Từ thần Vishnu đến Tỳ Nữu Thiên trong điện thờ Phật giáo

tu than

 

Thần Vishnu là một trong bộ ba “tam vị nhất thể” của Hindu giáo và là Đấng tối cao của truyền thống Vaishnavism – tức phái Vishnu giáo. Trong Vaishnavism, thần Vishnu đồng nhất với quan niệm siêu hình vô hình tướng, được coi là Brahma (tối cao) và là Svayam Bhagavan – tức vị thần có nhiều hóa thân khác nhau đảm nhận chức năng bảo tồn/duy trì thế giới: Bất cứ khi nào thế giới bị các thế lực xấu, điều ác đe dọa, tạo nên sự hỗn loạn hay các thế lực đó triệt hạ lẫn nhau thì Vishnu sẽ xuất hiện dưới một hóa thân tương thích để cứu vớt thế giới, bảo tồn trận tự theo chánh pháp. Trong quá trình lịch sử, sự thay đổi các tín niệm tôn giáo cũng đã kéo theo sự thay đổi về tín lý và địa vị tôn kính của các thần linh; theo đó, thần Vishnu cũng có những đổi thay tự thân và những chuyển đổi để có thể khế hợp khi hội nhập vào thần điện các tôn giáo hay các dạng tín ngưỡng dân gian khác. Riêng đối với Phật giáo, đây là một trường hợp đặc biệt: Một mặt, Hindu giáo xác định Đức Phật là một hóa thân của thần Vishnu và ngược lại, thần Vishnu trở thành Tỳ Nữu Thiên trong Phật điện đảm nhận chức năng hộ pháp. Vấn đề chuyển đổi mang tính tiếp biến văn hóa này là đối tượng quan tâm chính của bài viết.

I. Vishnu trong tín niệm Hindu(1)

1. Từ nguyên và quá trình thay đổi của thần Vishnu

Yaska, học giảVedanga, trong Nirukta (tập sách giải thích từ nguyên, ra đời hồi giữa thiên niên kỷ thứ nhất trước Tây lịch), định nghĩa Vishnu là viṣṇur viṣvater va vyaśnoter va: “người thâm nhập khắp mọi nơi”. Ông viết Vishnu là “atha yad viṣito bhavati tad viṣnurbhavati”, có nghĩa là“thoát khỏi gông cùm trói buộc là vị thần Vishnu”.

Học giả Ấn Độ thời trung cổ Medhātithi cho rằng từ Vishnu có nguồn gốc từ nguyên vis, có nghĩa là thâm nhập/tỏa khắp/tràn ngập khắp; do đó, nghĩa Vishnu là “một người là mọi thứ và bên trong mọi thứ”. Vishnu có nghĩa là “thâm nhập khắp tất cả”.

Theo kinh văn cổ thì Vishnu là một vị thần đã xuất hiện từ thời Veda, nhưng không có gì nổi bật so với Đế Thiên Indra, thần lửa Agni hay các vị thần khác. Trong Rig-Veda (thiên niên kỷ thứ II tr.TL) chỉ có 5 trong số 1.208 bài tụng ca nói riêng về Vishnu; song ở đó, thần thoại Veda về Vishnu cho rằng thần cư ngụ trong ngôi nhà cao nhất, nơi các Atman (linh hồn) đến cư ngụ đã xác định rằng đây là lý do khiến thần càng ngày càng trở nên quan trọng và phổ cập trong thần học cứu độ Hindu. Mặt khác, trong văn chương Veda, thần được miêu tả là đấng chống đỡ của trời và đất; là vị thần (cùng sự trợ giúp của Indra) đã tiêu diệt biểu tượng yêu ma/xấu xa tên là Vritra; là vị thần được đề cập đến như thần Mặt Trời/Surya: đem lại sinh lực và ánh sáng cho muôn loài và chia sẻ những công năng của các thần Mitra và thần lửa Agni: nhóm họp loài người với nhau và làm cho mọi sinh vật sinh trưởng và thúc đẩy chúng hoạt động trong cuộc sống hàng ngày. Ở đây, thần lực Trivikrama của Vishnu (tụng ca Rig-Veda) là một thần thoại đặc biệt quan trọng đối với Hindu giáo từ thời Veda. Trivikrama tán dương 3 sải chân của thần: hai bước sải chân đầu tiên đã trải khắp mặt đất và không trung là lãnh địa có sinh có tử của con người; và bước thứ ba đã trải qua cảnh giới của các linh hồn bất tử. Ba bước sải chân khắp cả vũ trụ và bao phủ tất cả vạn vật, người và thần biểu thị năng lực ánh sáng của Mặt Trời và đó là cơ sở tích hợp thần lực cứu thế/cứu độ của Vishnu đối với muôn loài.

