Cảm niệm Phật đản: NGÀI XUẤT HIỆN NHƯ TIẾNG CHUÔNG TỈNH THỨC
ngai xuat hien
Cảm niệm
Phật đản
NGÀI XUẤT HIỆN NHƯ TIẾNG
CHUÔNG TỈNH THỨC
Tỳ kheo
Thích Thanh Tâm
Cách đây 2642 năm, từ cung
trời Đâu Suất, với bi nguyện độ sinh, Bồ tát Hộ Minh đã thị hiện trần gian, mở
ra cho nhân loại một kỷ nguyên của từ bi và trí tuệ. Ngài sinh ra trong dòng họ
Thích Ca, nước Ca tỳla vệ ở Ấn Độ. Ngài con vua Tịnh Phạn và hoàng hậu Ma Da.
Tương truyền: Một hôm hoàng
hậu Ma Da nằm thấy voi trắng sáu ngà, từ trên trời sa xuống bên hông phải. Hoàng
hậu thao thức, kể lại giấc chiêm bao cho người đoán mộng. Mọi người công nhận,
đích thị điềm lành. Hoàng hậu sẽ sanh, hoàng nam tài đức, văn võ song toàn. Lời
đoán mộng ấy đã trở thành hiện thực. Vào một sớm mai trong vườn Tỳ Ni, chim thi
nhau hót, hoa nở khắp trời, và hương thơm đồng vọng, xông lên ngào ngạt, Thái Tử
đản sinh.
Ngài thị hiện giữa trần đời,
lúc tâm tư kiếp người than oán, kiếp phù sinh mỏng mảnh hoang mang. Trong xã hội
bao giai tầng chèn ép, khiến kiếp người mọi quyền sống bi thương. Đức Thế Tôn
soi sáng một con đường, cho nhân loại sớm ươm mầm sự sống. Cho nên sự xuất hiện
của Ngài biểu hiện cho từ bi và Trí tuệ hướng đến số phận con người, chiếu ánh
sáng nhiệm mầu để con người có thể vượt qua chướng nạn, từ một thế giới của mê
tín dị đoan, hay thù hận và sợ hãi, đến một thế giới mới của ánh sáng, của tình
yêu và hạnh phúc thật sự. Vì thế, Ngài đã đánh thức sự khôn ngoan trổi dậy trong
đời sống tinh thần của chúng ta, hướng dẫn chúng ta nhận chân được lối đi đích
thực trong cuộc đời.
Dẫu chúng ta đang phiêu dạt
nơi nào trong dòng đời sanh tử Ngài vẫn hướng cho mình về bến đỗ tâm linh. Bởi
có trí tuệ vượt trội và lòng từ bi lớn, Ngài khiến chúng ta vượt ra khỏi những
suy nghĩ trần tục, vượt khỏi khổ đau. Ngài đã chỉ chân lý tối hậu, soi rõ chân
và giả, đồng thời giúp chúng ta nhìn xuyên qua ảo tưởng mà tự đi vào con đường
giác ngộ. Vì vậy kỷ niệm Ngài Đức Thế tôn đản sinh là nhắc chúng ta niềm tôn
kính và lòng biết ơn bậc Đạo sư vì chúng sanh mà thị hiện giữa chốn phàm trần.
Do đó, từ độ sâu tối tăm giữa
vũng lầy của cuộc sống, trong vòng xoáy của luân hồi sinh tử, chu kỳ bất tận của
sinh và đạt được, chết và sự mất mát, đau và niềm vui chúng ta phải tìm kiếm cho
một lối thoát khỏi rối loạn của vật chất, để hướng đến lý tưởng cao cả về đạo
đức và nhân đạo như là thông điệp cao khiết cho sự xuất hiện của Ngài.
Và với trí tuệ hay cái nhìn
sâu sắc Ngài hướng chúng ta đến sự thực hành và nhìn thấy, không phải là một tín
ngưỡng bằng lời nói để được chỉ đơn thuần là tin. Bởi vì cuộc sống của Ngài là
bài Pháp đơn giản nhưng sâu sắc, một sự kết tinh của tầm nhìn với sự thật kinh
nghiệm sống. Và Ngài luôn nhằm đến các vấn đề con người, vấn đề khổ đau, mở ra
cánh cửa giải thoát cho người dân của tất cả các tầng lớp xã hội trong xã hội Ấn
Độ cổ đại.
Như vậy, Ngài ra đời với một
thông điệp của sự giải thoát và an lạc trong cuộc sống mở tung cánh cửa cuộc đời
nhằm thực hiện ước mơ và tạo dựng một thế giới an bình cho nội tâm và ngoại
cảnh, bằng cách chuyển hóa từ chính trong sự nhận thức tầm thường của dục vọng,
từ sự ham muốn thúc đẩy của dục ái và từ sự ham muốn dứt khoát xả bỏ tư duy giữa
cái ta và cái của ta mà đi đến bến bờ hạnh phúc. Cho nên, sự xuất hiện ấy như
một lời minh triết trao đến loài người, đã làm bùng nổ, tan vỡ hệ tư tưởng ràng
buộc trong xã hội đã ăn sâu vào tâm trí của con người. Sự giải thoát khỏi hệ lụy
của một hệ tư tưởng thần thánh thời ấy đã mang đến nhiều hạnh phúc cho nhân
loại, bất kể đó là nam hay nữ, sang hay hèn và bất kể người đó thuộc sắc tộc gì
hoặc địa vị nào trong xã hội.
Ở đâu đó, nhiều người thường
gây tai họa cho đồng loại, muốn cường bá và muốn hơn người để khẳng định cái
tôi, một cái tôi ảo ảnh mà cứ lầm tưởng đó là sự thật, nhưng thật chất, cái tôi
của con người vin vào ấy chính là tập hợp của sự vọng tưởng điên đảo tạo thành,
của kết tinh sự tham lam, sân hận, tập khí của ngu si, kiêu hãnh dựng nên để rồi
lầm lẫn cứ bám víu vào chúng cuối cùng làm đau khổ cho nhau.
Như vậy, sự xuất hiện
của Ngài trong kiếp sống nhân sinh để nhân loại xóa tan đi muộn phiền đau khổ,
cho ánh sáng từ bi và trí tuệ hiện hữu như tiếng chuông vang vọng giữa đam mê.
Bởi vì, tiếng chuông ấy đưa người quay về chánh giác, thức tỉnh
sanh tử đêm dài. Giữa đêm trường thanh vắng, tiếng chuông lại ngân dài, âm vang
mấy ngàn năm lịch sử. Cho nên, tiếng chuông giữ nhịp thời gian, là ký ức, là
hoài niệm, là dòng chảy cuộc đời. Dẫu giữa lòng phố thị, nhiều âm thanh hỗn tạp,
nhưng vẫn thấy ấm lòng khi nghe tiếng chuông ngân trong một thời khắc thanh
vắng.
Nguyện tiếng chuông này vang
pháp giới
Khắp nơi u tối mọi loài nghe
Siêu nhiên vượt thoát vòng sanh tử
Giác ngộ tâm tư một hướng về.
Do đó, tiếng
chuông thiêng liêng có một công năng mầu nhiệm thức tỉnh lòng người đang lang
thang trong dòng đời dâu bể, dẫu không phát ra thành lời nói,
nhưng có thể chuyển tải được âm thanh vi diệu của Phật pháp, đi thẳng vào lòng
người, làm vơi đi những khổ đau phiền muộn, từ đó lòng người trở nên nhẹ nhàng,
thanh thản và sống theo lời Phật dạy, chuyển hóa khổ đau thành an lạc để cuộc
sống có ý nghĩa hơn. Do đó, “Vượt Trường sơn nghìn dặm Bắc Nam, nhìn nắng
đọng sân chùa khách có biết mấy lần dâu biển? Ngắm sông bạc một màu chung
thủy, lắng chuông ngân đầu cỏ, người không hay một thoáng Vô vi.(Nguyên Chứng)
Vì vậy, giữa biển đời nhiều
nỗi bon chen danh lợi phù phiếm, thả chiếc lá xuống dòng sông, người lữ hành có
đếm được vô thường trong từng sự chuyển dịch. Chút ánh nắng còn đọng lại bên
hiên chùa, sưởi ấm lòng người cô lữ mệt mỏi, sau năm tháng làm khách phong trần,
ngày vắng, quê xa vạn dặm trường để bôn ba truy nguyên nhận thức. Để rồi,
khi hạt sương mong manh sương khói trên đầu ngọn cỏ vang vọng bản kinh chiều vô
ngôn giữa thinh không vắng lặng, ta lại tìm ta trong một thoáng vô vi.
Đồng thời, Phật đản năm này
cũng là dịp kỷ niệm 55 năm Pháp nạn lịch sử Phật Giáo Việt Nam 2507-2562, hoài
niệm về hình ảnh Bồ Tát Thích Quảng Đức ngồi trong biển lửa,
hi sinh thân giả tạm để chứng
đạo nhất thừa, hay sự hi sinh cao cả cho mục tiêu lớn lao vì đạo. Ngay nơi thân
đang bị ngọn lửa vô thường thiêu đốt, vẫn có tri kiến Phật an nhiên tự tại, bất
sanh bất diệt. Trên ngọn núi năm uẩn, bị lửa vô thường thiêu đốt, hòn ngọc tri
kiến Phật sắc vẫn óng ánh, tươi nhuần, như Ngộ Ấn thiền sư đã diễn tả qua bài kệ
thị tịch. Đó là tâm đạt đạo của thiền sư, là giá trị đặc thù siêu việt được
triển khai tuyệt đối để đưa con người từ địa vị phàm phu chuyển thành Thánh quả,
mà một khi thể đạt Thánh quả thì cũng có nghĩa là trở về cội nguồn, quê hương
thường tại. Và ánh sáng ngọn lửa bi hùng thiêng liêng ấy cũng là tiếng
chuông gióng lên giữa những hận thù, giữa những cuồng si của thế cuộc, để xua đi
đám mây u ám, mở ra chân trời rực ánh từ quang.
Tóm lại, sự xuất hiện của đức
Từ phụ Thích Ca Mâu Ni như tiếng chuông tỉnh thức, gióng lên giữa biển đời tĩnh
mịch và mở ra một cánh cửa giải thoát, khai triển tự tính giúp cho những ai đang
còn chìm đắm trong vũng bùn sinh tử, bằng đời sống tư duy vô chấp liễu ngộ thực
tại tánh, sớm ly tham, ly sân, ly si ngay ở cõi đời này. Và Ngài ra đời cũng vì
lý do duy nhất, đem tình thương hóa giải những đau khổ trong tâm tư con người;
lấy bình đẳng để san bằng những bất công của xã hội, khai ngộ tuệ giác cho mọi
chúng sanh.
Vì vậy, người con Phật ở khắp
nơi trên hành tinh này hân hoan, tưởng nhớ ngày Đại lễ là giây phút suy tư về
những lời dạy vàng ngọc của đức Thế Tôn. Là hàng đệ tử Phật, chúng ta luôn có
đầy đủ niềm tin về trí tuệ viên mãn của Ngài và mãi mãi thắp sáng trong lòng
chúng ta niềm thành kính vô biên đối với Ngài. Và hàng triệu trái tim đang muốn
dâng trọn nén tâm hương Giới - Định - Tuệ của mình lên cúng dường mười phương
chư Phật, với tâm thành cầu nguyện cho thế giới hòa bình chúng sanh an lạc, mưa
thuận gió hòa, quốc gia thịnh vượng.
Thiệu Long tam bảo, 2018