Đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo quan hệ Phật giáo Quốc tế

de xuat

ĐỀ XUẤT XÂY DỰNG CHUYÊN NGÀNH ĐÀO TẠO

QUAN HỆ PHẬT GIÁO QUỐC TẾ

 

Thích Thanh Tâm[1]

 

Tóm tắt

Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019, chủ đề “Cách tiếp cận của Phật giáo về sự lãnh đạo toàn cầu và trách nhiệm cùng chia sẻ vì xã hội bền vững”, - với sự tham gia của 1.650 đại biểu đến từ 112 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có nhiều nguyên thủ quốc gia, bộ trưởng, các cao tăng thuộc nhiều trường phái Phật giáo truyền thống trên toàn thế giới - đã gợi nên định hướng giáo dục cấp đại học Phật giáo trong thời đại mới, phù hợp với hướng nghiên cứu và đào tạo phát triển trên phạm vi toàn cầu.

Cho nên, bài viết này đề cập đến việc đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo cấp đại học Phật giáo Quan hệ Phật giáo quốc tế nhằm tạo nên lực lượng nhân sự đối ngoại Phật giáo, đáp ứng được nhu cầu hiện tại, trang bị kiến thức chuyên ngành đẩy mạnh nghiên cứu phát triển Phật giáo mang tính quốc tế, hướng đến trách nhiệm đóng góp xây dựng xã hội phát triển bền vững.

A. Đặt vấn đề

Phật giáo Việt Nam ngày càng khẳng định vai trò, vị trí trên trường quốc tế khi tổ chức thành công Vesak Liên Hiệp Quốc 2019, đồng thời ra Tuyên bố Hà Nam nêu lên thông điệp hòa bình, xây dựng xã hội bền vững dựa trên lời dạy của Đức Phật về từ bi và trí tuệ trong bối cảnh khủng hoảng xã hội, chính trị, kinh tế, văn hóa ngày càng sâu sắc và phức tạp. Vì thế, khái niệm “Phật giáo nhập thế” ngày nay là nêu cao cam kết đảm nhận vai trò tích cực nhằm chia sẻ trách nhiệm, ủng hộ, xây dựng, duy trì và phát triển bền vững hướng đến các hoạt động toàn cầu, tham gia vào các tổ chức quốc tế.

Để hiện thực hóa, cần nhìn lại để thấy tính cấp thiết vấn đề nhân lực Phật giáo để có thể tham gia thật sự vào vai trò này. Bởi người thực hiện phải có chuyên môn, trình độ và sự hiểu thấu vấn đề quốc tế. Do vậy, đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo Quan hệ Phật giáo quốc tế tại bốn học viện Phật giáo Việt Nam tại Thành phố Hồ Chí Minh, Huế, Hà Nội và Cần Thơ là để cung ứng nguồn nhân lực phù hợp cho Ban Phật giáo quốc tế TƯ, các tỉnh thành phố, Ban đối ngoại, hợp tác quốc tế của các Học viện trong việc ký kết hợp tác, trao đổi học thuật và sinh viên, v.v.

B. Nội dung

1. Ngành Quan hệ Phật giáo quốc tế là gì?

Với xu thế hội nhập toàn cầu hiện nay, nhiều ngành học đã và đang có xu hướng phát triển và thu hút sự quan tâm của các Tăng Ni sinh viên, dù nội điển hay ngoại điển, cho nên nếu mở chuyên ngành đào tạo Quan hệ Phật giáo quốc tế sẽ được nhiều Tăng Ni sinh viên năng động và giỏi ngoại ngữ lựa chọn. Vậy ngành Quan hệ Phật giáo quốc tế là gì?

Quan hệ Phật giáo quốc tế là một ngành nghiên cứu về ngoại giao, về các vấn đề đối ngoại của Phật giáo Việt Nam; quan hệ, hợp tác với các quốc gia, các tổ chức Phật giáo trên thế giới, cũng như quan hệ hợp tác cùng các tổ chức phi chính phủ về những đóng góp của Phật giáo đối với việc giải quyết các vấn đề toàn cầu. Bên cạnh đó, quan hệ Phật giáo quốc tế còn quan tâm đến định hướng phát triển kinh tế bền vững, trao đổi học thuật, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa, vấn đề tâm linh, tín ngưỡng trong giai đoạn toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, vấn đề dân chủ, nhân quyền, v.v.

2. Nội dung đào tạo chuyên ngành

Quan hệ Phật giáo quốc tế sẽ là một ngành học ở cả bậc cử nhân và sau đại học tại Học viện Phật giáo Việt Nam nhằm thực hiện các mục tiêu sau: 

Về mục tiêu nghiên cứu, chuyên ngành nghiên cứu về mối quan hệ của Phật giáo trên các phương diện mang tính quốc tế. 

Về mục tiêu đào tạo, chuyên ngành đào tạo nguồn nhân lực hợp tác quan hệ quốc tế. Đào tạo những người nghiên cứu các vấn đề quan hệ Phật giáo quốc tế, làm việc trong các ban ngành của Giáo hội, và các học viện Phật giáo có liên quan đến đối ngoại; làm việc trong các dự án, hội nghị hợp tác với Phật giáo các nước, các trường đại học Phật giáo, và cả vai trò nhiệm vụ của một vị trú trì ngày nay, v.v. Cho nên, Tăng Ni sinh viên các học viện Phật giáo sẽ có thêm cơ hội lựa chọn công việc phù hợp với mong muốn của bản thân và phù hợp với nhu cầu xã hội trong công cuộc phát triển và hội nhập quốc tế.   

- Về yêu cầu khả năng, người làm trong lĩnh vực quan hệ Phật giáo quốc tế cần có khả năng thiết lập các mối quan hệ xã giao, đàm phán, hợp tác quốc tế. Chính vì vậy ngành này yêu cầu các Tăng Ni sinh viên phải có niềm đam mê ngoại ngữ, khả năng hiểu biết liên quan đến văn hóa, xã hội, chính trị, tín ngưỡng, v.v.

- Về kiến thức được cung cấp, Tăng Ni sinh viên theo học sẽ được cung cấp kiến thức, ngoài các môn Phật học chính yếu về cả lý thuyết, thực hành và lý luận, sẽ học thêm các môn như Nhập môn quan hệ Phật giáo quốc tế, Lịch sử Phật giáo thế giới, Lịch sử đối ngoại Phật giáo Việt Nam, Tinh thần Phật giáo nhập thế, Phật giáo khu vực học, Văn bản hành chánh, Tổ chức sự kiện, Văn hóa trong qua hệ quốc tế, Các vấn đề toàn cầu, Các tổ chức Phật giáo trên thế giới, Các tôn giáo trên thế giới, v.v. Bên cạnh đó, cũng được giới thiệu về những lý thuyết, trường phái cơ bản trong quan hệ quốc tế; nắm vững chính sách đối ngoại của Việt Nam; hiểu biết về chính sách đối ngoại các nước lớn trên thế giới; kiến thức nền tảng về văn hóa-tôn giáo thế giới; kiến thức cơ bản về tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi chính phủ.

Bên cạnh đó, kỹ năng và ngoại ngữ luôn được chú trọng. Tăng Ni sinh viên sẽ được trau dồi kỹ năng nghiệp vụ đối ngoại, thu thập, xử lý thông tin, tổ chức sự kiện, v.v; đồng thời còn được giao lưu với các tổ chức Phật giáo quốc tế qua các chương trình trao đổi học thuật, qua đó sinh viên sẽ được mở rộng kiến thức và kỹ năng tiếng Anh trong quá trình theo học.

3. Chuẩn đầu ra 

3.1. Kiến thức 

- Tăng Ni sinh viên tốt nghiệp có kiến thức, lý thuyết chuyên sâu, nắm vững kỹ thuật để giải quyết các công việc; tích luỹ kiến thức nền về các nguyên lý cơ bản trong lĩnh vực được đào tạo để phát triển kiến thức mới và có thể tiếp tục học tập ở trình độ cao hơn, v.v.

- Nắm vững nền tảng kiến thức cơ bản về quan hệ Phật giáo quốc tế, về phương pháp nghiên cứu khoa học để tiếp cận với khối kiến thức chuyên sâu. Nắm kiến thức cơ sở về Việt Nam, về thế giới quan Phật giáo và góc nhìn đối với các vấn đề quốc tế. Hiểu và vận dụng cách quản lý một dự án trong lĩnh vực nghiên cứu Phật giáo quốc tế và phát triển.

3.2. Kỹ năng

- Có kỹ năng hoàn thành công việc đòi hỏi vận dụng lý thuyết và thực tiễn của ngành trong những bối cảnh khác nhau; có kỹ năng phân tích, tổng hợp, đánh giá dữ liệu và thông tin; tổng hợp ý kiến tập thể và sử dụng thành tựu về khoa học công nghệ để giải quyết vấn đề; dẫn dắt chuyên môn để xử lý.

- Xác định vấn đề, sự kiện, hiện tượng cần nghiên cứu; đưa ra câu hỏi, đặt giả thuyết; dựng khung lý thuyết, xác định và vận dụng các phương pháp nghiên cứu; xây dựng đề cương, xử lý và phân tích dữ liệu; kiểm định giả thuyết, trả lời câu hỏi và trình bày kết quả.

- Có khả năng tổ chức quản lý công tác đối ngoại; tư duy theo hệ thống; xác định vấn đề ưu tiên trong công tác; biết phân tích, lựa chọn và tìm ra phương án; biết xây dựng các giải pháp, khuyến nghị để giải quyết vấn đề.

- Chủ động tham gia nhóm học tập, nghiên cứu, giảng dạy, hoạt động xã hội; biết cách phát huy vai trò của nhóm trong các hoạt động của cộng đồng; nắm vững phương pháp giảng dạy và thuyết trình các vấn đề khoa học; tổ chức xây dựng các chương trình nghiên cứu và đào tạo ở các cấp độ khác nhau liên quan đến ngành, chuyên ngành.

- Biết cách thuyết trình; giao tiếp liên cá nhân trực tiếp, xử lý các mối quan hệ trong một nhóm hoặc nhiều nhóm cộng tác công việc; có kỹ năng tiếng Anh chuyên ngành đủ để học tập và nghiên cứu chuyên ngành.

- Biết cách xử lý các văn bản thông qua việc nắm vững và giải quyết được nhiệm vụ của các loại hình văn bản; biết cách sử dụng các thiết bị văn phòng và một số thiết bị kỹ thuật công nghệ khác.

3.3. Phẩm chất đạo đức

- Xác định rõ con đường lý tưởng phụng sự, lấy giới luật, giáo pháp làm kim chỉ nam, làm nền tảng tư tưởng cho mọi hoạt động trong thực tiễn. Học tập, nghiên cứu, noi theo chư Tổ. Giữ niềm tin bất hoại đối với Tam bảo, phấn đấu theo mục tiêu lý tưởng hoằng pháp lợi sanh, báo Phật ân đức. Trên cầu Phật đạo, dưới hóa độ chúng sanh. Nâng cao ý thức trách nhiệm của Tăng Ni sinh viên trước những trọng trách đối với Tăng đoàn, nhiệm vụ của một công dân đối với đất nước.

- Có phong cách và lối sống hướng thượng, dám dấn thân vì Phật sự chung; nêu cao tinh thần tập thể, hy sinh cho lý tưởng cao cả, hiên ngang trước bạo quyền, giữ gìn khí tiết trượng phu của người xuất gia, không quỳ gối trước những hư dối của bả lợi danh. Có tinh thần yêu nước, giữ gìn văn hóa tâm linh, bảo vệ Đạo pháp và Dân tộc, nêu cao tinh thần hòa hiệp như nước với sữa.

 - Tự tin, linh hoạt, dám đương đầu với ma quân, tà đạo; tuân thủ các tiêu chuẩn và nguyên tắc đạo đức; nhiệt tình, say mê sáng tạo; có tinh thần tự tôn, hiểu biết văn hóa; có khả năng thích ứng cao với hoàn cảnh và điều kiện, môi trường làm việc, can đảm, quyết tâm hành động bất chấp hoàn cảnh không thuận lợi; luôn có ý thức học hỏi, không ngừng trau dồi năng lực và có khát vọng vươn lên để thành đạt. Tác phong chuyên nghiệp, chủ động, đúng dắn của người Tăng sĩ; có chuẩn mực đạo đức trong quan hệ xã hội; sống và làm việc có trách nhiệm với cộng đồng và đất nước.

3.4. Những công việc sau khi tốt nghiệp

- Nghiên cứu và giảng dạy về các vấn đề đối ngoại tại các Học viện Phật giáo, giảng viên thỉnh giảng chuyên đề cho các trường, khoa và các viện;

- Làm công tác đối ngoại tại các ban viện Phật giáo ở Trung ương và địa phương, các cơ quan truyền thông, báo chí Phật giáo;

- Làm việc trong các tổ chức Phật giáo quốc tế, các tổ chức phi chính phủ trong nước và nước ngoài,

3.5. Khả năng học tập, nâng cao trình độ sau khi tốt nghiệp

Sau khi tốt nghiệp ngành học, Tăng Ni sinh viên có thể tham gia học tập bậc sau đại học đúng chuyên ngành Quan hệ Phật Quốc tế hoặc các ngành gần tại các cơ sở đào tạo trong và ngoài nước.

C. Kết luận

Tóm lại, trong xu thế hiện đại, nhu cầu hội nhập quốc tế đang diễn ra trên nhiều lĩnh vực, Phật giáo Việt Nam cần có chuyên ngành đào tạo mới, đáp ứng nhu cầu hội nhập theo sự phát triển. Vì vậy, ngành này sẽ đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng, có kiến thức và kỹ năng căn bản cũng như chuyên sâu về nghiên cứu quan hệ Phật giáo quốc tế; cung cấp cho sinh viên bức tranh tổng quát về Phật giáo thế giới, quan hệ đối ngoại của Phật giáo, và các vấn đề về các tổ chức Phật giáo quốc tế trên nền tảng các kiến thức cơ sở về Phật giáo Việt Nam. Với kiến thức đa và liên ngành, Tăng Ni sinh viên có thể tiếp cận với những cơ hội cống hiến cho các ban ngành đối ngoại Phật giáo từ Trung ương đến địa phương hoặc tiếp tục theo học ở các bậc học cao hơn.

Thiễn nghĩ, đây là một lối đi mới theo nhu cầu thực tế của Giáo hội trong các công tác đối ngoại, cũng như theo nhịp tiến về học thuật của thế giới đòi hỏi nền giáo dục Phật giáo cần trang bị để trao đổi học thuật mang tầm quốc tế mà chúng ta không bị thiếu thốn nhân lực khi tham gia vào môi trường quốc tế này. Việc này có được xem là cần thiết và có được nghiêm túc thực hiện hay không, tùy thuộc vào tầm nhìn cũng như định hướng lãnh đạo của chư Tôn túc có thẩm quyền.

Thiệu Long Tam bảo, Vesak 2019

 

Tài liệu tham khảo

1. Lê Thanh Bình, Đỗ Thanh Hải chủ biên (2012), Tôn giáo và quan hệ quốc tế, NXB.Chính trị Quốc gia.

2. Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp chủ biên (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT - Đại học KHXH&NV TP.HCM.

 3. Nguyễn Thị Thanh Huyền (2014), Quan hệ công chúng Lý luận và Thực tiễn, NXB.Đại học Quốc gia Hà Nội

4. Nguyễn Quốc Hùng, Hoàng Khắc Nam (2006), Quan hệ quốc tế: Những khía cạnh lý thuyết và vấn đề , NXB.Chính trị Quốc gia.

5. Hoàng Khắc Nam (2016), Giáo trình Nhập môn Quan hệ quốc tế, NXB.Đại học Quốc gia Hà Nội.

6. Hoàng Khắc Nam chủ biên (2017), Lý thuyết quan hệ quốc tế, NXB.Thế Giới.

7. Hoàng Khắc Nam (2017), Hợp tác và hội nhập quốc tế: Lý luận và Thực tiễn, NXB.Thế Giới.

8. Thích Thanh Tâm (2019), Ngoại giao văn hóa qua Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Việt Nam, bản thảo.

9. Thích Thanh Tâm (2019), Hoằng Pháp hải ngoại: kênh ngoại giao văn hóa tâm linh, bản thảo.

10. Thích Thiện Nhơn, Brahmapundit, Thích Đức Thiện (2019), Toàn văn Tuyên bố Hà Nam 2019, https://giacngo.vn/thuvien/giaohoiphatgiao vietnam/2019/05/14/5AF4C9/

11. Thu Thảo, Vesak 2019: Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế - Vì hòa bình bền vững, https://vov.vn/xa-hoi/vesak-2019-phat-giao-viet-nam-trong-hoi-nhap-quoc-te-vi-hoa-binh-ben-vung-908218.vov

12. Bách Thiện, Hoạt động hội nhập Quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/243/0/3089/Hoat_dong_ hoi_nhap_Quoc_te_cua_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam


 

[1] Đại đức, Tiến sĩ  chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Ủy viên Ban hoằng Pháp TƯ GHPGVN

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle