Hình ảnh Chuyển luân Thánh vương như được miêu tả trong kinh tạng Nikāya

Hình ảnh Chuyển luân Thánh vương

Hình ảnh Chuyển luân Thánh vương như được miêu tả trong kinh tạng Nikāya

Thích Quảng Thiên

Khái niệm Chuyển luân Thánh vương

Khái niệm Chuyển luân Thánh vương (Pāli: Cakkavatti) vốn đã tồn tại trước thời Đức Phật. Vào thời cổ đại, Ấn Độ là một xứ sở bao gồm nhiều nước nhỏ, và mỗi nước đều có thể chế cai trị độc lập. Bấy giờ ở Ấn Độ cũng xuất hiện khuynh hướng muốn thống nhất các nước nhỏ thành một nước lớn, vì thế người ta trông đợi có một vị vua lý tưởng có thể thực hiện việc này. Chúng ta thấy rằng, ngay khi mới đản sinh, Đức Phật đã được đạo sĩ A-tư-đà (Asista) xem tướng rằng: “Nếu ở nhà thì sẽ là Luân vương, nếu xuất gia thì sẽ thành Phật: đó là sự nhất trí của tất cả truyền thuyết”[1]. Trong Tỏa ánh từ quang[2], Hòa thượng Thích Thiện Siêu cũng viết như vậy về lời tiên đoán của vị đạo sĩ. Trong kinh Đại bổn thuộc Trường bộ, Đức Phật nói rằng: “Nếu sống tại gia đình, vị này sẽ trở thành vua Chuyển luân Thánh vương”[3].

 Từ điển Phật học Việt Nam đã nói về Chuyển luân Thánh vương như sau: “Vị vua lớn không dùng bạo lực mà dùng Chánh pháp và đức hạnh để trị dân. Chuyển luân là bánh xe chuyển. Xe của đức vua này đi khắp mọi nơi không bị trở ngại, cho nên gọi là Chuyển luân vương. Chuyển luân vương cũng có đầy đủ 32 tướng tốt như Phật.”[4]

Chuyển luân Thánh vương có nghĩa là người vận chuyển bánh xe pháp (dhamma), tôn trọng pháp, dựa vào pháp để cai trị vì lợi ích của dân chúng. Vai trò của Chuyển luân Thánh vương một mặt là thống nhất đất nước, mặt khác là cai trị đất nước một cách anh minh. Ông “…y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng… chuyển bánh xe đúng pháp. Bánh xe ấy không bị ngăn chặn sự chuyển vận, bởi Sa-môn, Bà-la-môn, chư Thiên, Ác ma, Phạm thiên, hay bất cứ một ai ở đời.”[5] Và, Vị Chuyển luân vương là người cai trị nhân từ, cầm quyền vương quốc của mình phù hợp với các chuẩn mực đạo đức cao nhất (dhammiko dhammarā).”[6] 

Kinh Đại bổn và kinh Tướng thuộc Trường bộ có đề cập đến ngoại hình của vị Chuyển luân Thánh vương, miêu tả rằng ông có 32 tướng tốt của một vị đại nhân: “…Ai có đầy đủ ba mươi hai tướng đại trượng phu này… Nếu sống tại gia, sẽ làm vị Chuyển luân Thánh vương...[7] Đại nhân tiếng Pāli gọi là mahāpurisa lakkhana, trong đó mahā là vĩ đại, purisa là con người, và lakkhana là tướng trạng. Cũng giống như đấng Pháp vương (tức Đức Phật), vua Chuyển luân cũng có những tướng tốt của bậc đại nhân để trở thành con người phi thường (acchariya-manussa). Những tướng tốt có thể kể đến là: lòng bàn chân phẳng, dưới hai chân có hình bánh xe, gót chân dài, ngón tay chân dài[8]...

Sau khi qua đời, Chuyển luân Thánh vương là một trong hai vị đáng được dựng tháp để thờ. Điều này được Đức Phật nhắc đến trong kinh Tăng chi:Hai hạng người này, này các Tỷ-kheo, xứng đáng để xây tháp. Thế nào là hai? Như Lai và Chuyển Luân Vương.[9] Về sau còn có thêm hai hạng người khác xứng đáng được dựng tháp thờ, đó là Độc giác Phật và đệ tử của Như Lai.[10]

Năm đức và bảy sở hữu của Chuyển luân Thánh vương

- Năm đức

Trong kinh Tăng chi, Đức Phật có nêu ra năm thành tựu của một vị Chuyển luân Thánh vương: “Vua chuyển luân biết nghĩa, biết pháp, biết tiết chế, biết thời, và biết hội chúng.[11]

Biết nghĩa tức là có kiến thức về thiện (atthaññu), hiểu được đâu là thiện, đâu là ác, đâu là những giá trị đích thực để cai trị đất nước.

Đức tính thứ hai là biết pháp, tức có kiến thức về thực tại (dhammaññu), về mọi sự vật hiện tượng bao gồm luật vũ trụ, luật tái sinh, luật nhân quả và những vấn đề xã hội khác.

Đức tính thứ ba là biết tiết chế (mattaññu). Vị vua này biết tiết chế bản thân trong nhiều vấn đề khác nhau.

Đức tính thứ tư là biết thời, tức hiểu biết về thời cuộc (kālaññu). Vị vua này biết rõ thực trạng của đất nước, cũng như tình hình ở các nước lân bang.

Đức tính cuối là biết hội chúng, tức có kiến thức về các nhóm xã hội (parisaññu), các nhóm người, các nhóm sắc tộc…

- Bảy sở hữu

Trong kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, Đức Phật nói rằng một vị Chuyển luân Thánh vương luôn có đủ bảy món báu: “Vị ấy có đầy đủ bảy món báu, tức là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, gia chủ báu và thứ bảy là tướng quân báu”[12].

Thứ nhất là xe báu (cakka). Bánh xe quay liên tục là hình ảnh tượng trưng cho sự vận hành trơn tru thuận lợi, luôn tiến về phía trước. Vị Chuyển luân Thánh vương luôn đem lại sự thịnh vượng và hùng mạnh cho đất nước và dân chúng.

Món báu thứ hai là voi báu (hatthi). Đây là yếu tố liên quan đến quân sự, biểu hiện cho sức mạnh.

Món báu thứ ba là ngựa báu (assa). Cũng như voi, vào thời xưa, quân đội nào có nhiều ngựa thì dễ chiến thắng hơn.

Món báu thứ tư là châu báu (mani). Châu báu chính là viên ngọc Mani trong búi tóc của vua. Vị Chuyển luân Thánh vương là người giàu về kinh tế.

Món báu thứ năm là nữ báu (itthi), tức là có được người vợ quý. Vợ của Chuyển luân Thánh vương là người có hiểu biết, có kiến thức để đồng hành cùng chồng.

Món báu thứ sáu là gia chủ báu (gahapati). Ở đây có thể hiểu là vua có được người quản lý giỏi, đáp ứng mọi nhu cầu của vua. Người này luôn trung thành và có hiểu biết rộng, có thể giúp vua quản lý công việc ở hoàng cung, để vua có thể toàn tâm cai trị đất nước, phục vụ nhân dân.

Cuối cùng là tướng quân báu (parināyaka), tức là nhà vua có một vị tướng giỏi luôn hỗ trợ đắc lực cho ông.

Vai trò của Chuyển luân Thánh vương

Trong kinh Tiểu bộ (Chuyện tiền thân), Đức Phật dạy dạy rằng một vị vua chân chính cần từ bỏ các ác đạo, không vi phạm Thập vương pháp và phải công chính. Một vị vua cần có mười phẩm hạnh: “Bố thí, nhân từ, đức hạnh, công bình, thân ái, nhu mì, ôn hòa, nhẫn nhục, ăn năn, bi mẫn”[13]. Mười phẩm hạnh này được nghĩ sẽ giúp vua cai trị đúng đắn và xây dựng nên một xã hội lý tưởng. Vì vậy Chuyển luân Thánh vương còn được gọi vua chân chính (dhammiko dhammarājā), vua luật pháp, vua chân lý, tức là vị vua này luôn tôn trọng luật pháp và tôn trọng chân lý. Điều này được nói trong kinh như sau: “...Vị Chuyển luân, đúng pháp, pháp vương, y cứ pháp, cung kính pháp, kính trọng pháp, tôn kính pháp, lấy pháp làm tràng phan, lấy pháp làm cờ xí, lấy pháp làm tối thắng, ra lệnh hộ trì, che chở, ủng hộ đúng pháp đối với quần chúng.”[14]

Như vậy, Chuyển luân Thánh vương là vị vua công chính, dựa vào pháp (dhamma yeva nissāya), tôn thờ pháp (dhamma sakkaronto), tôn kính pháp (dhamma garukaronto), ngưỡng vọng pháp (dhamma apacāyamāno), lấy pháp làm tiêu chuẩn (dhammaketu), lấy pháp làm tiêu chí (dhammāddhajo), xem pháp là chúa của mình (dhammādhipateyyo), chăm lo và bảo vệ thần dân bằng pháp (dhammika rakkhāvaraagutti savidahati). Có thể thấy, pháp là nền tảng, phẩm chất quan trọng của bậc đế vương. Pháp của một bậc quân vương không tự nhiên sinh ra mà xuất phát từ những việc làm cụ thể. Một khi vị quân vương lấy pháp làm tiêu chuẩn, thì hạnh phúc của dân chúng được bảo đảm. Trong Tiểu bộ kinh số 334 đã đưa ra ẩn dụ rằng, nếu một vị quốc vương có đức hạnh và cai trị đúng pháp, thì ngay cả trái cây cũng tăng thêm vị ngọt[15].

            - Bảo vệ đất nước

            Theo lời Đức Phật, những ai có đầy đủ 32 tướng đại trượng phu thì nếu xuất gia sẽ trở thành bậc A-la-hán, Chánh đẳng giác, còn tại gia sẽ trở thành vị Chuyển luân Thánh vương mang lại hòa bình, thịnh vượng cho đất nước. Ông cai trị đất nước không bằng bạo lực (asatthena), trừng phạt (adaṇḍena), mà bằng giáo hóa (dhammena), khích lệ mọi người giữ năm điều đạo đức (pañcasīla).  Đồng thời vị vua này cũng tôn trọng chủ quyền nước khác, không xâm lăng, không phân hóa. “Ngài đầy đủ tướng này, nếu ở tại gia sẽ làm vị Chuyển luân Thánh vương, dùng Chánh pháp trị nước, là vị Pháp vương, bình định bốn phương, đem lại an toàn cho quốc độ, đầy đủ bảy món báu… Vị này có đến một ngàn thái tử, những bậc anh hùng, chiến thắng, thân thể dõng kiện, nhiếp phục địch quân. Vị này chinh phục và trị nước với chánh pháp, không dùng trượng, không dùng đao, trị vì đất này cho đến hải biên, một cõi đất không hoang vu, không có tướng nguy hiểm, không có gai góc, phồn vinh, phong phú, an ổn, may mắn, không có nguy hiểm...”[16]

Như vậy, vai trò quan trọng đầu tiên của một vị Chuyển luân Thánh vương là bảo vệ đất nước, đem lại sự bình an cho dân chúng.

- Bảo vệ sự sống

Vị Chuyển luân Thánh vương là một người luôn coi trọng sự sống của thần dân và mọi loài. Trong kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống[17] và kinh Pháp[18] chúng ta thấy có đề cập đến vấn đề này: Chuyển luân Thánh vương trông coi, bảo vệ thần dân, quân đội, người cao quý, giới tu sĩ, giới gia chủ, cư dân, chim thú… Vị Chuyển luân Thánh vương không sát hại và không để ai bị sát hại; không cưỡng bức và không để ai bị cưỡng bức; không khổ đau và không để ai gây khổ đau[19]. Ông cai trị muôn dân một cách bình đẳng (dhammena samena).

- Bảo vệ tự do tôn giáo

Chuyển luân Thánh vương còn là vị bảo vệ tự do tôn giáo, bảo hộ sự tu tập của Sa-môn và Bà-la-môn[20]. Vị vua này hộ trì, bảo vệ và ủng hộ đúng pháp đối với các tôn giáo và tín ngưỡng khác nhau. Qua đây cho thấy sự bình đẳng tôn giáo vào thời Đức Phật. Không có tôn giáo nào được xem là số một. Tất cả mọi tôn giáo được nhà vua đối xử bình đẳng như nhau.

- Tham vấn các lãnh đạo tôn giáo

Vị Chuyển luân Thánh vương thường tham vấn các lãnh đạo tôn giáo. Trong kinh Chuyển luân Thánh vương Sư tử hống có nói như sau: “Này con thân yêu, nếu trong quốc độ của con, có những Sa-môn, Bà-la-môn từ bỏ dục vọng, không phóng dật, thực hành nhẫn nhục từ ái, nhiếp phục tự kỷ, an chỉ tự kỷ, giải thoát tự  kỷ, thỉnh thoảng sẽ đến với con và hỏi con: Này Tôn giả, thế nào là thiện, thế nào là bất thiện, thế nào là có tội, thế nào là không có tội, như thế nên thực hành, như thế nào không nên thực hành, hành động như thế nào đem lại bất lợi và đau khổ cho tôi lâu ngày, hành động như thế nào đem lại lợi ích và hạnh phúc cho tôi lâu ngày? Con hãy nghe họ và ngăn chặn họ khỏi sự bất thiện và khuyến khích họ làm điều thiện.[21]

Vào thời Đức Phật còn tại thế, mỗi khi gặp bế tắc trong các vấn đề chính trị, các vị quốc vương thường tìm đến tham vấn, thỉnh ý Thế Tôn và được thuyết dạy về những điều tốt nhất giúp đất nước hưng thịnh, đem lại lợi lạc cho quần chúng. Hay khi gặp những khó khăn về vấn đề nội tâm, họ cũng đã tìm đến Ngài để tìm lời khuyên bảo. Kinh điển Nikaya đã đề cập đến những vấn đề như vậy.

Tóm lại, Chuyển luân Thánh vương là vị vua quản lý đất nước đúng theo pháp, là vị có tài trí, tin vào nhân quả, thực hiện mười điều thiện… Và mỗi khi nhà vua cai trị dựa trên nền tảng đó, đất nước sẽ được hòa bình và hưng thịnh, dân chúng sẽ có đạo đức và xã hội có được an lạc. Và điều này đã được minh chứng tại đất nước Ấn Độ khoảng ba trăm năm sau Đức Phật nhập diệt qua hình ảnh đại đế Aśoka.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.      Tỳ-kheo Bodhi, Những lời Phật dạy, Bình Anson dịch, NXB.Thanh Niên, Hà Nội, 2017.

2.      Thích Quảng Độ dịch, Tiểu Thừa Phật giáo hay A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo tư tưởng luận, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.

3.      Thích Minh Châu - Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam - Tập I, NXB.Khoa Học Xã Hội, 1991.

4.      HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ Kinh Tương ưng bộ I, Kinh Tăng chi bộ I-II, Kinh Tiểu bộ I-IV, NXB.Tôn Giáo, Hà Nội, 2018.

5.      Thích Thiện Siêu, Tỏa ánh từ quang, NXB.Thành phố Hồ Chí Minh, 2002.

 

 


 

[1] Thích Quảng Độ dịch, Tiểu thừa Phật giáo hay A-Tỳ-Đạt-Ma Phật giáo tư tưởng luận, tr.108-109.

[2] Thích Thiện Siêu, Tỏa ánh từ quang, tr.50.

[3] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 14. Kinh Đại bổn, tr.236.

[4] Thích Minh Châu - Minh Chi, Từ điển Phật học Việt Nam - Tập I, tr.134-135.

[5] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ I, II. Phẩm Người đóng xe, tr.142.

[6] Tỳ-kheo Bodhi, Những lời Phật dạy, Bình Anson dịch, tr.154-155.

[7] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 30. Kinh Tướng, tr.591. 

 

[8] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, tr.237-238.

[9] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ I, VI. Phẩm Người, tr.113.

[10] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ II, chương IV Bốn pháp XXV. Phẩm Sợ hãi phạm tội, tr.594.

[11] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ I, XIV. Phẩm Vua, tr.740.

[12] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, tr.527-528.

[13] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ IV, Chuyện Lộc vương hoan hỷ, tr.540.

[14] HT.Thích Minh Châu, Kinh Tăng chi bộ I, II. Phẩm Người đóng xe, tr.141.

[15] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tiểu bộ IV, Chuyện Khuyến dụ quốc vương, tr.380.

[16] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ , 30. Kinh Tướng, tr.594.

[17] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 26. Kinh Chuyển luân thánh vương sư tử hống, tr.529.

[18] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng chi bộ I, II. Phẩm Người đóng xe, tr.141.

[19] HT Thích Minh Châu dịch, Kinh Tương ưng bộ I, II. Phẩm Thứ hai, tr.192-193.

[20] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, tr.529.

 HT.Thích Minh Châu, Kinh Tăng chi bộ I, II. Phẩm Người đóng xe, tr.141.

[21] HT.Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường bộ, 26. Kinh Chuyển luân Thánh vương sư tử hống, tr.529.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle