Biết rõ việc đang làm
Biết rõ việc đang làm
Biết rõ
việc đang làm
Trong bài kinh Tứ niệm xứ, Bốn lãnh vực quán niệm, đức Phật có dạy
cho chúng ta cách thực tập chánh niệm như sau,
“Khi đi, vị khất sĩ lại cũng ý thức rằng mình đang đi; khi đứng, ý thức
rằng mình đang đứng; khi ngồi, ý thức rằng mình đang ngồi; khi nằm, ý thức
rằng mình đang nằm. Bất cứ thân thể mình đang được sử dụng trong tư thế nào,
vị ấy cũng ý thức được về tư thế ấy của thân thể…
Khi đi tới hoặc đi lui, vị khất sĩ cũng biết rõ việc mình đang làm;
khi nhìn trước nhìn sau, cúi xuống, duỗi lên, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức
sáng tỏ ấy; khi mặc áo, mang bình bát, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức sáng tỏ
ấy; khi ăn cơm, uống nước, nhai thức ăn, nếm thức ăn, vị ấy cũng chiếu dụng
ý thức sáng tỏ ấy; khi đi đại tiện, tiểu tiện, vị ấy cũng chiếu dụng ý thức
sáng tỏ ấy; khi đi, đứng, nằm, ngồi, ngủ, thức, nói năng, hoặc im lặng, vị
ấy cũng biết rõ việc mình đang làm.”
“Furthermore, when going forward and returning, he makes himself
fully alert; when looking toward and looking away... when bending and
extending his limbs... when carrying his outer cloak, his upper robe, and
his bowl... when eating, drinking, chewing, and savoring... when urinating
and defecating... when walking, standing, sitting, falling asleep, waking
up, talking, and remaining silent, he makes himself fully alert.”
Biết rõ việc mình đang làm
Trong đoạn kinh ấy, Phật dạy chúng ta hãy đem chánh niệm vào tất cả những
việc mình làm trong đời sống hằng ngày. Ngài không bỏ ra ngoài bất cứ một
việc làm nhỏ nhặt nào hết, thận trọng và chú tâm mỗi khi làm một gì, dù có
tầm thường đến đâu, “vị ấy cũng biết rõ việc mình đang làm”, he makes
himself fully alert.
Theo như lời dạy thì trong bất cứ một hoàn cảnh nào, dù có thể là ngay
giữa những khó khăn hay khổ đau, chúng ta cũng vẫn có thể tu tập được. Vì
bất cứ một việc làm nào của ta cũng có thể giúp mình tiếp xúc được lại với
sự vận hành của pháp. Điều kiện giác ngộ đang có mặt ở mọi nơi chung quanh
ta, nếu như ta đừng nắm bắt hay xua đuổi một kinh nghiệm nào, và chỉ cần “biết
rõ việc mình đang làm” mà thôi.
Và có lẽ Phật cũng muốn nhắc nhở rằng, thật ra chúng ta đâu cần phải đợi
chờ một hoàn cảnh thuận lợi, hay tìm kiếm một pháp môn đặc biệt nào, mà chỉ
cần có mặt và thấy rõ những tư thế, phản ứng, cảm xúc, tâm ý của mình trong
mỗi việc đang làm, ngay bất cứ nơi nào mà mình đang có mặt.
Ta có thể nào luôn biết được chăng?
Nhưng chúng ta có thể lúc nào cũng “
biết rõ việc mình đang làm” không?
Việc ấy có thể thực hiện được chăng? Trong đoạn kinh trên, đức Phật kể ra
tất cả những hành động bình thường trong đời sống hằng ngày. Ngài không hề
nói việc làm nào là quan trọng hơn việc nào, tất cả đều cần phải được biết
rõ như nhau.
Có lần trong một buổi nói chuyện, tôi có chia sẻ về đoạn kinh trên với
mọi người. Sau đó, có một bạn đến nói rằng, nếu như trong cuộc sống hằng
ngày mà ta cứ phải liên tục chú ý đến mỗi hành động chi li của mình, thì
việc ấy không thực tế chút nào, mà còn là chuyện bất khả thi nữa!
Tôi nghĩ nhận xét của người bạn ấy cũng có phần nào đúng, chúng ta khó
có thể nào mà cứ liên tục chú tâm đến mọi việc xảy ra. Nếu như “Ta” lúc nào
cũng cứ phải chú ý đến từng hành động, mỗi việc làm của mình, thì chắc chắn
sẽ là mệt mỏi lắm. Nhưng chúng ta nên tìm hiểu sâu hơn lời Phật dạy về việc
“biết rõ việc mình đang làm”, và với một cái nhìn rộng
lớn hơn.
Với một thái độ buông thư và
rộng mở
Các vị thiền sư thường hay nói về một cái tánh biết, knowing,
sẵn có trong tất cả chúng ta. Có lẽ là “Ta” sẽ không thể nào biết rõ hết
mọi việc mình đang làm, nhưng “cái biết”, knowing, tự nó có thể làm
được việc đó. Khi ta rộng mở và để yên, thì cái biết của mình sẽ phát sinh
lên tự nhiên thôi. Không cần cố gắng tai ta vẫn nghe, không cần nỗ lực mắt
ta vẫn thấy…
Mà nhiều khi, những cố gắng của ta lại thường gây nên những khó khăn và
trở ngại không cần thiết, vì đó là sự dụng công của một cái Tôi, cái Ngã. Và
thường khi hễ cái Ngã có mặt thì cái Biết tự nhiên sẽ vắng mặt.
Ta không thể
“biết rõ việc mình đang làm” bằng một sự dụng công
hay gắng sức nào, nhưng chỉ có thể bằng một thái độ buông xả và rộng mở, cho
phép những gì đang có mặt được có mặt, để thấy rõ những gì đang xảy ra. Vì
khi ta rộng mở ra, thì cái "Ta" của mình sẽ bớt đi năng lực kiểm soát chủ
quan của nó, và nhờ vậy mà cái thấy biết của mình cũng sẽ dễ dàng có mặt hơn
trong giờ phút hiện tại.
Mà thật ra ta cũng không cần trở về với giờ phút hiện tại, bởi vì hiện
tại lúc nào cũng đang hiện hữu, ta có đi nơi nào khác đâu mà cần phải trở về?
Vấn đề khởi lên khi “Ta” cố gắng để có mặt trong giờ phút hiện tại này. Cũng
như một con cá thong dong giữa đại dương lại cố gắng trở về lại với nước,
hay con chim đang bay trong không trung lại muốn tìm kiếm một bầu trời.
Nếu như ta bớt đi sự tìm kiếm của mình thì hiện tại chỉ là một thực tại
đang-là tự nhiên thôi. Hiện tại đâu phải là một khoảng không gian hay thời
gian đóng kín hay giới hạn nào, mà ta phải cố gắng mới có thể bước vào. Chỉ
cần biết buông ra thì hiện tại nhiệm mầu sẽ có mặt.
Và được như vậy rồi thì đi đến bất cứ nơi nào, hay đang ở trong một
hoàn cảnh nào, ta cũng có một cơ hội để sống trong chánh niệm và tỉnh
giác, “when going forward and returning, he makes himself fully
alert…”
Duy Nhiên