Vài suy nghĩ về thiền phái Trúc lâm trong bức tranh Phật giáo Việt nam

vai suy nghi ve

VÀI SUY NGHĨ VỀ THIỀN PHÁI TRÚC LÂM

TRONG BỨC TRANH PHẬT GIÁO VIỆT NAM

Thích Trung Hữu

 

Khi có một hiện tượng mới ra đời thì sẽ có nhiều ý kiến, nhận định khác nhau về hiện tượng đó. Những nhận định này có khi rất trái chiều, tùy theo nhận thức và thậm chí là tình cảm của từng người. Điều này cũng xãy ra đối với việc Hòa thượng Thích Thanh Từ khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm. Khi Hòa thượng Thanh Từ từ bỏ nếp sống và cách hành trì của các chùa Bắc tông (chỉ cho đại đa số các chùa tu theo Tịnh độ hoặc Thiền, Tịnh, Mật kiêm tu) đương thời để lên núi tu thiền và sau đó là khôi phục lại dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập ở thế kỷ XIII thì có một số người đồng tình và một số người không đồng tình. Những người không đồng tình thì cho rằng Hòa thượng làm như vậy là chia rẽ mối đạo, gây ra sự phân biệt giữa Bắc tông và Thiền tông và nhiều ý kiến khác không tiện nêu ra nơi đây.

Thật ra mỗi người đều có cách nhận định, đánh giá của riêng mình, cho nên chúng tôi cũng không muốn đánh giá nhận định nào đúng nhận định nào sai, mà chúng tôi chỉ nêu lên nhận định của cá nhân mình về vấn đề mà thôi. Tôi thấy rằng việc Hòa thượng Thích Thanh Từ lui về núi ẩn tu theo cách riêng của Ngài cho thấy Ngài là một người tu có nhiều tâm huyết với Phật pháp và đường hướng tu hành nói chung. Ngài không đồng tình với cách tu hành và sinh hoạt của Phật giáo đương thời, mà theo ngài là quá hướng ngoại, cho nên muốn làm cái gì đó khác biệt và hiệu quả hơn. Nói cách khác, ngài cho rằng mục đích của người tu là phải giác ngộ, phải minh tâm kiến tánh, nhưng nếu tu theo cách mà đại đa số mọi người đang làm bấy giờ thì không thể nào đạt được mục đích đó. Chính ngài cũng đã nhiều lần bày tỏ về điều này, ví dụ như trong bài “Lý tưởng tối hậu”, ngài viết:

“Tại sao tôi đã tuyên bố: “Thiền viện Trúc Lâm là lý tưởng tối hậu trong đời tu của tôi?” Bởi vì trước kia tôi đã từng ở tại các Phật học đường, và sau này cũng đi dạy ở các Phật học đường, giao tiếp với chư Tăng, chư Ni mọi nơi. Tôi thấy rõ, trong giới tu sĩ Phật giáo chúng ta thường có cái bệnh là thiếu hòa hợp. Bởi thiếu hòa hợp, cho nên ở nơi nào cũng thường xảy ra những chuyện vui buồn đáng tiếc. Vì vậy, tôi thấy đó là một nỗi buồn! Lại nữa, tôi nhìn thấy Tăng Ni ở các Phật học viện cũng như các nơi, phần lớn bị vấn đề kinh tế chi phối. Vì phải lo cho có ăn, có mặc và có những phương tiện học tập, mà Tăng Ni không còn đủ thời gian để tu, để học. Tôi lại thấy Tăng Ni chúng ta, vì những việc bên ngoài lôi cuốn rồi phải chạy theo; bị chi phối rất lớn bởi những đám tiệc của Phật tử, bởi những lễ lược trong chùa và khách khứa từ thân nhân huynh đệ qua lại tới lui với nhau, làm mất hết bao nhiêu thời gian quý báu trong lúc tu hành cũng như học tập. Vì vậy mà tôi rất đáng tiếc… Khi thiền viện Trúc Lâm đã thành tựu, có Tăng Ni tụ họp tu hành thì tôi lập bản Thanh quy (hay Nội quy); trong đó điều kiện tiên quyết, là tôi bắt Tăng Ni ở đây phải thực hiện cho được phép sống Lục hòa. Bởi vì chúng ta là người tu, là người hướng dẫn, chỉ dạy cho Phật tử tu hành… Nếu nội bộ mình không hòa thuận, không có vui vẻ với nhau thì chúng ta dạy ai, hướng dẫn ai để họ tu hành? Cho nên tôi lấy Lục hoà làm cái then chốt trong cuộc sống của người tu sĩ. Đó là điều thiết yếu. Vì vậy, tôi yêu cầu Tăng Ni hai bên phải cố gắng thực hiện cho được pháp Lục hòa mà tôi cho là tối quan trọng.

Kế đó là tôi thấy rằng, Tăng Ni vì bận sự sống mà mất thời gian tu. Cho nên khi thành lập thiền viện Trúc Lâm tôi đòi hỏi Tăng Ni phải dồn hết thời giờ trong sự tu hành. Muốn được như vậy, thì mọi nhu cầu về ăn, mặc, thuốc men… thiền viện chúng tôi chịu trách nhiệm hết: lo cho Tăng Ni đủ ăn, đủ mặc, bệnh hoạn có thuốc thang… để cho Tăng Ni không còn bận tâm về tài chánh. Nhờ không bận tâm về tài chánh nên yên ổn tu hành, mới mong có những tiến bộ. Đó là điều thứ hai.

Thứ ba là, tôi biết sự giao thiệp qua lại tới lui sẽ chiếm mất thời gian tu hành của Tăng Ni. Cho nên tôi quyết tâm ngang đây, những vị nào phát nguyện vào thiền viện tu hành, thì phải gìn giữ điều kiện không được đi nơi này nơi kia, chỉ một hai trường hợp đặc biệt mới được đi, đó là hạn chế sự đi lại. Hơn nữa, ở đây Phật tử cúng kính, cầu nguyện chỉ tới ghi tên, rồi chư Tăng chư Ni trong buổi sám hối nguyện cầu cho, chứ không đi đám chỗ này chỗ kia mất thời gian tu của Tăng Ni. Đó là điều thứ ba…

Đó là những điều mà trước kia tôi thấy nó làm trở ngại cho Tăng Ni tu hành khó tiến bộ. Cho nên, khi thành lập thiền viện Trúc Lâm, những trở ngại đó tôi quyết tâm vượt qua, để tạo điều kiện cho Tăng Ni tu đến nơi đến chốn. Khi thành lập thiền viện Trúc Lâm, tôi tin rằng sẽ tạo đủ điều kiện cho Tăng Ni tu hành được tiến bộ, thì đó là mãn nguyện của chúng tôi. Vì vậy mà thiền viện Trúc Lâm, tôi cho là lý tưởng tối hậu ở chỗ đó. Lý tưởng tối hậu không phải đời tôi tới đây là chấm dứt, không truyền bá, không làm Phật sự, mà tối hậu là vì những hoài bão ôm ấp từ trước đến đây tôi thực hiện được. Tôi làm được những gì mà trước kia tôi thấy còn thiếu sót nơi tôi, tôi bổ túc lại cho đầy đủ. Đó là cái mãn nguyện của tôi.”[1]

Điều trăn trở của Hòa thượng Thanh Từ cũng chính là điều mà một bộ phận Tăng Ni đang mong đợi. Điều này có thể thấy ở việc ngay sau khi thành lập Thiền phái Trúc Lâm thì có rất nhiều người theo Hòa thượng tu học. Điều này chứng tỏ pháp môn thiền của Hòa thượng đã đáp ứng đúng nguyện vọng và khát khao tu tập của nhiều Tăng Ni và Phật tử. Hòa thượng Thanh Từ có lần tâm sự rằng lúc đầu ngài nghĩ rằng sẽ chỉ có vài ba chục người theo tu thiền mà thôi, không ngờ lại có rất nhiều người ham thích tu thiền như vậy. Chính vì thế mà Hòa thượng phải thành lập nhiều thiền viện làm nơi giáo hóa và hướng dẫn tứ chúng tu hành:

- Thiền viện Chân Không, núi Tương Kỳ - Vũng Tàu, thành lập tháng 4-1971; dời về Thường Chiếu năm 1986, được phép tái thiết năm 1995.

- Thiền viện Thường Chiếu, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, thành lập tháng 8-1974.

- Thiền viện Viên Chiếu, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, thành lập tháng 4-1975.

- Thiền viện Huệ Chiếu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 4-1979.

- Thiền viện Linh Chiếu, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai, thành lập tháng 2-1980.

- Thiền viện Phổ Chiếu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, thành lập tháng 6-1980.

- Thiền viện Tịch Chiếu, Long Hải, thành lập tháng 7- 1987.

- Thiền viện Liễu Ðức, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.

- Thiền viện Trúc Lâm, Ðà Lạt, tỉnh Lâm Ðồng, thành lập tháng 4- 1993.

- Chùa Lân - Thiền viện Trúc Lâm Yên Tử, tỉnh Quảng Ninh thành lập 2002.

- Thiền viện Tuệ Quang, Linh Trung, Thủ Ðức, thành phố Hồ Chí Minh.

- Thiền viện Hương Hải, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.

- Thiền viện Ðạo Huệ, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.

- Thiền viện Tuệ Thông, Long Thành, tỉnh Ðồng Nai.

- Thiền viện Ðại Ðăng, Bonsall, California, Hoa Kỳ, thành lập năm 2001.

- Thiền viện Quang Chiếu, Forthworth, Texas, Hoa Kỳ, thành lập năm 2000.

- Thiền viện Bồ Ðề, Boston, Hoa Kỳ, thành lập năm 2002.

- Thiền viện Diệu Nhân, Sacramento, Hoa Kỳ, thành lập năm 2002.

- Thiền tự Ngọc Chiếu, Garden Grove, California, Hoa Kỳ.

- Thiền tự Vô Ưu, San Jose, California, Hoa Kỳ.

- Thiền tự Ðạo Viên, Québec, Canađa, thành lập năm 2002.

- Thiền tự Thường Lạc (Pháp).

- Thiền tự Pháp Loa (Úc).

- Thiền tự Hiện Quang (Úc).

- Thiền tự Hỷ Xả (Úc).

- Thiền viện Tiêu Dao (Úc).

- Thiền tự Tuệ Căn (Úc).

Còn số lượng Phật tử tại gia quy y với Hòa thượng thì lại càng nhiều hơn nữa. Tổng số Phật tử phát tâm quy y trong và ngoài nước là 84.860 người (trong nước: 175.260 người, nước ngoài: 9.600 người.[2] Điều này cho thấy con đường Hòa thượng đi là đúng đắn và có hiệu quả.

Tuy nhiên, nếu như chê bai là một cực đoan thì việc thổi phồng vấn đề lại là một cực đoan khác. Những người ủng hộ Thiền phái Trúc Lâm không những cho rằng việc phục hưng lại dòng thiền Trúc Lâm là cần thiết, vì đó là dòng thiền của người Việt Nam, do người Việt Nam sáng lập mà còn cho rằng Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mới là Phật giáo Việt Nam chính thống, còn những thiền phái hay tông phái khác là của ngoại quốc. Cho nên người Việt Nam thì phải tu theo Thiền Trúc Lâm mới là tu đúng.

