Tập tục đón Lễ Phật đản các nơi trên đất nước Trung Quốc

tap tuc

Nhã Tuệ dịch

 

Lễ Phật đản, còn được gọi là lễ Tắm Phật hay hội Long Hoa, là một trong những ngày lễ lớn nhất trong năm của Phật giáo. Tương truyền, ngày 8 tháng 4 Âm lịch là ngày sinh của Đức Thích Ca Mâu Ni (Sakyamuni), người sáng lập Phật giáo. Đó là ngày chư Tăng dùng hương thơm gội tắm tượng Phật, mua rùa, cá phóng sinh. Các chùa chiền tiến hành tổ chức các hoạt động tụng kinh quy mô lớn. Vào thời Đông Hán ở Trung Quốc, lễ này chỉ tổ chức giới hạn trong tự viện, đến thời Ngụy Phổ Nam Bắc triều mới lưu truyền rộng ra nhân gian.   

Hơn 2.500 năm trước, Đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hay còn gọi là Phật Cồ Đàm (Gautama Buddha),  đã đản sinh tại vườn Lâm-tì-ni (Lumbini) ở miền Bắc Ấn Độ. Truyện kể rằng, lúc Đức Phật giáng sinh, trong vườn trăm hoa đua nở, thiên không xuất hiện chín con rồng, từ miệng rồng phun ra nước hoa thơm ngát gội tắm cho anh nhi. Phẩm “Thọ hạ đản sinh” thuộc kinh Phật bản hạnh tập ghi: “Sinh dĩ, vô nhân phù trì, tức hành tứ phương, diện hành thất bộ, bộ bộ cử túc, xuất đại liên hoa”. Điều này có nghĩa rằng, Thái tử Tất Đạt Đa (Siddhattha) sau khi đản sinh đã đi về bốn hướng, mỗi hướng đi bảy bước, từng bước vững chãi, dưới chân nở đóa hoa sen lớn. Đồng thời một tay chỉ lên trời một tay chỉ xuống đất, nói rằng: “Thiên thượng thiên hạ, duy ngã độc tôn”. Nghĩa là trên đời này chỉ có Như Lai (Tathagata) là cao quý nhất.

Lễ Phật đản được tổ chức tại các chùa viện thường có những nghi lễ như: Cung nghinh tượng Phật: vào ngày Phật đản, tượng Phật được cung nghinh từ kinh lầu đến trong đại điện, vị chủ pháp thượng hương, triển cụ, đảnh lễ ba lạy, đại chúng cùng xưng tán; An tòa tắm Phật: trong đại điện chuông trống vang lên, vị Tăng sám chủ thỉnh tượng Phật vào trong kim bồn, thượng hương, triển cụ, hướng về Phật đảnh lễ ba lạy hoặc chín lạy; Chúc thánh nhiễu Phật: vị Tăng sám chủ nghe tiếng khánh thì đảnh lễ ba lạy, cung kính xướng tụng; Hồi hướng quy y: sau khi nhiễu Phật xong thì trở về vị trí cũ, tiếp đó xướng tụng kệ Phật.

Vào lễ Phật đản, thường hội Tăng-già sẽ thiết lập trai hội, cũng gọi là ăn chay hội, thiện hội, mời các thiện nam tín nữ cùng tụng đọc kinh, ăn chay. Ở lễ tắm Phật, mọi người sẽ lấy nước tắm Phật; sau đó tiến hành các hoạt động như bố thí, phóng sinh…

Trong Võ lâm cựu sự có ghi rằng: Ngày 8 tháng 4 là ngày Phật đản. Các chùa đều có hội tắm Phật. Các Tăng Ni dùng bồn nhỏ để tượng đồng, ngâm bằng nước thơm, che bằng lán hoa, gõ chũm chọe cung nghinh, tiến về vị trí đặt tượng Phật, dùng gáo múc nước tưới lên tượng Phật, để mong cầu những điều tốt đẹp nhất. Ở các sông hồ thuyền bè tấp nập, diễn ra hoạt động mua bán rùa cá ốc phóng sinh.

Vào dịp Phật đản, phong tục truyền thống Bắc Kinh trước đây thịnh hành phóng sinh. Một số Tăng sư ở các chùa viện và nhiều người dân thường đem những con rùa con, chim bé, cá nhỏ do mình nuôi hoặc mua đến các bờ hồ hoặc sông suối phóng sinh. Các nơi trên cả nước tổ chứ lễ bái Bồ-tát Quán Thế Âm để cầu xin con cái. Một số nơi ở Bắc Kinh có miếu Quán Thế Âm nổi tiếng cũng hương khói nghi ngút.  

Vào dịp Phật đản, nhiều nơi ở tỉnh Sơn Tây tổ chức Phật miếu hội, lễ bái Phật tổ, nỗi bật nhất là lễ hội được tổ chức long trọng ở núi Ngũ Đài. Vào ngày này người đông nghìn nghịt, nhộn nhịp khác ngày thường. Nhiều nơi cúng bái và cầu con cái, lạy Phật tổ đồng thời lạy Bồ-tát Quán Âm. Các khu thành phố Vận Thành, Tấn Nam thuộc Tây nam bộ tỉnh Sơn Tây vào dịp Phật đản còn cúng tế Quan Công. Đại đồng phủ chí bản đời Minh ghi: “Vào ngày 8 tháng 4, các cửa hàng ngành nghề đều hiến vật đến mấy ngày, thiết cúng những đĩa hoa, tạo những tác phẩm giấy bằng thủ công, cực kỳ tinh xảo đẹp đẽ”. Tục ngữ nói rằng ngày 8 tháng 4 là ngày “Quan Công mài dao”. Mà rất kỳ lạ, thời tiết hôm đó thường hay mưa.   

Ở khu vực phía Nam, vào dịp Lễ Phật đản, các chùa chiền thường tổ chức pháp hội, tiến hành nghi lễ tắm Phật, thiện nam tín nữ phóng sinh cầu con cái, mong được bình an. Vào ngày này, các chùa chiền lập đàn thuyết pháp, chiêu nhận đàn việt (thí chủ) tham quan. Trong đại thiền lâm, những người đến dự không dưới mấy vạn. Tam sơn chí ghi rằng: “Ngày 8 tháng 4 là ngày sinh Đức Phật, là ngày mà dân Châu sở tại và các chùa cùng tổ chức đàn tràng… Phong tục này có lâu đời rồi”.

Phật giáo Nam truyền rất coi trọng ngày lễ này. Những người dân tộc Thái (dân tộc thiểu số ở tỉnh Vân Nam) theo tín ngưỡng Phật giáo Nam truyền, lúc đón lễ này, bất luận là nam nữ già trẻ, vào sáng sớm tinh mơ đều đến các chùa lễ Phật, tổ chức các nghi lễ đưa cũ rước mới, làm lễ tắm Phật, vẩy nước thanh khiết lên tượng Phật như một hình thức “tẩy trần”, hắt nước lên nhau, vui cười rộn rã, đua ghe rồng, và diễn ra nhiều hoạt động vui chơi khác. Đây là ngày lễ hắt nước nổi tiếng của dân tộc Thái. Phật giáo Tạng truyền cũng vậy, rất coi trọng ngày lễ này, gọi đó là “Tứ nguyệt pháp hội” (Pháp hội tháng Tư). Thường các hoạt động diễn ra liên tục mấy ngày, bao gồm lễ Phật, tụng kinh, đuổi tà ma (tập tục của Lạt-ma giáo), nhảy múa Pháp vương... Còn tập tục hắt nước chỉ thấy diễn ra giữa các chú tiểu với nhau.

(Theo Baijiahao)

  

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle