Tản mạn về chữ hiếu hôm nay

tan man ve chu hieu

Tản mạn về chữ hiếu hôm nay

Nguyên Cẩn

Liệu bàn về chữ Hiếu có phải là một đề tài quá cũ rồi không khi cứ mỗi năm vào mùa Vu lan, báo nào cũng có nhiều bài viết về chữ Hiếu, cả xưa và nay, cả chuyện tương đồng và dị biệt giữa quan niệm của Khổng giáo và Phật giáo… Hãy thữ nghĩ đến những câu chuyện quanh ta xem có thể tìm ra một định nghĩa gần gũi và thực tiễn cho chữ Hiếu hôm nay chăng? Và xem nội hàm chữ Hiếu ấy gồm những thuộc tính gì?

Hiếu và lòng tự trọng

Một người bạn chúng tôi trong một lần chuyện phiếm quanh bàn café, tình cờ “khoe” rằng con anh học trường TĐN, một trường trung học danh giá của TP.HCM , dặn anh rằng khi ba chở con đến trường, nhớ dừng xe xa cổng trường. Hỏi tại sao, nó bảo vì ba đi xe gắn máy, đừng để mấy đứa bạn nó thấy. Còn khi họp phụ huynh, nó bảo ba đừng phát biều gì hết. Anh bạn chúng tôi là một người rất giỏi ăn nói, lại từng ở trong quân đội nên không phải “type” trầm lặng, ai nói sao nghe vậy, nhưng vì con dặn vậy nên anh đành ngậm miệng . Anh tự an ủi: “Nó nói cũng đúng mấy ông à, tới lúc đóng góp cho trường, họ đóng vài chục triệu còn mình chỉ có một, hai triệu, ăn thua gì (!)”.

 Chúng tôi nghe xong cũng hơi ngậm ngùi. Có người buột miệng, nói nhỏ: “May sao con tôi nó không suy nghĩ như thế!” Tôi chợt nhớ tới truyện ngắn “The Snob” (Kẻ rởm đời) của Callaghan. Câu chuyện về chàng sinh viên trẻ John Harcourt đi với người yêu của mình vào tiệm sách của khu thương xá. Bất ngờ, chàng thoáng nhìn thấy cha mình qua “…cái màu phía sau cổ của ông già, chiếc mũ nỉ bạc màu.”  Người cha đã làm lụng vất vả cho chàng vào đại học. Harcourt giả lơ không nhìn ông cụ. Chàng cảm thấy xấu hổ về bộ dạng của cha mình, “Tại sao ông cụ lại ăn mặc như thể trong đời chưa bao giờ có một bộ quần áo tốt đẹp?... Trong chàng dấy lên một một nỗi bực dọc khôn tả.” Chàng sợ người yêu mình gặp ông cụ thì đỗ vỡ bao “hình tượng” bóng bẩy bấy lâu. Chàng nói với người yêu hãy mau ra khỏi tiệm sách vì chàng biết là cha đã nhìn thấy mình. “Chàng biết chắc như vậy vì vẻ bình thản trong đôi mắt xanh của ông cụ. Niềm xấu hổ trong chàng trào dâng và nó làm chàng đau khổ khi chàng đứng đó bất động, không biết làm gì cả…” Tác giả mô tả câu cuối cùng: “Chàng nắm chặt lấy tay Grace (tên cô người yêu - NV) như muốn ghì chặt lấy cái gì thân thương nhất trong đời, như sợ nó có thể vuột khỏi tầm tay… và trong đầu chàng lại hiện lên và còn tiếp tục hiện lên hình ảnh cha chàng đã lặng lẽ bỏ đi và ông cụ không quay đầu trở lại.”[i]

Hai cậu con trai ấy thiếu gì và thừa gì? Họ thừa “ảo tưởng” bản thân và thiếu tự trọng. Họ có hiểu về bản thân họ, một cách rõ ràng, cụ thể và đặc biệt họ không dám khẳng định giá trị bản thân trong cuộc sống.

Theo từ điển Tiếng Việt, "tự trọng" là coi trọng và giữ gìn phẩm cách, danh dự của mình, là ý thức coi trọng giá trị bản thân. Người có lòng "tự trọng" là người luôn biết bản thân mình là ai, mình sinh ra trên cuộc đời này để làm gì?. Điều đó được biểu hiện ở chỗ, bạn biết bản thân mình có những điểm mạnh, điểm yếu nào để từ đó bạn biết cách phát huy điểm mạnh và luôn cố gắng tìm cách khắc phục điểm yếu. Đặc biệt, phải trung thực với chính bản thân mình và những người xung quanh.

Thomas Szass đã từng nói rằng: “Người sáng suốt coi lòng tự trọng là không thể thương lượng, và sẽ không đổi nó lấy sức khỏe, sự giàu sang, hay bất cứ thứ gì khác”. Ở bất cứ thời điểm nào con người cũng cần nâng niu, trân trọng lòng tự trọng của bản thân, không vì chút lợi ích mà đánh mất phẩm giá của chính mình.

Nói thế nghĩa là phải chấp nhận hoàn cảnh xuất thân của mình, không che đậy, bưng bít, nói dối hay ngụy tạo một quá khứ gia đình hào nhoáng, huyễn hoặc bản thân, xoe xua chưng diện trong khi cha mẹ phải làm lụng cực khổ chật vật để nuôi mình. Chúng ta kính phục những người con yêu thương cha mẹ, dù giàu hay nghèo, mà nghèo thậm chí còn yêu thương hơn.

Có một câu chuyện trên mạng internet:

Vào một buổi chiều mùa xuân lạnh lẽo, trước cửa quán xuất hiện hai vị khách lạ, có thể đoán là một người cha và một người con. Người cha bị mù, người con trai đi bên cạnh ân cần dìu cha. Cậu con trai trạc mười tám, mười chín tuổi, quần áo đơn giản, lộ rõ vẻ nghèo túng, nhưng từ cậu lại toát lên nét trầm tĩnh của người có học, dường như cậu vẫn đang là một học sinh.

Cậu con trai tiến đến trước mặt tôi. Cậu nói to: “Cho hai bát mì bò!”. Tôi đang định viết hóa đơn, thì cậu ta hướng về phía tôi và xua xua tay. Tôi ngạc nhiên nhìn cậu ta, cậu ta nhoẻn miệng cười biết lỗi, rồi chỉ tay vào bảng giá treo ở trên tường, phía sau lưng tôi, khẽ bảo với tôi rằng chỉ làm một bát mì cho thịt bò, bát kia chỉ cần rắc chút hành là được. Lúc đầu, tôi hơi thắc mắc, nhưng sau đó chợt hiểu ra ngay. Hóa ra, cậu ta gọi to hai bát mì thịt bò như vậy là cố tình để cho người cha nghe thấy, tôi đoán cậu không đủ tiền, nhưng lại không muốn cho cha biết. Tôi cười thông cảm với cậu.

Nhà bếp nhanh nhẹn bê lên ngay hai bát mì nóng hổi. Cậu con trai chuyển bát mì bò đến trước mặt cha, thương yêu chăm sóc: “Cha, có mì rồi, cha ăn đi thôi, cha cẩn thận kẻo nóng đấy ạ!”. Rồi cậu ta tự bưng bát mì nước về phía mình. Người cha không vội ăn ngay, ông cầm đũa dò dẫm đưa qua đưa lại trong bát. Mãi lâu sau, ông mới gắp trúng một miếng thịt, vội vàng bỏ miếng thịt vào bát của người con. “Ăn đi con, con ăn nhiều thêm một chút, ăn no rồi học hành chăm chỉ, sắp thi tốt nghiệp rồi, nếu mà thi đỗ đại học, sau này làm người có ích cho xã hội”. Người cha nói với giọng hiền từ, đôi mắt tuy mờ đục vô hồn, nhưng trên khuôn mặt sạm nắng, nhăn nheo lại sáng lên nụ cười ấm áp và mãn nguyện. Điều khiến cho tôi ngạc nhiên là người con trai không hề cản trở việc cha gắp thịt cho mình, anh điềm nhiên nhận miếng thịt, rồi anh lặng lẽ gắp miếng thịt đó trả về bát mì của cha.

Cứ lặp đi lặp lại như vậy, dường như thịt trong bát của người cha cứ gắp lại đầy, gắp mãi không hết. “Cái quán này thật tử tế quá, một bát mì mà biết bao nhiêu là thịt”. Ông lão cảm động nói. Đứng bên cạnh họ, tôi chợt thấy tim mình thắt lại, trong bát chỉ có vài mẩu thịt tội nghiệp, quắt queo bằng móng tay, lại mỏng chẳng khác gì xác ve. Người con trai nghe vậy vội vàng tiếp lời cha: “Cha à, cha ăn mau ăn đi, bát của con đầy ắp không biết để vào đâu rồi đây này”. “Ừ, ừ, con ăn nhanh lên, ăn mì bò là bổ dưỡng lắm đấy con ạ”.

Hành động và lời nói của hai cha con đã làm chúng tôi rất xúc động. Chẳng biết từ khi nào, bà chủ cũng đã ra đứng cạnh tôi, lặng lẽ nhìn hai thực khách đặc biệt. Vừa lúc đó, cậu Trương đầu bếp bê lên một đĩa thịt bò thơm phức, bà chủ đưa mắt ra hiệu bảo cậu đặt lên bàn của hai cha con nọ. Cậu con trai ngẩng đầu tròn mắt nhìn một lúc, bàn này chỉ có mỗi hai cha con cậu ngồi, cậu ta vội vàng hỏi lại: “Anh để nhầm bàn rồi thì phải?, chúng tôi không gọi thêm thịt bò.” Bà chủ dịu dàng bước lại chỗ họ: “Không nhầm đâu, hôm nay chúng tôi kỷ niệm ngày mở quán, đĩa thịt này là quà biếu khách hàng”. Cậu con trai mỉm cười, không hỏi gì thêm. Cậu lại gắp thêm vài miếng thịt vào bát người cha, sau đó, bỏ phần còn thừa vào trong một cái túi nhựa.

Chúng tôi âm thầm quan sát hai cha con ăn xong, tính tiền, rồi dõi mắt tiễn họ ra khỏi quán. Mãi khi cậu Trương đi thu dọn bát đĩa, chúng tôi bỗng nghe cậu kêu lên khe khẽ. Hóa ra, bát của cậu con trai đè lên mấy tờ tiền giấy xếp gọn, vừa đúng giá tiền của một đĩa thịt bò được viết trên bảng giá của cửa hàng.[ii]

Ta vẫn gặp trong cuộc đời nhiều người rất nghèo về vật chất nhưng lại giàu lòng tự trọng. Lòng tự trọng giúp ta có thêm nghị lực để ngẩng cao đầu, vượt qua khó khăn, nghịch cảnh, sống hạnh phúc vì luôn vững tin vào chính mình.Và lòng tự trọng ấy sẽ khiến cho chữ hiếu sáng thêm vì nó là sự hãnh diện, sự tin tưởng vào lương tri trong sáng của mình.

Chúng ta thấy rằng chàng trai không vì cha mẹ nghèo hèn mà xấu hổ. Hãy nhớ câu chuyện Michael Jordan ngày còn bé đi bán áo cũ nuôi mẹ ốm. Khi ấy anh không hề xấu hổ và anh vẫn tự hào về sự khôn ngoan khi bán được áo cũ dù sau này anh là triệu phú, là cầu thủ lớn của bóng rổ Mỹ…

Hiếu là sự sòng phẳng

Có câu chuyện kể về một đứa con lúc nào cũng mặc cả tiền bạc với mẹ của mình cho những công việc thường ngày: cắt cỏ: 5 đô-la; dọn dẹp: 1 đô-la; đổ rác: 1 đô-la; học tập tốt: 5 đô-la; trông em: 25 xu... Và cậu nhận được câu trả lời nhẹ nhàng của mẹ cũng trên tờ phiếu tính tiền ấy: chín tháng mười ngày trong bụng mẹ: miễn phí; chăm sóc cầu nguyện khi con đau ốm, nhiều đêm thức trắng không ngủ, đồ chơi, thức ăn, quần áo, và cả nước mắt của mẹ do con gây ra: tất cả đều miễn phí; và trên tất cả là tình yêu của mẹ dành cho con: cũng hoàn toàn miễn phí. Khi đọc những giòng chữ này, cậu bé đã xúc động và ghi: Mẹ sẽ được nhận lại đầy đủ (Paid in full) và không dám đòi tiền mẹ nữa.

Chúng ta có bao giờ cảm thấy mình đã “sòng phẳng” với cha mẹ mình chưa? Tôi e rằng chúng ta không bao giờ trả hết ơn cha mẹ. Vì sao ư? Có người bạn tôi giải thích:

 - Tình yêu của cha mẹ giành cho con cái là vô hạn, còn tình yêu của con cái dành cho cha mẹ chỉ là cái gì đó hữu hạn mà thôi.

- Con cái bị bệnh thì cha mẹ hết mình chăm sóc, cha mẹ bị bệnh thì con cái hỏi thăm qua loa và coi thế là đã đủ.

- Con cái tiêu tiền của cha mẹ thì xem đó là lẽ đương nhiên, còn cha mẹ tiêu tiền của con cái không dễ dàng như vậy.

- Nhà của cha mẹ là nhà của con cái, còn nhà của con cái thì không còn là nhà của cha mẹ nữa.

Và anh ta khuyên rằng “Vì tình yêu cha mẹ và con cái không giống nhau như vậy, nên hiểu rằng cha mẹ  làm tất cả mọi việc cho con cái đó không chỉ là nghĩa vụ mà họ còn cảm thấy vui, không cần báo đáp.”

Thế nên bao nhiêu ca dao, bao nhiêu bài hát ca tụng người cha người mẹ vì sự hy sinh ấy:

Thương con khuya sớm bao tháng ngày.

Lặn lội gieo neo nuôi con tới ngày lớn khôn.

Dù cho mưa gió không quản thân gầy Mẹ hiền.

Một sương hai nắng cho bạc mái đầu buồn phiền… ( Lòng mẹ - Y Vân)

Hay bài thơ:

Ta quên mất thềm xưa dáng mẹ ngồi chờ

Giọt nước mắt già nua không ứa nổi

Ta mê mải trên bàn chân rong ruổi

Mắt mẹ già thầm lặng dõi sau lưng. (Nhớ mẹ - Đỗ Trung Quân)

Chúng ta nhận quá nhiều và cho đi rất ít. Hãy thành thực với nhau mà nói rằng khó có đứa con nào đền ơn đầy đủ những gì cha mẹ đã cho đi.

Tôi mới nhận một tập sách phê bình văn học của một người bạn, Tiểu Nguyệt. Trong đó có một bài viết về nhà thơ Phan Triều Hạnh với những câu như:

Khi con đau bệnh ba thang thuốc

Ngày tết tay ba chọn áo quần

Trăm nghìn năm nữa… ba là đuốc

Soi sáng tâm con mọi bước đường

Ba đi con tuổi còn ăn học

Chưa đáp đền ba được tấc công

Bây giờ con đã hai màu tóc

Biết trả sao cho nhẹ cõi lòng?![iii] (Thương ba)

Vào thời Đức Phật có Tôn giả Tất-lăng-già-bà-ta. Ngài xuất gia hành đạo nhưng còn cha mẹ già yếu, nghèo khổ không ai nuôi dưỡng. Ngài muốn đem y phục và thực phẩm phụng dưỡng cha mẹ, nhưng lại sợ phạm giới luật. Ngài bèn trình bày nỗi băn khoăn của mình lên Thế Tôn. Nhân đó Đức Đạo Sư họp các Tỳ-kheo và truyền dạy: "Nếu có người nào suốt cả trăm năm, vai phải cõng cha, vai trái cõng mẹ, và dù cha mẹ có đại tiểu tiện trên vai mình, cũng chưa thể gọi là làm tròn hiếu đạo. Hoặc đem những thứ y phục và ẩm thực quý nhất trên đời cung phụng cha mẹ cũng chưa đủ báo đền công ơn cha mẹ trong muôn một. Từ nay Ta cho phép các Tỳ-kheo suốt đời hết lòng cúng dường cha mẹ. Nếu ai không cúng dường thì phạm tội nặng”[iv].

Hãy trả ơn khi còn có thể, thật nhiều và đừng tính toán vì không bao giờ chúng ta có thể trả đủ (paid in full), kể cả câu bé trong câu truyện trên. Tôi tin như vậy.

Hiếu là truyền thông 

Chúng ta có bao giờ lắng nghe cha mẹ tâm sự không? Khi còn bé chúng ta trách mẹ cha không lắng nghe ta, cho ta là con nít, không đủ kinh nghiệm và hiểu biết. Khi chúng ta lớn khôn lại cho cha mẹ là  thế hệ xưa, cổ hủ, thiếu tri thức thời đại, nhất là khi thấy họ mày mò trên bàn phím, loay hoay với ipad, smart phone, lúng túng với những tính năng công nghệ mới. Nghịch lý ở chỗ chúng ta phát triển công nghệ truyền thông nhưng lại thiếu truyền thông với nhau. Cha mẹ con cái dành thời gian quá ít cho nhau, việc ai người nấy làm, nếu có gặp nhau, ai nấy chúi mặt trên bàn phím, “lướt” web cả ngày mà không hề  lắng nghe tâm sự giãi bày (!).

Thế nên con trẻ vẫn cứ “gặm nhấm” cô đơn, cứ bực dọc với đời mà không chia sẻ cùng thế hệ những người đi trước  để lắng lòng ngồi lại bên nhau, tìm ra nhiều khoảng trời chung xanh ngát tâm hồn.

 Đã có lần chúng tôi viết: “Tuổi trẻ hôm nay sống trong nhiều điều kiện hiện đại hơn xưa, trong một thời đại mà sức mạnh của khoa học kỹ thuật đang xâm nhập vào nhiều lĩnh vực của đời sống, thế nên ‘khoảng trống tâm hồn’ sẽ rất lớn nếu chúng ta không đưa vào gia đình, đưa vào học đường những bài học căn bản về Tình yêu thương, hay nói chính xác hơn, chúng ta phải có trách nhiệm giáo dục tâm hồn cho lớp trẻ. Người ta đã chứng minh bằng các nghiên cứu khoa học, bằng các con số thống kê, rằng những đứa trẻ lớn lên trong bầu không khí đầm ấm và tràn ngập thương yêu của gia đình hay lớp học thì chúng sẽ không bao giờ trở thành những kẻ xấu ác… Đây là một vấn đề đáng báo động khi tuổi trẻ đang phải ăn đong lý tưởng và đang ở tình trạng ‘suy dinh dưỡng tâm hồn’ trầm trọng mà lại phải ngốn các món ăn độc hại về thói dối trá, về tính vụ lợi đến tàn nhẫn...”[v]

Chính cha mẹ là những người đem đến dưỡng chất tâm hồn bằng những tấm gương trung thực, tràn đầy lòng nhân ái.

Đức Dalai Lama đã nói: "Không một ai sinh ra mà không cần tình thương… Con người không phải chỉ thuần thể xác, mà tinh thần có vai trò chủ động trong việc cảm nhận cái đẹp, cái quý giá, làm cho chúng ta có thể thương yêu...", bởi vì "trong tâm khảm mỗi chúng ta đều mong muốn được thương yêu".

Kết nối để tạo ra sự truyền thông trong tư tưởng, cảm xúc, chia sẻ những vui buồn trong cuộc đời. Cha mẹ con cái là những mối quan hệ gần gũi nhất nên hơn ai hết cần phải kết nối.

Thiền sư Nhất Hạnh dạy rằng: “…Trong khổ đau của ta có khổ đau của cha mẹ, tổ tiên ta… Nếu ta hiểu  biết và chuyển hóa những khổ đau của cha mẹ tổ tiên thì chúng ta chữa trị cho cha mẹ tổ tiên và đồng thời cũng chữa trị cho chính ta… Hiểu  thấu khổ đau đưa đến từ bi. Thương yêu sẽ phát hiện và lập tức ta bớt khổ. Chỉ khi ta đã hiểu rõ khổ đau và gốc rễ khổ đau thì ta mới truyền thông với người khác và giúp họ bớt khổ.”[vi] Đạo hiếu chính là lòng từ bi. Chúng ta hiểu rằng thương yêu chính mình là nền tảng của từ bi. Khi ta truyền thông với chính ta thì ta bắt đầu truyền thông với người khác. Chúng ta truyền thông để hiểu người khác và người khác hiểu ta. Cha mẹ truyền thông với con cái và ngược lại. Trước hết phải lắng nghe sâu. Lắng  nghe để giúp con trẻ bớt khổ, và con trẻ cũng lắng nghe cha mẹ để hiểu và thương. Khi lắng nghe với tâm thương yêu thì ta không bị kẹt vì óc phê phán xét nét. Lắng nghe sâu tạo ra niềm vui, hạnh phúc, và giúp ta xử lý tình huống gây ra đau khổ. Hiếu là kết nối truyền thông và yêu thương. Hãy nhớ lòng hiếu thảo chính là tiền đề cho một con người trở nên nhân nghĩa, và từ đó hành thiện, cư xử tốt với tha nhân, với xã hội, suy rộng ra, trung thành với Tổ quốc. Đất nước không có những người con hiếu thảo thì lấy đâu ra một đạo quân trung thành? Kết nối truyền thông không chỉ mang lại niềm hạnh phúc vô biên cho cá nhân những con người trong gia đình, mà còn mang đến sự bình an cho cộng đồng, xã hội.

 Hãy nhìn chữ hiếu trong những chiều kích mới của lòng tự trọng, của sự sòng phẳng, của từ bi và kết nối truyền thông, dù trong thời đại nào cũng vẫn phải như thế!


 

[i] English for Today , Book six, Literature in English , The Snob by  Callaghan. MC Graw Hill.

[ii] https://www.facebook.com/lanfrancevn/posts

[iii] Tiểu Nguyệt, Tác giả và tác phẩm II , NXB.Hội Nhà Văn, 2019.

[iv] Luật Ngũ  phần, trích  theo http:// www.vnbet (= Vietnam Buddhist Electronic Texts) .

[v] Nguyên Cẩn, “Nghĩ về dưỡng chất tâm hồn cho tuổi trẻ hôm nay”, Tạp chí Văn hóa Phật giáo, trích theo http://www.chungta.com (4/3/2018).

[vi] Thích Nhất Hạnh, The Art of Communicating, bản Việt dịch Chân Đạt, Thiết lập truyền thông, NXB.Thế Giới, 2018.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle