Đọc Hoàng tử bé qua lăng kính Phật học

Đọc Hoàng tử bé qua lăng kính Ph

Đọc Hoàng tử bé qua lăng kính Phật học

Anh Nhi

Ở Việt Nam, Saint - Exupéry không được biết đến và giảng dạy nhiều như những tác gia văn học nước ngoài tên tuổi khác, nhưng người ta không thể không nhắc đến cuốn truyện nhỏ có tựa đề như cổ tích mà ông đã viết: Hoàng tử bé. Lấy cảm hứng từ vụ tai nạn rơi máy bay khi trên đường bay tới Sài Gòn, nhà văn phi công này đã sáng tác một tác phẩm văn chương lừng danh thế giới, để rồi sau đó ông cũng ra đi một cách thơ mộng và bí ẩn như những gì ông viết nên.

Cho đến nay, Hoàng tử bé đã trở thành một thứ kinh điển trong kho tàng văn hóa nhân loại. Ra đời từ năm 1943 với nguyên bản tiếng Pháp, câu chuyện cổ tích hiện đại này đã được chuyển ngữ sang nhiều thứ tiếng và được xem là một tác phẩm thích hợp với mọi lứa tuổi, là cuốn sách xếp vào loại thơ mộng nhất, bán chạy nhất của mọi thời đại. Bùi Giáng cho rằng Đây là tác phẩm thơ mộng và u uẩn nhất của Saint -  Exupéry”; còn dịch giả Vĩnh Lạc thì viết: “Sự giản dị, trong sáng toả khắp tác phẩm đã khiến nó trở thành một bài thơ bất hủ”. Thật không nghi ngờ gì về việc Hoàng tử bé đã chạm đến con tim của nhân loại, khẽ khàng tế nhị nhưng sâu xa, và đánh thức những tình cảm nhân văn nhất.

Điều gì đã khiến cho một cuốn sách nhỏ chỉ trên dưới một trăm trang lại có sự ảnh hưởng to lớn như vậy đối với người đọc? Có phải chính vì tác phẩm này chứa đựng trong nó những tư tưởng mang tính mẫu mực, những chân lý vĩnh hằng phổ quát của nhân loại?

1. Sống như trẻ con

Hoàng tử bé là một tác phẩm dành cho thiếu nhi, về phương diện hình thức lẫn nội dung. Nhiều người mới đọc tựa đề của quyển sách đã hỏi: Đây là truyện cổ tích à? Chính tác giả cũng đã viết: “Tôi đã rất thích bắt đầu kể câu chuyện này như kiểu một câu chuyện thần tiên”. Cổ tích là thế giới của trẻ em, với những hoàng tử và công chúa. Bước vào thế giới của cuốn sách, ta bước vào một thế giới ngộ nghĩnh, hồn nhiên và trong sáng, từ ngôn ngữ cho đến những bức tranh minh hoạ. Có lẽ khó mà không bật cười khi thấy bức hình con voi bên trong bụng của con trăn, hay những kết luận có vẻ ngược đời: “Người lớn bao giờ cũng cần giải thích”, Người lớn không bao giờ tự mình hiểu được cái gì cả, và thật mệt cho trẻ con lúc nào cũng phải giải thích cho họ”, “Không nên giận họ. Trẻ con phải luôn độ lượng với người lớn”.

Trẻ con trong Hoàng tử bé được đặt ở vị trí tối tôn. Điều này làm chúng ta liên tưởng đến lời răn trong Tân ước: “Nếu các ngươi không hồn nhiên như trẻ con, các ngươi sẽ không bao giờ vào được nước Thiên Đàng”. Và toàn bộ hành trình của câu chuyện Hoàng tử bé dường như là để minh chứng cho lời dạy này.

Sống như trẻ con, nghĩa là phải sống với tâm hồn nhiên, trong sáng và thánh thiện. Như nhà văn đã viết: “Chỉ có những đứa trẻ là biết mình tìm cái gì... Chúng mất thì giờ vì một con búp bê bằng giẻ rách, và con búp bê ấy trở nên quan trọng lắm, ai lấy đi của chúng, chúng sẽ khóc... Chúng thật may mắn”.

Ngay từ đầu, tác giả đã dành cho trẻ thơ những lời trân trọng: “Tôi xin lỗi các em bé vì đã đề tặng cuốn sách này cho một người lớn. Người lớn này có thể hiểu mọi chuyện, ngay cả những cuốn sách viết cho các em bé... Tất cả mọi người lớn ban đầu đều là những em bé. (Nhưng ít người trong số họ còn nhớ điều ấy).”

Dưới ngòi bút của Saint - Exupéry, trẻ con và người lớn là hai thế giới hoàn toàn đối lập. Trong mối tương quan này, nếu chừng nào một người vẫn còn giữ lại tâm hồn thơ trẻ, biết thương yêu, tha thứ, biết tận hưởng giây phút hiện tại, thì người đó vẫn còn được gọi là trẻ con, và khi nào họ không quan tâm đến điều gì khác ngoài vật chất, thì họ không phải là trẻ con, họ là một người lớn. “Tôi đã sống nhiều với người lớn... Mỗi lần gặp một người lớn có vẻ sáng sủa một tí, tôi lại thử ông ta bằng bức phác thảo số 1 mà tôi luôn luôn mang theo. Nhưng luôn luôn nghe thấy trả lời: Đây là một cái mũ. Thế là tôi chẳng thèm nói với họ về trăn rắn, rừng hoang hay các vì sao nữa. Tôi tự hạ mình xuống ngang tầm với họ. Tôi nói về chơi bài, chơi gôn, chính trị và cravat. Và người lớn kia cảm thấy hài lòng vô cùng khi được quen một con người lịch thiệp như vậy”.

Hoàng tử bé là nhân vật có thể nhìn ra được con trăn trong bụng con voi. “Và tôi sững sờ khi nghe cậu bé trả lời : Không! Không! Tôi không muốn một con voi trong bụng một con trăn đâu. Con trăn nguy hiểm lắm, còn con voi thì quá kềnh càng”. Hoàng tử bé cũng là người có thể nhìn thấy con cừu bên trong cái hộp: “Nhưng tôi hết sức ngạc nhiên khi thấy mặt vị giám khảo nhỏ của mình sáng rỡ lên: Đúng là cái mà tôi muốn đấy!’” Hoàng tử bé  biểu tượng cho tâm hồn trong sáng hồn nhiên, cũng là tâm hồn đầy đủ sự phong phú của tưởng tượng bay bổng. Đối nghịch lại là thế giới của người lớn: “Người lớn rất thích chữ số. Khi bạn nói chuyện về họ về một người bạn mới, không bao giờ họ hỏi bạn về những điều quan trọng đâu. Họ không bao giờ hỏi: Giọng nói hắn ta thế nào? Hắn thích chơi trò gì? Hắn có sưu tầm bươm bướm không? Họ chỉ hỏi bạn:  Hắn ta bao nhiêu tuổi? Hắn ta có mấy anh em? Hắn ta cân nặng bao nhiêu? Bố hắn ta lương bao nhiêu?. Thế đấy. Sau đó, họ cho vậy là họ hiểu hắn ta rồi. Nếu bạn nói với người lớn: Tôi có thấy một cái nhà gạch màu hồng với hoa phong lữ trên cửa sổ, và chim bồ câu trên mái...’, họ chẳng làm thế nào mà hình dung nổi cái nhà ấy như thế nào đâu. Phải nói với họ: Tôi đã thấy một cái nhà mười vạn franc. Họ sẽ kêu ngay: Ôi thật xinh đẹp làm sao’”.

Chính vì vậy mà “Trẻ con phải hết sức rộng lượng đối với người lớn”. Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư khi kết thúc tác phẩm Cánh đồng bất tận đã hạ bút viết một câu: “Là trẻ con, đôi khi nên tha thứ cho lỗi lầm của người lớn”. Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn thì khẳng định: “Em hồn nhiên rồi em sẽ bình minh”. (Tôi ơi đừng tuyệt vọng).

Kinh Đại bát Niết-bàn cũng có một phẩm mang tên Anh nhi hạnh. Anh nhi hạnh là hạnh của trẻ con. Đức Phật dạy: “Chẳng có thể đứng dậy, đi tới, đi lui, nói chuyện, đây gọi là Anh nhi. Cũng vậy, Đức Như Lai chẳng thể khởi dậy, vì Như Lai trọn chẳng khởi các pháp tướng. Cũng chẳng thể đứng dừng, vì Như Lai chẳng chấp trước tất cả pháp. Chẳng thể đến vì thân hình của Như Lai không có lay động. Cũng chẳng thể đi vì Như Lai đã đến Đại Niết-bàn. Chẳng thể nói, vì Như Lai dầu nói pháp cho tất cả chúng sanh nhưng thật ra không chỗ nói...

Ngôn ngữ của kinh điển Đại thừa Phật giáo là ngôn ngữ biểu tượng. Cũng vậy, trẻ con ở tác phẩm Hoàng tử bé biểu tượng cho tâm hồn trong trắng, hồn nhiên không phân biệt. Cái trong trắng đó trong ngôn ngữ Phật giáo gọi là “đồng chơn”, và “đồng chơn nhập đạo” hay “đồng chơn xuất gia” là điều mà những ai muốn đi theo gót chân Phật đều nguyện cầu ao ước.  

Hòa thượng Làng Mai có dạy đệ tử mình một bài quán chiếu như sau:

Thở vào tôi thấy tôi là đứa bé năm tuổi

Thở ra tôi cười với em bé năm tuổi là tôi

Thở vào tôi thấy em bé năm tuổi là tôi rất mong manh, rất dễ bị thương tích

Thở ra tôi cười với em bé nụ cười hiểu biết và xót thương.

Rõ ràng nhà văn người Pháp đã có tuệ giác khi nhìn thấy được mọi người lớn ban đầu đều là những em bé. Nhưng Saint - Exupéry chưa nhìn ra được rằng em bé luôn có trong mỗi người, như Đức Phật nhìn thấy hạt giống giác ngộ trong chúng sanh. Nhân vật “tôi” trong câu chuyện đã rất buồn tủi khi chú bé không còn, ấy là vì ông chưa có được cái nhìn sâu sắc của Đức Phật. Có những độc giả cũng buồn thương khi chia tay với hoàng tử bé ở cuối truyện, thì xin những độc giả này nghĩ lại, thực sự chú bé ấy không mất đi, chú luôn có trong mỗi người, chỉ cần chúng ta trở về để tiếp xúc với chú bé mà thôi. Tiếp xúc bằng cách nào? Bằng cách như Thầy Làng Mai đã dạy:

Thở vào tôi thấy tôi là đứa bé năm tuổi

Thở ra tôi cười với em bé năm tuổi là tôi.

...

Dưới cái nhìn Phật giáo, trẻ con và bậc giác ngộ hoàn toàn không giống nhau. Trẻ con thường vô tư, trong sáng và hồn nhiên, thậm chí giàu lòng nhân ái hơn bất cứ ai, bậc giác ngộ cũng có những phẩm chất này. Thế nhưng trẻ con thường không biết chúng có hạnh phúc, cho đến khi chúng trở thành người lớn. Còn bậc giác ngộ thì sống đời sống tỉnh thức. Cho nên không thể nói trẻ con là một bậc giác ngộ.

2. Cái nhìn vô tướng, thuyết chủng tử và sự tự xét mình

a. Cái nhìn vô tướng

Một trong những câu nói bất hủ của tác phẩm Hoàng tử bé là: “Người ta chỉ nhìn thấy thật rõ ràng bằng trái tim. Cái cốt yếu thì con mắt không nhìn thấy”. Dường như tư tưởng của nhà văn phương Tây sắp với tới tư tưởng của kinh Bát-n. Tâm kinh dạy: “Thị chư pháp không tướng” (Thể mọi pháp đều không), còn kinh Kim cang thì dạy: “Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng, nhược kiến chư tướng phi tướng tức kiến Như Lai” ( đâu còn có tướng là ở đó còn có sự lường gạt, nếu thấy các tướng không có tướng tức thấy Như Lai). Nhà văn đã khẳng định: “Con mắt vốn mù lòa. Phải tìm kiếm với trái tim”. Cái mà con mắt nhìn thấy là hình tướng bên ngoài của vạn pháp. Đó không phải là bản chất thật sự, vì đó là giả tướng, là hư vọng. Hoàng tử bé đã có cái nhìn thật sâu sắc khi nói: “Các ngôi sao đẹp, là do ở đó có một bông hoa mà người ta không nhìn thấy... Điều khiến sa mạc đẹp đẽ, là nó ẩn giấu một cái giếng ở nơi nào đó”. “Dù là căn nhà, ngôi sao hay sa mạc, thứ làm chúng trở nên đẹp thì không thể nhìn thấy”. “Cái mà ta thấy đây chỉ là cái vỏ. Cái quan trọng nhất thì không nhìn thấy được”. Cũng như trong kinh Thập thiện Đức Phật dạy: “Tâm không có hình sắc”. Hoàng tử bé đã một phần khám phá ra sức mạnh của tinh thần, của tâm linh, đó là những thứ không thể nhìn thấy được bằng con mắt phàm tục. Con người sở dĩ đau khổ vì chấp tướng, như con sóng không biết nó là nước. Sóng thì có tướng cao thấp, ngắn dài, đẹp xấu... Nước thì không có tướng. Nếu sóng nó biết nó chính là nước thì nó sẽ không đau khổ, không mặc cảm, không tìm kiếm nữa.

b. Thuyết chủng tử

Chủng tử (hạt giống) là một khái niệm của Duy thức học Phật giáo. Bài kệ đầu tiên của Duy biểu học do Thầy Nhất Hạnh trước tác nói về các hạt giống:

Tâm là đất gieo hạt

Mọi hạt giống chứa đầy

Tâm địa cũng chính là

Toàn thể hạt giống ấy.

Trong chúng ta ai cũng có hạt giống tốt và hạt giống xấu. Nếu tiếp xúc với những yếu tố lành mạnh, chân thiện m, thì ta đang tưới tẩm cho những hạt giống tốt trong ta nảy nở, phát triển. Ngược lại là ta đang tưới những hạt giống xấu. Tưới cái gì thì nó lên cái đó. Tu tập là tưới tẩm hạt giống giác ngộ, hạt giống tốt trong ta và quanh ta nữa, đồng thời nhận diện để chuyển hóa những hạt giống tiêu cực không cho chúng phát hiện. Trong cuốn Hoàng tử bé, nhà văn đã có cái nhìn tương tự khi viết về những cây bao báp: “Nguyên là, trên hành tinh của hoàng tử bé, cũng như trên mọi hành tinh khác, đều có những loại cỏ tốt và những loại cỏ xấu. Do đó có hạt tốt của cỏ tốt và hạt xấu của cỏ xấu... Nhưng nếu là một cây xấu, ngay khi nhận ra là phải nhổ ngay. Mà trên hành tinh của hoàng tử bé thì có những hạt giống kinh khủng... Ấy là những hạt bao báp. Chúng nhiễm đầy cả tinh cầu... Nếu như chú ý muộn màng quá, ta có thể chẳng bao giờ diệt trừ nó được nữa”. Đây giống với ý các Tổ dạy: “Không sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm.” Tác giả nói: “Hỡi các em! Hãy coi chừng bọn bao báp!”. Đó là một ẩn dụ sâu xa cho nỗ lực hướng thiện mà nhà văn muốn gửi đến bạn đọc.

c. Sự tự xét mình

Trong cuộc viếng thăm đến tinh cầu thứ nhất, hoàng tử bé gặp một ông vua và nhân vật này đã có những câu nói để đời: “Thế thì ngươi hãy tự xét xử lấy mình đi. Đó là điều khó nhất. Xét mình khó hơn xét người nhiều. Nếu ngươi xét được mình đúng đắn, thì ngươi là một bậc hiền lương chân chính”.

Điều này đã được Đức Phật dạy trong kinh Pháp cú:

Lỗi người thật dễ thấy

Lỗi mình khó thấy thay

Lỗi người thì cố bới

Như sàng sẩy trấu mày

Lỗi mình thì cố giấu

Như bẫy chim, núp ngay.

Sự phán xét người khác và đổ lỗi cho họ là xu hướng thường tình của người đời. Nhưng việc này chỉ gây ra đau khổ cho chính chúng ta. Nó làm phát sinh và tăng trưởng trong ta lòng oán hận. Những lời khuyên minh triết cất lên từ tác phẩm hướng dẫn người đọc quay trở về với tự tâm của chính mình. Lục Tổ Huệ Năng có dạy:

Nếu là người chơn tu

Chẳng thấy lỗi thế gian

Nếu thấy lỗi của người

Trái lại thành tự quấy

Người quấy ta chẳng quấy

Thấy quấy thành tự lỗi.

(Kinh Pháp bảo đàn)

2. Triết lý sống chậm, sống thuỷ chung và hy sinh vì lý tưởng

a. Triết lý sống chậm

Hoàng tử bé gặp một người bán loại thuốc có thể làm cho đỡ khát. Mỗi tuần uống một viên, và người ta sẽ thấy không cần phải uống nước nữa. Người bán thuốc nói: “Mỗi tuần lễ ta sẽ tiết kiệm được năm mươi ba phút... Muốn làm gì thì làm...”

Hoàng tử bé nghĩ thầm: Nếu ta có năm mươi ba phút để làm gì thì làm, ta sẽ bước thật nhẹ nhàng đến một đài phun nước...” Đoạn văn này có thể làm người đọc suy ngẫm. Nước tượng trưng cho sự sống. Người ta sống nhanh, sống gấp đến nỗi không còn biết đón nhận và thưởng thức sự sống nữa. Trong khi đó, hoàng tử bé nói với chúng ta: “Nước cũng có thể tốt lành cho trái tim”. Chỉ có sự sống là mầu nhiệm:

Hãy dâng cho nhau hạnh phúc

Và an trú phút giây này

Hãy buông thả dòng sầu khổ

Về nâng sự sống trên tay.

(Châu ngọc Pháp hoa - Thích Nhất Hạnh)

Cho nên hoàng tử bé khát thứ nước “được sinh ra từ cuộc đi bộ dưới trời sao, từ tiếng hát của cái ròng rọc, từ sự gắng sức của cánh tay tôi. Nó tốt lành cho tim ta, như một món quà tặng”. Giếng nước trong Hoàng tử bé đã đi vào bài thơ Bướm bay vườn cải hoa vàng của Thiền sư Nhất Hạnh:

Đến đây

Khi khát ta cùng uống ở một giếng nước thơm trong.

 Trẻ con may mắn vì chúng có khả năng an trú và bằng lòng với những gì mình có. Trong khi người lớn thì vội vã đến mức không biết mình tìm gì, và không bằng lòng với chỗ của mình:

“Rồi một con tàu nhanh sáng choang, gầm như sấm lao đến, làm phòng gác ghi rung lên.

- Họ vội quá - hoàng tử bé nói - họ tìm cái gì vậy?

- Chính người lái tàu cũng không biết - người bẻ ghi nói.

...

- Họ không bằng lòng với chỗ của mình?

- Người ta chẳng bao giờ bằng lòng với chỗ của mình cả - người bẻ ghi đáp”.

Có phải chính vì thái độ vội vã đó mà chúng ta đã đánh mất đi sự sống, không thể an trú và tạo nên bi kịch của đổ vỡ, khổ đau và tranh chấp bên trong tâm hồn mình và bên ngoài thế giới mà ta đang sống? Chúng ta muốn thật nhanh, muốn thật nhiều, nhưng như hoàng tử bé nói: “Con người ở chỗ ông... trồng năm nghìn bông hồng trong một khu vườn... thế mà chẳng tìm thấy ở đó điều họ tìm kiếm... Trong khi cái họ muốn tìm lại có thể gặp trong chỉ một đóa hồng hoặc chỉ một ít nước...”

“chính thời gian cậu mất cho đóa hồng của mình đã làm cho đóa hồng ấy trở nên quan trọng đến thế”. “Bởi vì chính nàng mà tay tôi đã tưới. Bởi vì chính nàng mà tôi đã che bằng tấm bình phong. Bởi vì nàng mà tôi đã bắt những con sâu... Bởi vì chính nàng mà tôi đã ngồi nghe than thở, hay tán hươu tán vượn, hay đôi khi cả lặng im nữa”. Hoàng tử bé, cũng như những đứa trẻ: Chúng mất thì giờ vì một con búp bê bằng giẻ rách, và con búp bê ấy trở nên quan trọng lắm, ai lấy đi của chúng, chúng sẽ khóc...”.

b. Sống thuỷ chung và hy sinh vì lý tưởng

Từ đầu đến cuối, hoàng tử bé đã sống và yêu một đóa hồng. Vì đóa hồng, cậu đã rời bỏ hành tinh. Cũng vì đóa hồng, cậu quyết định đánh đổi thân mạng để trở về. Đóa hồng ở đây tượng trưng cho tình yêu và cái đẹp - lý tưởng sống của hoàng tử bé.

Người học Phật nhìn nhận tình yêu như thế nào? Hãy lắng nghe Thầy Tuệ S viết về tình yêu trong quyển Thắng Man giảng luận: “Tình yêu là cơn bão dữ nhn chìm con người xuống biển sâu của nước mắt, nhưng đồng thời tình yêu cũng là hương vị ngọt ngào nuôi lớn thánh thai của Bồ-tát. Trong ý nghĩa đó tình yêu được đồng nhất với Như Lai tạng, cái bào thai cưu mang để sinh trưởng những phẩm tính siêu việt của Như Lai, của những Đấng Giác ngộ và Cứu thế. Nó bao gồm cả hai mặt, ô nhiễm và thanh tịnh... Do tình yêu mà người ta nghe ra những khúc điệu, những bài ca vô tận của đời sống”.  Vì vậy hoàng tử bé bất chấp cái chết để trở về với đóa hồng của cậu: “Khi một người yêu một đóa hoa chỉ có duy nhất trong hàng triệu triệu ngôi sao kia, thì chỉ ngắm các vì sao là đủ làm cho anh ta hạnh phúc... Tất cả các ngôi sao đều nở hoa... Mỗi người đều có một ngôi sao, không của ai giống của ai. Đối với những lữ khách, các ngôi sao là kẻ dẫn đường. Đối với số khác, chúng chỉ là những đốm sáng nhỏ. Đối với các nhà bác học, chúng là những đề tài nghiên cứu...”. Điều này cũng giống như nhà Duy thức nhìn nhận rằng sông Hằng với chư thiên là ngọc lưu ly, với người thì là nước, ngạ quỷ thì thấy đó là máu, mà cá rồng thì thấy là cung điện. Và có lẽ đây là những câu văn đẹp nhất về sự thuỷ chung của tình yêu trong Hoàng tử bé:

Cái làm cho ta xúc động mạnh đến thế về hoàng tử bé đang ngủ này, đó là lòng chung thuỷ của em đối với một đóa hoa hồng, ấy là hình ảnh một đóa hồng rực sáng nơi em như một ngọn đèn, cả trong khi em ngủ...”

Sự ra đi của hoàng tử bé ở cuối câu chuyện là sự hy sinh cho lý tưởng sống mà em đã theo đuổi giữ gìn. Em trở về hành tinh của em vì biết hoa hồng em yêu rất mong manh và cần được bảo vệ. Em đã để lại vũ trụ mênh mông với câu hỏi cho người ở dưới trần gian: Con cừu có hay không có ăn mất đóa hồng? Cái Đẹp vô thường và mong manh, nếu mất cảnh giác một chút thôi là sẽ tan tành. Như người học Phật trên bước đường tu học, chỉ cần mất chánh niệm một chút thôi là công phu một đời có thể tan thành mây khói.

Cái kết của truyện tuy buồn nhưng không bi lụy. Sự ra đi của hoàng tử bé cũng chính là sự trở về. Chết không phải là hết. Sau khi đọc thiên truyện này, sẽ có ai đó biết ngắm sao, sẽ có ai đó biết yêu hoa, và sẽ có ai đó hiểu được giá trị của sự im lặng, như lời của hoàng tử bé: Lời nói là nguồn gốc gây hiểu nhầm (Bùi Giáng dịch là: Ngôn ngữ là cội nguồn của ngộ nhận). Và có lẽ, mỗi người đều có một nhân vật hoàng tử bé của riêng mình, một tác phẩm Hoàng tử bé của riêng mình, không ai giống ai.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle