Tu viện Labrang – Trung tâm Phật giáo Tây Tạng ở Trung Quốc

tu vien aa

Nguyễn Đăng

 

Tu viện Labrang (Lạp-bốc-lăng tự/ 拉卜楞寺) tọa lạc tại chân núi Phong Linh (楓嶺山), bên bờ sông Đại Hạ (大夏河), thuộc thị trấn Đại Hạ (大夏), huyện tự trị của người Tạng Gānnán (甘南藏族自治州), tỉnh Cam Túc (甘肅). Labrang cũng còn được biết đến với hai tên gọi khác là Lhadrang Zhaxichi và Amdo Zhaxigomang. Thị trấn Đại Hạ có khoảng 50% dân số là người Tạng, phần còn lại là những người Hán và người Hồi. Khu vực phía Tây của thị trấn là nơi phần lớn người Hán sinh sống và là khu vực phát triển. Khu vực phía Tây của trị trấn là nơi hầu hết là người Tạng sinh sống. Nhiều người trong họ sống trong những ngôi nhà nhỏ, được xây dựng theo lối kiến trúc Tây Tạng cổ truyền. Tu viện Labrang nằm ở giữa thị trấn.

Labrang là một trong sáu ngôi tu viện quan trọng nhất của phái Gelugpa (phái Mủ Vàng) của Phật giáo Tây Tạng. Ngôi tu viện này được Ngawang Tsondru, là vị Jamyang Gyapa (Phật sống) đầu tiên thành lập vào năm 1710. Ngawang Tsondru trước đó tu học tại tu viên Drepung ở Lhasa. Sau đó vào năm 1709, ông trở về quê hương của mình và thành lập tu viện Labrang. Ban đầu tu viện này chỉ là những ngôi am nhỏ. Sau đó với sự ủng hộ của tám bộ tộc địa phương, ngôi chánh điện mới được xây dựng.

Tu viện Labrang nổi tiếng vì những công trình kiến trúc đặc sắc và đời sống văn hóa tôn giáo phong phú của nó. Tu viện được xây dựng trên một diện tích rộng đến 82 ha, bao gồm những điện thờ, nơi ở của vị Phật sống, nơi ở của các vị Lama, những viện nghiên cứu và giảng dạy Phật học, nhà in kinh sách v.v... Viện Phật giáo Mật tông nằm ở giữa quần thể tu viên. Nó bao gồm ba phần: ở trước là điện thờ Songtsen Gampo, người sáng lập nên tiếng Tây Tạng (Tubo Kindom); kế tiếp là ngôi chánh điện được xây dựng quy mô có thể chứa đến 4.000 người; và sau đó là một ngôi chùa lớn. Tu viện Labrang, về phương diện kiến trúc, là một sự kết hợp giữa loại kiến trúc Tây Tạng cổ truyền và kiến trúc cung điện đời Hán. Ở Labrang có đến 10.000 bức tượng Phật, được làm bằng nhiều chất liệu khác nhau như vàng, bạc, đồng, nhôm, ngọc, gỗ chiên đàn, đất sét v.v… Labrang còn có một bộ sưu tập tranh họa Thanka do các họa sĩ đến từ Wuntu (là quê hương của hội họa Tây Tạng) và từ tỉnh Thanh Hải vẻ. Ngoài ra ở đây cũng sở hữu một thư viện kinh sách đồ sộ lên tới 65.000 quyển, bao gồm nhiều kinh sách Phật giáo và sách về những lĩnh vực khác mà chúng được phân thành các mục như lịch sử, y dược, lịch, âm nhạc, và nghệ thuật v.v…

Tu viện Labrang từng bị những người Hồi Trung Quốc, dưới sự chỉ huy của Mã Kỳ (馬麒) và Mã Bộ Phương (馬步芳), tấn công nhiều lần như một phần trong chiến dịch chống lại người Tạng Golok. Vào năm 1917, Mã Kỳ (馬麒) chiếm được Labrang và những năm sau đó đã có những hành động quân sự đẫm máu ở đây. Chùa chiền bị phá hoại và nhiều Tăng sĩ bị giết chết bởi lực lượng Hồi giáo tàn bạo này. Trong cuộc Cách mạng Văn hóa, tu viên Labrang cũng chịu thiệt hại đáng kể. Sau đó vào năm 1982, nó được đưa vào danh mục những di sản quan trọng cần được nhà nước (Trung Quốc) bảo vệ.

Tu viện Labrang hiện nay là trung tâm tôn giáo và văn hóa quan trọng nhất đối với người Tây Tạng bên ngoài Tây Tạng. Tu viện này là nơi đào tạo các khóa Phật học chuyên sâu và cũng đáp ứng như một học viện về Tây Tạng học. Từng có đến 4.000 Tăng sĩ tu học tại đây, nhưng hiện nay chỉ có khoảng 1.500 vị cùng với vài trăm sinh viên thế tục đang theo học.

Tu viện Labrang được xem là một trong những tu viện uy tín nhất cho việc nghiên cứu ngôn ngữ và Phật giáo Tây Tạng. Nhiều Tăng sĩ Tây Tạng và Mông Cổ cũng như những sinh viên thế tục đến đây nghiên cứu và tu tập Phật giáo. Có sáu phân khoa nghiên cứu (Tib: Dratsang) ở tu viện này, bao gồm: Tsannyet Dratsang – Khoa Triết học Phật giáo; Gyumed Dratsang – Khoa Tantra bậc thấp; Gyuto Dratsang – Khoa Tantra bậc cao; Manba Dratsang – Khoa Y học; Dukhor Dratsang – Khoa Nghệ thuật; và Khoa Jaydro-Vaijra.

Ngoài là một trung tâm giáo dục Phật giáo, tu viện Labrang còn là một địa điểm hành hương quan trọng đối với những người Tây Tạng sống ở khu vực Amdo; và nó cũng là địa chỉ tham quan của nhiều người ở Trung Quốc cũng như những du khách đến từ các nước Âu Mỹ. Nơi đây thường diễn ra những hoạt động và lễ hội Phật giáo quan trọng. Mặc dù những hoạt đồng hành hương xảy ra quanh năm, nhưng hoạt động diễn ra sôi nổi nhất ở Labrang là vào những tuần trước và sau lễ Losar - ngày Tết của người Tây Tạng. Vào Tết Losar, có nhiều lễ hội được tổ chức tại đây. Một bức Thanka (bức họa vẽ Phật lớn) được trưng bày trên bức tường Thangka ở gần tu viện và hàng ngàn người Tây Tạng cùng tham dự. Vào mỗi ngày trong suốt lễ Tết Losar, hàng ngàn người hành hương đi kinh hành quanh tu viện này.

Thời gian tốt nhất để chiêm bái tu viện Labrang là từ tháng Năm đến tháng Mười, vì đây là khoảng thời gian có thời tiết đẹp nhất trong năm. Tuy nhiên, vào những tháng khác, mặc dù thời tiết không được thuận lợi nhưng lại có những lễ hội đặc sắc diễn ra ở đây, như lễ Monlam (lễ Cầu nguyện lớn), được tổ chức vào khoảng từ tháng Giêng đến đầu tháng Ba (ngày tổ chức lễ này có sự khác nhau trong các năm do dựa vào lịch Tây Tạng); và Lễ Losar, Tết đón năm mới của người Tây Tạng, thường rơi vào tháng Hai Tây lịch.

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle