Đặng Công Hanh
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa
trời mà reo.
(Nguyễn Công Trứ)
Thuở còn học ở nhà trường phổ thông đệ nhị cấp, nay gọi
là cấp 3, chúng ta được học thơ của Nguyễn Công Trứ (1778 –
1858). Ông là tác giả những bài thơ nổi tiếng khẳng định
chân giá trị con người ông – một kẻ sĩ chân chính.
Xu thế thời đại lúc bấy giờ, hàng lớp sĩ phu xác định lấy
công danh làm con đường nhập thể tích cực thông qua cửa ải
thi cử để ra làm quan.
“Chí làm trai nam bắc đông
tây
Cho phí sức vẫy vùng trong
bốn bể”
Thế nhưng, ông đã vô cùng lận đận trong khoa cử, mãi đến
42 tuổi mới đổ cử nhân. Ông được bổ nhiệm làm quan dưới
triều Minh Mạng và Thiệu Trị, đã trải qua bao lần thăng trầm,
nếm mùi bi kịch của xã hội chuyên chế khắc nghiệt, đầy rẫy
những tệ nạn xã hội của cường hào ác bá, quan lại hèn nhát,
ông cảm cảnh đau khổ của dân tình mà than thở.
Kiếp sau xin chớ làm người
Làm cây thông đứng giữa
trời mà reo.
*
* *
Lúc bấy giờ, ở lứa tuổi học trò, đầu óc còn non trẻ nên
việc học văn chương, triết học chỉ dừng lại ở hiểu biết qua
lời giảng trên mức độ phổ thông đáp ứng thi cử, chứ chưa
thật sự thấu hiểu. Từ biết đến thấu hiểu còn một khoảng cách
rất xa, cho đến khi trở thành niềm tin còn tùy thuộc vào độ
trải nghiệm thực tế và căn duyên của mỗi người. Tuy vậy, ở
trên đời còn có những chuyện xin “đừng đợi thấy mới tin”.
Kiếp sau (tái sinh), luân hồi, nhận quả nghiệp báo, đã
được người xưa suy tư về cái chết, chính là kỹ cương trong
mục đích cứu vớt, không phải là một hình phạt. Dù không tin
vào kiếp sau đi nữa, nhưng nếu biết nhìn thẳng vào thực tế
cũng là điều tốt, hữu ích và khoa học.
Con người, tâm thức và mọi hiện tượng đều dính liền với
một nguyên nhân nào đó và chúng biến đổi trong từng giây
phút, từng khoảnh khắc và cũng nhờ đó sự thăng tiến mới có
thể xảy ra được. Tri thức có thể định nghĩa như luồng ánh
sáng hàm chứa sự hiểu biết. Nó chiếu rọi vì bản chất của nó
là sự trong sáng. Tri thức cảm nhận được vật thể theo phong
cách mà nó đã quen thuộc từ trước.
Theo ngài Đạt Lai Lạt Ma, tri thức có nghĩa là sự nhận
biết được cấu tạo bằng những đoạn nhỏ của khoảnh khắc thời
gian, nhưng không phải bằng các tế bào hay những hạt cơ bản
vật chất. Do đó bản chất của tri thức và vật chất hoàn toàn
khác biệt từ căn bản. Như thế những nguyên nhân thực thể của
chúng cũng khác biệt. Nhưng không phải vì vậy mà chúng không
tương tác với nhau. Vật chất tạo điều kiện hiện hữu cho tâm
thức. Như có lần nhà khoa học cũng vừa là Thiền sư Matthieu
Ricard nói rằng phần thân xác của ta làm cơ sở chống đỡ hay
nền tảng cho phần tri thức. Bất cứ một khoảnh khắc tri thức
nào cũng đòi hỏi phải có một khoảnh khắc tri thức khác xảy
ra trước đó làm nguyên nhân thực thể. Điều này có nghĩa là
tâm thức hay tâm linh gồm cả xúc cảm, sự suy nghĩ, tình cảm
và những xung năng tiềm ẩn, hàm chứa một sự tiếp nối liên
tục không khởi thủy. Vì vậy, chuỗi tiếp nối liên tục
(continue) là những gì lưu lại trong kiếp sống về sau.
Tri thức còn gọi là thức thuộc vi phạm trù tinh thần (hay
tâm thức). Nghiệp được tạo ra do Thức, vì nó sinh khởi các ý
niệm phân biệt nên tạo ra nghiệp nhân. Khi nghiệp nhân xảy
ra, nó có thể đem lại một hậu quả ngay lúc này hay có thể
xảy ra lúc khác.
Nói cách khác, từ kiếp sống này qua kiếp sống khác, cái
duy nhất được duy trì là nhân (hay hạt giống) được lưu trữ
trong kho gọi là tàng thức (một thuật ngữ Phật học). Do đó
tàng thức chứa đựng tất cả các hạt giống của nghiệp lực và
chúng đi theo mỗi cá nhân như hình với bóng từ kiếp này qua
kiếp khác.
Phật giáo quan niệm rằng sức sống con người được hình
thành bằng ba yếu tố:
– Sinh lực giúp người ta sống, khi sinh lực cạn dần người
ta sẽ già và chết.
– Hơi ấm hay khí là sự chuyển dòng sinh lực tạo ra năng
lượng.
– Tàng thức sẽ ảnh hưởng đến đời sống của con người theo
luật nhân quả. Khi chết là Tàng thức ra đi và dẫn dắt người
ta đi vào đời sống ở kiếp khác dưới dạng thức khác tương ứng
với nghiệp lực của họ. Kiếp sống con người thì có hạn, nhưng
Tàng thức thì không bao giờ hết, kéo dài liên tục và đó
chính là vòng luân hồi vô tận.
Sự chết, tái sinh, nghiệp lực là những khái niệm hết sức
quan trọng. Đó là những biên giới mà hiện nay khoa học chưa
đạt đến, không thể giải thích được. Chúng ta xem đó là niềm
tin, không phải niềm tin đơn thuần, mà phải trực tiếp trải
nghiệm quan sát, kiểm chứng một giai đoạn dài và thấy nó hợp
lý và giải thích được vì sao nó trở thành một chân lý.
Nếu không tin tưởng vào sự tái sinh, vào vòng luân hồi
thì làm sao hiểu và giải thích về những trường hợp các đứa
trẻ gọi là thần đồng với năng khiếu bẩm sinh đặc biệt, chẳng
hạn.
– Mozart đã biết soạn nhạc từ lúc bốn tuổi. Đến lúc tám
tuổi, ông đã chủ trì các buổi hòa tấu và cũng đã bắt đầu
soạn nhạc cho các loại nhạc khí khác nhau mà ông chưa bao
giờ kinh qua một lớp nhạc lý nào cả.
– Beethovei cũng đã bắt đầu soạn nhạc từ thuở lên ba và
sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ khác nhau.
– Thiên tài Galileo vừa là nhà Toán học vừa là nhà thiên
văn. Ông đã đưa ra lý lẽ bằng chứng về quỹ đạo của các hành
tinh từ khi còn rất nhỏ.
– Văn hào Stuart Mill có thể nói và viết thông thạo tiếng
Hy Lạp và tiếng La Tinh từ lúc lên bốn, mặc dù thân sinh của
ông ở tại Anh và chỉ biết tiếng Anh.
Còn rất nhiều hiện tượng tương tự như vậy xảy ra trên
khắp thế giới. Khoa học giải thích các trường hợp đó như thế
nào nếu chúng ta không tin rằng con người đã trải qua nhiều
kiếp sống và đã từng được dạy dỗ, học hỏi trong quá khứ.
Theo quan niệm của Phật giáo thì tất cả những gì mình làm
hay suy nghĩ (tạo nghiệp) đều lưu giữ trong Tàng thức (A –
lại – da thức). Thức này chứa đựng mọi kinh nghiệm của đời
sống con người và là nguồn gốc tất cả hiện tượng tinh thần,
dưới hình thức là những chủng tử (hạt giống, thông tin). Khi
những chủng tử này phát động đều do những nhân duyên thích
hợp vượt ngoài sự hiểu biết của chúng ta. Cũng từ đó, phải
chăng tính tình, nhân cách con người đều chịu ảnh hưởng từ
cá nhân của chủng tử đã gieo trồng trong quá khứ.?
Theo con đường này thì con người phải trải qua rất nhiều
kiếp sống với những thăng trầm và học hỏi qua sự đau khổ
cho đến khi nó trở nên tốt đẹp hơn. Nhưng đã mấy ai đã tin
như thế và câu hỏi ngược lại, tạo sao con người sinh ra để
rồi sống duy nhất một lần và chết là hết? Tại sao có người
được sanh ra đã sung sướng, trong khi có người lại sinh ra
lại gặp cảnh bần cùng? Không ai có thể trả lời những câu hỏi
này nếu người ta không tin vào luật Luân hồi và Nhân quả.
Luật Luân hồi nói rằng, khi sinh lực chuyển hóa thành cá
nhân đơn lẻ, nó sẽ tái sinh nhiều lần qua những kiếp sống
khác nhau để học hỏi. Từ đó, nó sẽ biết cách thanh lọc các
yếu tố ô nhiễm qua kinh nghiệm của những kiếp sống.
Luật Nhân quả rất đơn giản cho rằng tư tưởng, lời nói hay
hành động phải xuất phát từ con người đều tạo ra kết quả
tương ứng. Kết quả này có thể tức thì hay qua một thời gian
sau hay kiếp sau.
Tin hay không tin là quyền của mỗi người, nhưng quan niệm
rằng có nhiều kiếp sống khác nhau hay luân hồi là niềm tin
đã có từ ngàn xưa. Các tôn giáo như Phật giáo, Ấn giáo,
Thiên chúa giáo đều dạy như thế. Các nhà thông thái, các
triết gia như Plato, Pythagoras hay Aristoteles đều tin rằng
sau khi chết sẽ có đời sống kế tiếp.
Gần đây, trong một lần phỏng vấn của nhà báo Pháp là ông
Jean – Claude Carirère, ngài Đạt – Lai – Lạt – Ma nói rằng:
“Tái sinh và hóa thân là hiện thực, y như các nguyên tử
là hiện thực vậy. Nếu một số người không tin tái sinh là
hiện thực, tôi cho rằng họ vô minh”. Ông nói tiếp tục:
“Đó không phải là tín ngưỡng mà là hiện tượng vật lý”.
Nếu con người phải trải qua rất nhiều kiếp sống để học
hỏi, vậy con người đến từ đâu? Quan điểm của vật lý hiện
đại, con người thật ra chỉ là năng lượng trong vũ trụ và
dạng năng lượng uyên nguyên này hiện diện khắp nơi trong vũ
trị. Dạng năng lượng này tạm gọi tên là “thực thể”. Thực thể
này còn có tên tương đồng là Chân như, Tâm thức vi tế…
Năng lượng này khi tiếp xúc với những yếu tố bản địa ở những
địa phương hành tinh khác nhau thì thay đổi thành loại năng
lượng mới tùy thuộc yếu tố vật lý hóa học nơi đó. Sự biến
đổi này thích hợp với hoàn cảnh địa phương hành tinh nào đó
và trở thành một sinh lực thích hợp, những sinh lực hóa hiện
trên thân xác cụ thể thành những thực thể có sự sống.
Đây là một lý thuyết khoa học, nhưng chưa có thể chứng
minh. Tuy nhiên, nó được nhiều nhà khoa học lỗi lạc tiền bối
như N-Bohr, E-Schrodinger;
W-Heisenberg đều cho rằng có giá trị.
Theo lý thuyết này, sự sống hay sinh lực vốn là nội dung
năng lượng, nên sau khi chết thì năng lượng sẽ chuyển hóa
qua một dạng thức khác. Vì theo các định luật khoa học thì
năng lượng không thể được sinh ra hay mất đi (định luật bảo
toàn và chuyển hóa). Năng lượng là một cái gì đó bất biến
theo không – thời gian và chỉ chuyển hóa từ dạng này sang
dạng khác. Cũng vì thế, chết chỉ là chuyển hóa sinh lực con
người qua một hình thức mới dựa theo quy luật Nhân quả.
Trong hình thể mới, nó vẫn tiếp tục thanh lọc những yếu
tố ô trọc và cũng có thể trong hoàn cảnh mới nó lại tiếp thu
thêm những ô nhiễm khác trong tiến trình thanh lọc để quay
về nguồn cội, quay về đời sống thiêng liêng. Con người trong
mỗi kiếp sống thường tìm mọi cách loại bỏ những khổ đau bên
ngoài bằng những sinh hoạt phù phiếm, thúc đẩy bởi sự thèm
khát và rồi ta sẵn sàng đánh mất sự thăng bằng của chính ta
nghiêng về giá trị vật chất, sống trong đam mê và đi đến chỗ
tạo ra những hành động xấu.
Theo các bậc đại trí, các bậc hiền triết, xưa và nay cho
rằng có thứ kỹ thuật nhằm vào sự loại bỏ khổ đau trong kiếp
nhân sinh trên một bình diện sâu xa hơn cho đến mãi kiếp sau.
Đó là việc tu tập tinh thần. Tu tập tinh thần là tổ chức lại
tư tưởng từ căn bản, đòi hỏi phải thay đổi thái độ, loại bỏ
những hành vi vô bổ, lấy tình thương là bước đầu cho việc
phát triển trí thông minh. Trí thông minh là bước đầu cho
việc phát triển trí tuệ và trí tuệ là yếu tố quan trọng nhất
để thanh lọc những yếu tố ô trọc trên bước đường quay trở về
với cội nguồn uyên nguyên. Họ là những người luôn luôn học
hỏi, thay đổi và biết làm chủ mọi hành động để chuyển hóa
các thói quen tiêu cực để trở thành hiền triết, thánh nhân.
Tình thương ở đây có nghĩa là thương yêu vô điều kiện
hoàn toàn đối với các sinh linh không phân biệt hay thiên vị.
Tình thương yêu là sự bổ túc cho từ bi. Lòng từ bi không thể
tồn tại hoặc sẽ không phát triển nếu không có lòng yêu
thương.
Từ bi trong đạo Phật là nỗi mong muốn chữa trị tất cả các
hình thức đau khổ và đặc biệt giải quyết tận gốc của sự vô
minh là gốc của mọi bất thiện trong thế gian, là một đặc
tính của đau khổ do tình trạng tâm thức không thấy sự vật
hiện tượng như nó là.
Do đó lòng từ bi, phần thì dành cho kẻ đau khổ, phần thì
cho tâm trí nơi sinh ra đau khổ. Thế ta mới hiểu được cái
sâu sắc trong trật tự ca từ mà người nhạc sĩ tài hoa đã cảm
xúc; ông Trịnh Công Sơn viết: Yêu em yêu thêm tình phụ /
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ.
Đây là cơ hội, là điều kiện rất quan trọng trong sự phát
triển thăng tiến của con người, vì từ lúc này họ cần trở nên
hữu dụng, có giá trị cho gia đình và cho xã hội. Nếu không
như thế, sự theo đuổi những mục tiêu của trần thế suốt kiếp
nhân sinh bằng sự ham muốn, quyến luyến, kiêu hãnh, ghen
ghét, hận thù… tất cả những trạng thái tâm trí ấy gọi là vô
minh. Chúng ta không còn cơ hội để chuyển hóa, thanh lọc
những ô trọc chuẩn bị cho kiếp sau.