Trên con đường đạo chúng ta vẫn thường mong đi tìm một hạnh phúc
hoàn hảo. Và trong cuộc sống, khi đối diện với những muộn phiền,
đứng trước một hoàn cảnh khó khăn, chúng ta muốn tìm một phương cách
nào đó hay đẹp để giải quyết vấn đề.
Nhưng thế nào là một hạnh phúc hoàn hảo hay một giải pháp hay
đẹp, bạn hả? Thật ra cuộc đời này sẽ luôn thay đổi, và có lẽ ta sẽ
không bao giờ có thể nào tìm được một cái gì là hoàn hảo tuyệt đối
như mình mong muốn. Cuộc đời rồi sẽ có những bình minh trời hồng,
những vạt nắng chiều tà, sẽ có những ngày trời xanh mây trắng, và
những đêm thiếu ánh sao… đó là những điều tự nhiên trong cuộc sống,
của con người và hoàn cảnh chung quanh.
∆ □ bất
dị ○
Sengai Gibon (1750 – 1837) là một thiền sư Nhật bản thuộc dòng Lâm
Tế, ông cũng có một biệt tài vẽ tranh thủy mặc. Những bức tranh của
ông mang một nét thiền rất đơn sơ và nhẹ nhàng.
Trong nhà thiền có một hình vẽ rất phổ biến về một vòng tròn, ensō,
mà các thiền sư thường dùng để tượng trưng cho sự giác ngộ, một thế
giới rỗng không và tròn đầy. Một trong những bức tranh rất nổi tiếng
của thiền sư Sengai, thay vì chỉ vẽ một vòng tròn, ông lại vẽ một
vòng tròn, cùng với một tam giác và một hình vuông, (○△□).
Phần lớn trên những hình vẽ của Sengai, ông đều có ghi thêm một
câu thư pháp cạnh bên, nhưng trong bức tranh hơi khó hiểu này Sengai
lại không viết thêm một chữ nào nữa hết. Ý nghĩa của bức tranh ấy
hoàn toàn tùy theo sự giải thích và hiểu biết của mỗi người.
Theo học giả D.T. Suzuki thì bức tranh ấy biểu tượng cho toàn
thể vũ trụ, sự sống. Vòng tròn tượng trưng cho cái tuyệt đối
(Absolute), hình tam giác tượng trưng cho sắc, hình tướng (form), và
hình vuông tượng trưng cho thế giới của hiện tượng (phenomena).
Suzuki là người rất ngưỡng mộ thiền sư Sengai. Nhìn bức tranh
ấy, ông hứng khởi và cầm bút viết một câu thư pháp “△□ bất
dị ○” (△□不異○),
tam giác, vuông cũng chẳng khác gì tròn, bắt chước theo câu
Tâm Kinh “Sắc bất dị không”, sắc cũng chẳng khác gì không.
Có lẽ ông muốn nói rằng, tất cả những sự biến đổi, thật ra chúng
không có gì khác biệt nhau, tất cả đều là một yếu tố cần thiết và tự
nhiên của sự sống. Và vì vậy mà có lẽ chúng ta sẽ không bao giờ có
thể tìm được một khuôn mẫu nào là hoàn hảo, hay đẹp, tuyệt đối cả.
Sự hoàn hảo là một thái độ trong tâm, chứ không phải là ở hoàn cảnh
bên ngoài.
Hoàn hảo tự nhiên
Thiền Sư Eido Tai Shimano, một nhà thư pháp Nhật Bản. Eido lấy bút
lông quệt cái vòng tròn – mà chẳng tròn – rồi viết hai chữ: Viên
tướng! Bạn của ông, lão sư Kogetsu bàn như sau: “Không nhất
thiết phải tròn. Tất nhiên là nó không hoàn hảo. Thậm chí, hình tam
giác, tứ giác hay bất cứ cái hình gì trong phối cảnh tâm linh thì
chúng cũng đều phải tròn cả. Trong con mắt thiền, mọi điều kiên tâm
linh, tâm lý, xúc cảm, mọi sự, mọi vật đều hoàn hảo, tự nhiên như
nhiên, như chân như thật! Mặt trăng tròn sao? Thế thì cái mặt méo
kia cũng tròn chứ?”
Những khổ đau trong cuộc sống sẽ có mặt khi ta bị vướng mắc vào
một khuôn mẫu cố định nào đó, như khi ta bắt nó phải là một vòng
tròn toàn vẹn. Và nếu như cuộc sống này không đặt vừa được vào khuôn
thước của mình đặt ra, ta cảm thấy khổ đau.
Bà Sharon Salzberg có chia sẻ một kinh nghiệm như sau. Có lần
một người bạn của bà ở California muốn qua viếng thăm New England
nơi bà đang ở vào mùa thu. Mùa thu ở vùng New England thì những rừng
lá thay màu sắc đẹp như một bức tranh tuyệt mỹ.
Trong lúc chờ người bạn qua, mỗi ngày bà Sharon cứ nóng ruột ra
nhìn rừng cây mùa thu với ngàn chiếc lá màu sắc rực rỡ và lộng lẫy,
hy vọng rằng chúng sẽ giữ được như vậy mãi cho đến khi người bạn
sang. Đứng nhìn những lá muôn màu bay tơi tả trong những ngày gió
lớn, có lúc bà như muốn ra cắm những chiếc lá rụng lên lại trên cây,
để giữ chúng cho người bạn mình xem.
Nhưng cuối cùng thì người bạn đã không sang được. Và lúc ấy bà
Sharon tự bảo, “Thôi, bây giờ thì mình có thể cho phép thiên nhiên
được tiếp tục công việc của nó rồi!”
Ngăn chặn không cho rừng lá thu đừng phai màu và rơi rụng là một
chuyện vô lý quá phải không bạn? Nhưng nếu nhìn lại đời mình, biết
bao lần ta cũng đã vô tình có những hành động tương tự như vậy, cố
gắng giữ cho sự vật đừng đổi thay, lúc nào cũng muốn chúng được hoàn
hảo theo ý của mình.
Sự sống làm bằng những thay đổi
Chúng ta vẫn thường cảm thấy rằng hạnh phúc chỉ có mặt khi cuộc đời
này được tròn đầy, hoàn hảo. Có thể đó là sự thật! Nhưng sự tròn đầy
ấy không phải là ở hoàn cảnh bên ngoài, mà là một thái độ tĩnh lặng
và trong sáng trong tâm. Và tôi nghĩ, chúng ta có thể có được sự
trong sáng ấy bằng một thái độ bao dung và buông xả.
Tôi nghĩ, thật ra không phải cuộc sống này luôn có những thay
đổi, mà là sự sống của ta đang được làm bằng chính những sự thay đổi
ấy. Không có chúng thì cũng không có sự sống.
Cuộc đời là một chuỗi của những đổi thay, mà đó cũng là một
chuỗi buông xả tiếp nối nhau. Ta từ bỏ lòng mẹ, tuổi thơ của mình,
rồi ta rời bỏ ghế nhà trường, ta từ bỏ gia đình với cha mẹ đi lập
một gia đình mới, rồi khi con cái lớn lên ta lại từ bỏ cái gia đình
đó… Khi tuổi già ta từ bỏ những thú vui, những việc mình vẫn thường
làm hằng ngày, và ngay cả những việc mà mình ưa thích nhất, và cuối
cùng rồi ta cũng sẽ từ bỏ luôn cả cuộc đời này…
Nhưng những thay đổi của cuộc đời cũng thường không diễn theo
một chiều suôi như vậy. Có biết bao nhiêu biến đổi xảy ra bất ngờ
mà bắt buộc ta phải chấp nhận và buông bỏ, ngay cả những gì mình
chưa sẵn sàng để từ bỏ...
Thôi cứ để mây bay
Thầy Viên Minh có một bài thơ rất đơn sơ và nhẹ nhàng như một bức
tranh của Sengai,
Kìa mây giăng trên núi
A, xuống cho thầy hay
Ơ mà thầy đang ngủ
Thôi cứ để mây bay
Thầy giải
thích ý nghĩa của bài thơ ấy,
“Lúc đó thầy đang ở chùa Huyền Không Lăng Cô. Một hôm có người Phật
tử ra thăm chùa khi thầy đang nghỉ trưa. Người Phật tử đó đi dạo
quanh cảnh già lam rồi vào trà thất ngồi ngắm cảnh núi non hùng vĩ.
Có lẽ hôm ấy trời chuyển lạnh nên mây mù bắt đầu giăng trên núi.
Hiện tượng trông rất huyền ảo này thu hút những khách tham quan từ
thành phố lên, lúc thầy mới đến đây cũng vậy.
Người Phật tử thấy cảnh tượng quá tuyệt vời muốn xuống báo cho
thầy lên xem, nhưng khi xuống thì thầy vẫn còn ngủ, lúc nhìn lại thì
mây đã bay mất...
Khi thầy thức dậy người ấy kể lại giây phút kỳ diệu vừa qua.
Thầy hiểu, và chợt đọc bốn câu thơ tặng người Phật tử ấy - một người
đang có nhiều tâm sự đau buồn. Ý thầy muốn nhắn nhủ rằng dù đẹp hay
xấu, khổ hay vui... cứ để mọi chuyện đến đi trong cuộc đời như mây
bay trên đầu núi... rồi con sẽ thấy vạn pháp vẫn thật là mầu nhiệm.”
Bạn biết không, thật ra buông xả không có nghĩa là ta phải cố
gắng làm một cái gì đó, nhưng là biết quay về trọn vẹn trong sáng
với những buồn, vui nào đang có mặt. Và cứ để chúng đến đi tự nhiên
như mây bay trên đầu núi. Rồi có thể một ngày nào đó mình sẽ thấy
được rằng, tất cả bao giờ cũng đang là hoàn hảo, phải không bạn…
— Duy
Nhiên.