Từ hệ giá trị GNH BHUTAN nghĩ về hướng đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam với phát triển kinh tế - xã hội bền vững

tu he

Thích Thanh Tâm

Ý tưởng hạnh phúc như là mục tiêu phát triển hàng đầu bàng bạc trong tinh thần chính trị Bhutan. Trong nỗ lực thời kỳ đầu của quá trình hiện đại hóa, Bhutan  xác định Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) là mục đích cơ bản của sự phát triển, là quá trình dẫn đến hòa bình và thịnh vượng; là tiền đề cho niềm tin, mong muốn hạnh phúc của mỗi cá nhân, và mở rộng ra là trách nhiệm và mục đích của nhà nước nhằm tạo điều kiện cần thiết để người dân có cuộc sống tốt đẹp.

Vì thế, GNH là cách tiếp cận toàn diện và bền vững cho sự phát triển cân đối giữa vật chất và các giá trị phi vật chất với niềm xác tín con người muốn tìm kiếm hạnh phúc thật sự. Cho nên, mục tiêu của GNH là nhằm đạt được sự phát triển hài hòa trong tất cả các khía cạnh của cuộc sống - vốn là điều cần thiết cho hạnh phúc. Do đó, Vương quốc Phật giáo Bhutan qua nhiều năm phát triển, bên cạnh quá trình toàn cầu hóa, vẫn giữ được những nét vốn có từ thế kỷ XVII. Hiện được đánh giá là đất nước có chỉ số hạnh phúc cao nhất ở châu Á và đứng thứ 8 trên thế giới khi mức tăng trưởng GDP nằm ở nhóm đầu nhưng vẫn giữ được môi trường trong lành và bảo tồn những giá trị văn hoá.

Giờ đây, khi thế giới lao đao trước những cơn khủng hoảng kinh tế, trước tình trạng thiên nhiên bị hủy hoại, khí hậu nóng lên thì Bhutan lại càng nổi lên như một quốc gia đi đầu, định hướng được cách phát triển bền vững, lâu dài và hiệu quả. Bài tham luận này đề cập đến hệ giá trị GNH Bhutan và nghĩ đến hướng đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam cho sự phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

Từ khóa: Bhutan, GNH, Phật giáo Việt Nam, phát triển kinh tế - xã hội bền vững

1. Hệ giá trị Tổng hạnh phúc quốc gia Bhutan

Bhutan thời cổ đại bao trùm trong màn sương thần bí. Lịch sử văn tự sớm nhất của Bhutan ghi lại, vào thế kỷ thứ 8, ấn ký của Guru Rimpoche –Thượng sư Liên Hoa Sanh của hệ phái Mật tông Phật giáo Kim cương thừa chính là bậc thánh đã đem hạt giống văn hóa gieo rải khắp Bhutan.

Năm 1971, Bhutan gia nhập vào Liên hợp quốc, đề xuất kế hoạch đặc biệt làm tiêu chí hạnh phúc cho nhân dân. Vốn là quốc gia theo chế độ quân chủ, các quốc vương Bhutan đều có tầm nhìn xa, hiểu biết thương yêu và tôn trọng nhân dân. Quốc vương bảo đảm thần dân mỗi người đều được miễn phí nhà đất, giáo dục, trị liệu y học và luôn quan tâm đến tổng số hạnh phúc của toàn dân hơn là quan tâm đến tổng giá trị sản xuất. Cho nên, Butan đã loại bỏ chỉ số Tổng sản phẩm trong nước (GDP) để đo lường sự tiến bộ của nước mình và thay thế bằng chỉ số GNH, theo đó, đời sống tinh thần - thể chất, văn hóa - xã hội của người dân, việc bảo vệ tài nguyên - môi trường của quốc gia được đưa lên vị trí ưu tiên số một.

Chính cựu Quốc vương Butan Jigme Singye Wangchuck đưa ra khái niệm GNH thay cho khái niệm GDP, lấy sự hài lòng của người dân đối với xã hội, cuộc sống làm thước đo khi hoạch định chính sách phát triển kinh tế - văn hóa. Qua những hình mẫu phát triển của nước ngoài, ông thấy người dân không hạnh phúc khi khoảng cách giàu - nghèo ngày càng gia tăng, phúc lợi xã hội không được đảm bảo, môi trường bị phá hủy trầm trọng từ quá trình phát triển và tăng trưởng kinh tế.

Sau bao băn khoăn, trăn trở, ông đã tìm kiếm và tự xây dựng một khái niệm hạnh phúc mới - hạnh phúc không đo bằng tiền bạc mà đo bằng chính sự hài lòng, thỏa mãn của con người với cuộc sống hiện tại, bằng sự cân đối giữa giá trị vật chất với giá trị tinh thần thông qua chỉ số GNH. Ông cũng khẳng định, “Butan sẽ theo đuổi mục tiêu đem thịnh vượng tới bất cứ vùng, miền nào trên đất nước, đồng thời, bảo đảm phát triển luôn đi kèm với việc giữ gìn truyền thống văn hóa, bảo vệ môi trường cũng như duy trì một chính phủ dân chủ đầy uy tín và  trách nhiệm trước dân.”[1]

Do đó, chính phủ Butan đánh giá hạnh phúc của con người không chỉ phụ thuộc vào các khía cạnh đời sống kinh tế mà còn dựa trên 4 tiêu chuẩn: môi trường trong sạch, phát triển bền vững, quản trị tốt, bảo tồn và phát huy văn hóa.

● Về bảo vệ môi trường: đã được ghi nhận trong Hiến pháp của quốc gia này là quyết tâm và cam kết duy trì ít nhất 60% diện tích cả nước có rừng che phủ. Hiện nay, 72% diện tích của Butan là rừng và hơn một phần ba nằm trong mạng lưới các khu bảo tồn. Bảo tồn hàng loạt mục tiêu hoặc hệ sinh thái lý tưởng bắt đầu bằng việc thiết lập một đường cơ sở và sau đó thực hiện mục tiêu đó. Nhiều người dân Butan khi được hỏi về lý do tại sao luôn có ý thức cao đối với môi trường thì đều có chung một đáp án là con người sống chung với thiên nhiên, đối xử với môi trường như thế nào thì sẽ được nhận lại như vậy.

● Về phát triển bền vững, Butan tập trung vào y tế, giáo dục và dịch vụ xã hội. Để giải quyết các nhu cầu của hiện tại và tương lai, Butan đưa ra tiêu chuẩn sống cao hơn và tiếp cận với tiện nghi hiện đại và công nghệ trên mọi khu vực của đất nước. Yếu tố quan trọng của sự tăng trưởng này là phát triển bình đẳng, để những lợi ích của phát triển đến được những người nghèo nhất và yếu thế nhất. Butan đã đạt được sự phát triển ấn tượng và cải thiện cuộc sống của nhiều người và điều này đã đặt nền móng cho sự phát triển nhanh hơn, công bằng hơn, và nhân đạo hơn.

● Về quản trị tốt, thế giới đang theo dõi tiến trình dân chủ mới ở Butan, và những nỗ lực để thành công với quản trị tốt là một ưu tiên để đất nước này thể hiện với thế giới. Với nền dân chủ này, chính phủ phải phản ánh ý kiến của người dân, và người dân phải chủ động hơn trong việc tham gia đóng góp cho sự thay đổi.

● Về bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, kiến trúc riêng biệt, các giá trị văn hóa, các nghi lễ truyền thống... là tất cả các khía cạnh cuộc sống mà người dân Butan muốn gìn giữ, bảo tồn. Thách thức hiện nay đối với quốc gia này là khôi phục và duy trì những yếu tố đó thông qua việc bảo tồn văn hoá.

Như vậy, để thực hiện chính sách phát triển của mình, Butan lấy người dân làm trung tâm, đồng thời luôn chú trọng giữ vững sự ổn định chính trị, bảo đảm môi trường bền vững, người dân sống hạnh phúc. Butan triển khai được các chương trình kiềm chế và ngăn chặn tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu này từ hơn một thập kỷ vừa qua. Trước khi Chính phủ phê duyệt bất cứ dự án nào thì vấn đề đặt ra luôn là tăng trưởng kinh tế phải bền vững, đi đôi với bảo tồn di sản văn hóa, bảo đảm đa dạng sinh học.

2. Sứ mệnh Phật giáo Việt Nam với nếp sống nhân sinh

Cách đây hơn 26 thế kỷ, Đức Thế Tôn xuất hiện giữa thế gian đã ưu tư  đến những vấn đề con người và an sinh xã hội. Ngài tự dấn thân tìm con đường giải thoát ra khỏi tình trạng bấp bênh sóng gió, để rồi, suốt 49 năm hoằng pháp lợi sanh, Ngài mang chân lý hiện sinh đi vào cuộc đời. Những làng mạc, những thôn xóm Ngài đi qua đều thấm nhuần lợi ích với những ai thực hiện: việc làm đúng, lời nói đúng, và tư duy suy nghĩ đúng đắn. Lời dạy của Ngài vừa mang ý nghĩa kinh tế, vừa có giá trị xã hội, đặt biệt thể hiện giá trị đạo đức cao đẹp và tinh thần nhân đạo sâu sắc. Do đó, với trí tuệ siêu việt Ngài nhìn thấy khổ, nguyên nhân của khổ, sự diệt tận khổ  và con đường diệt khổ, nên xóa bỏ những điều bất hạnh áp đặt lên thân phận con người. Ngài chỉ cho mọi người thấy rõ bản chất cuộc sống một cách chân thực để từ đó có cách ứng xử đúng đắn trong đời sống, tránh đi những lầm lạc và tu tập để đạt đến sự an lạc trong hiện tại cũng như tương lai.

Là tôn giáo có tầm ảnh hưởng đối với xã hội loài người, nhờ một hệ thống giáo lý mà nổi bậc là tư tưởng, triết học, văn hóa, xã hội, nhân văn, kiến trúc, nghệ thuật, Phật giáo đã cống hiến cho nhân loại những giá trị không thể phủ nhận. Trên tất cả các lĩnh vực thì giáo dục Phật giáo bao trùm rất nhiều khía cạnh trong cuộc sống của con người; và đó là chức năng cần thiết đào tạo một con người hoàn thiện về nhân cách đạo đức cũng như lối sống chuẩn mực và giúp cho con người ý thức được trách nhiệm đối với bản thân và gia đình để sẵn sàng phục vụ và góp phần công bằng xã hội.

Cho nên, trong xã hội đó đức Phật nêu cao giá trị làm người. Mặc dù cuộc đời vô thường, giả tạm và năm uẩn không có tự thể riêng biệt, song con người còn có thể vận dụng được xác thân ngũ uẩn ấy để chuyển hóa vô minh và giải thoát phiền não. Trong mối tương quan tương duyên của cộng đồng xã hội, mỗi người đều có giá trị hiện hữu bình đẳng. Không ai có quyền nhân danh thế lực gì để chà đạp lên quyền sống và quyền làm người của kẻ khác. Làm người ai cũng muốn bảo vệ sự sống, ai cũng muốn tránh khổ đau và mưu cầu hạnh phúc, ai cũng có sự tôn nghiêm trong tư cách làm người; cho nên phẩm giá của con người là giá trị phổ quát, không một ai có thể chối bỏ hay chà đạp.  Nếu từng cá nhân tự chuyển hóa tâm thức để giải tỏa những vấn đề, nghĩa là họ đã giảm trừ hay tận diệt vô minh và các phiền não gây ra bất an khổ não, thì cộng đồng xã hội có thêm một thành viên kiến tạo hòa bình, an lạc và thịnh vượng.

Tóm lại, Phật giáo Việt Nam với dòng lịch sử xuyên suốt từ khi du nhập đến nay luôn hội nhập vào sức sống của dân tộc qua các giai đoạn lịch sử thăng trầm thịnh suy của đất nước. Với tinh thần “ Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác”, Phật giáo luôn đề cao tinh thần “Từ bi hỷ xả, vô ngã vị tha”, lấy đó làm phương châm giáo hóa chúng sanh, sống nếp sống chân thiện mỹ, góp phần tô diểm đất nước. Và trong thời đại phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và xu thế toàn cầu hóa hiện nay, con người càng trở nên bận rộn, chịu nhiều áp lực mọi mặt khi đối diện với thách thức, những trở ngại và cạnh tranh tất yếu với cuộc sống. Với ưu điểm phát triển kinh tế thị trường, song vẫn tồn tại mặt trái của nó là môi trường bị đe dọa cùng với đạo đức bị ảnh hưởng đã tác động không nhỏ đến đời sống tinh thần con người. Từ những đa đoan ấy mà tâm tư chúng sanh đầy những tâm hành sợ hãi lo âu. Từ đó, tâm tư mong cầu một bến đỗ, một cõi đi về ngay khi sống trên đời này hay cả lúc rủ áo ra đi theo chu trình sanh diệt.

3 Hướng đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam về phát triển kinh tế - xã hội bền vững

Như vậy, với sứ mệnh cao cả của Đạo cùng với tính cấp thiết của thời cuộc, Phật giáo Việt Nam cần có tiếng nói và sự đóng góp thiết thực hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội bền vững, không những cho Việt Nam mà cả quốc tế. Bởi hiện nay, các quốc gia, các tổ chức trên thế giới đang xem xét lại các tiêu chuẩn phát triển quốc gia để tìm mô hình phát triển mới, đóng góp vào sự phát triển bền vững trên nhiều lĩnh vực, nhằm vượt ra khỏi các vấn nạn toàn cầu.

Cho nên, thứ nhất, đóng góp lớn nhất của Phật giáo là dùng hệ thống giáo lý tác động đến nhận thức của giới lãnh đạo cũng như người dân để phát triển bền vững trên nền tảng các điều kiện tự nhiên và kinh tế - xã hội của đất nước. Bởi Việt Nam có một di sản sống của đạo Phật đã đi vào nếp sống tinh thần người dân. Cho nên, Phật giáo phải góp phần vào việc phát triển đất nước nhằm đảm bảo an sinh xã hội khiến người dân duy trì một sự cân bằng ngay trong cuộc sống.

Thứ hai, truyền dạy giáo lý Phật giáo để được dùng như kim chỉ nam trong cuộc sống thường nhật của người dân và là nền tảng cơ bản để xây dựng luật pháp của chính phủ nhằm thực hành triệt để việc bảo vệ thiên nhiên và lưu giữ được những truyền thống tốt đẹp tự ngàn xưa. Chính điều đó sẽ khiến đất nước có môi trường thiên nhiên tốt. Khi người dân có ý thức cao về môi trường, vì hiểu con người sống chung và đối xử với môi trường như thế nào thì sẽ được đáp lại như vậy, nên việc truyền dạy năm giới để người dân ý thức gìn giữ môi trường luôn là một phần quan trọng trong nếp nghĩ và sẽ muốn bảo vệ thiên nhiên như một thực thể sống. Do đó, mỗi người dân là một người giám hộ tài nguyên thiên nhiên và môi trường vì lợi ích của các thế hệ hiện tại và tương lai, là nhiệm vụ cơ bản của mỗi công dân đóng góp vào việc bảo vệ thiên nhiên, bảo tồn sự đa dạng sinh học.[2]

Thứ ba, thiển nghĩ, con người không bao giờ ngưng tìm kiếm trong thiên nhiên để mong thâu thập được nhiều thứ hơn nữa nhằm chất đầy cái nhà kho mãi mãi thiếu thốn của mình. Từ thuở chào đời, hình như định mệnh buộc nó phải đối mặt với một thế giới cứ muốn cắt giảm năng lực của mình, khi nhận ra hai bàn tay quá ngắn, hai chân quá chậm để có thể bắt kịp cái dòng chảy xiết của sinh tồn. Để hưởng thụ cuộc sống, phải nuôi dưỡng cơ thể. Đói và khát không ngừng thôi thúc phải chuyển động. Thế mà cơn đói chưa bao giờ được thỏa, và nỗi khát cũng chưa từng lắng dịu. Các nguồn tài nguyên có vẻ bất tận trong tầm nhìn, nhưng lại khan hiếm trong tầm với, cho nên phải phân phối các nguồn tài nguyên ấy một cách hợp lý. Cho nên, tăng trưởng kinh tế là nền tảng cho ổn định và thanh bình xã hội, vì vậy sự phát triển của nó bao hàm việc mở rộng sự hành đạo. Do đó, ứng dụng Phật giáo vào phát triển, không những hướng con người sống theo chánh pháp - hợp pháp và lương thiện, mà còn dạy cách xử dụng lợi nhuận thế nào để có lợi ích cho bản thân và người khác trong hiện tại cũng như trong tương lai.

Thứ bốn, với học thuyết Duyên khởi cho chúng ta biết mọi sự hiện hữu là sự kết hợp của nhiều nhân duyên. Chúng không thể tồn tại độc lập mà nương tựa với nhau trong mối tương quan mật thiết. Cái này có nên cái kia có, cái này sanh nên cái kia sanh, cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt. Xuất phát từ tư tưởng Duyên khởi, luân lý học môi trường đương đại cho rằng giữa con người và giới tự nhiên có sự tương nhập lẫn nhau. Con người nương giới tự nhiên để sinh tồn, giới tự nhiên là thân thể “vô cơ” của con người. Từ đó đưa đến một hệ quả tất yếu, nếu con người tiếp tục phá hoại môi trường thiên nhiên, coi thiên nhiên là vật sở thuộc mà ra sức khai thác bừa bãi thì rốt cuộc nhân loại tự hủy diệt chính mình.

   Như vậy, con người cần phải tiết chế dục vọng và tính tham lam bất tận bằng pháp tri túc thiểu dục của Phật giáo, để không tiếp tục điên cuồng nhắm mắt chạy theo những lợi lộc đơn thuần vật chất mà tự phá hủy môi trường sống của mình. Phật giáo luôn chủ trương một nếp sống giản đơn, tiết kiệm. Phát triển kinh tế phải đồng thời với việc phát triển đạo đức, phát triển tâm thức và phát triển sự nhận thức về con người và thế giới. Phật giáo không phủ nhận việc phát triển kinh tế, bởi sự thiếu thốn tài vật dễ đưa con người đến vi phạm những vấn đề đạo đức và làm băng hoại xã hội, nhưng sự giàu có được xây dựng trên một đời sống phi đạo đức lại đưa xã hội đến băng hoại theo một cách khác.

Thứ năm, nguồn tài nguyên thế giới và hệ sinh thái không thể hỗ trợ tất cả các dân tộc đạt mức độ tiêu thụ như các quốc gia tiên tiến. Cho nên, những nỗ lực theo hướng công bằng toàn cầu phải được kết hợp với những nỗ lực theo hướng tự nguyện từng cá nhân và thông qua các chính sách dân chủ. Vì thế, để xây dựng tương lai bền vững, phải chọn mức độ và hình thức tiêu dùng bền vững, tức là sử dụng nguồn tài nguyên của thế giới một cách khôn ngoan, không áp chế hệ sinh thái mà nên bảo tồn những phần còn lại trên hành tinh này. Và để có được chính sách và tầm nhìn minh bạch và nhất quán thì xã hội phải dân chủ, nghĩa là mỗi tầng lớp đều cử người đại diện và phải có tự do tư tưởng, tự do ngôn luận.[3] Theo nghĩa phổ thông ngày nay, dân chủ có nghĩa là trong một quốc gia xã hội mọi người đều có quyền như nhau. Tức là, những vấn đề tranh chấp nên được giải quyết bằng cách biện luận thay vì bằng bạo lực; những ý kiến phải được thâu nhận xuyên qua cuộc tranh biện không bị ngăn trở, chớ không phải chỉ một bên được phép phát biểu.

Phật giáo đề cập nhiều đến vấn đề tự do dân chủ. Ngài luôn chỉ con đường hướng đến giải thoát và chúng sanh muốn giải thoát phải tự mình thực hành để chứng ngộ. Ðức Phật không xen vào tư tưởng người khác, vì tự do suy tư là quyền của mỗi cá nhân. Ép buộc người khác lệch khỏi lối sống thích hợp với tâm tánh, hiểu biết và khuynh hướng suy tư của họ là sai lầm. Trong sự hiểu biết, đức tin và nỗi niềm lo sợ suông không có vai trò trong tư tưởng Phật giáo. Mỗi người được phép trưởng thành theo phương cách nào sẽ đưa đến những gì tốt đẹp nhất. Bất luận cưỡng bách gì để ép buộc tư tưởng của người khác vào khuôn khổ của mình là xen vào cuộc sống tinh thần của người khác.

Thứ sáu, nhìn dưới góc độ phi chính trị, người thực hành theo quan điểm Phật giáo thường đạt đến sự hạnh phúc cao nhất, vì họ đã buông xả, giải thoát khỏi mọi thứ khổ về của cải, vật chất, về khái niệm yêu ghét. Hạnh phúc dành cho những người biết quay về với chính mình và giây phút hiện tại để biết rõ bản thân mình muốn gì. Người biết tri túc, biết vừa đủ thì dẫu ở đâu cũng thấy vừa lòng. Người không biết đủ, dù ở thiên đường, trên vàng bạc châu báu cũng không vừa ý. Như vậy, ai cũng biết việc tiêu thụ quá mức sẽ hủy hoại sự ổn định xã hội, dẫn tới tính hung bạo, sự cô độc, lòng tham ái. Do đó, phải có chính sách phát triển hài hòa bền vững trong mọi yếu tố tương quan để nhận chân được giá trị hạnh phúc thật sự. Như vậy, phải hướng đến một nền kinh tế bền vững – kết hợp phúc lợi vật chất đến sức khỏe con người, với việc bảo tồn thiên nhiên, với sự uyển chuyển về văn hóa và tâm lý – là điều cần phải được đặt ra khắp mọi nơi.

Thứ bảy, việc thực hành Phật giáo sử dụng vô số phương tiện thiện xảo để đạt được hạnh phúc, vốn là một phẩm chất của tâm phát sinh từ thái độ tinh thần tích cực, bao gồm ý định không bao giờ làm hại người khác, mong muốn giúp đỡ và hỗ trợ cho những xung quanh, và hài lòng với cuộc sống. Cho nên, “để đạt được hạnh phúc người ta phải rèn luyện để phát triển tâm trí nhằm giác ngộ, phải phân tích những suy nghĩ và hành động của chúng ta trong cuộc sống hàng ngày. Có hai loại hạnh phúc: hạnh phúc tuyệt đối và hạnh phúc tương đối. Hạnh phúc cuối cùng là hạnh phúc của sự đạt ngộ, tâm tư vượt khỏi những ràng buộc thô và tế. Hạnh phúc tương đối là niềm vui giúp đở mọi người.”[4]

Vì vậy, cả kinh tế - xã hội và lĩnh vực tinh thần cần phải được phát triển cùng nhau, song đời sống tinh thần là nền tảng căn bản. Cả quốc gia đều thực hành con đường chuyển đổi tâm trí, nhất là các nhà hoạch định chính sách và đường lối xây dựng và phát triển đất nước. Phải rèn luyện từng cá nhân về trách nhiệm, thúc đẩy sứ mệnh chuyển hóa tâm thức qua các hệ thống giáo dục hiện đại, qua các phương tiện truyền thông, báo chí, truyền hình, phát thanh, cũng như thông qua con đường truyền thống giáo dưỡng gia đình nhằm tạo ra một xã hội lý tưởng.

Thứ tám, chánh mạng là cốt tủy của kinh tế học Phật giáo, bằng cách áp dụng những lời dạy của Đức Phật vào kinh tế có thể giúp chúng ta tìm ra con đường độc đáo cho sự thịnh vượng của riêng mình, thanh lọc tính cách của con người chứ không làm gia tăng những ham muốn của con người lên theo cấp số nhân. Như vậy, phát triển kinh tế theo giáo lý Phật giáo sẽ thúc đẩy sự khỏe mạnh về thể chất và sự tận hưởng niềm an vui chứ không phải tham muốn sự khoái cảm.

Thiển nghĩ, kinh tế học hiện đại tập trung vào hàng hóa chứ không phải tập trung vào con người hay khả năng sáng tạo. Do đó, việc tiêu thụ hàng hóa được coi là một chỉ số quan trọng về chất lượng cuộc sống. Tuy nhiên, theo kinh tế học Phật giáo, việc tập trung vào sự tiêu thụ là không hợp lý. Nó chỉ có thể là một phương tiện để đến đích; mục đích cuối cùng phải là tối đa hóa phúc lợi trong khi giảm thiểu sự tiêu thụ. Rõ ràng, để duy trì một mô hình tối ưu của sự tiêu thụ thì cần ít sức lực hơn so với việc duy trì sự tiêu thụ tối đa. Tuy nhiên, sau khi chuyển từ sự tiêu thụ tối đa qua sự tiêu thụ tối ưu thì có thể sẽ cần đến nhiều hoạt động có ý nghĩa, chẳng hạn như sự cải tiến. Thay vì tiêu thụ hàng nhập khẩu đắt đỏ, chúng ta có thể tập trung vào các hoạt động nhằm thúc đẩy sự tự hoàn thiện và tăng năng suất, như là đầu tư vào âm nhạc, sáng tạo nghệ thuật, hoặc học một kỹ năng mới.

Một điểm cơ bản của kinh tế học hiện đại được áp dụng theo tinh thần Phật giáo về vấn đề lao động là tạo cho người lao động cơ hội để sử dụng và phát triển khả năng của mình; giảm cái tôi của mỗi người bằng cách cộng tác với những người khác trong một nhiệm vụ chung; và sản xuất hàng hóa, dịch vụ cần thiết đối với nếp sống chánh mạng, chứ không như kinh tế học hiện đại cho rằng, càng ít lao động trong quy trình sản xuất thì càng tốt. Sự tự động hóa giảm thiểu lao động trong quá trình sản xuất được coi là có hiệu quả. Các chức năng này có ý nghĩa sâu sắc đối với những gắn kết kinh tế và xã hội. Trên thực tế, chất lượng công việc của một cá nhân có thể có tác động sâu sắc đến sự tồn tại của họ. Tuy nhiên, sự tự động hóa và phân chia lao động đã làm giảm ý nghĩa mà một cá nhân có thể nhận được từ công việc của mình. Bởi vì, công việc được tiến hành một cách phù hợp trong điều kiện phẩm giá con người sẽ đem lại hạnh phúc cho những người làm công việc đó, và những sản phẩm của họ cũng thế.

Cho nên, Đức Phật khẳng định mục đích lao động không chỉ nhằm sáng tạo ra vật chất mà còn nhằm phát triển cuộc sống tinh thần của con người. Đức Phật hy vọng thông qua lao động thân tâm và đạo đức của con người ngày thêm tiến bộ. Bởi vì, ứng dụng tinh thần Phật giáo vào cuộc sống nhận thức giống như làm ruộng bằng hạt giống tín ngưỡng, nguồn nước khổ hạnh, lưỡi cày lý giải, mương nước khiêm tốn, nguồn phân thâm tư để tạo nên hạt quả trí tuệ. Công việc ấy với mục đích là làm lợi lạc quần sinh, tạo phúc muôn loài. Như vậy, tài vật duy trì sự sống và phát triển toàn diện con người nên khi đem nguyên lý Phật giáo áp dụng vào nền kinh tế thì mọi người có được cuộc sống đạo đức, mọi người làm tròn bổn phận thì đất nước phát triển, an ninh, hoà bình, người dân hạnh phúc, gia đình an lạc.

4. Kết luận

Như vậy, từ hệ giá trị GNH Bhutan nghĩ đến sứ mệnh kế thừa, ổn định và phát triển 35 năm của Phật giáo Việt Nam đã đóng góp được gì cho phát triển nhân sinh mà định hướng và xây dựng đất nước phát triển kinh tế - xã hội bền vững. Phải thẳng thắng nhìn nhận để có định hướng rõ ràng cho phát triển. Tránh chủ quan hóa và ảo tưởng về giá trị thật trong kinh điển và giá trị ảo trong thực tế mà đề ra định hướng phát triển, phân cấp nhiệm vụ các Ban, ngành của Giáo hội trong thời gian tới cho phù hợp mà không xa rời chánh Pháp. Hãy Phật hóa nhân gian, chứ đừng để đời hóa Đạo theo hướng thế tục, xa lìa cứu cánh giải thoát!

Tóm lại, từ góc nhìn của chủ nghĩa Kiến tạo, hướng đóng góp thiết thực của Phật giáo Việt Nam bằng cách tác động đến yếu tố chủ quan của con người, tức tác động đến nhận thức giới lãnh đạo để vạch ra chính sách phát triển quốc gia; thay đổi nhận thức cuộc sống người dân, nhằm xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội bền vững, phù hợp với các mục tiêu thiên niên kỷ trong thời đại mới; và cuối cùng là hướng đến mục tiêu xây dựng hệ giá trị GNH Việt Nam. Đồng thời, chính từ nhận thức thay đổi nhóm hay giới elite mà dần dần hình thành nên một chuẩn mực chung cho sự phát triển hướng đến hạnh phúc hơn là vật chất; tạo nên bản sắc riêng cho một định hướng phát triển bền vững đáp ứng nhu cầu thời đại và cả thế hệ tương lai.

Tài liệu tham khảo

Dasho Karma Ura and Dorji Penjore (2009), Gross National Happiness: Practice and Measurement, The Centre for Bhutan Studies.

Dasho Karma Ura and Dendup Chophel (eds) (2012), Buddhism Without Borders: Proceedings of the International Conference on Globalized Buddhism, The Centre for Bhutan Studies.

Dessallien, Renata (2005). Democracy, Good Governance and Happiness. Some views from the Kingdom of Bhutan, The Centre for Bhutan Studies.

Karma Galay (2009), Time Use and Happiness, The Centre for Bhutan Studies.

Karma Ura, Sabina Alkire, Tshoki Zangmo, and Karma Wangdi (2012), A Short Guide to Gross National Happiness Index, The Centre for Bhutan Studies.

Karma Ura and Karma Galay (2004),  Gross National Happiness and Development, The Centre for Bhutan Studies.

Karma Phuntsho (2013), The history of Bhutan, Published by Random House India.

Karma Ura, Sabina Alkire, Tshoki Zangmo and Karma Wangdi (2012), An Extensive Analysis of GNH Index, The Centre for Bhutan Studies.

Kent Schroeder (2014), The Politics of Gross National Happiness: Image and Practice in the Implementation of Bhutan’s Multidimensional Development Strategy, Guelph, Ontario, Canada.

Anne-Marie Schreven, Good Organisational Practice and Gross National Happiness, http://www.bhutanstudies.org.bt/publicationFiles /ConferenceProceedings/4thGNH/18.4thGNH_AnneSchreven.pdf

Avilash Roul, Modi's India Vs Bhutan's Gross National Happiness, http://www.sspconline.org/ModisIndiaBhutanGrossNationalHappiness_20082014

Bhutan Foundation, Bhutan believes in gross national happiness, http://www.bhutanfound.org/?p=151

Ban Ki-moon, Secretary-General in Message to Meeting on ‘Happiness and Well-being’ Calls for ‘Rio+20’ Outcome that Measures More than Gross National Income, http://www.un.org/ press/en/2012/sgsm14204. doc.htm

Brandon, Thay on Gross National Happiness & Mindfulness in Education, http://www.wkup.org/thay-on-gross-national-happiness-mindfulness-in-education/

Carol Graham and Soumya Chattopadhyay, Gross National Happiness and the Economy, http://www.brookings.edu/research/ opinions/2008/ 10/24-happiness-graham

Dasho Karma Ura, Gross National Happiness and Buddhism, http://www.rk-world.org/dharmaworld/dw_2007odgross.aspx

Dr. Saamdu Chetri, National Happiness An Alternative Paradigm to Sustainable Socio-economic Development, http://www.aquaac.org/dl/ 1nl3art3.html

Dr. Ron Colman and Dr. Julia Sagebien, Measuring Genuine Progress - Indicators for Enlightened Society, http://www.bhutanstudies.org.bt/publicationFiles/ConferenceProceedings/GNHandDevelopment/13.GNH&development.pdf

Dr. Ross Mcdonald, Finding Happiness in Wisdom and Compassion – The Real Challenge for an Alternative Development Strategy, http://www.bhutanstudies.org.bt/publicationFiles/ConferenceProceedings/GNHandDevelopment/15.GNH&development.pdf

Ecocity, Reflections on Gross National Happiness, https://ecocity.wordpress.com/2014/06/03/reflections-on-gross-national-happiness/

 

 


 

[1] Karma Ura and Karma Galay (2004),  Gross National Happiness and Development, The Centre for Bhutan Studies, p. 375

[2] Dasho Karma Ura, Gross National Happiness and Buddhism, http://www.rk-world.org/dharmaworld/dw_ 2007odgross.aspx

[3] Dessallien, Renata (2005). Democracy, Good Governance and Happiness. Some views from the Kingdom of Bhutan, The Centre for Bhutan Studies, p.105

[4] Karma Ura and Karma Galay (2004),  Gross National Happiness and Development, The Centre for Bhutan Studies, p. 483

Chia sẻ: facebooktwittergoogle