Sư là người tu “Tiểu thừa”
Sư là người tu
Sư là người tu “Tiểu thừa”
Chân Hiền Tâm
Trong đời…
Có những đoạn nhân duyên khó quên, dù theo thời gian chỉ còn lờ mờ trong tâm trí.
Tôi gặp Sư Hưng trong một hoàn cảnh khá đặc biệt. Sư tìm đến tôi khi tôi vừa
sinh con gái đầu lòng, chồng thì đang giai đoạn cải tạo. Có cuộc gặp mặt này là
bắt nguồn từ lá thư tôi viết cho chồng.
Bốn chục năm trước…
Sư từ trên núi xuống, vào trại cải tạo vì lý do khá đơn giản. Phát biểu linh
tinh. Người ta đang ca tụng vị anh hùng dân tộc đầu tiên lên mặt trăng thì Sư
tuyên bố “Có gì đâu mà ca tụng, giống như con chó được cho vào rọ rồi đưa lên”.
Thế là Sư được mời vào trại cải tạo, cùng phòng với chồng tôi, một người vừa bị
bắt do vượt biên cách đó mấy tháng. Chiếc áo vàng với vô số lớp vá quanh thân là
thứ gì đó khá ngộ nghĩnh với con mắt thiên hạ - họ vô trại vì nhiều lý do, trộm
cắp, giết người, uýnh nhau… - khiến Sư không được yên thân. Thời mới giải phóng,
ở một xã nhỏ cách xa thành phố thì điều kiện trại giam chỉ có thế.
Chồng tôi là người duy nhất bảo vệ Sư trong căn phòng ấy. Ngoài những giờ ngồi
thiền, còn lại Sư rất thân thiết với anh. Thứ gì anh cũng chia sẻ với Sư. Thư
cũng cho Sư đọc. Sư rất hồ hỡi đọc nó. Tỏ ý muốn đọc trước khi được mời. Thế là
chồng tôi đưa.
Hai ngày sau Sư nói với chồng tôi “Mai Sư ra trại. Vì đêm qua Sư thấy có người
tới cõng Sư qua núi”. Sư ra trại thật. Có người đến bảo lãnh cho Sư ra. Sư ra
rồi, phi thẳng lên nhà tôi, gọi cửa, bắt tôi trả hết hai mươi đồng tiền xe,
giảng cho tôi cả tiếng về chữ ái, cuối cùng bắt tôi quỳ xuống lạy Sư làm thầy.
Pháp danh có rồi nên không đặt, không thì cũng có pháp danh Sư đặt cho.
Sư là vị Đạo sư đầu đời của tôi, dù mọi thứ không phải tự nguyện. Không như đến
với Hòa thượng Trúc Lâm. Chỉ mới đọc sách của Hòa thượng, là đã tự nguyện tu
hành, tự nguyện phát Bồ-đề tâm, tự nguyện chay trường, tự nguyện dứt bỏ dâm ái.
Tự nguyện mà làm được. Còn với Sư, chẳng làm được thứ gì. “Phải chay trường,
không được sinh thêm con, chồng ra tù thì cả hai về tu với Sư”. Sư dặn thế đó,
nhưng không làm được thứ gì. Vẫn ăn mặn, sinh con, không phải một mà đến hai đứa,
cho đến khi đọc được sách của Hòa thượng. Không làm được nên rất sợ mỗi khi thấy
Sư xuất hiện.
Dù vậy lại thương Sư hết mực. Bởi mỗi khi gia đình có việc, Sư xuất hiện rất
đúng lúc, mọi muộn phiền được giải tỏa. Nhưng với tôi, Sư vẫn là mẫu người quái
dị, chẳng có hơi hướm gì của một bậc thánh. Đầu trần, chân đất, lang thang từ
chỗ này đến chỗ kia, không bao giờ có tiền trong túi, cần dùng tiền thì bảo
người khác trả mà không cần biết người ta có tiền hay không. Lại còn nói về vị
này, chê bai vị kia. Đủ thứ chuyện trên đời. Ngày tôi phát tâm cúng dường Sư hai
cây vàng mua đất, Sư lại đòi tới bốn cây. Tôi không đưa. Sư nài thêm ông bạn một
chỉ, mới chịu đi. Trước khi đi còn xưng mình là Phật, khó gặp lại lần nữa. Mà
không gặp lại thật. Đó là lần cuối tôi gặp Sư.
Dù quái dị nhưng Sư là người dễ gần. Tôi có thể phát biểu mọi thứ mà không sợ Sư
phản ứng. Khi nào Sư cũng vậy. Không nhăn nhó, khó chịu, dù tôi phản ứng mãnh
liệt thế nào. Với Sư, tôi không có tâm phải thận trọng hay kiệm lời như khi sống
với kẻ khác. Vì thế song song với việc bực bội, coi thường, vẫn có tình thương
mến thương rất nhiều.
Sau này, có chút tri thức rồi mới thấy cái nhìn của mình cạn cợt. Cứ đem tư
tưởng phàm tình đánh giá thánh nhân, hỏi sao chẳng thấy Sư phàm tục. Chỉ cần
phản quan tự kỷ, sẽ thấy mọi thứ Sư làm chỉ là tấm gương phản ánh tư tưởng và
hành vi của chính mình. Rất chính xác. Hình ảnh của Sư chẳng qua chỉ là hệ quả
của một mớ sở tri mình đã huân tập từ quá khứ. Còn con người thật của Sư, tư
tưởng đời thường chẳng thể thấu. Chính vì thế, trong những cái mình cho là quái
dị vẫn hiện ra những cái rất siêu dị. Những gì Sư nói với tôi về công phu, về
những cảnh giới sẽ trải qua trong việc tu hành đều ứng nghiệm, dù ngày đó chúng
được ghi nhận trong sự hờ hững.
Thật ra thì, chẳng có con người thật nào ở thế giới này khi nó được đúc kết bằng
những mạch nối nhân duyên.
Nếu nhân duyên giữa tôi và Sư thuận, tức tôi và Sư đã có những mối liên hệ khá
tốt từ những đời quá khứ thì Sư trở thành con người tuyệt vời với tôi. Nếu nhân
duyên giữa tôi và Sư không thuận, tức quan hệ giữa tôi và Sư đời quá khứ không
tốt thì Sư trở thành đáng ghét với tôi. Con người Sư thế nào là tùy duyên, duyên
này có phần của người đối diện trong đó. Tùy nhân duyên của từng người mà hình
tượng của Sư theo đó biếng tướng. Nhưng đa phần lại lấy tướng tùy duyên ấy cho
là tính cách của Sư và xem tính cách ấy là con người thật của Sư. Mọi thứ thành
sai lầm. Đa phần người đời đều sai lầm như thế. Tướng, không phải là tánh dù nó
không lìa tánh. Hiện tướng ở một người chưa hẳn đã là bản chất của người đó. Chỉ
là theo duyên mà hiện khởi. Không có tôi hay tất cả những ai có nhân duyên với
Sư, Sư không xuất hiện và tồn tại. Tất cả pháp ở thế gian đều như thế. Hiện
tướng nhờ những tương quan, gọi là duyên khởi, nên tướng ấy không có chất thật.
Duyên khởi thì cái này có nên cái kia có, cái này không nên cái kia không, thực
chất là không, vô sở hữu. Con người thật của Sư cũng vậy, là không, vô sở hữu,
chỉ tùy duyên mà hiện tướng.
Thời còn trứng nước
“Sư là người tu Tiểu thừa”, Sư tự nói với tôi như thế. Tiểu thừa là tên khác của
Thanh văn thừa, Trung thừa là tên khác của Duyên giác thừa và Đại thừa là tên
khác của Bồ-tát thừa. Hiện nay, Tiểu và Trung thừa được gọi chung là Phật giáo
Nguyên thủy. Đại thừa được gọi là Phật giáo Phát triển. Có những thay đổi như
thế là tùy tâm chúng sinh ứng cơ mà thành. Hành vi của Sư đúng là nhuốm màu sắc
Tăng nhân thời Đức Phật. Đầu trần, chân đất, ba y, một bình bát, ăn một bữa,
không giữ tiền, cũng chẳng có nơi chốn nhất định. Song một người còn chất đầy
khổ não như tôi thì Tiểu hay Đại không có gì liên can. Thứ tôi quan tâm là Sư có
khiến tôi hết khổ không mới là quan trọng. Dù tà ma ngoại đạo mà Sư mang đến
hạnh phúc cho tôi thì tôi vẫn theo Sư. Còn Đại cỡ nào, mà gần Sư chỉ có khổ,
hiện tại khổ, tương lai khổ… thì tôi xin vái. Vì thế Tiểu hay Đại, nghe tai này
cho liền qua tai kia.
Chỉ khi bước chân vào đạo rồi, đụng phải những người giả danh “Nguyên thủy”, nói
giả danh vì pháp tu và lý thuyết họ nói chẳng thấy nằm đâu trong các bài kinh
thuộc hệ A-hàm, chỉ được cái tưởng quá khích trong việc bài báng Đại thừa, tôi
mới nhận ra giá trị của những gì Sư nói. Sư là người củng cố niềm tin cho tôi
rất lớn trong giai đoạn trứng nước này.
Tu được với Hòa thượng Trúc Lâm một năm, thiên hạ nói mày tu nhầm tà ma ngoại
đạo. Không phải một người mà khá nhiều người. Họ nói tu cái đó điên. Tôi không
muốn đánh mất chút an vui vừa kiếm được khi theo Hòa thượng, nên mang việc đó ra
hỏi Sư. Tôi muốn biết về Tổ sư thiền. Sư không nói Tổ sư thiền là chánh hay tà,
chỉ kể tôi nghe câu chuyện Đức Phật chia nửa tòa ngồi cho ngài Ca-diếp. Và kết
luận Ca-diếp là ông Tổ của Tổ sư thiền.
Sư nói thêm về công đức của mười bốn loại bố thí, tăng dần theo giới hạnh. Bố
thí cho loài bàng sinh được trăm phần công đức. Bố thí cho phàm phu theo ác giới
được ngàn phần công đức. Bố thí cho phàm phu giữ giới được trăm ngàn phần công
đức… Cứ thế mà tăng dần cho đến quả A-la-hán, Độc Giác Phật, và cuối cùng là
Phật, A-la-hán Chánh đẳng giác. Sư nói các đại đệ tử của Phật chỉ có danh xưng
A-la-hán, còn Phật có thêm chữ Chánh đẳng giác. Đó là chỗ khác nhau giữa hai
danh xưng có cùng danh hiệu A-la-hán. Hiểu vậy để thấy sự khác nhau giữa Phật và
A-la-hán.
Còn một việc giúp nhận ra sự khác biệt nữa, là công đức nhận được khi cúng dường
A-la-hán ít hơn Độc Giác Phật, cúng dường Độc Giác Phật ít hơn cúng dường Phật.
Công đức nhận được khác nhau chứng tỏ quả vị tu chứng của chư vị phải khác nhau.
Giáo pháp giúp thành tựu quả A-la-hán đặt nền tảng trên Tứ đế, thành tựu quả Độc
Giác Phật (Bích Chi Phật) đặt nền tảng trên Thập nhị duyên sinh. Vậy phần giáo
pháp giúp thành tựu quả vị Phật nằm ở đâu nếu phản bác kinh luận Đại thừa, cho
là tà ma ngoại đạo? Câu hỏi đặt ra của Sư khá lý thú. Phần giáo pháp dạy cho
giai đoạn này nằm trong các bộ kinh Đại thừa mà Tổ sư thiền là một phần trong
đó. Nếu không có phần giáo thuyết đó, Phật giáo trở nên thiếu khuyết. Cũng như
không có phần giáo thuyết Nguyên thủy thì giáo pháp của Phật coi như hụt chân,
không có nền tảng để hình thành nên giáo Đại thừa.
Sư đã củng cố niềm tin cho tôi theo kiểu như thế. Đơn giản và dễ hiểu. Quan
trọng là phù hợp với căn cơ của tôi lúc ấy. Còn lý giải siêu hơn mà tôi không
hiểu thì cũng chịu, chẳng tiếp thu được. Niềm tin càng được củng cố khi Sư là
người tu Tiểu thừa, sống đời sống Tăng nhân thời Đức Phật mà nói về Đại thừa.
Một Sư Đại thừa khen Đại thừa, không đáng tin cậy bằng một Sư Tiểu thừa tán thán
Đại thừa. Chứng cứ lại được lấy ra từ các kinh thuộc hệ A-hàm. Nhờ đó, niềm tin
của tôi được củng cố, giúp tôi vững tiến trên con đường mình đã chọn, con đường
mang đến an vui cho bản thân và gia đình. Cho đến khi tôi có được niềm tin bất
thối nhờ những trải nghiệm của chính mình.
Mọc lông mọc cánh
Là thời tôi trưởng thành hơn trong giáo pháp của Phật. Chưa thể hiểu hết những
gì kinh luận nói, nhưng đã có thể thấy được mặt không khác của toàn bộ
kinh luận, cũng như cái gọi là Tiểu, Trung, Đại mà các bậc Cổ đức đã phân, điển
hình là chư Tổ tông Hoa Nghiêm. Phân để rõ được giáo pháp qua từng thời kỳ, để
biết tinh thần mà phần giáo đó hướng đến, không phải vì bản chất pháp đó lớn hay
nhỏ, cao hay thấp. Nhỏ hay lớn, cao hay thấp là tướng tùy duyên, nên chúng chỉ
có giá trị theo duyên, không có giá trị phổ quát, để nương đó mà phân Tiểu -
Đại. Bạn tu Đại thừa mà sức định bạn không có thì không thể bì với những vị đã
chứng quả Tư-đà-hoàn, huống là A-na-hàm, A-la-hán. Chư vị kiến tánh trong Thiền
tông, cũng phải đến vị Bát địa, sức định mới bằng A-la-hán. Việc đó cho thấy
phân Tiểu - Đại không do phần giáo pháp cao hay thấp mà ở đích đến. Thay vì
chứng quả La-hán trong tương lai, giờ phát tâm thành tựu quả vị Phật. Dài hơn,
lâu xa hơn, khổ nhọc hơn, phần giáo hóa nhân sinh rộng lớn hơn, cái lạc nhận
được cũng rốt ráo hơn. Đại là chỗ đó. Không phải vì pháp tu cao hay thấp mà phân
Tiểu - Đại.
Tôi thấy pháp tu Đại thừa chẳng ra ngoài những gì kinh luận Tiểu thừa đã dạy,
chỉ là biến thể chút cho phù hợp với căn cơ chúng sinh thời sau. Quán vô thường
hay từ bi, dù tu theo Tiểu hay Đại đều phải quán để mà bình thản và buông bỏ,
đều phải nương vào đó để tịnh hóa thân tâm. Pháp “Chánh niệm trong công việc và
hành động” được dạy trong các luận Đại thừa chẳng khác pháp Quán thân trong Tứ
niệm xứ. Biết vọng không theo mà tôi đang ứng dụng đây, thấy cũng không ra ngoài
pháp Quán tâm, Quán thọ. Chỉ là mở rộng hay thu hẹp sao cho phù hợp với căn cơ
chúng sinh từng thời. Trong kinh Thập thiện, vẫn nói đến Ba mươi bảy phẩm
trợ đạo, Tứ vô lượng tâm v.v… Điều đó cho thấy không thể chỉ nhận danh xưng Đại
thừa mà không choàng lên người lớp áo Tiểu thừa. Bác Tiểu không nhìn tới là cái
lầm của kẻ thiếu trí.
Nếu hiểu được tinh thần chính của việc tu hành là giúp hành giả đưa dần tâm về
chỗ thanh tịnh, sẽ thấy vì sao có Tứ niệm xứ, Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tham
thoại đầu, Tham công án, Biết vọng không theo, Niệm Phật, Trì chú... Tất cả đều
phục vụ cho mục đích đưa tâm từ cái nhiều về cái một, từ cái một về cái không,
để thể nhập thể tánh vô trụ. Cũng sẽ hiểu vì sao phải giữ giới dù là người tại
gia. Bởi tất cả đều giúp tâm chúng sinh tương ưng dần với sự thanh tịnh của chân
tâm. Chân tâm là cái tâm mà tất cả chúng sinh đều sẵn đủ, chỉ do si mê, tham
chấp, sân hận mà thành náo loạn, rồi nhận cái náo loạn ấy là mình. Nhân đó mà
nhận vô vàn khổ nạn và bi thương.
Trung đạo, tinh thần xuyên suốt từ Tiểu đến Đại
Trung đạo, là không vướng vào nhị biên phân biệt, không rơi vào cực này hoặc cực
kia. Đây là tinh thần chủ đạo xuyên suốt trong toàn bộ giáo lý Phật Đà, chỉ là
cạn hay sâu.
Tôi nhìn thấy tinh thần này biểu hiện rất rõ qua các kinh điển Tiểu thừa cũng
như Đại thừa.
Trung luận,
mở đầu bằng bài kệ “Không sinh cũng không diệt/ Không thường cũng không đoạn/
Không một cũng không khác/ Không đến cũng không đi”. Sau đó, toàn bộ
Trung luận đều dùng không phá có, hiển cái gọi là “không có cũng không
không”, mà Bát-nhã tâm kinh gọi là “Tướng không của các pháp”. Trong
Lăng-già tâm ấn v.v… cũng dùng bốn từ vô, bất, phi, ly để hiển tướng không
này. Bồ-tát Đại Huệ tán thán Phật “Trí chẳng thấy có không/ Mà khởi tâm đại
bi…” v.v… Trong kinh điển Tiểu thừa thì có các kinh, điển hình như kinh
Vô tránh phân biệt: “Chớ có hành trì dục lạc, hạ liệt, đê tiện, phàm phu,
không xứng bậc thánh, không liên hệ mục đích. Cũng không nên hành trì tự kỷ, khổ
hạnh, đau khổ… Từ bỏ hai cực đoan ấy, có con đường Trung đạo đã được Như Lai
giác ngộ…”.
Vì sao nói đến Trung đạo và Trung đạo trở thành tinh thần chủ chốt của toàn bộ
Phật giáo?
Vì tâm chân thật sẵn đủ trong mỗi người, kinh luận gọi là Phật tánh, chân như,
cội nguồn thanh tịnh v.v... thể của nó “Chẳng phải tướng có, chẳng phải tướng
không, chẳng phải tướng chẳng có, chẳng phải tướng chẳng không, chẳng phải tướng
vừa có vừa không, chẳng phải tướng một, chẳng phải tướng khác, chẳng phải tướng
vừa một vừa khác…”. Tâm chân thật không thuộc nhị biên phân biệt. Thực hiện
Trung đạo là để tương ưng và thể nhập tâm ấy. Phải tương ưng thì mới nhận được
Niết-bàn hữu dư y. Phải thể nhập thì cái lạc nhận được mới rốt ráo, mới qua được
hai loại sinh tử là Phần đoạn tử và Biến dịch tử.
Bát Thánh đế
Đây là từ được dùng trong kinh Thắng Man phu nhân hội.
Chính là nói về Tứ Thánh đế. Vì Tập có cạn có sâu, Khổ có thô có tế… nên không
nói Tứ Thánh đế mà nói Bát Thánh đế. Tuy là Bát Thánh đế mà thật chỉ là Tứ Thánh
đế.
Kinh phân Tứ Thánh đế thành hai loại. Hữu tác Thánh đế và Vô tác Thánh đế.
Tứ Thánh đế là Khổ, Tập, Diệt, Đạo.
Với Tiểu thừa,
Khổ
là bát khổ: sinh khổ, lão khổ, bệnh khổ, tử khổ, cầu bất như ý khổ, thương mà
phải xa lìa khổ, ghét mà phải chung chạ khổ, năm ấm không điều hòa khổ. Mọi cái
khổ ở đời được Phật gói gọn trong tám thứ đó. Nói chi tiết thì đói khổ, no khổ,
thiếu mặc khổ, so sánh khổ, phân biệt khổ, tranh cãi khổ v.v… Đủ thứ trên đời để
khổ. Có sinh là có khổ. Từ sinh đến tử có khá nhiều thứ khổ nếu bản thân không
biết đạo. Loại sinh tử mà phàm phu phải chịu trong giai đoạn này, gọi là Phần
đoạn tử.
Tất cả khổ đó, nhân của nó là Tập. Tập là sự tích tụ. Tích tụ một
nhân duyên, bám chấp vào đó, nên sinh quả khổ. Song giáo lý Tiểu thừa chỉ nói
nhân như thế, duyên như thế, sinh ra quả như thế. Chẳng nói nhân duyên ấy tích
tụ ở đâu mà qua nhiều đời vẫn có thể sinh quả. Cũng không giải thích vì sao
không có chỗ nơi mà nhân duyên không mất đi, vẫn sinh quả báo đời sau.
Tập
được nói đến trong phần giáo Tiểu thừa là sự hiện hành của các chủng tử, không
phải là chính các chủng tử. Đó là những sinh khởi đang hiện hành trong tâm chúng
sinh hiện nay. Tham, sân, si, vui, buồn, suy nghĩ, hy vọng, phân biệt v.v… Phật
Tổ gọi chung là vọng tưởng. Hàng phục được dòng hiện hành này, là chứng được
Niết-bàn hữu dư ý, gọi là Diệt. Là diệt được phần phiền não chướng, thoát
được Phần đoạn tử, và gọi đó là Niết-bàn. Phần hàng phục này không giống như
người tu Tứ thiền Bát định hay trời Vô tưởng định, vì có phần quán khổ, không,
vô thường, vô ngã.
Vì chỉ mới đề cập đến phần hiện hành, chưa nói đến chủng tử, nên thức
trong phần giáo thuyết này chủ yếu nhấn mạnh đến sáu thức thuộc sáu căn, chẳng
nói cội gốc của sáu thức.
Đạo
là phương tiện giúp người thoát khổ như Tứ niệm xứ, Thập nhị duyên sinh, Ba mươi
bảy phẩm trợ đạo v.v...
Với Đại thừa,
Khổ
không chỉ dừng ở Phần đoạn tử mà còn có Biến dịch tử. Biến dịch tử, là những dao
động vi tế trong tâm sau khi đã dọn được phần hiện hành. Phần hiện hành chưa
được hàng phục thì không thể nhận ra được phần dao động vi tế này. Đó là cái khổ
mà hàng Bồ-tát tu Đại thừa phải chịu, dù đã qua được Phần đoạn tử. Khổ chư vị
nhận được không còn nằm ở mặt cơm, áo, gạo, tiền, bệnh khổ ở thế gian mà chính
là những dao động vi tế trong tâm. Song người tu Đại thừa hiện nay có khi vẫn
chưa thoát được những cái khổ lặt vặt ở thế gian, vọng tưởng hiện hành chưa thể
hàng phục, vì thế không thể không dùng pháp Tiểu thừa để ổn định thân tâm. Đại
chẳng thể tách lìa Tiểu là vậy.
Theo luận Đại thừa khởi tín, chỉ có A-la-hán, Bích Chi Phật và hàng
Bồ-tát từ Tín tương ưng địa trở lên (là những vị đối với nhân không đã được tự
tại, đã lìa các khổ thô) mới trực tiếp chịu sự chi phối của Biến dịch tử.
Tập
được nói đến trong giáo lý Đại thừa không chỉ là phần hiện hành của các chủng tử
(nghiệp tập) mà còn là sự tích tụ của các chủng tử, gọi là tập khí. Sự tích tụ
các chủng tử này tạo ra thức thứ tám. Có các chủng tử mới có thức thứ tám. Không
có chủng tử thì không có thức thứ tám. Ngược lại, nói đến thức thứ tám là nói
đến các chủng tử. Không có thức thứ tám thì các chủng tử cũng không. Hòa thượng
Thiện Siêu dùng một ví dụ khá hay cho sự tương quan giữa chủng tử và thức thứ
tám như sau: Đống đồ chơi hình thành từ các đồ chơi. Không có đồ chơi thì không
có đống đồ chơi. Không có đống đồ chơi thì không có đồ chơi.
Chủng tử ví như món đồ chơi. Thức thứ tám chính là đống đồ chơi. Nhìn hình tượng
ấy để tạm hiểu về thức thứ tám.
Thức thứ tám chính là chỗ “nhiếp trì cả nhân quả làm tự tướng của nó… Lìa thức
thứ tám này thì không thể riêng có quả Dị thục thù thắng về mạng căn, chủng đồng
phận cùng sinh tử uẩn, hằng thời tương tục”.
Thức thứ tám này “có khả năng chấp thọ duy trì chủng tử các pháp không để mất,
nên còn gọi là thức Nhất thiết chủng”.
Khi còn nhiễm ô thì thức này có tên là thức A-lại-da. Thức này, luận Thành
duy thức nói chúng sinh không thể biết chấp thọ, xứ và liễu của nó. Chấp
thọ, chỉ cho chủng tử hữu lậu và sắc thân có các căn. Chủng tử hữu lậu, là
tập khí của sự phân biệt về tướng và danh. Xứ, chỉ cho xứ sở, là khí thế
gian, nơi nương tựa của loài hữu tình. Liễu, chỉ cho hành tướng của thức.
Thức lấy sự liễu biệt làm hành tướng. Do sức nhân duyên mà khi tự thể thức
A-lại-da sinh khởi, trong biến thành chủng tử và căn thân, ngoài biến thành khí
thế gian. Rồi lấy chỗ biến ra đó làm cảnh sở duyên của mình. Hành tướng liễu
biệt y đó mới khởi được. Vì thế thức trong giáo Đại thừa không chỉ có sáu
mà đến tám, thêm thức thứ bảy và thứ tám.
Đạo
vẫn là Ba mươi bảy phẩm trợ đạo, Tứ vô lượng tâm, Chỉ quán, Tham công án, Niệm
Phật v.v…
Diệt
chính là thể nhập chân thể thanh tịnh với đầy đủ diệu dụng nhiệm mầu mà Phật
cùng chúng sinh đồng có. Kinh Đại bát Niết-bàn gọi đó là Phật tánh. Kinh
Pháp hoa gọi đó là Tri kiến Phật.
Chỗ đồng và khác giữa hai loại Thánh đế là như vậy.
Gọi Hữu tác vì “nghĩa của Tứ Thánh đế chưa viên mãn. Vì tha hộ trì nên không
thể biết được tất cả Khổ, đoạn tất cả Tập, chứng tất cả Diệt, tu tất cả Đạo”.
Nói tha hộ trì vì còn thấy ngoài tâm có pháp, chưa nhận ra được Tam bảo của tự
thân. Do phần chưa thấu đó mà nói chưa thể biết được tất cả khổ v.v…
Gọi là Vô tác vì “nói về nghĩa Thánh đế viên mãn. Vì có thể tự hộ trì nên
biết tất cả Khổ, đoạn tất cả Tập, chứng tất cả Diệt, tu tất cả Đạo”.
Do đã nhận ra Tam bảo của tự thân, thấy được cội nguồn của tất cả pháp, nên nói
Thánh đế viên mãn, biết tất cả khổ…
Pháp của Tiểu thừa đa phần là pháp đối trị. Nhờ sự đối trị này mà tâm trở nên
thanh tịnh, tương ưng dần với tâm thể vốn sẵn của mình. Như người bệnh, cần phải
có quá trình uống thuốc. Hết bệnh rồi mới có thể trở thành người bình thường.
Trở thành người bình thường rồi thì không cần đến thuốc đối trị nữa. Quá trình
dùng thuốc đối trị này cũng là một phần khiến Tứ Thánh đế này được gọi là Tác
Thánh đế. Hết bệnh rồi, thuốc đối trị cũng bỏ, không chấp thủ thuốc uống nữa,
mới thể nhập được chân tánh nhiệm mầu, nên nói Vô tác Thánh đế. Tuy vậy, trong
Đại thừa không phải không có pháp đối trị. Nói Vô tác là nói phần mà
người tu Đại thừa phải đạt đến, không phải trong Đại thừa không dùng pháp đối
trị. Ngoài những pháp mà người tu Đại thừa ứng dụng từ giáo Tiểu thừa, vẫn còn
các pháp mang tính đối trị khác mà thời Đức Phật chưa có, như pháp Trì danh hiệu
Phật. Có người trì danh để vãng sinh Cực lạc. Có người trì danh để thấy được tự
tánh Di-đà của mình. Tự tánh Di-đà, tự tánh Thích-ca, tự tánh của chúng sinh đều
không ngoài “Tướng không” nói trong Bát-nhã tâm kinh, Phật tánh trong
Đại bát Niết-bàn, thể không chân như trong luận Đại thừa khởi tín
v.v… Đối trị ở đây là dùng một niệm A-di-đà trừ muôn niệm chúng sinh đang hiện
khởi trong tâm, cho đến khi tâm được chuyên nhất gọi là nhất tâm bất loạn. Nhất
niệm đó bùng vỡ mới thể nhập tự tánh Di-đà.
Như pháp “Biết vọng không theo” tôi đang ứng dụng đây. Khi lực vọng động của tâm
thức còn quá mạnh thì pháp ấy trở thành pháp đối trị. Dùng cái biết để đối trị
lực của vọng niệm. Khi lực vọng động yếu thì cái biết đó thành không, mới thể
nhập được chân thể thanh tịnh. Quá trình này có thể chỉ xảy ra trong vài giờ tọa
thiền. Nhưng công phu để quá trình ấy có thể xuất hiện trong vài giờ như thế đòi
hỏi người tu phải có sự miên mật liên tục, có khi đến hai mươi mấy tiếng một
ngày và kéo dài trong nhiều năm. Tùy căn nghiệp thời quá khứ mà cái nhiều năm
này là ngắn hay dài, thể nhập là từng phần hay toàn phần.
Cho nên phân Tiểu phân Đại là để người tu biết đích đến mà phát tâm, còn pháp
dùng thì tùy duyên. Trong Tiểu có Đại, trong Đại có Tiểu. Linh hoạt được thì an
định được thân tâm mà không đánh mất đích đến của mình.
Hóa thân cùng khắp
Tam thân là Pháp thân, Báo thân và Hóa thân.
Ba thân này thường được nhắc đến trong kinh Đại thừa hơn là Nguyên thủy, bởi đó
là hệ quả của việc phát Bồ-đề tâm, hành Bồ-tát đạo và thành tựu quả vị Phật.
Điểm nhấn quan trọng trong quá trình này chính là kiến tánh. Kiến tánh, là nhận
ra được tánh Phật của chính mình. Dù khi nhận được tánh ấy, chẳng có tánh nào để
nhận, chẳng có Phật nào để thấy.
Kinh Lăng-già tâm ấn nêu ba loại ý sinh thân, trong đó ý sinh thân của
hàng Bồ-tát Bát địa, có thể thuận tánh khởi dụng, nhập như huyễn tam muội và vô
lượng tam muội v.v… hiện tất cả thân như bóng trong gương, như ý tự tại khắp các
cõi Phật. Ý sinh thân của Phật thì như hạt châu ma-ni tùy sắc mà hiện, tùy tâm
chúng sinh mà ứng.
Trong kinh Địa Tạng Bồ-tát bản nguyện, Bồ-tát Địa Tạng nói: “Con phân
thân hiện hình ra cùng khắp trăm nghìn muôn ức hằng hà sa thế giới. Trong mỗi
thế giới hóa hiện trăm nghìn muôn ức thân. Mỗi thân đó hóa độ trăm ngàn muôn ức
người… khiến chúng sinh quy kính Tam bảo, khỏi hẳn vòng sinh tử, hưởng vui
Niết-bàn”. Trong kinh này Phật cũng nói với Bồ-tát Địa Tạng: “Muốn độ
chúng đó ta cũng phân nghìn trăm ức thân, lập ra nhiều phương chước… Ta phân ra
nhiều thân độ thoát những hạng chúng sinh mỗi mỗi sai khác như thế. Hoặc hiện ra
thân trai, hoặc hiện ra thân gái, hoặc hiện ra thân trời, rồng, quỷ, thần, hoặc
hiện ra rừng, núi, sông ngoài, ao rạch v.v… làm lợi ích cho người, độ người được
giải thoát”. Việc này tương ưng với ba mươi hai lời nguyện của Bồ-tát Quán
Thế Âm v.v… Cũng tương ưng với những gì nói trong luận Đại thừa khởi tín:
“Hoặc thấy, hoặc niệm, hoặc làm quyến thuộc, cha mẹ, người thân, hoặc làm
người giúp việc, hoặc làm bạn hữu, hoặc làm oan gia, hoặc khởi Tứ nhiếp… cho đến
tất cả việc làm với vô lượng duyên hạnh”.
Đọc kinh có khi không hiểu nhưng đọc những đoạn này, với tôi không khó hiểu. Tôi
tin những việc như thế. Tin tất cả chúng sinh đều có khả năng biến diệu đó khi
sống được với pháp thân của mình. Những câu kinh như thế giúp tôi giải quyết cái
nhìn của mình đối với thế giới bên ngoài có trật tự hơn. Tất cả đều có thể là
hóa thân của chư Phật và chư Bồ-tát. Đề-bà-đạt-đa luôn phá Phật, nhưng vẫn là
hóa thân của một Đại Bồ-tát trong cái duyên của Phật. Đây nói trong cái duyên
của Phật. Nghĩa là, không chỉ có thiện pháp mới có giá trị giáo hóa nhân sinh
quay về nguồn cội. Pháp bất thiện vẫn có giá trị của nó nếu nó được sử dụng đúng
duyên. Vấn đề nằm ở hai chữ “đúng duyên” này. Làm sao để được đúng duyên? Đòi
hỏi phải có trí Bát-nhã. Mọi thứ lưu chuyển thế nào vẫn không ra ngoài tánh
không mà Nhân-duyên-quả là quy luật chi phối tất cả. Quả có, vì đã có nhân. Nhân
là nhân của quả đó. Quả cũng là quả của nhân đó. Không có gì sai lệch khi mọi
thứ xuất hiện và biến đi đều thông qua quy luật này.
Trụ ở tánh của tất cả pháp
Trong kinh Văn-thù-sư-lợi Bồ-tát sở thuyết bất tư nghì Phật cảnh giới kinh,
Tu-bồ-đề hỏi Đại trí Văn-thù-sư-lợi:
- Thưa Đại sĩ! Ngài đối với Thanh văn thừa sinh lòng tin hiểu, lại dùng pháp của
thừa này mà độ chúng sinh?
Đại trí Văn-thù-sư-lợi trả lời:
- Này Đại đức! Tôi đối với tất cả thừa đều sinh tâm tin hiểu. Tôi tin hiểu Thanh
văn thừa, cũng tin hiểu Duyên giác thừa, cũng tin hiểu Tam miệu tam Phật Đà thừa.
Tam miệu tam Phật Đà thừa là tên khác của Bồ-tát thừa hay Phật thừa.
Bậc Đại trí tin hiểu cả ba thừa, chẳng chê Tiểu thừa cũng chẳng bác Đại thừa.
Thừa nào cũng có thể trụ. Chẳng những trụ Tam thừa mà trụ cả địa vị phàm phu. Vì
sao? “Vì tất cả pháp cùng với chúng sinh, tánh chúng là chánh vị quyết định. Tôi
thường trụ ở chánh vị này. Vì thế, tôi nói quyết định trụ cả phàm phu địa”.
Tánh của tất cả pháp lìa mọi nhị biên phân biệt, chẳng phải phàm phu địa cũng
chẳng phải Tam thừa địa, nhưng không lìa các địa đó. Đó chính là tướng không nói
trong kinh Bát-nhã, là Phật tánh nói trong kinh Đại bát Niết-bàn. Trụ tánh vô
trụ nên trụ mà không trụ, không trụ mà trụ. Trụ chỗ vô trụ nên tùy duyên mà trụ
được tất cả chỗ.
Một câu hỏi nữa được đặt ra cho Bậc Đại trí:
- Thưa Đại sĩ! Nếu tất cả đều là chánh vị quyết định, sao lại kiến lập các địa
sai khác mà nói đây là phàm phu địa, đây là Thanh văn địa, đây là Bích Chi Phật
địa, đây là Tam miệu tam Phật Đà địa?
Bậc Đại trí trả lời:
- Này Đại đức! Như thế gian, vì có ngôn thuyết nên trong hư không kiến lập mười
phương, đây là phương Đông, đây là phương Tây… cho đến đây là phương trên, đây
là phương dưới. Tuy hư không không có sai biệt mà các phương có như thế như thế
mọi thứ sai biệt. Đây cũng như vậy. Như Lai, ở trong chánh vị quyết định của tất
cả mà khéo phương tiện lập ra các địa, đây là Thanh văn địa, đây là Bích Chi
Phật địa, đây là Bồ-tát địa, đây là Phật địa. Tuy chánh vị không có sai biệt mà
các thừa có sai biệt.
Lý do vì sao có các thừa, Bậc Đại trí giải thích đầy đủ.
Tam thừa là phương tiện giúp người tu ngược dòng hoàn tịnh, trở lại với cái gọi
là “tánh chánh vị quyết định” sẵn đủ trong mỗi người. Tùy sở dục và căn nghiệp
của chúng sinh mà lập ra các thừa này. Ba thừa này thuộc xuất thế gian, còn hai
thừa thế gian là Nhân và Thiên thừa, gọi chung là Ngũ thừa.
Tam thừa cũng là phương tiện giúp chư Bồ-tát nương đó giáo hóa chúng sinh. Cần
thân Tiểu thừa thì có thân Tiểu thừa. Cần thân Đại thừa thì có thân Đại thừa v.v...
Còn chỗ trụ chính của chư vị vẫn là tánh chánh vị quyết định. Tùy nguyện lực và
căn hạnh của chúng sinh ở các đường mà hiện thân hóa độ.