Hướng về Ngày Đức Phật nhập Niết bàn
huong ve
Hướng về Ngày Đức Phật nhập Niết bàn
Kính lạy Đức Thế Tôn,
Hôm nay là ngày Rằm Tháng
Hai-Ngày Đức Thế Tôn Nhập Niết Bàn.
Toàn thể chúng con vân tập về
đây, trước bảo điện uy nghiêm và giản đơn này, với lòng cung kính vô
biên, chúng con thành tâm thiết lễ Tưởng niệm, kính lễ, chiêm nghiệm
lời dạy của Ngài.
Kính thưa quý vị,
Cách đây hơn 2600
năm, trong rừng Câu Thi Na, dưới tàng cây sala, tiểu bang Uttar Pradesh, Ấn
Độ, Đức Phật của chúng ta Nhập Niết Bàn.
Sự kiện diệt độ của Đức Phật
được mô tả chi tiết hơn trong Kinh Đại Bát Niết Bàn. Trước đó, lúc
còn ở Vệ-xá-ly, Đức Phật thông báo với hội chúng rằng sau ba tháng
Ngài sẽ nhập diệt: “Này các Tỷ kheo, đây là lời Ta nhắn nhủ đến
các thầy: các hành là vô thường. Hãy tinh tấn lên để tự giải thoát.
Không lâu nữa Như Lai sẽ diệt độ. Sau ba tháng bắt đầu từ hôm nay, Như
Lai sẽ diệt độ.” Đức Phật còn dặn các thầy, sau khi Như Lai diệt
độ, giới luật là bậc đạo sư của quý vị; mỗi khi tụng đọc lại
Pháp, nên mở đầu bằng: “Như vậy tôi nghe”. Và còn rất nhiều
điều quan trọng thiết thực nữa, ở đây chúng ta chỉ lược giản mà thôi.
Tin Thế Tôn sắp diệt độ nhanh
chóng được loan đi và điều ấy khiến cho nhiều đệ tử của ngài xúc
động sâu sắc. Đức Phật là bậc đạo sư, nơi nương tựa vững chãi của
nhiều người, nên sự nhập diệt của Ngài đã khiến cho những đệ tử chưa
đạt đạo quá cảm thấy hụt hẫng trống vắng, vì nhận thấy rằng mình
sẽ mất đi người Thầy dẫn đường chỉ lối.
Kính bạch Đức Thế Tôn,
Chúng con là hàng đệ tử sinh sau
và sau nhiều đời, nhiều thế hệ, trải qua nhiều thời đại, cách Ngày
Thế Tôn Nhập diệt quá xa, nhưng trong tâm tưởng của chúng con luôn luôn
hướng về Phật, khoảng cách thời gian
ấy tuy xa mà gần, vì
Phật tánh, Phật tâm
đã ở trong trái tim chúng con. Tuy
ngài không còn tại thế để hằng ngày giải đáp thắc mắc,
hướng dẫn cho chúng con
tu tập, nhưng chúng
con cũng rất diễm phúc, vì chúng
con còn Tam Bảo để nương tựa, còn chánh pháp để soi đường. Chúng con
được nghe trong kinh Đại Bát Niết Bàn, Đức Thế Tôn dạy, ai thấy được
Pháp, sống chơn chánh trong chánh pháp, hành trí đúng chánh pháp,
thời người ấy kính trọng, cúng dường tối thượng, kính lễ Như Lai.
Đức Phật đã giao cho chúng ta
chiếc chìa khóa quán chiếu về vô thường và vô ngã. Càng tiếp xúc
với thực tại vô thường và vô ngã thì chúng ta tiếp xúc sâu sắc với
niết bàn.
Vậy niết bàn là gì? Niết bàn
là sự thong dong, tự tại, sự bình an trong tâm hồn, là sự vắng lặng
của phiền não, khổ đau. Niết bàn không phải là cái mà ta đi tìm trong
tương lai, nhất là sau khi chết. Niết bàn có mặt trong giây phút hiện
tại, khi tâm ta không còn tham, sân, si và ô nhiễm phiền đau.
Trên bình diện cao hơn, Niết bàn
là không còn kẹt vào ý niệm năm uẩn, vượt thoát ý niệm sinh và tử,
đến và đi, có và không...
Đó là một vài lời giải thích
nêu ra, chúng ta nên ghi nhớ và học tập.
Giờ đây, với tâm thanh tịnh, chúng
con xin dâng hương hoa lễ phẩm lên Đức Thế Tôn. Ngưỡng nguyện Đức Thế
Tôn chứng minh và gia hộ thế giới hòa bình, nước Việt phồn vinh, đạo
đức tâm linh Phật giáo ngày càng lan tỏa đến mọi người, mọi thành
phần trong xã hội.
Chúng con cúi đầu kính lễ.
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
tác đại chứng minh.
Nhất tâm đảnh lễ Sala song thọ,
thị hiện Niết bàn Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật!