Sơ đồ tâm thức theo Phật giáo

so do

 

Con người sống trong hai thế giới, thế giới bên ngoài và thế giới bên trong.

Nhưng thường khi chúng ta chỉ biết thế giới bên ngoài, bởi vì từ sáng tới tối chúng ta bị lôi cuốn ra thế giới bên ngoài, hơn nữa có tới năm cửa để mỡ ra bên ngoài và chỉ có một cửa để mỡ vào thế giới bên trong. Năm cửa đó là ngũ căn: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân và cửa kia là cửa ý. Vả lại chúng ta không quen để quay cái nhìn vào bên trong và cũng không biết rằng con người có một đời sống tâm linh rất dồi dào, nếu biết khám phá và khai thác nó.

Những ba động (vibration) đến từ thế giới bên ngoài (ngũ trần: sắc, thinh, hương, vị, xúc) được tiếp nhận bởi năm giác quan (ngủ căn) làm rung động các dây thần kinh cảm giác. Tất cả ngũ căn và ngũ trần đều là sắc pháp. Các ba động này sau khi đã xuyên qua các giác quan thì chúng trở thành những cảm giác và được đưa vào thế giới bên trong là thế giới của não bộ (ý căn), cũng là một sắc pháp. Ý căn làm việc theo những nhiệm vụ chuyên biệt (như tri giác, ghi nhớ, tưởng tượng, suy nghĩ…). Dựa theo khoa học, chúng tôi xin đề nghị định nghĩa Ý CĂN là một tập hợp các tế bào thần kinh (neurone) cùng làm một nhiệm vụ trong cùng một lúc, từ những neurone đầu tiên tiếp nhận sự kích thích cho tới những neurone cuối cùng, kể cả những khớp thần kinh (synapse) và những trung khu thần kinh (centre, noyau) cho tới khu vỏ não (aires cérébrales) cùng rung động một lúc (décharge en synchronisation).

Chúng ta có lý do để nghĩ như vậy:

- Trong bộ Pattana, Đức Phật đã nói đến căn cứ điểm của tâm thức bằng danh từ Yamrùpanissaya, nghĩa là nương theo sắc pháp ấy, mà Vi diệu pháp gọi là Sắc ý vật.

- Tâm lý học Phật giáo cũng ghi nhận các sắc pháp sinh hoạt theo từng đoàn từng nhóm.

Thế giới nội tại là một thế giới phức tạp bao gồm nhiều yếu tố có khi dễ nhận (ý thức được), có khi khó nhận, có khi không nhận được (vô thức). Muốn ý thức ghi nhận được phải có một số điều kiện, chẳng hạn sự chú tâm (attention), sự tỉnh táo sáng suốt (vigilance) và sự không bị thương tổn của ý căn… Các nhà tâm não học (neuroscience) đang tranh cãi về vị trí và sự vận hành của ý căn. Họ được chia làm hai nhóm: nhóm khuynh hướng Toàn Diện (holisme) cho rằng sự vận hành của óc não cần thiết phải có một cái gì toàn diện không phân chia (un tout non dissociable). Nhóm khuynh hướng Định Vị (localisationnisme) đi tìm định vị những vùng não (aires cérébrales) cần thiết để thi hành một nhiệm vụ.

Mỗi nhà bác học đưa ra một giả thuyết khác nhau. Ông Francis Grick trước đó đã nghĩ rằng tâm thức nằm ở những neurones ở lớp năm của vỏ não là lớp ở tầng sâu nhất của sáu lớp mỏng chồng chất lên nhau tạo thành vỏ não. Nhưng ở cuối đời ông đã bỏ ý tưởng này mà vẫn giữ quan điểm “có một định vị tâm thức trong một thể tương giao các nơ-rôn (corrélats neuronaux de la conscience) ”. 

Đối với hai ông Stanislas DehaeneJ.P.Changeux, thì tâm thức hoạt động trong “hai khoảng không gian khác nhau” (les deux espaces de travail du cerveau): một khoảng gồm những processeurs chuyên biệt, tự động và vô thức và một khoảng hoạt động toàn bộ (espace global de travail) của các neurones; một mặt vừa cho những tín hiệu cảm giác xâm nhập vào tâm thức từ dưới lên trên, một mặt kiểm soát từ trên xuống dưới những tri giác chủ quan. Riêng ông Gerald Edelmann (giải Nobel Y học và Sinh học 1972) nhấn mạnh tới một vùng “nhân sinh động (noyau dynamique) ” tập hợp nhiều nhóm neurones, vào một lúc nào đó chúng tác động lên nhau hơn là lên các nhóm neurones khác để cùng thi hành một nhiệm vụ.

Phật giáo quan niệm hơi giống hai ông Dehaene và Changeux là có một trường hoạt động chung và những trường hoạt động chuyên biệt trong đó diễn ra những tiến trình tâm. Khi có cảnh (bên ngoài hoặc bên trong) xuất hiện thì những tiến trình này biểu lộ ra ý thức, tiến trình sau đuổi (tiếp nối) tiến trình trước, không ngừng biến đổi liên tục. Khi không có cảnh thì tâm chìm vào vô thức, nhưng vẫn hoạt động tự động, âm thầm để giữ gìn sự liên tục của dòng tâm thức, của cuộc sống óc não. Tuỳ theo từng loạt liên tiếp các tiến trình (lộ trình) theo một nhịp điệu nhất định nào đó, ta có một loại sinh hoạt nào đó của tâm cũng như muốn nhận biết bằng mắt (tri giác) một đối tượng, phải có một lộ trình nhãn thức, tiếp theo là bốn lộ trình ý môn.

Các nhà tâm não học (neurosciences) chưa định nghĩa được tâm, chưa biết nó vận hành như thế nào thì làm sao xác định được tâm nằm ở đâu. Phật giáo có một cái nhìn khá toàn diện và đầy đủ về tâm, cho ta biết tâm có bốn sắc thái:

1- Một thuộc cảm tính (sensitivité = thọ) trong đó bao gồm tình cảm (sentiments) và cảm xúc (émotions).

Tình cảm thì có ba loại: ưa thích (attractivité), ghét bỏ (répulsivité), và dửng dưng (indifférence).

Ba loại tình cảm này xuất phát từ ba loại cảm giác: - dễ chịu (agréable), khó chịu (désagréable), và trung tính (neutre).

Cảm xúc thì có nhiều loại, chủ yếu có năm loại chính: vui, buồn, sợ hãi, tức giận, lo âu (trong đó chỉ có vui là tích cực thôi).

2- Sắc thái thuộc tri giác (perception = tưởng)

 Tri giác là khả năng ghi nhớ, hình dung, diễn dịch một hình ảnh, âm thanh, mùi vị, một cảm giác xúc chạm hay một biểu tượng đã biết từ trước. (khả năng diễn dịch một cảm giác thành ý nghiã). Trong đó bao gồm:

 - Trí nhớ là tưởng về quá khứ.

- Tưởng tượng   tưởng về tương lai.

- Tri thức (connaissance)…

3- Sắc thái thuộc hành động (formations mentales = hành)

Lời nói và hành động là kết quả của sự làm việc của tâm thức. Trong nầy ta tìm thấy:

            - Ý định (intention)

            - Quyết định (décision)

            - Suy nghĩ tính toán (réflexion) v.v…

Đối với Phật giáo, sắc thái hành động này rất quan trọng, khi tâm hành động với một ý định là nó đã tạo nghiệp, tùy ý định này thiện hay bất thiện và sau đó sớm muộn quả sẽ trỗ tốt hay xấu.

4- Sắc thái thuộc về sự nhận thức (conscience = thức) hay những cánh cửa mở vào ý thức trường (porte d’entrée dans le champ de conscience). Chúng ta có:

- Năm thức: nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Năm thức này chỉ hoạt động khi có đối tượng xuất hiện từ thế giới bên ngoài.

- Ý thức (conscience) hoạt động khi có cảnh bên ngoài hoặc bên trong.

- Vô thức (inconscience) hoạt động khi không có cảnh, tâm phải tự tạo ra cảnh bằng cách lấy chất liệu từ những chủng tử lưu truyền từ những tiền kiếp (A-lại-da thức hay tâm Hữu phần).

Năm thức hoạt động rất chuyên biệt, mỗi thức cho ta nhận biết một đối tượng riêng biệt, không lẫn lộn: nhãn trần, nhĩ trần, tỷ trần, thiệt trần và xúc trần.

Ngũ trần => tiếp xúc ngũ căn => ngũ thức.

Ở đây tôi muốn nhấn mạnh tới xúc trần được nhận biết qua cửa thân, là một đối tượng rất quan trọng trong thiền tập, cũng như trong cuộc sống hằng ngày. Nó cho ta biết những cảm giác sau: nóng, lạnh, cứng, mềm, nặng, nhẹ, thô, mịn, đau, sướng, chuyển động, bất động. Hai cảm giác đau, sướng có thể làm cho chúng ta dính mắc hay xa lìa thân xác, dục lạc.

Trong thiền tập, khi chúng ta tập trung sự chú tâm vào hơi thở ở bụng hay ở mũi, hay tập trung vào tư thế đi, đứng, ngồi, nằm là chúng ta đã sử dụng cửa thân.

Thỉnh thoảng chúng ta nghe tiếng động là nhĩ trần đã tiếp xúc với nhĩ căn. Khi chúng ta nhìn là nhãn trần tiếp xúc với nhãn căn… Khi chúng ta vọng tưởng là pháp trần đã đi vào ý thức qua ngã  ý căn. Phiền não có thể xâm nhập ta qua sáu ngã. Bởi vậy ta phải canh chừng cả sáu cửa.

[Tâm lý học Phật giáo cũng cho biết tâm vận hành theo luồng sóng (lộ trình). Mỗi lộ trình có trung bình 17 sát-na tâm. Mỗi sát-na tâm là một đơn vị thời gian tâm ngắn nhất mà một loại tâm có thể hiện hữu. Nhưng muốn hành động thì phải tập hợp thành lộ trình. Lộ trình ngắn nhất như nhập thiền diệt thì cũng phải có 10 sát-na tâm.

Nhiều lộ trình tâm xảy diễn liên tiếp theo một tiết nhịp (séquence) nào đó, sẽ tạo thành một sinh hoạt tinh thần nào đó trong đời sống. Tâm có 455 cách vận hành, tuỳ theo tâm ở trong trạng thái nào: thức, ngủ, chiêm bao, trong thiền, trong lúc chứng đắc… Như vậy có 455 trạng thái tâm căn bản làm khung cho 121 loại tâm làm việc, mỗi loại tâm trên sẽ cho ra một loại trạng thái tâm riêng biệt.

Phật giáo cũng cho ta biết tâm có 14 nhiệm vụ trong một lộ trình:  tử, tái sanh, hộ kiếp, khán môn, 5 thức, tiếp thâu, quan sát, quyết định, tác hành, lưu chép].

Trở lại tiến trình của cảm giác, sau khi đi ngang qua một giác quan, nó được xử lý (traiter) bởi ý thức, được nhận diện, được đặt tên và gắn cho nhiều thuộc tính (qualificatif): xấu, đẹp, đáng ưa, đáng ghét, đáng buồn, đáng sợ,… từ đó nó trở thành một tri giác (perception).

Tri giác là sự diễn dịch một cảm giác thành ý nghĩa. Như khi ta nghe một âm thanh, ta biết đó là tiếng chim hót, chứ không phải là tiếng chó sủa. Như khi ta nhìn con gà, ta biết đó là con gà chứ không phải là con chim quốc (trông gà hóa quốc). Trừ phi bị chứng agnosie (sự mất nhận thức).

Mỗi người có một cái nhìn khác nhau về cùng một sự vật, tuỳ theo sự hiểu biết, trình độ văn hóa và tâm linh hay tâm trạng của người quan sát (người buồn cảnh có vui đâu bao giờ). Thí dụ: khi đưa một đồng 10 Euros bằng bạc cho một đứa bé 5-6 tháng thì nó chẳng biết đó là cái gì, mặc dù hình ảnh trên võng mô (rétine) của nó giống y hệt hình ảnh trên võng mô của ta. Nó có thể đưa vào miệng để gậm. Đưa cho một em bé 5-6 tuổi, nó biết đó là một đồng tiền nhưng chưa biết giá trị đích thực. Đưa cho một người lớn bình thường họ biết đồng tiền này có thể mua một vé ciné. Đưa cho một người có đầu óc sưu tầm (collectionneur), họ biết được đồng bạc này có giá trị hơn 10 Euros nếu biết để dành. Nếu là một vật tốt đẹp, quý giá thì lòng tham có thể nổi dậy và tâm sanh ra tư tưởng làm sao để có được hoặc chiếm hữu. Nếu là một đối tượng trái ý, nghịch lòng thì tâm sân sẽ nổi lên và sẽ có ý tưởng ghét bỏ, loại trừ, tiêu diệt đối tượng.

Tư tưởng là sản phẩm của ý căn. Tới đây hành trình tư tưởng sẽ chia ra hai ngã. Một ngã, chúng ta có những tà tư duy, những ý tưởng tiêu cực (négatif), xấu xa đen tối. Những ý tưởng này làm khởi sanh những cảm xúc tiêu cực như: tức giận, sợ hãi, đau buồn hoặc lo âu. Rồi những cảm xúc này, tới phiên chúng gây ra những phản ứng xuẩn động: mắng chửi, đánh đập, tàn hại hay tự mình làm khổ mình, khổ người. Con người bị giam hãm trong cái vòng lẫn quẫn đen tối: tà tư duy <=> cảm xúc <=> phản ứng. Cái này sinh ra cái kia và ngược lại. Con người bị nhốt chặt trong ý nghĩ, cảm xúc và phản ứng của chính mình.

Ngã thứ hai là ngã chánh đạo: con người sẽ có tư tưởng thiện lành (chánh tư duy), có những lời chân chánh dịu dàng (chánh ngữ), có những hành động hướng thiện (chánh nghiệp).

Cái gì có thể phá vỡ cái vòng lẫn quẫn đen tối trên và chuyển đổi, ngăn chặn ta đi theo đường tà?

-1/ Đó là cái ý hướng không theo tà hạnh (bonne volition), cái ý chí muốn hành động làm chủ cuộc đời mình, chứ không bị động quay cuồng trong vòng cảm xúc, xuẩn động.

Cái ý chí này Phật giáo gọi là tinh tấn (xin xem lại 4 chi của tinh tấn).

- 2/ Đó là sự chú tâm (attention) ghi nhận các ngũ trần khi nó vừa lọt vào ngủ căn hoặc cả pháp trần khi nó lọt vào ý thức trường.

- 3/ Đó là sự sáng suốt, tỉnh giác (vigilance) không để tham sân và vô minh chi phối tâm mình.

Ba yếu tố này là nền tảng căn bản của thiền Tứ niệm xứ, sẽ được rèn luyện, dùi mài khi ta thực hành thiền trên. Lâu ngày chày tháng ba yếu tố trên sẽ trở thành phản xạ, sẽ gắn liền với tâm tư, ngôn ngữ và hành động của ta, giúp ta sống “cư trần, lạc đạo” trong giòng đời quay cuồng biến đổi và giúp ta một ngày nào đó sẽ thoát giòng tục luỵ đau khổ này.

Sơ đồ tâm thức này là kết quả của sự suy nghĩ kết hợp giữa Phật giáo và khoa học. Phật giáo đã đi trước khoa học hơn 2.000 năm. Vi diệu pháp (hay tạng Luận) là tác phẩm tâm lý học đầu tiên của con người, đến nay vẫn còn giá trị.

Có nhiều điều Phật giáo biết mà khoa học tâm não chưa biết. Có những điều khoa học biết mà trong kinh sách không thấy nói. Do đó phải dùng Phật giáo để hỗ trợ cho khoa học và dùng khoa học để hiểu rõ Phật giáo. Điều này chỉ có một ít nhà khoa học hiểu thôi, như Mathieu Ricard, Francisco J.Varela,  Trịnh Xuân Thuận..., với điều kiện họ phải để tâm nghiên cứu Phật pháp và biết đối chiếu giữa hai bên.

BS Nguyễn Tối Thiện

                                                                                                                       

Chia sẻ: facebooktwittergoogle