Hoằng pháp hải ngoại: Kênh ngoại giao văn hóa tâm linh

hoangphap

HOẰNG PHÁP HẢI NGOẠI: KÊNH NGOẠI GIAO VĂN HÓA TÂM LINH

Thích Thanh Tâm[1]

Tóm tắt

 Đại lễ Vesak 2019 thành công khiến cộng đồng Phật giáo thế giới hiểu sâu sắc hơn nữa về vẻ đẹp con người, đất nước, văn hóa Việt Nam nói chung cũng như truyền thống tín ngưỡng tâm linh Phật giáo nói riêng. Điều đó cho thấy vị trí, vai trò của Phật giáo Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo cũng như sự đóng góp trách nhiệm đối với các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Liên Hiệp Quốc.

Do đó, trên nền tảng nền văn hóa cùng khả năng tạo dựng sức mạnh mềm trong dòng chảy đổi mới và hội nhập quốc tế, Phật giáo Việt Nam đã nhận thức vai trò quan trọng của ngoại giao văn hóa tâm linh thông qua sứ mệnh hoằng pháp là để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại Phật giáo nhằm đạt được các mục tiêu đóng góp quốc tế. Vì vậy, để hiện thực hóa Tuyên bố Hà Nam, tiếp tục thực hiện hoằng pháp lợi sanh trong thời đại toàn cầu hóa, Ban hoằng Pháp TƯ kết hợp với Ban trị sự GHPGVN tỉnh Thừa Thiên - Huế tổ chức hội thảo Hoằng pháp hải ngoại - một kênh hoằng pháp mang tính đặc thù, chuyên trách, là cánh tay nối dài của Ban Hoằng pháp TƯ - với chủ đề: “Sứ mệnh hoằng pháp trong xu hướng toàn cầu hóa”. Bài viết này đề cập sứ mệnh hoằng pháp hải ngoại như một kênh ngoại giao văn hóa tâm linh giới thiệu sức mạnh mềm của Phật giáo Việt Nam trong thời kỳ hội nhập quốc tế.

Từ khóa: Hoằng pháp lợi sanh, hội nhập quốc tế, ngoại giao văn hóa tâm linh, sức mạnh mềm, thời đại mới.

1. Khái niệm ngoại giao văn hóa

Trong thời đại toàn cầu hóa và với sự nổi trội của xu hướng đối thoại thay cho đối đầu, ngoại giao văn hóa được xem là một trong ba trụ cột chính của hoạt động ngoại giao, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế; bởi vì văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững của đất nước; là một trong những nhân tố then chốt tạo nên sức mạnh mềm của một quốc gia.

Vậy, ngoại giao văn hóa là gì? Đó là hoạt động ngoại giao gắn liền với văn hóa; sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại của quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ của quốc gia trên thế giới. Đồng thời, đó là sự giao lưu những tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, lối sống, hệ giá trị truyền thống, tín ngưỡng và các phương diện khác của văn hóa nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau; hoặc là quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, trong đó các thiết chế, hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương.

Như vậy, ở góc độ quan hệ quốc tế, có thể khái quát ngoại giao văn hóa như sau: “Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia là phát triển, an ninh và ảnh hưởng.[2] Ở đây, cũng cần phân biệt rõ giữa ngoại giao văn hóa và văn hóa ngoại giao. Ngoại giao văn hóa là dùng văn hóa để làm ngoại giao, trong khi đó văn hóa ngoại giao thiên về những biểu hiện, cách ứng xử của các cán bộ ngoại giao hoặc cách thức giải quyết vấn đề đối ngoại của một quốc gia dựa trên tư tưởng, chính sách và các ảnh hưởng văn hóa.

2. Sứ mệnh hoằng pháp hải ngoại

Thời kỳ hội nhập cộng đồng quốc tế, sự sinh hoạt của con người thời đại hiện nay, đã và đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt. Khoa học càng phát triển, nhu cầu quyền lợi vật chất càng tăng, kinh tế một số các quốc gia đang lâm vào tình trạng khủng hoảng, kéo theo một chuỗi của nạn thất nghiệp, khủng hoảng môi trường sinh thái, những tệ nạn xã hội và  tội ác lại gia tăng.

Cho nên, để giải quyết vấn đề đó, con người phải thực thi tinh thần nhân đạo, nêu cao đời sống luân lý, đạo đức vì lợi ích toàn cầu và vì hạnh phúc con người. Trong chiều hướng này, Phật giáo không chỉ góp phần cải tạo về mặt xã hội mà còn đóng góp về mặt đời sống tinh thần. Việc tiếp nối truyền thống lịch đại Tổ sư, xiển dương lời Phật, ngày nay đang mở rộng đến các quốc gia, tạo nên một sự khả quan, một niềm khích lệ lớn, một diện mạo mới của Phật giáo cùng với một hướng nhìn tích cực, thích nghi với mọi hoàn cảnh hơn.

Do đó, hoằng pháp hải ngoại với sứ mệnh khẳng định truyền thống lịch sửgiá trị nhân bản của Phật giáo, một tôn giáo hòa bình, hữu nghị, hợp tác cùng phát triển trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam. Đồng thời giới thiệu hình ảnh đất nước, con người Việt Namvăn hóa truyền thống và lịch sửvăn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam đến với kiều bào cũng như bạn bè quốc tế.

Ngày nay, Việt Nam đang tham gia và hội nhập ngày càng sâu rộng vào các diễn đàn kinh tế khu vực cũng như mở rộng làm bạn đối tác với tất cả các nước trên thế giới. Nhà nước quan tâm đến đời sống an sinh, nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần không những trong nước mà còn kiều bào ở nước ngoài. Song song với đà phát triển ấy, Phật giáo Việt Nam ngày càng củng cố và phát triển vững mạnh về mọi mặt. Sự thống nhất về cơ chế hoạt động từ trung ương đến địa phương đã làm cho Phật giáo ngày càng hoạt động có hiệu quả, mang lại lợi ích thiết thực vào trong đời sống văn hóa, tâm linh.

3. Xây dựng Phân ban Hoằng pháp hải ngoại như một kênh ngoại giao văn hóa tâm linh

Những năm đầu thế kỷ XXI, ngoại giao văn hóa đặc biệt chú trọng vì khả năng giải quyết những thách thức lớn - sự bất bình đẳng, nghèo đói và xung đột - của thời đại theo hướng bền vững, dựa trên sự tôn trọng con người, tôn trọng văn hóa và lối sống của nhau. Do đó, các nguyên tắc của ngoại giao văn hóa bao gồm: thừa nhận, thấu hiểu, đối thoại - nghĩa là thừa nhận các giá trị văn hóa của nhau, chia sẻ và cùng đối thoại vì các mục đích chung.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa, văn hóa tâm linh càng trở nên quan trọng trong mối liên hệ với ý nghĩa là sức mạnh mềm trong Phật giáo. Văn hóa tâm linh có sức thâm nhập mạnh nên phải chú ý nhiều đến các chủ đề văn hóa, như đa dạng văn hóa, tiếp biến va đối thoại giữa các nền văn hóa - văn minh. Cho nên, việc sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản của chính sách đối ngoại quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ, đồng thời, thiết lập, phát triển và duy trì quan hệ với những quốc gia khác bằng phương tiện văn hóa, nghệ thuật và giáo dục. Đây cũng là quá trình hoạt động đối ngoại chủ động, nhằm quảng bá các hệ giá trị và bản sắc văn hóa, qua đó nâng cao sức mạnh mềm, tạo vị thế cho quốc gia đó. 

Vì vậy, hoằng pháp hải ngoại là kênh ngoại giao văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam thể hiện ở nội dung chủ yếu sau: 

Một là, truyền bá giáo pháp, góp phần giới thiệu đường lối tu học, truyền thống tâm linh Phật giáo Việt Nam với kiều bào cũng như cộng đồng Phật giáo thế giới. Thực hiện sứ mệnh hoằng pháp độ sanh để báo ân Đức Phật, dựng lại những gì đã đổ vỡ, bật đèn soi chiếu trong bóng tối đêm dài, chỉ đường sáng bỏ lối mê, đưa người qua bờ giác, xây dựng tịnh độ nhân gian, góp phần giải quyết các vấn nạn toàn cầu, phát triển xã hội bền vững.

Hai là, tiếp thu có chọn lọc. Hoằng pháp hải ngoại chính là kênh mang văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam ra quảng bá cho kiều bào cũng như cộng đồng Phật tử các nước, hướng tới việc nâng cao sự hiểu biết đúng đắn, khuyến khích việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa và truyền thống dân tộc. Bên cạnh việc truyền bá văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam ra thế giới, hoằng pháp hải ngoại còn tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa, tư tưởng nhân văn, giá trị đạo đức, tri thức, khoa học tiên tiến trên thế giới và cả văn hóa tâm linh các truyền thống Phật giáo các nước để làm phong phú, hiện đại và giàu đẹp nền văn hóa Phật giáo Việt Nam.

Ba là, thúc đẩy quan hệ hợp tác quốc tế Phật giáo. Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2019 tại Hà Nam là ngoại giao văn hóa mang tính quốc tế trên quê hương Việt Nam. Từ chủ đề hội thảo cho đến các hoạt động và Tuyên bố chung Hà Nam cho thấy mối quan hệ hợp tác trên tầm quốc tế đã và đang hình thành, nhờ thuận lợi hơn trong việc thiết lập sự cảm thông, sự tin tưởng, nâng cao sự hiểu biết và chấp nhận lẫn nhau nhằm tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác cùng phát triển. Cho nên, cần định hướng phát triển ngoại giao văn hóa tâm linh Phật giáo Việt Nam trên bình diện quốc tế.

4. Kết luận

Như vậy, xây dựng Phân ban Hoằng pháp hải ngoại như một kênh hoạt động ngoại giao văn hóa tâm linh, giữ vị trí nền tảng tinh thần của hoạt động hoằng pháp hải ngoại, qua việc thực hiện các hình thức trao đổi văn hóa, giao lưu nghệ thuật, triển lãm cổ vật, hoạt động nghi lễ, thuyết pháp, hội thảo, trao đổi học thuật, v.v. để  nhằm mang thông điệp hòa bình, an lạc giải thoát của Đức Thế tôn hướng đến một nếp sống hạnh phúc. Đồng thời, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa tâm linh Phật giáo nhằm tạo ra uy tín, vị thế và ảnh hưởng của Phật giáo Việt Nam với thế giới trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. 

Tài liệu tham khảo

1. Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp chủ biên (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, Khoa QHQT - Đại học KHXH&NV TPHCM.

 2. Thích Thanh Tâm (2019), Ngoại giao văn hóa qua Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2019 tại Việt Nam, bản thảo.

3. Thích Thanh Tâm (2019), Đề xuất xây dựng chuyên ngành đào tạo Quan hệ Phật giáo quốc tế, bản thảo.

4. Thu Thảo, Vesak 2019: Phật giáo Việt Nam trong hội nhập quốc tế - Vì hòa bình bền vững, https://vov.vn/xa-hoi/vesak-2019-phat-giao-viet-nam-trong-hoi-nhap-quoc-te-vi-hoa-binh-ben-vung-908218.vov

5. Bách Thiện, Hoạt động hội nhập quốc tế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, http://btgcp.gov.vn/Plus.aspx/vi/News/38/0/243/0/ 3089/Hoat_dong_hoi_nhap_Quoc_te_cua_Giao_hoi_Phat_giao_Viet_Nam


 

[1] Đại đức, Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ quốc tế, Ủy viên Ban Hoằng pháp TƯ GHPGVN

 

[2] Đào Minh Hồng - Lê Hồng Hiệp chủ biên (2013), Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ Quốc tế, (TPHCM: Khoa QHQT - Đại học KHXH&NV TPHCM.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle