Hai tấm vé trở về
Hai tấm vé trở về
Hai tấm vé trở về
Chân Hiền Tâm
Ngày đó…
Thời mới giải phóng, những gia đình có người thân “ngụy quyền” như tôi đều tìm
cách ra khỏi đất nước này. Vượt biên là phương tiện phổ biến nhất. Gia đình tôi,
anh chị em cũng lọt mấy đứa. Riêng hai vợ chồng thì trầy trật mãi. Tiền mất tật
mang. Cho đến khi đủ để nhận định rằng, ở lại chưa chắc xấu, ra đi chưa chắc tốt.
Bởi muốn tới được miền đất hứa, chưa có gì bảo đảm rằng mình còn sống để mà đến
đó.
Tấm vé giá chính thức
Những ngày lênh đênh trên sóng nước là những ngày khá hãi hùng với tôi. Tàu chứa
hằng trăm người mà chỉ một lỗ thông hơi bé xíu, vừa đủ để thòng người xuống và
đu người lên. Không thở được, tôi vươn người ra khỏi lỗ gió, một mình ngồi trên
boong tàu đối mặt với biển đêm. Một khoảng không đen ngòm mênh mông, không biết
đâu là ranh giới giữa trời và biển. Tàu to thế, giờ như hạt cát giữa biển đêm,
lặn hụp đắm chìm qua từng đợt sóng lớn. Một đợt sóng qua đi, nửa con tàu chìm
sâu trong biển nước. Nhìn mũi tàu biến mất giữa biển đêm, thấy mạng mình sao
mong manh. Tôi phải bám chặt vào bờ tàu để không phải trôi theo đó khi sóng ập
tới. Câu niệm Phật là thứ giúp tôi định tĩnh với cơn thịnh nộ của biển trời. Một
lần chứng kiến duy nhất đủ để thấy thân phận con người bé nhỏ ra sao giữa biển
trời thiên nhiên, đủ để hiểu mức độ nguy hiểm trước khi thấy được miền đất hứa.
Kết quả của những đợt chìm nổi là tàu bể bình nhớt, quay về đậu ở Rạch Sỏi.
Mọi người hoảng loạn tìm cách tháo chạy. Ở miền đất người thưa xóm vắng, hàng
loạt người nối bước nhanh chân là dấu hiệu của một sự vượt biển không thành công.
Bị tóm là cái chắc. Tôi và chồng quyết định không theo đám tàn quân bươn chải mà
ở lại con tàu, tìm cách thoát thân khác. Cái thai hai tháng bắt đầu ra huyết khi
tôi nhảy từ mũi tàu xuống đất. Không thể đi tiếp cùng chồng trong tình trạng như
thế, tôi đành ngồi chờ công an tới, chồng thì giấu người sâu dưới lớp lau sậy,
chờ đêm tới tìm cách về lại Sài Gòn. Phải về cho kịp để nhà không mất tiền vượt
biên.
Tôi về trụ sở công an trên một chiếc honda. Viện cớ quần rách và người đang ra
huyết, tôi không chịu đi và ngồi lỳ luôn ở đó. Những người tốt bụng đã cho xe
tới chở tôi về. Tôi vẫn nghe Việt Cộng ác, nhưng những người tôi gặp, họ hiền
lành và tốt bụng. Có lẽ, ở lại với họ sẽ đỡ hơn là phải đối diện với biển đêm
một lần nữa.
Sợi dây chuyền năm chỉ lận trong lưng quần khá lớn, nhưng công an lục không thấy.
Họ tịch thu sợi dây bằng vàng tây đeo ở cổ, có mặt hình Quán Thế Âm, món quà
sinh nhật cuối cùng cha tặng tôi trước khi ông mất. Nhưng hôm sau họ trả lại.
Nhờ đó, tôi mới có phương tiện trốn viện sau này.
Họ đưa tôi vào trại giam cùng với đám người vượt biên. Sau những hàng song sắt,
huyết bắt đầu ra nhễ nhãi. Tôi được đưa xuống trạm y tế bằng xe bốn bánh, nơi có
những phụ nữ khá lớn tuổi mà vẫn sinh con.
Bà trưởng trạm là người hiền lành. Bà hỏi chồng đâu mà đi có một mình. Tôi nói
anh bỏ về Sài Gòn rồi. Bà nhăn mặt, “Sao đi có đôi mà về thì bỏ vợ lại một mình,
sung sướng có nhau thì hoạn nạn phải có nhau”. Điều mà cả anh và tôi đều không
muốn. Có nhau thì tiền mất. Có đôi mà trong tù thì ai là người đi thăm nuôi? Tuy
vậy tôi không giải thích, cũng không muốn phân tranh với lòng tốt của bà. Cứ để
nguyên chuyện như thế. Bà hiền hòa và tốt bụng, không hề coi tôi là phạm nhân.
Với bà, chúng ta không cùng quan điểm thì người ở lại, người ra đi, chẳng ai là
phạm nhân của ai. Một con người rất đáng kính.
Chỉ là trong thế giới duyên khởi này, khi bạn đã khởi tâm nhị biên, thấy vạn
pháp là tốt… thì bạn sẽ có cơ hội chiêm nghiệm được cái gọi là xấu. Nó hiện lên
đủ để bạn nhận ra rằng, những gì có tướng, không bao giờ mang tính phổ quát.
Muốn phổ quát được thì nó phải không, không hình tướng, dù là hình tướng không.
Trong những thành phần cán bộ tôi gặp đó, những con người khá hiền lành dù họ
mặc sắc phục quân đội, hiện ra một con người khá đặc dị. Cô ta đặc biệt ghét
những bệnh nhân có liên quan đến vượt biên. Ghét đến mức khó ở. Bà trưởng trạm
bảo chích cầm máu cho tôi. Cô ta nghe và để đó, nhất quyết không chích cho đến
khi có sự cố xảy ra.
Một phụ nữ sinh đã tám lần, vừa nhập trạm. Tám lần đều tự sinh trong chiếc ghe
nhỏ, mà bà ta gọi là nhà. Lần thứ chín, uống thứ lá gì đó, không tiểu được nữa,
phải rời ghe lên đất liền, vào đúng trạm xá tôi đang ở. Cũng chẳng có trạm thứ
hai nào nơi cái xứ nhỏ bé này.
Chao qua chao lại, vẫn không thể nào làm bà tiểu được. Cô được lệnh đưa bà lên
bệnh viện tỉnh. Trước khi đi, cô tặng tôi mũi thuốc cầm. Không hiểu vì còn sót
chút lòng từ hay vì biết thương bản thân, không để mình rơi vào chỗ khó xử mà
làm vậy. Không hiểu. Chỉ một điều chắc chắn rằng, do nghiệp đời của tôi chưa hết
nên đã khiến cô hành xử như thế. Bởi với cái nhìn nhân quả, mọi tốt xấu trong
đời đều từ mình mà ra. Việc tôi bị ghét kia cũng nằm loanh quanh đâu đó.
Tôi bán sợi dây chuyền cho một người cùng phòng, bà cho tôi ăn cơm chung từ lúc
mới vào. Món tiền không nhiều, nhưng đủ để tặng cho người phụ nữ bí tiểu một ít,
phần còn lại đủ mua vé xe trở lại Sài Gòn và ăn uống dọc đường. Tôi chuẩn bị
tinh thần cho một cuộc trốn viện khi nhân duyên hội đủ.
Rồi trời Phật cũng thương.
Ngay hôm sau, bà trạm trưởng bận công việc, đưa thằng cháu xuống canh trạm.
Thằng nhóc bằng tuổi tôi hay ít hơn. Mặt khá thư sinh. Nhìn thấy nó, tôi nhớ lại
lời của người cậu chồng, “Con có số nhờ đàn ông con trai, nhất là mấy tay nhỏ
tuổi. Khi nào gặp nạn, tụi nó sẽ cứu con”. Bói toán không phải là thứ tôi thích.
Không có việc đi coi bói. Chỉ là người cậu chồng tự phán, khi ông nhìn thấy tôi
trong bữa tiệc từ giã gia đình. Lời nói bấy giờ trở thành chiếc phao cứu rỗi
linh hồn tôi. Bám vào đó, tôi hy vong mọi thứ như lời người cậu đã nói.
Tôi lân la bắt chuyện. Rồi nói về tình cảnh sống dỡ chết dỡ của mình, nếu không
về kịp Sài gòn trong nay mai, có thể tôi phải chết ở cái xứ khỉ ho gà gáy này.
Nó động lòng bảo tôi trốn đi, nó sẽ canh cho tôi trốn. Thế là tôi trốn. Cứ lững
thững thế mà đi, với chiếc quần rách, với thân thể gầy đuộc dơ bẩn và một khuôn
mặt xám xanh.
Chiếc xe lam đưa tôi tới bến xe. Nhưng vé không còn bán. Xe chợ đen tôi không đu
nổi. Chợ đen ngày đó không phải như bây giờ. Muốn lên xe phải đu theo một đoạn
khá dài và phải đứng trong suốt hành trình đi. Đường Rạch Giá lại xốc vì đang
làm đường. Dù có lên được xe, tôi cũng không đủ sức để đứng. Tôi đứng đó với tâm
trạng dững dưng. Hoặc là chết tại bến xe này. Hoặc là người ta bắt tôi về lại
trại giam. Vậy thôi.
Câu niệm Phật vẫn đều đều. Nó được niệm từ những ngày bắt đầu vượt biên. Mấy
ngày ở trạm xá, còn trì thêm chú Bạch y và gọi cha suốt. Niệm và trì liên
tục.
Một người phụ nữ không quen biết ngoắc tôi lại. Trông bà có vẻ lam lũ. Hai đứa
nhỏ thấy cũng nhếch nhác. Bà hỏi tôi đi đâu? Tôi nói về Sài Gòn nhưng hết vé
rồi. Bà nói, “Tôi dư một vé đi Cần Thơ. Nếu em về Cần Thơ, tôi để lại cho giá
chính thức”. Mô Phật, về Cần Thơ thì quá tốt rồi. Nhà dì tôi ở đó. Về đó vừa gần
mà dì lại là nữ hộ sinh, thuận cho việc tôi đang cần. Tôi gật đầu mừng rỡ. Bà
nói, “Nhưng lên xe, chịu khó bế bớt giùm tôi một đứa. Xe chạy rồi, tôi bế nó
lui”. Tôi gật đầu, cầm tấm vé lên xe.
Trên xe, tôi ngủ thiếp đi hồi nào không hay. Không kịp suy nghĩ vì sao có một
phụ nữ nghèo lại đứng đó chờ tôi, bán cho tôi tấm vé về đúng tuyến Cần Thơ với
giá chính thức, trong khi có thể bán theo giá chợ đen v.v. Không kịp suy nghĩ gì
hết. Chỉ biết ngủ vùi cho đến khi bị lơ xe gọi dậy. Người phụ nữ đã xuống xe tự
bao giờ, không còn thấy tăm hơi.
Dì đón tôi với hai dòng nước mắt. Bác sĩ yêu cầu tôi bỏ cái thai. Tôi lắc đầu
không chịu. Nói phải giữ cái thai cho tôi bằng bất cứ giá nào. Chỉ vì lý do khá
đơn giản, huyết ra nhiều thế, tôi vẫn không đau bụng, cái thai vẫn không ra, cớ
gì giờ yên ổn rồi lại móc nó ra? Bác sĩ gật đầu cho thuốc. Uống thuốc vào tôi
nôn thốc nôn tháo. Một chút nước cũng nôn thốc ra. Chịu không nổi, tôi thều
thào, “Gần đây có chùa nào không dì?” Dì như chợt tỉnh, “Có có, dì dẫn con đến
đó uống thuốc”. Tôi gật đầu.
Thầy khoảng hai mươi, thanh tao, nhỏ nhẹ như con gái. Không cần khai bệnh, chỉ
cần đưa tay cho thầy bắt mạch là mọi việc được giải quyết. Thầy nói, “Có thai mà
yếu lắm. Uống mười thang để dưỡng thai. Khỏe rồi thì không cần uống nữa”. Uống
thang đầu, tôi hết ói và nuôi con cho tới sau này.
Mọi việc đi vào quên lãng...
Cho đến khi tôi nhìn thấy hình Phật Bà Quán Âm với hai tiểu đồng bên cạnh, được
chưng tại góc chánh điện chùa Đại Giác, bỗng dưng tôi nhớ đến hình người đàn bà
nghèo khó và hai đứa bé. Một phụ nữ không giàu có nhưng lại bán cho tôi tấm vé
giá chính thức. Bà lại là người chủ động gọi tôi và về đúng tuyến Cần Thơ. Một
sự trùng hợp lạ lùng và khó hiểu, nhưng mọi việc đã xảy ra. Tôi tin Phật Bà đã
hiện thân cứu tôi. Tin chắc như vậy. Càng tin vào việc niệm Phật và trì chú.
Cuộc đời cứ thế nổi trôi.
Khổ nhiều hơn vui.
Cho đến năm tôi 36 tuổi. Là lúc gặp được pháp của Hòa thượng Trúc Lâm. Nhờ thiền
tập, bệnh suyển kinh niên biến mất. Mọi thứ thay đổi, từ tinh thần đến vật chất.
Cuộc sống thấy an vui và khởi sắc nhiều hơn. Quan trọng nhất vẫn là sức khỏe.
Thường con người yếu đi khi về già. Tôi thì ngược lại, sức khỏe thấy ngày một
tốt hơn. Sáu mươi tuổi, không huyết áp, không đau nhức, không tiểu đường, cũng
không có bệnh tật gì khác. Ăn ngon. Ngủ yên. Mấy ông Tây ở Canada cứ trầm trồ
thán phục khi thấy tôi làm vườn, cưa cây, chẻ cũi, lát nền. Không phải phụ nữ
dân ở đó không làm. Làm kinh lắm. Khỏe như đàn ông. Nhưng phụ nữ ở đó to, gân
bắp, không nhỏ con như dân mình. Phụ nữ Việt Nam đi du lịch, chỉ thấy áo quần
sum xoe, giày nọ, giày kia…, chẳng thấy ai cầm cưa đẩy đất như mình. Mình trở
thành sinh vật lạ, họ thích. Hễ thấy cưa, họ lại ùa ra, nói cái gì đó, nhưng
tuyệt đối không làm giùm. Cổ võ nhưng làm giùm thì không. Khổ là mình không hiểu
chữ nào, chỉ nhăn răng cười cho qua chuyện. Họ cũng nhanh. Biết mình trung thành
với ngôn ngữ mẹ đẻ rồi, thành ngôn từ nói ra chỉ còn tới lui trong hai chữ, nice
hoặc good. Phấn khích nữa thì thêm chữ very đằng trước là xong. Mấy chữ đó thì
hiểu, không khó.
Khỏe quá, nên hai mươi mấy năm trời, chẳng khám định kỳ, chẳng kiểm tra sức
khỏe. Chỉ một lần nhập viện vì cắm đầu ăn cho hết mớ đồ thiu.
Tu hành rồi, không thể quan trọng cái thân như người thường, hở chút là săn sóc.
Nhưng bỏ mặc quá cũng là sai lầm, nhất là vào thời mà đồ ăn thức uống chứa đầy
hóa chất. Mình lại là loài ăn tạp, có gì ăn nấy, ai cho gì cũng ăn. Thiu, nguội,
nóng, lạnh, ngon, dỡ gì cũng ăn, trong khi một sự hiểu biết đúng đắn về ăn uống
lại không có. Ăn ngon mà lại ăn khỏe thì ỷ y, không thèm chú trọng đến sức khỏe.
Thành trong cái phước có cái họa là vậy. Thứ gì nuốt cũng thông, nên độc cho
thân cũng nuốt. Khổ, thân là thân phàm nên cái quả liên quan với nhân liền xuất
hiện.
Tấm vé giá chợ đen
Đi Canada về, thu xếp vài việc xong thì tôi nhập thất như dự định.
Ngày thứ hai, lúc nằm nhìn trời, tôi khám phá ra mình có một cục gì đó to như
quả bưởi nằm ở bụng.
Đi siêu âm, ra một cục 12cm, với đầy đủ các yếu tố của một u ác tính.
Bác sĩ hỏi, thấy cấn không? Không.
Tiêu, tiểu có bị gì không? Không.
Có ra huyết không? Không.
Có chướng bụng và ăn không tiêu không? Không. Tiêu tốt. Ăn nhiều. Ngủ bình
thường.
Có sụt cân không? Không.
Vậy sao biết mà đi khám? Rờ thấy.
Ung thư thì thường vậy. Chẳng có triệu chứng gì!
Một kết luận khá đơn giản sau những câu hỏi đã đặt ra.
Tôi cũng nhận thấy điều đó ở những người cùng khám bệnh với mình. Người ra
huyết, xỉu lên xỉu xuống, người chướng bụng ăn không tiêu, người cục bướu to đến
20 cm v.v., nhưng tất cả đều lành tính. Chỉ tôi là anh hùng. Cho đến lên tới bàn
mổ, vẫn ăn được, ngủ được, chẳng hề chướng bụng, khó tiêu hay mệt mỏi, vẫn làm
việc bình thường. Chỉ là … ác tính. Khổ, nhiều khi chỉ mong một cái bình thường
như thiên hạ cũng không xong.
Nhiều người khuyên tôi nên ăn thực dưỡng bài số 7 và uống thuốc nam, đừng mổ.
Tôi thật tình không thích mổ. Thứ nhất vì tôi không biết gì về nó, chưa từng mổ
bao giờ dù chỉ là một chút, lại là mổ hở, cắt bỏ quá nhiều thứ. Thứ hai, đọc tài
liệu trên mạng, thấy khá khủng hoảng. Đau đớn và biến chứng là những thứ có thể
phải đối mặt sau đó. Ông chú vừa mất do biến chứng sau khi mổ. Bà bạn cũng mất
vài tháng trước đó, khi vừa ra khỏi phòng hồi sức. Rất nhiều thứ để thấy, mổ
không phải là việc đơn giản với người già. Nhưng bảo ăn thực dưỡng và uống thuốc
nam thì thôi, không theo. Bởi trong pháp giới của tôi (nói pháp giới của tôi,
nghĩa là không hẳn nó đã có giá trị với pháp giới của người khác), chưa thấy ai
dùng thuốc nam mà chống được ung thư, ngoại trừ những người đã điều trị ung thư
mà bị trả về. Tức đã từng phải qua giai đoạn điều trị ung thư bằng hóa hay xạ
trị. Không có các thứ đó, chưa chắc thuốc nam đã có hiệu nghiệm. Bản thân lại
vừa chứng kiến thêm cái chết của hai người bạn. Một ung thư vú. Một ung thư hạch
họng. Chỉ vì theo thuốc nam và ăn thực dưỡng. Người bạn ăn thực dưỡng bài số 7,
sau đó suy kiệt và u vú xuất hiện. Con bé ung thư hạch, nhờ hóa và xạ trị, bệnh
đã hết mười bảy năm. Đến khi tái phát, lại không vào bệnh viện mà theo thực
dưỡng và uống thuốc nam. Khi trở lại bệnh viện thì cái u đã sần sùi và choán hết
cả cổ. Bác sĩ chỉ biết lắc đầu, “Giá như khi tái phát, vào lại bệnh viện liền,
hóa trị vài liều là xong”. Đó là những gì tôi chứng kiến trong pháp giới của
mình.
Nếu tôi có thể thấy tận mắt, một người bị u nang ác tính được trị lành bởi một
thầy thuốc nam hay bằng phương pháp thực dưỡng, tôi sẽ không chọn con đường mổ
mà theo ngay vị lương y đó. Nhưng tôi chưa từng thấy được việc đó xảy ra trong
pháp giới của mình. Chỉ thấy bất lợi và chết chóc vì đó. Không ai theo những bất
lợi mà mình từng chứng kiến.
Giáo pháp của Phật nói rằng, không tật thì không cần dùng pháp để đối trị, nhưng
một khi đã có tật thì phải dùng pháp đối trị, tật mới hết. U nang đã hiện ra đó
rồi, di căn và phát triển là việc khá dễ dàng vì tăng sinh mạch máu sinh phát
mạnh. Giờ muốn trở lại bình thường, nhất định không thể để tự nhiên mà thành
không, nên phải dùng thuốc đối trị. Mà thuốc làm tiêu cục u tức thì, y học chưa
có, chỉ có phẩu thuật mới đưa nó về không, thành tôi phải chọn cách đó dù không
thích. Trên đời này, rất nhiều thứ không thích mà vẫn phải làm. Thứ gì thích mà
theo đó làm, chưa chắc đã tốt, có khi tai họa liền sau.
Ngày mổ được bệnh viện ấn định, trước tết. Tôi nghĩ đến cái chết nhiều hơn là
sống. Vì vọng tưởng, một khi có điều kiện xuất hiện thì chỉ loanh quanh với việc
chết chóc. Lực hướng của vọng tưởng cứ thấy theo đà đó là mạnh. Đó là lý do tôi
nghĩ mình tới số. Chỉ là, học trò, em út, con cái, tụi nó gõ mõ kêu Phật ngày
đêm, ngay cả những đứa bình thường không nhìn tới Phật, giờ cũng chịu tụng kinh,
niệm Phật, hy vọng bác hai lành bệnh, nên thấy thì thấy mà nói thì không dám
nói. Sợ thiên hạ buồn, thiên hạ bỏ hết kinh kệ, chùa chiền. Chưa có gì hết mà
khóc ôi là khóc. Mặt mày thấy thật thảm hại. Thành chỉ dặn chừng chừng vài
chuyện và làm hết những gì cần làm nếu cái chết xảy ra, chẳng dám nói tới số
rồi.
Ngày mổ bỗng dưng phải dời lại. Vì xuất hiện ông thầy dịch số. Cũng không phải
bỗng dưng. Trên đời này mọi thứ đều có nhân duyên, không có chuyện bỗng dưng.
Nhưng thôi, không cần nói đến nhân duyên ông xuất hiện. Chỉ biết ông đã xuất
hiện và can thiệp vào ngày mổ của tôi. Thay vì mổ trước tết, ông bảo phải đợi
qua tết mới mổ được. “Bệnh, khi cần mổ thì phải mổ, nhưng vào thời khắc nào lại
là chuyện khác, không phải lúc nào cũng mổ được”, ông nói thế. Trước giờ, ông
phán nhiều chuyện đúng quá, đúng trên từng cm, nên em út và bạn bè sợ. Họ muốn
tôi dời ngày mổ như lời thầy dịch số nói.
U ác tính, mổ càng sớm càng tốt, dời lại cả tháng như vậy, việc di căn có khả
năng tiến triển nhanh, chưa kịp mổ có khi đã mất mạng. Ai có kinh nghiệm với
người thân từng bị ung thư, đều thấy sợ cho việc này. Tôi thì thấy hướng vọng
tưởng khởi lên như vậy, nên trước hay sau với tôi không có gì khác nhau. Chỉ là
sau tết, làm ma chay thuận tiện hơn, vì cuối năm có ma chay thì đầu năm cả nhà u
ám. Thành dời sau tết thấy cũng hợp lý. Mọi người yên lòng là tốt.
Không phải tôi không tin kinh dịch. Tôi tin có tử vi và kinh dịch. Tin theo cách
của tôi, không phải theo cách định mệnh của người đời. Tin mọi sự thông qua định
nghiệp và bất định nghiệp của con người. Tin vận số có thứ chuyển được, có thứ
không chuyển được. Trong cuốn Bạch Ẩn thiền định ca, ngài Bạch Ẩn cũng
nhắc tên các quẻ dịch. Thành không thể không tin. Nhưng tử vi cũng như kinh dịch
là thứ biến diệu khó lường, không phải ai coi cũng đúng. Và dù coi đúng chín
mươi chín người, không có nghĩa là người số một trăm, coi cũng đúng. Coi đúng
cho người này tất cả mọi việc, không có nghĩa đã coi đúng cho người khác, dù chỉ
là một việc. Bởi mọi thứ đều không qua ải nhân duyên mà chủ chốt vẫn là phước
nghiệp của mỗi người. Nếu duyên của tôi và thầy thuận, tôi có phước nghiệp biết
trước được một số việc để tránh, thì thầy coi sẽ chính xác. Nếu duyên giữa tôi
và thầy nghịch, mọi thứ sẽ đảo lộn, thầy không có khả năng coi chính xác việc
của tôi. Và nếu duyên đời của tôi đến lúc chấm dứt, thì chính sự báo trước gọi
là tốt đó có khi lại chính là cái nhân giúp nghiệp đời của tôi chấm dứt. Vì thế,
dù tin kinh dịch và tin thầy, tôi vẫn phải lấy quyết định của bác sĩ điều trị
làm trọng. Cứ thuận đó mà đi. Nếu xin dời ngày lại mà bác sĩ đồng ý thì dời ngày
lại. Nếu không cho dời ngày thì không có vụ năn nỉ, phải y đó mà tiến hành. Mọi
người đồng ý. Và lạ là, bác sĩ đã đồng ý rất nhanh ngay khi được hỏi, trong khi
các cô điều dưỡng thì la toáng, “Dời ngày mổ lại như thế, u ác tính đã lớn và
mạch máu tăng sinh đã nhiều, nếu vỡ ra không chết cũng di căn”. Ừ thì biết vậy,
nhưng… bác sĩ đã đồng ý thì cứ theo đó mà làm.
Trước mổ vài ngày, tôi mộng thấy Phật Quán Thế Âm.
Tôi thấy mình đi qua một cây cầu, loại cầu bằng gỗ được chạm trổ rất tinh vi,
trên phủ toàn mái gỗ như những lầu gỗ bên Trung Quốc. Cảnh chung quanh như chốn
bồng lai. Bước lên cầu thì trời đang tối mà qua hết cầu thì trời đã sáng. Nhìn
lên trời, thấy mây tụ thành hình Phật Bà. Tôi la lên, “Phật Bà! Phật Bà kìa!” La
để mọi người cùng thấy. Miệng thì la nhưng trong đầu lại nghĩ, “Chỉ là mây tụ,
chẳng phải hình thật”. Nghĩ vừa xong, Phật Bà hiện nguyên hình với tấm áo trắng
viền xanh ngọc, tay cầm bình cam lồ, bay ngang trời và tưới cam lộ xuống thế
gian. Chẳng phải mây tụ, là Phật Bà đã hiện.
Thưởng ngoạn đủ rồi, tôi tính việc trở về...
Quay người, tôi thấy mình lang thang vào một khu đất trống, thênh thang, cỏ cây
thưa thớt, đất trắng khô cằn. Chợt nhớ, khi đi có qua cầu, giờ về cầu đâu mà
toàn đất trắng? Nhớ rồi, lội ngược ra tìm hướng có cầu mà đi.
Qua cầu thì tự do, nhưng trở về, không có tiền không về được. Phải có vé mới lên
được cầu. Vì cầu này không phải đi. Chỉ cần ngồi là nó đưa đến tận nơi. Mà tôi
thì không có đồng nào trong túi. Thói quen muôn thuở từ trước đến giờ là đi đâu
cũng đi mình không, tiền bạc để người khác giữ. Giờ đi một mình, không có đồng
nào trong túi. Chết dở.
Nhìn thấy hai đứa bé đang mua vé qua cầu. Tôi bám theo. Năn nỉ. Chúng lắc đầu.
Tôi vẫn bám theo lên cầu. Năn nỉ. Hóa ra chúng mua cho tấm vé rồi mà không nói,
cứ thế mà im lặng lên cầu.
Thằng bé đưa tấm vé ra với một giá khá cắt cổ, gấp hai mươi lần so với giá chính
thức, hỏi chịu không? Đương nhiên là chịu. Vui vẻ mà chịu và cám ơn. Đời có
nhiều oái ăm như thế. Dù phải trả một giá khá đắt, trong lòng vẫn thấy vui. Vui
vẻ lấy kẹo ra mời. Chúng chẳng từ chối. Ăn quá là ăn.
Tỉnh dậy, biết Phật Bà cứu mình lần nữa. Không chết mà sống. Trở về rồi đó.
Chợt nhớ tới tấm vé năm xưa ở bến xe Rạch Giá.
Lúc đó trong túi có tiền, lại được mua vé với giá chính thức. Giờ không có tiền,
lại phải mua vé với giá chợ đen. Thật ra không phải không có tiền, chỉ là không
mang theo. Một thói quen không mấy tốt được nhắc lại trong giấc mơ. Vì việc quên
đó, khá nhiều lần tôi đã bỏ qua những thiện nghiệp đáng phải làm.
Chỉ một việc hơi lạ, giờ cũng chưa hiểu được nguyên nhân, là tôi đã vào phòng mổ
với một tâm trạng khá an lạc. Bình thường cũng không được trạng thái tâm như
thế. An lạc đến nổi nghĩ rằng “Ra đi vào lúc này là rất tốt, cảnh giới kế tiếp
của mình nhất định lành, không phải đối diện với những đau đớn do mổ xẻ cũng như
hậu quả do ung thư gây ra sau này”. Nhưng nghĩ gì thì mọi thứ đã được định đoạt.
Phật Bà đã tưới cam lộ. Trong cơn mộng mị, không phải tôi đã theo năn nỉ hết
nước hết cái để được tấm vé trở về, dù phải trả một giá khá đắt đó sao.
Tôi ngủ thiếp đi trong trạng thái hạnh phúc đó.
Với người này, ca mổ là mấy tiếng đồng hồ. Với người kia ca mổ chỉ là tích tắc.
Thuốc mê. Chỉ còn hai đầu mút ngủ và tỉnh. Còn lại, có mà như không. Y học tiến
triển, bác sĩ giỏi và có lương tâm v.v. là một trong các phước báu của người
thời nay. Vấn đề là mình có đủ phước để hưởng không, hay nó trở thành tai họa
với mình, chỉ vì mình thiếu phước.
Đúng là mọi thứ trên đời đều không ra ngoài hai chữ tùy duyên.
Thể thì không, tùy căn nghiệp của từng người mà thành có, không ai giống ai. Mổ,
thì thông tin trên mạng ghi đủ mọi thứ đau đớn, biến chứng, nhưng tùy phước
nghiệp của từng người mà kẻ bị thế này, người vướng thế kia, không người nào
giống người nào. Không phải cứ có mổ là có đau, có biến chứng, có ung thư là có
khổ nạn. Không phải. Mọi thứ đều tùy duyên, tùy theo căn nghiệp của từng người
mà thọ báo.
Việc đó cũng nhắc mình nhớ đừng bao giờ rời bỏ thiện nghiệp. Dù bạn chưa đủ điều
kiện thực hành định tuệ thì cũng nên giữ gìn giới nghiệp sao cho tốt. Giới,
chính là nhân duyên đưa đến phước báu giúp chuyển hóa báo nghiệp rất nhiều. Nó
là thứ giúp mình không bệnh nạn. Nếu có bệnh nạn cũng thành không. Lợi ích cho
tha nhân càng không nên bỏ sót. Bởi lợi ích mà bạn nhận được là chính từ tha
nhân mà ra.
Tôi tỉnh dậy là do nghe tiếng mình hét, “Đau quá! Buồn nôn quá!” Không biết có
hét thật không hay chỉ là cái cớ để mình thoát mê, nhưng đúng là nhờ nó mà tôi
tỉnh lại. Nghe rồi liền khởi niệm, “Chưa chết, còn sống”, rồi tỉnh hẳn. Việc đầu
tiên là nôn cho hết những thứ cần nôn. Việc thứ hai là sờ quanh bụng xem có dây
nhợ gì lòng thòng ra không. Không. Chưa di căn.
Mổ xong, đau thì hoàn toàn không. Quên uống giảm đau cũng không đau. Dù là mổ hở
và cắt bỏ toàn bộ tử cung, buồng trứng, thêm một mớ gì đó bầy nhầy theo sau, đủ
đảm bảo cho bệnh ung thư không tái phát.
Chẳng phải chỉ mình tôi là thế. Nhiều người, tuổi lớn hơn tôi khá nhiều, vết mổ
dài gấp đôi, mà họ cũng không đau, vết thương lành nhanh chóng, khỏe mạnh, bình
an, vui vẻ… Vô đây, mới thấy phụ nữ Việt Nam anh hùng. Mình như con nhà giàu,
đứt tay thấy sợ. Họ mổ xẻ như cơm bữa, cũng chẳng có điều kiện như mình, vẫn
tỉnh bơ. Có người mổ đến lần thứ tư. Hỏi sợ không? Nói sợ thì sợ mà mổ thì mổ,
không lý để chết. Ừ, không lý để chết. Tôi thì chỉ mong mổ một lần, dù không
phải trải qua đau đớn hay sợ hãi. Phần chấp ngã của thức Mat-na bên trong chưa
thanh tịnh hẳn, nên tâm chưa thể bình đẳng đối với sống chết, nạn bệnh v.v. Có
điều kiện thì vẫn chọn lựa. Không chọn lựa được mới đành theo. Hì.
Người không đau, thấy nhiều. Người đau thê thảm, thấy cũng nhiều. Người thì đau,
không thể ăn uống, đau đến nỗi cắn cả vào môi, chảy máu. Người cũng đau mà chút
chút. Người lúc đau, lúc không… Muôn hình vạn trạng dù tình cảnh như nhau. Mới
thấy, cùng một việc mổ mà tùy căn nghiệp và phước báu của từng người, không ai
giống ai.
Ung thư cũng vậy. Nghe đến ung thư là thiên hạ vãi hồn, cứ như cầm chắc cái chết
trong tay. Cứ thấy đau đớn, mệt mỏi, gầy yếu, tiều tụy là việc không ai có thể
tránh khỏi. Thực tế, không phải ai bị ung thư cũng như vậy. Cùng một loại thuốc
truyền vào, người ói, người không ói, người đau, người không đau, người mệt,
người không mệt, có kẻ nằm liệt giường liệt chiếu mà có kẻ vẫn đạp xe tà tà dạo
mát. Tùy cơ địa của từng người mà cho kết quả không như nhau. Đó là việc tôi
chứng kiến từ ngoài đường vô đến bản thân. Tức tùy phước nghiệp của từng người
mà có báo nặng hay báo nhẹ. Chết hay sống cũng từ phước nghiệp mà ra. Mình thấy
bệnh mà chết là thở dài, phiền não, cho là thiếu phước. Phu nhân Ma-gia sinh
Phật xong liền từ giã cõi trần, là do phước, chẳng phải họa. Thành cứ y tướng mà
luận tánh thì khó tránh sai lầm. Đã luận thì phải y duyên mà luận. Y duyên mà
luận thì luận đến bao giờ mới xong? Duyên người này khác, duyên người kia khác,
khó có thể lấy duyên người này áp đặt lên người kia. Duyên lúc này khác, duyên
lúc kia khác, khó có thể biết thực sự bệnh nhân đang bị thế nào. Chưa kể duyên
chỉ mới là phần phụ, còn phải biết nhân mới luận được. Nhân của mình, mình chưa
thấu, sao có thể thấu được nhân của người mà luận tới luận lui? Chi bằng đừng
luận. Với vạn pháp, bớt suy luận, bớt ý kiến chủ quan là tốt. Tập ghi nhận hơn
là suy luận hay phán xét. Ghi nhận thì việc thế nào ghi nhận đúng thế ấy. Tâm
mình bớt loạn mà người cũng đỡ khổ khi họ phải đối diện với tâm vọng tưởng của
mình.
Chánh kiến luôn cần thiết
Khi viết bài này, tôi chỉ còn đánh thuốc lần nữa là xong. Khi bài được đăng,
việc đánh thuốc cũng xong rồi. Kết quả thế nào, đợi lúc đó mới biết, giờ chưa
thể khẳng định. Bởi quanh tôi, khá nhiều thể dạng đã xảy ra. Người hơn mười năm
rồi, chưa tái phát. Người mười chín năm rồi cũng không sao. Người bệnh viện trả
về dù đã đánh sang toa cuối. Người mới mấy tháng đã quay lại bệnh viện v.v. Rất
nhiều thể loại hiện ra trong pháp giới của tôi. Tất cả đều có nhân duyên. Có
loại nhân duyên có thể nhận ra trong hiện đời. Một trong các nhân duyên đó là do
ăn uống. Có cả việc uống thuốc nam và thuốc bắc. Bác sĩ không biết việc này. Chỉ
tôi biết. Vì tôi moi và họ khai ra. Moi, để hiểu vì sao bệnh tái phát. Tránh sai
lầm cho mình và người sau này.
Nói đến nhân duyên hiện đời là nói những thứ mà bản thân mình nếu đủ chánh kiến
và biết hạn chế khẩu vị, thì vẫn có thể chuyển được cái gọi là bất định nghiệp.
Còn gốc chính vẫn là sát sinh. Giới này cần phải giữ gìn để hiện tại và đời sau
không chiêu cái quả chết yểu hay bệnh tật. Giới này nếu buông tuồng thì việc gìn
giữ khẩu vị hoặc có một sự hiểu biết đúng đắn về ăn uống cũng không làm gì được.
Năm tôi mười tuổi, người cô ruột mất. Mấy ngày sau, tôi thấy bà về, ngồi trên
phần mộ của mình, cười ha hả, miệng có thêm hai cái nanh, nói với tôi rằng, “Sau
này mày bị ung thư tử cung”. Thức dậy đem chuyện kể mọi người nghe, không biết
ung thư tử cung là gì nhưng bốn chữ đó in sâu vào tiềm thức. Theo thời gian,
công việc lu bu mà thành không nhớ, cho đến khi rờ thấy cục u trong bụng.
Mười ba tuổi, thiêu luôn một cuốn sách mối. Biết đạo rồi, việc sát sinh không
lặp lại, nhưng gần đến ngày phát bệnh, mối đâu ùn ùn xuất hiện, ăn nguyên cái
bếp... Dù không có tâm giết hại, nhưng chưa đủ tâm sống chung với nó, nên phải
dọn dẹp, cũng không tránh được giết hại. Báo nghiệp sát sinh đã được báo trước,
giờ duyên đưa đẩy như thế, coi như đủ duyên để quả xảy ra. Nhưng duyên khiến cục
u trở thành ác tính, là do ăn uống. Ăn đường, bánh ngọt, đồ nguội, đồ thiu v.v.
Khi ở Việt Nam không phải không có, nhưng với mức độ hạn chế. Vì mình có thể
giải quyết những thứ dư thừa và tránh cái nhân đưa đến hôi thiu. Chỉ khi qua
Canada, những gì liên quan đến đường xuất hiện quá nhiều, đồ thiu lại tăng gấp
bội, toàn dầu và béo. Không thể mang cho, không thể không nhận, vừa nể tình, vừa
không muốn đổ đồ ăn, nên dù không mấy vừa miệng, vẫn nuốt. Phước ăn uống có, nên
thiu bao nhiêu cũng tiêu. Khổ, thân mình là thân phàm, không phải như Tổ Bồ Đề,
đổ thuốc độc vô mà không can hệ. Nó tiêu, nó nuôi cái khác, vì nhân đã có. Trong
các bộ luận, chư Tổ khuyến cáo không ăn đồ thiu. Mình nghĩ mình ngon, mình dụng
cái nhân không đúng cái quả, nên thành như thế. Có những sai lệch trên mặt tư
tưởng, dẫn đến hành vi, và hưởng cái quả rất có giá trị. Đủ rút kinh nghiệm dài
lâu. Đủ có bài học để đời. Ngày xưa Đế Thích giả quỷ, cho Phật một nửa bài kệ.
Cho rồi, đòi lấy thân Phật mới cho nửa sau. Phật đã gieo mình nhận kệ. Đúng là
có khi phải dùng thân mạng trao đổi, mới thấu được hết pháp giới nói gì. Pháp
chi mà hay! Chỉ khác, Phật thì tự nguyện, mình bị đẩy vô bởi cái ngu si của
mình. Cũng được. Một sự trao đổi không mấy luyến tiếc. Vì bệnh cũng bệnh sơ sơ.
Đủ rút kinh nghiệm cho đời tốt hơn.
Một tháng thay đổi lịch mổ, u không tăng trưởng, ác tính gói gọn trong u, là nhờ
thay đổi chế độ ăn uống. Trở lại mức ăn rau củ bình thường, gạo lức, các hạt,
không đụng đến đường, không ăn đồ béo, không uống nước đá.
Cho nên, tốt nhất là không gây nhân. Gây rồi, tạo duyên giữ giới, tu hành v.v.
thì chuyển được nghiệp. Họa dù có, nhưng họa vẫn là phước, thọ khổ không nhiều.
Ngày đầu vào viện, nghe tôi ăn chay, thiên hạ la làng. Vì thương không phải
ghét. Họ sợ mình không đủ máu, không thể đánh thuốc tiếp. Không hiểu rằng, chay
có cái lợi của chay. Mức tiêu thụ bình thường thấp mà vẫn khỏe thì khi thiếu
hụt, nhu cầu cung cấp không cần nhiều. Chỉ cần những ngày không nhai được cơm,
xay cháo gạo lức với rau củ quả đổ vô là xong, thêm linh chi là đủ. Họ không
biết, bình thường ăn nhạt quen rồi thì khi có bệnh, không phải cực khổ với việc
thay đổi khẩu vị. Thuốc đánh vào, chua liền thành đắng, ngọt lại thành chua,
nghe mùi nước hoa còn nôn, nói là chiên, xào, thịt, cá? Có điều, có vị mới có
biến vị. Không vị trước cũng như sau. Cháo xay nhuyễn, không muối cũng không vị,
cứ thế đổ vô là yên. Người thiếu máu hoài, rớt toa. Hỏi tôi ăn gì mà đủ? Tôi nói
vậy đó. Vậy mà làm ra, không nuốt trôi được. Tại vì mùi vị quen rồi, chua, cay,
mặn, đắng đã quen.
Thương thì cũng chỉ biết nguyện. Nguyện mọi an lành đến với thế gian. Người
người biết đạo, giữ giới tu hành, tu tạo thiện nghiệp để đời bớt khổ. Nguyện cho
ai cũng đủ máu đánh thuốc v.v. Chỉ biết nguyện vậy. Chẳng dám nói gì. Đang bệnh
mà còn dạy đời, chỉ khiến người ta thêm khổ. Ích gì!