Thiền sư Chuyết Chuyết-Người truyền dòng Thiền Lâm Tế vào Đằng ngoài Đại Việt

thien su c

 

THIỀN SƯ CHUYẾT CHUYẾT

NGƯỜI TRUYỀN DÒNG THIỀN LÂM TẾ VÀO ĐÀNG NGOÀI ĐẠI VIỆT

Tỳ-kheo Thích Thanh Sơn*

Đã có nhiều bài viết về thiền sư Chuyết Chuyết – người truyền dòng thiền Lâm Tế vào Đàng Ngoài nước ta, tuy nhiên do tác giả các bài viết đó không ghi rõ nguồn tài liệu trích dẫn nên có những sai khác nhau. May thay, gần đây, chúng tôi có dịp khảo sát toàn bộ văn bia tại chùa Bút Tháp (Ninh Phúc tự) và tham khảo bia tại chùa Phật Tích (Vạn Phúc tự) là nơi ngài Chuyết Chuyết từng trụ trì, có một số thông tin mới xin giới thiệu với quý vị độc giả.

1.      Về tiểu sử Thiền sư Chuyết Chuyết

Ghi chép về Thiền sư Chuyết Chuyết trên bia Hiến Thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh do sư Minh Hành dựng năm 1647 tại chùa Ninh Phúc, người soạn văn bia là Âu Dương Vựng Đăng tự Thể Chân viết: Chuyết Công vốn người Hải quận Thanh Chương[1]họ Lý. Đối chiếu thêm với văn bia Vạn Phúc Đại Thiền Tự bi kí cũng cho biết: ông là người đất Hải Trừng, Mân Chương[2]. Còn sách Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục(拙拙禪師語錄)do Thiền sư Minh Hành biên tập, mục Tổ sư xuất thế thực lục có ghi: Tổ sư húy là Viên Văn, hiệu là Chuyết Chuyết, là người Tiệm Sơn, Hải Trừng, Thanh Chương, Mân Điện[3]. Hải Trừng tên cổ là Nguyệt Cảng, nay là thành phố Long Hải (cấp huyện). Thanh Chương còn có tên gọi khác là Chương Châu nằm ở phía Nam tỉnh Phúc Kiến. Mân Điện chỉ vùng Mân gồm toàn tỉnh Phúc Kiến hiện nay.

Có thể nói, các ghi chép cơ bản thống nhất về quê hương ngài là đất Tiệm Sơn, huyện Hải Trừng, phủ Thanh Chương, Mân Điện, nay là thôn Tiệm Sơn, thị trấn Đông Tứ, huyện Long Hải, tỉnh Phúc Kiến, Trung Quốc.[4]

Bia Hiến Thuỵ am hương hoả điền bi ký dựng năm Đinh Hợi niên hiệu Lê Phúc Thái thứ 5 (1647) cũng cho biết “Tổ sư họ Lý” như bia trên, nhưng cũng như các bia khác tại chùa Bút Tháp không thấy bia nào ở Ninh Phúc tự ghi tên của Chuyết Chuyết. Phải chăng Thiền sư Minh Hành hay Âu Dương Thể Chân cư sĩ ngại nêu tên thật của Chuyết Công? Rất may, tại mục Tổ sư xuất thế thực lục trong sách nói trên của Minh Hành lại có đoạn ghi “Mẫu Thái thị, mộng tễ dung kim liên nhi thần sư, tam chu tuế nãi sinh, danh viết Tân Liên”, dịch: Người mẹ họ Thái mộng thấy hoa sen vàng nở trên rốn mà có mang sau ba năm tròn thì sinh, mới đặt tên là Tân Liên.[5]  Có điều lạ là không có bia nào tại chùa Ninh Phúc hay chùa Vạn Phúc là hai chùa mà Chuyết Chuyết từng trụ trì nói ông tên (là) Thiên Tộ như Nguyễn Lang đã viết trong Việt Nam Phật giáo sử luận.[6]

Chuyết Chuyết còn được gọi là Chuyết Công 拙公, cách gọi này xuất hiện đầu tiên trong bia Hiến Thụy am Báo Nghiêm tháp bi minh. Sau đó các sách Kiến tính thành Phật của Chân Nguyên, Kế đăng lục của Như Sơn, và Thiền uyển truyền đăng lục của Phúc Điền (An Thiền) cũng đều sử dụng lại từ này.

Chuyết Công có thể là tên gọi thân mật và tôn kính của Tăng chúng đối với Chuyết Chuyết thiền sư.

2.      Hành trạng của Thiền sư Chuyết Chuyết

Dựa trên các văn bia tại chùa Bút Tháp, chúng ta còn biết được những thông tin về hành trạng của Thiền sư Chuyết Chuyết. Khi ngài 5 tuổi thì mồ côi mẹ, 7 tuổi thì cha qua đời, được ông nội đưa sang nhờ người thím dâu nuôi dưỡng. Từ nhỏ, Tân Liên đã thông minh mẫn tiệp, thông hiểu kinh sử, ông thường đến chùa Tiệm Sơn để yên tĩnh học tập.Năm 15 tuổi, ông được Tiệm Sơn Trưởng lão khai mở tâm pháp và quy y cửa Phật, lấy hiệu là Vân Thủy Sa-di. Sau một thời gian, ông sang chùa Nam Sơn tu tập. Lúc bấy giờ chùa Nam Sơn đã trở thành một trung tâm Phật giáo Lâm Tế miền Nam Trung Quốc. Tông phái phát triển rất mạnh. Đến năm Vạn Lịch thứ 35 (1607) Tân Liên xuống tóc, được Trạng nguyên tăng Đà Đà Pháp sư trao cho 250 giới Vô tướng Tỳ-kheo, được đặt pháp danh là Viên Văn, đạo hiệu là Chuyết Chuyết. Cách đặt danh-hiệu này gắn liền với truyền thống bài kệ truyền thừa của Trí Bản Đột Không:

Trí Tuệ Thanh Tịnh

 Đạo Đức Viên Minh

 Chân Như Tính Hải

 Tịch Chiếu Phổ Thôn

với chùa Nam Sơn đời thứ 33 dòng Lâm Tế chính tông (Lâm Tế Nghĩa Huyền) pháp danh là Đức Quán, pháp hiệu là Đà Đà truyền xuống đời thứ 34 pháp danh là Viên Văn, pháp hiệu là Chuyết Chuyết. Tuy nhiên, chắc chắn rằng Chuyết Chuyết không phải là Trưởng pháp tử của Hòa thượng Đà Đà nên ngài đã được bổn sư cho đi du hóa các phương, hoằng pháp độ nhân. Đặc biệt, Thiền sư đã sang nước Cổ Miên (Campuchia) hoằng hoá 16 năm, nhưng không thành công nên ngài phải đáp thuyền trở về quê nhà, gặp lại người thím từng nuôi dưỡng mình thuở nhỏ. Khoảng năm 1623, Thiền sư lại vượt biển sang đất Quảng Nam, Thuận Hóa thuộc Đàng Trong nước Đại Việt truyền pháp. Sau 7, 8 năm du hóa ở đất Thuận - Quảng, ngài đi khất thực ở Hàn Than, Cổ Bảng thì gặp Minh Hành, sư cho là kỳ lạ và gặp được của báu, liền đem tâm pháp không hai trao truyền cho Minh Hành. Cùng năm, sư gặp Nguyễn Tề - một thương gia giàu có ở đất Đông Đô, (Thăng Long) và vị này thỉnh sư ra Đàng Ngoài làm lễ cầu siêu cho cha mẹ. Sư ngầm bàn với mọi người và cùng đồ chúng kéo nhau ra kinh sư tìm đến nhà Tề, nhưng Tề không may phạm tội bị bắt nên thầy trò bèn đi khất thực.

Năm 1634, niên hiệu Đức Long thứ 6 đời vua Lê Thần Tông, sư gặp đức bà là Lão Cung tần Trần Thị Ngọc Am (còn gọi là Bà chúa Mụa 1580-1647) xin theo sư học đạo, ba cô gái trong cung xin được quy y. Không lâu thì lại có em trai Thanh Đô Vương Trịnh Tráng là Dũng Lễ công Trịnh Khải hâm mộ Thiền học của sư, liền sai người rước sư đến phủ. Khải vái làm thầy, chắp lễ theo làm đệ tử, cho con gái theo sư xuất gia lấy pháp hiệu là Diệu Tuệ.Sau đó sư sai đệ tử là Minh Huyễn về nước tìm cuốn Thủy lục chư khoa cùng hệ thống kinh lục khác như Niết-bàn kinh, Kim cương kinh, Phật Tổ tam kinh, Thiên đồng cổ tụng…Vua Lê Thần Tông quý trọng tôn xưng làm “Đông Đô Thủy Tổ”.

            Văn bia chùa Phật Tích còn bổ sung thêm rằng Hoàng thượng, Hậu phi, Vương công, Cung tần, Tể quan, Sĩ dân, Tăng Ni, đạo tục đồ chúng đến với Thiền sư Chuyết Chuyết ngày một đông. Sư được Thái thượng Thanh Đô vương Trịnh Tráng ban cho danh hiệu “Tổ sư” của danh sơn trong bốn trấn, người đi theo đến mấy trăm, đắc pháp đến mấy chục, còn hàng thấy nghe mà giác ngộ thì đến nửa nước. Điều này có thể thấy rằng sức ảnh hưởng của Thiền sư Chuyết Chuyết là vô cùng lớn, không chỉ từ triều đình mà còn đến cả thứ dân.

Năm Phúc Thái nguyên niên (1643), Chuyết Chuyết ở chùa Khán Sơn kinh thành Đông Đô vì Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc mà diễn thuyết mật nghĩa của kinh Kim cương. Giảng xong, lấy cớ có bệnh về an thiền ở chùa Phật Tích rồi được thỉnh sang trụ trì chỉ đạo hưng công chùa Ninh Phúc.

Năm 1644, niên hiệu Phúc Thái thứ 2, sư giảng kinh Niết-bàn ở chùa Long Ân. Lúc đó Minh Hành cũng về chùa Ninh Phúc. Các đức bà ai cũng bỏ vàng bạc dựng am an trí để báo đền cái đức, để nêu cao cái hạnh thiện của Tổ.

            Rằm tháng 7 năm đó, sư ngồi ngay ngắn mà thị tịch. Ngài được vua Lê Chân Tông tặng phong là “Phổ Giác Quảng Tế Đại Đức Thiền sư”, an tàng xá-lợi tại am Hiến Thụy, tháp Báo Nghiêm, chùa Ninh Phúc (Bút Tháp) và Vạn Phúc (Phật Tích), là hai nơi Chuyết Công từng trụ trì.

3. Hành trạng của Thiền sư Minh Hành

            Chuyết Công Hòa thượng có 2 vi đệ tử xuất sắc nhất là Thiền sư Minh Hành và Thiền sư Minh Lương. Bài này mạn phép chỉ nói về sư Minh Hành.

Minh Hành là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Chuyết Chuyết, cũng là vị Tổ sư quan trọng của chùa Bút Tháp. Ngài sinh tại phủ Kiến Xương, tỉnh Giang Tây, nước Đại Minh. Bố là Hà Công Kiều Ngũ, tự Bình Châu, hiệu Viên Dung, thụy Pháp Vũ; mẹ là Hứa Thị Ngũ Nương, thụy Từ Vân.

Năm 1630, ông đáp thuyền buôn lánh nạn quân Mãn Thanh (xâm lược Trung Quốc) sang Đàng Trong nước Đại Việt. Năm 1633 gặp Chuyết Chuyết Hòa thượng ở Hàn Than, Cổ Bảng, ông liền xin theo xuất gia lấy hiệu là Hu Giang Vân Thủy Sa-di, pháp danh là Minh Hành, đạo hiệu là Tại Tại Nhân Thiên Đạo sư, cùng năm ông theo thầy ra Đàng Ngoài nước Đại Việt. Trước khi đến Đông Đô (tức thành Thăng Long), Chuyết Chuyết và ông đã dừng chân hoằng hóa tại chùa Thiên Tượng ở Nghệ An và khai sáng chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa.

Năm 1643, Minh Hành trụ trì chùa Phật Tích. Năm 1644, tháng 7 niên hiệu Phúc Thái thứ 2, khi Chuyết Chuyết Hòa thượng lâm chung, sư được Hòa thượng trao truyền y bát trụ trì chùa Ninh Phúc.

Năm 1645, niên hiệu Phúc Thái thứ 3, Minh Hành viết Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, đây là một bộ sách quan trọng để tìm hiểu tư tưởng của Chuyết Công cũng như các thiền sư đương thời, tiếc rằng hiện giờ chỉ còn một số quyển tản mát mà chưa hệ thống được.

 Năm 1647, niên hiệu Phúc Thái thứ 5, sư hoàn tất việc xây dựng chùa Ninh Phúc, viết văn bia Sắc kiến Ninh Phúc thiền tự bi ký. Rồi tổ chức dựng tháp Báo Nghiêm cho Hòa thượng Chuyết Chuyết tại chùa; dựng bia Hiến Thụy am, Báo Nghiêm tháp bi minh, Thanh Nguyên cư sĩ là Âu Dương Vựng Đăng, hiệu là Thể Chân soạn lời văn. Một lần ra Bắc tuần du, vua Tự Đức xuôi theo dòng sông Đuống và thấy ngôi tháp đá Báo Nghiêm 5 tầng vươn giữa trời xanh, hình như cây bút, bèn sai đổi tên Ninh Phúc tự thành chùa Bút Tháp.

Một sự kiện quan trọng vào năm Khánh Đức 2 (1650) là Thiền sư Minh Hành thiết lập Đạo tràng Minh Dương Thủy lục trong nội cung, xuống tóc cho Quận chúa Lê Thị Ngọc Duyên - trưởng nữ của Hoàng hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc và Cường Quận công Lê Trụ, cháu của Thanh Đô vương Trịnh Tráng, đặt pháp danh là Diệu Tuệ, pháp hiệu là Thiện Thiện.

       Năm 1659 tháng 3, ngày 25 niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 2, Thiền sư Minh Hành viên tịch, thọ 64 tuổi, được vua Lê Thần Tông tặng phong là “Thành Đẳng Chính Giác Đại Đức Thiền sư Hóa thân Bồ-tát”.

Năm 1660, niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3. Ngày rằm tháng 11. Đệ tử là Ưu-bà-di Chính cung Hoàng Thái hậu Trịnh Thị Ngọc Trúc, đạo hiệu Pháp Tính và con gái là Tỳ-kheo-ni Lê Thị Ngọc Duyên, pháp hiệu Diệu Tuệ Thiện Thiện cùng môn đồ đứng ra mộ duyên lập khoán đá, sách đồng và làm chủ hưng công xây tháp Tôn Đức an táng xá-lợi cho Thiền sư, đồng thời truy tôn ông là Giáo thọ sư Ma ha Tỳ-kheo Minh Hành Tại Công Hòa thượng, sắc tặng là Thành Đẳng Chính Giác Đại đức Thiền sư Hóa thân Bồ-tát, pháp danh Minh Hành, hiệu Tại Tại Nhân Thiên.

            Khi Minh Hành viên tịch, hai ngọn tháp đá được dựng lên để thờ ông: Một ngọn ở chùa Bút Tháp, xã Đình Tổ, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh; một ngọn ở chùa Trạch Lâm ở Thanh Hóa. Tại ngọn tháp chùa Trạch Lâm, một pho tượng của Minh Hành bằng đồng còn lưu giữ đến hiện nay, pho tượng được Bezacier cho là “kiểu tượng Việt Nam khéo nhất mà chúng ta đã thấy”[7]. 

Chân Phúc, Như Trúc, Tính Hài là những người kế đăng Minh Hành ở chùa Bút Tháp và chùa Phật Tích theo bài kệ truyền pháp do Minh Hành để lại như sau:

Minh Chân Như Tỉnh Hải

Kim Tường Phổ Chiếu Thông

Chí Đạo Thành Chính Quả

Giác Ngộ Chứng Chân Không.

 

*Trụ trì chùa Bút Tháp, tỉnh Bắc Ninh.

 



[1] Nguyên văn: 公清漳海澄郡.

[2]Vạn Phúc Đại Thiền tự bi, bia dựng năm Chính Hòa thứ 7 (1686)  tại chùa Phật Tích, hiện đã bị vỡ đôi, thác bản lưu tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, kí hiệu: 2146 - 2147. Nguyên văn: 乃閩漳海澄人也.

[3]Chuyết Chuyết thiền sư ngữ lục, bản lưu tại chùa Phật Tích huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh. Nguyên văn: 祖師諱圓炆號拙拙閩甸清漳海澄漸山人.

[4]Suối nguồn số 3&4 (2012), Phạm Văn Tuấn, Khảo về Chuyết Chuyết thiền sư, Nxb Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, tr.64.

 

[5]Chuyết Chuyết Thiền sư ngữ lục, bản lưu tại chùa Phật Tích, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh.

[6] Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, Nxb Văn học, 1990

[7] Dẫn lại theo Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, tập 2, tr 119, Nxb Văn học, 1990.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác