Tín ngưỡng thờ phụng Phật Dược Sư ở Nhật Bản

tin nguong

Tín ngưỡng thờ phụng Phật Dược Sư ở Nhật Bản

Mark Schumacher – Nguyên Hiệp dịch

 

Tín ngưỡng thờ phụng Phật Dược Sư (Jp:Yakushi Nyorai, Skt:Bhaiṣajyaguru) là một trong những tín ngưỡng phát triển đầu tiên ở Nhật sau khi Phật giáo du nhập vào đảo quốc này vào giữa thế kỷ VI. Bằng chứng cụ thể về việc phụng thờ Đức Phật này ở Nhật Bản có niên đại từ cuối thế kỷ VII vào triều đại hoàng đề Tenmu (天武天皇/Thiên Vũ Thiên Hoàng). Vốn chỉ được những người cai trị và giới quý tộc triều đình thờ phụng vì những lợi ích cá nhân (để chữa những bệnh đe dọa tính mạng), Phật Dược Sư về sau trở thành một vị Phật chính trong các nghi lễ vào thế kỷ VIII để đảm bảo cho lợi ích của toàn vương quốc. Vào đầu thế kỷ IX, vị Phật này cũng được mong đợi hàng phục những vị thần gây nên tai họa. Vào thời kỳ Heian (794-1185), tín ngưỡng Phật Dược Sư lan rộng khắp những khu vực của Nhật Bản, được chứng minh bằng sự gia tăng bất ngờ việc tạo tác tranh tượng Phật Dược Sư vào thế kỷ IX và X. Hàng trăm tượng Phật Dược Sư thời kỳ Heian hiện còn, một con số cực kỳ lớn được so sánh với những tượng Phật khác còn tồn tại, chứng thực sự nổi bật của vị Phật này vào thời bấy giờ. Hầu hết những tượng này, học giả Yui Suzuki nói, là được tôn trí trong những ngôi chùa lớn thuộc triều đình hoặc giới quý tộc, nhưng một số được tôn trí trong những am thất và những ngôi chùa nhỏ cách xa kinh đô, cho thấy rằng việc thờ phụng Phật Dược Sư đã mở rộng đến những tầng lớp thấp hơn.

Học thuật Nhật Bản hiện đại đã đóng góp lớn lao cho việc hiểu của chúng ta về những tượng Phật Dược Sư sơ kỳ, những phong cách và kỷ thuật được sử dụng để tạo tác chúng, và sự nối kết của những tượng cổ xưa này với những ngôi chùa cụ thể. Nghịch lý, những học giả trong và ngoài Nhật Bản không quan tâm đến ngữ cảnh tín ngưỡng và nghi lễ của việc phụng thờ Phật Dược Sư và vai trò trọng tâm của các tranh tượng trong việc truyền bá Phật giáo. Sự bỏ sót này may mắn đã được Yui Suzuki bổ sung ở trong cuốn sách của mình xuất bản vào năm 2012, Medicine Master Buddha: The Iconic Worship of Yakushi in Heian Japan.

Nguồn gốc

Matsunami Kōdō (松濤弘道/Tùng Đào Hoằng Đạo, b.1933), một học giả Phật giáo nổi tiếng và cựu chủ tịch Hiệp hội Phật giáo Nhật Bản, nói rằng:“Bởi vì có một mantra liên quan đến Phật Dược Sư (Bhaiṣajyaguru) đề cập đến một người con gái của một một thị tộc sống ở Nam Á, điều đó cho thấy rằng Đức Phật này không có nguồn gốc ở Ấn Độ, mà ở trong số các bộ tộc du mục ở Nam hoặc Trung Á và về sau sáp nhập vào trong Phật giáo. Một nguồn văn bản quan trọng về Đức Phật này là kinh Dược Sư (Bhaiṣajyaguru vaiḍurya prabha rāja sūtra)”[1].

Còn Yui Suzuki viết:“Việc thờ phụng Phật Dược sư đầu tiên được phát triển ở Trung Á vào cuối thế kỷ III TL, và được truyền vào Trung Quốc theo Con đường tơ lụa vào đầu thế kỷ IV. Từ Trung Quốc, nó vươn đến những khu vựckhác ở Đông Á, bao gồm bán đảo Triều Tiên. Chính từ đây mà tính ngưỡng này du nhập vào đảo quốc Nhật Bản, bám rễ vững chắc ở đây vào cuối thế kỷ VII.”[2]

Kinh sách

Sự tiếp xúc đầu tiên của Nhật Bản đối với Phật Dược Sư đến từ ba kinh (mỗi bản dịch Hán ngữ được dựa trên một bản Sanskrit gốc) mà chúng được truyền đến Nhật vào giữa thế kỷ VII và đầu thế kỷ VIII. Những kinh này mô tả năng lực của Phật Dược Sư, những phương pháp cho việc thờ phụng đúng đắn vị Phật này, và những lợi ích đạt được (đặc biệt nhất là chữa trị những bệnh thế gian). Chúng cũng mô tả mười hai thệ nguyện của Phật Dược Sư khi Ngài còn là một vị Bồ-tát. Kinh về Phật Dược Sư cổ nhất hiện còn ở Nhật Bản có niên đại 731, mặc dù Nhật Bản thư ký (日本書紀, những ghi chép của Nhật Bản; phổ biến vào khoảng 720) gồm có một đoạn nói về việc tụng đọc một kinh về Phật Dược Sư tại chùa Kawaradera (川原寺/Xuyên Nguyên tự).[3]

Ba bản kinh chính này được trình bày bên dưới. Hai bản kinh đầu được lưu hành rộng rãi ở Nhật Bản sơ kỳ.

1. Hán ngữ là 藥師琉璃光如來本願功德經 (Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức kinh). Kinh này được Huyền Trang (玄奘, Jp: Genjō, 602–664) dịch sang Hán ngữ vào năm 650 và được biết như là Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức kinh. Viết tắt là Dược Sư bổn nguyện kinh (藥師本願經). Ở Nhật Bản, kinh này được gọi là Yakushi Rurikō Nyorai Hongan Kōtoku Kyō (viết tắt là Yakushi Hongan Kyō).

2. Hán ngữ là 藥師琉璃光七佛本願功德經 (Dược Sư Lưu Ly Quang thất Phật bổn nguyện công đức kinh), được Nghĩa Tịnh (義淨, Jp: Gijō, 635–713) dịch sang Hán ngữ từ Sanskrit vào năm 707. Kinh này có tên Nhật ngữ là Yakushi Ryūrikō Shichibutsu Hongan Kudoku Kyō. Kinh được dịch sang Anh ngữ với tựa là “Scripture on the Merits of the Fundamental Vows of the Seven Buddhas of Lapis Lazuli Radiance, the Masters of Medicine.” Bản dịch của Nghĩa Tịnh dài hơn bản dịch của Huyền Trang, cho thấy một sự khai triển từ Huyền Trang. Sự khác nhau chủ yếu là rằng bản dịch của Nghĩa Tịnh đề cao Phật Dược Sư cùng với sáu vị Phật Dược Sư khác. Họ được biết chung như là Thất Phật Dược Sư (七仏薬師, Shichibutsu Yakush, nghĩa đen là bảy vị Phật chữa bệnh, hay bảy vị Phật lương y).

3. Hán ngữ là藥師如來本願經(Dược Sư Như Lai bổn nguyện kinh), do Đạt Ma Cấp Đa (達摩笈多, Skt: Dharmagupta,Jp: Darumagyūta,niên đại 619 ) dịch từ Sanskrit sang Hán ngữ vào năm 615. Ở Nhật kinh này được gọi là Yakushi Nyorai Hongan Kyō.

Tư thế: đứng hay ngồi?

Từ thế kỷ IX về sau, Yui Suzuki cho rằng, tín ngưỡng Phật Dược Sư được truyền bá chính yếu bởi Thiên thai tông, như là một phương tiện để đề cao Tối Trừng (最澄, Saichō, 767-822), người sáng lập Thiên thai tông, và để cạnh tranh với Chân ngôn tông. Bà nói rằng Tối Trừng cố ý chọn hình thức Phật Dược Sư đứng và điều này có một ý nghĩa và chức năng nghi lễ đặc biệt mà nó khác triệt để với những tượng ngồi được tạo tác vào thời sơ kỳ Nara. Chính mẫu tượng đứng của Tối Trừng này đã được sao chép và phổ biến đến các tỉnh, và tư thế đứng này, bà cho rằng, là phương tiện để miêu tả một vị Phật “chủ động” xuất hiện trong thế gian, hơn là một vị Phật ngồi thuyết giảng hay thiền định trên một cõi tịnh độ cách xa đời sống trần thế.

Tuyến luận điểm này – rằng những tượng đứng củng cố hình ảnh những vị Phật “năng động” mang lợi ích đến thế gian này hơn là những tượng ngồi bất động xa rời những lợi ích trần tục – hầu như được các học giả người Nhật và không phải người Nhật chấp nhận. Ví dụ, Hank Glassman, tác giả của cuốn The Face of Jizō: Image and Cult in Medieval Japanese Buddhism (Univ. of Hawaii Press, 2012), viết (tr.25-26): “Sử gia mỹ thuật Mochizuki Shinjō chia sẻ quan điểm của Bernard Faure rằng các vị Phật và Bồ-tát luôn luôn bất động, nhưng tìm thấy một sự ngoại lệ ở Jizō và nói rằng sự vận động của Ngài là biểu thị mục đích tích cực cứu độ chúng sanh… Ông cho rằng những tượng đứng của Jizō đặc thù có một chân được đặt lên trước chân kia và rằng, ở trong các bức tranh, Jizō thường để một đài sen ở bên dưới mỗi chân để đỡ sự chuyển động của Ngài”. Học giả danh tiếng John M. Rosenfield, trong cuốn Portraits of Chōgen: The Transformation of Buddhist Art in Early Medieval Japan (Brill, 2011) của mình cũng nói tương tự khi đề cập đến những tượng Phật A Di Đà. Rosenfield diễn giải: “Chân trái được đưa lên phía trước, tinh tế gợi lên sự chuyển động”. Và sau đó, khi nói về tượng Phật A Di Đà khác, ông nói: “Sự đối xứng bị phá vỡ bằng một tư thế không đối xứng nhỏ (chân trái đỡ trọng lượng chính của thân thể, và chân phải bước nhẹ lên phía trước)…những nét quan điểm hiện thực có thể nhìn thấy rõ này nhằm nối kết cõi Cực lạc với cõi người hữu hình” (tr.162-163).

Ấn chú, tư thế và vị trí tay

Phật Dược Sư được thể hiện điển hình với tay phải bắt ấnVô úy (施無畏印,Jp: Seimui-in mudra,Skt: Abhaya mudrā) và tay trái nắm một bình thuốc nhỏ. Nhưng điều này không phải luôn như vậy. Trước thế kỷ IX, tay của Phật Dược Sư được mô tả chung hơn với tay phải bắt ấn Vô úy và tay trái bắt ấn Dữ nguyện hay Thí nguyện (与願印, Jp: Yogan-in, hay施願印,Jp:Segan-in; Skt: Varada mudrā). Sự biến thể này – với tay trái tựa phía trên chân, lòng bàn tay ngữa ra và ngón giữa đưa lên – đưa đến quan niệm sai lầm rằng những tượng Dược Sư sơ kỳ từng nắm giữ bình thuốc (những chiếc bình mà không rõ lý do vì sao bị mất trong những thế kỷ sau). Quan niệm này là sai.

Những tượng Phật Dược Sư thời kỳ đầu dễ bị nhầm lẫn với tượng Phật Thích Ca Mâu Ni (Jp: Shaka Nyorai), vì những tượng của hai vị Phật được mô tả điển hình với tay phải thể hiện ấn Vô úy và tay trái thể hiện ấn Thí nguyện. Tuy nhiên, một vài tư thế của ngón tay cái có thể giúp ta vượt qua hết mọi bối rối khi nhận diện tượng. Thứ nhất, những ngón của tay phải tượng Dược Sư thường uốn nhẹ. Thứ hai, trong một tượng điêu khắc Nhật Bản, tay phải của Phật Dược Sư hình thành điều được gọi là Dược Sư tam giới ấn (薬師三界印, Jp: Yakushi Sangai-in), mà ở đó ngón tay cái hoặc đụng vào ngón tay trỏ hoặc ngón tay giữa. Ví dụ, xem những tượng Phật Dược Sư hiện còn vào cuối thế kỷ VII và đầu thế kỷ VIII tại những ngôi chùa ở Nara như Yakushiji (chùa Dược Sư), Hōryūji (chùa Pháp Long), và Shōrakuji (chùa Chánh Lạc). Thứ ba, không giống như những tượng Phật Thích Ca, những tượng Phật Dược Sư từ thời kỳ Heian hay về sau thường mô tả Đức Phật nắm giữ một bình thuốc trong tay trái. Trong một vài truyền thống, bình này được nói chứa một viên ngọc lục bảo thần diệu mà nó có thể chữa lành tất cả những bệnh tật trần thế. Sự thực, nhiều tượng Phật Dược Sư được tìm thấy khắp Nhật Bạn đã được những người bệnh mà họ được chữa khỏi đặt làm. Một vài tượng Phật Dược Sư nổi tiếng nhất là tại chùa Pháp Long (法隆寺, Hōryūji), chùa Dược Sư (薬師寺, Yakushi-ji), chùa Nguyên Hưng (元興寺, Ganko-ji), chùa Hưng Phúc (興福寺, Kōfuku-ji) và chùa Đường Chiêu Đề (唐招堤寺, Tōshōdai-ji), tất cả đều ở Nara. Tối Trừng, người sáng lập Thiên thai tông, theo như tường trình là đã tạc những tượng Phật Dược Sư, và người ta nghĩ rằng một tượng Dược Sư đứng hiện đã bị mất (do chính Tối Trừng tạc) được sử dụng làm “nguyên mẫu” cho việc sao chép lập đi lập lại ở những ngôi chùa liên quan đến Thiên thai tông khắp xứ này.

Bình thuốc, bát thuốc

Bình thuốc (yakko, 薬壺) của tượng Phật Dược Sư là đặc điểm hay biểu tượng xác định của Ngài (Sanmaiya gyō,三昧耶形) , nhưng điều này không phải luôn như vậy. Ở phần đầu cuốn sách (tr.21), Yui Suzuki viết:“Những tượng Phật Dược Sư từ thời kỳ Nara và sớm hơn điển hình không nắm giữ bình thuốc”.Sau đó, ở trang 38, bà thêm rằng:“Hai bản kinh về Phật Dược Sư quan trọng nhất ở Nhật Bản… không đề cập đến vật dụng này. Hầu hết những tượng Dược Sư từ thời kỳ Heian và về sau, tuy nhiên, nắm một bình thuốc trong lòng tay trái.” Suzuki nói, đặc điểm tượng mới này có thể được giới thiệu vào Nhật vào thế kỷ IX qua Dược Sư Như Lai niệm châu nghi quỹ (薬師如来念珠儀軌). Bản kinh này được dịch sang Hán ngữ vào khoảng thế kỷ VIII. Một sự xem xét những bức tượng Phật quý nhất của Nhật sẽ làm sáng tỏ vấn đề. Trong số 254 tượng Phật Dược Sư được chọn vào thời hiện đại như là bảo vật quốc gia Nhật hay di sản văn hóa quan trọng, gần 200 trăm tượng nắm giữ một bình hay bát thuốc. Nhưng, trong một vài trường hợp, chiếc bình được thêm vào trong những thế kỷ sau. Suzuki cũng nhận xét trong phần giới thiệu của mình rằng (tr.2) những sách giáo khoa về lịch sử nghệ thuật bằng tiếng Anh chỉ thảo luận về một hay hai trong số 254 tượng Dược Sư hiện còn được chọn như bảo vật văn hóa. Trong số những tượng Dược Sư hiện còn này, 13 tượng là bảo vật quốc gia và 241 tượng là di sản văn hóa quan trọng – một con số chỉ bị vượt qua bởi tượng Phật Di Đà.

Những điểm trọng tâm khác liên quanđến Phật Dược Sư

Những lợi ích ở thế gian này. Từ khởi đầu, Phật Dược Sư được thờ phụng ở Nhật vì “những lợi ích ở đời này” (現世利益,Jp: genze riyaku) hơn là những lợi ích siêu hình, chẳng hạn như chân lý phổ quát và trí tuệ siêu việt. Quan niệm xuất hiện từ những nguồn khác nhau. Trước hết, khi Phật giáo du nhập vào Nhật từ Triều Tiên vào giữa thế kỷ VI, nó được giới thiệu như một tôn giáo hứa hẹn với những lợi ích vật chất. Thứ hai, những tiếp xúc đầu tiên của Nhật với Phật Dược Sư đến từ hai kinh (chuyển dịch từ Sanskrit sang Hán ngữ) truyền đến Nhật Bản vào giữa thế kỷ VII và đầu thế kỷ VIII. Cả hai kinh này chứa đựng những chỉ dẫn nghi lễ cho việc cầu nguyện Phật Dược Sư để chữa lành bệnh trần gian. Thứ ba, khái niệm “hiện thế lợi ích” đã là một chủ đề then chốt và quy chuẩn xuyên suốt lịch sử tôn giáo Nhật Bản. Phật Dược Sư, trong vai trò của mình như là người cứu khỏi những bệnh đau và nổi khổ trần gian, là một trong những vị Phật được những tầng lớp cai trị và những tổ chức tôn giáo Nhật Bản tranh thủ một cách có hệ thống.

Ảnh hưởng Thiên thai tông. Vào thế kỷ VIII và IX, hầu hết những ngôi chùa ở tỉnh được nhà nước bảo hộ đều thờ Phật Dược Sư như là tượng chính. Giới quan lại triều đình phần lớn nương vào những nghi lễ để bảo vệ lợi ích quốc gia. Đồng thời, những du tăng và giới trí thức địa phương ở những tỉnh xa xôi giúp truyền bá tín ngưỡng Phật Dược Sư. Yui Suzuki cung cấp bằng chứng phong phú về những phát triển này, nhưng không thảo luận mở rộng, vì những chủ đề như vậy là thứ yếu đối với mục đích của bà, mà phải chứng minh rằng sự phụng thờ Phật Dược Sư được truyền bá chính yếu bởi Thiên thai tông như là phương tiện để đề cao Tối Trừng và để cạnh tranh với vị Tăng danh tiếng Không Hải (空海, Kūkai 774–835), Tổ sư của Chân ngôn tông (真言宗,Shingon). Suzuki viết rằng việc truyền bá Phật Dược Sư chính yếu bị kiểm soát bởi và nhằm vào giới ưu tú. Bà nói ít về sự tiếp nhận sau cùng của quần chúng bình dân hay vai trò thu nhỏ của vị Phật này ở trong đời sống tôn giáo hậu Heian, mà nó nhấn mạnh Phật giáo cho người bình dân.

Chữa đau mắt. Thiên thai tông đóng một vai trò then chốt trong việc phổ biến niềm tin vẫn còn phổ biến rằng Phật Dược Sư là tài giỏi trong việc chữa trị đau mắt. Câu chuyện có nguồn gốc vào thời Nanbokuchō (1336–1392) và liên quan đến vị Tăng sĩ Thiên thai có tên là Thanh Nhãn Tăng Đồ (清眼僧都, niên đại 1379) và phòng khám mắt của ông tại ngôi chùa Thiên thai là Minh Nhãn Viện (明眼院, Myōgen-in) tại tỉnh Aichi. Theo truyền thuyết, Phật Dược Sư hiện ra trước Thanh Nhãn Tăng Đồ trong một giấc mơ và hứa tiết lộ những bí ẩn của việc chữa mắt. Sáng hôm sau, Thanh Nhãn Tăng Đồ phát hiện cuốn sách y dược Hán phương y học (漢方醫學,Kanbō-igaku) ở trong chùa mà nó có thể giúp ông chữa trị thành công những người bị đau mắt. Cuốn sách của Thanh Nhãn Tăng Đồ đóng góp lớn lao cho việc phát triển nhãn khoa ở Nhật trong những thế kỷ sau.

Lễ Dược Sư hối quá (薬師悔過, Yakushi Keka)

JAANUS[4] nói: “Hối quá (悔過, Keka) là một thuật ngữ được sử dụng trong Phật giáo có nghĩa là sám hối những tội lỗi của ta, và đề cập đến việc tụng đọc cầu nguyện những vị Phật khác nhau để thể hiện sự sám hối. Khi buỗi lễ được tập trung vào Phật Dược Sư, thì nó được gọi là Dược Sư hối quá (Yakushi Keka). Một trường hợp đầu tiên của lễ Dược Sư hối quá xảy ra vào năm 747, khi những buổi tụng niệm được nói là nhằm cho việc chữa lành bệnh của hoàng đế Thánh Vũ (聖武 Shōmu). Buỗi lễ bao gồm việc tụng niệm lập đi lập lai danh hiệu Phật Dược Sư, và được nói là luôn được tiến hành vào ban đêm. Lễ này rất phổ biến vào thế kỷ VIII và IX, khi nó được tin làm an ổn tinh thần lo lắng của những người mà họ rơi vào trong những hỗn độn chính trị”.

Sách The Big Book of Reiki Symbols nói: “Trong những lễ Dược Sư hối quá, việc săn bắn bị ngăn chặn, những thú vật bị bắt được phóng thích, và đôi khi ngay cả những cuộc chiến cũng bị buộc dừng lại như một sự cúng dường lên Phật Dược Sư. Nghi lễ này có sự ảnh hưởng chữa trị nhanh chóng những bệnh mà chúng thông thường là nan y mà không có một thứ phép mầu nào có thể cứu được. Ở mức độ quốc gia, những cuộc chiến được dừng lại theo nghi lễ để ngăn chặn những dịch bệnh và những tai họa tự nhiên với năng lực của Phật Dược Sư. Để làm tăng lên sức mạnh chữa bệnh của ánh sáng mặt trời, những nghi lễ đốt nến thiêng liêng đồng thời được thực hiện ở trong Thiên thai Mật giáo dành cho cả Phật Dược Sư và Đại Nhật Phật (Dainichi Nyorai)”.

Truyền thống chà xát của Nhật Bản

Những tượng Dược Sư bên trong tầm với của người tín đồ thường được chà xát bóng lưỡng. Người ta chà xát những phần của tượng (đầu gối, lưng, đầu) rồi sau đó chà lên phần tương tự của thân thể mình, cầu nguyện Phật Dược Sư chữa lành bệnh của họ (ung thư, viêm khớp, đau đầu). “Truyền thống chà xát” như vậy cũng xảy ra đối với Đại Hắc Thiên (大黑天,Daikokuten, một trong bảy vị thần may mắn của Nhật), đối với Quan Âm (Fure-ai Kannon), và đối với Tân Đầu Lô (賓頭盧,Binzuru, được sùng kính rộng rãi nhất trong các La-hán ở Nhật). Tượng của các vị này thường hay bị mòn hỏng, khi người tín đồ chà xát phần của tượng tương ứng với những phần bị bệnh trên cơ thể. Tất cả ba vị này, cùng với Dược Sư, được cho là có thể chữa lành bệnh.

Thất Phật Dược Sư (七仏薬師, Shichibutsu Yakushi)

Thất Phật Dược Sư xuất hiện ở trong kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức (藥師琉璃光如來本願功德經) được Nghĩa Tịnh (義淨, Jp: Gijō, 635–713) dịch sang Hán ngữ vào năm 707. JAANUS nói: “Bảy vị Phật được nói cư trú tại những cõi về hướng Đông của thế giới chúng ta. Họ được nghĩ có hiệu nghiệm trong việc làm nguôi ngoai tinh thần thù hận của những người thất bại trong chính trị bị vướng vào trong những tai ương xã hội. Ở Nhật họ được miêu tả hoặc bằng bảy tượng độc lập hoặc, thường hơn, bằng sáu hoặc bảy tượng nhỏ gắn nơi hào quang của các tượng Dược Sư. Sự phổ biến và thờ phụng bảy vị đạt đến đỉnh cao vào thế kỷ VIII và IX. Ngày nay việc thực hiện nghi lễ giành cho họ - Thất Phật Dược Sư đích pháp (七仏薬師の法, Shichibutsu Yakushi-no-hō), ghi chép đầu tiên là đã được thực hiện bởi Tăng sĩ Thiên thai Ennin (/円仁 vào năm 850) –tồn tại chỉ ở trong Thiên thai tông, nơi nó được coi như là một trong bốn nghi lễ quan trọng (四箇大法, Shika Daihō) của “Sơn môn” (山門, Sanmon) hay của phái núi Hiei (比叡, Bỉ Duệ)”. Bảy vị này là:

1. Thiện Danh Xưng Cát Tường Vương (善名称吉祥王,Zen Myōshō Kichijō-ō Nyorai).

2. Bảo Nguyệt Trí Tối Quang Âm Tự Tại Vương (宝月智厳光音自在王, Hōgatsu Chigen Kō-on Jizai-ō Nyorai).

3. Kim Sắc Bảo Quang Diệu Hành Thành Tựu (金色宝光妙行成就, Konjiki Hōkō Myōgyō Jōju).

4. Vô Ưu Tối Thắng Cát Tường (無憂最勝吉祥, Muyu Saishō Kichijō).

5. Pháp Hải Lôi Âm (法海雷音, Hokkai Raion).

6. Pháp Hải Thắng Tuệ Du Hý Thần Thông (法海勝彗遊戯神通, Hokkai Shōe Yuge Jinzū).

7. Dược Sư Lưu Ly Quang (薬師瑠璃光, Yakushi Rurikō).

Bên cạnh mười hai đại tướng quân của Phật Dược Sư, hai vị thị giả của Ngài là Nhật Quang và Nguyệt Quang (Nikkō & Gakkō), và bảy hóa thân của Ngài, Phật Dược Sư được hộ tống bởi tám vị Bồ-tát ở trong Dược Sư bát Bồ-tát Mạn-đà-la (薬師八菩薩曼荼羅,Yakushi Hachibosatsu Mandala), mà nó được sử dụng trong những nghi lễ của phái Chân ngôn (真言,Shingon) Nhật Bản[5]. Tám vị Bồ-tát xuất hiện trong kinh Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai bổn nguyện công đức (藥師琉璃光如來本願功徳經, Yakushi Sutra) thuộc thế kỷ VII, cũng được biết như kinh Dược Sư (Bhaishajyaguru-vaidurya-prabha-raja-sutra). Tám vị Bồ-tát là:

1. Văn Thù (文殊, Jp: Monju, Skt: Mañjuśrī).

2. Quan Âm (観音, Jp: Kannon, Skt: Avalokiteśvara).

3. Vô Tận Ý (無盡意, Jp: Mujini, Skt: Akṣayamati). Từ điển Phật giáo điện tử (Digital Dictionary of Buddhism) nói: “Ý định vô tân, hay có nghĩa, tên của Akṣayamati, một vị Bồ-tát mà Phật Thích Ca Mâu Ni được cho đã thuyết phẩm Phổ môn (phẩm Avalokiteśvara) ở trong kinh Pháp hoa. Vị Bồ-tát này có thể quán sát tất cả mọi việc làm nhân quả (Skt. aparuṣā). [法華經 T 262.9.56c3].

4. Thế Chí, hoặc Đắc Đại Thế Chí (勢至 hay 得大勢至, Jp: Seishi, Skt: Mahāsthāmaprāpta).

5. Di Lặc (弥勒, Jp: Miroku, Skt: Maitreya).

6. Dược Vương (薬王, Jp: Yaku-ōSkt: Bhaisajyaraja, Bhaiṣajya-rāja). Vua thuốc; một trong hai anh em ở trong đoàn tùy tùng của Phật A Di Đà; tượng trưng cho năng lực thanh khiết của mặt trời. Trong các tranh họa, điển hình thể hiện nắm nhành liễu; liên hệ mật thiết với Phật Dược Sư; người anh của hai anh em, người đầu quyết định chọn sự nghiệp hành Bồ-tát chữa bệnh, sau đó thuyết phục người em chọn sự nghiệp tương tự; một trong 25 vị Bồ-tát đi cùng với Phật A Di Đà từ cõi Cực lạc đến giường người qua đời và sau đó đưa người quá vãng trở lại Tây phương Cực lạc hay Tịnh độ.

7. Dược Thượng (薬上, Jp: Yakujo,Skt: Bhaisajyasumudgata, Bhaiṣajyasamudgata); lương y tối thượng; một trong hai anh em trong đoàn tùy tùng của Phật A Di Đà; tượng trưng cho năng lực gột rửa của mặt trăng; trong các tranh vẻ, điển hình thể hiện nắm một nhành liễu; liên hệ mật thiết với Phật Dược Sư; người em trai của Dược Vương; một trong 25 vị Bồ-tát hộ tống Phật A Di Đà từ cõi Cực lạc đến giường người qua đời và sau đó đưa người quá vãng về Tây phương Cực Lạc hay Tịnh độ.

8. Bảo Đàn Hoa (寶檀華, Jp: Hodange, chưa tìm ra tên tiếng Sanskrit)[6].

88 ngôi chùa hành hương ở Shikoku

Ngay cả ngày này, Phật Dược Sư là một trong những vị Phật được kính mộ nhất ở Nhật Bản. Trong số 88 ngôi chùa hành hương ở Shikoku, 23 ngôi dành để thờ Phật Dược Sư, đứng thứ hai sau 29 ngôi dành thờ Bồ-tát Quán Thế Âm.

“Vị Phật quan trọng thứ hai trong 88 ngôi chùa ở đảo hành hương Shikoku được gọi là Phật Dược Sư (Yakushi Nyorai). Phật Dược Sư phát 12 thệ nguyện, nguyện thứ bảy là nguyện rằng Ngài sẽ giải trừ bệnh đau của những ai niệm danh hiệu ngài. ‘…nếu ai niệm danh hiệu của ta, bệnh của họ sẽ được ta chữa trị, thân và tâm của họ lập tức tan biến khổ bệnh’. Ngài được trợ giúp bởi hai thị giả thành tín là Nhật Quang và Nguyệt Quang (Nikkō & Gakkō), và cũng ở dưới sự điều khiển của Ngài là 12 vị đại tướng quân (Jūni Shinshō), những vị tượng trưng cho 12 đại nguyện. Ngài nhiều lần (và hầu như phổ biến) được mô tả mang một bình thuốc nơi một tay và chính từ bình thuốc này mà Ngài phân phát thuốc chữa trị. Những thuốc này chữa trị cả thân bệnh và tâm bệnh. Phật Dược Sư không được miêu tả ở Mandala Vajaradhatu (Kongokai), cũng không được mô ta ở Mandala Garbhadhatu (Taizokai). Trong các tượng Tây Tạng, Ngài được mô tả xinh đẹp ở nơi Mandala của chính Ngài, được gọi là “Dược Sư Phật Mandala”[7].

Chùa Dược Sư (Yakushi-ji)

Chùa Dược Sư, gần chùa Đường Chiêu Đề (唐招提寺, Tōshōdai-ji), là ngôi chùa được thành lập bởi hoàng đế Temmu vào thế kỷ VIII, để cầu nguyện cho vợ của mình, nữ hoàng Jito, qua khỏi một căn bệnh đe dọa tính mệnh. Nhưng số phận lạ lùng, hoàng đế đã băng hà, và chính nữ hoàng lại là người hoàn thành việc xây dựng ngôi chùa. Chính điện được trang trí mỹ lệ từng được gọi là “cung điện long vương trên đất”. Đông Tự (Tō-tō) ở vùng ngoại ô là kiến trúc nguyên thủy, mà nó được bảo quản cẩn thận và là biểu tượng của quận Nishi-no-Kyo. Ngôi chùa nổi tiếng này, một trong bảy đại tự của Nara và trụ sở của Duy thức tông (Hossō), được xây dựng vào năm 698 ở một khu khác của Nara và chuyển đến địa điểm hiện nay vào năm 718. Ngôi chùa nhiều lần bị hỏa hoạn và bị hủy hoại hầu như hoàn toàn vào những cuộc nội chiến của thế kỷ XV. Đông Tự nổi tiếng hiện còn như một trường hợp đáng chú ý của nghệ thuật thời kỳ Hakuho. Ngôi chùa này có những mái chèn vào được gọi là mokoshi giữa mỗi mái, và như vậy cho thấy có sáu tầng mái. Chính điện (kondo) hiện tại là được tái thiết tỉ mỉ vào năm 1976 theo thiết kế nguyên thủy và có một bảo vật quốc gia được gọi là Yakushi Trinity. Tượng trung tâm là Phật Dược Sư, hộ tống hai bên Ngài là hai vị Bồ-tát Nhật Quang và Nguyệt Quang.

Bồ Đào Dược Sư (葡萄薬師, Budō Yakushi)

Chùa Đại Thiện (大善寺, Daizenji) nằm ở quận Yamanashi có một tượng Phật Dược Sư ngồi nắm một nhành nho ở tay trái. Yamanashi là một xứ trồng nho làm rượu vang, và Bồ Đào Dược Sư (Dược Sư Nho) là vị Phật bảo hộ cho những nông dân trồng nho địa phương. Chánh điện của chùa Đại Thiện là một bảo vật quốc gia được chọn (niên đại 1286). Ngôi chùa khẳng định tượng Bồ Đào Dược Sư có niên đại từ thời Heian. Vì những lý do chưa biết (đối với tôi), Yui Suzuki không đề cập ngôi chùa này hay bức tượng này trong cuốn sách của mình, nhưng bà có ghi chú ngắn (tr.42) về một mô-típ cây nho quấn vào nhau trên ô van của bức tượng Dược Sư thế kỷ IX tại chùa Chứng Thành (證城寺, Shōjōji, ở Fukushima) – một mô-típ mà bà nói cũng được tìm thấy trên bệ của bức tượng Dược Sư bằng đồng nổi tiếng thuộc thế kỷ VIII tại chùa Dược Sư ở Nara.

Gabi Greve viết: “Đây là một bức tượng Phật Dược Sư đặc biệt, ở quận trồng nho làm rượu Yamanashi, thành phố Katsunuma (勝沼). Vào thời kỳ Nara, vị Tăng sĩ nỗi tiếng tên là Hành Cơ (行基, Gyoki)[8] đã viếng thăm vùng này và một đêm nọ có một giấc mơ đặc biệt về vị Phật này. Phật Dược Sư cầm một nhành nho trong tay phải, và tay khác nắm bình thuốc thường dùng của ngài. Khi thức dậy, Hành Cơ bắt đầu tạc tượng mà ông thấy trong giấc mơ, và đi đến thành lập chùa Đại Thiện (được chọn là một bảo vật quốc gia), là bức tượng vẫn được tôn trí. Đó là bức tượng Phật Dược Sư cầm nhành nho duy nhất ở Nhật Bản. Vào thời xưa, rượu nho là một trong những vị thuốc quý. Phật Dược Sư từ đó trở thành vị thần bảo hộ những nông dân trồng nho ở khu vực này. Đây cũng là khu vực cổ xưa nhất của Nhật nơi nho thật, không phải nho dại ở núi, được trồng. Họ làm một thức uống được gọi là Bồ đào tửu (葡萄酒, Budō Shu), khác chút ít với rượu vang, giống như rượu xa-kê Nhật Bản. Nhưng nghiên cứu gần đây nhất cho thấy rằng nho ở khu vực này có nguồn gốc từ vùng Caucasusvà có thể đã đến Nhật Bản thông qua Con đường tơ lụa và Phật giáo. Hoặc có thể do những loại chim di trú thả hạt?”

Đại Phật chùa Nhật Bản (Nihon-ji Daibutsu)

Đại Phật (Daibutsu,大仏) bằng đá tạc tại chùa Nhật Bản (日本寺, Nihonji) ở quận Chiba là một miêu tả Phật Dược Sư Lưu Ly Quang (薬師瑠璃光, Yakushi Rurikō). Bức tượng Phật (magaibutsu) tạc vào vách đá này cao 31.05 mét. Cùng với 1.500 bức tượng nhỏ hơn trong khu vực, nó được nghệ nhân Jingoro Eirei Ono (大野甚五郎英令, Đại Dã Thậm Ngũ Lang Anh Lệnh) và 27 học trò tạc vào những năm 1780 và 1790. Bức đại tượng này lớn gấp hai lần bức tượng Kamakura Daibutsu và Nara Daibutsu, khiến nó là bức tượng lớn nhất trong số những bức đại tượng Phật tiền hiện đại hiện còn của Nhật Bản. Chùa Nhật Bản có niên đại 725. Tại cùng địa điểm, chúng ta có thể thấy tượng 500 vị La-hán (Jp: Rakan), cũng như bức đại tượng Bồ-tát Quan Âm (Jp: Kannon Bosatsu) bằng đá cao 30 mét. Những tượng Bồ-tát Quan Âm mất hết 20 năm để khắc tạc. Tất cả những tượng này tọa lạc tại núi Nokogiri-yama (鋸山, Cứ San). Nghĩa đen của tên gọi ngọn núi này là “núi răng cưa”, vì hình thù của nó trông như những chiếc răng cưa.

Nguồn: onmarkproductions.com



[1] Bản Sanksrit của kinh này được phát hiện ở khu vực Gilgit thuộc Tây bắc Ấn Độ. Bản dịch Hán ngữ sớm nhất được quy cho Śrīmitra (帛尸梨蜜多羅; Jp: Haku Shirimittara) vào giữa năm 317 và 322.

[2] Yui Suzuki, Medicine Master Buddha: The Iconic Worship of Yakushi in Heian Japan, tr.1.

[3]Yui Suzuki, tr.132

[4] JAANUS là một từ điển online về thuật ngữ kiến trúc và lịch sử nghệ thuật Nhật Bản do Tiến sĩ Mary Neighbour Parent biên soạn.

[5] Nguồn: JAANUS.

[6] Tám vị này thể hiện tín tâm đối với con đường đến Tịnh độ của Phật A Di Đà. Có một bản kinh tên là Quán Dược Vương Dược Thượng nhị Bồ-tát kinh (觀藥王藥上二菩薩經, Kan Yaku-ō Yaku-jō Ni Bosatsu Kyō) mà ở đómiêu tả hai vị Bồ-tát Dược Vương (Yaku-ō) và Dược Thượng (Yaku-jō). Hai vị này là anh em trong đoàn tùy tùng của Phật A Di Đà. Người anh (Dược Vương) là người đầu tiên quyết định sự nghiệp của một vị Bồ-tát; ông thuyết phục em mình đi theo con đường ấy. Hai vị này đôi khi được miêu tả như là Tịnh Nhãn và Tịnh Tạng. Như là một cặp, họ có thể tượng trưng cho sự chẩn đoán và điều trị.

[7] Dẫn từ asunam.com

[8] Hành Cơ (Gyōki, 668-749) là hậu duệ của những người nhập cư Hàn Quốc. Ông là trụ trì chùa Đông Đại (Tōdai-ji, Nara), và là người gây quỷ xây dựng bức đại tượng Birushana, bức Đại Phật (Daibutsu) tại chùa Đông Đại.

Chia sẻ: facebooktwittergoogle