Biết ơn - Nền tảng của hướng thiện
biet on
Biết ơn, tiếng Pāli là kataññutā và thường đi đôi với từ katavedi.
Kataññutā nghĩa là khởi tâm biết ơn khi mình có được lợi ích từ việc thọ
nhận vật gì hay sự tử tế nào đó từ người khác, còn katavedi nghĩa là thể
hiện sự biết ơn đó qua lời nói hay hành động. Kataññutā khi đứng một
mình bao hàm cả nghĩa của từ katavedi. Biết
ơn, tiếng Anh là gratitude, xuất phát
từ gốc La-tinh là gratia, nghĩa là ơn huệ, biết ơn. Theo Pruyser (1976),
tất cả những từ xuất phát từ gốc gratia đều có nghĩa là “Phải làm tất cả mọi điều với lòng tốt, tâm lượng rộng
rãi, như là một món quà, cao đẹp trong việc cho và nhận một cái gì đó một cách không
vụ lợi” (tr.69). Emmons và Shelton (2002) định nghĩa biết ơn là “cảm giác kỳ diệu, cảm giác mang ơn và
ghi nhận giá trị cuộc sống” (tr.460). Trên phương diện đạo đức, biết
ơn là cơ sở để hình thành và nuôi dưỡng các tâm niệm lành, các hành động thiện
và những suy nghĩ tích cực trên con đường hướng thiện được cụ thể hóa qua các nội
dung sau:
Biết ơn giúp chúng ta đối
xử tốt với mọi người
Trong
Phật giáo, biết ơn là khái niệm dùng để chỉ cảm giác mang ơn và có ý muốn đền
ơn khi chúng ta thọ nhận một hành vi tốt
từ một người nào đó. Tachibana giải thích rằng, hình thức đền ơn căn bản và quan
trọng nhất liên hệ đến việc chu toàn bổn phận của người con đối với cha mẹ;
trái lại, bất hiếu với cha mẹ là một trong những tội ác lớn nhất của con người
(tr.235). Do đó, người biết ơn là người thực hiện hành vi đền ơn với tất cả như
một người con làm tròn bổn phận đối với cha mẹ, hay ít ra là xem tất cả như
người thân của mình. Cách đền ơn toàn tâm toàn ý như vậy đáng được thực hành và
nhân rộng trong cộng đồng xã hội. Mỗi người đều nên khởi tâm biết ơn người khác
như một bổn phận báo đền công ơn thọ nhận trong cuộc sống. Do đó, trong các mối
quan hệ xã hội, quá trình cho-nhận được thiết lập và thường xuyên diễn ra thì
sự thương yêu, tôn trọng và sẵn lòng làm tất cả những gì tốt đẹp cho người khác
là việc làm tất nhiên của những con người biết suy nghĩ và quán chiếu.
Cuộc sống là một
mạng lưới mà mỗi người là một mắt xích. Do vậy, chúng ta thọ ơn không chỉ với
những người thân hay những người mình trực tiếp có được lợi ích về vật chất hay
phi vật chất. Trong hàng ngàn các mối quan hệ chằng chịt và phức tạp, trực tiếp
cũng như gián tiếp, chúng ta thọ ơn ngay cả những người xa xôi mà chúng ta chưa
hề quen biết. Chúng ta không chỉ thọ ơn những người cùng thời đại với mình mà còn
chịu ơn những người của bao thế hệ trước nữa. Theo tinh thần Phật giáo, “Khoảng cách về không gian và thời gian không
làm ngăn ngại các mối quan hệ. Giáo lý luân hồi của các tôn giáo Ấn Độ, đặc biệt
là Phật giáo, dạy chúng ta hiểu rằng, trên thực tế, chúng ta không chỉ có quan
hệ với con người mà còn với tất cả chúng sanh” (Tachibana, tr.228).
Một sự thật rằng, chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi nói lời cảm
ơn ai đó, hoặc đón nhận lời cảm ơn từ người khác. Chúng ta sẽ phấn chấn khi có
ai đó nói rằng, chính mình làm cho họ thay đổi theo hướng tích cực và họ biết
ơn về điều này. Chúng ta cũng xúc động không kém khi mình đang gặp việc rắc rối,
có người tự nguyện tạm gác lại việc của họ để lăn xả vào cuộc giúp mình mà không
tính toán so đo. Cảm giác phấn chấn ấy có mặt vì chúng ta thấy việc mình làm
đem lại lợi ích thiết thực cho người khác. Cảm giác xúc động ấy là biểu hiện
lòng biết ơn của chúng ta dành cho người trải lòng chia sẻ trong lúc mình cần nhất. Trong
cả hai trường hợp, biết ơn và được biết ơn đều đem đến cho chúng ta niềm vui, tâm
lý an ổn và có cảm xúc cân bằng hơn. Khi chúng ta nhận được lợi ích từ công sức
và thiện chí của người khác dành cho mình, tâm niệm biết ơn có mặt, và khi ấy, chúng
ta trở nên tử tế hơn, vì hiểu rằng, không lúc này thì lúc khác, không cách này
thì cách khác, chúng ta đã, đang hoặc sẽ mang ơn mọi người. Ý niệm này giúp
chúng ta sống tử tế hơn với tất cả mọi người.
Biết ơn giúp chúng ta tận
tụy hơn trong công việc
Tấm gương sinh
động nhất về sự tận tụy trong công việc là Đức Phật. Sau khi thành đạo, việc đầu
tiên của Ddức Phật là thể hiện lòng biết ơn đối với cây bồ-đề đã che mưa chắn nắng
cho Ngài trong suốt thời gian Ngài tu tập cho đến khi chứng nghiệm đạo quả giác
ngộ. Nhiều sử liệu kể lại rằng, sau khi hưởng pháp lạc giải thoát, Ngài dành một
tuần để đứng trước cây bồ-đề, nhìn về gốc cây với ánh mắt tri ân. Ngài thể hiện
lòng biết ơn giáo pháp Ngài vừa tìm được một cách thiết thực nhất là tìm phương
pháp để chuyển tải pháp giải thoát đến số đông dân chúng vốn nhiều tầng lớp với
đủ các trình độ khác nhau. Khi đã tận tâm tận lực tìm được phương pháp truyền đạt
hiệu quả, Ngài bắt đầu cuộc hành trình hoằng truyền giáo pháp, một hành trình đền
ơn không có điểm dừng!
Đối tượng đầu
tiên Ngài nghĩ đến để trao gởi thông điệp giải thoát là hai vị thầy tâm linh đầu
tiên Ngài đã theo học trên con đường tìm cầu chân lý, đó là Alara Kalama và
Uddaka Ramaputta. Mặc dù Ngài không chứng đạt giác ngộ khi theo học giáo lý từ hai
vị này, nhưng họ là những vị ân nhân trợ duyên không nhỏ trên lộ trình tâm linh
của Ngài. Sau khi quán chiếu và biết cả hai vị đều đã mất, Ngài liền nghĩ đến
năm người bạn đồng tu khổ hạnh với Ngài trước đó. Đây cũng là những người Ngài từng
chịu ơn bởi lẽ nhờ họ mà Ngài biết đến các hình thức khổ hạnh để Ngài tự chiêm
nghiệm trong lúc hành trì. Cho dù đây chưa phải là con đường rốt ráo đưa đến
giác ngộ giải thoát, nhưng những trải nghiệm này là động cơ giúp Ngài toàn tâm
toàn trí để tìm ra lối đi riêng cho mình.
Một thời gian
sau, Ngài bắt đầu sự nghiệp hoằng pháp trong tinh thần biết ơn đến những đối tượng
khác. Đó là Ngài trở về hoàng cung hóa độ người thân của mình cũng trong tinh
thần biết ơn. Ngài độ các vị vua đương thời cũng trong tinh thần báo đáp. Suốt
một cuộc đời tận tâm tận lực không mệt mỏi, Ngài thực hiện cuộc hành trình độ
sinh trong tinh thần tri ân vô hạn. Thế nhưng, chúng ta quen nhìn Đức Phật là một
bậc đại giác ngộ, đại từ bi, đại công đức mà mấy ai thấy Ngài là bậc đại tri ân
đáng cho chúng ta học hỏi trọn đời. Không chỉ thể hiện hành vi giáo dục người
khác qua hành động của chính mình, Đức Phật còn thể hiện tinh thần tri ân trong
nhiều bài kinh. Trong kinh Điềm lành tối thượng (Mangala sutta - kinh số
4, phẩm Nhỏ, kinh Tập), Đức Phật dạy, biết ơn là một trong các điềm lành tối
thượng để tiến bộ trên lộ trình tâm linh.
Lòng biết ơn lại
được thể hiện rõ nét qua tấm gương của Tôn giả Sāriputta (Xá Lợi Phất), một trong các vị đệ tử lớn của của Đức
Phật. Sau khi gặp Tôn giả Assaji (Ác Bệ), Tôn giả Sāriputta hiểu được lý nhân duyên và tỏ ngộ chân lý. Từ đó, Tôn
giả Sāriputta cống hiến trọn vẹn
cuộc đời mình trong sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp để đền đáp ơn lành được gặp
Chánh pháp. Tôn giả có trí tuệ siêu tuyệt và phương pháp giảng dạy giáo pháp của
Tôn giả thật là đặc biệt. Tôn giả là một trong số ít các đệ tử của Đức Phật có
thể thay Đức Phật thuyết pháp cho đại chúng, giảng giải chi tiết, phân tích cụ
thể các vấn đề giáo pháp sau khi được Đức Thế Tôn tuyên thuyết một cách vắn tắt
và các bài pháp thoại ấy đều được ghi lại trong một số kinh Nikāya (điển hình như Trung bộ kinh số 5: kinh Không uế nhiễm;
Trung bộ kinh số 144: kinh Giáo giới
Chanda; Tương ưng bộ kinh, tập IV, chương X, kinh Sāriputta-Kotthika; Tăng chi bộ kinh, chương
II, phẩm IV, kinh số 5: Đất; Tăng chi bộ kinh, chương III, phẩm III, kinh số
21: Chứng thực với thân; chương III, phẩm XIII, kinh số 128: Anuruddha;
chương III, phẩm XVI, kinh số 158: Thối đọa; chương IV, phẩm XVIII, kinh số
173: Phân tích). Tôn giả là cánh tay đắc lực của Đức Phật trong quá trình
truyền bá Chánh pháp. Tấm gương tri ân và báo ân của Ngài thật đáng để chúng ta
ngưỡng mộ và noi theo.
Như vậy, biết
ơn và dốc lòng tận tụy sống một cuộc đời đem lại lợi ích cho mọi người để đền
ơn là đặc tính tự nhiên của bậc trí, tựa như chúng ta hít thở khí trời. Người
trí thực hành lòng biết ơn và đền ơn trong tinh thần phục vụ như một bản năng,
một bổn phận. Với trí tuệ siêu phàm và tâm từ rộng lớn, người trí rõ biết và cảm
nhận được những lợi ích có được từ con người và cuộc sống xung quanh. Nếu không
cảm nhận được điều này từ bản chất, việc phát khởi tâm biết ơn là một điều
không phải dễ dàng, và càng khó hơn là thể hiện tâm biết ơn đó bằng sự tận tụy và
hết lòng trong công việc.
Biết ơn giúp chúng ta thực
hành pháp bố thí tốt hơn
Chính vì muốn
nuôi dưỡng tâm niệm biết ơn các thành phần xã hội trong cộng đồng để tiến bộ và
từng bước hoàn thiện nhân cách của mình, Đức Phật dạy các đệ tử của Ngài cần phải
bố thí như là biểu hiện của lòng biết ơn. Mình biết nhận từ người khác và có được
lợi ích từ sự thọ lãnh này thì cần phải khởi tâm ban tặng như một quy luật của
cuộc sống. Ngài dạy “Có hai loại bố thí, đó là bố thí tài vật và bố thí pháp. Trong hai
loại bố thí này, pháp thí tối thắng hơn” (Pháp cú, câu 354; Tăng chi bộ kinh, chương II, phẩm XIII: Bố thí). Người đệ tử xuất
gia của Ngài chuyên tâm học pháp và hành pháp, thì sẽ có pháp làm món quà tối
thượng để chia sẻ với mọi người. Do đó, cả cuộc đời của người xuất gia là tận tụy,
chuyên tâm tu học để thể hiện lòng biết ơn và đền ơn đối với mọi người, mọi
loài trong vòng duyên sinh kết nối rộng lớn này qua cách thức cho đi và nhận lại.
Theo truyền thống,
Đức Phật dạy, người xuất gia không trực tiếp làm một nghề nào như người cư sĩ để
nuôi sống bản thân (kinh Di giáo) mà sống
tùy vào sự phát tâm cúng dường của hàng cư sĩ tại gia để nuôi dưỡng tâm niệm tri
ân thông qua việc chuyên tâm bố thí món quà tâm linh đến hàng cư sĩ ngoại hộ. Trong
khi đó, người cư sĩ còn phải làm nhiều bổn phận ở đời, phải làm các nghề để kiếm
kế sinh nhai, nên chưa thể toàn tâm dành hết thời gian trong ngày để học pháp
và hành pháp. Họ mong được hiểu giáo pháp Đức Phật được truyền đạt từ người xuất
gia và đáp lại, họ có điều kiện để cúng dường tài vật đến các bậc thầy tâm linh.
Những lời Đức Phật dạy được ghi lại trong nhiều kinh rằng, người xuất gia là ruộng
phước tối thượng để người cư sĩ gieo trồng công đức (Tăng chi bộ kinh, tập 1, chương III, phẩm 7, mục 70: Các lễ Uposatha; mục
75: Cần phải khích lệ; phẩm 10: phẩm Hạt muối; mục 94: Con ngựa thuần thục; phẩm
14: Kẻ chiến sĩ, mục 131: Kẻ chiến sĩ). Do đó, người xuất gia bố thí pháp,
người cư sĩ tại gia cúng dường tài vật là việc làm nhằm tạo cho đôi bên ý thức
được cuộc sống do duyên nhau mà tồn tại trong quan hệ cho-nhận trực tiếp giữa
người xuất gia và tại gia, qua đó thể hiện và nuôi dưỡng tâm niệm biết ơn. Mỗi
người nương vào pháp bố thí này như một bài thực hành căn bản để khởi niệm biết
ơn dễ dàng hơn đến với những người không tham gia vào vòng cho-nhận trực tiếp.
Từ ý niệm biết ơn trong quan hệ cho-nhận, chúng ta tự nhắc nhở mình - phải biết
cho đi để xứng đáng với những gì mình đang nhận lại từ cuộc đời này. Với tâm niệm
biết ơn như vậy, mỗi người nên có trách nhiệm với nhau hơn, mở rộng khối óc và
đôi tay, sẵn sàng thực hành bố thí trong tinh thần “món vay món trả phải đồng”.
Biết ơn giúp chúng ta hài
lòng với cuộc sống thực tại
Khi thấy mình là kẻ
thọ ơn, chúng ta dễ dàng có cảm giác hoan hỷ chấp nhận và có tâm lý hài lòng,
bằng lòng với những gì mình đang có hay vị trí mình đang là. Cảm giác này hoàn
toàn chủ quan và mang tính tương đối. Cùng trong một điều kiện sống, người hài
lòng thì cảm nhận được hạnh phúc, an lạc, nhưng người không hài lòng thì cảm
nhận sự đau khổ, bất an. Cùng trong một môi trường, không gian sống, khi này chúng
ta hài lòng, lúc khác chúng ta lại không vừa ý. Với vật chất thế gian, con
người chỉ có được trạng thái hài lòng tạm thời mà thôi. Tâm chao đảo, mất cân
bằng do tham đắm và bám víu vào những gì chúng ta ưa thích, từ chối và đẩy ra
những gì chúng ta không ưa thích khiến chúng ta khó có được sự hài lòng lâu bền.
Chỉ khi nào biết trân quý những gì chúng ta đang có, đang sử dụng với ý niệm
biết ơn, biết đủ, chúng ta mới dừng tâm đòi hỏi và tìm cầu để sống một cuộc đời
trọn vẹn với thực tại.
Thường xuyên thực hành
hạnh biết ơn sẽ giúp chúng ta có cuộc sống hạnh phúc, vui vẻ và an lành. Người
không hài lòng với những gì mình đang có thì không thể ý thức được rằng mình
đang thọ ơn người khác. Do vậy, thay vì khởi niệm biết ơn, họ chỉ có thể khởi
tâm phàn nàn. Biết ơn, đơn giản là có cảm giác mình là người thọ lãnh và ghi
nhận giá trị của những gì mình nhận được từ con người và cuộc sống. Ý niệm biết
ơn là mạch máu làm tươi nhuận con tim, nuôi dưỡng khối óc và tưới tẩm tâm hồn
chúng ta. Có rất nhiều cơ hội để chúng ta có thể khởi tâm cảm ơn người khác.
Với cảm nhận đầy đủ về những gì mình đang có và những gì mình đang trải qua đủ
để chúng ta khởi niệm biết ơn. Thân thể, vóc hình, trí tuệ, sắc đẹp, sức khỏe,
tài sản, tình cảm chúng ta sở hữu trong kiếp sống này đủ để nhắc chúng ta khởi
niệm cảm ơn những gì cuộc đời ban tặng. Từ trong ý niệm biết ơn, chúng ta biết
cách sử dụng những gì chúng ta đang có để đem lại lợi ích cho mình, cho người,
sống một cuộc đời đáng sống. Đây là cách thể hiện tinh thần biết ơn và đền ơn
một cách thiết thực nhất.
Chúng ta có thể làm
cho cuộc sống trở nên phong phú và giàu có với tâm niệm biết ơn. Bằng cách ghi
nhận thân và tâm này vốn đã được vay mượn từ cha mẹ thuở mới sinh ra, ghi nhận những
gì chúng ta đã, đang và tiếp tục thọ nhận từ người khác trong cuộc sống hằng
ngày, ghi nhận giá trị ấy để luôn nhắc nhở mình sống trong tinh thần biết ơn.
Chúng ta có trọn quyền và có đủ khả năng điều khiển ý tưởng của mình để đạt được
hạnh phúc và bình an trong cuộc sống trên nền tảng của tâm niệm biết ơn. An lạc
hay đau khổ, thật ra phần lớn đều do mình chọn lựa hơn là do hoàn cảnh hay từ những
thứ bên ngoài đem lại, và tinh thần tri ân và báo ân sẽ giúp ta trong việc này.
Khởi niệm biết
ơn không có nghĩa chúng ta phủ nhận - những buồn đau, thất vọng xảy ra với mình
như một phần trong cuộc sống. Biết ơn là nhận ra mình còn được nhiều thứ từ cuộc
đời này và hãy lấy những cái có được ấy làm toa thuốc trị bệnh đau buồn. Một
khi chúng ta phàn nàn, nghĩa là chúng ta cảm thấy thiếu thốn hay không hài lòng
với cuộc sống hiện tại thì chúng ta có thể khởi lên ý niệm biết ơn chăng? Cứ
quay lại nhìn mình, nhìn lại những gì mình đang có, đủ để chúng ta khởi niệm cảm
ơn, để tâm hồn bình an và cảm thấy hài lòng với cuộc sống còn nhiều điều bất
toàn này. Vấn đề là khi biết khởi tâm biết ơn, chúng ta có đủ khả năng vượt trên
những đau buồn như một cơ hội để trưởng thành. Người khôn ngoan biết lấy nghịch
cảnh làm cơ hội để học hỏi và tự thân biết cách vươn lên từ trong bĩ cực nhằm hóa
giải và thăng hoa nỗi đau thành niềm vui. Rác rưởi có thể sử dụng thành dưỡng
chất cho cây lá tươi xanh đâm chồi nảy lộc, cho hoa trái khoe hương tỏa sắc giữa
đất trời.
Khi
chúng ta chú ý đến điều gì, cái đó trở nên quan trọng và chiếm vị trí trung tâm
trong tất cả suy nghĩ, ý tưởng của mình. Hơn thế nữa, bao nhiêu ý tưởng liên
quan đến từ khóa ấy cũng lần lượt xuất hiện. Ví như khi chúng ta gõ một từ khóa
nào đó vào hệ thống tìm kiếm trên mạng, như Google chẳng hạn, thì lần lượt từng
trang một, bao nội dung liên quan đến từ khóa ấy đều xuất hiện, chúng ta dễ
dàng tìm tiếp và tìm tiếp nữa. Cũng như vậy, khi có một ‘từ khóa’ nào đó xuất
hiện trong ý tưởng, ví dụ đó là một điều chúng ta ước muốn. Thế là biết bao ý
tưởng đều từ đó phát sinh. Tương tự chim bay theo đàn, ý tưởng cuộn theo từng
mảng chứ không tồn tại riêng lẻ bao giờ. Một sự thật rằng, chúng ta không nhận
được những gì mình mong muốn, nên chúng ta không hài lòng với cuộc sống hiện
tại. Nếu mỗi ngày chúng ta dành 5 phút để ước muốn thì thời gian 1.435 phút còn
lại (24 tiếng đồng hồ là 1.440 phút) trong ngày chỉ để lo lắng, suy nghĩ. Vậy liệu
những mong muốn của mình có thành tựu hay không? Ham muốn chỉ đến với người
không hài lòng thực tại và không biết cách khởi niệm biết ơn. Do đó, người
không biết ơn thì tâm luôn lăng xăng bận rộn mà không thể hướng thượng và hướng
thiện. Nếu chúng ta bình tâm quan sát bản thân mình với tất cả năng lực mình
đang có, những gì mình đang sở hữu thì chúng ta sẽ đi đúng hướng trong việc dự
đoán, chứ không phải mong cầu cho thỏa mãn lòng tham. Làm được thế này, tâm
chúng ta sẽ trú trong “ngưỡng an toàn” và không quá bận rộn vô ích với những điều
xa rời thực tế với tâm lý mệt mỏi, nhọc nhằn vì mong cầu mà không đạt được.
Thay vì lao tâm khổ trí vì những ý tưởng tiêu cực do lo lắng, sợ hãi tạo ra, ý
niệm biết ơn sẽ giúp chúng ta trở nên an ổn và thanh thản hơn trong cuộc sống.
Biết
ơn giúp chúng ta bớt đi ý tưởng chấp ngã, mở rộng tâm hồn
Một lợi ích
nữa là khi chúng ta biết khởi niệm biết ơn thì ý niệm chấp ngã của chúng ta vơi
dần. Bằng cách thực hành biết ơn, chúng ta ý thức rõ ràng rằng, chúng ta đơn
giản chỉ là một phần không thể tách rời của một bộ phận lớn hơn. Càng ý thức rõ
ràng về mối quan hệ duyên sinh giữa mình và thế giới lớn hơn bên ngoài, chúng
ta càng trở nên khiêm tốn hơn, thấy mình bé nhỏ lại và phụ thuộc nhiều vào thế
giới chúng ta đang sống. Bớt đi ý niệm chấp ngã không có nghĩa là chúng ta đánh
mất mình mà là biểu hiện về sự trưởng thành của nhận thức, là sự trưởng thành
về khả năng giữ tâm thăng bằng và an lạc nhờ vào tâm niệm biết ơn.
Sống trên đời
này, chúng ta không thể tồn tại, đó là chưa nói đến thành công, nếu không có
cha mẹ, thầy, bạn và nhiều người thân hay không thân khác nữa. Hẳn là ít nhất chúng
ta không thể không mang ơn những người này. Ý tưởng “những gì tôi có được ngày
hôm nay là do bản thân tôi, không ai giúp cả” chỉ phản ánh cái nhìn thiển cận
của người vô ơn và chấp ngã mà thôi. Chính tâm niệm biết ơn giúp chúng ta hạnh
phúc trong vòng tay của người thân như cha mẹ, thầy tổ, bạn bè. Đây là động cơ
để mở lòng sống tốt với mọi người và là cách hướng đến con đường thánh thiện
trong mọi tình huống. Khi bắt đầu cảm nhận được lợi ích và ý
nghĩa với những gì mình trải nghiệm, chúng ta dễ dàng thấy điều hay, lẽ đẹp nơi
người khác. Biết ơn giúp cho chúng ta có niềm tin nhiều hơn trong các mối quan hệ.
Biết ơn giúp chúng ta cảm nhận được những gì mình thọ nhận từ người khác để dễ
dàng khởi niệm đền ơn. Lưu tâm đến cái tốt, cái đẹp thì những tâm niệm và hành
động tốt đẹp dễ dàng phát sinh và chúng ta có thể nhân rộng những điều thiện lành
trong cuộc sống và rộng dần ra từ nơi chúng ta sinh sống.
Với tâm rộng mở
trong tinh thần biết ơn, chúng ta dễ tha thứ hơn, nhờ đó các vết đau tâm lý dễ chữa
lành hơn. Tha thứ là chìa khóa để chữa lành vết thương tâm lý và cảm xúc, đồng
thời, tha thứ chỉ có thể làm được khi khởi lên ý niệm biết ơn. Trong đau buồn
mà vẫn thấy mình “được” chứ không mất, chúng ta mới có thể khởi niệm biết ơn và
dễ dàng tha thứ. Tha thứ có thể thuần túy diễn ra từ trong ý niệm thông qua trị
liệu, thiền định, thực hành tâm từ bi và sẵn lòng cảm thông đối với tất cả mọi
người. Tha thứ cho chính mình hay người nào đó là chất liệu nuôi dưỡng chúng ta
trưởng thành hơn và chữa lành vết thương lòng nhanh hơn.
Biết ơn giúp chúng ta vững
vàng hơn trong cuộc sống
Trong
những tình huống khó khăn nhất, tâm chúng ta chùn xuống và các tâm lý tiêu cực đua
nhau xuất hiện trên bề mặt ý thức. Điều này làm cho nỗi đau trương phồng thêm
lên một cách không cần thiết. Trong những tình huống như vậy, nếu chúng ta bình
tâm nhìn lại để kịp nhận ra rằng, những gì chúng ta đang có, kể cả nỗi khổ niềm
đau vừa lưu dấu trong tâm, là món quà vô giá để chúng ta khởi tâm cảm ơn tất
cả. Sự mất mát để lại niềm đau, nhưng đáng giá hơn là bài học vô thường sinh
động mà cuộc đời ban tặng. Chúng ta hãy biết ơn điều này và với tâm lý biết ơn
như vậy, đau thương mất mát được chữa lành nhanh chóng.
Biểu hiện lòng
biết ơn đối với người khác có nghĩa là chúng ta đang dành cho người ấy một sự
ghi nhận và hỗ trợ tinh thần với ngụ ý rằng việc người ấy làm cho chúng ta là
có ý nghĩa. Điều này tạo cho người ấy tăng thêm niềm tin việc mình làm là đúng,
từ đó khởi tâm hoan hỷ, tinh thần phấn chấn hơn và sống bình an hơn.
Nếu
thường xuyên khởi niệm biết ơn, chúng ta sẽ dễ dàng nhận ra những thay đổi mới
mẻ trong ta và trong cuộc sống. Đồng thời, chúng ta cũng cảm nhận được sự đóng
góp của người khác vào sự thành công của bản thân mình một cách dễ dàng. Mỗi
bước tiến trên lộ trình tâm linh là mỗi cơ hội để chúng ta thể hiện tâm biết ơn
của mình. Biết ơn chính là động cơ, là nền tảng cho mỗi bước tiến trên con
đường hướng thiện của bản thân mỗi người. Với sự biến đổi không ngừng của môi
trường và cuộc sống, chúng ta phải luôn xem lại mình để thích ứng với hoàn cảnh
hiện tại. Mỗi lần thích nghi với môi trường hay hoàn cảnh mới, chúng ta có cơ
hội cảm ơn tất cả để chúng ta có thể vươn lên một nấc thang cao hơn, một trạng
thái hài lòng được thiết lập trong quá trình tu tập.
Ngay cả trong
hoàn cảnh không như ý, chúng ta cũng nên khởi tâm biết ơn vì nhờ có khó khăn,
thất bại chúng ta mới có dịp hiểu rõ khả năng thực tế và kỹ năng xoay xở tình
huống của bản thân, cũng như có dịp quan sát những tâm lý khởi lên và dâng trào
đến mức độ nào trong bối cảnh bất như ý đó. Đây là cơ sở quan trọng để chúng ta
định hướng, hạ quyết tâm để đứng vững và bước chắc trên con đường hướng thượng nhằm
hoàn thiện nhân cách của mình.
Biết
ơn đem lại nhiều lợi ích từ cơ thể khỏe mạnh đến tâm lý ổn định, tinh thần sảng
khoái và làm tươi mát cuộc sống nội tâm cũng như trong các quan hệ giao tiếp
với người xung quanh. Nếu thường xuyên khởi niệm biết ơn, chúng ta sẽ có cái
nhìn thực tế, rõ ràng và chính xác hơn qua lăng kính duyên sinh về khả năng
thực tế của bản thân, về sự góp phần của con người, môi trường và những sắc màu
mình trải nghiệm trong cuộc sống hằng ngày. Qua lăng kính của biết ơn, mọi vật trở
nên trong sáng hơn, con người ngày càng trưởng thành hơn và cuộc sống mỗi ngày càng
thêm tươi đẹp hơn.
Tài liệu tham khảo
Emmons, R A. & Shelton, C. M. (2002). Gratitude and the science of positive
psychology. In: Handbook of positive
psychology. Snyder, C. R.; Lopez, Shane J.; New York, NY, US: Oxford
University Press. 459-471.
Pruyser, P.W.
(1976). The minister as diagnostician:
Personal problems in pastoral perspective.
Philadelphia, PA: Westminster Press.
Tachibana (1992/1975). The ethics of Buddhism. London: Curzon Press.
Thích Minh Châu (dịch) (1996). Tăng chi bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam ấn hành.
Thích Minh Châu (dịch) (1997). Trung bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam
ấn hành.
Thích Minh Châu (dịch) (1997). Tương ưng bộ kinh. TP. Hồ Chí Minh: Viện Nghiên cứu Phật học Việt
Nam ấn hành.