Trong các phần khác của Rig-Veda, Atharva-Veda và Áo nghĩa thư/Upanishad, thần Vishnu được coi là tương đương với Prajapati, cả hai đều được miêu tả như là thần bảo hộ và Tổ phụ: sinh tạo muôn loài. Điều này được coi là nguồn gốc của sự đồng nhất tất cả những thuộc tính của Prajapati trong Veda với những hóa thân của Vishnu thời hậu Veda.

Trong Yajurveda cũng như trong một số kinh văn khác, Vishnu được đề cập với tôn danh Narayana là Đấng Tối Cao bằng cụm từ paramam, padam, có nghĩa đen là “Vị trí cao nhất” và có thể được hiểu là “nơi ở tối cao cho tất cả mọi linh hồn”. Ý nghĩa gốc của từ Narayana (âm Hán: Na-la-diên) trong ngôn ngữ Sanskrit là “Đứa con do người sinh ra” và trong thần thoại Ấn Độ, từ “nguyên nhân” (Purusa) của nguồn gốc vũ trụ còn dược gọi là Nara; do đó, Narayana vốn được xem là đứa con do “nguyên nhân” (con người đầu tiên/tổ phụ) sinh ra. Song cho đến các ghi chép trong những Vaishana Upanishad (Áo nghĩa thư của Vishnu giáo, tức các kinh văn của phái này - được viết từ thế kỷ I trước Tây lịch đến đầu thế kỷ XVII Tây lịch) thì Narayana được coi là “nguyên nhân”, là Đấng Tối cao (trong Maha Narayano panishad) hoặc là hóa thân của Vishnu (trong Narayano panishad).

Một cách tổng quát, đạo Hindu phát triển trong những chặng khác nhau: từ giai đoạn Veda (1800-500 tr.CN), đến giai đoạn Bà-la-môn và giai đoạn đạo Hindu chính thống. Ở giai đoạn cuối cùng, giai đoạn chủ yếu và cũng là giai đoạn dài nhất của đạo Hindu, hình thức phát triển cao của đạo Bà-la-môn, giáo lý của đạo được tiếp thu từ các sáng tác văn học tôn giáo khác như các sử thi Mahabharata, Ramayana và các cổ sự Purana (tức các phóng tác về vũ trụ luận, thần thoại, cổ tích ra đời từ thế kỷ thứ III đến thế kỷ X Tây lịch, gồm 18 cuốn Đại cổ sự và 18 cuốn thứ cấp). Mặt khác, bộ kinh Upanishad và phái triết học Vedanta đã cung cấp cho đạo Hindu một cơ sở triết học hoàn chỉnh và có hệ thống, nâng giáo lý thần học lên thành những suy tưởng triết học tư biện và siêu hình.

Về phương diện thần phả, trong giai đoạn này, diễn ra quá trình trừu tượng hóa các biểu tượng thần linh. Cụ thể là quy những nhiên thần cổ xưa vào bộ ba Tam vị nhất thể/trimuti: Brahma – Vishnu – Siva – đại diện cho ba lực lượng Sáng tạo, Bảo tồn và Hủy diệt phổ biến trong vũ trụ.

Sau đó, vai trò của Brahma càng ngày càng mờ nhạt, đồng thời vai trò của Vishnu và Siva ngày càng được đề cao, phân thành hai phái: Vishnu/Vaishnavism và Siva/Shaivism. Vishnu là trọng tâm của phái Vaishnavism và trở thành Đấng tối cao, thu tóm các công năng và thuộc tích của thần Sáng tạo và thần Hủy diệt, đặc biệt coi trọng hóa thân cứu thế của nhân vật Rama và Krishna của hai bản sử thi Ramayana Mahabharata kỳ vĩ.

2. Hình tượng

Trong quy phạm đồ tượng Hindu, thần Vishnu được biểu trưng như một chàng trai tuấn tú,có nước da ngăm đen với sắc xanh dương sẫm hoặc xanh dương nhạt, y phục giống vị vua thời xa xưa. Thần có bốn tay. Một tay nắm giữ Panchajanya, một Sankha hay vỏ ốc xà cừ; tay khác là Su-darsana hay Vajra-nabha, chakra hoặc chiếc vòng vũ khí/đĩa; tay thứ ba là Gada hay dùi cui được gọi là Kaumodaki; và tay thứ tư là một Padma hay cành hoa sen. Thần có một cây cung gọi là Sarnga và một thanh gươm có tên Nandaka. Trên ngực thần là dấu bớt đặc biệt hay lọn lông quắn gọi là Sri-vatsa, ngọc báu Kaustubha và trên cổ tay thần là ngọc quý Syamantaka.

Cõi thiên đường của thần Vishnu là Vaikuntha.

Thần đôi khi được biểu hiện ngồi trên hoa sen cùng với nữ thần Lakshmi bên cạnh hoặc ngồi dựa trên một chiếc láở trên cây. Thỉnh thoảng thần được miêu tả ngồi dựa trên rắn thần Sesha, tức chúa tể Vishnu ngồi dựa trên các vòng cuộn của rắn thần Ananta, cùng với người phối ngẫu của mình – nữ thần Lakshmi, như thần đang “chìm đắm trong mơ vũ trụ/vạn vật thành hiện thực”, hoặc khác là cưỡi trên chim thần Garuda khổng lồ.

3. Mối quan hệ với các thần linh khác

Lakshmi

Lakshmi, vị nữ thần Hindu về của cải, vận mệnh và thịnh vượng (vật chất lẫn tinh thần), là người vợ và là shati/năng lực âm tính của thần Vishnu. Nữ thần cũng được gọi là Sri hay Thirumagal bởi nữ thần là nguồn cội tám điểm cát tường của thần Vishnu. Khi thần Vishnu hiện thân trên trái đất như các hóa thân Rama  Krishna, hóa thân của nữ thần Lakshmi như những người phối ngẫu tương ứng của thần: nàng Sita (người vợ của Rama) và Rukmini (người vợ của Krishna). Lakshmi và Padmavati là những người vợ của thần Vishnu ở Tirupati. Trong Hindu giáo, thần Vishnu đã hóa thân là Venkatachalapathi tại Tirupati, mặc dù hình thái uy nghi của thần không được coi như là một trong những hóa thân dasavatar.

Tam vị nhất thể/Trimurti: Shiva - Brahma - Vishnu

Trimurti (tam thể) là một khái niệm trong Hindu giáo: các chức năng sáng tạo vũ trụ, duy trì và hủy diệt được nhân cách hóa thành Brahma – thần sáng tạo, Vishnu – thần duy trì, bảo tồn hay bảo hộ, và Shiva – thần phá hủy hay biến đổi. Ba vị thần đó cũng được gọi là Bộ ba Hindu hay là “Bộ ba quyền lực”, tất cả đều có cùng một ý nghĩa của ba trong một. Họ là những hình thức hoặc biểu hiện khác biệt MộtĐấng Tối Cao.

Shiva và Vishnu đều được xem như là hình thức cơ bản của thần thánh trong các giáo phái Hindu khác nhau. Harihara là hình thức nửa Vishnu và nửa Shiva, và hình tượng liên quan đến Harihara được tìm thấy vào giữa thiên niên kỷ thứ nhất Tây lịch, chẳng hạn như trong các hang động 1 và hang 3 của điện thờ trong hang Badami thế kỷ thứ VI. Hình thức nửa Vishnu nửa Shiva khác, cũng được gọi là Harirudra, được đề cập trong Mahabharata.

Garuda 

Vật cưỡi (Vahana) của thần Vishnu là chim thần Garuda. Thần Vishnu thường được miêu tả như cưỡi trên vai Garuda. Garuda cũng được xem như kinh Veda trên nó thần Vishnu du hành. Garuda là con chim thiêng của Vishnu giáo/Vaishnavism. Trong Garuda Purana, Garuda chở thần Vishnu để cứu voi Gajendra.

Con sông Hằng linh thiêng được cho rằng hiện ra từ chân của thần Vishnu.

Là đấng bảo tồn và tái sinh, Vishnu là một vị thần rất phổ biến và sự thờ cúng dành cho thần là do đặc tính hoan lạc.

4. Các hóa thân của thần Vishnu

Quan niệm về hóa thân trong Hindu giáo phần lớn thường nối kết với thần Vishnu, vị thần bảo trì hay người chống đỡ các mặt của thần thánh trong bộ ba Hindu/Trinity/Trimurti gồm thần Brahma, Vishnu và Shiva. Các hóa thân của thần Vishnu được hạ xuống để trao quyền cho điều tốt và chống lại điều xấu xa/các yêu ma, từ đó khôi phục lại chánh pháp. Một đoạn văn thường được trích dẫn từ Bhagavad Gita mô tả vai trò tiêu biểu của một hóa thân của Vishnu:

Mỗi khi công bằng suy yếu và bất công gia tăng ta gửi bản thân mình về phía trước. 
Để bảo vệ cho cái tốt và để hủy diệt cái xấu xa,
 và để thiết lập sự công bằng, 
ta đi từ thời kỳ này đến thời kỳ khác.(Bhagavad Gita 4,7-8).

Hóa thân của thần Vishnu xuất hiện trong thần thoại Hindu bất cứ khi nào vũ trụ đang bị khủng hoảng, đặc biệt khi cái ác sinh trưởng mạnh mẽ hơn và đã ném vũ trụ khỏi sự cân bằng của chính nó. Các hóa thân xuất hiện trong một hình thức tồn tại, để tiêu diệt cái ác và các nguồn cội của nó nhằm khôi phục vũ trụ cân bằng giữa các thế lực luôn hiện hữu giữa thiện và ác.

Hóa thân được biết đến và tán dương nhiều nhất của thần Vishnu, trong truyền thống Vishnu giáo/Vaishnavism của Hindu giáo là Krishna, Rama, Narayana và Vasudeva. Những tên gọi đó chiếm số lượng lớn trong văn chương, mỗi nhân vật đều có những đặc trưng, các truyền thuyết cũng như hình thức nghệ thuật liên quan.Trong sử thi Mahabharata là Krishna, vàsử thi Ramayana là Rama.

Dashavatara 

Bhagavata Purana miêu tả các hóa thân của thần Vishnu là hằng hà sa số, mặc dù mười hóa thân của ngài (Dashavatara), được tôn vinh như là sự xuất hiện chủ đạo. Mười hóa thân chính của thần Vishnu được đề cập trong Agni Purana, Garuda Purana  Bhagavata Purana; ba mươi chín hóa thân được đề cập trong Pañcaratra. Số lượng thông thường được chấp nhận là mười hóa thân của thần Vishnu đã được chọn vào trước thế kỷ thứ X.

Mười hóa thân nổi tiếng nhất của Vishnu được gọi chung là Dasavatara (một từ ghép Phạn ngữ mang nghĩa là “mười hóa thân”). Mười hóa thân này có năm danh sách khác biệt có trong Bhagavata Purana, ở đó sự khác biệt ở trình tự tên gọi là do các nhà biên soạn cố ý tự sắp xếp, để tránh ngụ ý ưu tiên hoặc định hình và giới hạn cái gì đó dẫn đến sự trừu tượng.

 

Tên

Miêu tả

Hình ảnh

Matsya

Đại diện nửa người nửa cá. Ngài cứu thế giới khỏi trận lũ vũ trụ, với sự trợ giúp của chiếc thuyền làm từ kinh Vệ-đà (kiến thức), trên đó ngài cũng đã cứu Manu (tổ tiên của loài người) và tất cả chúng sanh. Một con quỷ đã đánh cắp và cố gắng tiêu hủy các quyển kinh Vệ-đà, nhưng Matsya đã nhìn thấygiết chết con quỷ, trả kinh Vệ-đà về lại nguyên trạng.


Kurma

Hóa thânrùa. Ngài như là vật đỡ vũ trụ, trong khi các vị thần và quỷ khuấy sục đại dương vũ trụ với sự giúp sức của rắn thần Vasuki để tìm kiếmthuốctrường sinh. Sự khuấy động này xuất hiện cả cái tốt và cái xấu, trong đó có cả độc chất và liều thuốc bất tử. Không ai muốn chất độc, mọi người đều muốn có sự trường sinh bất tử. Các con quỷ cố gắng đánh cắp liều thuốc trường sinh, nhưng thần Vishnu đã xuất hiện dưới hóa thân Mohini, một thiếu nữ lẳng lơ xinh đẹp, thu hút khiến chúng quên đi liều thuốc thần.


Varaha

Hóa thân lợn lòi. Thần đã giải cứu nữ thần đất khi nữ thần bị con quỷ Hiranyaksha bắt cóc và giấu vào sâu tronglòng đại dương vũ trụ. Lợn lòi đã tìm thấy nữThần Đất, giết chết con quỷ, và nữ thần được thần giữ trênchiếc nanh của mìnhđể đưa nữ thần quay trở lại mặt đất.


Narasimha

Hóa thân nửa người nửa sư tử. Vua quỷ Hiranyakashipu trở nên vô cùng mạnh mẽ, được năng lực đặc biệt mà không một con người hoặc động vật nào có thể giết con quỷ, do đó con quỷ đã uy hiếphành hạ những ai không phục tùnghắn, kể cả người con trai của mình. Hóa thân người-sư tửđược sáng tạo nhằm giết chết Hiranyakashipu và giải cứu người trai của quỷ  Prahlada - người đã phản đối chính cha mình. Các truyền thuyết là một phần của lễ hội Holi .


Vamana

Hóa thân người lùn. Vua quỷ Bali giành được quyền năng ưu việt, cai trị toàn bộ vũ trụ. Hóa thân người lùn tiếnđến trước Bali trong hình thức của một tu sĩ, khi vị vua quỷ Bali cố gắng thể hiện sự hào phóng bằng cách ban phát ân sủng, bố thí tại buổi cúng tế. Bali ban cho người lùn bất kỳ của cải nào, nhưngtu sĩ từ chối và cầu xin lãnh địa của ba bước chân. Bali liền đồng ý ban nó cho tu sĩ. Người lùn bấy giờ mới trở dậy và trở nên to lớn bất thường, bước chân đầu tiên thần lấy hết cõi đất, bước thứ hai thần có được tất cả các tầng trời, và dừng bước thứ ba nhường cõi âm tychovua quỷ Bali.


Parashurama

Hóa thân nhà hiền triết với một cây rìu. Khi tầng lớp chiến binh trở nên quá mạnh mẽ, và chiếm giữtài sản/của cải của kẻ khác để vui thú, hưởng thụ cho riêng mình. Hóa thân xuất hiện như một nhà hiền triết với chiếc rìu, giết vua và cả những chiến binh của nhà vua.


Rama

Chủ thể của Ramayana


Krishna

Chủ thể của MahabharataBhagavad Gita


Đức Phật

Chủ thể của Phật giáo. Một số kinhvăn Hindu thay thế Đức Phật với Balarama hay với Rishabhanatha, các Tīrthankara đầu tiên của đạo Kỳ-na.


Kalki

Hóa thân cuối cùng xuất hiện như một người đàn ông với con ngựa trắng có cánh, với kế hoạch ​​kết thúc yuga Kali, để tái sinh và đổi mới vũ trụ.


 

II. Tỳ Nữu Thiên trong tín niệm Phật giáo

1.Tỳ Nữu Thiên(2), Tỳ-nữu, Phạn:Visnu. Còn gọi: Tỳ-sắt-nô thiên, Tỳ-thấp-nô thiên, Tỳ-sưu-nữu thiên. Hán dịch: Biến Nhân thiên, Biến Tịnh thiên.

Vị trời này chủ quản về sự duy trì và phát triển thế giới, nhờ vị trời này có thần tánh từ ái, ân huệ nên con người có thể gần gũi, kính tín, tôn sùng. Đặc tính của vị trời này là “Quyền hóa” (Phạn: Avatara), lấy việc cứu độ chúng sanh làm mục đích, dùng thần lực siêu nhiên của mình biến hiện ra 10 hình tướng, đó là Tỳ-sắt-nô thập đại quyền hóa. Để nói lên các công đức của Ngài nên có các tên gọi khác như: Đấng Chân Thật, Đấng Bất Diệt, Sanh mạng, thầy thuốc, bạn, cha, người ban ơn, vị thuốc của thế giới, bậc Thánh…

Trong các kinh Phật như: kinh Kim quang minh tối thắng vương 9, kinh Phật mẫu đại khổng tước minh vương, trung, kinh Đại nhật 2 đều có nói đến vị trời này.

2.Na La Diên thiên(3), Na-la-diên, Phạn và Pàli: Narayana. Còn gọi: Na-la-diên-na thiên, Na-la-dã-noa thiên. Hán dịch: Kiên Cố lực sĩ, Kim Cang lực sĩ, Nhân Sanh Bản thiên, là vị trời có sức mạnh.

Theo Huệ lâm âm nghĩa 6, Na-la-diên là tên vị trời ở cõi Dục, còn gọi là trời Tỳ-nữu (Phạn: Visnu), nếu ai muốn được sức mạnh mà chân thành cầu nguyện, cúng dường vị trời này thì sẽ được toại ý.

Theo Huệ lâm âm nghĩa 41, đây là vị trời có sức mạnh, thân màu vàng lục, có 8 tay, cỡi chim cánh vàng, tay cầm đấu luân và các loại gậy, thường đánh nhau với A-tu-la vương.

Nhưng các Luận sư Vệ-đà/Veda của Ấn Độ cổ đại thì cho rằng vị trời này là mẹ của Phạm Thiên, tất cả mọi người đều sanh ra từ Phạm Thiên. Ngoài ra, ngoại đạo còn nói trời Na-la-diên tức là Đại Phạm Vương, tất cả mọi người đều sanh ra từ Phạm Vương, nên gọi là Nhân Sanh Bản. Các luận sư Ma-hê-thủ-la thì cho trời Na-la-diên là 1 trong 3 phần (tức Phạm Thiên, Na-la-diên và Ma-hê-thủ-la) của một thể Đại Tự Tại Thiên. Nếu phối hợp với Tam bảo và 3 thân, thì Na-la-diên là Báo thân, biểu thị cho Pháp bảo trong Tam bảo. Vì trời Na-la-diên có sức mạnh nên người đời sau gọi chung Na-la-diên và Mật Tích Kim Cang là Nhị Vương tôn, được an trí trước cửa chùa.

Trong Mật giáo, vị trời này ngự ở phía Tây Ngoại Kim Cang Bộ Viện trong mạn-đồ-la Thai Tạng giới. Về hình tượng, tôn vị này có thân màu xanh đen, cỡi chim Ca-lâu-la, duỗi chân phải, tay trái đặt ở eo, tay phải đưa lên co lại, ngón trỏ dựng thẳng đứng, trên có 1 bánh xe; có 3 mặt, mặt trước là mặt Bồ-tát có 3 mắt, mặt bên phải là voi trắng, mặt bên trái là heo đen, đầu đội mũ báu anh lạc.

3. Trong một số kinh tạng đạo Hindu coi Đức Phật như là một hóa thân của thần Vishnu, Phật tử ở Sri Lanka tôn kính thần Vishnu như là vị thần trông coi Sri Lanka và bảo vệ của Phật giáo. Thần Vishnu cũng được biết đến như Upulvan hayuthpala varna, mang nghĩa Hoa sen màu xanh dương. Một số mặc nhiên công nhận rằng Uthpala varna là một vị thần địa phương, người sau này được sáp nhập vào thần Vishnu trong khi các tín niệm khác tin rằngUthpala Varna là hình thức ban đầu của thần Vishnu trước khi ngài trở thành một vị thần tối cao trong cổ sựHindu giáo. Theo biên niên Mahawamsa, Chulawamsa và văn hóa dân gian ở Sri Lanka, Đức Phật đã giao cho thần Vishnu chăm sóc, canh giữ xứ sở này. Những tài liệu kháccho rằng Đức Phật giao phó nhiệm vụ này cho Sakra (Indra) và Sakra giao phó nhiệm vụ giám hộ này cho thần Vishnu. Nhiều điện thờ Phật giáo  Hindu được dành riêng cho thần Vishnu ở Sri Lanka. Ngoài ra để cụ thể Vishnu Kovils hay devalayas, tất cả các điện thờ Phật giáo luôncó những căn phòng thờ (Devalayas) gần ngôi đền Phật giáo chính dành riêng cho thần Vishnu.

John Holt cho rằng Vishnu là một trong các vị thần Hindu được tích hợp vào văn hóa tín ngưỡng Phật giáo Sri Lanka vào thế kỷ XIV và XVở các điện thờ Phật giáo Lankatilaka và Gadaladeniya. Ông nói rằng truyền thống Sri Lanka thời trung cổ khuyến khích việc thờ cúng thần Vishnu (puja) như một phần của Phật giáo Nam tông giống truyền thống Hindu tích hợp Đức Phật như một hiện thân của thần Vishnu, nhưng ngày nay các tu sĩ Nam tông cố gắng xóa bỏ tập tục thờ cúng thần Vishnu khỏi các điện thờ Phật giáo. Theo Holt, việc tôn kính thần Vishnu ở Sri Lanka là bằng chứng rõ rệt về khả năng, qua nhiều thế kỷ, tái tạo lại văn hóa các dân tộc khác đã được hấp thụ để trở thành cái cho riêng mình. Mặc dù hệ thống thờ cúng Vishnu ở đất nước này đã chính thức được các nhà vua Kandyan chấp nhận vào buổi đầu những năm 1700. Holt cho rằng hình ảnh Vishnu và điện thờ là một trong những chứng tích dễ thấy tại thủ phủ thời trung cổ Polonnaruwa.

Hình tượng thần Vishnu gồm tượng tròn và các bức chạm khắc đã được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ của Đông Nam Á và ngày nay chủ yếu là của  truyền thống Phật giáo Nam truyền.  Thái Lan, ví dụ, tượng thần Vishnu bốn tay được tìm thấy ở các tỉnh gần Malaysia có niên đại từ thế kỷ thứ IV – thứ IX, và những hình mẫu đó cũng được tìm thấy ở Ấn Độ cổ đại. Tương tự như vậy, tượng thần Vishnu được phát hiện từ thế kỷ thứ VI đến thế kỷ VIII phía Đông tỉnh Prachinburi và trung tâm tỉnh Phetchabun ở Thái Lan, và phía Nam tỉnh Đồng Tháp và An Giang của Việt Nam. Tượng thần Krishna từ đầu thế kỷ thứ VII đến thế kỷ thứ IX đã được tìm thấy tại tỉnh Takéo và các tỉnh khác của Campuchia. Nghiên cứu khảo cổ học đã phát hiện ra những pho tượng thần Vishnu trên các hòn đảo của Indonesia chúng có niên đại từ thế kỷ thứ V và sau đó. Bên cạnh các tượng, bia khắc và những điêu khắc về thần Vishnu, như liên quan đến “ba bước chân của thần Vishnu” (Trivikrama) đã được tìm thấy trong nhiều phần của Phật giáo Đông Nam Á. Trong một số hình tượng, biểu tượng về thần Surya, thần Vishnu và Đức Phật được hợp nhất.

Trong hệ thống các vị thần Phật giáo Nhật Bản, thần Vishnu được biết đến như Bichū-ten (Tỳ Nữu Thiên), và thần đã xuất hiện trong kinh văn Nhật Bản như các tác phẩm của phái Nhật Liên tông vào thế kỷ thứ XIII. Ngoài ra còn có các hình thức khác như Mishichiju 微瑟紐 (Mishichijū), và Ungyo 吽形 (Ungyō), và cuối cùng là Hộ pháp Nio trấn cửa bảo vệ lối vào đền thờ. Vật cưỡi của Vishnu là chim thần được biết đến ở Nhật như Karura (迦楼羅). Người vợ của thần trong các truyện thần thoại Hindu là vị thần của Phật giáo được biết đến ở Nhật Bản là Kichijoten (Cát Tường Thiên) hoặc Kudokuten(Công Đức Thiên), nữ thần tài sản và công đức. Trong Phật giáo bí truyền, thần xuất hiện như một thần tính bên ngoài ngoại kim cang bộ viện của mạn-đà-la Thai tạng giới(4).

4. Ngoài những gì nêu trên, về mặt tạo hình Phật tượng, chúng ta cũng dễ nhận ra mối quan hệ giữa dạng tượng Vishnu dựa trên rắn Sesha và tượng Đức Phật ngồi thiền định được rắn thần Mucilinda che chở.

Rõ ràng tượng Phật – Rắn Mucilinda bắt nguồn từ phẩm Mucilinda trong kinh Tiểu bộ, song phải chăng căn nguyên là từ tín niệm đồng nhất Đức Phật với hóa thân thứ chín của thần Vishnu? Đây là vấn đề không dễ truy cứu, song về mặt nghệ thuật tạo hình, mối tương đồng trong tư duy thẩm mỹ hầu như là hiển nhiên, xét về mặt trực quan.

Đến nay, trong các pho tượng Phật-Rắn Mucilinda nổi tiếng, tượng có niên đại sớm nhất là nửa cuối thế kỷ XI: pho tượng sa thạch cao 1,14 mét ở đồn điền Peam Cheng (Kompong Chàm, Campuchia). Kết quả nghiên cứu cho biết rằng việc thể hiện hình tượng Phật trên rắn Mucilinda rộng rãi ở Campuchia là từ thời Baphoun – ngôi đền núi do Udayadityavarman II (1050-1066) về sau. Đến thế kỷ đầu XII, bức tượng Phật-Mucilinda bằng sa thạch (Sisophon/Banteay Meanchey) là pho tượng được coi là tác phẩm tuyệt mỹ về đề tài này. Đây là pho tượng thuộc phong cách mỹ thuật Angco Wat dưới thời vua Jayavarman VII, một triều đại bảo trợ Phật giáo tích cực.

Helen Ibbitson Jesup, tác giả sách Nghệ thuật & kiến trúc Cambốt, cho biết thêm bối cảnh lịch sử và đặc điểm về pho tượng tuyệt mỹ này: Sau hơn 3 thế kỷ hầu như vắng bóng Phật tượng thì đến cuối thế kỷ XI, Phật tượng lại tái xuất hiện. Khó có thể nói rằng tính chất nhân bản của Phật giáo đã ảnh hưởng đến phong cách nghệ thuật, song tượng Phật ngồi trên rắn Mucilinda tìm thấy ở Sisophon đã đạt được sự hoàn hảo kinh điển của phong cách Angkor Wat, thể hiện ở việc tạo tác phần chính cơ thể và tứ chi rất thực, sự biểu cảm của khuôn mặt thanh thản đã chứng tỏ đây là một sự trầm tư hơn là sự lãnh đạm. Ấn tượng này khá tương đồng với pho tượng Phật ngồi trên rắn Mucilinda, đúc bằng đồng phát hiện ở Tháp Bạc (Bình Định), có niên đại vào khoảng 1150-1175. Sự thanh nhã của pho tượng này là mẫu mực của kỹ xảo đúc đồng Khmer. Mặc dù bị hư hỏng đáng kể, tượng vẫn bảo tồn được. Đây là một trong những pho tượng Phật mỹ lệ theo kiểu thức đã trở thành một trong những cách thể hiện thấy ở nhiều nơi trên xứ sở Campuchia và cả ở Lopburi (Thái Lan).(5)

Nói chung, tranh tượng thể hiện đề tài này ở từng nơi từng lúc có những dị biệt nhất định, nhưng về cơ bản là định hình. Sự khác biệt đó là ở số lượng cuộn của rắn làm đài tọa hay ở tọa thức, tức cách đặt bàn chân của Đức Phật, song hình tượng này luôn chiếm vị trí chủ đạo trong vùng. Các mẫu tượng Thái Lan và Campuchia thường bổ sung vương miện, đồ trang sức, gắn kết chủ đề này với khái niệm về đấng quân vương nói chung. Trong trường hợp Jayavarman VII, vị vua bảo hộ Phật giáo mạnh mẽ nhất ở đất nước Campuchia thời bấy giờ, tượng Phật ngồi trên rắn Mucilinda được an vị tại trung tâm của ngôi đền lớn nhất là Bayon và thậm chí như là sự đồng nhất với chính nhà vua(6).

Tượng Đức Phật thiền định trên đài tọa là những cuộn tròn của thân rắn Mucilinda (còn gọi Muchalinda/Mucalinda; âm Hán Việt: Mục Chân Lân Đà) và được Mucalinda vươn những chiếc đầu phủ che từ phía sau lưng trước kia vốn không có trong tập thành mỹ thuật Phật giáo Đại thừa truyền thống ở xứ ta và chỉ thấy trong mỹ thuật Phật giáo Nam truyền Khmer Nam bộ. Đến những thập niên 30 thế kỷ trước, các hình tượng Phật-Rắn Mucilinda của dòng gốm mỹ nghệ Biên Hòa đã đưa dạng tượng này, có kích cỡ nhỏ, đến với công chúng. Đồng thời, cùng với sự phát triển của tông phái Phật giáo Nam truyền trong cộng đồng người Việt, tượng Phật-Rắn càng lúc trở nên phổ biến hơn và đến nay đã thấy xuất hiện ở nhiều tu viện, cả tu viện Phật giáo Nam truyền và Phật giáo Bắc truyền. Riêng loại tượng gốm mỹ nghệ Biên Hòa, ngoài mẫu tượng gốc thời ban đầu, đến nay cũng đã có những mẫu tượng Phật-Rắn mới với những canh cải khác nhau, có nhiều sáng tạo và không ít mẫu tượng đi quá xa với quy phạm đồ tượng chính thống vốn được lưu xuất từ kinh điển Phật giáo.

Nói chung, so với các thần linh/chư thiên gốc từ Hindu giáo được Phật giáo hóa, thần Vishnu/Tỳ Nữu Thiên có phần ít phổ biến; song Tỳ Nữu Thiên trong điện thờ Phật giáo có những biến tấu đặc dị riêng.

HUỲNH THANH BÌNH

Chú thích:

(1) Xem:

- Ariel Glucklich. The Strides of Vishnu : Hindu Culture in Historical Perspective: Hindu Culture in Historical Perspective. Oxford University Press, 2008.

- Kumar Das, Sisir.A history of Indian literature, 500–1399. Sahitya Akademi, 2006.

- Mahony, William K. The Artful Universe: An Introduction to the Vedic Religious Imagination. Đại học bang New York xb, 1998. 

- Devdutt Pattanaik. 7 Secrets of Vishnu. Westland ltd xb, 2011.

- Daniélou, Alain. The myths and gods of India. Inner Traditions, Vermont, Mỹ, 1964, 1991 tái bản,  tr.164–187.

- James Lochtefeld. The Illustrated Encyclopedia of Hinduism. Rosen xb, Tập 12, 2002.

- Mittal, Sushil; Thursby, G. R. The Hindu World. Routelge xb.

- Matchett, Freda. Krishna, Lord or Avatara?: the relationship between Krishna and Vishnu. Routledge xb, 2001, tr. 160.

-John Dawson, M.R.A.S (2004),  A classical dictionary of Hindu mythology and religion, georaphy, history and littrature, xb bởi Rupa. Co, tr. 360-362.

(2)Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 8: T, tr. 7477, 7478.

(3)Thích Minh Cảnh chủ biên. Từ điển Phật học Huệ Quang, tập 5: L-M-N-NG, tr. 4209, 4211.

(4)Xem:

- Swarna Wickremeratne.Buddha in Sri Lanka: Remembered Yesterdays. Đại học bang New York xb, 2012,tr.111. 

- John C Holt. The Buddhist Vishnu: Religious transformation, politics and culture. Đại học Columbia xb, 2004,tr.51. 

- John Guy. Lost Kingdoms: Hindu-Buddhist Sculpture of Early Southeast Asia. Bảo tàng nghệ thuật Metropolitan xb, 2014.

(5) Helen Ibbitson Jessup: Art & architecture of Cambodia, Thame & Hudson. Ltd, London, 2004, tr.154-155.

(6) Robert E. Fisher: Budhist Art architecture, Thame & Hudson. Ltd, 1996, tr.171.

 

Chú thích hình:

V1: Thần Vishnu cưỡi trên chim thần Garuda. Chăm, Vietnam, thế kỷ VIII-IX, Bảo tàng Guimet, Paris

V2: Thần Vishnu, cuối thế kỷ VI – đầu thế kỷ VII, miền Nam Việt Nam, mượn bởi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam từ Khmer

V3: Thần Vishnu ngự trên rắn thần Sesha

V4: Thần Vishnu

V5: Thần Vishnu ngự trên rắn thần Sesha

V6: Thần Vishnu, Ấn Độ

V7: Thần Vishnu cưỡi trên chim thần Garuda, Ấn Độ

V8: Thần Upulvan được nhận diện với chúa tể Vishnu, Sri Lanka

V9: Tượng Chấp Kim Cang ở Pháp Hoa đường, Đông Đại tự, Nhật Bản

V10: Bichū-ten (Tỳ Nữu Thiên)

 

Chia sẻ: facebooktwittergoogle
Các bài viết khác