Thơ thiền của Nhất Hạnh sau 1975

THƠ THIỀN CỦA NHẤT HẠNH SAU 1975

THƠ THIỀN CỦA NHẤT HẠNH SAU 1975

Dương Phú Quý

Nhất Hạnh là một thiền sư, nhà văn, học giả, nhà văn hóa, nhà cải cách Phật giáo hiện đại. Hơn bảy mươi năm phụng sự đạo pháp, dân tộc và con người cũng là ngần ấy thời gian ông có mặt trong đời sống văn học. Trên bình diện một nhà thơ, Nhất Hạnh đã xuất bản trên mười tập thơ với hàng chục bản dịch ra nhiều thứ tiếng. “Con đường thoát khổ” (Lòng hung bạo ôi gây bao tai ác/ Trên cõi đời nhục nhã tới vô biên) là bài thơ đầu tay của tác giả vào năm 12 tuổi.

Nửa cuối thập niên 70 của thế k hai mươi, thơ Nhất Hạnh đã chuyển từ các khuynh hướng phản kháng và tái hiện thân phận con người sang khuynh hướng thiền Phật. Sau ngày trung tâm thiền tập Làng Mai được thành lập (1982), sự chuyển biến ấy càng trở nên rõ rệt. Thơ Nhất Hạnh sau 1975 có thể coi là một phần của “sự thực hiện đạo Phật đi vào cuộc đời” mà truyền thống tu học Làng Mai do ông sáng lập hướng đến.

Hai mươi lăm năm sau ngày đất nước thống nhất, ông xuất bản vỏn vẹn một tuyển tập thơ, song dày dặn với 10 tập thơ. Đó là Tuyển tập thơ Nhất Hạnh - Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt do nhà xuất bản Lá Bối, California, Hoa Kỳ ấn hành năm 1996. Năm trong số mười tập nêu trên là các sáng tác của ông đã xuất bản trước năm 1975, nay được tái bản. Các tập còn lại là Dấu chân trên cát, Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt, Tích môn, Bản môn, Nến ngọc Truyền đăng tục diệm. Năm 2015, tuyển tập này được xuất bản chính thức tại Việt Nam bởi Công ty Sách Phương Nam và Nhà xuất bản Hội Nhà Văn, Hà Nội.

1. Thơ Nhất Hạnh và sự thực hiện đạo Phật đi vào cuộc đời

Tập thơ Dấu chân trên cát

Dấu chân trên cát là tập thơ được sáng tác trước nhất trong tuyển tập nêu trên. Ta cũng biết thêm, Dấu chân trên cát đã đến với bạn đọc ngay khi chưa xuất bản qua tác phẩm Thử tìm dấu chân trên cát - Ghi chép về thơ thầy Nhất Hạnh của Chơn Không Cao Ngọc Phượng do Nhà xuất bản Lá Bối, Châu Âu ấn hành năm 1980.

Phần lớn các sáng tác trong tập này được tác giả viết trong thời gian làm việc cho Phái đoàn Hòa bình của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất (1968 - 1975), điều hành chương trình “Máu chảy ruột mềm” của Hội đồng Tôn giáo Thế giới (1976 - 1977) và sinh sống tại Phương Vân am.

Hai cảm hứng lớn trong tập thơ là cảm hứng thiền Phật giáo và cảm hứng thế sự. Nói cách khác, tập thơ có sự hòa quyện giữa chất Đạo và chất Đời. Khuynh hướng tái hiện thân phận con người vẫn chiếm vị trí quan trọng trong tập thơ. Nhất là trong các bài viết về thuyền nhân Việt Nam trong thời gian tác giả điều hành Chương trình “Máu chảy ruột mềm”. Bên cạnh đó, Dấu chân trên cát cũng có nhiều bài thơ “chỉ là thơ”. Hơn một lần, khi được hỏi về thông điệp trong một bài thơ của mình, Nhất Hạnh trả lời: “Bài thơ này có nói gì đâu”.

Dấu chân trên cát rất thành công với những bài thơ có cảm hứng thiền - Phật. Thơ Phật giáo của Nhất Hạnh sâu sắc nhờ có chiều sâu về tư tưởng. Duy thức học và tư tưởng Bát-nhã là những triết thuyết Phật giáo quan trọng mà ta cần trang bị trước khi đi sâu vào tìm hiểu thơ thiền của Nhất Hạnh.

Theo tinh thần Bát-nhã, năm yếu tố kết hợp nên con người (năm uẩn), mười tám lĩnh vực của hiện hữu (mười tám giới), mười hai điều kiện liên hệ với nhau (mười hai nhân duyên), bốn sự thật (tứ đế)… đều “sắc tức thị không”, không có tự tánh riêng biệt. Không có tự tánh riêng biệt được hiểu là cái này nương vào cái khác mà có. Do đó, không có hiện tượng nào tự mình có thể phát sinh và tồn tại, mà phải nhờ những hiện tượng khác mới có thể hiện hữu.[1]

Sự vật hiện tượng nương vào nhau mà hiện hữu nên được gọi là tương tức - có trong nhau, là nhau. Nhiều lần trong tập thơ, Nhất Hạnh nói tới tính tương tức của các sự vật hiện tượng: “Nắng là lá cây xanh/ cây xanh là nắng/ Nắng chẳng khác lá xanh/ Lá xanh chẳng khác nắng/ Bao nhiêu hình sắc kia/ Cũng đều như vậy cả” (Bát-nhã); “Tôi là tôi của đất/ Đất là đất của tôi/ Tôi gửi tôi cho đất/ Đất gửi đất cho tôi” (Những hàng đậu mới).

Dấu chân trên cát cũng có nhiều bài thơ nói về sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Chánh niệm là ý thức những gì đang xảy ra trong giờ phút hiện tại. Chánh niệm là một phương pháp thiền tập, cũng là một phương pháp trị liệu tâm lý. Qua thơ mình, Nhất Hạnh hướng dẫn sự thực tập chánh niệm gắn với bước chân và hơi thở: “Qua ngõ vắng/ Lá rụng đầy/ Tôi theo con đường nhỏ/ Đất hồng như môi son bé thơ/ Bỗng nhiên/ Tôi cẩn trọng/ Từng bước chân đi” (Cẩn trọng); “Cành lá thì thào/ Rồi cành lá lặng yên/ Thuyền tôi cặp bến trăng sao/ Hơi thở là giây neo/ Tôi duy trì vũ trụ” (Giây neo). Bước chân và hơi thở là “giây neo”, nối kết “thuyền tôi” (ý thức) với “bến trăng sao” (thực tại). Khi đó “vũ trụ” (chánh niệm) được duy trì. Thiền chánh niệm là phương pháp thực tập đơn giản nhưng đem lại nhiều kết quả sâu sắc, giúp mỗi người tự chuyển hóa những khổ đau trong nội tâm.

Sự thực tập chánh niệm đưa tới định. Nói cách khác, định là sự nối dài của niệm. Niệm và định đưa tới tuệ - sự giác ngộ: “Vạn kiếp xoay quanh vòng mộng mị/ Đêm nay chợt thấy chân hình” (Ảo hóa), “Sông xưa thuận nẻo dương trần/ Gió theo tám hướng, lòng không bận về” (Lòng không bận về).

Trong bài phê bình “Lời Bụt cất lên từ vùng đất đau thương”[2], Morgan Gibson cũng đã mượn hai câu thơ mà Nhất Hạnh phác họa chân dung Bồ-tát Padmani trên vách động Ajanta (Ấn Độ) để mô tả chân dung tác giả: “B-tát cầm đóa sen/ Dáng nghiêng trời nghệ thuật” (Padmapani). Thơ cũng là phương tiện Nhất Hạnh dùng bày tỏ lòng tôn kính Phật: “Dấu chân của Phật vẫn chưa mòn” (Lanka); “Tịnh thủy trong bình/ Từ trên tay B-tát/ Rót trên sa mạc/ Thành biển xanh/ Mông mênh” (Từ bi quán).

Tập thơ Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt

            Thơ từng ômmặt trời từng hạt là những hình ảnh rất đẹp trong thơ Nhất Hạnh. Không có nhà thơ nào dùng lượng từ “ôm” để định lượng “thơ” và lượng từ “hạt” để định lượng “mặt trời” như Nhất Hạnh cả. Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt tên chung của tuyển tập thơ, tên riêng của tập thơ và cũng là tên của của một bài thơ trong tập. Bài thơ này đã được Nhất Hạnh chọn bình giảng trong đêm giao thừa Bính Tuất (2006) tại Làng Mai, Pháp. Mở đầu buổi bình giảng, ông nói tới giá trị sự có mặt thơ ca:

Thơ đối với tôi là một cái gì rất đẹp, không phải chỉ để tiêu khiển mà còn là chất liệu nuôi dưỡng. Thơ là không khí cho mình thở, thơ là nắng cho hoa nở, thơ là trái đào tiên tháng Tám, thơ là những bước chân mình đang đi. Thơ rất cụ thể và liên đới tương quan với mọi sự, mọi vật.[3]

            Là một nhà Phật học, thấy được sự thật Diệt (cũng gọi Lạc: hạnh phúc) trong bốn sự thật của cuộc đời mà Phật dạy, Nhất Hạnh là nhà thơ biết thưởng thức những gì mầu nhiệm, thiện, lành và đẹp của cuộc đời. Bằng ngôn ngữ thơ ca, ông đã tái dựng cái nhìn về cuộc đời đó của mình vào các tác phẩm. Nhiều nhận thức Phật học khác cũng được ông chuyển tải vào thơ, như giáo lý tương tức trong bài “Hãy gọi đúng tên tôi”.

Bài “Hãy gọi đúng tên tôi” ban đầu có trong tập Dấu chân trên cát (bản thảo), được Chơn Không Cao Ngọc Phượng biên tập và viết lời bình trong sách Thử tìm dấu chân trên cát (California, Lá Bối, 1980). Trên lập trường Bát-nhã, tác giả thấy mình tương tức với những chúng sinh đang chịu khổ đau và đang gây khổ đau: “Tôi là em bé nghèo Ouganda, bao nhiêu xương sườn đều lộ ra, hai bàn chân bằng  hai ống sậy/ Tôi cũng là người chế tạo bom đạn/ Để cung cấp kịp thời cho các dân tộc Á Phi/ Tôi là em bé mười hai bị làm nhục nhảy xuống biển sâu/ Tôi cũng là người hải tặc sinh ra với một trái tim chưa biết nhìn biết cảm.” Chơn Không Cao Ngọc Phượng nói rõ hơn về lập trường này của tác giả:

Chia ra hai phía thù và bạn để mà tranh đấu, đó chưa phải thực sự là hành động phát xuất từ đại bi tâm. […] Hành động như thế nào để “không ghét cả những kẻ ác” như kinh Bát đại nhân giác dạy mới thật là hành động của người Bồ-tát. Kẻ ác kia cũng cần được cứu độ, cũng nằm trong lĩnh vực hoá độ của Bồ-tát.

Mỗi một cái tên chỉ nhốt được một mảnh vụn của sự sống. Gọi đúng tên tôi thì tất cả đều lên tiếng một lần. Chỉ có sự thức tỉnh mới mở được cánh cửa của đại bi tâm.[4]

Tinh thần tương tức - thấy các sự vật hiện tượng có trong nhau, là nhau cũng thể hiện rõ nét trong bài “Phổ nhập”: “Trước khi mặt trời đi vào trong tôi/ Tôi đã có mặt trời/ Tôi đã có đám mây và dòng suối/ Trước khi tôi đi vào dòng suối/ Dòng suối đã có sẵn tôi/ Chúng ta không lúc nào không tương tức”.

            Ở bài thơ này, tác giả thấy mình và các sự vật hiện tượng như mặt trời, đám mây, dòng suối… có trong nhau. Vì mọi sự vật hiện tượng đều tương tức nên “Chừng nào em còn thở/ Thì em đừng bảo là tôi không có trong em”. Áp dụng triết lý này vào cuộc sống, tác giả chiêm nghiệm: “Anh nuôi dưỡng đóa hoa trong tim anh/ Để cho tôi xinh đẹp/ Tôi chuyển hóa rác phiền não trong tôi/ Để cho anh không phải nhọc nhằn.”

            Có thể thấy, cái hay của thơ Nhất Hạnh là chuyển tải được những giáo lý Phật học bằng một ngôn ngữ thơ ca bình dị, dễ hiểu, thiết thực trong đời sống hàng ngày. Hai từ ngữ xuất hiện với mật độ lớn trong Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt là các từ “thương yêu” và “mầu nhiệm”: “Chắp tay em cám ơn đời mầu nhiệm”, “Tía tô rau húng rau ngò mầu nhiệm” (Ý thức em mặt trời tỏ rạng), “Em là hành tinh xanh/ Hiển nhiên và mầu nhiệm/ Nhưng rất đỗi mong manh” (An tịnh tâm hành).

            Ý thức mầu nhiệm trong thơ Nhất Hạnh đánh vỡ quan niệm sai lầm của một bộ phận quần chúng về đạo Phật. Phật giáo không phải là một tôn giáo nhấn mạnh đến những nỗi khổ niềm đau mà trái lại, chú trọng đến những mầu nhiệm - Cái Đẹp của cuộc đời. Mở đầu tác phẩm Muốn an được an, xác định lập trường ấy, Nhất Hạnh viết:

Cuộc sống có rất nhiều khổ đau nhưng cuộc sống cũng tràn đầy những mầu nhiệm như trời xanh, mây trắng, nắng ấm, ánh mắt trẻ thơ... Cuộc sống không chỉ có khổ đau, do đó, chúng ta phải biết tiếp xúc với những mầu nhiệm của sự sống. Bất cứ lúc nào, những mầu nhiệm ấy cũng có mặt khắp nơi trong ta và chung quanh ta.[5]

Thương yêu là một biểu hiện mầu nhiệm của sự sống. Thấy đời mầu nhiệm khiến ta mở lòng ra để thương yêu. Với trái tim thương yêu, ta một lần nữa nhận thức sâu sắc những mầu nhiệm của cuộc đời. Bên cạnh những câu thơ “cám ơn đời mầu nhiệm”, thơ Nhất Hạnh nhiều lần ca ngợi tình thương yêu: “Tình thương không bao giờ nói rằng đây là lần cuối” (Địa xúc), “Thơ nơi từng nắp hộp kín đáo nuôi tình thương” (Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt), “Thế Tôn là tình yêu đầu/ Thế Tôn là tình yêu tinh khôi/ Nghĩa là không bao giờ/ Sẽ cần tình yêu cuối” (Tìm nhau).

Nhất Hạnh cũng kêu gọi “hãy đi tìm người thương” trong bài “Đi vòng quanh”. Với Nhất Hạnh: Tình thương là một chất liệu ngọt ngào, êm dịu và cố nhiên là ngon lành. Con trẻ thiếu tình thương thì không lớn lên được. Người lớn thiếu tình thương thì cũng không lớn lên được. Cằn cỗi, héo mòn.[6] Thơ ông xuất phát từ tình thương, kêu gọi tình thương. Thương yêu trong thơ Nhất Hạnh là biểu hiện của giá trị nhân văn sâu sắc.

Các quan niệm Phật học khác cũng được Nhất Hạnh đưa vào thơ là vô thường, vô ngã và luân hồi.

Trên lập trường Bát-nhã và tinh thần tương tức, ông nhận định “Khổ đau là chất liệu/ Làm ra hạnh phúc” (Chấm dứt luân hồi). Nhà thơ không có ý niệm phân biệt “luân hồi” và “chấm dứt luân hồi”, bởi vì “Chấm dứt luân hồi, luân hồi sẽ xảy ra./ -Vậy thì chấm dứt làm gì?” (Chấm dứt luân hồi). Theo Nhất Hạnh, đạt đạo không có nghĩa là chấm dứt luân hồi mà là sự luân hồi của hạnh phúc. Theo đó, chấm dứt luân hồi là chuyển hóa khổ đau, làm ra hạnh phúc: “- Nếu khổ đau hết luân hồi/ Thì hạnh phúc sẽ lên đường đi luân hồi” “Tại sao anh muốn chấm dứt luân hồi/ Khi kẻ đi luân hồi là hạnh phúc?” (Chấm dứt luân hồi)

            Có luân hồi, phải chăng cần có chủ thể của sự luân hồi? Không chấp nhận điều đó, Nhất Hạnh nhiều lần khẳng định “Không có ngã nhưng có luân hồi”. Trước câu hỏi “Nếu không có ngã/ Thì ai sẽ đi luân hồi?” (Ngắm trăng), Nhất Hạnh trả lời “Ngã tuy rằng không có/ Nhưng ngã chấp còn kia/ Luân hồi tuy không/ Nhưng ý niệm luân hồi vẫn có.” Đám mây không có ngã, nhưng vẫn luân hồi thành mưa, suối, sông… là ví dụ Nhất Hạnh thường lấy để chứng minh cho quan điểm “không có ngã nhưng có luân hồi”.

            Vô ngã và vô thường là hai sự thật của cuộc đời, như lời dạy của Đức Phật. Vô thường là tính chất luôn thay đổi của các sự vật hiện tượng. Vì vô thường và vô ngã: “Mắt em không thể thực sự còn là mắt em”, “Tôi thấy mắt em quả thực được làm bằng sáu đại,/ Này địa, này thủy/ Này hỏa, này phong/ Này không, này thức/ Sáu đại ấy cũng vô cùng mầu nhiệm như đôi mắt em” (Chân tình). Trong thơ Nhất Hạnh, ý thức về vô thường và vô ngã trở thành động lực của thương yêu đích thực: “Biết mắt em vô thường/ Tôi chiêm ngưỡng mà không cần muốn nó là của tôi” (Chân tình).

            Dấu chân trên cát Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt đều là những tập thơ có sự kết hợp hài hòa giữa chất Đạo và chất Đời, như để chứng minh rằng “sự thực tập chánh niệm” (đạo) chỉ có thể được thực hiện trong “đời sống hàng ngày” (đời). Nhiều bài trong hai tập thơ đã được phổ nhạc thành những bài thiền ca, làm phương tiện cho sự thực tập và tu học đạo Phật thiền chánh niệm.

2. Tinh thần thiền chánh niệm trong ba tập thơ thiền của Nhất Hạnh

            Nhất Hạnh có ba tập thơ thiền thuần túy là Tích môn, Bản môn, Truyền đăng tục diệm Nến ngọc. Cả ba tập thơ là sự kế thừa của các thể loại văn học Phật giáo trung đại như thi kệ, thơ thiền, kệ truyền đăng, sám và tán.

Tập thơ Tích môn, Bản môn

            Tích môn và Bản môn là hai hình tượng lý thuyết Phật giáo. Từ điển Làng Mai 2009 định nghĩa về khái niệm Bản môn trong mối tương quan với Tích môn:

Bản môn (thuật ngữ): Thế giới bản thể, không sinh, không diệt, không đến, không đi, không còn, không mất, không một, không khác, vượt thoát giới hạn thời gian và không gian. Đồng nghĩa với vô sinh. Bản môn được dịch ra tiếng Anh là The Ultimate Dimension, đối lại với tích môn là The Historical Dimension. Thế giới tích môn là thế giới hiện tượng được nhận thức qua khung thời gian và không gian. Tích môn được ví dụ với sóng, bản môn được ví dụ với nước. Sóng là sóng nhưng sóng đồng thời cũng là nước. Sóng có lên, có xuống, có sinh, có diệt, có có, có không, có cao, có thấp, nhưng nước thì không. Vì sóng cũng là nước cho nên tiếp xúc sâu sắc với sóng là tiếp xúc được với nước. Tiếp xúc sâu sắc với tích môn thì cũng tiếp xúc được với bản môn. Thực tập thiền là thực tập sống sâu sắc để có thể tiếp xúc sâu sắc với thế giới tích môn, để có cơ duyên tiếp xúc với thế giới bản môn.[7]

Ví dụ về sóng như là Tích môn, nước như là Bản môn trong định nghĩa nêu trên cũng có mặt trong tác phẩm Đường xưa mây trắng:

Sóng dường như có còn mất sinh diệt mà nước không hề có còn mất sinh diệt, và nếu sóng tự biết mình là nước thì sóng có thể vượt ra ngoài sự sinh diệt còn mất, đạt tới tâm trạng an ổn và đập tan mọi niềm sợ hãi.[8]

Về bản chất thể loại, các bài trong tập Tích môn, Bản môn đều là những bài thi kệ - một thể loại cổ điển của văn học Phật giáo. Đó là các bài thơ ngắn, năm chữ, thường là bốn câu. Cần phân biệt hai thể loại văn học Phật giáo thi kệ và kệ. Kệ là những bài kinh/ câu kinh ngắn, không vần (Kinh Pháp cú - Dhammapada là một tác phẩm của thể loại kệ điển hình). Thi kệ là kệ được thi hóa.

Giáo lý Tích môn - Bản môn được tác giả thi hóa thành các bài thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày. Tinh thần thực dụng đó của tập thơ được thể hiện qua tên gọi của các bài thi kệ, vốn là những lao tác thường nhật: “Nhổ cỏ”, “Quét lá”, “Rửa bát”, “Ăn cơm”, “Đổ rác”, “Đốt lò”, “Mặc áo”, “Đi tiểu”, “Tưới cây”, “Khâu áo”…

Thực tập chánh niệm cũng có vai trò như một phương pháp trị liệu tâm lý. Trong tập thơ, tinh thần đó thể hiện qua các bài “Giận nhau” và “Cô đơn”: Giận nhau trong tích môn/ Thở nhìn bản môn cười/ Trò ghét thương đắp đổi/ Sông nước cứ đầy vơi” (Giận nhau), “Cô đơn trong tích môn/ Hãy ôm niềm hờn tủi/ Ru nhẹ lời ca dao/ Tuyết hoa rơi đầy núi (Cô đơn).

Xuyên suốt tập thơ, tinh thần tương tức được thể hiện sâu sắc. Tích môn và Bản môn tương tức cũng như sự tương tức của các cặp đối lập: ta và người, bát dơ và bát sạch, nghe và nói, rác và hoa…

 Tập thơ Nến ngọc

            Trong hai ấn bản 1996 và 2015 của tuyển tập Thơ từng ôm và mặt trời từng hạt, tập thơ Nến ngọc có sự chênh lệch dung lượng lớn. Ở ấn bản đầu, tập thơ có 83 bài. Sau lần tái bản, tập thơ được biên tập chỉ còn lại 11 bài. 68/72 bài được lược bỏ qua lần biên tập thứ hai vốn dĩ là các “thi kệ thực tập chánh niệm”, được in lần đầu trong tác phẩm Từng bước nở hoa sen - thi kệ nhật dụng ­của Nhất Hạnh (Lá Bối, Châu Âu, 1985). Những thi kệ ấy cũng được sửa chữa, bổ sung và in lại trong các tác phẩm của Nhất Hạnh và đạo tràng Làng Mai như: Thiền tập cho người bận rộn, Bước tới thảnh thơi, Nhật tụng thiền môn

            Những thi kệ nêu trên là các bài thực tập có giá trị thiết yếu trong đời sống và trong sự thực tập Phật giáo. Các bài thi kệ này được tác giả biên tập lại từ tác phẩm Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu của Thiền sư Độc Thể. Văn bản của tác phẩm có thể tìm thấy trong các kinh điển Phật giáo truyền thống như Kinh Nhật tụng. Phần sáng tạo của Nhất Hạnh trong sự biên tập lại tác phẩm là rất lớn. Ông nói tới giá trị của của tác phẩm Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu “hiện đại” này:

Các bài thi kệ mới đã thừa hưởng được tinh thần và đường hướng của các bài kệ cũ. Thêm vào đó, những thi kệ dưới tay bạn có tính cách thực dụng hơn, cụ thể hơn, hiện đại hơn và đem lại cho ta nhiều niềm vui khi ta thực tập. Những bài thi kệ mới vừa là chánh niệm vừa là thi ca, rất thích hợp với truyền thống Thiền.

Sách này có thể vừa được dùng trong thiền môn để thay thế cuốn Tỳ-ni nhật dụng thiết yếu vừa được dùng trong cuộc sống hàng ngày ngoài xã hội.[9]

Các bài thơ khác tuy không phải là “thi kệ thực tập chánh niệm” cũng được lược bỏ trong lần tái bản (2015) là: “Quy nguyện”, “Sám nguyện”, “Chuyển hóa”, “Quay về nương tựa”, “Đã về, đã tới” và “Kinh cầu nguyện hòa bình”. Đây là những bài thơ gần với thể loại sám của văn học Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc. Sám là thể loại văn học Phật giáo được sáng tác bởi các Phật tử, sử dụng trong đọc tụng, thường được đặt trước hay sau phần Chánh kinh (kinh do Phật nói) để ca ngợi bản kinh hoặc truyền tải các thông điệp Phật giáo. Trong lịch sử văn học Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc, “thi kệ nhật dụng” và các bài sám thường không được đề tên tác giả. Nó được coi như là sản phẩm của trí tuệ tập thể. Vì lý do đó, sự biên tập loại bỏ các bài nêu trên của tập Nến ngọc là điều dễ hiểu.

Trong Nến ngọc, “Viên ngọc kinh Pháp hoa” là bài thơ lấy cảm hứng từ “Phẩm 4. Tín giải” của kinh Diệu pháp liên hoa, nói về câu chuyện của Cùng Tử: “Này người giàu sang bậc nhất/ Tha phương cầu thực xưa nay/ Hãy thôi làm thân cùng tử/ Về đi, tiếp nhận gia tài”. “Tự do” (bài thơ tự do duy nhất trong tập) nói về tâm trạng của người đạt đạo:Tôi là sự sống thênh thang/ Tôi chưa bao giờ từng sinh mà cũng chưa bao giờ từng diệt”. Bên cạnh đó, các bài “Hương quỳnh”, “Bảo tích”, “Chân ý”, “Uy nghi”, “Đầu núi”, “Cánh từ bi” có thể xem là những bài thơ thiền theo khuynh hướng cổ điển đích thực: “Trời khuya còn tịch tĩnh/ Vũ trụ ngát hương quỳnh/ Sao Mai vừa mới hiện/ Anh Vũ gọi bình minh” (Hương quỳnh), “Tìm ra được lối cũ/ Trong rừng thiêng vắng người/ Dẫn về kho Bảo Tích/ Thỏa tình ta rong chơi” (Bảo tích), “Bụt hiện hoa hàm tiếu/ Pháp ca dòng suối trong/ Ta-bà thành tịnh độ/ Đầu núi áng mây hồng” (Đầu núi).

Tập thơ Truyền đăng tục diệm

            “Truyền đăng” là một nghi thức truyền thống của Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc. Truyền đăng (trao đèn) được hiểu là trao truyền ngọn đèn mang ánh sáng của Chánh pháp. Truyền đăng là để tục diệm (giữ lửa) - tiếp nối và giữ gìn mạng mạch của Chánh pháp. Trong một buổi lễ truyền đăng, người nhận đèn cũng được nhận từ vị trao đèn một bài kệ, gọi là “phú pháp truyền đăng”. Các bài “phú pháp truyền đăng” cũng được văn học sử Phật giáo Việt Nam và Trung Quốc ghi nhận qua các tác phẩm: Truyền đăng lục, Cảnh Đức truyền đăng lụcĐại Nam Thiền uyển Truyền đăng lục.

            Các bài thi kệ “phú pháp truyền đăng” của Nhất Hạnh có thể coi là tiếp nối của lịch sử truyền thừa môn phái Tổ đình Từ Hiếu, nơi ông xuất gia. Dưới đây là bài kệ “phú pháp truyền đăng” mà Nhất Hạnh (Phùng Xuân) đã nhận từ vị thầy của mình (Thiền sư Thanh Quý Chân Thật): “Nhất hướng Phùng Xuân đắc kiện hành/ Hành đương vô niệm diệc vô tranh/ Tâm đăng nhược chiếu kỳ nguyên thể/ Diệu pháp Đông Tây khả tự thành.”

Nhất Hạnh dịch như sau: “Đi gặp mùa xuân, bước kiện hành/ Đi trong vô niệm với vô tranh/ Đèn tâm soi chiếu vào nguyên thể/ Diệu  pháp Đông Tây ắt tự thành.[10] Pháp danh khi còn là một chú tiểu của tác giả - Phùng Xuân (gặp mùa xuân) có mặt trong câu đầu của bài kệ phú pháp trên.

            Trong giới hạn của bài viết, chúng tôi chỉ xin nêu vài nét về tập Truyền đăng tục diệm như trên chứ không dành thời gian trích dẫn và phân tích gần 450 bài thi kệ trong tác phẩm.

KẾT LUẬN

Sau 1975, thơ Nhất Hạnh có thể coi là một hiện tượng đặc biệt của văn học Việt Nam. Hình thành ở hải ngoại song hiện tượng này độc lập tương đối với cả văn học trong nước và văn học người Việt Nam ở nước ngoài. Sau ngày đất nước thống nhất và nhất là từ khi Trung tâm Thiền tập Làng Mai được thành lập, Nhất Hạnh dành nhiều thời gian cho việc hướng dẫn khóa tu, đào tạo xuất sĩ và cư sĩ, kiến thiết các cơ sở Phật giáo và tổ chức các chương trình tu học, bên cạnh việc sáng tác. Chiến tranh chấm dứt, không còn dành thời gian vận động cho hòa bình Việt Nam như trước năm 1975, Nhất Hạnh trở về tu viện, hướng dẫn mọi người tìm kiếm hòa bình trong chính nội tâm mình. Sáng tác Phật học và văn học của Nhất Hạnh sau 1975 cũng không ngoài sứ mệnh “đem đạo Phật đi vào cuộc đời” ấy.

Triết lý Phật giáo có nhiều lĩnh vực phức tạp và khó hiểu, đòi hỏi một sự học hỏi kiên trì và sâu sắc. Nhất Hạnh là một thiền sư, cũng là một thi sĩ. Trong các sáng tác Phật học và văn học của mình, ông đã diễn ngôn các lý thuyết ấy một cách đơn giản, dễ hiểu bằng những hình tượng và ngôn ngữ đời thường. Qua các tập thơ: Dấu chân trên cátThơ từng ôm và mặt trời từng hạt, nhiều học thuyết Phật giáo như vô thường, vô ngã, luân hồi, tương tức, tứ đế, chánh niệm... đã được ông trình bày bằng một ngôn ngữ thơ ca vừa sinh động, vừa gần gũi. Chất Đạo và chất Đời hòa quyện, triết lý Phật giáo trong thơ Nhất Hạnh không chỉ là những lý thuyết sách vở. Trái lại, đó là những kim chỉ nam cho sự thực tập chánh niệm trong đời sống hàng ngày, nền tảng của sự xây dựng hạnh phúc và thương yêu đích thực. Các tập Tích môn, Bản môn, Nến ngọc, Truyền đăng tục diệm cũng đã kế thừa những thể loại văn học Phật giáo cổ điển, cùng với những sáng tạo và hiện đại hóa của tác giả, trở thành những tập thơ thiền đích thực.


 

[2] Morgan Gibson. “Lời Bụt cất lên từ vùng đất đau thương”. Truy xuất từ: https://langmai.org/cong-tam-quan/thich-nhat-hanh/loi-but-cat-len-tu-vung-dat-dau-thuong/

[4] Chơn Không Cao Ngọc Phượng. 1980. Thử tìm dấu chân trên cát. Không ghi nơi xuất bản: Bối. Tr.64-67.

 

[7] Gia đình Làng Mai. (2010). Từ điển Làng Mai 2009. Hà Nội: Phương Đông. Tr.21.

[8] Thích Nhất Hạnh. (2016). Sđd. Hà Nội: Phương Đông. Tr.142.

 

[9] Nhất Hạnh. Từng bước nở hoa sen. Truy xuất từ: https://langmai.org/thien-duong/tung-buoc-no-hoa-sen/

Chia sẻ: facebooktwittergoogle