Chạm vào ký ức

cham vao

Chạm vào ký ức (tùy bút)

Vĩnh Thi

 

1. Chiếc xe chông chênh qua mấy đoạn đường nhiều ổ gà rồi đổ xịch ở ngã ba. Hành khách tất bật rời khỏi chiếc xe bám đầy bụi đường. Nó là người xuống sau cùng. Tuy không mang nhiều hành lý nhưng trong nó đang mang nhiều suy nghĩ. Khách đi cùng đã đi gần hết, đồ đạc chất chồng lên những chiếc xe ôm chờ sẵn. Nó gọi một bác xe ôm đứng tuổi. Đoạn đường hơn 10km từ quốc lộ về đến làng rất đỗi thân quen. Nó đã từng đạp xe trường kỳ trên con đường này để đi học. Cánh đồng đang vào vụ lúa chín vàng, hình ảnh để lại cho nó những nét đẹp về ngôi làng mà nó đã mang đi theo trong ký ức. Nó đã điện thoại báo sẽ về thăm nhà, nhưng không chốt thời gian chính thức, chỉ vì muốn có sự bất ngờ. Nắng cuối ngày đã nhạt, nhưng mùi hăng hắc hơi đất vẫn còn. Đã trung tuần tháng 6 âm lịch, không còn những đợt nắng khủng khiếp và hơi nóng của gió Lào, nhưng trời vẫn oi bức. Xa xa, làn khói lam quyện trong ánh chiều tà, và mùi của cây cỏ theo gió tạo nên một hương vị quen thuộc. Nó hít một hơi sâu, cảm nhận được cai hương vị riêng của xứ sở. Ngôi trường cũ dần hiện ra, và nó biết đã về đến nhà.

2. Sự xuất hiện của nó đúng là một bất ngờ cuối ngày. Mẹ đang chuẩn bị bữa cơm chiều thấy nó về đã không nói nên lời. Ánh mắt với bao biểu cảm khiến nó cũng dâng lên một cảm xúc khó tả. Cố tình tạo nên bất ngờ, nhưng chính nó giờ đây cũng thấy mình bị chính sự bất ngờ đó làm cho bối rối. Đã mấy năm rồi nó mới trở về thăm nhà. Không phải nó không nhớ nhà, mà bởi nó muốn sự nghiệp ổn định để khi về nhà ba mẹ yên tâm. Chừng đó thời gian nó phải đương đầu với những thử thách trong mưu sinh. Xa quê lập nghiệp ráng phải thành công, điều đó ăn sâu trong tâm thức của những người xa xứ, là hoài bảo nhưng cũng là áp lực cho những người trẻ xa nhà. Bữa cơm chiều rồi cũng được bày biện xong, đơn giản với những món ăn được chế biến từ những nông sản được trồng quanh nhà. Nó nhìn mâm cơm được dọn trên chiếc chiếu mà như thấy lại tuổi thơ của mình…

3. Đêm miền quê đến thật nhanh, tám giờ tối đã không còn thấy ai ra đường. Màn đêm yên tỉnh bao trùm xóm nhỏ. Không có đèn đường nên những con ngõ như sâu hun hút. Tiếng côn trùng bắt đầu trổi những giai điệu quen thuộc nghe vui tai. Sau một hồi trò chuyện với khách, đến giờ nó được nghỉ và dành thời gian cho mẹ. Khó đoán được tâm trạng bà vui hay buồn, chỉ thấy gương mặt bà như có một sự thay đổi. Cả một đời gồng gánh ruộng nương, người quê thường già trước tuổi, tuy vẫn nhanh nhẹn khỏe mạnh. Mẹ ân cần nhắc nó làm vệ sinh cá nhân như thời nó còn nhỏ. Nó ra giếng. Mùa hè giếng ít nước nhưng trong vắt. Giếng nhà nó nước mát ngọt. Ngày trước khi đi học về, nó thường lao ra giếng kéo một gàu kê miệng tu một hơi. Vẫn cái gàu quen thuộc này nhưng chắc đã thay dây nhiều lần. Nó rùng mình vì cái mát lạnh của nước. Mẹ chờ, nói chuyện dăm câu rồi giục nó đi ngủ sớm. Chỗ nó nằm có cửa số hướng ra vườn, trăng non chênh chếch.

Nó thức giấc khi mặt trời rọi vào nhà. Không ai đánh thức, mắt được no giấc. Nó thấy thoải mái bởi không khí buổi sáng mát sạch, không vẫn đục khói xe. Màu nắng trong veo. Tiếng chim hót sáng từ rặng tre sau vườn. Cả nhà đã chuẩn bị công việc cho ngày mới. Ba nó đang làm lại cái giàn kịp cho dây bầu leo. Mẹ nó đang dọn dẹp lại mấy cái bồ cho mùa gặt mới. Cuộc sống nhà nông đều đặn là thế, công việc luôn đan xen nhau. Không có ngày nghỉ, không có giờ hành chính.

4. Bữa sáng được chuẩn bị, đúng món nó thích, ăn vội rồi xúm xít phụ ba. Công việc xưa kia quen thuộc nay trở thành xa lạ với nó. Ba nó trầm tính ít nói. Ông thoăn thoắt chẻ mớ dây lạt. Nông thôn là vậy, tay làm hàm nhai đã gắn chặt vào nhà nông, chừng nào không làm được công việc nữa mới nghỉ ngơi. Xứ khắc nghiệt này chỉ làm được hai vụ lúa, còn lại mấy tháng cho lũ lụt mưa bão. Ở đây thiên nhiên không ưu đãi. Người dân lam lũ phấn đấu, chăm chút vườn tược, nhưng chỉ cần một mùa lụt là bao nhiêu công sức lụi tàn trong nước bạc…

5. Cơn gió chiều thoảng nhẹ mang theo hương lúa đang vụ gặt. Nó yêu thích hương vị này. Cả tuổi thơ của nó, cánh đồng vào vụ gặt hè là nơi diễn ra những trò chơi bất tận. Khác với trước, những con đường dẫn ra đồng đều đã được bê tông hóa. Nó quan sát mãi mà không thấy bạn gặt đâu, cũng không thấy cảnh gánh lúa chạy chuyến. Trên đồng, những chiếc máy gặt đang tăng tốc, rơm được cuộn tròn, lúa gặt xong cho luôn vào những bao chuyên chở về phơi. Ngày trước, những con đường đầy rơm cũng là một hình ảnh thân quen, nhưng nay rơm không dùng làm thức đun mùa mưa nữa, người ta cuộn bán cho thương lái tạo thêm khoản thu.

Nó tìm đến gò đất cuối đồng nơi bọn trẻ chăn trâu thường tụ tập, cỏ nay mọc um tùm, đã hình như lâu lắm không được cắt.  Xa xa,  nguyên cả cánh đồng, chiều xuống vẫn đẹp, vẫn như một bức tranh, nhưng thiếu đi những hình ảnh sinh động của một thời, thay vào đó là những hình ảnh của hiện đại cơ giới. Hình ảnh bác nông dân cần cù, con trâu to khỏe khoan thai kéo cày đã là một ký ức. Nó cố đi tìm những người bạn cùng lứa, nhưng chẳng gặp ai, chỉ gặp những người luống tuổi, và trẻ em đang tuổi đi học. Thực tế này đã được báo chí đưa tin, hoặc được thấy qua những mùa Tết khi tàu xe luôn đầy ắp người trẻ xuôi về hai miền Trung, Bắc.

Nó dắt xe đi dọc con đường, suy nghĩ miên man. Có một bài báo đã miêu tả về tình trạng của những làng quê ở Trung Quốc: Thân bất kiến: người thân không gặp được nhau. Một năm chẳng biết cha mẹ, con cái, người thân được đoàn tụ bao nhiêu lần; hay Hương vô lang: quê nhà không có người trẻ. Ai nấy đều đổ về các thành phố lập nghiệp mưu sinh. Trong thôn làng khó có thể bắt gặp những khuôn mặt trẻ. Khắp cả ngôi làng chỉ thấy những người già yếu, trẻ con và người tàn tật. Những gì mà bài báo mô tả về làng quê ở đất nước Trung Quốc phải chăng cũng là thực trạng của làng quê nó? Nó về nhà trong yên lặng, trĩu nặng tâm tư.

6. Bếp nhà ai đó vẫn còn nấu củi tre và cành khô. Làn khói mỏng từ chái bếp ẩn trong nắng chiều nhạt. Chiều nay trên cánh đồng, nó không tìm được những cánh diều no gió, những đứa trẻ cháy nắng của thuở nào. Nó nhớ bạn bè, nhớ những tháng ngày đã qua. Bữa cơm, chỉ ba mẹ và nó, chị gái và mấy cháu đã trở về làng bên. Căn nhà xưa đông đúc nay trở thành rộng rãi đến trống trải lạ thường. Bao nhiêu lâu rồi cả gia đình nó chưa được một bữa cơm đoàn tụ đông đủ? Sau câu chuyện với ba mẹ, nó đi nghỉ sớm. Cái điện thoại mọi khi là vật bất ly thân, hai hôm về đây không còn mấy tác dụng. Khác với những ngày đi làm về là zalo, facebook, lạc trôi trong những conment, trong những ngôn từ mạng, thiếu lại thầy trống vắng, buồn. Về đây, nó như cách ly với thế giới ảo kia, sống và thấy thực tế, hoàn cảnh của gia đình, của người thân.

Những năm tháng xa quê, lúc không có tin nhà, nó cứ tự nhủ, chắc ba mẹ vẫn ổn. Đúng là họ vẫn ổn. Họ độc lập và quen với hoàn cảnh sống từ trong chiến tranh. Họ quen hy sinh, thương con, để cho con phấn đấu, không vì họ mà bận tâm. Thi thoảng mạng xã hội đăng vài tấm hình cha nhường con chiếc áo mưa, mẹ chở con vượt qua đoạn đường ngập nước v.v… Nó cũng ào vào like, bình luận, đưa quan điểm v.v… Nhưng bấy nhiêu hình ảnh đó có bằng sự hy sinh mà mẹ dành cho nó?.

Cuộc sống nơi xứ người chỉ thay đổi môi trường phấn đấu, chứ không dễ gì đem lại cho nó sự phát đạt. Nó đã làm gì được cho ba mẹ? Khi còn sinh viên, những lần thư về xin học phí, nó luôn kết một lời hứa tốt lành cuối thư cho ba mẹ vui. Trong suy nghĩ của nó, khi ra trường sẽ làm cho ba mẹ cái này, cái kia. Vậy mà, giờ bản thân cũng chỉ tạm ổn để khỏi xin viện trợ. Mỗi mùa Vu lan về, nó cũng đến chùa, nghe lại những giai điệu về mẹ cha, nghe những lời giảng về công ơn song thân. Trái tim nó bùi ngùi, tự nhủ sẽ làm gì đó cho người thân. Nó cũng dâng những lời nguyện cầu tha thiết cho đấng sanh thành. Nhưng bấy nhiêu chỉ là tấm chân tình, còn mái nhà xưa vẫn củ kỷ, vẫn chờ một sự thay đổi. Mắt nó chợt cay cay.

7. Nó dậy sớm hơn thường lệ, qua nhà chú hàng xóm mượn được chiếc xe máy. Ăn sáng qua loa rồi chào ba mẹ nói đi thăm người bạn xã kế bên. Nó đi ra chợ thị trấn, mua những gì thấy cần thiết chất đầy một xe bằng số tiền mà nó dành dụm định đi du lịch sau khi về thăm quê. Nó đã làm mẹ ngạc nhiên như hôm mới về. Bà nhìn chằm chằm vào đứa con trai út. Mắt bà rơm rớm, bà mừng vì thấy nó biết nghĩ, biết lo, một mai nó lại đi bà cũng yên tâm chút đỉnh.

- Mua gì lắm thế con, đồ nhà vẫn còn dùng được mà.

- Dạ chút đỉnh không nhiều đâu mẹ.

- Đi làm được bao nhiêu gắng dành dụm, ở nhà vẫn tự chủ được, còn phải lập gia đình để mẹ có cháu bồng.

Nó giật mình. Vấn đề này nó chưa dám nghĩ đến, vì sự nghiệp chưa đến đâu. Nhưng ở quê, tuổi nó đã là quá muộn cho chuyện đó rồi. Cái giàn đã xong, ba nó kê cái bàn gỗ nhỏ ngồi nhâm nhi tách chè xanh. Nắng trưa hanh vàng óng ả, chiếc quạt nó vừa mua làm mát bữa cơm.

8. Chiều đi quanh xóm, ghé thăm thằng bạn thanh mai trúc mã, vừa trở về từ nông trường cho kịp mấy ngày mùa vụ. Câu chuyện của hai đứa như một tuồng ký ức. Nó hỏi thăm từng đứa, nhóm bạn học cấp hai thuở nào giờ đã tha hương gần hết. Những đứa còn lại đã yên bề gia thất. Nó lại đi ra hướng cánh đồng. Chiều hoàng hôn nghiêng trên triền đê. Xa xa thấp thoáng một cánh diều bé nhỏ.

Theo lời mẹ, nó đạp xe lên chùa lễ Phật. Ngôi chùa nơi nó từng một thời là một đoàn sinh, nay đã có thầy trụ trì. Chùa sạch sẽ gọn gàng được xây dựng lại một cách khá khang trang. Chào thầy trụ trì xong nó xin phép lên chánh điện lễ Phật. Mọi thứ dường như đã đổi thay!

Trở về thành phố sau một tuần, gặp nó ai cũng bất ngờ vì làn da bị ăn nắng. Guồng quay công việc lại tiếp diễn. Chiều nay nó gọi điện về nhà. Đứa cháu nghe máy giúp ngoại, lém lĩnh bảo, ngoại nhờ con chỉ cách nhắn tin để lâu lâu ngoại nhắn tin cho cậu. Nó cười.

 

 

 

 

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle