Thị phi cuối năm

Thị phi cuối năm

Thị phi cuối năm

Chân Hiền Tâm

 

Sắp hết một năm…

Một năm khá yên với tôi. Không sóng, không gió, ngoài đời cũng như trong đạo.

Con đường tôi đi vẫn là thế đó

Ngày mỗi mở hơn

Cho tầm nhìn hạn hẹp nơi mình thoáng ra.

Đâu đó, những hiện tượng không hay vẫn đang diễn ra. Không phải quanh tôi. Thế giới quanh tôi bình yên. Những người tôi gặp, hiền lành thánh thiện. Tôi nói cái màn hình ảo, chứa đủ những chuyện đau lòng. Nó có tác dụng nhắc mình thế giới Sa-bà đang rất khổ đau. Nó nhắc mình nhớ mọi thứ vẫn đang vô thường, khổ vui như trở bàn tay, tâm nếu theo cảnh, khổ đau giữ lại cho mình khi cảnh hoại vong, chớ nên quên mình trong những bình yên đang có.

Thị phi là chuyện thường tình ở đời     

Thị phi là thứ không bao giờ thiếu ở thế giới này. Năm cũ hết rồi thì chuyện thị phi vẫn còn tiếp diễn. Đã nói chúng sinh, họp lại mà sinh, làm sao hết được thị phi ở thế giới này? Thành vào đây rồi, như sinh và tử, có sinh nhất định có tử. Đã có tiếp duyên liền có thị phi. Chỉ ít hay nhiều.

Thị phi từ thời Đức Phật đã có. Phật mà cũng có thai nhi để gán cho Ngài. Đại sư Bạch Ẩn ngày xưa không phải là kẻ tầm thường. Vậy mà uy đức vẫn không đè nổi miệng tiếng người đời. Lời lẽ dối trá qua tai chúng sinh không thể trôi được. Vướng đó, rồi truyền miệng nhau. Cứ như một vết mực đen trên tờ giấy trắng làm họ cảm thấy yên bình hơn là đối diện với tờ giấy trắng tinh khôi. Tin thế dễ hơn tin vào sự thật. Thế là uy đức đổ sập trong mắt mọi người ngay kẻ thân tín. Chuyện không nói có như thế còn xảy ra được, huống là có sẵn tiền đề cho tâm vọng tưởng phát sinh.

Lừa ta ngày đêm làm việc chăm chỉ cực nhọc. Đến lúc sức mòn, tâm sự với Chó một câu:

- Anh Chó, ngày mai tôi muốn nghỉ ngơi. Tôi mệt quá rồi, không chịu nổi nữa.

Chó thấy thương cảm, nói với chị Mèo:

- Bác Lừa than mệt, mai muốn nghỉ ngơi. Cũng phải, chủ nhân đã bắt bác Lừa làm việc quá sức.

Câu nói thật là rõ ràng. Vẫn mang tính chất “Tôi nghe như thị”. Nghe như thế nào, nói lại thế đó, không sai một ý. Chỉ là thêm một ý kiến riêng mình: “Chủ nhân đã bắt bác Lừa làm việc quá sức!”. Có sao nói vậy. Chân thật không dối. Nhưng mà… 

Mèo đi nói lại với Dê:

- Lừa bảo chủ nhân bắt Lừa làm việc quá sức. Ngày mai Lừa muốn nghỉ ngơi.

Ôi thôi! Ý kiến của bác Chó giờ đã thành luôn ý kiến của bác Lừa. Có khi không phải cố ý, chỉ do vọng tâm không kiểm soát được, nhìn gà hóa cuốc, nghe trống thành chuông. Cũng là nghiệp nhân bác Lừa gây ra từ thưở nào đó, tới thời trổ quả ra hoa mà thành như vậy.

Tới đó còn chưa kinh hãi. Nghe tiếp khúc sau mới thấy oan gia trái chủ cho Lừa. Hết phương chống đỡ khi gặp ông chủ cũng là chúng sinh thứ thiệt. Nghe liền tin nhận. Không màng kiểm tra. Không chịu hỏi thẳng.

Bác Dê nghe xong, nói lại với Gà:

- Anh Lừa không muốn làm việc cho chủ nhân nữa. Anh phàn nàn rằng chủ nhân đã bắt anh làm quá sức. Không biết các chủ nhân khác đối xử với Lừa có tốt hơn không?

Gà gặp bác Lợn, nói lại với Lợn như vầy:

-  Lừa không muốn làm việc nữa. Anh ấy muốn đi nơi khác làm việc. Thật là! Chủ nhân sao lại đối xử quá tệ với Lừa của mình như vậy. Bắt anh làm quá nhiều việc nặng nhọc, dơ bẩn. Thậm chí còn dùng roi da đánh anh tàn nhẫn.

Lợn về báo cáo sự tình với vợ chủ nhân:

- Thưa bà, tôi xin bẫm bà một việc. Anh Lừa dạo này đã có vấn đề trong cách suy nghĩ của mình. Bà phải giáo dục anh ấy cẩn thận. Anh ấy không muốn làm việc cho chủ nhân nữa. Anh trách chủ nhân bắt anh làm việc dơ bẩn, nặng nhọc, quá sức mệt mỏi. Anh ấy còn nói muốn rời nơi đây, đến làm nơi khác.

Thế là bà vợ chủ nhân giận dữ kể lại với chồng:

- Lừa muốn phản ông đi làm nơi khác. Nó muốn đổi chủ. Phản bội! Tội này không thể tha thứ. Ông định xử lý thế nào?

Chủ nhân trả lời không chút do dự:

- Làm thịt nó đi!

Chú Lừa chăm chỉ thay vì được nghỉ, bị đem ra giết. Vẫn chưa biết được nguyên nhân vì sao mình chết.

Chuyện tưởng như đùa, nhưng từng lòng vòng trong đó, thủ vai chú lừa cho đến chủ nhân, mới thấy tác giả dựng nên câu chuyện thật là giá trị, chẳng sai hiện thực thế giới con người chút nào.

Ngày mới vào đạo, mọi thứ công việc đều phải thu hẹp, lấy nhà cho thuê để có thời gian tu hành, tôi bị một vố mà không hề biết. Chỉ thấy em út lạnh nhạt khó chịu, người dưng nhìn tôi như một tội đồ. Hỏi thì không thấy trả lời. Chỉ thấy hậm hực rồi thôi. Té ra, thiên hạ nói tôi giết mẹ để lấy cái nhà đang ở hiện tại. Thiên hạ không ai xa lạ. Bà con ruột thịt mẹ từng cưu mang. Tôi cũng cưu mang đến khi lấy nhà cho thuê. Chẳng phải bỏ mặc. Vẫn là thuê nhà cho ở, chỉ là cuộc sống tự lo.

Không hiểu vì mất quyền lợi mà thành vu cáo như thế? Hay vì cái tâm vọng tưởng thực sự suy nghĩ như thế, thực sự thấy vì cái nhà mà tôi giết mẹ, giờ đuổi bà con? Hay là thiên hạ tuyên nói một đường, em út lại hiểu một nẻo mà thành như thế? Những câu hỏi đó bây giờ mới biết mà hỏi. Ngày đó chỉ nghĩ đơn giản miệng người tàn độc. Càng tin câu nói thế gian truyền nhau: “Cứu vật, vật trả ơn. Cứu nhân, nhân trả oán”. Thấy ngán con người ở thế giới này.

Nhưng rồi, nhân quả xoay vần, thấy việc thiên hạ vay trả mà rùng cả mình, giận hóa thành thương. Ngẫm lại bản thân. Có quả, là đã có nhân. Mình không gây nhân, quả không đến được. Nghĩ rồi, buồn qua…

Cũng không còn tin vào câu “Cứu nhân, nhân trả oán” nữa. Cứu nhân mà nhân trả oán, là vì một khúc nào đó, mình hại người ta. Đủ duyên nhân trước trổ ra. Còn việc cứu người kiếp này, sẽ hiện quả tốt sau này. Không hề sai chạy. Không có cái chuyện cứu nhân mà nhân trả oán. Chỉ vì cái nhìn của mình vướng tướng hiện tại, chỉ thấy được mặt hiện tượng, chẳng thấu được mặt nhân duyên, mới thành như thế.

Cũng nhận ra rằng, đồng tâm đồng khí thì dễ hiểu nhau. Không đồng tâm khí, nhìn gà hóa cuốc là lẽ tất nhiên.

Thằng nhỏ chuyên môn đi trễ. Bà con chờ mãi cằn nhằn. Nó tới, con nhỏ lớn tiếng rầy la trước mặt mọi người. Thằng nhỏ rất buồn, kể lễ với tôi. Muốn gì về nhà mà nói, sao lại rầy con trước mặt mọi người? Con dại! Tỷ thương Tỷ mới làm vậy. Xoa dịu người ta. Cứu con chứ sao lại buồn. Mà thiệt, con nhỏ làm vậy là để xoa dịu mọi người, chẳng phải bực bội mà la. Nhờ đó mọi người hạ hỏa, vui vẻ.

Một chút đó thôi, không hiểu được nhau, từ chỗ cứu mạng thành ra oán giận. Có khi còn bị rêu rao “Bà ấy, đi trễ một chút là đã nổi sân, tu hành chi lạ”. Thật tội khi không hiểu nhau.

Cô ơi, cô coi giùm con. Con viết gì sai mà mấy anh cự. Cô chỉ giùm con. Con bé chẳng viết gì sai. Chỉ vì người ta nhìn nó theo cách người ta, nên thành như thế. Đoạn văn như vầy: “Đọc kinh Phật, từ việc hiểu được kinh, đi đến dụng được cái lý của kinh là một chặng đường gian nan, đòi hỏi phải thực chuyên tâm, rốt ráo, nghiêm mật. Vậy nên khi đọc, nếu chỉ dừng ngang ở việc học hiểu, thì không khác nào nấu cơm mà không đun lửa. Nước ngấm, gạo trương, mà cơm không chín...”. Ý của đoạn văn chỉ muốn nói rằng, học mà không hành thì chẳng khác gì nấu cơm đổ nước mà không đun lửa, cơm không thể chín. Nhưng mấy anh đọc, hiểu thành “Mục đích tu hành là không được khởi tạp niệm, ấy mà đọc kinh lại dùng cái ý để hiểu thì sao hiểu được”. Không phải một người mà khá nhiều người hiểu theo cái kiểu như thế, rồi mang ra luận bàn. Cuốn kinh Thập thiện, nếu không dùng ý để hiểu thì dùng cái gì để hiểu bây giờ? Không hiểu thì sao thực hành? Mọi thứ trở thành sai lệch như vậy, vì vướng sở tri của mình. Mình nhìn thế giới qua chiếc lăng kính sở tri. Các pháp biến dạng, không còn như chúng đang là. 

Cũng như hai chữ Sư thái mấy nhỏ đã đặt cho tôi. Sư thái, là bà Sư thái Diệt Tuyệt trong truyện Kim Dung. Cái tên không phải đại diện cho một Bồ-tát cao siêu, cũng không đại diện cho một con người đức hạnh tuyệt vời, chỉ là nhân vật nghe nói tính tình khó chịu, không cho đệ tử yêu ai, thành tôi kệ đó cho vui. Nhưng rồi thiên hạ kháo nhau “Kiêu mạn thể hiện ra cả cái tên, dám xưng là Sư”. Kháo nhau là kẻ trong đạo, chẳng phải ngoài đời. Tu hành, công quả thì có, ý thức hàng phục vọng tưởng thì chưa, phản quan chẳng màng, yêu ghét thả tâm, nên thành như thế.   

Con bé không thể dỗ dành đứa cháu, nói gì nó cũng không nghe. Vùng va vùng vằng. Hiện tướng cho thấy con bé chẳng có một chút lực nào đối với đứa nhỏ. Nhưng không, em gái nó nói với tôi “Không biết hôm nay trở trời trái gió gì đó á cô. Bình thường trong nhà, mọi thứ đều phải nhờ chị. Nó chỉ nghe lời mình chị á cô”. Thật là dễ lầm khi mình không đủ thời gian gần gũi, cũng không có tha tâm thông để thấu về một con người.

Cái kiểu như kinh Duy Ma đã nói thì còn khó nữa. Bồ-tát theo nguyện độ sinh, nương vào cái duyên sở độ mà hiện. Độ người kiêu mạn thì nương cái chủng kiêu mạn hiện ra. Độ người tham sân thì nương cái chủng tham sân hiện ra. Chủng kiêu mạn, tướng hiện kiêu mạn. Chủng tham sân, tướng hiện tham sân. Nhưng vì không theo nghiệp lực mà theo nguyện lực độ sinh, nên chủng hiện hành không còn dẫn lực. Tướng tuy kiêu mà tâm không kiêu. Tướng tuy tham mà tâm không tham. Kinh nói: “Hiện làm tham dục mà không nhiễm đắm. Hiện làm giận dữ mà đối với chúng sinh không có ngại gì. Hiện làm kiêu mạn mà đối với chúng sinh, mình như cầu đó…”[1]. Cho nên, không nắm nhân duyên, hướng ngoại nhìn tướng đoán tâm theo kiểu chúng sinh bình thường thì không tránh được sai lầm.

Va chạm vậy rồi, mới thấy trong thế giới này, không thể không kỹ cái tai, con mắt của mình. Đối duyên tiếp cảnh, chưa thể vô tâm, thì phải suy xét nhân duyên kỹ lưỡng, không thể bộp chộp với những thấy nghe trước mắt. Muốn đỡ sai lầm, cần hiểu con người không phải là khối toàn nhất, hễ một niệm thiện thì hết thảy thiện, một việc giỏi thì hết thảy giỏi, không đâu. Còn tùy nhân duyên gieo trong tạng thức. Nhân duyên với người này tốt thì tướng hiện ra thành tốt. Nhân duyên với người kia xấu thì tham, sân, đố kỵ hiện ra. Thuận duyên với việc này thì việc này thành tốt, không thuận duyên với việc kia thì việc kia thành xấu. Tùy duyên mà thành tốt xấu. Không có cố định. Nếu không thấy được như vậy, thì việc này tốt sẽ lý giải luôn cho việc kia tốt, việc này xấu sẽ lý giải luôn cho việc kia xấu. Gọi là gắn tánh cho pháp. Lý giải như thế lầm lẫn vô cùng. Tai nghe thành lầm, mắt thấy thành sai là cớ như vậy. Pháp nào có duyên pháp đó. Giá trị của pháp tùy thuộc nhân duyên.   

Cũng hiểu thêm rằng, vào thế giới này là vào thế giới nhị biên, thị phi không thiếu. Sạch sẽ bao nhiêu cũng có ít nhiều thị phi rắc lên người mình. Không phải chỉ có kẻ xấu mới có thị phi. Những kẻ nhọc lòng cùng với tha nhân, thị phi càng dữ. Bởi vì xử lý công việc, tránh sao cho khỏi kẻ ghét, người thương, tránh sao cho khỏi tư kiến đụng chạm. 

Kính Tôn đời Đường, thị phi vang dội. Đường Thái Tông thắc mắc:

- Trẫm thấy khanh, phẩm cách không phải là phường sơ bạc. Sao có nhiều tiếng thị phi chê ghét như thế?

Kính Tôn trả lời:

- Tâu bệ hạ, mưa mùa xuân tầm tã như dầu, người nông phu mừng cho ruộng đất được thấm nhuần, kẻ bộ hành lại ghét vì đường đi trơn trợt. Trăng mùa thu sáng vằng vặc như gương treo trên bầu trời đêm, hàng thi nhân vui mừng gặp dịp thưởng du ngâm vịnh, nhưng bọn đạo chích lại ghét vì ánh trăng quá sáng tỏ. Trời đất kia vốn vô tư không thiên vị, mà cơn nắng mưa thời tiết vẫn bị thế gian trách hận ghét thương. Hạ thần đâu phải một người vẹn toàn thì làm sao tránh khỏi tiếng chê bai chỉ trích... [2].

Cớ sự là vậy. Thành phải biết thị phi là chuyện thường tình ở thế giới này. Ai không mắc phải mới là chuyện lạ. Vấn đề là làm thế nào để còn tồn tại, để sống an vui với mớ thị phi quanh mình.

Bình thản với thị phi 

Thiền sư Hiện Quang, học trò Thiền sư Thường Chiếu. Nghe nói dung mạo rất hảo, tính chất thông minh, mỗi ngày đọc hàng vạn chữ, mười năm đã đọc hết sách Tam giáo. Cũng đã phát minh tâm địa khi gặp Thiền sư Trí Thông. Chỉ vì món quà cúng dường của bà công chúa Hoa Dương, tiếng ve tiếng bướm vang rền. Sư đã tự nghĩ, “Cùng người thế tục tới lui, không tránh khỏi bị hủy nhục. Xét ta phải chịu thế sao? … Nếu không tỉnh giác mạnh mẻ, lấy nhẫn nhục làm áo giáp, lấy tinh tấn làm binh khí, thì làm sao đánh ma quân, dẹp phiền não, cầu được Bồ-đề vô thượng?”. Nghĩ rồi, vào thẳng trong núi Uyên Trừng, thọ giới cụ túc với sư Pháp Giới. Nhân vì một lần, thị giả sẩy tay làm rơi mâm cơm xuống đất, sợ quá, hốt cơm vẫn còn lẫn đất. Sư thấy, mới tự than rằng: “Đã không lợi ích cho ai, lại luống nhọc người cung cấp”. Từ đó, Sư lấy lá cây làm áo, ăn các thứ trái lượm được thế cơm. Trải qua mười năm như thế. Sau vào trong núi Yên Tử an dưỡng tuổi già[3]

Chung đụng mà sinh thị phi thì thôi, không chung đụng nữa. Một mình lên núi chuyên tâm tu hành, không phí đời tu. Thiền sư Hiện Quang giải quyết thị phi đời mình như thế.

Nhưng hỏi mấy ai đủ lực bỏ hết vào núi mà ở như Ngài? Thôi thì, cứ ngay thế gian mà tập cho mình bình thản. Tập được thì an ổn được. Tập thì đồng nghĩa chưa quen. Thứ gì chưa quen, vẫn chịu tác động bên ngoài. Dù lập công khóa cho việc này rồi, ít nhiều vẫn thấy không yên. Nhưng tập quen rồi, mọi thứ sẽ thấy bình thường.

Nhiều người không tin mình có khả năng bình thản. Bởi vì rất muốn bình thản, cũng cố bình thản khi việc xảy ra, nhưng mà trong tâm vẫn thấy xao động dữ dội. Cứ muốn lý giải, biện minh để việc sáng tỏ. Ngay cả những việc thị phi lỗi mình cũng có trong đó, vậy mà vẫn muốn biện minh. Đã muốn như thế rất khó bình yên. Hoàng Bá đã nói: “Dứt suy nghĩ, quên toan tính, Phật tự hiện tiền[4]. Nhưng mình thì không chịu quên toan tính, cũng không chịu dứt suy nghĩ, ngày đêm cứ nghĩ phải làm thế nào phân minh cho rõ trắng đen, luôn muốn cho yên, nên không thể yên. Cái muốn yên, muốn biện đó là một phần của sự toan tính. Làm sao yên được? 

Mọi thứ thảy đều có thể bình thản. Nhưng cần thời gian. Vì tâm của mình thể vốn bất động. Chỉ do huân tập náo động từ vô lượng kiếp mà thành không yên. Giờ tập bất động trở lại, đòi hỏi phải có thời gian cùng với nỗ lực bản thân. Quyết tâm bình thản, tin tưởng tâm mình nhất định bình thản, mình sẽ bình thản.

Cũng không mấy khó khi mình đã có quyết tâm, xác định rõ ràng thị phi là thứ không thể tránh được ở thế giới này. Không thể đòi hỏi mọi việc “như thị” khi việc thế gian thường nhiều uẩn khúc chi tiết, chúng sinh thị phi can cường, giải quyết sự việc không phải đơn giản, có khi phải dùng hình thức trái nghịch giải quyết mới xong. Nhưng tâm chúng sinh hạn hẹp, vọng tưởng loanh quanh, khó mà tránh  khỏi cái nhìn thiên lệch. Đã không tránh khỏi, quan tâm để rồi phiền não là dại, tìm cách lý giải phân bua là thừa.

Cho nên, tập sống bình thản là việc cần thiết ở đời. Chưa được thì tập cho đến khi nào bình thản mới thôi. 

Một lúc nào đó bạn sẽ thấy rằng thiên hạ nói gì không còn quan trọng. Giải thích phân bua thêm mất thời gian, còn thêm mệt mỏi. Thiên hạ nói mình con khỉ là việc thiên hạ. Mình phải khỉ không mới là quan trọng. Phải khỉ thì sửa lấy lại nhân cách con người. Không thì mặc kệ. Việc người người nói. Việc mình mình làm. Can hệ gì đâu.

Nếu được bình thản thật sự, tâm thái an hòa, ghét bỏ không vương. Phu nhân Xá-ma, do lời thâm độc của kẻ thứ ba, tên lửa bắn đến trước mặt, bà vẫn an hòa, không niệm oán giận[5]. Hạnh phúc cho mình. Hạnh phúc cho người. Thế giới không có phân cách giữa người và người. Quanh mình bình an.   

Có điều, muốn tâm bình thản khi việc thị phi bất lợi cho mình xảy ra, thì khi thị phi có lợi cho mình, không nên quan tâm. Lời khen là duyên giúp mình biết việc đang làm đưa đến kết quả tốt đẹp, có thể y đó phát huy, nhưng vướng vào đó thì khó bình thản khi việc trái nghịch xảy ra. Cho nên, khi nghịch muốn được bình thản thì khi thuận đừng có đeo mang. Trung đạo dụng được bình yên mới có, không lệ thuộc cảnh. Tâm an, vạn sự đều an.

Năm hết tết đến…

Nguyện cho thế giới an bình, nhân sinh hạnh phúc, thị phi thế gian trở thành phương tiện giúp người thêm định, phát tuệ, làm chủ sáu căn tốt hơn. Cũng là “Nguyện đem công đức này/ Hồi hướng khắp tất cả/ Đệ tử và chúng sinh/ Đều trọn thành Phật đạo”.  


 

 


 

[1] Duy Ma Cật sở thuyết kinh, Phẩm Phật đạo. HT Thích Huệ Hưng dịch

[2] http://www.phunutoday.vn/hoc-cach-song-qua-8-chuyen-thi-phi-o-doi-d64929.html

[3] Thiền sư Việt Nam, phẩm Thiền sư Hiện Quang. HT. Thích Thanh Từ biên soạn. 

[4] Truyền tâm pháp yếu của thiền sư Hoàng Bá. HT. Thanh Từ dịch.

[5] Kinh Đại Bửu Tích cuốn 6, pháp hội Ưu-đà-diên. HT. Trí Tịnh dịch.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle