Đọc Kinh Đoạn giảm

doc kinh

ĐỌC KINH ĐOẠN GIẢM

Suy ngẫm về pháp hành

1. Bối cảnh

Kinh Đoạn giảm là kinh số 8 của Trung bộ kinh thuộc tạng kinh Nam truyền, tương đương với kinh số 91, Châu-na vấn kiến của bộ Trung A-hàm thuộc tạng kinh Bắc truyền. Khung cảnh dựng lên bản kinh tại thành Xá-vệ, trong tịnh xá Kỳ-viên, bấy giờ, Tôn giả Maha Cunda, vào buổi chiều từ chỗ độc cư thiền tịnh đứng dậy đến chỗ Thế Tôn, và hỏi: Trên đời có nhiều quan điểm liên hệ đến ngã luận, hoặc thế giới luận, nếu Tỳ-kheo có tác ý ngay từ ban đầu, thời có thể đoạn trừ, có thể xả ly những kiến chấp ấy hay không? Đức Phật trả lời câu hỏi và chỉ dẫn phương pháp tu tập được gọi là đoạn giảm.

2. Nội dung

Kinh được chia thành ba phần chính, tóm tắt như sau:

2.1. Phương pháp đoạn trừ chấp trước

Có những loại kiến chấp khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: "Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi", có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy.

2.2. Tứ thiền, tứ định không đoạn trừ được phiền não

- Thiền thứ nhất, một trạng thái hỷ lạc do ly dục sanh, với tầm với tứ. Thiền thứ hai, một trạng thái hỷ lạc do định sanh, không tầm không tứ, nội tỉnh nhất tâm. Ly hỷ trú xả, chánh niệm tỉnh giác, thân cảm sự lạc thọ mà các bậc Thánh gọi là xả niệm lạc trú, chứng và trú Thiền thứ ba. Xả lạc xả khổ, diệt hỷ ưu đã cảm thọ trước, chứng và trú Thiền thứ tư, không khổ không lạc, xả niệm thanh tịnh. Bốn trạng thái chứng đắc này không được gọi là đoạn giảm, nghĩa là nó không có tác dụng đoạn trừ phiền não, giảm thiểu vô minh, mà nó chỉ là trạng thái "hiện tại lạc trú" trong giới luật của bậc Thánh mà thôi.

- Chứng và trú Không vô biên xứ, Thức vô biên xứ, Vô sở hữu xứ, Phi tưởng phi phi tưởng xứ cũng không được gọi là đoạn giảm mà chỉ được gọi là "tịch tịnh trú" trong giới luật của bậc Thánh.

2.3. Pháp môn đoạn giảm

Phương pháp tu tập để đoạn trừ phiền não, giảm thiểu vô minh, cho đến sạch hết cấu uế, lậu tận được Đức Phật chỉ dạy rất rõ ràng, cụ thể và giản dị:

"Những kẻ khác có thể là những người làm hại, chúng ta ở đây không thể là những người làm hại, như vậy đoạn giảm được thực hiện.

"Những kẻ khác có thể sát sanh, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ sát sanh, như vậy đoạn giảm được thực hiện.

"Những kẻ khác có thể lấy của không cho, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ lấy của không cho, như vậy đoạn giảm được thực hiện.

"Những kẻ khác có thể không phạm hạnh, chúng ta ở đây sẽ sống phạm hạnh, như vậy đoạn giảm được thực hiện.

"Những kẻ khác có thể nói láo, có thể nói hai lưỡi, có thể nói lời độc ác, có thể nói lời phù phiếm, có thể tham dục, có thể có sân tâm, có thể có tà kiến, có thể có tà tư duy, có thể có tà ngữ, có thể có tà nghiệp, có thể có tà mạng, có thể có tà tinh tấn, có thể có tà niệm, có thể có tà định, có thể có tà trí, có tà giải thoát, có thể bị hôn trầm thụy miên chi phối, có thể có trạo hối, có thể nghi hoặc, có thể phẫn nộ, có thể oán hận, có thể hư ngụy, có thể não hại, có thể tật đố, có thể xan tham, có thể man trá, có thể khi cuống, có thể ngoan cố, có thể cấp tháo, có thể khó nói (nan thuyết), có thể là ác hữu, có thể phóng dật, có thể là bất tín, có thể không xấu hổ, có thể không sợ hãi, có thể nghe ít, có thể biếng nhác, có thể thất niệm, có thể liệt tuệ, có thể nhiễm thế tục, cố chấp tư kiến, tánh khó hành xả, chúng ta ở đây sẽ từ bỏ nói láo, sẽ từ bỏ nói hai lưỡi, sẽ từ bỏ nói lời độc ác, sẽ từ bỏ nói lời phù phiếm, sẽ không tham dục, sẽ không có sân tâm, sẽ có chánh kiến, sẽ có chánh tư duy, sẽ có chánh ngữ, sẽ có chánh nghiệp, sẽ có chánh mạng, sẽ có chánh tinh tấn, sẽ có chánh niệm, sẽ có chánh định, sẽ có chánh trí, sẽ có chánh giải thoát, sẽ không có hôn trầm thụy miên chi phối, sẽ không có trạo hối, sẽ trừ diệt nghi hoặc, sẽ không có phẫn nộ, sẽ không có oán hận, sẽ không hư ngụy, sẽ không não hại, sẽ không tật đố, sẽ không xan tham, sẽ không man trá, sẽ không khi cuống, sẽ không thể ngoan cố, không thể cấp tháo, sẽ dễ nói, sẽ là thiện hữu, sẽ không phóng dật, sẽ có tín tâm, sẽ có xấu hổ, sẽ có sợ hãi, sẽ nghe nhiều, sẽ siêng năng, sẽ an trú niệm, thành tựu tuệ, sẽ không nhiễm thế tục, không cố chấp tư kiến, tánh dễ hành xả, như vậy đoạn giảm được thực hiện.”

Bản kinh liệt kê có 44 tâm cấu uế mà một hành giả tu tập muốn đạt được giải thoát phải đoạn trừ. Phương pháp đoạn trừ gồm bốn giai đoạn: khởi tâm, từ bỏ, hướng thượng, giải thoát.

3. Nhận định

Đọc kinh Đoạn giảm đã hóa giải rất nhiều vấn đề còn chưa rõ ràng trong đời sống tu tập, đồng thời nhận thấy được pháp hành rất cụ thể, rất giản dị mà bất kỳ ai cũng có thể hiểu và thực hành được.

3.1. Viễn ly điên đảo vọng tưởng      

Trước hết, ngay phần mở đầu, chỉ vài lời ngắn gọn, Đức Thế Tôn đã giải quyết câu hỏi của tôn giả Maha Cunda, một câu hỏi thiết thân cho sự nghiệp tu tập: “Bạch Thế Tôn, biết như thế nào, thấy như thế nào để các kiến chấp này được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các tà kiến khác không tiếp diễn, không bị chấp thủ?”

Có thể chúng ta biết rất nhiều, thấy rất nhiều, nhưng biết và thấy những gì để các kiến chấp được tiêu diệt, được xả ly và khiến cho các tà kiến khác không tiếp diễn, không bị chấp thủ… thì có lẽ chúng ta chưa biết, hoặc biết rất mơ hồ, hoặc ngược lại, càng biết, càng thấy càng chấp thủ! Các kiến chấp, mà cụ thể là kiến chấp về ngã, tức các chủ trương có thần ngã, có chúng sanh, có nhân, có thọ, có mạng, có thế gian[1], hay cụ thể có 20 quan điểm về ngã được đề cập trong kinh Tiểu duyên phương quảng[2], và những kiến chấp về thế giới, như thế giới là thường hay vô thường, hữu biên hay vô biên[3]… nói theo ngôn ngữ Tâm kinh bát-nhã là những vọng tưởng điên đảo. Làm thế nào để viễn ly, để xa lìa mọi vọng tưởng điên đảo, mọi chấp trước? Đức Phật dạy: "Những loại sở kiến này khởi lên trên đời, hoặc liên hệ đến ngã luận, hoặc liên hệ đến thế giới luận, chỗ nào những sở kiến này tiềm ẩn, và chỗ nào những sở kiến này hiện hành, chỉ có cách như thật quán sát chúng với trí tuệ rằng: ‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’, có vậy thời có sự đoạn trừ những sở kiến ấy, có sự xả ly những sở kiến ấy."

‘Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi’ là liễu tri năm uẩn đều không do nỗ lực hành thâm bát-nhã ba-la-mật! Tức là tuệ quán sát, là thiền quán, hay đơn giản là tư duy chân chánh và sâu sắc về các pháp, về con người và thế giới. Và đây chính là thần chú vĩ đại, là minh chú vĩ đại, là chú vô thượng, là chú không gì có thể so sánh, có khả năng diệt trừ tất cả khổ! Then chốt của mọi công phu tu tập là ở đây. Dù thực tập theo truyền thống nào, pháp môn gì – trì chú, tụng kinh, niệm phật, ngồi thiền - thì mục đích cuối cùng cũng phải đạt được tuệ giác vô ngã, thấy rõ năm uẩn là không mới có thể độ nhất thiết khổ ách.

3.2. Nhận lầm đường tu

Thứ đến, bản kinh cho thấy có những cách hiểu sai lầm về ý nghĩa tu tập trong Phật giáo, mà cụ thể ở đây là ngộ nhận về tám chứng đắc: Tứ thiền sắc giới và Tứ định vô sắc giới. Đức Phật khẳng định, đắc Tứ thiền chỉ được gọi là ‘hiện tại lạc trú’, đắc Tứ định chỉ được gọi là ‘tịch tịnh trú’ trong giới luật của bậc Thánh. Các thiền định này không có khả đoạn trừ phiền não, diệt tận vô minh để đạt được giải thoát, chứng đắc Niết-bàn. Tuy nhiên, trong kinh tạng Nikaya, A-hàm, Đức Phật dường như cho thấy Tứ thiền chính là nguồn cảm hứng cho Ngài tu tập và dẫn vào nội quán đưa đến đoạn tận lậu hoặc, chứng đắc Niết-bàn. Trường A-hàm, quyển 8, kinh Chúng tập, định nghĩa về Tứ thiền như sau: “Lại có bốn pháp tức là bốn thiền: 1. Ở đây, Tỳ-kheo trừ dục, ác bất thiện pháp, có tầm có tứ, hỷ lạc phát sanh do viễn ly, nhập Sơ thiền, 2. Diệt tầm và tứ, nội tĩnh, nhất tâm, không tầm không tứ, có hỷ lạc do định sanh, nhập đệ Nhị thiền; 3. Lìa hỷ, an trú xả chuyên niệm không loạn, tự thân cảm giác lạc, điều mà Hiền Thánh nói là xả, an trú lạc có niệm, nhập đệ Tam thiền; 4. Xả bỏ khổ và lạc, trừ diệt ưu và hỷ từ trước, không khổ, không lạc, xả và niệm thanh tịnh, nhập đệ Tứ thiền."[4]

Kinh Tạp A-hàm, quyển 17, ghi nhận: “Khi nhập Sơ thiền, ngôn ngữ tịch diệt. Nhập Nhị thiền thì tầm tứ tịch diệt. Nhập Tam thiền, tâm hỷ tịch diệt. Nhập tứ thiền, hơi thở ra vào tịch diệt.”[5]

Thiền, Phạn ngữ dhyāna, xưa nay vẫn được hiểu là tĩnh lự, bởi khi hành thiền hành giả đạt được trạng thái tâm tịch tĩnh, từ trong trạng thái tịch tĩnh đó mà thẩm lự, tức quán sát để thẩm định các pháp nhằm đạt đến sự hiểu biết đúng như thật. Sự thẩm lự này lấy tuệ làm thể, cho nên các trạng thái thiền định đều gọi là tĩnh lự, và đây chính là ý nghĩa tối thắng của Tứ thiền tĩnh lự (bốn loại thiền vắng lặng), là tên gọi độc đáo và duy nhất chỉ cho thiền.

