Những điều cần biết khi thăm người bệnh

nhung dieu

Tinh Vân – Nhã Tuệ dịch

 

Kinh Phạm võng nói: “Nhược Phật tử kiến nhất thiết tật bệnh nhân, thường ứng cúng dường, như Phật vô dị. Bát phước điền trung, khán bệnh phước điền, đệ nhất phước điền.” Nghĩa là nếu Phật tử thấy tất cả người bệnh thì luôn nên cúng dường, như đối với Đức Phật không khác. Trong tám ruộng phước[1] thì thăm bệnh là ruộng phước thứ nhất. Đức Phật từng đến nơi ở của một vị T-kheo mắc bệnh mãn tính để thăm hỏi, đích thân gột rửa thân thể cho vị này. Một ví dụ khác, Đức Phật vấn an một vị T-kheo bị bệnh tại tịnh xá Kỳ-viên, khiến vị này khỏe lại. Con người lúc bị bệnh tật thì tinh thần trở nên yếu đuối, dễ sinh tâm buồn lo sợ hãi, hoảng hốt lúng túng, là lúc cần bạn bè thân thích quan tâm chăm sóc nhất. Vì vậy, là đệ tử Phật, nếu có người bị bệnh thì nên săn sóc đúng lúc, mời thiện tri thức thuyết pháp cho người ấy, tưới nhuần thân tâm của người bệnh, làm cho họ nhận được sự an ủi trong lúc đang chịu sự đau khổ của bệnh tật. Giống như vị lương y và hộ sĩ của chúng sinh, ta chăm sóc tất cả mọi người bệnh tật.

Chăm sóc, nuôi dưỡng người bệnh cần có những ngôn ngữ phù hợp, thái độ nghiêm túc, cách thức đúng đắn; bằng không, không chỉ không thể làm cho người bệnh sớm khỏi, mà còn làm cho tâm họ nên sợ hãi, thậm chí bệnh tình nặng thêm. Làm thế nào để thăm bệnh đúng pháp? Kinh Tăng nhất A-hàm quyển 24 ghi, có năm cách có thể khiến cho người bệnh mau chóng khỏe lại: (1) Phân biệt lương y cho người bệnh; (2) Chăm sóc người bệnh phải ngủ sau dậy trước, không được lười biếng; (3) Lời lẽ khéo léo, không ham ngủ nghỉ; (4) Cúng cường bằng pháp Phật, không tham ăn uống; (5) Có thể đảm nhiệm chia sẻ pháp thoại với người bệnh.

Với quan điểm y học hiện đại, ngoài thân tâm người bệnh cần phai trị liệu, thăm hỏi an ủi, người nhà của người bệnh cũng nên nhận được sự quan tâm, cần chỉ dẫn cho họ y học thường thức và hướng dẫn tâm lý thích hợp, giúp họ nhận thức đúng đắn đối với người bệnh. Dưới đây là những việc lúc thăm bệnh nên chú ý:

Thứ 1, thời gian thăm bệnh không nên quá sớm hoặc quá muộn, để tránh ảnh hưởng thời gian làm việc và nghỉ ngơi của bệnh nhân.

Th 2, mỗi lần đi thăm bệnh không nên quá nhiều người; thời gian trò chuyện với người bệnh không nên quá dài.

Thứ 3, có thể tặng hoa tươi hoặc sách vở, khiến tâm hồn người bệnh có được sự an ủi.

Thứ 4, người bệnh nếu là tín đồ Phật giáo, thì có thể mang văn vật Phật giáo, hoặc sách báo, tượng Phật, tràng hạt, băng nhạc, Đại bi chú thủy..., để thăm hỏi bệnh nhân.

Thứ 5, nên tuân theo những chỉ thị của nhân viên y bác sỹ, không tặng những vật phẩm mà bệnh nhân không thể dùng được. Như người bị bệnh tiểu đường, kiêng tặng đồ ngọt.

Thứ 6, không nên giới thiệu các phương thuốc dân gian.

Thứ 7, nếu chưa được y sỹ cho phép, không nên giới thiệu hoặc dẫn thầy chữa bệnh dân tục đến điều trị.

Thứ 8, không được tùy tiện chế ra (sản xuất) bất kỳ vị thuốc nào cho người bệnh sử dụng.

Thứ 9, ngoài việc giữ từ bi trong lòng, chăm sóc chân thành, cũng nên dẫn dắt người bệnh khơi dậy tín tâm đối với Phật giáo.

Thứ 10, người bệnh lúc sốt ruột bất an, có thể tùy cơ nói pháp, khiến tâm hồn của người bệnh được an ủi.

Thứ 11, chịu khó lắng nghe tiếng nói từ đáy lòng của bệnh nhân, tháo gỡ những buồn đau trong lòng họ.

Thứ 12, có thể đọc báo chí tạp chí, văn chương hoặc những câu chuyện vui, để xóa tan sự lạnh lẽo, trống vắng của bệnh tật, giữ tâm tình vui vẻ.

Thứ 13, lúc vào phòng điều trị, nét mặt nên tự nhiên, phải tránh biểu lộ đau buồn khóc lóc, để khỏi ảnh hưởng người bệnh và tâm trạng của người nhà bệnh nhân.

Thứ 14, không nên bàn tán kích động đến người, việc, vật liên quan tâm trạng bệnh nhân, để tránh tâm trạng bệnh nhân phản ứng quá mức.

Thứ 15, không nên tranh chấp và tranh luận với người bệnh, không nên dạy đời người bệnh.

Thứ 16, nên nói những ngôn ngữ tràn đầy hy vọng, dành cho người bệnh những khích lệ, động viên.

Thứ 17, trò chuyện thanh âm vừa phải, để tránh ảnh hưởng đến người bệnh khác chung quanh.

Thứ 18, không nên ngồi trên giường người bệnh, để tránh làm người bệnh nảy sinh những cảm nhận không thoải mãi.

Thứ 19, vấn đề người bệnh lo lắng, như gia đình, sự nghiệp, kinh tế sinh hoạt v.v.., nên dành sự quan tâm.

Thứ 20, không nên dẫn con cái đến thăm bệnh nhân, trừ phi người bệnh thiết tha muốn gặp đứa bé đó.

Thứ 21, lúc bị cảm hoặc bị bệnh có tính truyền nhiễm, tốt nhất không nên đi thăm bệnh, để tránh bệnh khuẩn (vi khuẩn gây bệnh) lây truyền cho người bệnh, bệnh tình thêm trầm trọng.

Thứ 22, người bệnh lúc hấp hối, nên nói pháp cho họ, giúp họ niệm Phật, khiến người bệnh có thể an nhiên vãng sinh.

Thứ 23, gặp có người khác đến thăm bệnh, nên cáo từ đúng lúc.

Thứ 24, được y sư đồng ý, có thể dùng xe lăn hoặc giường đẩy, dẫn người bệnh ra ngoài trời vận động.

Thứ 25, lúc rời phòng bệnh, nên làm cho người bệnh giữ tâm trạng vui vẻ và lạc quan, chúc người bệnh sớm ngày được bình phục.

Nguồn: Tinh Vân (2008), Phật giáo và thế tục, Nxb. Từ thư Thượng Hải, tr.178-180

 



[1] Tức chỉ Phật, Thánh nhân, Tăng (kính điền); Hòa thượng, A-xà-lê, cha, mẹ (bi điền); cứu giúp bệnh nhân (bệnh điền hoặc bi điền). Tám loại này đều có thể gieo phước, nên gọi là “điền”.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle