Biết rõ dính mắc và sống yếm ly
BIẾT RÕ DÍNH MẮC VÀ SỐNG YỂM LY
BIẾT RÕ DÍNH MẮC VÀ SỐNG YỂM LY
Viên Định-Lý Tú Nga
Mỗi khi thấy rõ sự sinh diệt như đã được đề cập,
hành giả sẽ dễ dàng sống cuộc đời tự tại: “Này các Tỷ-kheo, do thấy vậy, vị
Đa văn Thánh đệ tử yểm ly mắt, yểm ly các sắc, yểm ly nhãn thức, yểm ly nhãn xúc,
yểm ly thọ, yểm ly ái. Vị ấy yểm ly tai, yểm ly các tiếng… yểm ly mũi, yểm ly
các hương… yểm ly lưỡi, yểm ly các vị… yểm ly thân, yểm ly các xúc… yểm ly ý,
yểm ly các pháp; yểm ly ý thức, yểm ly ý xúc; yểm ly thọ, yểm ly ái. Do yểm ly,
vị ấy ly tham; do ly tham, vị ấy giải thoát. Trong sự giải thoát là sự hiểu biết:
“Ta đã được giải thoát.” Đó là công phu bỏ đói sáu căn hay làm cỏ
rừng chứ không làm hại cây rừngcủa Thiền môn. Theo thuật ngữ chuyên môn của nhà Phật, yểm ly là sống
giữa đời mà không bị dính mắc yêu ghét, tham đắm tiền tài danh lợi, và ngay cả
việc chấp thủ tự thân. Điều này giúp hành giả quay về cuộc sống thanh lương an
lạc vốn có, mà không tranh chấp với cuộc đời.
Theo luận giải của bản kinh
Mật hoàn, cụm từ “sự sinh và diệt” có nghĩa là duyên khởi-nhận thức.
Xúc là kết quả của căn-trần-thức và là duyên tạo cảm thọ: “Do nhân con
mắt và các sắc pháp, nhãn thức khởi lên. Sự gặp gỡ của ba pháp này là xúc. Do
duyên xúc nên có cảm thọ”. Tưởng khởi lên sau cảm thọ. Vậy để hiểu tiến
trình tưởng và tiến trình dính mắc của xúc cảm được hiểu như thế nào theo tâm lý
học Phật giáo và thiền khoa học thực nghiệm não bộ, chúng ta cùng tìm hiểu ở
phần tiếp theo.
- Tiến trình tưởng
Tiến trình tưởng khởi lên sau
cảm thọ là: Thọ
à
tưởng
à
suy tầmà
hý luậnà
vọng tưởng ám ảnh. Những gì có cảm thọ thời có tưởng, những gì có tưởng thời có
suy tầm, những gì có suy tầm thì có hý luận. Do hý luận ấy làm nhân, một số hý
luận vọng tưởng đã ám ảnh một người.
Theo tâm lý học Phật giáo,
tiến trình tưởng đó là sự náo luận của hý luận về khái niệm, thường là
điều đầu tiên nhìn thấy được, bởi nó là phần nông cạn nhất và bận rộn nhất của
tâm trí xoay quanh các vấn đề tham luyến, giả trá, và các cách nhìn.
Theo ngài Bodhi, hý luận là
“xu hướng của trí tưởng tượng thuộc thế gian luôn nổ bùng trong sự tuôn trào
những lời bàn tâm thức, làm che mờ những dữ kiện đơn thuần của sự tri nhận.”
Chỉ khi tâm trí dần dần ổn định trên hơi thở hoặc trên một đối tượng nào đó của
sự chú tâm, nó mới trở nên bình tĩnh hơn. Khi ấy, ta có thể nhìn rõ hơn dòng ý
thức vốn là một chuỗi các tâm thái mở phơi lần lượt hết cái này tới cái khác
trong sự kế tục mau lẹ. Khi những nền tảng trên đó sự tỉnh thức được thiết lập
đã trở nên vững vàng hơn, ta có thể nhìn dòng trải nghiệm tuôn chảy bên cạnh
thay vì bị nó cuốn theo. Tới thời điểm này, chúng ta có thể bắt đầu thăm dò cảnh
quan bên trong và khám phá sự vật hiện hữu như chúng đang là bên trong thế giới
nhỏ bé của chúng ta.
Chủ trương không đúng, không hợp về nghiệp
(kinh Devadaha)
của Ni Kiền Tử là nghiệp do tưởng tượng, là hư tưởng, không tưởng, mà không dựa
vào cơ sở tự mình thấy, biết, chứng nghiệm. Thế Tôn khai mở điểm không hợp lý
khi nói rằng việc tinh tấn thực hành khổ hạnh của họ đưa đến lãnh thọ các cảm
giác đau đớn, thống khổ. Ngài cho rằng tinh tấn nên là tinh tấn đoạn trừ nguyên
nhân đau khổ, là xả đối với nguyên nhân đau khổ và không phản ứng. Đây là điều
thường được các thiền sư nhắc cho hành giả trong khi quán cảm thọ.
Thiền giúp ta ý thức để giải quyết khó khăn, để thay đổi khuôn mẫu thói
quen của tâm. Ta phải học để ý thức được những cảm giác khác nhau mà không phản
ứng lại chúng, chấp nhận bản chất hay đổi thay và vô ngã của cảm giác.
Qua đó, ta có thể đoạn tận các bất
thiện pháp và thành tựu các thiện pháp ngay trong đời sống trong hiện tại. Đó là
con đường đoạn diệt nghiệp, chuyển hóa nghiệp.
Hành (phản ứng tạo nghiệp) là
khi một ý nghĩ hay một sự tưởng tượng đến tiếp xúc với tâm, với cùng một tiến
trình, một cảm giác nảy sinh nơi thân, dễ chịu hay khó chịu, và ta phản ứng bằng
thái độ thích hoặc không thích. Ta bắt đầu thắt những nút rối trong lòng gọi là
nội kết. Nội kết này có từ đâu? Khi một lời khen, tiếng tốt, cảm giác dễ chịu…
đến với ta, ta bắt đầu ưa thích: “Lời khen thật tuyệt vời! Tôi muốn được khen
nữa!” Ngược lại, khi một lời chê, tiếng xấu, cảm giác khó chịu… đến với ta, ta
bắt đầu không thích: “Tôi không thể chịu được lời chê này, hãy ngừng lại!” Tại
mỗi cửa ngõ giác quan khác nhau như mắt, tai, mũi, lưỡi và thân, tiến trình
tương tự xảy ra. Vì vậy khi thiền quán, hành giả được khuyên là nhận biết như
thật, buông xả và không phản ứng.
Mở rộng quán sát nội tâm này trong ba thời điểm trước, trong và sau khi làm một
việc gì đó, gọi là quan sát nội tâm về đạo đức, là nền tảng giới hạnh trên con
đường thành tựu giới (kinh Giáo giới La-hầu la). Từ thực nghiệm đó, hành
giả khai mở hành trì
việc thiện với quán xét trên một trong năm giới như: “Một pháp này không khả
ái, không khả ý cho ta, thời sao ta lại đem cột pháp ấy cho một người khác?”
- Tiến trình dính mắc của
xúc cảm
Nhận thức của nhãn thức là do
lỗ tai (căn) và các âm thanh (trần)
à
nhĩ thức (thức). Sự gặp gỡ của căn-trần-thức này là xúc: xúc
à
cảm thọ
à
tưởng
à
suy tầmà
hý luận
à
vọng tưởng ám ảnh ba
thời. Ba thời đây chỉ rõ ra là sát-na tâm lý được giải thích theo Vi diệu
pháp.
Ví dụ, nhĩ thức khởi lên chỉ
khi nào tần số âm thanh (trần) được lan truyền trong không khí đến lỗ tai (căn).
Ở đây không khí là ám chỉ cho không gian, và tín hiệu này phải “chạm” vào
màng nhĩ của lỗ tai thì mới có nhĩ xúc thực sự. Tại đó bắt đầu có khái niệm phân
tích, và thêm vào sự phán đoán.
Hình 1.
Hệ thống viền não
(Nguồn: Thích Thông Triệt, Tôi biết gì Thiền dưới ánh sáng khoa học,
Tp.HCM: NXB.Hồng Đức, 2017, tr.75).
Theo thiền thực nghiệm khoa học, đồi thị chứa nhiều vùng nhận thông tin
thị giác và thính giác rồi chuyển những tín hiệu đó đến dưới đồi và
hạnh nhân để nơi đây tạo ra những sắc thái xúc cảm, đáp ứng lại các thông
tin đó (xem hình 1). Hệ thống viền não là cơ sở của những xúc cảm, xúc động hay
tình cảm của não bộ con người. Từ 2 vùng tiền trán (ý thức và ý căn) cho dữ liệu
xúc cảm/xúc động đến dưới đồi. Rồi từ dưới đồi liền tạo ra những
sắc thái liên hệ đến từng nội dung xúc cảm/xúc động thuộc tâm sở như: tham, sân,
si, mạn, nghi, ác kiến, buồn, vui, giận hờn, thương, ghét, lo âu, sợ hãi, kinh
hoàng, sầu khổ, gian tham, đố kỵ… để đáp ứng theo tín hiệu của 2 vùng tiền trán.
Đồng thời khi ấy, yếu tố tạo ý (thọ và tưởng) hay toàn bộ vọng tâm được
hình thành và phát ra từ đây và truyền đi qua hai đường: (1) Đường tín hiệu đến
tạng phủ (tim, gan, tụy, phổi, thận). Nếu tín hiệu này tạo ra những hiệu ứng tốt
sẽ làm cho nội tạng khỏe mạnh và ngược lại sẽ gây ra loét bao tử, cao máu, nhịp
tim, tiểu đường. (2) Đường tín hiệu còn lại truyền đến trung khu thần kinh ở
vùng thân thọ (xem hình 2.) làm bộc lộ nét bi thương, đau khổ, vui tươi, hoan
hỷ, phấn khởi, khoái thích qua sắc mặt, ánh mắt, âm thanh, đôi môi, tay chân,
tim… Thí dụ, khi nghe một bản nhạc có nhiều liên hệ đến dĩ vãng của mình trong
thời niên thiếu, lời và âm thanh bản nhạc đó kích thích vùng tiền trán vỏ não,
làm người đó nhớ lại hình ảnh quá khứ với nhiều kỷ niệm êm đềm hay đau khổ.
Những ký ức này liền hoạt hóa hải mã và dưới đồi rồi truyền vào hệ thần
kinh ngoại biên.
Vị ấy liền hồi tưởng đến kỷ niệm ngọt-đắng của thời xa xưa mà mình đã
trải qua với những người thân yêu. Nếu không dằn được cảm xúc, hai mắt của vị ấy
sẽ rơi lệ.
Đó là sự ám ảnh bởi hồi tưởng.
Hình 2.
Vùng tánh giác nằm phía sau bán cầu não trái (Nguồn: Thích Thông Triệt, Tôi
biết gì Thiền dưới ánh sáng khoa học, Tp.HCM: NXB.Hồng Đức, 2017, tr.169).
Tuy nhiên, sự xúc cảm của vị ấy không phải chỉ đến đây là hết; tín hiệu xúc cảm
liền truyền đến tạng phủ, gây ảnh hưởng đến tim, gan, bao tử, ruột. Nếu xúc cảm
kia cứ ray rứt mãi thì những buồn khổ, cay đắng, đớn đau cứ liên tục được vùng ý
căn và ý thức suy diễn, tưởng tượng. Khi đó nội tạng vị ấy sẽ sinh bệnh vì các
độc tố tiết ra từ các tuyến nội tiết bị kích thích. Khi tâm thường xuyên căng
thẳng như lo âu, sợ hãi, bực bội và nghi ngờ, não sẽ tiết ra các chất hóa học để
thích nghi với tình trạng đó. Những bệnh tâm thể (làm hại những cơ quan bên
trong thân như tim, thận, gan, máu và tế bào não) là do chất hóa học
norepinephrine tiết ra thường trực và quá nhiều trong giao cảm thần kinh hay
trong cuống não. Chất này theo máu đi vào ruột thượng thận, làm cho ruột thượng
thận tiết ra epinephrine và cortisol. Cortisol lại đi theo máu lên não làm bó
chặt tế bào não, khiến cho ta mất trí nhớ và bị bệnh liệt rung.
Đó là quy trình hồi đáp sinh học.
Thật là đau khổ cho những ai ôm giữ mãi những hình bóng quá khứ (thích hay không
thích) cũng như rong ruổi tìm những toan tính ở tương lai. Vì vậy, người tu phải
huấn luyện tâm mình để trở thành một vị Nhất dạ hiền giả.
Theo thiền thực nghiệm khoa học, chức năng thùy trán não phải liên hệ đến ý
thức, não trái liên hệ đến ý căn và trí năng. Cả 3 vùng này đều do cái ta
làm chủ thể.[12]
Cả 3 vùng này luôn luôn kết hợp với ngôn ngữ là Tầm và Tứ để tạo ra trạng thái
biết có lời. Ba vùng này là chướng ngại đối với người thực hành định, vì định là
trạng thái biết không lời của tánh giác. Khi
dùng kỹ thuật không định danh đối tượng, thì đối tượng như thế nào ta thấy biết,
nghe biết, xúc chạm biết, hay nhận thức biết như thật về đối tượng. Trong tiến
trình này, vọng tâm, vọng tưởng không thể xen vào. Ta không bị căng thẳng thần
kinh. Thực tập nhiều ngày thì quán tính suy luận của trí năng, quán tính phân
biệt của ý thức, và quán tính suy nghĩ, tính toán của ý căn sẽ từ từ giảm bớt.
Đó là ta áp dụng mắt để kích thích tánh thấy trong cơ chế tánh giác (xem hình
3). Ta thấy đối tượng mà không gọi tên đối tượng. Vì tánh thấy đã có mặt, hai
bên tiền trán bán cầu não trái và phải không hoạt động (xem hình 2), nên tâm xúc
cảm không hiện ra. Trong khi thấy chỉ là cái thấy, ngay tức thời hệ thống viền
não (xem hình 1) bị tác động, tức thì một trục từ vùng dưới đồi, tuyến nội tiết,
đối giao cảm, cuống não liền bị tác động dây chuyền.
Hình
3. Đường mòn ngôn
ngữ - 4 tánh biết Tánh biết (Nguồn: Thích Thông Triệt, Tôi biết gì Thiền dưới
ánh sáng khoa học, Tp.HCM: NXB.Hồng Đức, 2017, tr.131).
Đối tượng giác quan của mắt,
tai, lưỡi và thân nằm ở đồi thị; riêng
đối tượng giác quan của mũi nằm ở hành khứu giác
(xem hình 1). Đồi thị (thalamus)
đóng vai trò quan trọng về thông tin cảm giác truyền khắp vỏ não từ nơi mắt,
tai, lưỡi, thân và ý. Đồi thị nằm bên trong não và là nơi các thông tin giác
quan từ ngoại trần đến vỏ não đều phải đi qua, và sau đó các nhóm hạt nhân ở
trong đồi thị có vai trò kiến giải thô sơ hay nhận biết thô sơ các tín hiệu
thông tin giác quan mà chúng nhận được từ các nơi gửi đến để truyền tống hay
khuếch tán đi các nơi liên hệ, như nhận và truyền các tín hiệu thông tin giác
quan đến các thùy trán (nơi làm chủ cái ta), thùy đỉnh (liên hệ đến sự xúc chạm
của 3 giác quan: mũi, lưỡi da, và tánh xúc chạm; và liên hệ đến tánh nhận thức
biết để kiến giải môi trường chung quanh, qua sự truyền thông tin đến vùng
Wernicke và vùng Broca), thùy chẩm (nơi truyền nhận của mắt: cái thấy và tánh
thấy), và thùy thái dương (nơi truyền nhận của tai: cái nghe và tánh nghe). Như
vậy, đồi thị điều hòa mức độ nhận biết, cảnh giác, chú ý, các lĩnh vực xúc cảm
của kinh nghiệm giác quan.
Năm sợi giác quan của
sắc, thinh, hương, vị, xúc (ở
vùng hải mã) đóng vai trò quan trọng trong việc hồi tưởng và mạng lưới phức tạp
của những liên kết giác quan gồm mắt, tai, mũi, lưỡi, thân/da (ở vùng hạnh nhân)
sắp xếp lại những hình ảnh ký ức để gợi lên sự tưởng tượng. Tất cả cảm giác:
sắc, thinh, hương, vị, xúc có thể gợi lên sự hồi tưởng.
Nội hàm
yểm ly
Người đời khi nghe đến chữ yểm ly thường nghĩ đó là một cụm từ bi quan yếm thế,
như ngoại đạo chủ trương khổ hạnh, yểm ly (kinh Kassapa). Vì vậy, việc
nhận rõ lợi ích tối thắng của hạnh yểm ly sẽ giúp hành giả phát tâm hoan hỷ với
một sự hoan lạc tối thượng.
Khi đối diện với cuộc sống hàng ngày, cảm giác thọ (như lạc thọ/khổ thọ/bất khổ
bất lạc thọ) cần phải như thật thấy là vô thường, hữu vi, do duyên sinh, bị đoạn
diệt, bị hủy hoại, bị suy tàn, bị tiêu diệt, vì vậy cần yểm ly lạc thọ, yểm ly
khổ thọ, yểm ly bất khổ bất lạc thọ (kinh Trường trảo). Đó là con đường
Trung đạo, không bám víu vào kết quả của những hành động, nghĩa là sự diệt tận
tham sân si ngủ ngầm của hành giả trên lộ trình tu tập giải thoát. “Hãy gấp
rút giải thoát/ Nhọc nhằn vô nghĩa này/ Các lậu tuôn rỉ mãi/ Dưỡng nuôi kiếp
luân hồi/ Bất tận và vô định/ Hãy như chim, tự tại!”.
Ta không những không nên dính mắc những thứ xung quanh mà không chấp chặt ngay
cả tự ngã của chính mình. Đó là công phu thiền quán trong đời sống hàng ngày, là
hiểu và tu pháp đoạn diệt thân kiến. “Trong dòng luân hồi này/ Ngã chấp chớ
lưu lại/ Tổ ấm tạm gọi đời/ Dù có vẻ vững chắc/ Cũng chỉ là bong bóng/ Do nghiệp
hữu tác thành”.
Nhận thấy rõ tính vô thường của sáu giới, nhận thấy rõ tất cả những câu hỏi siêu
hình về thế giới đều là tà kiến, kiến trù lâm, kiến hoang vu, kiến hý luận, kiến
tranh chấp, kiến kiết phược, đi đôi với khổ, với tàn hại, với não hại, với nhiệt
não (kinh Aggivacchagotta), thì đó là cách yểm ly thế giới. “Ai yểm ly
thế giới/ Nhìn đời đúng như chơn/ Vị ấy không hai lưỡi/ Bậc vĩ đại thanh thoát.”
(kinh A-sá-nang-chi).
Ngay cả việc thực hành yểm ly tưởng trong chín pháp
hay mười pháp (giống như chín pháp nhưng thêm diệt tưởng) cần được sinh khởi
trong tu tập sinh hoạt (kinh Thập thượng). Đó là an trú với tưởng yểm ly
(kinh Căn tu tập). Yểm ly cũng có thể hiểu theo nghĩa tỉnh giác bằng an
trú lòng từ: “Mong rằng ta không làm hại một chúng sinh nhỏ nào trong
những ác đạo của họ!” (Đại kinh sư tử hống).
Hành giả cần nhận rõ bốn hỷ lạc của người không tu
là thấp kém, hạ liệt, thuộc phàm phu, không xứng Thánh hạnh, không có lợi ích,
không hướng đến yểm ly, vô tham, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và
Niết-bàn (kinh Thanh tịnh). Họ cần yểm ly ba hạng người như: hạng người
tự hành khổ, hạng người hành khổ người khác, hạng người tự hành khổ mình và
người khác. Do vậy, tâm không còn thích ý hạng người này (kinh Ghoṭamukha).
Họ cần nhận thức rõ năm dục trưởng dưỡng: “Sắc do mắt nhận thức, khả ái, khả
hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. Tiếng do tai nhận thức...
Hương do mũi nhận thức... Vị do lưỡi nhận thức... Xúc do thân cảm xúc, khả ái,
khả hỷ, khả lạc, khả ý, kích thích lòng dục, hấp dẫn. ... Ta nói rằng lạc ấy
đáng phải sợ hãi. Ở đây, này Udāyi, Tỷ-kheo ly dục, ly bất thiện pháp, chứng và
trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, có tầm, có tứ. Diệt
tầm và tứ, vị ấy chứng và trú Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh,
không tầm, không tứ, nội tĩnh nhứt tâm... (như trên)... Thiền thứ ba... (như
trên)… chứng và trú Thiền thứ tư.” Đó là yểm ly lạc, độc trú lạc, chánh giác
lạc (kinh Ví dụ con chim cáy).
Với tâm đại từ, Đức Phật nhắc nhở rằng con đường đưa đến thân cận Phạm thiên
thực sự không đưa đến yểm ly, ly dục, tịch diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ và
Niết-bàn (kinh Đại điển tôn. Nhưng nhờ nghe Chánh pháp Thế Tôn, sẽ đưa
đến yểm ly, ly dục (kinh Đế Thích sở vấn).
Cuối cùng, hành giả phải biết những phi phạm hạnh trú, như 6 luận thuyết không
đưa đến đời sống thanh tịnh, và yểm ly tất cả hạnh ấy (kinh Sandaka).
Ngay cả yểm ly trí tuệ, một trong sáu loại trí tuệ
của một vị Phật, và cũng là loại trí tuệ cuối cùng (kinh Tướng), cũng
không nên dính mắc. Đó chính là giải thoát tri kiến. Các thiền sư thường nhắc
hành giả phải mạnh dạn giải thoát những cái thấy biết của mình, không còn một
chỗ nào để bám được nữa.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1.
Thích Minh Châu,
Tăng chi bộ kinh,
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, 1977.
2.
Thích Minh Châu,
Tương ưng bộ kinh 4,
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Hồ Chí Minh, 1980.
3.
Thích Minh Châu,
Trường bộ kinh 1,2,
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, 1991.
4.
Thích Minh Châu,
Trung bộ kinh 1,2,
Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp.HCM, 1992.
5.
Thích Đạt Ma Khế Định, Hành trình về nẻo giác-Thiền: con đường giải
thoát tri kiến, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu và
Ứng dụng Thiền học Bắc truyền, 2019, tr.24.
6.
Ajahn Chah, Lê Kim Kha dịch, Lẽ sinh diệt-lý tu hành, quyển 1: Mọi
sự đến rồi đi, phần 4: Vô ngã, NXB.Hồng Đức, 2015, tr.148
7.
Andrew Olendzki, Unlimiting Mind: The Radically Experiential
Psychology of Buddhism, Nguyễn Tiến Văn (dịch), Tâm Vô Lượng-Tâm lý học
Phật giáo triệt để trải nghiệm, NXB.Văn Lang, 2018, tr.171
8.
Thích Nhất Hạnh, Đường xưa mây trắng, NXB.Tôn Giáo Hà Nội, 2005,
tr.73
9.
Thích
Thông Triệt, Tôi biết gì về Thiền dưới ánh sáng khoa học, phần 1: Đầu mối
về hệ thống viền não, NXB.Hồng Đức, 2017, tr.59.
10.
Thiền
sư S.N. Goenka, The Discourse Summaries of S.N. Goenka,
William Hart dịch,
Tóm lược các bài giảng của Thiền sư S.N. Goenka, tr.1, Ngày đầu tiên,
Ngày thứ 4 (https://budsas.net/sach/vn65.pdf).