Câu-xá luận, quyển 28, ghi rằng: “Nhất thiết hữu bộ cho rằng, thẩm lự lấy tuệ (prajñāna) làm thể. Như vậy, phải chăng tất cả các đẳng trì (samāpatti) đều được gọi là tĩnh lự (dhyānas)? Không phải! Chỉ những đẳng trì nào có tính chất thù thắng mới được gọi là tĩnh lự. Giống như ở thế gian chỉ có mặt trời mới được gọi là ‘vật phát sáng’, chứ không phải là đom đóm hay những vật khác. Tĩnh lự được gọi là thù thắng nhất bởi nó chứa đựng đầy đủ các chi (angasamāyukta), vận hành nhờ vào chỉ (śamatha) và quán (vipaśyanā) được buộc vào cán cân (yuganaddhavāhin, có nghĩa là cả chỉ và quán đều ở vào thế ngang bằng nhau), là loại đẳng trì được kinh gọi là “hiện pháp lạc trú” và “lộ trình dễ đi” (sukhapratipad, lạc thông hành), tức lộ trình mà nhờ đó hành giả có thể biết được nhiều hơn và dễ dàng hơn. Vì thế loại đẳng trì thù thắng này mới có tên là tĩnh lự.”[6]

Y cứ vào đoạn luận trên thì biết rằng, bốn thiền sắc giới có đầy đủ các thiền chi tầm, từ, hỷ, lạc và chỉ quán được phát triển đồng đều, cho nên đặc biệt gọi tên là bốn tĩnh lự, cũng là thiền căn bản, và dường như Phật giáo đã đưa vào đó nội dung tu tập hay kỹ thuật hành thiền đặc biệt để nó trở thành thiền định đặc trưng của Phật giáo. Dẫu vậy, như đã nói trên, tác dụng hay kết quả cuối cùng của Tứ thiền sắc giới là “hiện tại lạc trú” và của Tứ thiền vô sắc giới là “tịch tịnh trú”, và cũng có thể đắc thần thông nữa, vẫn không phải là mục đích cứu cánh của đời sống phạm hạnh, bởi nó không có tác dụng đoạn giảm. Trường hợp của Đề-bà-đạt-đa là một minh chứng vậy.[7]

Nếu như người hành thiền đạt được hỷ lạc do ly dục, hiện tại lạc trú, tịch tịnh trú… mà vẫn chưa thể gột trừ được phiền não, cấu uế thì một người xuất gia suốt đời gọi là hành đạo bằng muôn vàn Phật sự, lăng xăng với lợi danh, không có một chút định tĩnh làm sao có thể đoạn giảm? Kinh Chân nhân đã khẳng định, cho dù ‘tụng kinh, trì luật, học A-tỳ-đàm, thuộc làu A-hàm, học nhiều kinh sách; hoặc mặc y phấn tảo, nhiếp ba pháp phục, trì y bất mạn; hoặc thường đi khất thực, cơm chỉ ngang bằng năm thăng, chỉ khất thực hạn cuộc nơi bảy nhà, chỉ ăn một bữa, quá giữa trưa không uống nước trái cây; hoặc ở chỗ rừng vắng sơn lâm, dưới gốc cây, hoặc ở núi cao hay nơi đất trống, hoặc nơi gò mả; hoặc chứng quả từ Sơ thiền đến Phi tưởng phi phi tưởng xứ… mà quý mình khinh người thì cũng chẳng phải là chân nhân’, chẳng phải là người xuất gia chân chính.[8]

Bản kinh cho thấy giá trị giải thoát hay giá trị phạm hạnh không đặt vào hình thức tu tập, địa vị xuất thân, vai vế xã hội… mà đặt vào hiệu quả của công phu đoạn trừ dâm, nộ, si, tham ái và chấp thủ, đoạn trừ các kiết sử lậu hoặc, phát triển tâm và tuệ giải thoát. Bản kinh định hướng rõ mục đích của giáo dục Phật giáo, đó là giáo dục con người nỗ lực để tự chiến thắng mình chứ không phải nỗ lực để vượt trội hơn người khác. Đây là hướng giáo dục rất nhân bản, hòa bình, dập tắt tinh thần giáo dục cạnh tranh, nuôi lớn bản ngã, dẫn đến xung đột, chiến tranh và sầu khổ.

Bản kinh cũng khẳng định rõ giá trị của người tu sĩ Phật giáo là hướng nội, tự tri, quyết tâm đoạn trừ các nhân tố gây ra khổ đau, chứ không phải đi vào thị phi, danh vọng, lợi dưỡng, hơn thua, được mất, tranh đua quyền lực, chức tước, phẩm vị…

3.3. Pháp hành giản dị

Xưa nay chúng ta vẫn nói về sự tu, nói về giác ngộ, giải thoát. Nhưng thật ra, tu là gì? Nhiều khi chúng ta nghĩ tu hành là việc gì đó cao siêu, thậm thâm vi diệu, hay bí mật, thiêng liêng, miên mật công phu đến một ngày nào đó hoát nhiên đại ngộ. Nhưng thật ra, tu tập có nghĩa là "Những kẻ khác có thể là những người làm hại, chúng ta ở đây không thể là những người làm hại. "Thật giản dị vô cùng!

Hẳn chúng ta còn nhớ chuyện cư sĩ Bạch Cư Dị tham vấn Thiền sư Ô Sào về đại ý Phật pháp. Ô Sào đã nói: "Chớ làm các việc ác/ Siêng làm các việc lành/ Giữ tâm ý thanh tịnh/ Là lời chư Phật dạy." Bạch Cư Dị cho rằng đứa trẻ lên ba cũng nói được. Thiền sư Ô Sào đáp rằng: "Đứa trẻ lên ba cũng có thể nói được, nhưng ông lão sáu mươi chưa chắc đã làm được."

Thật vậy, những điều tưởng chừng như đơn giản đôi khi lại quá khó với nhiều người. Vì vậy, muốn diệt trừ cấu uế để tâm ý được thanh tịnh, trước hết chúng ta phải phát khởi tâm, bởi ‘sự khởi tâm rất có lợi ích cho các thiện pháp’: "Những kẻ khác có thể làm hại, chúng ta ở đây sẽ không làm hại, cần phải khởi tâm như vậy." Rõ ràng, sự phát khởi tâm là yếu tố vô cùng quan trọng trong đời sống tu tập. Tâm có phát, nguyện có lập thì đạo mới thành. Vấn đề then chốt ở đây là, khi tu tập, chúng ta thường bị vướng vào pháp môn, như người tu niệm Phật cứ lăn tăn chuyện niệm bốn chữ ‘A-di-đà Phật’ hay sáu chữ ‘Nam-mô A-di-đà Phật’, thậm chí có kẻ còn chủ trương đổi ‘A-di-đà’ thành ‘A-mi-đà’… mà quên mất cốt tủy của sự tu tập là ‘chuyển đổi tâm ý’, là phải phát tâm từ bỏ cấu uế. Từ bỏ bằng cách nào? Mọi pháp trên đời đều có hai mặt, pháp đen thì có pháp trắng để đối trị. Cho nên, để đối trị xan tham, Phật dạy lấy bố thí để đối trị; nếu có tâm làm hại thí lấy sự không làm hại để đối trị. Và luôn luôn nhận thức rằng, con người làm hại là đi xuống, không làm hại sẽ đi lên, sẽ hướng thượng; con người từ bỏ sát sanh là hướng thượng đối với người sát sanh. Từ đó sẽ thấy rõ rằng: "Ðối với người làm hại, không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát; đối với con người sát sanh, từ bỏ sát sanh đưa đến hoàn toàn giải thoát."

Thì ra, giải thoát là không đi về đâu cả! Giải thoát là ngay đây, đoạn giảm hoàn toàn cấu uế, phiền não: "Này Cunda, con người tự mình bị rơi vào bùn lầy có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy không thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không rơi vào bùn lầy, có thể kéo lên một người bị rơi vào bùn lầy, sự tình ấy có thể xảy ra. Này Cunda, con người tự mình không được nhiếp phục, không được huấn luyện, không được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện và hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy không xảy ra. Một người được nhiếp phục, được huấn luyện, được hoàn toàn giải thoát, tự mình có thể nhiếp phục, huấn luyện, hoàn toàn giải thoát người khác, sự tình ấy xảy ra. Cũng vậy, này Cunda: Ðối với người làm hại, không làm hại đưa đến hoàn toàn giải thoát; đối với con người sát sanh, từ bỏ sát sanh đưa đến hoàn toàn giải thoát…"

4. Lời kết

Tôn giả Đại Câu-hi-la[9] cho biết, ngay cả những người chứng Sơ thiền, Nhị thiền, Tam thiền, Tứ thiền, hoặc được Vô tưởng tâm định rồi an trụ trong đó chứ không mong cầu thêm, không mong được những gì chưa được, thu hoạch những gì chưa thu hoạch, tác chứng những gì chưa tác chứng. Sau đó người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện. Người ấy thường cùng với bạch y tụ họp, cười cợt, cống cao, bàn tán ồn ào đủ chuyện rồi thì tâm sanh tham dục. Tâm sanh tham dục rồi thì thân nhiệt, tâm nhiệt. Thân nhiệt, tâm nhiệt rồi thì xả giới, bỏ đạo.

Từ đó cho thấy sự khác biệt giữa thiền định và quả chứng trong Phật giáo. Thiền định chú trọng trên sự định tâm, và tâm định ở đây chỉ là trạng thái tâm thức ngủ yên, như lớp cỏ bị tảng đá đè nén không có cơ hội phát triển. Nếu lấy tảng đá ra, cỏ sẽ mọc trở lại và phát triển rất nhanh chóng. Trong khi đó, sự tu tập trong Phật giáo không đơn giản chỉ là sự định tâm vào một đối tượng, rồi an trú ở đó – như chú tâm niệm hơi thở, niệm phật, trì chú, tụng kinh - mà luôn trong trạng thái tỉnh giác, hướng đến vô ngã, trú xả và đặc biệt quan trọng là hướng đến sự diệt tận lậu hoặc. Chỉ có sự diệt tận lậu hoặc mới đưa hành giả đến chỗ bất thối.

Bản kinh cho thấy sự tu tập là một quá trình nỗ lực, tinh tấn không dừng, cho đến khi diệt tận hoàn toàn lậu hoặc, biết rõ sanh đã tận, phạm hạnh đã thành, thì việc cần làm mới được gọi là làm xong. Một khi chưa đi đến vị trí này, người xuất gia chớ bao giờ tự đắc, tự mãn… mà chướng ngăn Thánh đạo!

 



[1] Theo bản Chu-na vấn kiến.

[2] Trung bộ kinh số 44, Tiểu duyên phương quảng, HT. Thích Minh Châu dịch.

[3] Xem Trường bộ, kinh Phạm võng, HT. Thích Minh Châu dịch.

[4] Tiểu tạng Thanh văn, Trường A-hàm, HT. Tuệ Sỹ dịch.

[5] Tiểu tạng Thanh văn, Tạp A-hàm, HT. Tuệ Sỹ dịch.

[6] Câu-xá luận, Đạo Sinh dịch.

[7] Xem Tăng nhất A-hàm, phẩm Bất đãi. Đề-bà-đạt đa chứng tứ thiền, đắc thần thông, vẫn tạo tội ngũ nghịch, hiện đời đọa địa ngục.

[8] Trung A-hàm, kinh Chân nhân.

[9] Xem Trung A-hàm, Kinh Chi-ly-di-lê.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle