Một tỉnh thức bình thường

mot tinh thuc Vài năm trước đây, khi tôi chuẩn bị đi hướng dẫn một khóa thiền tại một thành phố ở xa, một người trong ban tổ chức gọi đến hỏi xem tôi có cần những món ăn gì đặc biệt không.

    Tôi cám ơn sự chăm sóc của anh và nói cho anh ta nghe về những sở thích ăn uống của tôi. Tôi nói rằng tôi thường không ăn điểm tâm gì nhiều, nhưng thích uống cà phê mỗi buổi sáng.

    Anh trả lời, với một giọng rất ngạc nhiên: “Bà uống cà phê à?” Tôi chợt ý thức ngay là tôi mới vừa tự thú một lỗi lầm trong sự tu tập của mình với anh ta. Tôi cần phải suy nghĩ thật nhanh tìm một lối thoát, một lời giải thích, mà phải cho khôn khéo nữa kìa! Phải làm sao để vẫn giữ được cái uy tín tâm linh của mình, rằng sự thật là tôi không cần uống cà phê cho lắm!

Bình thường trong cuộc sống bình thường.

 
Tôi nghĩ người ta thường hay có một số quan niệm hơi cao kỳ về thế nào là một người “biết tu tập.” 

    Trong phòng tôi có treo một tấm hình hí họa, vẽ hai người ngồi ăn với nhau trong một quán cà phê . Một người nói với người kia: “Tìm gặp được một người, mà không đang tìm chân lý, không nói về tỉnh thức, tôi cảm thấy sung sướng và thoải mái vô cùng!”

    Tôi đồng ý! Trong sự tu tập, ta thường rất dễ bị kẹt vào một thái độ bề ngoài, cố gắng làm sao để hành xử cho “giống như một người tu tập tỉnh thức.”

    Một người bạn rất thân của tôi, trong khi ngày càng trở nên một vị thầy dạy thiền có uy tín, ông không hề cảm thấy ngại ngùng khi nói cho người khác biết là ông vẫn còn thích xem đá banh lắm! Ông còn tự thú là đôi khi ông cảm thấy rất hào hứng về những trận đá nữa, ông cổ võ trước máy ti-vi như thể là đang ở trong sân vận động vậy. Mà ông không có cái thái độ anh hùng là “Xin cho đội nào giỏi thắng” đâu nhé!

    Quen thân với ông, tôi biết ông có một sự hiểu biết rất sâu sắc, nhưng ông vẫn hành xử như một người bình thường trong một thế giới bình thường. Là một người tu tập, có một tâm trong sáng và tĩnh lặng, không có nghĩa là ta phải trở nên kỳ quặc hay khác thường.

Tự chúng chỉ là những phương tiện

 
Ðôi khi người ta quyết định thay đổi lối sống của mình để nuôi dưỡng chánh niệm, để giúp cho sự tỉnh thức của họ. Có người tham gia vào một nhóm tu học hoặc vào một dòng tu. Có người thay đổi lối ăn uống của họ. Có người chọn một lối sống nào đó. Tất cả những sự chọn lựa ấy, đối với một số người, là những phương tiện rất hữu ích cho sự tỉnh thức của họ, nhưng tự chúng vốn không phải là tâm linh.

    Khi tôi mới bắt đầu tập thiền vào đầu thập niên bảy mươi, thì dường như ở Tây phương, mọi người ai ai cũng tập thiền. Mỗi cuối tuần bạn đều có thể đi tham dự một khoá thiền tập, không dưới hình thức này thì cũng bằng hình thức khác. Chương trình quảng cáo cho khoá thiền bao giờ cũng hứa hẹn là sau mấy ngày thực tập miên mật, bạn sẽ được “tỉnh thức”!

      Tôi còn nhớ thời gian ấy có lần đi tham dự một buổi tiệc, mọi người cười đùa, ăn uống, thăm hỏi nhau vui vẻ. Và ngay giữa đám đông của buổi tiệc có một người ngồi yên một mình, với một vẻ mặt khác với mọi người, thinh lặng, thanh thản, hoàn toàn như không biết đến những gì đang xảy ra chung quanh. Một người bạn kề sát bên tai tôi nói nhỏ, "Xem bạn ấy đó, bạn ấy là người đã tỉnh thức rồi đấy!" Và lúc ấy tôi tự nghĩ, "Nếu tỉnh thức có nghĩa là như vậy, thì chắc tôi không muốn đâu!"

Chỉ có chánh niệm và tỉnh giác.

Tôi từng nghe kể về những người có khả năng xuất hiện ở hai nơi cùng một lúc hoặc bay bổng trong không khí. Đôi khi, trong lúc ngồi thiền, tôi kinh nghiệm một cảm giác khinh an rất đặc biệt trong thân, tôi tưởng tượng rằng có lẽ mình cũng đang sắp sửa bay bổng đây. Tôi hy vọng tôi sẽ bay thật. Tôi nghĩ việc ấy sẽ rất là tuyệt vời, bay cao lên khỏi tọa cụ của mình, lơ lửng giữa chừng trong không khí.

    Tôi nghĩ trong thời gian mới bắt đầu thiền tập, đa số chúng tôi ai cũng mơ có được những trải nghiệm phi thường và kỳ diệu hết.

    Nhưng tất cả các vị thầy Phật giáo dạy thiền cho tôi, vào thập niên của 70, các ngài chỉ nói đến vấn đề chánh niệm và tỉnh giác, chứ không hề đề cập gì đến trải nghiệm tỉnh thức, hay những điều gì kỳ diệu, phi thường. Các ngài chỉ nói về “thấy cho rõ”, "nhìn cho sâu sắc." Và thật ra, bấy nhiêu đó thôi, cũng có thể đem lại cho ta hạnh phúc và chấm dứt được khổ đau trong cuộc sống này rồi.

    Và có lẽ đó là một phép thần thông mà tôi thật sự muốn được!

Sylvia Boorstein

— Duy Nhiên dch


 
Chia sẻ: facebooktwittergoogle