giới cho người khác; tự mình hành bố
thí và dạy người hành bố thí; tự mình đến chùa tháp gặp các Sa-môn, cũng dạy
người khác đến gặp các Sa-môn; tự mình chuyên cần nghe pháp, cũng dạy người
nghe; tự mình thọ trì pháp và dạy người khác thọ trì; tự mình quán sát nghĩa dạy
người quán sát; tự mình biết nghĩa lý sâu xa tùy thuận tu, hành pháp thứ, pháp
hướng, cũng lại dạy người hiểu rõ nghĩa lý sâu xa, tùy thuận tu hành hướng đến
pháp, thứ pháp. Này Ma-ha-nam, người nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, được
gọi là Ưu-bà-tắc có thể tự an ủy và làm người khác được an ủy.
“Này Ma-ha-nam, nếu Ưu-bà-tắc nào thành tựu mười sáu pháp như vậy, thì tất cả
người trong các chúng Bà-la-môn, chúng Sát-lợi, chúng Trưởng giả, chúng Sa-môn
đều đến chỗ họ. Ở trong các chúng này, oai đức của họ sáng chói. Giống như mặt
trời, ánh sáng chiếu soi cả sáng, trưa, chiều. Cũng vậy, Ưu-bà-tắc nào thành tựu
mười sáu pháp, thì oai đức họ cũng tỏ rạng cả đầu, giữa và cuối.”
Tuy nhiên, cho dù bố thí vô lượng vô biên, công đức vẫn không bằng người khởi
tâm từ bi dù chỉ trong một thời gian rất ngắn, và trong tận cùng vô lượng vô
biên công đức cũng không bằng trong một khoảnh khắc thể nhập được các pháp ấn vô
thường, khổ, không và vô ngã.
Đức Phật dạy trong kinh MA 155, bản dịch thầy Tuệ Sỹ:
“Này Cư sĩ, Bà-la-môn Tùy-lam đã thực hành đại bố thí, bố thí thức ăn cho
phàm phu toàn cõi Diêm-phù, bố thí thức ăn cho một trăm Tu-đà-hoàn, một trăm vị
Tư-đà-hàm, một trăm vị A-na-hàm, một trăm vị A-la-hán, một trăm vị Bích Chi
Phật, tạo phòng, nhà bố thí cho chúng Tỳ-kheo bốn phương, tâm hoan hỷ quy y Ba
ngôi tôn quý là Phật, Pháp, chúng Tỷ-kheo, thọ giới và trong khoảnh khắc thực
hành từ tâm đối với tất cả chúng sinh, cho đến trong khoảng thời gian vắt sữa
bò, như thế; nếu lại có người quán được tất cả pháp là vô thường, khổ, không và
vô ngã, thì so với sự bố thí kia, việc làm này hơn nhiều lắm.”
Bố thí có thể đi tới giải thoát hay không? Đức Phật dạy rằng niệm Thí có thể
thành tựu thần thông, loại bỏ loạn tưởng, đi tới giải thoát, tự thân đạt tới
Niết-bàn.
Kinh EA 2.5, bản dịch hai thầy Tuệ Sỹ và Đức Thắng, trích:
“Một thời, Đức Phật trú tại vườn Cấp Cô Độc, rừng cây Kỳ-đà, nước
Xá-vệ. Bấy giờ Thế Tôn bảo các Tỷ-kheo: Hãy tu hành một pháp. Hãy
quảng bá một pháp. Các ngươi sẽ thành tựu thần thông, loại bỏ các loạn
tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt đến Niết-bàn. Một pháp ấy là
gì? Đó là niệm Thí. Hãy khéo tu hành. Hãy quảng bá. Các ngươi sẽ thành
tựu thần thông, loại bỏ các loạn tưởng, đạt được quả Sa-môn, tự thân đạt
đến Niết-bàn. Cho nên, các Tỷ-kheo, hãy tu hành một pháp, hãy quảng bá
một pháp. Vì vậy, này các Tỷ-kheo, hãy học điều này.”
Tại sao chỉ niệm một pháp lại có thể đạt tới Niết-bàn? Đó là thuận theo pháp
tánh. Trong bài viết nhan đề “Thuận tánh khởi tu”, nhà sư Nguyễn Thế Đăng đã
giải thích theo luận Đại thừa khởi tín của Bồ-tát Mã Minh, rằng phải nhận
ra pháp tánh vốn chẳng hề có tham, vốn chẳng hề ô nhiễm, vốn chẳng hề có khổ,
vốn chẳng hề có tướng thân tâm, vốn là thường định, vốn là sáng tỏ và lìa hẳn vô
minh:
"Chúng ta trích “thuận tánh khởi tu” chỉ trong sáu ba-la-mật: “Vì biết pháp
tánh vốn không có tham lam bỏn xẻn, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Bố thí
ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn không có ô nhiễm, thoát khỏi các lỗi năm dục,
nên tùy thuận pháp tánh tu hành Trì giới ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn không
có khổ, lìa hẳn giận dỗi, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Nhẫn nhục ba-la-mật.
Vì biết pháp tánh vốn không có tướng thân tâm, xa lìa hẳn giải đãi, nên tùy
thuận pháp tánh tu hành Tinh tấn ba-la-mật. Vì biết pháp tánh vốn thường định,
không có loạn động nên tùy thuận pháp tánh tu hành Thiền định ba-la-mật. Vì biết
pháp tánh vốn sáng tỏ. lìa hẳn vô minh, nên tùy thuận pháp tánh tu hành Trí huệ
ba-la-mật”...." (1)
Như vậy là phải bố thí hết tất cả các pháp thế gian mới vào được pháp xuất thế
gian. Thế nào là pháp thế gian?
Trong tác phẩm Đốn ngộ nhập đạo yếu môn, bản dịch của HT.Thích Thanh Từ,
có ghi lời Thiền sư Tuệ Hải, môn đệ của ngài Mã Tổ Đạo Nhất (thế kỷ thứ XIII,
Trung Hoa) nói về pháp bố thí:
“Bố thí là bỏ tánh thiện ác, bố thí là bỏ tánh có không, tánh yêu ghét, tánh
không chẳng không, tánh định chẳng định, tánh tịnh bất tịnh, tất cả đều cho bỏ
hết thì được hai tánh không. Nếu khi được hai tánh không, cũng chẳng được khởi
tưởng hai tánh không, cũng chẳng được khởi nghĩ tưởng có bố thí, tức là chân
thật hành bố thí ba-la-mật, cũng gọi là muôn duyên đều bặt. Muôn duyên đều bặt,
tức là tất cả pháp tánh không ấy vậy. Pháp tánh không là tất cả chỗ không tâm.
Nếu khi được tất cả chỗ không tâm là không có một tướng có thể được. Vì sao? Vì
tự tánh không, nên không một tướng có thể được. Không một tướng có thể được là
tướng thật. Tướng thật là tướng Như Lai diệu sắc thân. Kinh Kim cang nói: Lìa
tất cả các tướng gọi là chư Phật.”(2)
Tới đây, câu hỏi nêu lên là: Bố thí cách nào để có thể lìa hết tất cả các tướng?
Làm sao có thể nhận ra thực tướng chính là vô tướng?
Đức Phật dạy trong kinh Kim cang: ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm…
Tức là, khi không vướng vào tất cả các pháp, khi không dính mắc vào bất kỳ một
pháp nào trong sắc thọ tưởng hành thức thì Niết-bàn diệu tâm sẽ hiển lộ.
Như thế, chỉ cần một chữ thôi, là không trụ, không dính mắc, không chấp trước.
Khi một Tỷ-kheo thưa với Đức Phật rằng ông chỉ xin dạy một câu ngắn gọn để lui
về góc núi ngồi trọn đời tới khi giải thoát, Đức Phật nói rằng hễ không dính
mắc, không chấp trước là sẽ giải thoát (bản dịch Bhikkhu Bodhi: By not
clinging one is freed; và bản dịch Bhikkhu Sujato: Not grasping, you’re
free.).
Kinh SN 22.63, bản dịch của HT.Minh Châu, trích:
“- Lành thay, bạch Thế Tôn, Thế Tôn hãy thuyết pháp tóm tắt cho con. Sau khi
nghe Thế Tôn thuyết pháp, con sẽ sống một mình, tịnh cư, không phóng dật, nhiệt
tâm, tinh cần.
- Ai chấp trước, này Tỷ-kheo, người ấy bị Ma trói buộc. Ai không chấp trước,
người ấy được giải thoát khỏi Ác ma.”
Như thế, trong thời đại dịch, khi đồng bào và cả thế giới đang rơi vào hiểm nạn,
không gì hơn là hãy thực hành lời Đức Phật dạy: giữ giới, hộ trì sáu phương, bố
thí, cúng dường, hoằng pháp, thuận theo pháp tánh để ngộ nhập Niết-bàn vô tướng,
và không để tâm dính mắc bất kỳ một pháp nào, tức là giải thoát. Do vậy, hãy làm
vô lượng thiện pháp, nhưng không hề thấy có ai làm và không hề thấy có pháp nào
được làm.
GHI CHÚ:
(1) Thuận tánh khởi tu:
https://thuvienhoasen.org/a15885/thuan-tanh-khoi-tu
(2) Đốn ngộ nhập đạo yếu môn:
https://thuvienhoasen.org/images/file/T-QYop1G0QgQAJ0b/donngonhapdaoyeumon.pdf