Ngược xuôi chữ Hiếu

nguoc xuoi

Câu chuyện về chữ hiếu thời hiện đại

Câu chuyện thứ nhất: Ngày 8/7, công an TPHCM cho biết đã khởi tố bị can Huỳnh Thị Tuyết H., 70 tuổi ở Bình Thạnh, TPHCM về tội “Cố ý gây thương tích”. Bà H. được xác định là cựu thẩm phán TAND Tối cao tại TPHCM (đã về hưu). Được biết bà H. có một người tình trẻ là anh P., 30 tuổi. Tháng 3/2018, P. chia tay bà H. Bực tức vì bị bạn trai nói lời chia tay, bà H. gọi con trai mình, Hồ Thanh N., yêu cầu  “dạy cho P. một bài học”. Sau đó, N. thuê Q. dằn mặt anh P. với giá 300 triệu đồng, và Q. dùng súng bắn anh Nguyễn Thanh P., khiến anh này bị thương tật 36%.

Công an TPHCM cũng đã khởi tố, bắt tạm giam Hồ Thanh N. và Lê Đăng Q. về tội “Giết người”. ( theo Dân Trí).

Câu chuyện thứ hai

Một lần sang Mỹ, tôi có dịp đến nhà cậu học trò cũ cũng đã ngoài 50 tuổi ở South Carolina. Trong bữa ăn tối, cậu ấy nói vui với cô con gái út của mình, đang làm cho Microsoft, “Con rán học massaging với bấm huyệt, mai mốt ba mẹ về già chắc con phải làm để ba mẹ bớt nhức mỏi”. Cô ta sụ mặt lại và gào to lên bằng tiếng Anh, “Không! Không bao giờ! Ba mẹ mà già, con sẽ gửi vào nhà nuôi người già (nursing home)”. Mọi người trong bữa ăn hôm ấy đều có phần ngỡ ngàng trước phản ứng mãnh liệt và dứt  khoát ấy. Có người trầm ngâm, chép miệng, “Bên này, đám trẻ nó vậy!”.

Nhận định thế nào?

 Chuyện cậu N. không biết có phải vì chữ hiếu hay không nhưng thanh toán tình địch giùm cho mẹ là  dấu hiệu suy đồi phong hóa, nhân phẩm của tất cả những người trong cuộc. Vì sao? Chúng tôi sẽ phân tích sau.

Còn chuyện thứ hai , những ai đã từng xem vở kịch “Dạ cổ hoài lang” cũng đều nhận ra sự khác biệt trong nhận thức giữa các thế hệ là rất lớn, nhất là quan niệm Tây phương và Đông phương. Ông vào phòng cháu, nhất là cháu gái, phải gõ cửa, phải xin phép vào chứ không thể tự tiện mở cửa và lại càng  không được xâm nhập hay can thiệp đến những chuyện đời tư của chúng. Một bà cụ kể: “Có những điều ở Việt Nam coi là bình thường thì qua đây lại trở thành bất bình thường. Trong một bữa ăn chẳng hạn, lúc tôi dùng cái muỗng của tôi để múc canh trong tô canh thì thằng con rể tôi trợn mắt nhìn tôi rồi từ đó đến cuối bữa, nó không đụng vào tô canh đó nữa!".

Chúng ta khoan lên án ai đúng ai sai ở đây khi “chữ hiếu” vẫn còn nguyên đấy. Nào chúng có xúc phạm ai đâu? Nếu có là do từ nếp nghĩ của thế hệ cha ông trong tư duy “gia  trưởng” ngày xưa trong những gia đình “tam đại, tứ đại đồng đường”.

 Có những người bảo vệ việc đưa người già vào nursing home thì cho rằng “Ở đâu thì chưa biết chứ ở các viện dưỡng lão châu Âu không hề buồn chán vì nơi đây có những hoạt động dành cho người già như câu lạc bộ thơ ca, thể dục thể thao, kết bạn... Hệ thống chăm sóc sức khỏe cực kỳ tốt, các y tá và hộ lý giúp đỡ từng miếng ăn, giấc ngủ, kể cả khi đi vệ sinh; bác sĩ theo dõi thường xuyên, kiểm tra sức khỏe định kỳ, được tư vấn và gặp chuyên gia tâm lý hoặc bác sĩ tâm thần để chia sẻ các vấn đề trong cuộc sống. Hằng tuần con cháu họ đến thăm nom, trò chuyện vui vẻ. Một sự thật được nhiều người công nhận là sống ở viện dưỡng lão còn tốt gấp nhiều lần ở nhà. Vì sao? Một điều đơn giản vì con cháu họ đi làm từ sáng đến tối mịt mới về, nếu ở nhà có mệnh hệ gì biết kêu ai, gọi ai? ( Tạ Lê Cẩm Tú. Một quan điểm khác về chữ hiếu – www. thuvienhoasen.org).

Nhưng cũng vẫn có cái nhìn khác cho rằng ngay cả ở Mỹ, tâm tư nguyện vọng của người cao tuổi vẫn là được sống ở nhà mình. Việc đưa ông bà vào trại dưỡng lão, có khi chỉ là ý kiến chủ quan của con cháu. Tiến sĩ Lorelle Browning giải thích về quan niệm Mỹ về chữ hiếu: “Con cái ở Mỹ được khuyến khích sống độc lập, rời khỏi nhà bố mẹ mình ở tầm tuổi 19 - 20, để đi học đại học, kết hôn, hoặc tách ra sống riêng. Nếu thanh niên Mỹ mà không làm vậy thì họ sẽ bị coi là “khác người”… Con cái khi trưởng thành thường chuyển tới các thành phố khác, nơi họ nhận được công việc, cách xa cha mẹ. Họ không thể gần gũi với cha mẹ của mình và giúp đỡ họ lúc khó khăn. Rất nhiều gia đình chỉ gặp nhau một hoặc hai lần trong năm vào các dịp đặc biệt như Lễ Tạ ơn, Giáng sinh, hay các kỳ nghỉ hè”.

Nhận định về nhà nuôi người già ở Mỹ, bà cho biết “…Có những nhà dưỡng lão được lập ra để chăm sóc những ai không còn khả năng tự chăm sóc bản thân. Bị gửi vào trại dưỡng lão là một cơn ác mộng đối với nhiều người già. Mặc dù vẫn được con cái thăm nom, đa phần thời gian của họ là nằm quạnh hiu trên giường. Các nhân viên của viện dưỡng lão thường được nhận mức lương thấp nên họ ít khi chăm sóc đầy đủ cho người già ở đây. (Lorelle Browning, “Văn hóa trọng tuổi trẻ ở Mỹ và trọng người già ở Việt Nam”, Tạp chí Vietnam Cultural Window, theo vov.vn  3/11/2014)

Liệu chúng ta có nên lo lắng khi Việt Nam đang thay đổi, khi văn hóa hiếu đạo truyền thống đang suy yếu còn văn hóa tự lập thì trở nên mạnh hơn. Một trong các giá trị lớn của văn hóa Việt Nam là gia đình và các mối liên kết chặt chẽ giữa các thế hệ. Có người bạn Hà Lan cách đây nhiều năm nói với tôi rằng “Ở Việt Nam, người già nhận được sự tôn trọng và yêu thương còn ở Hà Lan hay các nước Châu Âu, người già chỉ nhận được sự cô đơn”(?). Điều ấy hôm nay còn đúng không? Hay người già Việt Nam cũng đang dần cảm nhận nỗi cô đơn ấy?

Văn hóa Việt Nam chúng ta được người nước ngoài trước đây cho là có nhiều thứ để “dạy” cho các nền văn hóa khác, về bổn phận, sự vâng lời, và thái độ biết ơn từ phía con cái.

Thế nhưng, cấu trúc gia đình thiêng liêng của người Việt đang bị lung lay. Vì sao? Có người cho rằng vì ảnh hưởng từ truyền thông và internet; lại có người cho rằng vì “kinh tế thị trường”; có ngưới nhận xét  rằng vì lối sống, nếp sinh hoạt có nhiều thay đổi do “công nghiệp hóa”.v.v…

Có thể do truyền thông, vì chúng ta bị bủa vây, tràn ngập trong rất nhiều nguồn dữ liệu trên internet, truyền hình, báo mạng, điện thoại di động…, dẫn đến sự gặp gỡ trực tiếp ngày một giảm dần. Có đứa con mướn người giúp việc cho cha mẹ rồi theo dõi họ qua camera mà không hề ghé thăm. Nhịp sống nhanh, hối hả, nên thời gian dành cho tâm sự vơi bớt dần. Gia đình, nơi ta sinh ra và được dạy dỗ, trưởng thành, có cha mẹ anh em nơi ta học cách yêu thương và phát triển nhân cách, trở thành nơi tạm trú vì mỗi người có lịch làm việc, học hành riêng, không trùng thời gian: những bữa cơm chiều ngày xưa là giờ sum họp thì nay ai về sớm thì tự phục vụ vì ai cũng bận bịu. Chưa nói đến những tranh chấp về không gian trong căn nhà đang ở vẫn diễn ra. Từ đó mới xảy ra những sự việc đau lòng cho xã hội, như dụ dỗ cha mẹ sang tên nhà sau đó bắt họ đi thuê nhà hay đưa vào trại dưỡng lão. Chuyện nghịch tử đánh cha chửi mẹ diễn ra không phải ít.

Làm thế nào để các giá trị thiêng liêng đó tiếp tục được gìn giữ? Xã hội sẽ chăm sóc như thế nào cho người già không còn giữ nhiều liên hệ với con cháu và sống khác với con cháu? TS Lorelle dự báo bi quan “Trong tầm 2 thập kỷ nữa, giống như ở nước Mỹ chúng tôi, Việt Nam có thể cần đến nhiều viện dưỡng lão, nơi người già tới đó chỉ để giã từ cõi đời trong sự thiếu vắng tình thương của gia đình và bè bạn. Tôi tin rằng điều này nếu xảy ra sẽ là một thảm kịch lớn” (bđd).

Có cần luật hóa chữ hiếu?

Singapore có thể nói là nước đầu tiên trên thế giới lập pháp về đạo hiếu. Từ năm 1995, Quốc hội Singapore thông qua Nghị định Phụng dưỡng cha mẹ buộc con cái làm tròn đạo hiếu, quy định nghĩa vụ phụng dưỡng cha mẹ. Cha mẹ có thể kiện con cái bất hiếu lên tòa án, đòi tiền phụng dưỡng v.v... Thiết thực hơn, Singapore đã khởi công xây dựng khu chung cư người cao tuổi, viện dưỡng lão và trung tâm chăm sóc người cao tuổi ban ngày ở rất nhiều tiểu khu. Mục đích của nó thuận lợi cho lớp trẻ chăm sóc người già ở gần nhà, tiện cho những gia đình ở gần hoặc ở chung với người già.

Còn tại Trung Quốc, Luật Đảm bảo quyền lợi Người cao tuổi nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa mới sửa đổi bắt đầu được thực thi kể từ ngày 1 tháng 7, 2009. Trong đó quy định: “Thành viên gia đình không ở chung với người cao tuổi, cần thường xuyên về thăm hoặc hỏi thăm người cao tuổi” đã dấy lên những hoài nghi. Ở Việt Nam ngày xưa, luật Hồng Đức đã từng quy định bất hiếu là một tội trong “thập ác” (mười tội ác).

Còn chúng ta hiện nay thì sao?

Cho đi lại từ đầu  

Theo nhà Phật, phương pháp nào cũng phải khế lý khế cơ. Vì  luật hóa chỉ là giải pháp sau cùng khi chúng ta không có phương pháp nào hiệu quả hơn. Đó chính là giáo dục về giá trị gia đình, về tình yêu cha mẹ ngay từ khi còn bé, bất kể không gian là tại Việt Nam hay ở Mỹ, vì trẻ em là tờ giấy trắng cho chúng ta truyền thụ những gì chúng ta muốn. Về mặt xã hội, học đường phải nơi những điều thiêng liêng được truyền tải, không chỉ qua những bài học trên lớp, còn qua sinh hoạt ngoại khóa, tổ chức trọng thể Ngày của Mẹ, Ngày của Cha, chưa kể Đại lễ Vu lan trong các chùa, tự viện…

Thường thì chúng ta chỉ  lạy “sống” ông bà cha mẹ trong những dịp hôn lễ, còn thì chỉ lạy khi họ qua đời hay giỗ chạp.

Thiền sư Nhất Hạnh dạy về Ba cái lạy, chúng ta chỉ cần đọc và học về cái lạy thứ nhất:

“Trở về kính lạy, liệt vị tiền nhân, dòng họ tổ tiên, gia đình huyết thống, hai bên nội ngoại. "Con thấy cha mẹ và xương thịt và sự sống đang có mặt và lưu nhuận trong từng tế bào và mạch máu của con. Qua cha con và mẹ con, con thấy ông bà, bên nội cũng như bên ngoại, đã và đang đi vào con với tất cả mọi năng lượng, mọi trông chờ, mọi ước mơ, cũng như tất cả trí tuệ và kinh nghiệm của tổ tiên trải qua bao nhiêu thế hệ. Con mang trong con sự sống, dòng máu, kinh nghiệm, tuệ giác, hạnh phúc và khổ đau của các thế hệ tổ tiên.” (Thích Nhất Hạnh – Thương yêu theo phương pháp Bụt dạy).

 Với cái lạy thứ nhất đó, tuổi trẻ sẽ thấy mình kết nối trong mối quan hệ tương tức, tương sinh, tương dung… với thế hệ trước và cha mẹ mình. Họ sẽ yêu kính cha mẹ ông bà, dù sống ở phương trời nào đi nữa.

Ngày xưa, chúng ta còn nhớ:

Mẹ già ở túp lều tranh

Sớm thăm tối viếng mới đành dạ con.

Nay thì xa xôi, bận rộn nhưng chúng ta có viber, zalo, messenger, facetime… Chúng ta có thể liên lạc với cha với mẹ, một lời hỏi thăm, một câu nói yêu thương đủ ấm lòng, một nụ cười trên mạng cũng thấy cha mẹ thật gần trong tim con. Đừng nói rằng chúng ta quá bận, không có thời gian, chỉ khi nào chúng ta trở thành những kẻ vô tâm, thờ ơ thì chúng ta mới “ngụy biện”. Tôi biết có ông giám đốc một công ty rất lớn, văn phòng ông ta chỉ cách chỗ mẹ ông ta ở khoảng 5 phút đi xe mà không bao giờ ông ta ghé qua nhà dù trưa hay tối, lại càng không hề điện thoại, dù hai người cùng hiện diện suốt 8 đến 10 tiếng trong một phường (!).

Khi được hỏi điều gì quan trọng nhất trong đời ông, Bill Gates đã trả lời "gia đình", nghĩa là ông rất trân trọng tình cảm vợ chồng, con cái, cha mẹ…

Thế nên cần tập lạy. Thiền sư Nhất Hạnh dạy: “Nếu cần thì chúng ta chỉ lạy cái lạy thứ nhất thôi, lạy cho đến khi nào thành công. Đừng nói rằng vì thực tập ba cái lạy, cho nên mình phải lạy cho đủ cả ba lạy. Không, hãy lạy cái lạy thứ nhất cho thành công trước đi! Một người trẻ sinh ra ở Tây phương có thể nói rằng thân này là của con, con muốn làm gì với thân này thì con làm. Ngay cả người Việt sinh ra ở Tây phương cũng có người nghĩ rằng thân này là của con, ba mẹ không có quyền can thiệp vào việc con muốn làm. Nói theo kiểu đó thì đúng là chưa bao giờ lạy cái lạy thứ nhất”.

Ở phương trời nào thì cái lạy thứ nhất cũng vẫn cần và vẫn làm được nếu lòng mình quyết tâm.

Còn như cậu  N. như đã đề cập phần trên, nghe lời mẹ, giết tình địch thì chắc anh ta chưa hề nghe Phật dạy: “Này các Tỳ-kheo, tuy được như thế, chưa phải là hiếu, cần phải thực hành: Cha mẹ ngu tối, không kính Tam bảo; hung ngược, tàn ác, lạm trộm phi lý, dâm dật ngoại sắc, nói dối phi đạo, say sưa hoang loạn, trái lẽ chân chính, hung nghiệt như thế, con hết lòng can, để khai ngộ người. Nếu còn mê muội, chưa biết tỉnh ngộ, liền đem nhân nghĩa, khai hóa dần dần... Này các Tỳ-kheo, đời chưa có gì đáng gọi là hiếu. Làm cho cha mẹ bỏ ác làm lành, vâng giữ năm giới và ba tự quy, được thế dù rằng buổi sớm vâng giữ, buổi chiều mất đi, ơn ấy trọng hơn vô lượng công ơn nuôi nấng, bú mớm của cha mẹ mình. Nếu không biết đem giáo pháp Tam bảo, rất mực khai hóa cho cha mẹ mình, tuy là hiếu dưỡng vẫn như bất hiếu”. (Kinh Hiếu tử - Bản Việt dịch của HT. Thích Tâm Châu).

Như vậy, bản chất của hiếu là từ bi, không chỉ phụng dưỡng cha mẹ về mặt vật chất như Hiếu kinh mà còn phải đánh thức tứ vô lượng tâm trong cha mẹ nếu như ta không may làm con những người thiếu đức.

Đã xa rồi cái thời mà “Cho tôi lại ngày nào/ Trăng lên bằng ngọn cau/ Me tôi ngồi khâu áo/ Bên cây đèn dầu hao/ Cha tôi ngồi xem báo/ Phố xá vắng hiu hiu…/ Cho tôi lại nhà trường/ Bao nhiêu là người thương/ Không ai thù ai oán/ Ai cũng bảo tôi ngoan/ Tôi yêu thầy tôi lắm/ Nhớ tiếng nói vang vang… (Phạm Duy – Kỷ niệm)

Nhưng chúng ta vẫn có thể theo lời bài hát đó mà tự nhủ “Cho đi lại từ đầu/ Chưa đi vội về sau…”

Nguyên cẩn

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle