Những điều cần biết khi chăm sóc người hấp hối

nhung dieu

TINH VÂN – NHÃ TUỆ

 

Có sinh ắt có tử, niềm vui sướng khi mới ra đời thường làm cho con người ta quên mất nỗi bi thương tột cùng của lúc chết; người đời cũng không biết sự kết thúc của sinh mệnh bên này vốn là sự bắt đầu của lúc mới sinh ra bên kia. Giữa ranh giới sống và chết, thường chúng ta chỉ biết nỗi khổ đau của mình, mà không chú ý quan tâm đến tâm trạng của người hấp hối (lâm chung/sắp chết). Vì thế, làm thế nào để người lâm chung có được sự chăm sóc về mặt thể xác và tinh thần tốt nhất, là sự tôn nghiêm của cái chết, cũng là vấn đề quan trọng của “sinh quyền” (tất cả chúng sinh đều có quyền lợi sinh sống).

Mục đích chủ yếu của việc quan tâm lâm chung, là khiến cho người lâm chung khi đối diện với giai đoạn sau cùng của đời người có thể nhận thức và chấp nhận cái chết, trong tâm không nảy sinh sợ hãi phiền khổ, từ đó an nhiên đối diện với cái chết, đồng thời không lấy việc kéo dài mạng sống hoặc kéo dài hơi tàn làm mục tiêu. Quan tâm lâm chung đồng thời cũng sự giúp đỡ và động viên về mặt tinh thần cho những người trong gia đình, giúp họ vượt qua phút giây sinh ly tử biệt của cuộc đời này. Vì vậy, những thường thức của pháp Phật về lâm chung, trở thành nơi giúp đỡ về mặt tâm linh tốt nhất cho đôi bên: người lâm chung và gia quyến.

Cơ quan quan tâm lâm chung sớm nhất của Phật giáo, là “Vô Thường viện”[1] được thiết lập ngay tại tinh xá Kỳ-viên ở Ấn Độ, mục đích là mong muốn giúp cho những người mắc bệnh có thể khơi dậy niềm tin vãng sinh Tây phương Cực lạc, điều này có được là nhờ dựa vào tư tưởng trong pháp môn Tịnh độ Di Đà[2]. Thiền lâm của Trung Quốc thì có “An Lạc đường” hoặc “Niết-bàn đường”, “Hỷ Lạc tháp viện”, “An Dưỡng trung tâm”, bên trong cơ cấu công việc có đường chủ, chấp chưởng (quản lý) chăm sóc bệnh Tăng[3]. Tự viện bây giờ thì có “Như Ý liêu”, “An Ninh bệnh phòng”, chuyên phục vụ cho người bị bệnh tật. Ngoài ra, phẩm Giải đầu-đà[4] thuộc luận Thập trụ Tỳ-bà-sa, Quán niệm pháp môn do Thiện Đạo (613-681), Tăng nhân đời Đường biên soạn, cho đến Chiêm bệnh tóng chung thiên thuộc Tứ phần luật hành sự sao của Đạo Tuyên (596-667), Tăng luật đời Đường, cũng có ghi chép rõ ràng về chăm sóc lâm chung. Ngày nay, Giáo sư Điền Cung Nhân, Đại học Phật giáo Kyoto Nhật Bản, thậm chí đề xướng “Tỳ-kha-la” (Vihara), được xem như là trung tâm trị liệu cứu trợ (hộ lý) giai đoạn cuối theo phúc lợi xã hội Phật giáo[5]. Những tổ chức này đã cho thấy Phật giáo quý trọng đối với sinh mệnh và tôn trọng đối với vấn đề tử vong. 

Về việc chăm sóc lâm chung thời nay, ở Đài Loan có hội quỹ chăm sóc lâm chung Liên Hoa, hội quỹ trông nom An Ninh. Bên cạnh đó, các bệnh viện có phòng bệnh An Ninh, bệnh viện thuộc Viện Y học Đại học Đài Loan, bệnh viện Mã Giai, bệnh viện Vinh Dân Tổng.v.v... Đây là những hệ thống bệnh viện rất lớn, ở đó có sự kết hợp của các thành viên như bác sĩ, hộ lý sư, chuyên gia dinh dưỡng, dược sĩ, bác sĩ vật lý trị liệu, nhờ đó giảm bớt, xoa dịu nỗi đau khổ trên thân thể bệnh nhân; đồng thời có sự tham gia của những nhân viên công tác xã hội, nhân sĩ tôn giáo, khiến người bệnh loại bỏ được tâm lý sợ hãi cái chết; lại nhờ có sức mạnh của tôn giáo, đã giúp người lâm chung có được sự an ủi và dẫn dắt.

Chăm sóc lâm chung là giúp đỡ bệnh nhân có lộ trình đi hết cuộc đời cuối cùng một cách trang nghiêm. Vì vậy, lúc chăm nom, nên chú ý những việc sau đây:

1.       Nhận thức những thay đổi tâm lý của bệnh nhân lâm chung

Những thay đổi trong tâm trạng của người khi đối mặt với cái chết có những cung bậc khác nhau, do vậy người nhà, người tình nguyện, nhân sĩ từ thiện, thầy đạo (tôn giáo)… đều cần phải hiểu rõ và trợ giúp thích hợp, như:

Thứ 1, hoảng sợ. Phải nghĩ cách khiến tâm của người lâm chung sinh khởi vui vẻ, không bị các nỗi sợ hãi khống chế.

Thứ 2, phẫn nộ. Phải an ủi người lâm chung, khiến tâm tình bình tĩnh, vạn duyên buông xuống, không sinh khởi yêu ghét.

Thứ 3, tội lỗi. Giúp người lâm chung không có cảm giác tội lỗi, dạy họ niệm Phật có thể tiêu trừ tội chướng.

Thứ 4, bất xả. Khuyên nhủ người thân, tài vật của họ đối với thế gian không sinh tâm tham luyến.

Thứ 5, lo âu. Khiến người bị bệnh yên tâm, bất tất nghĩ ngợi chuyện người phức tạp.

Thứ 6, bất trợ. Khiến họ biết rất nhiều người thân bạn bè làm trụ cột tinh thần của họ.

Thứ 7, cam chịu/tự khinh. Khích lệ họ kiên định niền tin, niệm Phật tất sinh về quốc độ Cực lạc.

Thứ 8, cô độc. Không nên khiến người bệnh cảm thấy cô độc trên giường bệnh.

Thứ 9, chán nản. Người bị bệnh lúc sắp lìa đời nếu có ủ rủ, thì nên dành cho họ sự an ủi thích hợp.

Thứ 10, vô tri. Nói với người bệnh rằng họ sẽ sinh về quốc độ thanh tịnh an lạc hạnh phúc, khiến họ biết tương lai còn niềm hy vọng vô hạn.

2. Nhìn thẳng vào nhu cầu bệnh nhân lâm chung

Người tham gia chăm sóc lâm chung, nên tạo ra biểu tư liệu chia sẻ tâm tư cho mỗi vị bệnh nhân, để tìm hiểu nhu cầu và nguyện vọng cá nhân của mỗi người, hoặc từ quan sát mà biết được nhu cầu của họ. Ví dụ:

Thứ 1, mong muốn hiểu rõ bệnh tình.

Thứ 2, mong muốn nhận được sự khoan dung của người khác.

Thứ 3, hiểu rõ khoan dung người khác.

Thứ 4, mong muốn người khác quan tâm mình.

Thứ 5, gặp gỡ thân thích bè bạn.

Thứ 6, hiểu rõ về sinh mệnh.

Thứ 7, theo đuổi tín ngưỡng tôn giáo.

Thứ 8, sự an bài hậu sự.

3. Dành sự trợ giúp cho bệnh nhân lâm chung

Thứ 1, bằng thái độ quan tâm chăm chú lắng nghe.

Thứ 2, hãy để cho những người mà bệnh nhân yêu quý quan tâm đúng lúc, đồng thời cùng ở bên cạnh.

Thứ 3, tôn trọng tín ngưỡng tôn giáo của bệnh nhân.

Thứ 4, kể những câu chuyện và đạo lý về sám hối.

Thứ 5, bố trí Pháp sư hoặc nhân sĩ tôn giáo trò chuyện với bệnh nhân.

Thứ 6, cố gắng những gì có thể để đáp ứng những hy vọng của bệnh nhân.

Thứ 7, cùng thảo luận nguyện vọng của bệnh nhân.

Thứ 8, báo cho bác sỹ biết, giảm nhẹ nỗi đau đớn thể xác bệnh nhân, giữ được thần thức thanh thản.

Thứ 9, giúp đỡ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân giữ nếp sống thường nhật, cũng như chuẩn bị hậu sự.

Thứ 10, giữ tâm lý ôn hòa nơi bệnh nhân.

Thứ 11, trợ niệm cho bệnh nhân, giúp người bệnh khởi lên chánh niệm, an nhiên giã từ cõi đời. 

Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ thư Thượng Hải, tr.181-184

 



[1] Là an trí bệnh nhân mắc trọng bệnh trong Tăng chúng, khiến lúc sắp lâm chung có thể xả ly tham trước về phòng xá, y bát, đạo cụ v.v. Trong nhà thờ cúng tượng Phật A Di Đà đứng, tay trái rủ xuống, cầm cờ năm màu sắc. Người lâm chung nắm một mặt của cờ, biểu thị ý theo Phật vãng sinh. Diên Thọ đường, Trọng Bệnh gian về sau là áp dụng kiểu mẫu của Vô Thường viện.

[2] Căn cứ kinh Vô lượng thọ: “Ngày đêm tư duy như vầy: các loại công đức, các thứ trang nghiêm của thế giới Cực lạc và Phật A Di Đà, chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường, thì người bệnh lúc lâm chung, sẽ không sợ hãi, tâm không điên đảo, liền được sinh về cõi nước Phật ấy” (如是晝夜思惟極樂世界、阿彌陀佛種種功德,種種莊嚴,志心皈依,頂禮供養,是人臨終,不驚不怖,心不顛倒,即得往生彼佛國土。/Như thị trú dạ tư duy, Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, chủng chủng công đức, chủng chủng trang nghiêm, chí tâm quy y, đảnh lễ cúng dường. Thị nhân lâm chung, bất kinh, bất bố, tâm bất điên đảo, tức đắc vãng sanh bỉ Phật quốc độ). Do thế, thân tâm trước khi lâm chung được an tĩnh là điều cực kỳ quan trọng.

[3] Trong thiền lâm, Tăng nhân lâm bệnh dùng những nơi chữa bệnh, điều dưỡng, hàm ý cầu nguyện kéo dài tuổi thọ của sắc thân mà tiếp diễn pháp thân huệ mạng, cho nên gọi là Diên Thọ đường (nhà trường thọ - kéo dài tuổi thọ). Còn gọi là Diên Thọ viện, Diên Thọ liêu, Tương Tức liêu, Tỉnh Hành đường (nhà phản tỉnh hành vi của tự thân), Trọng Bệnh gian (các), Niết-bàn đường, Vô Thường viện (đường). Trong đó tên “Tỉnh Hành đường” đại khái được lấy từ ý “tỉnh sát hành khổ, dĩ hứng bi trí” (tự kiểm điểm hành vi bản thân chịu khổ, để khởi lên từ bi và trí tuệ). Lại nữa, ở Diên Thọ đường chăm sóc bệnh Tăng, trong Ty Chưởng đường sự cung cầu ngũ vị (năm vị ngọt chua cay đắng mặn) thuốc thang hằng ngày, giặt rửa giường chiếu áo quần gối nệm, hoặc người khuyên hóa thí chủ xúc tiến các nghị sự, gọi là Diên Thọ đường chủ, gọi tắt đường chủ. Theo “Diên Thọ đường chủ tịnh đầu điều” quyển 4, Thiền uyển thanh quy ghi chép, chức Đường chủ, phải mời người có khả năng giải sầu nhường nhịn giải quyết công việc, khéo léo giao thiệp, an dưỡng bệnh Tăng, giỏi biết nhân quả đảm nhiệm chức vụ này.

[4] Phẩm Giải đầu-đà nói: “T-kheo tuy thọ tận hình A-luyện-nhã phép, nếu có việc nhân duyên đến thì vào chùa tháp, pháp Phật có mở có đóng, không như A-luyện-nhã ngoại đạo, gọi là chỗn thanh vắng thường lạc, với tất cả pháp bất xả không tưởng, cho nên tất cả pháp thể cứu cánh đều không. Hỏi: Có nhân duyên gì mà đến chùa tháp? Đáp: Thứ nhất, cúng dường cho người bệnh; thứ hai, thỉnh cầu đồ dùng y dược cho người bệnh; thứ ba, thỉnh cầu khám bệnh cho người bệnh; thứ tư, nói pháp cho người bệnh; thứ năm, nói pháp cho T-kheo khác; thứ sáu, nghe pháp giáo hóa; thứ bảy, cúng dường cung kính cho Đại đức; thứ tám, cúng dường cho Tăng chúng; thứ chín, vì đọc tụng thâm kinh (các kinh điển Đại thừa); thứ mười, dạy người ấy đọc thâm kinh. Có tất cả nguyên nhân như thế để đến chùa tháp.” (解头陀品》云:比 丘虽受尽形阿练若法,有因缘事至则入塔寺,佛法有通有塞,非如外道阿练若,名常乐空闲静处,于一切法不舍空想,以一切法体究竟皆空故。问曰:有何因缘故, 来至塔寺?答曰:一、供给病人;二、为病者求医药具;三、为病者求看病人;四、为病者说法;五、为余比丘说法;六、听法教化;七、为供养恭敬大德者;八、 为供给圣众;九、为读诵深经;十、教他令读深经。有如是等诸因来至塔寺。) Trong đó một đến bốn thuộc về phạm vi chăm sóc lâm chung.

[5] Tỳ-kha-la, có nghĩa là thân tâm đều an, tịnh tĩnh trường cửu, tinh xá chùa viện. Điền Cung Nhân đảm nhiệm nghiên cứu viên thuộc Sở nghiên cứu công cuộc xã hội Phật giáo, trường Đại học Phật giáo, lấy “trị liệu cứu trợ thời cuối” làm luận đề nghiên cứu, cho rằng sự nghiệp phúc lợi xã hội Phật giáo nên coi trọng hành động thực tế, vì thế mà đề xướng lấy bối cảnh “ Tỳ-kha-la”, thiết lập cơ quan hộ lý giai đoạn cuối.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle