Chỗ dựa

Ngày bé
Ngày bé, lần đầu tiên khi mới tập đạp xe là lúc mình 6 tuổi đang học lớp một. Khi ấy ba mình giữ cái yên xe cho mình đạp. Mình thì bé xíu, xe đạp thì to, nên mình cứ loi choi như con gà con. Ba chạy sau xe, tay giữ chặt yên, còn mình thì hớn hở nhằm phía trước mà tiến.
    Được một lúc ngoảnh lại không thấy ba đâu nữa (thì ra ông đã bỏ tay ra từ lúc nào). Sợ quá, mình loạng chọang suýt ngã. Nhìn mình hoảng hốt, ba bảo: “Đấy con thấy không, con tự đi được rồi, đâu cần ba phải giữ. Ba giữ cũng chỉ giúp con yên tâm thôi, tất cả là do con đấy chứ”.
 
    Càng lớn mình càng thấm thía bài học đầu tiên ấy. Chỗ dựa của tuổi thơ là cánh tay mẹ từ lúc chập chững bước đi, là cánh tay ba khi lần tập đạp xe, là cánh tay chị khi lần đầu bị bắt nạt, là cánh tay bè bạn những lúc buồn vui… Lớn lên lập gia đình, sự nương tựa giờ đã được nhân đôi: Ta dựa vào bạn đời, người ấy dựa vào ta, con cái dựa vào cha mẹ, rồi cha mẹ già lại dựa vào con cái…. Quy luật của muôn đời cứ thế tiếp diễn mãi.
    Trên con đường tâm linh, chỗ dựa của biết bao chúng sinh đó là người Thầy dẫn dắt. Nhưng chính người thầy lại chỉ cho ta thấy rằng chỗ dựa của ta chính là TA chứ chẳng phải Thầy. Thầy giống như con thuyền giúp ta qua sông, nhưng qua tới nơi rồi thì đến thuyền cũng phải bỏ.
    Mọi sự, thực ra đều đã sẵn như thế. Ta chính là chỗ dựa vững chắc nhất của đời mình, vì dù nương tựa vào đâu, vào ai đi nữa, và dù chỗ dựa có vững chắc và an toàn đến đâu thì cũng chỉ giúp ta, hoặc đi cùng ta một đoạn ngắn trên con đường dài mang tên Cuộc Đời mà thôi.
Mình thích cuốn sách của Nguyễn Duy Nhiên 'Còn nương tựa nghĩa là còn dao động'.  Đúng như vậy.  Chỉ khi tâm ta dao động ta mới cần chỗ dựa. Bây giờ, hơn lúc nào hết con người phải dựa dẫm vào nhiều thứ quá, nào nhà cửa, xe cộ, địa vị, công danh, tiền bạc, đến cả thầy cúng, thầy bói...
    Chính vì ta cảm thấy bất an, tâm ta dao động nên ta phải tìm đến những điểm dựa khiến cho ta cảm thấy như được an toàn hơn. Nhưng thực sự càng nhiều sự dựa dẫm ta lại càng bất an vì một ngày kia những chỗ dựa ấy mất đi, sự dao động trong ta càng mạnh mẽ hơn, sự đau khổ càng lớn hơn...
   Còn nương tựa nghĩa là còn dao động... nhưng khi hết nương tựa rồi sự hụt hẫng có có không? Chắc chắn là có. Nếu ta biết sau những hụt hẫng ấy là sự trưởng thành của tâm linh thì một ngày kia ta sẽ dám can đảm buông bỏ tất cả để đối diện với chính mình và tiến về phía trước.
Như Hải

 
free hit counter
Chia sẻ: facebooktwittergoogle