Đoạn trừ lậu hoặc

doan tru

Đoạn trừ lậu hoặc

Chân Hiền Tâm

 

Lậu hoặc là nhân đưa đến đau khổ và luân hồi sinh tử triền miên. Đó là lý do vì sao người tu giải thoát cần đoạn trừ lậu hoặc.

Lậu là tên gọi khác của phiền não (tham, sân, si).

Lậu là âm Hán, nghĩa thứ nhất là chảy ra. Vì loài hữu tình trong ba cõi, thông qua sáu căn mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý chảy ra phiền não không ngừng, nên gọi là lậu. Nghĩa thứ hai là lưu, là rơi rớt. Vì loài hữu tình do nó mà lưu lại trong ba cõi, không thể giải thoát, nên gọi là lậu. Nghĩa thứ ba là sót mất. Vì do đây mà bỏ mất chánh đạo, nên gọi là lậu.  

Hoặc là mê mờ. Do mê cảnh mà điên đảo sự lý nên gọi là hoặc. Do mê lầm đối với cảnh được nhận biết mà sinh phiền não, nên gọi là lậu hoặc.

Muốn không phiền não, muốn giải thoát thì phải hàng phục cho được phần lậu hoặc này.

Trong kinh Trung bộ I, Phật dạy 7 cách giúp phòng hộ và diệt tận lậu hoặc: “Này các Tỷ-kheo! Có những lậu hoặc phải do tri kiến mà được đoạn trừ. Có những lậu hoặc phải do phòng hộ mà được đoạn trừ. Có những lậu hoặc phải do thọ dụng mà được đoạn trừ. Có những lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ. Có những lậu hoặc phải do tránh né mà được đoạn trừ. Có những lậu hoặc phải do trừ diệt mà được đoạn trừ. Có những lậu hoặc phải do tu tập mà được đoạn trừ”. Nếu y cứ vào nghĩa của lậu hoặc là do mê cảnh mà sinh tham sân si, thì 7 pháp giúp diệt tận lậu hoặc chính là: Phải trang bị cho mình loại tri kiến mà tri kiến này giúp trừ bỏ mê lầm và tham, sân, si. Phải có sự phòng hộ mà sự phòng hộ này giúp trừ bỏ mê lầm và tham, sân, si. Phải có sự thọ dụng mà sự thọ dụng này giúp diệt trừ mê lầm và tham, sân, si. Phải có sự kham nhẫn mà sự kham nhẫn này giúp trừ bỏ mê lầm và tham, sân, si. Phải có sự tránh né mà sự tránh né này giúp trừ bỏ mê lầm và tham, sân, si. Phải có sự trừ diệt mà sự trừ diệt này giúp trừ bỏ mê lầm và tham, sân, si. Phải có sự tu tập mà sự tu tập này giúp trừ bỏ mê lầm và tham, sân, si. Trừ bỏ từ phần hiện hành cho đến phần chủng tử, nói chính xác là soi thấu thực chất của những chủng tử ấy.   

Tri kiến giúp đoạn trừ lậu hoặc         

Một chàng trai thuộc gia đình khả kính sống ở thành Xá-vệ, vào rừng kiếm con bò bị lạc. Sau khi tìm ra bò, anh đói quá bèn tìm đến tinh xá xin thức ăn. Ăn xong anh nhận ra rằng, dù lao động vất vả anh cũng không thể kiếm ra thức ăn ngon như ở tinh xá, ở đó lại không phải lao động cực nhọc, vì thế anh xin xuất gia.[1]

Sau khi xuất gia, ăn uống no đủ phì béo rồi, anh lại chán đời sống khất thực và muốn hoàn tục. Hoàn tục rồi, làm việc cực nhọc, thân thể tiều tụy, anh lại muốn xuất gia. Xuất gia xong, lại bất mãn và hoàn tục. Do khi còn trong Tăng chúng, anh thường làm việc chăm chỉ và hay giúp đỡ mọi người, nên dù xuất và hoàn đến sáu lần, anh vẫn được chấp nhận trở lại. Và anh được đặt tên là Cittahattha. Cittahattha, có nghĩa là người bị tâm sai sử.

Lần thứ bảy, khi trở về nhà, lòng đang phân vân ray rứt vì việc hoàn tục của mình, thì trông thấy vợ đang có thai nằm ngủ, miệng mở toang hoác, ngáy vang trời, nước miếng nhễ nhãi, trông chẳng khác gì một tử thi đang trương phồng. Anh nhận ra mọi thứ ở thế gian đều vô thường và đau khổ, thứ gì cũng có thể thay đổi. Thấy rồi, anh nắm chiếc y vàng chạy vội về tinh xá.

Trên đường đi, anh ôn lại câu “Các pháp trong thế gian đều vô thường, trói buộc, trong đau khổ” và chứng quả Dự lưu. Nhưng đợt này khi xin gia nhập lại Tăng đoàn, anh bị từ chối quyết liệt. Anh phải năn nỉ mới được trở lại. Vài ngày sau, anh đắc quả La-hán.

Thấy xuất gia được ăn ngon, mập mạnh mà không cần phải làm lao động cực nhọc, hay thấy thân thể bất tịnh của vợ mà nhận ra sự vô thường v.v… đều gọi là tri kiến. Tri kiến là thấy biết. Có loại tri kiến dẫn con người vào chỗ bất thiện, không tránh được phiền não và khổ nạn trong hiện tại và tương lai, như loại tri kiến đầu của chàng thanh niên. Tuy nhờ nó anh vào Tăng đoàn, nhưng vì tri kiến ấy mang tính tham dục nên cũng chính nó khiến anh ra khỏi Tăng đoàn, tăng thạnh tham dục. Có loại tri kiến dẫn con người vào Thánh đạo, như tri kiến vô thường của chàng thanh niên. Nó chính là loại tri kiến đang được đề cập ở phần này. Đó là loại tri kiến giúp diệt tận phiền não. Vì nó hình thành do “như lý tác ý”. Nhờ nó mà mê lầm chấm dứt và tham, sân, si hoại diệt. Nhờ nó mà chàng trai chứng Thánh quả.    

Như lý tác ý là y như cái lý đang chi phối thế giới này mà hình thành nên tư tưởng chủ đạo của mình. Như lý nào? Như lý Nhân duyên, Nhân quả, gọi chung là lý duyên khởi. Vì sao có hiện tượng duyên khởi? Vì tánh các pháp là không. Do tánh pháp là không nên mới có hiện tượng duyên khởi. Nếu tánh pháp là có thì pháp sẽ tự có và thường trụ, không cần nhân duyên sinh. Nhưng thực tế ở thế gian, tất cả đều do duyên sinh. Nên biết, pháp không có tánh. Tu hành chính là làm sao thấy cho thấu được mặt duyên khởi này (triển khai thành nhân duyên, nhân quả). Tế hơn nữa, là soi cho thấu cái gọi là bản chất của duyên khởi. Bởi duyên khởi chỉ mới là mặt hiện tượng của pháp. Còn mặt bản thể của pháp, chính là tánh không. Tánh không, là tên khác của Phật tánh. Phật tánh là nhân, thành tựu quả vị Phật là quả.[2] Nên cổ đức nói: “Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức”.       

Cũng do tánh vạn pháp là không nên mới có hiện tượng vô thường. Người phụ nữ, nếu có định tánh thì ngày trước cô ta thế nào, ngày sau cô ta cũng thế đó, không thể đẹp trở thành xấu, sạch trở thành bẩn v.v… Nhưng vì pháp thế gian không có định tánh, nên đẹp có thể thành xấu, sạch có thể thành bẩn. Tư tưởng hay tri kiến của người đời cũng vậy. Có thể thay đổi theo thời gian. Cái thay đổi đó biểu hiện cho sự vô thường. Vì chúng lệ thuộc vào duyên. Chàng trai xuất gia mà không yên, vì tri kiến của anh gắn liền với sắc dục của vợ. Khi duyên ấy thay đổi, tri kiến anh cũng thay đổi theo. Thay đổi theo chiều “như lý tác ý” nên tham ái được trừ diệt và anh chứng Thánh quả. 

Trong các kinh thuộc hệ A-hàm, quả vị lậu tận chỉ dừng ở A-la-hán hay Bích Chi Phật. Thức chỉ mới đề cập đến sáu thức, chưa nói đến thức thứ bảy, thứ tám; cũng chưa nói đến Phật tánh hay Tri kiến Phật; Trung đạo là Bát chánh đạo. Vì thế, phần tri kiến như lý tác ý có thể giúp hành giả chứng nhập Tứ quả không đòi hỏi phải là tri kiến về Phật tánh, Tánh không duyên khởi, hay phần Trung đạo nói trong luận Trung quán hay Bát-nhã. Chỉ cần trang bị Tri kiến khổ, không, vô thường, vô ngã, Tứ đế, Thập nhị duyên sinh[3] là đã có thể diệt tận phần lậu hoặc giúp đạt Thánh quả A-la-hán hay Bích Chi Phật. Kinh Thắng Man gọi phần lậu hoặc này là Tứ trụ địa phiền não[4]. Đó là Kiến trụ địa phiền não và Ái trụ địa phiền não thuộc ba cõi. Tứ trụ địa phiền não lấy Căn bản vô minh trụ địa làm nền tảng. Muốn diệt trừ phần Căn bản vô minh này, đòi hỏi hành giả phải trang bị cho mình loại tri kiến Trung đạo mà Bát-nhã hay Trung luận đã đề cập, kinh Pháp hoa gọi là Tri kiến Phật.

Phần tri kiến giúp diệt tận lậu hoặc này, thấy có tác dụng mau chậm là tùy vào túc căn của từng người. Mau, như chàng thanh niên, nhận ra lẽ vô thường và chứng quả A-la-hán sau đó vài ngày, là do đời trước công phu đã thuần thục, chỉ vì “ra đời cách ấm còn mê” nên phiền não tham dục hiện khởi. Chỉ cần hiện khởi loại Tri kiến như lý tác ý, lậu hoặc liền chấm dứt. Như Lục tổ Huệ Năng, chỉ cần nghe một câu kinh, liền đốn ngộ tự tâm. Đều do căn lành đời trước đã thuần thục.

Với người mà túc căn chưa sâu dày thì dù tri kiến như lý tác ý đã xuất hiện, trên sự vẫn cần dùng các pháp khác để diệt trừ lậu hoặc. Đó là lý do có đến 7 pháp giúp diệt trừ lậu hoặc, không phải chỉ có phần tri kiến này. Song phần tri kiến như lý tác ý này là nền tảng để các pháp còn lại có điều kiện được phát huy. Vì không có tri kiến về Tứ đế v.v… thì không biết đường để phòng hộ hay tu tập.   

Phòng hộ giúp đoạn trừ lậu hoặc  

Phòng hộ nói đây là phòng hộ sáu căn khi tiếp xúc với sáu trần.

Vì sao phải phòng hộ? Vì sáu căn là nơi có thể giúp hiện khởi tập khí tham dục, sân giận, ngu si. Cũng là nơi tiếp giáp thu nhận vào tạng thức những chủng nhân mới, có thể gây chướng ngại cho sự tu tập, giải thoát. Đó là lý do cần phòng hộ sáu căn.   

Con trai vị chưởng khố Soreyya, trên đường ra ngoại thành tắm cùng bạn bè thì gặp Tôn giả Đại Ca-chiên-diên. Thân thể vàng óng của Trưởng lão đập vào mắt Soreyya khiến anh buộc miệng: “Ồ phải chi Trưởng lão này là vợ ta. Phải chi vợ ta có nước da như thế.”[5] Do không phòng hộ con mắt nên tri kiến tham dục dấy khởi. Từ đó nảy sinh thêm các bất thiện pháp. Kẻ phòng hộ giỏi thì khi mắt thấy, chỉ là thấy, không để dục niệm dấy khởi. Lỡ dấy khởi rồi thì tỉnh giác, sám hối, không cho nối tiếp.

Nếu phản quan tốt sẽ nhận ra rằng, nếu không phòng bị sáu căn của mình cho kỹ, dễ sinh phiền não vô cùng. Nhìn những vật dụng của mình bám đầy bụi nhơ và bị đảo lộn thường sinh nóng giận. Lời ngang khiến mình sinh bực, lời thuận khiến mình sinh vui v.v… Thứ gì nếu không phòng bị đều khiến tâm luôn sinh khởi, không thể ở thế Trung đạo.

Mắt không thể thấy những gì xảy ra sau lưng và trong bóng tối, nhưng tai vẫn nghe những gì nó không thể thấy trong tầm nó có thể nghe. Kinh Lăng nghiêm phân nhãn căn chỉ có tám trăm công năng mà nhĩ căn đến một ngàn hai trăm công năng. Vì thế, nhĩ căn có nhiều điều kiện cần chú ý và phòng hộ hơn.

Thời Phật còn tại thế, buổi sáng chư Tỷ-kheo đắp y vào thành khất thực. Trước khi vào thành, chư Tỷ-kheo ghé qua vườn của các Du sĩ ngoại đạo. Một Du sĩ ngoại đạo đã nói: “Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết về các dục, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết về các dục. Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết về các sắc pháp, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết về các sắc pháp. Sa-môn Gotama nêu rõ sự hiểu biết về các cảm thọ, chúng tôi cũng nêu rõ sự hiểu biết về các cảm thọ… Vậy, chư hiền, ở đây có sự khác biệt nào, có sự đặc thù nào giữa chúng tôi và sa-môn Gotama trong vấn đề thuyết pháp hay giảng huấn?” Các Tỷ-kheo ấy không hoan hỷ cũng không chỉ trích, từ chỗ ngồi đứng dậy ra đi với ý nghĩ: “Chúng ta sẽ học ý nghĩa này từ Thế Tôn.”[6] Giữ tâm không hoan hỷ cũng không chỉ trích, không tranh cải cũng không khó chịu, và chỉ học điều cần biết ở vị Đạo sư của mình, là một cách phòng hộ nhĩ căn.

Thời Phật còn tại thế, Tôn giả Moliyaphagguna sống liên hệ với các Tỷ-kheo-ni một cách quá độ[7]. Nếu có Tỷ-kheo nào, trước mặt Tôn giả nói xấu về các Tỷ-kheo-ni, Tôn giả liền phẫn nộ, bất mãn, vấn tội. Nếu có Tỷ-kheo nào, trước mặt các Tỷ-kheo-ni nói xấu về Tôn giả Moliyaphagguna, các Tỷ-kheo-ni liền phẫn nộ, bất mãn, vấn tội. Một Tỷ-kheo đã đến trình với Thế Tôn về việc đó và Thế Tôn cho mời Tôn giả đến xác minh về những gì ngài đã được nghe. Sau khi xác minh việc đúng như vậy, Thế Tôn dạy: “Này Moliyaphagguna! Ông hãy từ bỏ những dục và tư duy liên hệ đến thế tục. Ông phải học tập như sau: ‘Mong rằng tâm của ta sẽ không bị biến nhiễm, ta sẽ không nói lời ác. Mong rằng ta sẽ sống với lòng lân mẫn, với tâm từ bi, không ôm lòng sân hận…’” Đó là cách Phật dạy Tôn giả Moliyaphagguna phòng hộ nhĩ căn của mình, không chỉ phòng hộ nhĩ căn mà phòng hộ cả ý căn và ngữ nghiệp, bằng cách khởi lên những tri kiến như lý tác ý.

Trong Khóa hư lục giảng giải, Hòa thượng Trúc Lâm có kể câu chuyện về một Sa-di ngang qua hồ sen, thấy hương thơm liền đứng lại thưởng thức. Bị Địa thần quở. Ngay lúc đó, có mấy người ào xuống hồ, kẻ hái gương, người nhổ ngó. Thấy vậy Sa-di hỏi Địa thần: “Tôi chỉ ngửi một chút hương ông đã quở, còn những người kia bẻ gương móc ngó, sao ông không rầy?” Địa thần nói: “Như người mặc chiếc áo trắng, chỉ cần dính một điểm mực nhỏ đã thấy nhơ. Còn người mặc áo đen, dính một bệt mực nữa cũng không thấy. Ông là người tu hạnh thanh tịnh, ngửi một chút hương sen là đã nhơ. Còn các người kia là kẻ phàm tục, không tu hành, dù họ có làm những điều tội lỗi cũng như vệt mực phết lên áo đen. Nên tôi rầy ông mà không rầy họ”. Không tu hay chỉ tu phước cầu vui, không đòi hỏi phải phòng hộ các căn như người tu giải thoát. Bởi muốn giải thoát thì lậu hoặc phải diệt tận. Cho nên cần phòng hộ các căn. Các căn được phòng hộ kỹ thì không tạo nhân duyên cho tập khí sinh khởi, cũng không tạo nhân duyên thu nhận thêm những chủng nhân làm chướng ngại việc giải thoát. Không phòng hộ được thì căn chính là nơi khiến chúng sinh lưu chuyển trong sinh tử. Trong kinh Lăng nghiêm, Phật nói: “Sáu thứ mắt tai mũi lưỡi thân ý làm mai mối cho giặc, cướp hết gia bảo của ông. Do đây từ vô thủy, thế giới chúng sinh sinh ra ràng buộc, không thể vượt khỏi sự vật thế gian.” Phòng hộ được thì ngay đó là giải thoát.

Đối với tỷ căn và thân căn cũng vậy. Những gì có nguy cơ làm tăng trưởng tham hay sân, đều nên có tâm phòng hộ. Thân một khi làm việc nhọc quá khiến sinh căng thẳng, sân hận, thì phải biết dừng lại, làm việc vừa sức mà phòng hộ. Ăn nếu có khuynh hướng nảy sinh tham dục, sinh mê muội v.v… cũng phải biết mà dừng lại. Đó gọi là phòng hộ. Nói chung, những gì có khuynh hướng khiến tham, sân, mê muội nảy sinh từ các căn, đều phải biết mà phòng hộ. Đó gọi là phòng hộ các căn đoạn trừ lậu hoặc.

Thọ dụng giúp đoạn trừ lậu hoặc  

Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo như lý giác sát, thọ dụng y phục, chỉ để che đậy sự trần truồng, ngăn ngừa lạnh, nóng, xúc chạm của các loài côn trùng. Vị ấy như lý giác sát, thọ dụng món ăn khất thực không phải để vui đùa, đam mê, trang sức, hay tự làm đẹp mình. Chỉ là để thân này được dài lâu, để thân này khỏi bị hại thương, để hỗ trợ phạm hạnh...” Như vậy thọ dụng nói đây là đối với việc ăn mặc. Ăn mặc sao cho tham dục và sân hận không tăng trưởng. Mục đích của việc thọ dụng này là để hỗ trợ phạm hạnh. Đây là chỗ khác với người đời, ăn là phải ngon, mặc là phải đẹp, là chỗ hướng đến của người đời.   

Như lý giác sát, là y theo lý mà tỉnh giác quán sát xem ăn thế nào để đưa đến giải thoát, không phải ăn để ngày càng bị trói buộc. Hạnh đầu đà chỉ ăn một bữa vào đúng ngọ và không cho ăn phi thời, là để giảm sự trói buộc trong việc ăn uống.

Ngày nay, vì căn nghiệp chúng sinh không được như người xưa nên việc ăn uống có thay đổi. Nhưng muốn giải thoát, muốn việc thọ dụng trở thành hỗ trợ cho việc tu hành thì tinh thần chính Phật dạy không thể quên. Đó là ăn để có sức mà tu, ăn để hỗ trợ cho phạm hạnh, không phải ăn để thỏa mãn cái lưỡi, không phải ăn để làm đẹp, cũng không phải ăn để có sức vui đùa... Tức ăn vừa đủ, không để tham dục dấy khởi, không để phải gật gù trong các thời tọa thiền. Cũng không ăn quá thiếu khiến thân thể lao nhọc, không thể ngồi thiền, cũng không thể lao tác, đầu óc trở nên mù mờ, mất định tỉnh.

Những gì dù ngon mà khiến thân thể mệt nhọc, bệnh hoạn, sinh dục v.v… đều phải từ bỏ.

Song người tu thời nay, khi phước báu đến thì tinh thần chính của việc thọ dụng thường bị đánh mất. Chúng ta dành hầu hết quỹ thời gian cho việc ăn uống, mất thời gian vào việc ăn uống khá nhiều. Không phải chỉ ăn cho đủ chất mà ăn sao cho vừa miệng, cho nhiều món, ngày càng cầu kỳ… Quên là ăn ngon không phải là mục đích của người tu. Quên là thích ăn ngon, thích ăn bổ là nhân duyên sinh ra tham dục và gốc nuôi dưỡng tham dục. Cho nên, hành giả tu giải thoát cần chú ý đến con đường Trung đạo. Trung đạo là không vướng bên này cũng không mắc bên kia. Không thiếu cũng không dư. Tùy duyên của mình mà ăn để không đánh mất tinh thần mà Phật đã dạy trong việc thọ dụng. Đã tùy duyên thì trên mặt hiện tướng, việc thọ dụng của người này không giống người kia. Người gầy thì phải dùng áo ấm nhiều hơn người có da thịt. Người lao tác nhiều thì phải ăn nhiều hơn người không lao tác, khi không lao tác cũng không thể ăn như khi đang lao tác v.v… tùy duyên của từng người mà việc thọ dụng có khác nhau. Nhưng đều mang tinh thần là thọ dụng sao cho phù hợp, cho vừa đủ với thân, khiến không tham trước cũng không sân hận.  

Quan trọng thứ hai cần chú ý trong việc thọ dụng, là thói quen trong ăn uống. Nó là phần Tập nói trong Tứ đế. Đã như lý mà giác sát thì phải chú ý đến phần Tập này. Tập là sự tích tụ trong việc thọ dụng. Thứ gì tích tụ lâu sẽ thành thói quen. Những gì đã thành thói quen sẽ gây chướng ngại khi ta ăn hay mặc trái với thói quen ấy. Một khi ăn ngon mặc sướng quen rồi, cái ăn ngon mặc sướng ấy sẽ có lực làm chướng ngại cho việc thọ dụng đơn giản. Vì thế những thọ dụng nào mang tính tham dục chưa thành thói quen thì không nên để nó thành thói quen. Thọ dụng nào đã thành thói quen thì cần dùng nhẫn lực phá bỏ, chớ thuận theo đó mà sống, khiến sự tích tụ ngày càng nhiều, lực của thói quen ngày càng mạnh, việc trừ bỏ ngày càng khó.

Hành giả tu giải thoát, dù là xuất gia hay tại gia, khi phước báu đến nhiều, cần tỉnh giác phòng hộ trong việc thọ dụng. Nên thọ dụng vừa đủ. Chớ thọ dụng theo phước báu.  

Các thứ thọ dụng khác như nhà ở, tọa cụ, thuốc men v.v… đều y đó mà giải quyết.

Kham nhẫn giúp đoạn trừ lậu hoặc  

Nói đến kham nhẫn là nói đến những gì không thuận với ý mình. Ăn những món không hợp khẩu vị mà phải ăn. Mặc những thứ không thích mà phải mặc. Không chịu được lạnh mà trời lạnh. Không chịu được nóng mà trời nóng. Ruồi, muỗi, gián, nhện làm phiền. Đói phải chịu. Khát phải đành. Nghe những lời không muốn nghe. Gần những người không hợp. Xa những người thân thương v.v… rất nhiều thứ trong cuộc đời này hiện ra rất trái ý, mà không ít thì nhiều, ai cũng phải chịu. Bởi thế gian này có tên là Sa-bà. Nghĩa của nó là kham nhẫn. Sống ở cõi Sa-bà này thì ít nhiều gì cũng phải kham nhẫn mới tìm thấy niềm vui, mới thoát được sân hận. Người đời muốn có hạnh phúc còn phải như thế, huống là người tu giải thoát, phát tâm Bồ-đề vô thượng?  

Chiêm nghiệm những gì xảy ra ở thế giới này mới thấy ý nghĩa của hai chữ Sa-bà rất chính xác. Cái gọi là bất như ý không theo một hình tướng nhất định nào. Cái như ý của người này có khi vẫn là bất như ý của người khác. Cho nên, ai cũng có thể bất như ý. Đói, khát, nghèo, hèn… bất như ý. Giàu sang, phú quý… bất như ý. Con bé, được cái tự do muốn làm gì thì làm, nhưng cơ cực. Cũng ao ước giàu sang cho đỡ tấm thân. Lấy được chồng giàu rồi, thân hết cực, lại mơ về những ngày còn nghèo. Nghèo, cực thiệt mà tự do, muốn làm gì làm. Thành ra con người của thế giới Sa-bà vẫn là con người của thế giới Sa-bà. Tướng dù thay đổi, tâm vẫn cứ bất như ý.

Giờ muốn yên ổn, muốn hạnh phúc thì phải nhẫn được với những bất như ý này. Song nhẫn thế nào để được an bình thật sự là cả một vấn đề. Vì không khéo, cái gọi là nhẫn đó chỉ là sự đè nén. Đè lâu thì có ngày bung, thân tướng cũng hiện tướng bất mãn với người, là cái nhân của xích mích, chia lìa. Tuy vậy, cái gọi là đè này vẫn nên thực hiện. Bởi nó giúp chúng ta dừng lực khởi của sân, dừng lực khởi của dòng tương tục. Thực hiện như thế gọi là Chỉ. Giờ bổ sung thêm phần Quán để giải tỏa sự đè nén đó.

Muốn nhẫn mà không rơi vào tình trạng đè nén thì phải như Phật dạy: “Này các Tỷ-kheo! Thế nào là các lậu hoặc phải do kham nhẫn mà được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây có Tỷ-kheo như lý giác sát…”. Phải nhờ đến cái gọi là như lý giác sát. Cái “như lý” này rất quan trọng. Nó là loại tri kiến giúp người tu buông bỏ những bất như ý, có thể kham nhẫn những việc khó kham nhẫn.

Như lý thứ nhất có thể giúp hành giả nhẫn mà không phải đè nén, là thấy lỗi mình. Đó là một loại hành tác giúp mình nhẫn mà không phải đè nén. Đã phát tâm đi con đường làm Tổ thành Phật thì phải dứt cho được trí phân biệt. Thành trong cái duyên đang tu hành thì chẳng nói đúng, sai, phải, quấy, cứ khởi tâm là lỗi. Trong kinh Pháp bảo đàn, Lục tổ nhấn mạnh việc thấy lỗi mình là đó. Hành giả phải tập dối diện với mọi thứ mà tâm bình thường, không dựa trên sở tri đời thường mà phân đúng sai. Chỉ cần biết tâm khởi niệm là lỗi, nên niệm khởi liền giác, giác rồi liền không. Lý này nếu thông được thì trên sự sẽ nhẫn được với mọi thứ mà không phải dồn nén hay ức chế.     

Như lý thứ hai là quán nhân duyên, nhân quả. Mọi cái quả mà mình có hiện nay dù xấu hay tốt đều có nhân từ trước. Giờ đủ duyên ra quả. Quả này là do mình gieo nhân, không ai gieo cho mình. Thông được lý ấy thì trên sự, tuy nói kham nhẫn mà mọi thứ là bình thường. Tuy vậy, do nghiệp của thân tâm nên có khi dù thông được lý rồi, trên sự nếu gặp phải việc bức hại quá sức thân tâm chịu được thì ít nhiều cũng có sự chịu đựng, nên nói kham nhẫn. Song nhờ phần như lý đó mà mọi thứ được hóa giải. Nếu có hiện tượng kham nhẫn hay đè nén thì chỉ là với thân tâm mình, không phải với người khác. Nếu công phu miên mật, hiện tượng này sẽ là nhân duyên đưa đến sự bùng vỡ tự tâm.

Nói đến điều kiện, thì “thấp cổ bé họng” lại là điều kiện để giúp phát huy nhẫn lực nhiều hơn kẻ “đầy đủ uy quyền tiền bạc”. Thằng nhóc rất dễ sân với người khác, nhưng từ khi bước chân vào nghề bất động sản, sân gần như không xảy ra, ai cũng thấy. Lý do là, nếu không nhẫn thì không thể mua bán được, tiền không có. Coi như nhờ điều kiện thiệt thòi đó mà hắn chuyển được lực sân thành lực nhẫn. Thứ gì đã quen thì thành bình thường. Nhờ đó việc của Đạo tràng, dù không như ý, hắn cũng không sân như trước, cứ bình tỉnh giải quyết mọi việc. Động cơ giúp hình thành nhẫn lực tuy chưa chân chính, nhưng đã giúp phá bỏ lực sân. Giờ nếu có trí tuệ thì như hổ mọc cánh.

Tránh né giúp đoạn trừ lậu hoặc             

Tránh né, là một hình thức của tránh duyên.

Những duyên nào nhắm không thể đương đầu, có thể ảnh hưởng đến thân thể khiến việc tu hành bị đình trệ, có thể làm hiện hành và phát triển chủng tử tham dục cũng như sân hận thì cần phải tránh. Bởi nhân đã gieo trong tạng thức muốn thành quả phải dủ duyên. Tránh duyên là hành tác giúp không cho những nhân đã gieo trong tạng thức có điều kiện thành quả, cũng là giúp không ghi nhận lưu giữ thêm nhân xấu. Nên trong kinh, Phật dạy: “Thế nào là các lậu hoặc do tránh né mà được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây các Tỷ-kheo như lý giác sát, tránh né voi dữ, ngựa dữ, bò dữ, chó dữ, rắn khúc cây, gai góc, hố sâu, vực núi, ao nước nhớp, vũng nước”. Đó là những duyên bất lợi cho bản thân, khiến việc tu hành bị đình trệ. Như lý giác sát nói đây, là phải biết sức mình không đủ để kham nhẫn các duyên như ngựa dữ v.v…, cũng không tạo duyên để bệnh tật đến thân như vào ao nước bẩn v.v… 

Cũng dạy: “Ở đây, các Tỷ-kheo như lý giác sát, có những chỗ ngồi không xứng đáng ngồi, những trú xứ không nên lai vãng, những bạn bè ác độc mà nếu giao du thì bị các đồng phạm hạnh nghi ngờ khinh thường.” Như lý giác sát nói đây, là phải biết rõ nhân duyên mình đang an trụ. Mình đang là người đời hay người tu, tại gia hay xuất gia, khỏe mạnh hay yếu đuối, không dính mắc hay dễ dính mắc, chủng tử tập khí của mình là gì v.v…, biết rõ thì mới biết duyên nào cần tránh. Tùy duyên mà hành xử sao cho hợp thời.    

Những chỗ ngồi không xứng đáng là những chỗ mà phạm hạnh của mình chưa đủ lực để ngồi. Nếu ngồi thì tổn đức. Hòa thượng Tinh Vân, trong bài “Bạn muốn làm hạng người nào?”, nói: Nếu ngồi không đúng chỗ, không chỉ như có kim dưới ghế, nhấp nhỏm không yên, mà sau đó bạn phải mất điểm với người khác. Chụp hình không nên ngồi ở giữa, vì như thế bạn không kính trọng người khác, không khiêm tốn, đánh mất sự ủng hộ của họ. Đi đường đi phía trước là tự cao tự đại, không biết kính trọng người già người trên, không biết khiêm tốn nhường đường. Đặc biết là tuổi trẻ đắc chí, không nhìn thấy hầm hố và mối nguy phía trước, chúng có thể làm cho bạn mất mạng bất cứ lúc nào. Làm người phải không nên bắt đầu từ ‘trên, giữa, trước’ mà nên đi từ thấp lên cao, từ bên ngoài vào giữa, từ sau ra trước. Nền tảng bên dưới chưa dày dặn, bạn không thể lên trên, lên cao, vì chỗ cao là nơi lạnh lẽo. Bạn không bắt đầu từ phía ngoài mà trong chốc lát đã chen vào giữa. Muốn soi rọi ra chung quanh ư, bạn đã tích đủ điện quang chưa? Tư lương phía sau đầy đủ, chuẩn bị hậu cần chu đáo, chúng ta mới có thể từ từ đi về phía trước.” Cho nên, Đại sư dạy: Người hàm dưỡng năng lực đủ, không những có thể ‘đứng trên đỉnh cao’ mà còn có thể ‘lặn xuống biển sâu’. Họ cao được, thấp cũng được; lớn được, nhỏ cũng được; có thể quán xuyên mọi thứ triệt để trong thế gian.”

Những trú xứ không nên lai vãng, là những chỗ không dành cho người tu. Như người tu giải thoát thì không nên đến những nơi như phim trường, ca nhạc v.v... Kinh Phạm võng Bồ-tát giới nói: “Cũng chẳng được đi xem hát, nghe nhạc, chơi cờ, đánh bạc, chơi cầu, đá bóng, cho đến chơi bói xú v.v…” Như vậy, những ai muốn đoạn trừ lậu hoặc thì không nên đến những nơi có các mục đó, là để tránh sinh khởi những chủng tập làm loạn tâm, tăng trưởng hơn thua và tham, sân, si.

Tập khí, tập nghiệp là tên khác của lậu hoặc. Vì thế, với những gì thuộc chủng tập của mình, mình cũng phải biết mà tránh duyên để giải tỏa. Những gì thuộc tập khí, đều mang tính dính mắc, kéo lôi, khó mà muốn tránh duyên, nên một khi mình chịu tránh duyên, cũng biểu hiện việc đoạn trừ phần lậu hoặc có liên quan khá khả quan, nhất định có kết quả tốt đẹp.

Trừ diệt giúp đoạn trừ lậu hoặc     

Kinh nói: “Thế nào là các lậu hoặc phải do trừ diệt được đoạn trừ? Này các Tỷ-kheo, ở đây Tỷ-kheo như lý giác sát, không chấp nhận dục niệm đã khởi lên. Từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại dục niệm ấy. Không chấp nhận sân niệm đã khởi lên. Từ bỏ, trừ diệt, diệt tận, không cho tồn tại sân niệm ấy...” Trừ diệt là làm cho tiêu nha bại chủng. Từ bỏ, trừ diệt, diệt tận… nhấn mạnh ba lần, cho thấy sự cương quyết tận diệt đối với các lậu hoặc. Vì sao cương quyết tận diệt? Vì lậu hoặc một khi có điều kiện hiện hành thì cũng có nghĩa là sẽ được huân tập trở lại vào tạng thức, giúp tăng lực dẫn hành giả theo nó, bản tâm ngay đó mà không thể nhận, cứ bị phiền não và sở tri cuốn trôi. Cho nên, muốn bản tâm hiện tiền thì phải phá bỏ cho được cái lực của lậu hoặc. Muốn phá bỏ lực ấy thì phải cương quyết trừ diệt lậu hoặc. Trừ diệt cũng có nghĩa là không huân tập nữa, không cho nó hiện hành tác yêu tác quái như trước kia.   

Phần đoạn sinh tử của chúng sinh là kết quả của phiền não chướng và nghiệp hữu lậu. Phiền não chướng ấy là lậu hoặc. Biến dịch sinh tử của thánh nhân là kết quả của Sở tri chướng và nghiệp vô lậu. Sở chi chướng ấy là lậu hoặc. Muốn hết phiền não, chứng Bồ-đề, phải trừ diệt lậu hoặc. Đó là lý do vì sao phải trừ diệt lậu hoặc. Các lý do đó là một phần lý mà hành giả phải “như lý giác sát” để trừ diệt lậu hoặc.  

Trừ diệt, đơn giản chỉ là hành tác không cho lậu hoặc hiện khởi. Với những dục niệm, sân niệm, các bất thiện pháp khởi lên đều trừ bỏ, không cho tồn tại. Song thứ gì đã huân tập sâu trong tàng thức thì không phải muốn bỏ là nó đã không hiện khởi, vì thế cần sự hỗ trợ của các pháp khác như tránh duyên, kham nhẫn v.v… Tránh duyên, để không tạo duyên cho lậu hoặc sinh khởi. Kham nhẫn, vì lỡ sinh khởi rồi thì chịu đựng, không cho nó phát thành hành động.v.v…

Tu tập giúp đoạn trừ lậu hoặc

Các pháp trình bày trên, là những pháp mà hiện nay chúng ta cũng xếp nó vào danh sách tu tập. Song ở đây lập riêng phần này là để nhấn mạnh đến các pháp tu giúp hành giả tiến sâu vào thiền định, trước là phá sạch phần niệm hiện hành, sau là phát triển định tuệ bình đẳng. Phải có phần tu tập này thì mới có các quả chứng A-la-hán, Bích Chi và Phật quả.

Trong kinh Tất cả lậu hoặc, phần tu tập này chỉ cho Thất giác chi. Thất giác chi còn có tên là Thất Bồ-đề phần, là 7 pháp có công năng giúp cho trí Bồ-đề xuất hiện, là muốn nói đến phần trí vô sư của người tu. Do Thất giác chi mà “chẳng phiền não nơi tâm, tăng trưởng trí tuệ, là minh, là chánh giác, chuyển hướng Niết-bàn.”[8]

Thất giác chi gồm có:

1/ Niệm giác chi, là đối với các pháp chánh niệm tu tập, y chỉ tư duy, y chỉ ly dục, y chỉ tịch diệt, nhiếp phục tranh cãi[9]. Nghĩa của nó nằm ở mấy từ chánh niệm, phần còn lại là duyên hỗ trợ để biết chánh niệm ra sao. Chánh niệm này lấy việc ly dục và tịch diệt làm chỗ y chỉ và hướng đến. Công năng của nó là nhiếp phục tranh cãi.

2/ Trạch pháp giác chi, là dùng trí tuệ để chọn chân pháp, xả tà pháp[10]. Kinh Tạp A-hàm 26 ghi: “Có sự lựa chọn, phân biệt, tư duy, lúc bấy giờ tu tập Trạch pháp giác chi”.

3/ Tinh tấn giác chi, là không lười mỏi đối với việc tu hành Chánh pháp[11].

4/ Hỷ giác chi, là tâm vui vì trụ trong Chánh pháp[12]. Kinh Tạp A-hàm 26 ghi: “Khi đã nỗ lực tinh tấn rồi thì hoan hỷ sẽ sinh, xa lìa các tưởng về thức ăn, là tu Hỷ giác chi.”

5/ Khinh an giác chi, là thân tâm khoan khoái an ổn.[13]

6/ Định giác chi, là nhập thiền định, tâm không tán loạn.[14]

7/ Xả giác chi, là tâm bình đẳng, không thiên lệch, không chấp trước.[15]

Theo kinh Tạp A-hàm 26 thì chi trước là nhân, chi sau là quả. Nhưng ở một số kinh luận khác thì không nhất quyết theo thứ tự đó. Như Trạch pháp giác chi có thể có trước Niệm giác chi v.v…

Trong 7 pháp trên, khi tâm rơi vào trầm một thì ba pháp Trạch pháp giác chi, Tinh tấn giác chiHỷ giác chi có thể giúp tâm hết trầm một. Khi hành đạo, nếu tâm tán loạn thì ba pháp Khinh an giác chi, Định giác chiXả giác chi có thể giúp thu nhiếp tâm.   

Trong phần khế lý và khế cơ, pháp tu tập này thuộc về khế cơ, tức do ứng cơ của chúng sinh mà lập, nên không “bất biến” mà “tùy duyên”. Tùy duyên của chúng sinh mà có pháp. Cho nên phần tu tập này không chỉ có Thất giác chi mà còn vô số các pháp khác, như hiện nay có Chỉ-Quán, Tham thoại đầu, Niệm Phật, Trì chú v.v…

Kết luận         

Kinh Tất cả lậu hoặc ghi:

Này các Tỷ-kheo, những lậu hoặc nào phải do tri kiến được đoạn trừ đã được tri kiến đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do phòng hộ được đoạn trừ đã được phòng hộ đoạn trừ, những lậu hoặc nào phải do thọ dụng được đoạn trừ đã được thọ dụng đoạn trừ v.v… Này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo ấy được gọi là đã sống phòng hộ với sự phòng hộ tất cả lậu hoặc, đã đoạn diệt khát ái, đã thoát ly kiết sử, đã chánh quán kiêu mạn, đã diệt tận khổ đau”. Đoạn văn trên cho thấy cần nắm rõ tính duyên khởi của pháp thì việc dụng pháp mới có kết quả. Tức tùy loại lậu hoặc mà có pháp đối trị tương ưng. Không phải dụng một loại là mọi lậu hoặc đều được đoạn trừ. Phải dùng đúng pháp đối trị thì lậu hoặc đó mới được đoạn diệt. Chẳng hạn, những duyên trúng vào tập khí của mình mà mình không biết tránh, cứ đương đầu vào đó dùng các pháp đối trị thì khó mà đối trị được. Hoặc các lậu hoặc, cần phải thay đổi tư duy tri kiến mới phá bỏ được mà không thay đổi thì khó mà phá được nó.

Thời Phật còn tại thế, một Chưởng khố xin vị Trưởng lão đến khất thực tại nhà mình dạy cho pháp giải thoát. Trưởng lão dạy anh bố thí và cúng dường.[16] Sau khi thực hành vậy rồi, anh hỏi Trưởng lão nên làm gì nữa? Trưởng lão dạy anh Tam quy ngũ giới, rồi tiến lên thập giới. Sau khi thực hành vậy rồi, anh hỏi Trưởng lão nên làm gì nữa? Trưởng lão bảo anh xuất gia. Anh vâng lời xuất gia và được giám sát bởi một luật sư và học hỏi với một luận sư.

Thời gian trôi qua, anh cảm thấy ngán đời sống tu sĩ, vì khó nhọc với các nhiệm vụ đang mang trên mình. Anh muốn giải thoát mà rốt cuộc ngay cả chỗ để duỗi thẳng tay cũng không có. Thấy đời sống cư sĩ có khi còn được giải thoát hơn, vì thế anh có ý hoàn tục. Từ đó sinh tâm bất mãn và khó chịu. Anh trở nên hốc hác, mệt nhọc đè nặng, ghẻ chóc đầy người… Hai vị luật sư và luận sư phải dẫn anh lên trình Đức Phật. Nghe anh thuật lại tâm tư, Phật bảo:

- Này Tỷ-kheo! Nếu ông chỉ làm được việc này thôi thì không cần làm các việc khác.

- Việc đó là việc gì, thưa Thế Tôn?

- Ông có thể canh chừng tâm ý của ông chăng?

- Dạ việc đó con làm được.

- Vậy thì chỉ cần làm việc đó thôi.

Đây gọi là dụng pháp hợp cơ, đúng duyên, giúp vị Tỷ-kheo trừ diệt tâm chán ngán bất mãn bằng cách thay đổi tri kiến của ông. Bởi nếu không thay đổi tri kiến, cứ buộc vị ấy trong các kiến thức và giáo điều thường tình của luật và luận, thì dù kham nhẫn, tu tập hay phòng hộ bao nhiêu, cũng không thể giúp vị ấy phá bỏ tâm chán ngán, bất mãn. Đó là lý do đoạn trừ lậu hoặc có đến 7 pháp, không phải một. Các pháp cũng không phải riêng lẻ tách biệt hoàn toàn mà có khi được dùng trợ duyên cho nhau để lậu hoặc được đoạn tận.       



[1] Tích truyện pháp cú tập I – Bài Trưởng lão Tâm sai sử - Viên Chiếu dịch từ bản Anh ngữ Buddhist Legents của học giả Eugène Watson Burlingame. Nguyên tác là Pháp cú sớ giải bằng tiếng Pàli của ngài Phật Âm sống khoảng thế kỷ thứ V tây lịch.

[2] Kinh Đại bát Niết-bàn.

[3] Đương nhiên, không chỉ trên lý thuyết học hỏi mà đòi hỏi một sự chứng nhập về những tri kiến ấy, như chàng trai trực nhận về sự vô thường.

[4] Kinh Thắng Man phu nhân hội – Dịch và giải Chân Hiền Tâm.

[5] Tích truyện pháp cú tập I – Bài Vừa là mẹ vừa là cha - Viên Chiếu dịch từ bản Anh ngữ Buddhist Legents của học giả Eugène Watson Burlingame. Nguyên tác là Pháp cú sớ giải bằng tiếng Pàli của ngài Phật Âm sống khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch.

[6] Kinh Trung bộ - Tập I. Kinh Đại kinh khổ uẩn. HT. Thích Minh Châu dịch từ Pàli sang Việt.

[7] Kinh Trung bộ - Tập I. Bài kinh Ví dụ cái cưa. HT. Thích Minh Châu dịch từ Pàli sang Việt. 

[8] Kinh Tạp A-hàm 26 – Kinh 711. Thích Đức Thắng dịch.

[9]  Kinh Phật thuyết pháp thừa nghĩa quyết định quyển II. Thích Đức Thắng dịch.

[10] Tự điển Phật học Huệ Quang, HT.Thích Minh Cảnh chủ biên.

[11] Sđd.

[12] Sđd.

[13] Sđd.

[14] Sđd.

[15] Sđd.

[16] Tích truyện Pháp cú tập I - Phẩm Một Tỷ-kheo bất mãn - Viên Chiếu dịch từ bản Anh ngữ Buddhist Legents của học giả Eugène Watson Burlingame. Nguyên tác là Pháp cú sớ giải bằng tiếng Pàli của ngài Phật Âm sống khoảng thế kỷ thứ V Tây lịch. 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle