Tìm Phật: Phật giáo Mỹ và Internet
tim phat
Tìm Phật: Phật giáo Mỹ và Internet
Ally Ostrowski – Nguyên Hiệp dịch
Phật giáo được xem chính
thức đến Hoa Kỳ vào Hội nghị Tôn giáo thế giới (World Parliament of
Religions)vào năm 1893 (Coleman 2001). Kể từ đó, Phật giáo đã phát triển và hiện
có gần 6 triệu Phật tử ở Hoa Kỳ, với cả ba truyền thống Phật giáo lớn
(Theravada, Đại thừa và Kim Cương thừa) đều có mặt (Vipassana Foundation 2006).
Số lượng những trung tâm thiền Bắc Mỹ vào năm 1997 bao gồm 152 của Theravada,
423 của Đại thừa, 352 của Kim Cương thừa và 135 của Phật thừa (Buddhayana);
trong số này, 22% nằm ở California (Morreale 1998). Phật thừa là một thuật ngữ
được sử dụng để chỉ cho những trung tâm và tổ chức Phật giáo pha trộn và phi bộ
phái. Bất chấp con số tín đồ có vẻ lớn này, Phật tử Mỹ chỉ chiếm 3.6% trong số
tín đồ Phật giáo khắp thế giới (Vipassana Foundation 2006).
Không có một phân loại thống
nhất về Phật giáo ở Mỹ, nhưng những học giá có xu hướng đồng ý về một vài phân
loại chính; đó là, những người Mỹ da trắng chấp nhận giáo pháp của Phật, những
người nhập cư và người tỵ nạn mà họ tiếp tục thực hành truyền thống của họ từ
chính quốc của mình, và cuối cùng, những Phật tử người Mỹ gốc Á lớn lên ở Mỹ
(Seager 1999). “Đối với mục đích của chúng ta là những học giả, những Phật tử
là những người nói họ là Phật tử” (Tweed 2002, 24).
Stark và Bainbridge
(1985) đưa ra một phương tiện phân loại Phật tử ở Mỹ rất khác, và những phân loại
của họ gồm những người tham gia học hỏi giáo lý chính thức và tham gia vào những
hoạt động nhóm khác, những người mà họ có một sự liên hệ với một vị thầy Phật
giáo, và những người mà họ có sự quan tâm đến Phật giáo và cho mình là một Phật
tử. Coleman (2001) cho rằng việc tìm kiếm một điều mà nó hợp nhất Phật tử Mỹ,
đó là thực hành thiền. Ông thực hiện một khảo cứu được dựa trên việc phỏng vấn
thầy và trò từ bảy trung tâm Phật giáo ở Bắc Mỹ và kết luận rằng Phật tử Mỹ có
xu hướng là tầng lớp trung lưu hay tầng lớp trung-thượng lưu, da trắng, có lai
lịch Thiên Chúa giáo, nam và nữ bằng nhau, và có học thức cao. Thực tế, “Có thể
rằng những người tham gia vào Phật giáo mới đại diện cho nhóm tôn giáo có học
thức cao nhất ở Tây phương ngày nay” (Coleman 2001, 193).
Bất chấp khát vọng tôn
giáo của những người cải đạo này, khía cạnh của truyền thống vẫn còn, tạo khó
khăn cho những Phật tử thực hành ở Mỹ. Ngoài ra còn có yếu tố sắc tộc đối với
việc chấp nhận những Phật tử Mỹ trong văn hóa xã hội Mỹ. Ví dụ, “Một Sư cô châu
Á dễ được chấp nhận hơn, bởi vì Phật giáo được xem như một khía cạnh chính thống
của văn hóa Á châu. Ngược lại, một Sư cô người da trắng biểu trưng cho một sự
khước từ những giá trị văn hóa và tôn giáo chính thống, mà điều đó có thể khơi
dậy sự oán giận hay thù địch” (Tsomo 2002, 261). Thêm nữa, Tanaka (1998) cho rằng
những ngôi chùa Phật giáo của người thiểu số cũng đáp ứng những nhu cầu văn hóa
vượt qua những nhu cầu tâm linh, và những điều này là đặc biệt quan trọng đối với
những cộng đồng nhập cư gần đây…
Theo mạch tương tự, vậy một
truyền thống tôn giáo đã phát triển nơi lĩnh vực văn hóa phương Đông có thể được
chuyển sang tư tưởng và thực hành phương Tây hay không. Một số khác biệt văn
hóa có ngăn cản tôn giáo không bị dò xét như nó ở nơi quốc gia trước đó và có
những nhượng bộ đáp ứng những đòi hỏi xã hội cần được sáp nhập? Phật giáo Mỹ đã
mở rộng biên giới nơi hai lĩnh vực của truyền thống Phật giáo; đó là, bình đẳng
trong thờ phụng và vai trò bao hàm của phụ nữ.
“Ở Á châu, Phật giáo chủ
yếu phân chia ngôi thứ. Trí tuệ, kiến thức và thực hành được truyền từ người lớn
xuống người nhỏ, và việc điều hành tu viện và Tăng đoàn phần lớn nằm nơi tay một
nhóm nhỏ Tăng sĩ cao niên. Những gì họ quyết định là con đường nên theo, và
không có nghi vấn về thẩm quyền của họ: đệ tử chỉ việc tuân theo” (Kornfield
1988, xiii–iv). Điểm khác biết khác nằm nơi sự phân tách giữa Tăng sĩ và người
tại gia trong những quốc gia Phật giáo truyền thống. “Nhìn chung, sự phân chia
giữa Tăng sĩ và cư sĩ ở Phật giáo mới là sự phân chia không rõ ràng. Các Tăng
sĩ không được tôn lên bằng một hào quang và sự sùng kính như họ ở Á châu”
(Coleman 2001, 13).
Một trong những thay đổi
lớn nhất đã xảy ra đối với Phật giáo khi nó phát triển ở Mỹ là một sự dân chủ
hóa truyền thống lớn hơn, cả trong việc sáng tạo một cấu trúc tín ngưỡng bình đẳng
hơn và cũng ở trong việc đẩy mạnh hệ tư tưởng bao hàm hơn cho những nhóm như phụ
nữ, đồng tính nam và nữ (Tanaka 1998). Phụ nữ đã có một sự ảnh hưởng rất lớn
vào sự phát triển Phật giáo ở xã hội Mỹ, và được xem là vài trong số những người
cải đạo quan trọng nhất (Seager 1999). Nơi ý nghĩa này, cấu trúc của Phật giáo
không phân biệt giữa các khuynh hướng giới tính.
Có thể do được thúc đẩy bởi
cảm thức cởi mở với những sức mạnh tâm linh, hoặc có thể bản chất bình đẳng của
việc chuyển đổi Phật giáo vào văn hóa Mỹ, người ta đang ngày càng cải đạo sang
Phật giáo. Cải đạo và căn cước tôn giáo là những khái niệm rất khó để định
nghĩa và diễn tả, cụ thể là nơi đời sống tôn giáo Mỹ. Có đường ranh rất giới hạn
giữa truyền thống, niềm tin và thực hành, và người ta thường lựa chọn những
khía cạnh của truyền thống khác mà họ có thể tin, một số họ thực hành, và tuy
nhiên số khác họ chọn để xác định chính họ. Ví dụ, không khó gặp một người Mỹ
mà họ cho mình là thành viên của Hội Giám Lý (Methodist), nhưng cũng tham gia lễ
Quá Hải (lễ Vượt Qua) với những người bạn Do Thái, và có xu hướng chấp nhận một
số niềm tin Phật giáo chẳng hạn như nghiệp (karma) và những vấn đề tái sinh. “Căn
cước tôn giáo cũng có thể phức tạp đối với những người cải đạo. Cải đạo bao gồm
một sự thay đổi nhiều hay ít (thường ít) niềm tin và sự thực hành. Truyền thống
cũ không bao giờ biến mất hoàn toàn; truyền thống mới không bao giờ định hình
riêng” (Tweed 1999, 73). Chính vì lý do này mà việc xác định căn cước tôn giáo
là khó để đo lường, đặc biệt trong những trường hợp liên quan đến cải đạo. “Vào
những thời kỳ và ở những nơi sự cải đạo có giá trị xã hội cao, con số người cải
đạo tự thông báo có thể tăng lên nhiều lần, cho dù việc thực hành tâm linh của
họ có thể giữ lại nhiều yếu tố của truyền thống bị khước bỏ” (Tweed 1999, 73).
Vậy câu hỏi được đặt ra là sự liên kết giữa Phật giáo ở Mỹ và một nhóm người thực
hành giàu có và có học thức có sự ảnh hưởng nào đối với người mà họ tự nhận
mình là một Phật tử hay chọn một sự cải đạo chính thức sang truyền thống Phật
giáo hay không.
Vấn đề này cũng liên quan
đến việc truy cập những nguồn và cộng đồng Phật giáo mà một người có thể trở
thành một phần với nó. Không phải ai cũng truy cập thông tin như nhau, và đây đặc
biệt là một vấn đề liên quan đến việc truy cập thông tin trực truyến. Những cộng
đồng Phật giáo, hay những “Tăng đoàn mạng” (cybersanghas), tồn tại nơi không
gian mạng và bao gồm những vị thầy Phật giáo, đệ tử, người thực hành, và những
người mà họ quan tâm đến Phật giáo. Tăng đoàn mạng đề cập đến cộng đồng Phật tử
trực tuyến và lần đầu được sử dụng bởi Gary Ray vào năm 1991 (Prebish 1999).
Tuy nhiên, Phật giáo không xuất hiện trực tuyến như một phòng chat (chat room),
mà bắt đầu với nguồn thông tin Phật giáo bằng văn bản, một số diễn đàn thảo luận,
và nhiều cơ sở dữ liệu về tài liệu Phật pháp. Vào cuối những năm thập niên 90
thế kỷ trước, khi Internet phát triển thành một diễn đàn truyền thông hai chiều
lớn và thiếu đi một nguồn thư viên, những diễn đàn và phòng chat Phật giáo cũng
gia tăng đáng kể (Prebish 1999).
Prebish (1999) thảo luận
về ba phân loại chính yếu về sự hiện diện Phật giáo trên Internet: những
website do những Phật tử Mỹ tạo ra như một phương tiện thông tin với người
khác; những ngôi chùa ảo do những cộng đồng Phật giáo truyền thống tạo ra; và
những Tăng đoàn mạng mà họ không có trụ sở vật lý và chỉ tồn tại trong một môi
trường trực tuyến.
Trong khi một vài câu hỏi
đặt ra là Đức Phật có chấp nhận việc các Tăng sĩ và Phật tử tại gia tham gia
vào một đạo tràng Phật giáo trực tuyến hay không, những người khác thấy Tăng
đoàn mạng là một phương tiện thực sự hợp nhất Phật tử toàn cầu. “Có lẽ tác động
có hiệu quả nhất của việc truyền bá năng nổ Phật giáo vào không gian mạng, cùng
với việc tạo ra một dạng mới Tăng đoàn Phật giáo người Mỹ mà không bao giờ Đức
Phật nghĩ đến, là sự hợp nhất tất cả những cộng đồng hay Tăng đoàn Phật giáo ở
trên vào trong một Tăng đoàn chung có thể truyền thông một cách hiệu quả trong
một nỗ lực làm giảm khổ đau của con người khắp thế giới” (Prebish 1999, 232).
Ở một vài phương diện,
không gian mạng mang đến một vài thách thức cho hành giả Phật giáo. Ví dụ,
trong khi một ngôi chùa nói chung có thể giới hạn người tìm đến chỉ nơi các
thành viên của chùa hay những du khách được chấp nhận, không gian mạng nói
chung mở ra việc truy cập tự do. Và trong khi những phòng chat và những cộng đồng
Phật giáo trực tuyến có thể chọn một mật khẩu truy cập, điều này dường như phủ
nhận giáo pháp vô sở chấp và duy trì sự thực hành ngay cả trong việc đối mặt điều
bất lợi. Trong dự án khảo sát Phật giáo trực tuyến tại Hàn Quốc, Kim (2005) cho
rằng những đặc điểm của Internet có thể đem lại một nơi gặp gỡ đặc biệt cho việc
phát triển một Tăng đoàn mạng. Ví dụ, Internet cung cấp nhiều thông tin và
không gian tôn giáo một cách nhanh chóng, cung cấp không gian cho việc chuyện
trò, và cho phép tương tác và thảo luận những chủ đề riêng tư và trọng tâm
trong một môi trường tương đối tự do.
Laney (2005), đặt cơ sở
trên việc sử dụng lý thuyết đáp ứng, đã khảo sát những động cơ của người sử dụng
truy cập những nguồn tài liệu trực tuyến của Thiên Chúa giáo. Đề án nghiên cứu này
cho thấy rằng người ta sử dụng Internet nhằm thỏa mãn một khát khao kiến thức,
nhưng điều này không phải là lý do duy nhất. Những người được hỏi cho biết rằng
họ sử dụng phương tiện truyền thông để vượt qua nỗi cô đơn, để trốn chạy đời sống
hàng ngày, và để thư giản. Người ta cũng cho biết rằng đôi khi họ sử dụng
phương tiện truyền thông để tạo ra một đường phân giới giữa họ và người khác. Để
xác định những động cơ này, Laney thực hiện một nghiên cứu trực tuyến với thang
đo lường Likert-scale đối với những vị khách truy cập website nhà thờ được tùy chọn.
Bởi vì có tương đối ít những đề án nghiên cứu những cộng đồng Phật giáo trực
truyến, nghiên cứu của Laney về không gian mạng Thiên Chúa giáo cho ta một cơ sở
thú vị để làm điều tương tự. Tuy nhiên, những mô phỏng được thực hiện theo
phương pháp luận và những câu hỏi Likert-scale được thay thể bằng những câu hỏi
dạng phỏng vấn không hạn chế để cho phép người tham gia tự do hơn trong việc trả
lời của họ. Bởi vì có tương đối ít tài liệu có sẵn về những cộng đồng Phật tử
trực tuyến, những giả định về việc sử dụng không thể được rút ra và nó được để
lại cho những người tham gia xác định phạm vi của việc sử dụng.
Ngoài ra, Hayes (1999) là
một trong những người đầu tiên đặt ra những câu hỏi này và thăm dò những thảo
luận về những nhóm thảo luận Phật giáo trên Internet và những danh sách thảo luận
điện tử. Những kết luận của ông là khác nhau và có những gợi ý thú vị cho việc
hiểu về thực hành Phật giáo ở Mỹ. Hayes tin rằng Internet cung cấp một diễn đàn
cho những Phật tử Mỹ thảo luận về những vấn đề và phương diện tôn giáo với những
người thực hành khác mà họ có thể không tự nhiên hay thoải mái khi thảo luận với
một vị thầy tôn giáo chính thức. “Việc sử dụng thư điện tử và thảo luận nhóm
trên Internet có thể giúp người ta thể hiện suy nghĩ và nghi ngờ không rõ của họ
- những quan điểm mà họ có thể do dự
trình bày thoải mái khi có sự hiện diện của một vị Lama hay một Thiền sư”
(Hayes 1999, 168). Một số trong những thảo luận định kỳ nổi bật nhất tập trung
vào là những Phật tử Mỹ có tin rằng có một vị thầy chính thức là cần thiết cho
việc thực hành tôn giáo đúng đắn hay không, khái niệm tái sinh và cách hiểu
kinh sách theo nghĩa đen, và cách thực hành đúng Phật giáo ở Mỹ (Hayes 1999). Vấn
đề căn cước tôn giáo không phải là điều bị đánh mất trong diễn đàn điện tử và vẫn
luôn hiện hữu đối với những Phật tử Mỹ. Hayes cho rằng nhiều trong số những
nhóm thảo luận thư điện tử nghiên cứu sâu những vấn đề về nhận diện căn cước
tôn giáo và “người ta đang hỏi mình và hỏi nhau phương tiện gì cho một người có
gốc rễ văn hóa phương Tây chọn thực hành một tôn giáo mà nó chính yếu phát triển
ở châu Á” (Hayes 1999, 176). Tất cả những thảo luận, những câu hỏi và quan tâm
này chỉ ra rằng Phật giáo vẫn là một thực thể mới mẻ ở Mỹ và những người thực
hành vẫn đang tìm kiếm vị trí của họ và vị trí của Phật giáo trong xã hội – và
Internet là một nơi gặp gỡ tuyệt vời cho những người tham gia thực hiện những vấn
đề nhận dạng, tuân theo niềm tin này. Chính ở nơi chiều hướng này mà việc
nghiên cứu này được tiến hành, để hiểu cách những Phật tử Mỹ và những người
quan tâm đến Phật giáo đang dùng Internet để truy cập những nguồn Phật giáo và ảnh
hưởng của điều này đối với sự phát triển Phật giáo ở Mỹ. Để đi vào những vấn đề
này, những câu hỏi nghiên cứu và những giả thuyết sau đã được đặt ra.
Do vì thiếu lý thuyết về
những cộng đồng Phật tử trực tuyến, những câu hỏi nghiên cứu về bản chất có
tính cách thăm dò và tìm cách xác định những người sử dụng là ai và tại sao họ
truy cập vào những nguồn Phật giáo. Thêm nữa, câu hỏi cuối cùng xem xét mối
liên hệ giữa truyền thống Phật giáo hiện được thực hành và cách mà người của những
truyền thống khác nhau có thể sử dụng những nguồn Phật giáo. Có thể rằng người
của một phái Phật giáo cụ thể có thể đang tìm kiếm những thông tin khác nhau về
những Phật tử khác, hay những người sử dụng mà họ có truyền thống tôn giáo
khác.
Câu hỏi nghiên cứu 1: Những
người đang truy cập những nguồn Phật giáo trực tuyến là ai?
Câu hỏi nghiên cứu 2: Những
nguồn Phật giáo trực truyến được sử dụng vì mục đích gì?
Câu hỏi nghiên cứu 3: Truyền thống tôn giáo hiện thời có quan hệ gì đến việc
sử dụng những nguồn Phật giáo trực tuyến?
Nghiên cứu về Phật giáo Mỹ
cho biết rằng có một sự khác nhau trong thực hành và thờ phụng giữa những Phật
tử da trắng và những Phật tử Á châu ở Mỹ (Hayes 1999). Công trình nghiên cứu
này thừa nhận rằng những Phật tử da trắng có nhiều khả năng sử dụng Internet để
truy cập vào một cộng đồng Phật giáo trực tuyến, trong khi những Phật tử Á châu
ở Hoa Kỳ có thể có một cộng đồng tín ngưỡng trực diện mạnh hơn mà họ có thể
nương vào.
Giả thuyết 1: Những Phật
tử da trắng sử dụng Internet vì mục đích tìm kiếm cộng đồng Phật tử nhiều hơn
những Phật tử không phải người da trắng ở Hoa Kỳ.
Giả thuyết thứ hai cho thấy
rằng những người lớn tuổi hơn và sử dụng những nguồn Phật giáo trực tuyến cũng
có khả năng vào những phòng chat Phật giáo hơn. Những người lớn tuổi có thể khó
có thời gian hơn trong việc tìm kiếm những Phật tử khác cùng tuổi họ và do đó
truy cập vào một Tăng đoàn mạng vì mục đích có được sự hỗ trợ cộng đồng, trong
khi người trẻ có thể có sự tiếp cận lớn hơn những người thực hành cùng tuổi họ
hoặc ít nhất có sự linh động hơn để tìm kiếm những Phật tử khác về phương diện
vật lý.
Giả thuyết 2: Người được
hỏi càng lớn tuổi thì có khả năng sẽ vào những chat room Phật giáo nhiều hơn.
Những phương pháp
Công trình này thực hiện
một phương pháp kép để nghiên cứu những câu hỏi này, với một khảo sát và những
phỏng vấn những người sử dụng website Phật giáo. Một mẫu những website Phật
giáo được tập hợp và một nghiên cứu trực tuyến chung được thực hiện thông qua sự
thông báo trên những địa điểm này. Một số trong những người được hỏi đó được chọn
lựa thêm cho những cuộc phỏng vấn để đạt được những hiểu biết sâu hơn về việc sử
dụng Internet và mối quan hệ tôn giáo. Những câu hỏi được đặt ra là về loại nguồn
nào mà người được hỏi sử dụng trực tuyến và cho mục đích gì, những đề xuất cho
việc cải tiến kinh nghiệm tôn giáo trực tuyến của họ, cách trải nghiệm tôn giáo
trực tuyến của họ liên quan đến đời sống tôn giáo ngoại tuyến của họ như thế
nào, và thái độ của họ đối với sự có mặt của một cộng đồng Phật giáo trực tuyến.
Ngoài ra, những câu hỏi nhân khẩu học được đặt ra về giới tính, sắc tộc, độ tuổi,
địa phương, và tôn giáo.
Mẫu và thủ tục
Đối với nghiên cứu này,
mười trang kết quả đầu từ những công cụ tìm kiếm Google, Yahoo và AOL đối với từ
“Phật giáo” được sử dụng. Công việc này thực hiện với 30 trang mạng và trong
khi không phải tất cả nhất thiết đặt ở Hoa Kỳ, thì tất cả chúng đều bằng tiếng
Anh và là những nguồn Phật giáo trực tuyến được truy cập cao ở Mỹ. 15 trong số
những trang này lặp lại của nhau và chỉ được đưa vào danh sách một lần; một
trang không thể áp dụng khi nó chỉ là một danh bạ cho những trang Phật giáo, vì
vậy còn lại 14 trang Phật giáo làm khung mẫu. Kế tiếp, mỗi trong những người quản
lý trang mạng từ những website được liệt ra trong những kết quả này được hỏi là
họ có cho phép một đường link để sự nghiên cứu được đưa lên trên trang của họ
hay không. Sáu người đã hưởng ứng những yêu cầu và cuối cùng hai người đồng ý
làm theo và cho phép link nghiên cứu được đưa lên. Những người được hỏi sử dụng
nghiên cứu online qua một nhà cung cấp nghiên cứu dựa trên website và những cuộc
phỏng vấn theo sau được thực hiện như những trao đổi thư điện tử.
Những kết quả
Câu hỏi nghiên cứu 1: Những
người đang truy cập những nguồn Phật giáo trực tuyến là ai?
Dựa trên nghiên cứu này,
tiểu sử của những người sử dụng Internet để truy cập thông tin về Phật giáo có
khuynh hướng là người da trắng (72%), được giáo dưỡng trong truyền thống Công
giáo (27.2%), hay người Tin Lành (26.1%), và không phải thành viên của một ngôi
chùa Phật giáo hay trung tâm thiền (74.5%). Những người được phỏng vấn phân bổ
giữa 23 và 40 tuổi và sống ở khắp Hoa Kỳ. Những người tham gia chỉ ra một lĩnh
vực rộng những truyền thống tôn giáo hiện nay, khuynh hướng không gia nhập tôn
giáo (21.2%), Phật tử của một phái không xác định (19.0%), có khuynh hướng tâm
linh (11.4%) hay vẫn đang tìm kiếm một truyền thống tôn giáo (11.4%). Giới tính
của những người được phỏng vấn phân đều giữa nam và nữ, và học vấn chủ yếu là đại
học trở lên.
Câu hỏi nghiên cứu 2: Những
nguồn Phật giáo trực tuyến được sử dụng vì mục đích gì?
Nói chung, những người được
hỏi đưa ra những lý do khác nhau về việc sử dụng những nguồn Phật giáo trên
Internet (xem bảng 1). Hầu hết cho biết rằng họ sống ở một vùng mà ở đó chùa
chiền và những vị thầy Phật giáo là không dễ tiếp cận được (32.6%), nhưng điều
này không phải là lý do duy nhất. “Hoàn toàn không thể đi lại, tôi phần nào
giam hãm nơi máy tính của mình. Và trang này [Buddhism.about.com] đã mang lại rất
nhiều thông tin và hy vọng tôi góp nhặt được điều gì đó từ nó”. Trong thực tế,
20.1% người được khảo sát cho biết rằng sự tiện lợi của Internet là lý do chính
họ truy cập những nguồn trực tuyến; điều này bao gồm việc thuận tiện có được một
khối lớn thông tin qua truy cập những nguồn trực tuyến mà không đòi hỏi phải di
chuyển một khoảng cách vật lý.
Bảng 1
Sử dụng những nguồn
Internet
Lý do truy cập những
website
%
Thiếu những ngôi chùa/những
vị thầy ở trong vùng
32.6
Sự tiện lợi của
Internet
20.1
Tìm thông tin về Phật
giáo
12.5
Rủi ro thấp trong việc
tìm thông tin
8.7
Nghiên cứu
3.3
Những lý do khác 8.2
Những người được hỏi cũng
tìm kiếm một nguồn thông tin Phật giáo đầy đủ có sẵn trên Internet. Phần lớn
(52%) tìm kiếm giáo pháp trực tuyến trong khi những người khác có xu hướng sử dụng
những nguồn Internet để tìm kiếm những vị thầy Phật giáo, chùa chiền, văn hóa
Phật giáo và những người tu tập Phật pháp khác (Bảng 2). Những người được hỏi
cũng cho biết là có thể tiếp xúc với những Phật tử khác và nghe những quan điểm
khác nhau về Phật giáo. “Rất vui khi biết rằng tôi không phải là người Mỹ duy
nhất tu tập theo Phật giáo. Ban đầu tôi rất ngại cho người khác biết. Tôi sợ
người khác nghĩ rằng tôi là ‘một kẻ lập dị’. Biết rằng có những Phật tử khác ở
quanh đây khiến tôi tự hào về lựa chọn của mình và không giấu diếm cách tôi cảm
nhận về những vấn đề liên quan đến tôn giáo của tôi”. Không phải tất cả người
được hỏi đi tìm những người có cùng quan điểm và sử dụng Internet để phát triển
một sự hiểu biết rộng hơn về truyền thống tôn giáo. “Tôi sử dụng những nguồn
Internet để tìm kiếm một quan điểm khác, đặc biệt là quan điểm về bên ngoài
truyền thống của tôi. Tôi sử dụng nó để tìm những ý tưởng mới”.
Bất kể sự thật rằng 16.3%
trong số những người được khảo sát cho biết rằng họ sử dụng Internet để tìm những
Phật tử ở Mỹ, phần đông những người được hỏi không tham gia vào những phòng
chat định hướng Phật giáo trong khi 11.4% thừa nhận thường vào các phòng chat
chỉ một vài lần. Ngoài ra, trong số những người vào một phòng chat Phật giáo ít
nhất một lần, 33% cho biết rằng họ cảm nhận ý nghĩa của một cộng đồng Phật giáo
online, trong khi 14% nói thỉnh thoảng và 28% cho biết rằng họ không. Tuy
nhiên, đối với những người tham gia vào những cuộc trò chuyện Phật giáo và cảm
thấy là một phần của Tăng đoàn mạng, họ cho rằng liên kết cộng đồng và có thể
chia sẽ những quan điểm về người có cùng mục đích là những lý do họ tiếp tục
thường xuyên vào những phòng chat Phật giáo.
Bảng 2
Những nguồn Internet được
sử dụng
Loại thông tin
website
%
Phật pháp
52.7
Văn hóa Á châu
18.5
Văn hóa Phật giáo
22.3
Chùa chiền 23.9
Phật tử Mỹ
16.3
Phật tử toàn cầu 23.4
Những vị thầy Phật
giáo
26.1
Một người được hỏi cũng
đưa ra một lý do liên quan đến giáo thuyết cho việc tương tác trực tuyến và cho
biết rằng, bằng việc làm như vậy, việc thực hành của cô như là một Phật tử được
tăng tiến. “Tôi dễ phát khởi tính kiêu mạn” (“Tôi nhận biết điều này và người
thầy đồng ý”) hay “thiền định của tôi dường như tiến bộ hơn những hành giả khác
ở đây”; may mắn, khi tôi truy cập trực tuyến (bởi vì có rất nhiều người tuyệt với
và có kinh nghiêm) tính kiêu ngạo bị lung lay và tôi nhận ra là tôi cần phải thực
hành tinh tấn nhiều hơn nữa.” Những người được hỏi khác cho biết rằng những nguồn
Phật giáo là quan trọng cho việc tự vấn mình và cũng quan trọng cho việc sử dụng
phương tiện truyền thông để truyền bá lời Phật dạy.
Không phải mọi người đồng
ý rằng Phật giáo trực tuyến cung cấp một sự nối kết tâm linh với người khác. Một
người được hỏi nói rằng họ chỉ cảm nhận cộng đồng trực tuyến như với phần còn lại
của thế giới và rằng Internet là dành cho thông tin mà không phải cho sự đồng cảm.
Một người được phỏng vấn khác nói “Tôi cảm nhận một ý nghĩa cộng đồng khi tôi
nhìn vào mắt của một người”. Điều này cho thấy là dù có một sự gia tăng quan
tâm vào việc tham gia vào những cộng đồng Phật giáo trực tuyến, nhưng khía cạnh
tương tác trực tuyến này không lôi cuốn mọi người và, bất chấp việc bắc qua những
khoảng cách mà Internet tạo ra, điều này không thay thế sự tiếp xúc trực tiếp
trong việc thảo luận và thờ phụng chung mà một số người tìm kiếm.
Câu hỏi nghiên cứu 3:
Truyền thống tôn giáo hiện thời có quan hệ gì đến việc sử dụng những nguồn Phật
giáo trực tuyến?
Truyền thống tôn giáo hiện
nay và mối liên hệ của nó với việc sử dụng những nguồn Phật giáo trực tuyến
mang lại một ý nghĩa không đang kể, và chỉ trong số những người được hỏi là Phật
tử. Những người tự nhận mình là đang thực hành Phật giáo có xu hướng sử dụng những
phòng chat Phật giáo, truy cập những nguồn trực tuyến về văn hóa Phật giáo và
văn hóa Á châu, chùa chiền, những Phật tử người Mỹ khác, những Phật tử khắp nơi
trên thế giới, và những vị thầy Phật giáo thường xuyên hơn những tín đồ đang
theo những truyền thống tôn giáo khác. Điều này không nhất thiết phải ngạc
nhiên bởi vị họ đang tìm kiếm thông tin về truyền thống tôn giáo cụ thể mà
chính họ gia nhập.
Khi khảo sát những Phật tử
được phỏng vấn qua giáo phái của họ, một sự tương quan được tìm thấy giữa truyền
thống và việc sử dụng những nguồn Phật giáo trực tuyến. Những người mà họ tự nhận
là những người thực hành của một phái Phật giáo cụ thể (Đại thừa, Theravada,
Thiền, hay Tây Tạng) thì có khả năng sử dụng những nguồn trực tuyến hơn để có
thông tin về những ngôi chùa Phật giáo. Điều này rõ ràng rằng vị trí của đối tượng
ở trong việc xử lý truyền thống tôn giáo thật sự liên quan đến cách họ sử dụng
những nguồn Phật giáo trực tuyến. Điều này cho thấy rằng những người mà họ sinh
ra đã là Phật tử hay đã chọn trở thành Phật tử thìthường theo một phái cụ thể,
trong khi những người mà họ quan tâm đến hay còn mới với tôn giáo có khuynh hướng
chỉ nhận họ là Phật tử và không xác định bất kỳ phái cụ thể nào trong Phật
giáo. Những Phật tử mà họ tuyên bố là thành viên của một phái Phật giáo thì có
khả năng tìm kiếm một ngôi chùa hay một giáo phái cụ thể hơn, có thể bởi vì họ
biết rõ kiểu chùa chiền, giáo thuyết gì mà họ tìm.
Giả thuyết 1: Những Phật
tử da trắng sử dụng Internet dành cho mục đích kết nối cộng đồng Phật giáo nhiều
hơn những Phật tử không phải da trắng.
Căn cứ vào những khác
nhau được thừa nhận ở những cộng đồng Phật tử da trắng với những Phật tử Á châu
ở xã hội Mỹ, có thể đưa ra giả thuyết rằng hai nhóm sử dụng những nguồn Phật
giáo trực tuyến ở một hình thức khác nhau. Tuy nhiên, sự xác nhận này chỉ nhận
được sự ủng hộ một phần. Có một sự tương quan giữa tính cách sắc tộc và tính
thường xuyên của việc sử dụng chat room Phật giáo, xác nhận rằng những người da
trắng có khả năng viếng những chat room Phật giáo hơn những Phật tử thuộc những
sắc tộc khác (xem bảng 3) – mặc dù, nói chung, không có nhiều sự viếng thăm những
chat room Phật giáo với tất cả các sắc tộc.
Bất chấp sự thật rằng những
Phật tử da trắng có khả năng vào các chat room hơn, không có khả năng là họ thể
hiện một tình cảm cộng đồng lớn hơn đối với những Phật tử trực tuyến. Những Phật
tử sử dụng Internet nói chung bày tỏ một cảm giác phân cách với cộng đồng và
thay vào đó sử dụng công nghệ để tìm những nguồn cụ thể cho sự thực hành của họ,
chẳng hạn như địa chỉ e-mail của một vị thầy, nơi một ngôi chùa tọa lạc, hay những
trang web cung cấp cái nhìn tổng quan cần thiết về các giáo nghĩa của Phật
giáo. Không có sự tương quan được tìm thấy giữa tính cách sắc tộc và những loại
thông tin mà người được phỏng vấn truy cập.
Giả thuyết 2: Người được
phỏng vấn càng lớn tuổi thì khả năng họ vào những chat room Phật giáo càng nhiều
hơn
81% người được hỏi cho biết
họ không bao giờ vào một chat room, trong khi 11.4% vào một vài lần, chỉ 3.3%
là thường vào và chỉ 2.2% vào mỗi ngày. Tuy nhiên, có một sự tương quan được
xác lập giữa tuổi tác và việc sử dụng Internet khác. Những người được phỏng vấn
lớn tuổi có xu hướng tìm kiếm thông tin liên lạc với những Phật tử khác, trong
khi người sử dụng trẻ đang tìm kiếm những thông tin chung về truyền thống Phật
giáo. Đoán chừng rằng những người thực hành lớn tuổi có thể đã quen thuộc với
những khái niệm căn bản của tôn giáo hơn những người sử dụng trẻ tuổi. Ngoài
ra, những người được phỏng vấn lớn tuổi cũng có nhiều khả năng sử dụng Internet
để tìm một vị thầy Phật giáo hơn. Mặc dù giả thuyết không được ủng hộ, những mối
tương quan cho biết rằng tuổi tác là một yếu tố trong những cách thức mà ở đó
người sử dụng truy cập Internet để tìm những nguồn Phật giáo.
Bảng 3
Sắc tộc và việc sử dụng
chat room
Sắc tộc Mỗi ngày Thường xuyên Một vài lần Không bao giờ Tổng số
Người da trắng 3 1
16 110
130
Người da đen
0 0
1 2
3
Người Mỹ gốc Tây Ban
Nha 1 2
2 6
11
Người Mỹ bản địa
0 0
0 1
1
Pha trộn
0 1
1 1
3
Tổng số
4 5
20 134 163
Thảo luận
Những kết quả của đề án
này phác vẻ một bức tranh đa dạng về những người sử dụng Internet tìm kiếm
thông tin về một tôn giáo thiểu số ở Hoa Kỳ. Nói chung, những người trả lời khảo
sát là điển hình của những người Mỹ sử dụng Internet: người da trắng, có học thức,
được giáo dưỡng trong truyền thống Thiên Chúa giáo, có nguồn lực kinh tế(Pew
Internet and American Life Project 2001). Một số người sử dụng có xu hướng dùng
Internet để tìm những tín ngưỡng khác, trong khi số khác tìm kiếm thông tin về
những giáo thuyết cơ bản của tôn giáo mình theo.
Thật thú vị khi xét đến
tình trạng thiểu số của Phật giáo ở Mỹ. Có thể cho rằng những tín đồ có thể sử
dụng một công nghệ mà nó đặc biệt đưa sự truyền đạt vượt qua những khoảng cách
để bắc cầu qua khoảng trống giữa những người thực hành, tuy chỉ những người được
hỏi lớn tuổi có xu hướng sử dụng những nguồn trực tuyến theo cách đó. Nói
chung, những người được hỏi truy cập những nguồn Phật giáo để tìm kiếm thông
tin về những khía cạnh khác nhau của Phật giáo.
Tuy nhiên, không phải tất
cả những người sử dụng dường như hài lòng với thông tin Phật giáo trực tuyến,
và chỉ ra một vài thay đổi trong cách trình bày để làm sao họ dễ dàng tìm kiếm
thông tin mình muốn. Thêm nữa, có một sự phân biệt rõ ràng mà nhiều người được
hỏi vạch ra giữa Phật giáo như một truyền thống tôn giáo và dạng Phật giáo-tâm
linh thời đại mới. “Những trang Phật giáo chân thực cần
được nhận dạng và cần được phân biệt với những trang theo hướng ‘thời đại mới’
mà chúng là một mớ tư tưởng hợp thời trang”. Sự khác nhau giữa ‘Phật giáo truyền
thống’ và việc trình bày những tư tưởng Phật giáo theo ‘thời đại mới’ thật sự
là một tình trạng căng thẳng được nhìn thấy ở Phật giáo Mỹ, và nó diễn tiếp
trong việc thảo luận về các nguồn trực tuyến. Tuy nhiên, chính sự mở rộng ranh
giới của những gì được xem là Phật giáo này làm cho việc chọn lựa và thực hành
Phật giáo ở Hoa Kỳ thật sự thú vị.
Nghiên cứu này không phải
không có những hạn chế của nó. Mặc dù những người tham gia là những khách viếng
những trang web Phật giáo, thì nhiều người còn rất mới đối với Phật giáo ở trên
Internet và do đó không thể bình luận đầy đủ về những chat room và cộng đồng Phật
giáo trực tuyến. Ngoài ra, khi Phật giáo được thực hành ở ngữ cảnh Mỹ phát triển
xa hơn, những khác nhau giữa việc sử dụng Internet và bộ phái có thể được khảo
sát thêm. Những câu hỏi thú vị có thể bao gồm là Phật tử Tây Tạng ở Mỹ có sử dụng
Internet cho việc ủng hộ Tây Tạng hay Phật tử Theravada hay Đại thừa ở Mỹ có thể
đưa sự nhập thế của họ vào trong những hoạt động bên trong nước Mỹ hay không.
Khi những quốc gia truyền
thống Phật giáo vượt qua đường phân công nghệ số và trở thành những người tham
gia tích cực trong lĩnh vực mạng, Phật giáo trực tuyến có thể thay đổi rất tốt.
Khi những người thực hành và những nguồn bên ngoài nước Mỹ cung cấp nhiều thông
tin về Phật giáo hơn, có thể rằng sự căng thẳng này giữa người Phật tử da trắng
và người châu Á sẽ tăng thêm, hoặc có thể thông qua sự phát triển này khái niệm
về một Tăng đoàn mạng sẽ phát triển trong một sức mạnh cộng đồng trực tuyến mạnh
mẽ và những khác biệt về sắc tộc và văn hóa sẽ biến mất. Tuy nhiên, những vấn đề
này không thể được biết cho đến khi việc khảo sát sự hiện diện của cộng đồng Phật
tử trực tuyến nơi một ngữ cảnh trực tuyến được tiến hành. Công trình nghiên cứu
này đáp ứng như một cái nhìn đầu tiên bên trong một truyền thống tôn giáo mới mẻ
ở Mỹ cũng như sự có mặt của nó trên không gian mạng. Qua công trình này và công
việc tương lai, chúng tôi tìm cách hiểu cách nào và tại sao người ta tiếp tục
tìm kiếm Đức Phật.
Nguồn: Contemporary
Buddhism, Vol. 7, No. 1, pp.91-103.
Tài liệu tham khảo
COLEMAN, J. W. 2001. The New Buddhism: The Western Transformation
of an Ancient Tradition. Oxford: Oxford University Press.
HAYES, R. P. 1999. The Internet as a Window onto American
Buddhism. In American Buddhism: Methods and Findings in Recent Scholarship,
edited by D. R. Williams, and C. S. Queen. Surrey: Curzon Press, 168–80.
KIM, M. 2005. Online Buddhist Community: An Alternative
Religious Organization in the Information Age. In Religion and Cyberspace,
edited by M. T. Hojsgaard, and M. Warburg. London: Routledge, 138–48.
KORNFIELD, J. 1988. Is Buddhism Changing in North America? In
Buddhist America: Centers, Retreats, Practices, edited by D. Morreale.
Santa Fe, NM: John Muir Publications, xi–xxviii.
LANEY, M. J. 2005. Christian Web Usage: Motives and Desires. In
Religion and Cyberspace, edited by M. T. Hojsgaard, and M. Warburg. London:
Routledge, 166–79.
LATTIN, D. 2005. Bridging Eastern and Western Buddhism.
San Francisco Chronicle, 23 January, F1.
MORREALE, D. 1998. Everything has Changed in Buddhist America. InThe Complete Guide to Buddhist America,
edited by D. Morreale. Boston: Shambhala, xv–xviii.
Pew Internet and American
Life Project. 2001. Cyber-Faith: How
Americans Pursue Religion Online [cited 23 December 2005]. Available online
from http://www. pewinternet.org/pdfs/PIP_CyberFaith_Report.pdf.
PREBISH, C. S. 1999. Luminous Passage: The Practice and Study
of Buddhism in America. Berkeley: University of California Press.
SEAGER, R. H. 1999. Buddhism in America. NY: Columbia
University Press.
STARK, R., and W. S.
BAINBRIDGE. 1985. The Future of Religion. Berkeley: University of California Press.
TANAKA, K. K. 1998.
“Epilogue: The Colors and Contours of American Buddhism”.InThe Faces of Buddhism in America, edited by C. S. Prebish, and K.
K. Tanaka. Berkeley: University of California Press, 287–98.
TSOMO, K. L. 2002. “Buddhist
Nuns: Changes and Challenges”. In Westward Dharma: Buddhism Beyond Asia,
edited by C. S. Prebish, and M. Baumann. Berkeley: University of California
Press, 255–74.
TWEED, T. A. 1999.
“Night-Stand Buddhists and Other Creatures: Sympathizers, Adherents, and the
Study of Religion”. In American Buddhism:
Methods and Findings in Recent Scholarship, edited by D. R. Williams, and
C. S. Queen. Richmond, Surrey: Curzon Press, 71 –90.
TWEED, T. A. 2002. “Who
is a Buddhist? Night-Stand Buddhists and Other Creatures”. In Westward Dharma: Buddhism Beyond Asia,
edited by C. S. Prebish, and M.
Baumann. Berkeley:
University of California Press, 17–33. Vipassana
Foundation. 2006. Buddhists Around the World [cited 6 February 2006].
Available online from
http://vipassanafoundation.com/Buddhists.html.