Nam Nhạc đánh bò

nam nhac danh bo

Nam Nhạc đánh bò


 

Trương Bồi Canh - Nhã Tuệ dịch


 

Xe bò không di chuyển, đánh xe uổng công vô ích, chỉ có đánh bò mới có thể chạy được; dụng công bắt đầu từ tâm mới có thể tạo ra lối đi sáng sủa, tươi đẹp.

Tháng 4 năm 1991, tôi cùng bà xã tôi bay đến Trường Sa tỉnh Hồ Nam, chuẩn bị cho chuyến leo lên ngọn Hành Sơn nằm trong khu Nam Nhạc cao 1.290 mét. Độ cao này là độ cao thấp nhất trong nhóm núi Ngũ Nhạc, nhưng nó vượt khỏi Côn Lôn, kéo dài tới Cửu Nghi, được mệnh danh có ba tầng, tám cây cầu, chín cái đầm, mười hang động; từng được xây dựng hơn 30 công trình như chùa chiền, đạo quán, thư viện; tài sản văn hóa vô cùng phong phú.

Nhóm núi Ngũ Nhạc ở đại lục có mối quan hệ sâu sắc với Đạo giáo, quan sát quy mô tráng lệ và các công trình di sản văn hóa vật thể ở đây cũng có thể hiểu rõ được. Tung Sơn có chùa Pháp Vương, một trong những ngôi chùa Phật giáo cổ nhất, và chùa Thiếu Lâm, tổ đình Thiền tông. Nhìn từ tổng thể các công trình có thể thấy giữa Phật giáo và Đạo giáo có sự cân bằng. Tuy nhiên, ở Hành Sơn Nam Nhạc không chỉ có những ngôi chùa cổ nổi tiếng như Thánh Chúc, Phúc Nghiêm, Phương Quảng, Nam Đài, Quảng Tế, mà các vị Tổ sư cao tăng trong lịch sử Phật giáo Trung Quốc cũng có sự ảnh hưởng sâu sắc đến địa danh này; như Thiên Thai tông có Tổ sư đời thứ hai là Huệ Tư và đệ tử của ông là Đại sư Trí Giả, Thiền tông có Thạch Đầu Hy Thiên, Nam Nhạc Hoài Nhượng, Mã Tổ Đạo Nhất, tất cả đều ở đây khai tông lập phái tu đạo hoằng pháp.

Tôi ở Nam Nhạc, lần lượt đã leo lên hai ngọn núi Chúc Dung và Thiên Trụ; khi xuống núi, trên đường đi qua Ma Kính Đài, bỗng nhiên nhớ tới công án “Mài gạch thành gương” trong Thiền tông. Mã Tổ Đạo Nhất là môn hạ của Nam Nhạc Hoài Nhượng, ban đầu giỏi ngồi thiền; nhưng thiền vốn không ở chỗ ngồi hay nằm, Phật không có tướng cố định. Nam Nhạc Hoài Nhượng có ý để cho đệ tử này tự nhận ra mặt mũi xưa kia, thấy rõ được diện mạo vốn có của mình (bản lai diện mục), đã cố ý lấy gạch mài xuống đất.

Mã Tổ từ khi bắt đầu ngồi thiền đã cảm thấy khó hiểu, bèn hỏi: “Thưa sư phụ, sư phụ mài gạch làm gì vậy?”

Sư phụ Hoài Nhượng nói: “Ta đang muốn mài gạch thành gương.”

Mã Tổ cười lớn: “Mài gạch sao có thể thành gương được chứ?”

“Nếu đã mài gạch không thể thành gương, thì làm sao ngồi thiền mà có thể thành Phật được?” Hoài Nhượng đã cho đệ tử Mã Tổ cơ hội được dạy bảo đúng lúc.

Mã Tổ đứng dậy chắp tay đáp lễ: “Xin hỏi sư phụ, vậy thì phải làm thế nào mới có thể thành Phật?”

Hoài Nhượng biết rằng nhân duyên đã tới, bèn nói: “Khi người ta điều khiển xe bò, xe không dịch chuyển, thì đánh xe hay là đánh bò?” Theo ghi chép trong Cảnh Đức truyền đăng lục, Mã Tổ Đạo Nhất lúc bấy giờ không có cách nào phản bác lại. Thực ra, Đạo Nhất sau khi vừa nghe xong lời của sư phụ nói đã lập tức lĩnh ngộ ra rằng:“Để thành Phật, thì phải hạ thủ công phu từ tâm.”

Sau này, khi đến Giang Tây hoằng pháp, câu nói nổi tiếng của ngài ấy chính là: “Phật tức tâm, tâm tức Phật.” (Tức tâm tức Phật).

Công án “Mài gạch thành gương” này khiến người ta nghĩ tới một dụng ngữ trong Phật giáo đó là “điên đảo”. Điên đảo, nghĩa là coi sai thành đúng, tích sai thành đúng (cái sai được lặp đi lặp lại nhiều lần, lâu dần thành cái đúng); đến cuối cùng thì không phân được thiện ác, cũng không phân được thật giả, thước đo giá trị của cuộc đời tất nhiên sẽ bị đảo ngược lẫn lộn, tạo thành đại loạn trong thiên hạ.

Con người có được linh khí trời đất và có một tâm thức biết phân biệt đúng sai thiện ác. Tâm thức là chủ nhân của chúng ta, chúng ta nghĩ gì, nói gì, và làm gì, tất cả đều do tâm ra lệnh. Nhà triết học nói, con  người có suy nghĩ thế nào, sẽ có hành vi như thế ấy; có hành vi thế nào, sẽ dưỡng thành thói quen như thế ấy; thói quen hình thành tính cách, tính cách quyết định vận mệnh. Nói một các dễ hiểu thì, vận mệnh là chung cuộc là quả; tâm tính là khởi điểm, là nhân.

Xe bò không di chuyển, đánh xe sẽ uổng công vô ích, chỉ có đánh bò mới có thể chạy được; dụng công bắt đầu từ tâm mới có thể tạo ra lối đi sáng sủa, tươi đẹp.

Nguồn: Trương Bồi Canh (2003), Trí tuệ đích thược thi, NXB.Từ tế Văn hóa Chí nghiệp, thành phố Đài Bắc, tr.154-156


 
Chia sẻ: facebooktwittergoogle