Bản thân tôi rất đồng tình với việc Hòa thượng Thanh Từ chủ trương tu thiền và khôi phục thiền phái Trúc Lâm, việc làm đó đã đem lại luồng sinh khí mới cho Phật giáo cũng như đem lại lợi ích cho rất nhiều người, những người có nhu cầu tu thiền. Tuy nhiên, cho rằng Thiền phái Trúc Lâm mới là Phật giáo chính thống của người Việt thì tôi cho rằng đó là một quan niệm cực đoan hoặc cái nhìn phiến diện. Chúng ta biết rằng sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm mang tính lịch sử cụ thể, vừa thể hiện tinh thần độc lập tự chủ tự hào dân tộc, cũng vừa đáp ứng nhu cầu thống nhất, đoàn kết của dân tộc lúc bấy giờ.

Có thể nói từ khi Ngô Quyền đánh đuổi quân Nam Hán vào năm 938 thì nước ta mới có khái niệm độc lập thật sự. Từ đó ý thức về chủ quyền đất nước, tinh thần độc lập, tự cường của dân tộc ngày càng phát triển và đến triều đại nhà Trần thì đạt đến đỉnh điểm sau ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông. Nếu chỉ có sự độc lập về lãnh thổ thì chưa phải là độc lập hoàn toàn. Muốn độc lập hoàn toàn thì phải có sự độc lập trên những lĩnh vực khác thuộc thượng tầng kiến trúc, trong đó tôn giáo có vai trò vô cùng quan trọng. Đến thời nhà trần thì nước ta có ba dòng thiền là Tì-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường. Cả ba dòng thiền này đều có nguồn gốc từ nước ngoài là Ấn Độ và Trung Hoa. Để thực hiện/thể hiện tinh thần độc lập dân tộc đối với nước ngoài, nhất là với Trung Quốc, cũng như thống nhất về mặt tư tưởng, tạo nên khối đại đoàn kết dân tộc để xây dựng đất nước vững mạnh, Trần Nhân Tông với tư cách là một quân chủ và là một Thiền sư đã giác ngộ, đã thành lập Giáo hội Trúc Lâm để thực hiện sứ mệnh lịch sử của dân tộc lúc bấy giờ. Nói về sự ra đời và vai trò của Thiền phái Trúc Lâm, các nhà nghiên cứu đã có những nhận định như sau:

 “Chúng ta nhìn lại lịch sử Phật Giáo Việt Nam hẳn thấy nổi bật một nét đột phá vô cùng thú vị - Một Thiền phái mang tên Việt Nam, với ông Tổ người Việt Nam, lại là một vị vua anh hùng của dân tộc. Đây là một chấm son trên lịch sử dân tộc nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng. Ðặt trong tương quan giữa Phật giáo và văn hóa dân tộc, dòng Thiền Trúc Lâm Yên Tử có một vị trí đặc biệt, sự ra đời Thiền phái đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Nhưng đồng thời cũng có thể tu chứng trên cơ sở nền tảng giáo giáo pháp của Phật”.[3] Thiền phái Trúc Lâm đã nhập thế cùng dân tộc trong sự nghiệp phát triển đất nước. Điều này không chỉ tạo ra bản sắc Thiền tông Đại Việt mà còn tác động mạnh mẽ vào đời sống chính trị văn hóa xã hội nước nhà. Việc định hướng bảo vệ chủ quyền dân tộc, mở rộng biên cương, chấn hưng văn hóa Đại Việt của nhà Trần đều mang dấu ấn quan điểm Phật giáo, nhất là tư tưởng tùy duyên mà vui với đạo của Thiền phái. Sự thành công của nhà Trần là nhờ các ông vua lãnh đạo đất nước biết vận dụng tư tưởng “Cư trần lạc đạo” của Trần Nhân Tông để huy động sức mạnh đoàn kết toàn dân. Tiềm lực dân tộc trước hết nằm ở lòng yêu nước của toàn dân để xây dựng Đại Việt thành một quốc gia hùng cường mà không có một thế lực nào ngăn cản được.[4]

Hơn nữa chúng ta nên nhớ rằng Thiền phái Trúc Lâm là tiếp nối và tổng hợp những tính chất phù hợp với thời đại của ba thiền phái đương thời chứ không phải toàn bộ tính chất của ba thiền phái ấy. Mà cho dù Thiền phái Trúc Lâm bao hàm tất cả tính chất của ba thiền phái thì cũng không thể nào gọi là bao hàm tất cả Phật pháp, vì ba thiền phái Tỳ-ni-đa-lưu-chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường cũng chỉ là những chi nhánh thiền của Ấn Độ và Trung Hoa mà thôi. Mà chúng ta biết, Thiền cũng chỉ là một pháp tu trong vô lượng pháp tu trong Phật pháp và một tông phái trong nhiều tông phái của Phật giáo. Phật giáo bao la rộng lớn vô cùng chứ không phải chỉ có Thiền. Mỗi tông phái hay pháp môn nhấn mạnh vào một khía cạnh tu tập và hành đạo theo chủ trương của tông phái hay pháp môn đó. Cho nên hẳn nhiên pháp môn hay tông phái nào cũng có hiện tượng “được cái này thì mất cái kia”, và do đó cũng hẳn nhiên là thích hợp với người này thì không thích hợp với người kia về mặt tu học, cũng như làm được cái này thì không làm được cái kia về mặt xã hội. Riêng ở nước ta, trước và sau triều đại nhà Trần có rất nhiều pháp môn tu học và dòng thiền khác nhau. Chúng ta đừng quên rằng Thiền phái Trúc Lâm chỉ truyền thừa có ba đời, từ Trần Nhân Tông, đến Pháp Loa rồi sau đó là Thiền sư Huyền Quang thì không còn truyền nữa trên thực tế.[5] Vậy chẳng lẽ trước và sau Phật giáo Trúc Lâm thì Phật giáo không mang tính dân tộc cũng như sau khi Phật giáo Trúc Lâm không còn thì Phật giáo Việt Nam cũng không còn nữa? Cho nên nếu cho rằng Thiền phái Trúc Lâm mới là Phật giáo Việt Nam chính thống, đại diện cho toàn thể Phật giáo Việt Nam là cái nhìn cực đoan và thiếu sót.

Chúng sinh đa bệnh, Phật pháp đa phương. Ngay tại Ấn Độ, khi Đức Phật còn tại thế hay sau khi Ngài nhập diệt đều có nhiều phương pháp tu và tông phái khác nhau rồi. Khi Phật giáo truyền sang các nước thì mỗi nước đều có thành lập tông phái mới để thích ứng với thời đại và con người. Mỗi tông phái ra đời để đảm nhận một vai trò lịch sử cụ thể cũng như đại biểu cho một phương pháp tu tập nhất định, nhưng không có tông phái nào có thể thay thế, bao hàm hay đại diện cho tất cả những tông phái khác. Nếu có một tông phái như vậy thì tông phái đó phải mang tên là tông phái Phật giáo mà người sáng lập là Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Và sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử ở Việt Nam cũng nằm trong xu hướng đó. Chúng ta đồng tình và tự hào mình có một thiền phái mang tên Việt Nam với ông Tổ là người Việt Nam. Sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm cũng như sự phục hưng của thiền phái ấy đã đem lại lợi ích cho không biết bao nhiêu người con Phật đang tu học trong thời hiện đại. Tuy nhiên chúng ta cũng không nên phóng đại, cho rằng chỉ có Thiền phái Trúc Lâm mới là Phật giáo chính thống của người Việt, là đại diện duy nhất của Phật giáo Việt Nam, rằng người Việt thì phải theo Phật giáo Trúc Lâm mới là yêu nước, mới có tinh thần dân tộc. Phật giáo Việt Nam, ngoài Thiền phái Trúc Lâm còn có những thiền phái và tông phái Phật giáo khác, đều mang hương vị giải thoát của Phật pháp và đều vô cùng quan trọng và cần thiết cho dân tộc và đạo pháp nói chung.

 Nói tóm lại, sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm “như một chấm son trên dòng lịch sử dân tộc nói chung và Phật giáo Việt Nam nói riêng”, góp phần tạo nên bức tranh Phật giáo Việt Nam hoàn chỉnh vậy.


 

[1] http://www.thuongchieu.net/index.php/component/content/article?id=454

[2] PGS.TS Đỗ Văn Trụ, Hòa thượng Thích Thanh Từ: Người phục hưng Thiền phái Trúc Lâm Việt Nam thế kỷ 20 - 21 (https://phatgiao.org.vn/hoa-thuong-thich-thanh-tu-nguoi-phuc-hung-thien-phai-truc-lam-viet-nam-the-ky-20--21-d35709.html).

[3] Hương Lam, Tổng lượt về Thiền phái Trúc Lâm (https://nghiencuulichsu.com/2018/11/02/tong-luoc-ve-thien-phai-truc-lam/).

[4]  Lan Anh- Đặng Khanh, Thiền phái Trúc Lâm - sự ra đời của Phật giáo Việt Nam (https://vov.vn/van-hoa-giai-tri/thien-phai-truc-lam-su-ra-doi-cua-phat-giao-viet-nam-294798.vov).

[5] Sau khi Tổ Huyền Quang mất (1334), không tìm thấy tư liệu nói về Thiền phái Trúc Lâm. Đến thế kỷ XVII, mới có tài liệu nói rằng ngài Hương Hải (1625-1715) là một Thiền sư thuộc Thiền phái Trúc Lâm. Ngài đã tạo ra một âm hưởng lớn cho Thiền phái sau mấy trăm năm trầm lắng. Vào nửa cuối thế kỷ XVII, xuất hiện Thiền sư Chân Nguyên Tuệ Hải. Ngài vốn đắc pháp ở tông Lâm Tế nhưng lại là người muốn làm sống lại tinh thần Thiền phái Trúc Lâm. Ngài là tác giả cuốn Thiền tông bản hạnh, kể về cuộc đời tu hành và ngộ đạo của năm vị vua Trần. Sau thời kỳ này, một lần nữa lịch sử Thiền phái lại rơi vào giai đoạn trầm lắng cho đến cuối thế kỷ XX với sự xuất hiện của Hòa thượng Thanh Từ, người có tâm huyết muốn khôi phục Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Hay như trong quyển Đại Nam Thiền uyển truyền đăng tập lục của Hòa thượng Thích Phúc Điền ở Bồ Sơn (Bắc Ninh) khắc in vào đầu năm Kỷ Mùi (1859) có liệt kê đến mười mấy thế hệ truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm sau ngài Huyền Quang, nhưng đây cũng chỉ là “những điều ông nghe về việc truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đời Trần” (Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Tập 1, NXB.Văn Học, Hà Nội, 1992, tr.102) chứ không có chứng cứ lịch sử gì chính xác. Các thế hệ đó là:

- Trúc Lâm Trần Nhân Tông

- Tổ sư Pháp Loa

- Tổ sư Huyền Quang

- Quốc sư An Tâm

- Quốc sư Phù Vân (hiệu Tĩnh Lự)

- Quốc sư Vô Trước

- Quốc sư Quốc Nhất

- Tổ sư Viên Minh

- Tổ sư Đạo Huệ

- Tổ sư Viên Ngộ

- Quốc sư Tổng Trì

- Quốc sư Khuê Thám

- Quốc sư Sơn Đằng

- Đại Sư Hương Sơn

- Quốc sư Trí Dung

- Tổ sư Tuệ Quang

- Tổ sư Chân Trú

- Đại sư Vô Phiền

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle